Ông Trump giành một loạt các chiến thắng được coi là gây sốc ở các tiểu bang quan trọng như Florida, Ohio cũng như Pennsylvania.
Sau thắng lợi của ứng viên Đảng Cộng hòa, ông Nguyễn Đình Hà, một ứng cử viên độc lập từng chạy đua vào Quốc hội Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông cũng “khá bất ngờ vì trước đây cũng có nhiều dự đoán và tỷ lệ thăm dò đều rất có lợi cho bà Clinton”.
Khi được hỏi về tác động của chiến thắng của ông Trump đối với chính sách tới Việt Nam, nhà hoạt động xã hội này nói tiếp:
“Có thể ông Trump sẽ thay đổi chính sách xoay trục của ông Obama, và có thể là ông ấy sẽ không hướng sang châu Á nữa, và ông ấy sẽ tập trung phát triển nội lực của nước Mỹ. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ TPP [Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương] và chính sách xoay trục, nhưng bây giờ khi ông Trump thay đổi thì Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông”.
Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ TPP [Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương] và chính sách xoay trục, nhưng bây giờ khi ông Trump thay đổi thì Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Đại Phượng, nguyên trưởng ban quốc tế của báo Tiền Phong, nói với VOA Việt Ngữ rằng “chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam về cơ bản không có tác động nhiều”.
Ký giả từng theo dõi nhiều cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ trước đây nói thêm: “Chính sách đối ngoại của Mỹ là một chính sách đối ngoại của một cường quốc lớn nhất ở trên thế giới, và nó đã được hình thành, củng cố qua nhiều thế hệ rồi. Việc thay đổi người đứng đầu ở Nhà Trắng, đương nhiên nó có tác động nhất định, nhưng mà nó không thay đổi quá nhiều, đặc biệt là không thay đổi bản chất trong quan hệ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Tổng thống Mỹ giỏi lắm là làm được hai nhiệm kỳ, tức là 8 năm thôi. Nhưng mà những thành quả bây giờ trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì, cho đến nay, nó đã được xây dựng bởi nhiều đời tổng thống rồi. Nếu mà ông Donald Trump áp dụng quan điểm như ông từng phát biểu trong quá trình tranh cử của ông thì tôi nghĩ nó có hơi gây khó khăn nhất định, nhưng mà không phải là sự đảo ngược hoàn toàn”.
Tỷ phú bất động sản trực ngôn từng nhiều lần nhắc tới Việt Nam, nhưng ở một khía cạnh tiêu cực, trong chiến dịch vận động.
Trong cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuối cùng hồi cuối tháng 10, ông Trump nói rằng "hàng hóa của chúng ta đổ vào từ Trung Quốc, đổ vào từ Việt Nam, đổ vào từ khắp nơi trên thế giới”. Còn hồi tháng Hai, ông từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước châu Á khác “đánh cắp” việc làm tại Mỹ.
Ba tháng sau đó, vị tỷ phú nói rằng ông tức giận với sự lãnh đạo “bất tài” và “thiếu năng lực” của Mỹ chứ không phải với Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ vì “đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta”. Mới nhất, hồi tháng Sáu, ông Trump một lần nữa nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Vì sao người Việt quan tâm?
Cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia cách xa nửa vòng trái đất cũng là tin tức được theo dõi nhiều nhất ở Việt Nam, theo Google, trong ngày 8/11, ngày bầu cử ở Mỹ, cũng như rạng sáng 9/11, khi kết quả được công bố.
Báo chí trong nước cũng đưa tin về nhiều khía cạnh của cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ và thậm chí còn trực tiếp cập nhật mọi diễn biến của cuộc chạy đua được coi là "mang tính lịch sử" vào Nhà Trắng lần này.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà cho rằng việc người dân trong nước quan tâm tới cuộc bầu cử Mỹ thể hiện “khát vọng của người Việt Nam, mong muốn có một sự thay đổi trong chính trị ở Việt Nam, và người ta muốn có bầu cử dân chủ, và tự do”.
Đây là bài học điển hình để mọi người đang theo dõi ý thức được thế nào là một cuộc tranh cử mở trong một đất nước dân chủ và tự do.
“Đây là bài học điển hình để mọi người đang theo dõi ý thức được thế nào là một cuộc tranh cử mở trong một đất nước dân chủ và tự do. Có rất nhiều mâu thuẫn, có rất nhiều bất cập, bất đồng quan điểm này kia, nhưng trong một sự tương kính, và mọi người đều chấp nhận kết quả bầu cử. Tôi cầu mong rằng, tất cả quý vị đang theo dõi chương trình sẽ ghi nhận điều này như là một bài học rất nên giữ lại trong lòng của mình để một ngày nào đó Việt Nam chúng ta cũng có được một thể chế dân chủ. Nó không như Mỹ nhưng nó cũng là một thể chế dân chủ”.
Trong mùa tranh cử lần này, ngoài hai ứng viên tranh cử tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton, còn có các cuộc tranh cử vào Thượng và Hạ viện Mỹ, những người có tiếng nói trong việc hoạch định chính sách của Mỹ.
Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam và từng đóng góp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội và Washington, đã tái đắc cử ở tiểu bang Arizona. Tỷ phú Trump từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích ông McCain về vai trò của ông trong cuộc chiến đã kết thúc nhiều thập kỷ trước.
Ông McCain hồi tháng Bảy lên tiếng kêu gọi Việt Nam theo chân Philippines, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, ngay sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết tuyên bố phần thắng nghiêng về Manila.
Chống TPP
Trong cuộc vận động tranh cử, cả ông Trump và bà Clinton đều nhắc tới và phản đối Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là một trong 12 nước ký kết.
Ông Trump nói rằng bà Clinton từng hậu thuẫn TPP, coi đó là “tiêu chuẩn vàng”, và nhấn mạnh rằng ông phản đối thỏa thuận thương mại tự do của các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương này.
Thậm chí, hồi tháng Sáu, tỷ phú bất động sản từng tuyên bố rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định này.
Ứng viên này nói tại tiểu bang Pennsylvania rằng TPP sẽ “buộc các nhân công Hoa Kỳ phải trực tiếp cạnh tranh với các công nhân từ Việt Nam”.
Mới đây, quốc hội Việt Nam hoãn thảo luận và thông qua hiệp định thương mại này cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.
Dù kết quả bầu cử này nó có như thế nào đi chăng nữa, thì cái vấn đề của Việt Nam vẫn là vấn đề của người Việt Nam, và dù sao đi nữa, cái nỗ lực chung vẫn là ở chúng ta, và cái hy vọng của chúng ta là chúng ta có rất nhiều người trẻ, đã bước ra thế giới và nhìn thấy rất là nhiều vấn đề.
“Dù kết quả bầu cử này nó có như thế nào đi chăng nữa, thì cái vấn đề của Việt Nam vẫn là vấn đề của người Việt Nam, và dù sao đi nữa, cái nỗ lực chung vẫn là ở chúng ta, và cái hy vọng của chúng ta là chúng ta có rất nhiều người trẻ, đã bước ra thế giới và nhìn thấy rất là nhiều vấn đề”.
Đường lối đối ngoại
Trên Facebook cá nhân, trả lời câu hỏi về “đường lối ngoại giao đối với các nước có gì thay đổi không, đặc biệt là châu Á – Thái Bình Dương, thứ đến là biển Đông” khi tân chính quyền Mỹ lên nhậm chức, cũng như “khi được hỏi ý kiến về việc “ông có quan điểm mới gì thổi tư tưởng mới đối với giới trẻ Việt nam”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius trả lời: “Chúng tôi không thể dự đoán được tương lai, nhưng tôi tin tưởng rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ các chính sách về kinh tế. Các bạn trẻ Việt Nam rất thông minh và sáng tạo, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ để những người trẻ Việt Nam được truyền cảm hứng và thực hiện những kế hoach tương lai”.
Dù trong khi vận động, ông Trump và bà Clinton không trực tiếp đề cập tới biển Đông, một trong các mối quan tâm của người Việt, nhưng hai ứng viên đã nhiều lần tranh cãi về chính sách đối ngoại, trong đó có khu vực châu Á, của chính quyền Tổng thống Obama.
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra hôm 8/11, một cuộc thăm dò ý kiến do một tờ báo nổi tiếng ở Hong Kong thực hiện cho thấy người Trung Quốc tin rằng cả hai ứng viên của Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ giải quyết tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington tốt hơn ông Obama.
Cuộc thăm dò ý kiến 1500 người Trung Quốc ở thành thị, do tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng có trụ sở ở Hong Kong công bố hôm 5/11, còn cho thấy một nửa trong số đó cho rằng ông Trump sẽ xử lý vấn đề biển Đông tốt hơn ông Obama (54%) cũng như về các vấn đề hợp tác về an ninh mạng (59%), thương mại song phương (57%) hoặc tình hình trên bán đảo Triều Tiên (52%).
Ngoài ra, khoảng 51% tin rằng tỷ phú bất động sản Mỹ sẽ can thiệp ít hơn vào châu Á so với đương kim Tổng thống Obama.