Ngày ngư phủ quốc tế

Linh Tiến Khải


Ngày ngư phủ quốc tế

Hàng năm vào ngày 21 tháng 11 cộng đồng ngư phủ thế giới cử hành Ngày đánh cá quốc tế. Ngày này có mục đích lôi kéo sự chú ý của mọi người đối với tình trạng tạm bợ của nhiều người sống về nghề đánh cá, cũng như tầm quan trọng của việc giữ gìn các tài nguyên cá trên thế giới.
 Đây là lý do sứ điệp của Hội Đồng Toà Thánh Mục vụ cho người di cư và lao động gửi ngày này. Sứ điệp năm nay kêu gọi chú ý tới nhiều ngư phủ phải sống trong các tình trạng bị khai thác bóc lột và lạm dụng. Ngoài việc tố cáo sự hiện hữu của một mạng lưới các tổ chức tội phạm và các cá nhân tạo thuận tiện cho tội phạm đó, sứ điệp cũng hướng tới các chính quyền và yêu cầu phê chuẩn Hiệp định lao động đánh cá năm 2007, để cho hiệp định có hiệu lực. Cũng nhân dịp cử hành Ngày ngư phủ quốc tế, Hội Đồng Toà Thánh Mục vu cho người di cư và lưu động tổ chức một buổi diễn thuyết tại trụ sở Lương Nông Quốc Tế, viết tắt là FAO, tại Roma về đề tài “Việc vi phạm các quyền trong lãnh vực đánh cá và viêc đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không hợp luật lệ”. Tổ chức FAO và quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh tổ chức cũng bảo trợ cuộc hội thảo nói trên. Trong số các thuyết trình viên cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh Mục vụ cho người di cư và lưu động.
ĐHY Vegliò viết trong sứ điệp gửi Ngày ngư phủ quốc tế: Từ năm 1998 ngày 21 tháng 11 hàng năm được cử hành như Ngày ngư phủ quốc tế, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đại dương và sự sống của biển khơi cung cấp thực phẩm cho hàng tỷ người trên thế giới và cơ may tạo công ăn việc làm cho hơn 50 triệu người.
Trong Thông điệp Laudato si’ ĐGH Phanxicô  nhắc tới vài đe dọa chống lại các tài nguyên thiên nhiên của biển và gây ra sự tàn phá chúng: “Ngày nay có nhiều trong số các dẫy san hô trên thế giới khô cằn hay đang liên tục suy thoái: Ai đã biến thế giới hải dương tuyệt vời của chúng ta thành các nghĩa trang duới nước bị tước đoạt sự sống và mầu sắc như thế?”. Hiện tượng này một phần lớn là do sự ô nhiễm xảy ra cho biển khơi như hậu quả của nạn phá rừng già, nông nghiệp chỉ trồng một thứ ngũ cốc, các rác thải của kỹ nghệ và các phương thức đánh cá tàn phá, đặc biệt là các kiểu đánh cá dùng chất cianuro và thuốc nổ (s. 41). Bởi vì đây là một gia tài chung của nhân loại, ĐTC Phanxicô kêu gọi từng người trong chúng ta cộng tác, như các dụng cụ của Thiên Chúa, trong việc giữ gìn thụ tạo, mỗi người với nền văn hóa và các kinh nghiệm riêng của mình, với các sáng kiến và khả năng riêng” (s. 14).
Chính vì thế chúng ta nóng lòng chờ đợi việc thực thi Thỏa hiệp về các biện pháp của chính quyền trong việc phòng ngừa, làm nản lòng và loại trừ việc đánh cá bất hợp pháp, không tuyên bố và không theo luật lệ, được tổ chức Lương Nông Quốc Tế chấp nhận như thoả hiệp năm 2009. Sau nhiều năm cố gắng ngoại giao, sau cùng nó đã có hiệu lực ngày mùng 5 tháng 6 vừa qua, và có giá trị bắt buộc trên bình diện pháp luật đối với 29 nước và tổ chức vùng miền đã ký nhận nó. Qua việc chấp nhận và thực thi các biện pháp hữu hiệu của chính quyền, thoả hiệp đó là thoả hiệp quốc tế đầu tiên bó buộc phòng ngừa, làm chán nản và loại trừ việc đánh cá bất hợp pháp, không đuợc tuyên bố và không có luật lệ điều hành, một vấn đề môi sinh quan trọng gây ra các thiệt hại kinh tế, và là một đe dọa đối với an ninh thực phẩm của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, nỗi âu lo của chúng tôi không chỉ hạn chế ở các tài nguyên hải sản. Kỹ nghệ đánh cá được thừa nhận một cách rộng rãi rằng nó là một trong các kỹ nghệ nguy hiểm nhất thế giới vì các tai nạn thường xuyên trong công việc và có số tử vong rất cao. Vì thế trong Ngày ngư phủ quốc tế này chúng tôi cũng muốn kêu gọi việc chú ý tới nhiều ngư phủ sống trong các tình cảnh bị khai thác bóc lột và lạm dụng.
Rất tiếc là thực tại thê thảm này không đuợc biết tới, trong đó, trong kỹ nghệ đánh cá, có hàng trăm ngàn người di cư bên trong biên giới, và ngang qua các quốc gia là nạn nhân của nạn buôn người, và bị chỉ định cho lao động cưỡng bách trên các tầu đánh cá.
Điều này được tạo ra dễ dàng bởi một mạng lưới tội phạm có tổ chức và các cá nhân khai thác những người đến từ các vùng đất bần cùng và tuyệt vọng đi kiếm một công ăn việc làm có thể giúp họ bẻ gẫy cái vòng của nghèo túng. Trái lại, họ rơi vào cảnh là nạn nhân của nạn buôn người và nô lệ vì nợ nần, thường khi không có lối thoát nào. Điều này xảy ra vì các tầu đánh cá ở ngoài khơi trong các thời gian lâu, từ vài tháng cho tới nhiều năm, và sự kiện này tạo khó khăn, nếu không nói là đối với các nạn nhân của các tội phạm này không thể tố cáo các tình trạng như thế.
Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô: “Nạn buôn người là một tội phạm chống lại nhân loại. Chúng ta phải hiệp lực để giải thoát các nạn nhân và để ngăn chặn tội phạm ngày càng hiếu chiến này, đang đe dọa ngoài các cá nhân riêng rẽ, còn đe dọa cả các giá trị nền tảng của xã hội, và cả nền an ninh và công lý quốc tế nữa, cũng như nền kinh tế, gia đình và chính cuộc sống xã hội”, chúng tôi, như là Giáo Hội công giáo, chúng tôi lại hướng tới các chính quyền để họ phê chuẩn Hiệp định năm 2007 của Văn phòng lao động quốc tế  về nghề đánh cá, hầu tạo ra một môi trường an ninh trên các tầu đánh cá, và cải tiến các điều kiện hạnh phúc của các ngư phủ. Vào tháng 10 năm 2016 Hiệp định đã đươc phê chuẩn bởi 9 nước có bờ biển, và như thế còn cần có sự phê chuẩn của một nước nữa thôi để nó có hiệu lực.
Trong khi chúng tôi bầy tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với các linh mục tuyên uý và các thiện nguyện viên của tổ chức Tông đồ Biển, vì sự tận tụy và dấn thân của các vị, chúng tôi mời gọi các vị tỉnh thức và gia tăng sự hiện diện của mình tại các bến cảng đánh cá, để nhận diện và trợ giúp các nạn nhân của nạn buôn người. Tổ chức Tông đồ biển cũng cần phải làm việc một cách chặt chẽ hơn với các vị hữu trách của các cộng đoàn ngư phủ để giáo dục và phòng ngừa nạn buôn người, bằng cách đề nghị các phương thức khác có thể giúp công việc làm và trợ đới cho họ.
Xin Đức Maria, Sao Biển, tiếp tục là suối nguồn sức mạnh và chở che đối với tất cả các người sống về nghề đánh cá và gia đình họ.
Hai mươi chín nước đã ký nhận được ĐHY Vegliò nhắc tới trong sứ điệp trên đây là các nước: Australia, Barbados, Chile, Costa Rica, Cuba, Cộng hoà Dominicana, Liên hiệp Âu châu như là tổ chức thành viên, Gabon, Guinea, Guyana, Islen, Đảo Maurizio, Mozambic, Myanmar, Niu Dilen, Na Uy, Oman, Palau, Cộng hòa Đại Hàn, Saint Kitts và Nevis, Seychelles, Somalia, Nam Phi, Sri Lanka, Sudan, Thái Lan, Tonga, Hoa Kỳ, Uruguay và Vanuatu. Liên quan tới việc đánh bắt cá bất hợp pháp hàng năm có tới 26 triệu tấn cá bị đánh bắt bất hợp pháp, tức chiếm 15% tổng lượng cá đánh được trên toàn thế giới. Trong khi 9 nước mới phê chuẩn hiệp định năm 2007 của Văn phòng lao động quốc tế về đánh cá hồi tháng 10 vừa qua là Angola, Argentina, Bosni Erzegovina, Congo, Estonia, Pháp, Marốc,  Na Uy và Nam Phi.
Sứ điệp của Hội Đồng Toà Thánh Mục vụ cho người di cư và lưu động năm nay tố cáo nạn buôn người và nô lệ lao động trong kỹ nghệ đánh cá. Nó cho thấy các tổ chức tội phạm buôn người len lỏi vào mọi lãnh vực sinh hoạt cuộc sống, kể cả kỹ nghệ đánh cá.
Sự kiện cuộc sống của những người làm việc trong lãnh vực này rất cơ cực không phải là điều xa lạ. Họ phải vắng nhà trong nhiều tháng trời, sống lênh đênh trên biển cả, với trời mây và đại dương ngút ngàn, đêm ngày cô đơn, bị cắt đứt với xã hội. Ngoài các tình trạng bão táp to lớn, trong nhiều vùng biển, đặc biệt là ngoài khơi Somalia, họ có thể bị các tổ chức cướp biển bắt làm con tin đòi tiền chuộc. Và cũng có nhiều khi họ bị mất mạng. Tất cả những hoàn cảnh đó tạo ra nhiều áp lực tâm lý đè nặng trên cuộc sống thường ngày của họ. Đó là chưa kể tới các tệ đoan có thể nảy sinh từ các hoàn cảnh sống như thế, như rượu chè, cờ bạc nghiện ngập ma tuý, và cám dỗ sống trác táng. Chính để trợ giúp họ mà có Hội Đồng Toà Thánh Mục vụ cho người di cư và lưu động và tổ chức Tông Đồ Biển với sự hiện diện của các linh mục tuyên uý và các nhân viên thiện nguyện hoạt động tại các bến cảng, nhằm săn sóc và đáp ứng các nhu cầu tâm lý thiêng liêng của họ, cũng như trợ giúp gia đình họ. Sự kiện có tới 50 triệu người hoạt động và sống về nghề biển hay có các sinh hoạt liên quan tới lãnh vực kỹ nghệ đánh cá, tạo thành một lãnh vực tông đồ mục vụ mênh mông, đòi hỏi có nhiều nhân lực dấn thân đem Chúa đến cho các người sống về nghề biển, trong đó không chỉ có các ngư phủ, mà còn có nhiều giai tầng khác nữa có quyền đòi hỏi Giáo Hội phải săn sóc mục vụ cho họ.
Linh Tiến Khải