Thực vật và con người

Thái Công Tụng

Thực vật bao trùm mọi khía cạnh của đời sống loài người: ta  ăn là nhờ cây lúa, ta uống nhờ cây trà, ta mặc là nhờ cây bông vải, ta ở là nhờ cây rừng cho ta cột kèo, giường tủ,  ta hút nhờ cây thuốc lá, v.v. . Như vậy, cũng không lạ gì khi trong văn học thì chủ đề cây, hoa luôn luôn bàng bạc trong những vần thơ  .

1.Thực vật trong đời sống

Ta ăn. Cây lương thực bao gồm các cây ngủ cốc, cây cho củ, cây đậu ăn hạt 
Trong văn hoá Á Đông, ăn cơm là chính mà cơm từ cây lúa. Lúa có thể là lúa ruộng hay lúa rẫy :

Vụ chiêm em cấy lúa di,
Vụ mùa lúa dé, sớm thì ba giăng
Thú quê rau cá đã từng
Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan

Các giống lúa trồng có hai loại chính: đó là lúa tẻ sản xuất ra gạo nấu cơm, hay là lúa nếp nấu xôi.
Trong văn hoá Tây phưong, họ ăn bánh mì  mà bánh mì làm từ bột hạt cây lúa mì

Lúa mì hay tiểu mạch, (Triticum)  là cây lương thực quan trọng cho loài người. Hạt lúa mì là một loại lương thực chung được sử dụng để làm bột mì trong sản xuất các loại bánh mì

Đại mạch (orge), tên khoa học Hordeum vulgare, là một loài thực vật thân cỏ một năm.

Yến mạch (avoine, oat), tên khoa học Avena sativa, là một loại ngủ cốc lấy hạt. Nhiều nhà sản xuất thực phẩm làm các sản phẩm ăn sáng như cháo yên mạch ( soupe avoine) nhưng cách sử dụng thông thường của yến mạch là cho gia súc ăn.
Lúa mạch đen hay hắc mạch (seigle, rye), tên khoa học Secale cereale, là một loài cỏ phát triển rộng khắp, có vai trò là một loại lương thực, một loại cây trồng phủ đất và thức ăn gia súc.. Hạt của hắc mạch được dùng làm bột, bánh mì, bia, bánh mì giòn, một số loại rượu whisky hay vodka và rơm cho gia súc ăn.

Bắp (còn gọi là  ngô) cũng được người Tây phương dùng ăn sáng như corn flake

Ngoài các loài lúa kể trên, phải kể :
-cây cho củ như : khoai lang (Ipomea batatas), khoai mì (Manihot esculenta), khoai sọ (Colocasia antiquorum) có tên khác là khoai môn, củ dùng làm thức ăn, cuống (dọc) có thể muối dưa, khoai nưa (Amorphophallus rivieri) cũng cùng họ Ráy (Araceae) như khoai sọ, có củ ăn hơi ngứa, khoai nước (Colocasia esculenta), còn gọi là môn nước, củ và cuống đều ăn được, khoai từ (Dioscorea esculenta) trồng phổ biến nhiều làng mạc.

-cây họ Đậu như : đậu nành tức đậu tương Glycine max ( họ Fabaceae), chứa nhiều protein, có thể biến chế ra đậu hủ, chao, xì dầu; đậu cowpea Vigna unguiculata họ Fabaceae;  đậu đen (Vigna cylindrica), thường sử dụng nấu chè, dễ tiêu, giải nhiệt; đậu Hà lan (Pisum sativum) quả non và hạt dùng để ăn, đậu ngự ( Phaseolus lunatus), đậu ván (Dolichos lablab), đậu xanh green gram còn gọi là Mung bean ( Phaseolus aureus), dùng làm giá trong chopsuey, đậu lùn haricot nain (Phaseolus vulgaris)..  Vài vùng có đậu triều (Cajanus indicus ).

Ngoài các cây lương thực, còn có rau .Nói về rau, câu ca dao sau đây kể ra :

Ai đâu mà chẳng biết ta
Ta ở Xóm Láng, vốn nhà trồng rau
Rau thơm, rau húng, rau mùi
Thì là, cải cúc, đủ loài hành hoa
Mồng tơi, mướp đắng, ớt cà
Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên


Về phương diện phân loại thực vật, rau có thể là rau ăn lá ( leaf vegetable crops), rau ản quả (fruit vegetable crops), rau ăn củ (root vegetable crops)
-rau ăn lá  như rau muống (Ipomea aquatica), rau dền, rau mồng tơi (Basella alba), rau đay, rau diếp (tên khác : rau xà lách)

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn (Cô hàng xóm, thơ Nguyễn Bính)


-rau ăn qủa (ăn trái) : Trong suy nghĩ thông thường thì trái thường ngọt, ăn tráng miệng còn rau dùng trong bữa ăn nhưng về phương diện thực vật, trái là kết quả sự thụ phấn và trong trái có hột: quả (trái) cà chua Lycopersicon esculentum,  quả (trái) ớt Capsicum annuum, quả (trái) dưa leo Cucumis sativus; quả (trái) dưa tây melon Cucumis melo (melon-concombre); Courgette Zucchini squash Cucurbita pepo; quả (trái) dưa hấu Citrullus lanatus; quả (trái) đậu bắp Abelmoschus esculentus;  quả (trái) bí đỏ Courge poivrée Cucurbita pepo hoặc bí rợ Cucurbita maxima trồng ăn quả, ăn ngọn non, lấy hạt rang ăn.

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
Cà Solanum melongena,  cũng là một loại rau ăn quả :
Bồng em đi dạo vườn cà
Trái non bỏ mắm, trái già làm dưa
Làm dưa ba bữa dưa chua
Để dành ăn cấy, khỏi mua tốn tiền

Mướp có nhiều loại như mướp huơng (Luffa acutangula), mướp đắng (Momordica charantia), mướp ta (Luffa cylindrica) khi non để ăn, khi già cho xơ rửa bát. Bầu (Lagenaria vulgaris) trồng quanh vườn nhà, thả trên dàn leo ăn quả lúc còn non. Bí có thể là bí đao (Benincasa cerifera), trồng lấy quả ăn và làm mứt.

Trong bài thơ 'Bạn đến chơi nhà' của Nguyễn Khuyến có mô tả sơ qua về quang cảnh một khu vườn nhà miền Bắc như sau :

Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Cà và rau muống thông dụng nhất là tại miền Bắc và đã gặp trong ca dao:    

Anh đi, anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

-rau ản củ ( root vegetable crops) như củ cà rốt, củ cải, củ ra đi, su hào, khoai tây,v.v.

Nấu ăn thì phải có dầu ăn, cũng lấy ra từ cây đậu nành (dầu đậu nành) hoặc từ cây dừa dầu (palmier à huile).Cây dừa dầu ( Elaeis guineensis) trồng rất nhiều bên Phi Châu, cho dầu ăn

Cây gia vị như gừng (Zingiber officinale), ớt (Capsicum annuum), tiêu (Piper nigrum), hành,  tỏi, sả, ngò, húng quế, rau răm ( Polygonum odoratum), rau diếp cá, rau thơm tức  húng Láng (Mentha aquatica), ngò om ( Limnophila aromatic)

-Ai ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

-Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm
Hỡi người quân tử trăm năm
Quay tơ có nhớ mối tằm hay không ?

Ta uống.  
Cà phê là một loại thức uống màu đen có chứa chất caffein và được sử dụng rộng rãi, được sản xuất từ những hạt cà phê được rang lên, từ cây cà phê. Hiện nay, cây cà phê được trồng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Hạt cà phê được lấy từ hạt của các loài cây thuộc họ cà phê (Rubiaceae). Ba dòng cây cà phê chính là

Coffea arabica (Cà phê Arabica) – cà phê chè
Coffea canephora (Cà phê Robusta) – cà phê vối;
Coffea excelsa (Cà phê Liberia) - cà phê mít.

Cây trà (Thea sinensis) làm trà xanh hay trà đen. Cây trà tại Việt Nam đến giữa thể kỷ 20 được trồng khắp miền quê ngoài BắcTrung, diện tích lớn nhất ở hai tỉnh Phú Thọ và cao nguyên L âm Đồng Blao và Di Linh

Cây ca cao  (Theobroma cacao) cho quả chế biến thành bột chocolat có nguồn gốc từ Trung Mỹ, nhưng ngày nay trồng nhiều xứ nhiệt đới.

Theobroma cacao-frutos.jpeg

                     Hình 1. Trái ca cao

Uống cà phê phải có đường mà đường cũng từ thực vật như cây mía  (Saccharum officinarum) sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra  đường.

Ta nhậu. Tiêu khiển thì có rượu

Với nhà thơ Tản Đà:
Cảnh đời gió gió, mưa mưa,
Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn!
Rượu say, thơ lại khơi nguồn,
Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình.
Rượu thơ, mình lại với mình,
Khi say quên cả cái hình phù du.
Trăm năm thơ túi, rượu vò.
Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai?


hoặc:

Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ.

.Rượu ngon  không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua (Nguyễn Khuyến)

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắm
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

mà rượu cũng làm từ thực vật. Uống rượu để giải sầu và cũng để liên hoan với nhau như trong bài hát Ly rượu mừng:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó á a a a
Nhấp chén đầy vơi Chúc người người vui á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời Rót thêm tràn đầy chén quan san

Dù là rượu đế hay rượu cần của người Thượng thì nguyên liệu có thể từ  các loại ngũ cốc có hàm lượng tinh bột cao thông dụng như gạo tẻ, gạo nếp,  hoặc sắn, hạt mít, hạt dẻ, hạt bo bo v.v. , nhưng nói chung các loại gạo nếp cho thành phẩm rượu được ưa chuộng nhất trong cộng đồng tại khắp các vùng miền do gạo rất thơm và rượu có độ ngọt nhất định. Men rượu được chế từ nhiều loại thảo dược (thuốc Nam, thuốc Bắc) như cam thảo, quế chi, gừng, hồi, thạch xương bồ, bạch chỉ, xuyên khung, rễ ớt v.v. theo những bí quyết, công thức riêng của từng gia đình. Nhào trộn hỗn hợp với bột gạo, và ủ cho bột hơi nở ra sau đó vo, nắm từng viên quả nhỏ để lên khay trấu cho khỏi dính. Đem phơi thật khô và cất dùng dần.
Tại Tây Nguyên, rượu cần thường được các dân tộc thiểu số làm bằng bắp, củ sắn hoặc gạo tẻ, khi có lễ đặc biệt quan trọng thì dùng gạo nếp. chuối khô ủ kín. Sau một tháng đem ra dùng, khi uống lót lá chuối tươi ở trên, đổ nước lã đầy ché, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đáy ché, uống cạn đến đâu lại chế thêm nước lã đến đấy.

Ta hút. Với bài thơ của Hồ Dzếnh

Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây…

ta cũng thấy thuốc lá để giải sầu. Cây thuốc lá (Nicotiana tabaccum) trồng tại nhiều nơi trên thế giới và có chất nicotine

Ta đội .Chiếc nón lá là người bạn thủy chung, gần gũi của người phụ nữ Việt Nam . Chiếc nón đã được chạm khắc trên những cổ vật như trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh vào 2500-3000 năm về trước. Trong một xứ nắng lắm, mưa nhiều thì chiếc nón lá rất tiện ích để che nắng, che mưa .Người ta dùng tre làm vành nón còn lá lợp nón là từ lá cọ, thân cây như cây cau. Cây cọ mọc nhiều ở Phú Thọ miền Bắc . Ở Huế, có nón bài thơ , nghĩa là giữa hai lớp lá, có một bài thơ trong đó. Lá cọ, lá buông ỏ Huế thường lấy từ  rừng A Lưới, rừng Nam Ðông. Chiếc nón cùng tà áo dài là những nét đặc thù của phụ nữ Việt, từ nón quai thao với hát quan họ Bắc Ninh cho đến nón bài thơ xứ Huế.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhpywvlFHMk4p8_Cufs64ZC0Wnb56Ib3974pa2BDLIP6jdXotn2Hd2c1vuOQUXx71itPWNbG8whfB8P1wZd8OxWWq1cxZw21F0GtCGZJrxLKpLT_H0c5jeX1fJ9aoiBvYYjV-LEsbX7ooI/s1600/Non-la.jpg


Ta đi
Ngày nay, ta đi giày nhưng trước kia, người Việt đi guốc cũng làm từ thân cây, đúng như bài hát:

Về đây nghe em, về đây nghe em.
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc.
Kể chuyện tình bằng lời ca dao.
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới.
Và về đây nghe gọi tiếng xưa đêm nhớ trăng tiếng bơ  vờ  
Ta mặc

Nhờ cây bông vải (Gossypium hirsutum) cho sợi mọc quấn quanh hạt. Loại sợi này chủ yếu được dùng để xe chỉ hay sợi và dệt thành áo quần. Sợi bông vải  là loại sợi mềm , Ở Mỹ, trồng nhiều ở South Carolina . Ở Phi Châu, nhiều  chỗ trồng bông vải ở Ai Cập, ở Mali v.v.

Ta ở

Từ  tường, cửa lớn, cửa sổ, sàn nhà cho đến bàn ghế đều có thành phần gỗ trong đó. Bên Việt Nam, có gỗ mít, gỗ lim v.v. còn ở Quebec, có gỗ cây phong, sang hơn thì gỗ chêne

Ta viết

Bột giấy cũng làm từ thực vật: cây épinette (spruce) Picea glauca mọc rất nhiều ở miền Bắc Canada và có mặt liên tục  từ Đông (British Vancouver) sang Tây (Quebec, Newfoundland) cũng như nhiều loài cây khác như cây khuynh diệp, còn gọi là cây bạch đàn (Eucalyptus), cây thông, cây bouleau, rơm lúa, cây tre v.v. đều là nguyên liệu làm giấy vì có cellulose

Ta đau

Trong thiên nhiên có vô vàn dược thảo. Xưa kia, ngành Đông Y chỉ dùng toàn thuốc nguồn gốc thực vật . Gừng, tỏi, artichaut, lá dâm bụt, rau thơm v.v. đều sử dụng trị các chứng đau. Nhiều hợp chất trị bệnh được trích ra từ thực vật, trong đó phải kể chất artemisinin, trị được sốt rét, nhờ cây Artemisia annua . Và chính Bà Tu Youyou nhờ thế được giải thưởng Nobel về Y khoa .
Ngày nay, vào trong tiệm thuốc Tây,  cũng có thể bắt gặp  nhiều thuốc chế biến, pha chế  từ lá cây, rễ cây, vỏ cây, hoa của nhiều loại thực vật trị cảm cúm, đau xương, tiểu đường v.v . Trước kia, con người sử dụng nhiều các sản phẩm hoá học nhưng ngày nay, mới thấy hoá học đưa đến những phản ứng phụ gây nguy hại cho sức khoẻ nên càng ngày nhân loại chú trọng nhiều về sinh học (Bio): nào là biocosmetics với nhiều công ty mỹ phẩm ngày nay sử dụng các tinh dầu thực vật để làm phấn, son, nước hoa v.v, nào là bioremediation, sử dụng thực vật hoặc vi sinh vật để cải tạo môi trường bị ô nhiễm

Ta chết. Bài hát  Kỷ Vật Cho Em:

... Anh trở về , anh trở về trên đôi nạng gỗ , có  khi là  hòm gỗ  cài hoa ...

2.  Đời sống tình dục của thực vật

Nếu trong giới động vật, tình dục xem như rất đơn giản như giữa trai, gái hay con đực, con cái v.v. thì ở giới thực vật, vì bất động nên tạo hoá giúp cho loài ong  hoặc gió để cho phấn hoa bay đến gặp nhụy hoa cái. Thực ra, hoa có thể là:
-hoa đơn tính : hoa đực có nhị chứa đầy phấn, hoa cái có nhụy chứa trứng .Nhị (étamine) là bộ phận sinh sản đực của hoa, có bao phấn (anthère).  Bao phấn chứa các túi phấn có  hạt phấn (pollen). (xem hình 2)

Etamines d'amaryllis
Hình 2 . Nhị và bao phấn

Nhụy (pistil) là bộ phận sinh sản cái của hoa, có bầu noãn (ovary) ở đáy, kế đến là phần cuống mảnh được gọi là vòi (style) mọc ra từ bầu noãn và phần tận cùng rộng ra được gọi là nướm (stigma).  
-hoa lưỡng tính (xem hình 3) có cả nhị và nhụy  (cây pommier, cây cerisier, cây hoa hồng, cây hướng dương)

E:\Data\BA\diagramme fleur.jpg

                                Hình 3. Cấu trúc một hoa

Ngoài ra, có cây hoa đực và hoa cái  riêng nhưng cùng trên một thân cây (monoique). Ví dụ: cây bắp, cây lúa mì. Các loài cây hạt trần như loài thông thì nón đực (cône male), nón cái (cone femelle) cũng trên cùng một thân cây  .
Và cũng có cây có  hoa đực,  hoa cái riêng  trên hai thân cây khác nhau (dioique ) .Ví dụ: cây bạch quả (Ginkgo ), cây  kiwi, cây chà là, cây đu đủ

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/3/3e/Pollinisation.jpg/330px-Pollinisation.jpg

Hình 4. Ong hút mật hoa, nhưng cũng là một tác nhân thụ phấn
. Nhờ loài ong (hình 4) bay di hút mật hoa nên cùng lúc vô tình mang phấn hoa đi rắc lên các đầu nhụy hoa có chất dính; gió cũng là một tác nhân thụ phấn như trong truyện ngắn Phấn thông vàng của Xuân Diệu:

Phấn thông vàng không đi có chỗ có nơi, mà khởi hành một cuộc viễn du vô hạn. Gió chở đi qua trời rộng, nhị của thông đầu rừng lại đến gặp thông cuối rừng, và tất cả nhị của thông rừng này đi đến một rừng thông nào khác. Nhị vàng mênh mông tràn đầy, dư dật cùng nhau viễn hành, rắc vàng khắp nơi. Phấn thông vàng đi đến sự vu vơ. Có lẽ ở đằng chân trời, một rừng thông chưa chín hoa , đang đứng chờ nhị của rừng thông này đến.

Cũng có thể là hoa cái và hoa đực không cùng chin một lần do đó hoa cái phải cần hoa đực từ các cây khác để thụ phấn.Ví dụ: cây hồ đào (walnut, noyer). Hiện tượng này trong thực vật học gọi là biệt giao (dichogamie)

Polinisation.jpg
                                                  Hình 5. Thụ phấn
Thụ phấn  (xem hình 5) là một bước rất quan trọng trong quá trình sinh sản ở thực vật: hạt phấn gặp núm nhụy, nẩy mầm thành ống phấn và  bò tới buồng trứng; hạt phấn sẽ chạm phải quả trứng để từ đó tạo ra hạt. Kiểu sinh sản vừa đề cập là sinh sản hữu tính, theo đó có sự hợp nhất của giao tử đực và giao tử cái để tạo thành hợp tử.

Ngoài sinh sản hữu tính, còn có sinh sản vô tính như tháp cây: con sinh ra từ một phần của cơ thể mẹ, do đó có những đặc tính di truyền giống cá thể mẹ. Tháp chanh, tháp cam, tháp mãng cầu là  vài ví  dụ .

3. Nguồn gốc các loài thực vật thông dụng

Nhiều loài cây ta thường gặp thực ra không phải nguồn gốc từ xứ đó . Khoai tây, bắp, đậu, cà chua  là những ví dụ . Các  loài cây quan trọng này có gốc từ Nam Mỹ .Ngay cả cây cao su trồng nhiều ở Viet Nam, có gốc từ Bresil nên có tên là Hevea brasiliensis. Cây xoài cũng có nguồn từ Ấn Độ : Mangifera indica . Xưa kia, nghĩa là hàng trăm ngàn năm về trước, thực vật ở trạng thái hoang dã, nhưng loài người đã dần dà thuần dưỡng tạo ra các thực vật có ích cho loài người . Nhà thực vật học người Nga Vavilov đã đi nhiều nơi trên thế giới để sưu tập hàng trăm ngàn mẫu thảo mộc và từ đó phân định ra nhiều trung tâm địa lí về cội nguồn


https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/7/71/Vavilov-center.jpg/450px-Vavilov-center.jpg


(1) Mexico-Guatemala, (2) Peru-Ecuador-Bolivia, (2A) Southern Chile, (2B) Southern Brazil, (3) Mediterranean, (4) Middle East, (5) Ethiopia, (6) Central Asia, (7) Indo-Burma, (7A) Siam-Malaya-Java, (8) China và Korea.[2]

Trung tâm Mexico-Guatemala: Bắp, đậu, khoai lang, đu đủ, ổi, điều

Trung tâm Peru-Ecuador-Bolivia: khoai tây, thuốc lá, cà chua
(2A) khoai tây (48 nhiễm thể), dâu tây Chili
(2B) khoai mì, đậu phụng, caosu, thơm

Trung tâm Địa Trung Hải: cỏ ba lá, cây oliu, lúa mì, măng tây, rau cần
Trung Đông: lúa mì, lúa mạch, lentil, táo tây, lê, cỏ linh lăng (luzerne), lựu
Ethiopia: kê, bobo, cà phê, mè, kê Phi châu

Trung Á: lúa mì, bông vải, hành, tỏi, cà rốt, nho, táo, hạnh nhân

Trung tâm Ấn Độ:

Ấn-Miến: cà, dưa leo, khoai sọ, khoai mở, xoài, cam, quit, mía, kinap, cây quế, cây tre
7A: chuối, măng cụt, dừa, tiêu

Trung tâm Trung Quốc:  đậu nành, dưa leo, hành, cây mơ, cây vải, các loài kê (millet), mía, thuốc phiện

Theo Vavilov, chính những trung tâm địa lí của các thảo mộc này không những là nơi chứa nhiều loài thực vật hoang dại  mà còn là nơi sản sinh ra những nền văn minh cổ của nhân loại: Trung tâm Nam Á có liên quan đến các nền văn hoá cổ của Ấn Độ; trung tâm Địa Trung Hải liên hệ đến các nền văn minh Ai Cập, Hi Lạp trãi dài trên 6000 năm. Con người đã thuần dưỡng các loài thực vật hoang dã để tạo cho mình lương thực vì như tổ tiên ta có câu: có thực mới vực được đạo; dĩ thực vi tiên. Nhờ sự đa dạng thực vật, nông nghiệp mới phát triển, cư dân đông đúc. Căn bản của sự cải thiện hoa màu là nằm ở các gen và  chính vì muốn có nguồn gen đa dạng để có thể từ đó tạo ra những giống cây kháng sâu, kháng bệnh nên nhiều trung tâm khảo cứu đã phải thu thập các giống hoang dại tại nhiều vùng địa lí khác nhau:  trung tâm cải thiện bắp và lúa mì như CIMMYT (Centro Internacional Mejoramiento Maiz y Trigo) ở Mexico, trung tâm  CIP (Centro Internacional de la Papa) chuyên nghiên cứu và sưu tập các loài khoai tây ở Perou, trung tâm CIAT (Centro Internacional Agricultura Tropicale) ở Colombia. Ở Trung Đông, tại Syrie, có trung tâm ICARDA (International Crops for Arid Development Areas), ở Ấn Độ, có trung tâm ICRISAT (International Crops Research Institute Semi Arid Tropics), ở Philippin, có IRRI chuyên nghiên cứu và sưu tập lúa ruộng, lúa rẫy cũng đều nằm trong mục đích giữ nguồn gen qúy của nhiều loài thực vật .

4. Kết luận.

Thực vật đã cưu mang con người, từ lúc loài người xuất hiện trên hành tinh này . Thực vật từ rong biển dưới nước cho đến rừng già đã cung cấp oxy cho ta thở, thanh lọc không khí qua sự hút khí cacbonic, chưa kể đến tài nguyên nuôi dưỡng loài người từ ăn, mặc, đau, uống v.v. Thực vật giúp chống xói mòn đất, giúp tăng phì nhiêu của đất và như vậy tạo ra lương thực để nuôi loài người (food), còn cung cấp nhiên liệu sinh học (fuel), thức ăn cho gia súc (feed) .Tuy nhiên con người đã khai thác quá mức các loài thực vật và động vật, làm giảm đa dạng sinh học, khiến nguồn gen để cải tạo hoa màu càng ngày càng bị thu hẹp do phá rừng trên núi, phá san hô dưói biển, như vậy vô hình chung đã phá luôn tài nguyên cha ông để lại, quên rằng mà con người thế hệ hôm nay phải nuôi dưỡng cho các thế hệ về sau và về sau nữa./.


Thái Công Tụng