Nguyễn Quang
Sinh viên học sinh VN trước nguy cơ mù lòa! Ước tính cả nước Việt Nam có hàng triệu triệu học sinh mắc bệnh mắt phải đeo kính. Với việc quá tải trong các hoạt động thị giác như học tập, xem phim, sử dụng máy tính đã tạo nên những tật khúc xạ nói chung và đặc biệt là cận thị đã gia tăng mạnh mẽ ở các đô thị.
Song có điều đáng quan ngại tại các học đường Việt Nam, các em chỉ được khám mắt chiếu lệ, nhiều phụ huynh đã phải than phiền và ghi ngay vào sổ y tế ‘xin hãy chấn chỉnh những việc làm láo liếu của các bộ phận y tế’ vì lý do con em họ cận 4-5 độ, thế nhưng em nào cũng tốt 10/10, hoặc giả không cận thành cận nặng…trong khi gia đình nào cũng đóng tiền chăm sóc y tế học đường cho các em.
Đó là chưa nói đến việc chăm sóc mắt cho các em, một công việc cần thiết nhưng theo thống kê của các cơ quan có thẩm quyền, một trăm trường may ra có một trường treo bảng hướng dẫn kêu gọi bảo vệ mắt. Đặc biệt bảo hiểm y tế hối thúc đóng tiền, nhận tiền cho bằng được rồi sau đó không bao giờ trở lại.
Không phải muốn là được! Từ chuyện mù lòa trên đôi mắt các em đến chột mắt trong các nội dung giáo dục. Mỗi khi cò Bộ trưởng mới lên thay, ai cũng mừng nhất là trên danh nghĩa có văn bằng tiến sĩ, thế nhưng không bao lâu thì mọi chuyện của tân lãnh đạo có khi còn tệ hơn người tiền nhiệm rất nhiều đến nổi giới chuyên môn trong ngành họ kháo nhau nhìn hai cái nộng bên má ngày càng trườn ra sẽ rõ tất!
Khắp các nơi giáo viên tùy tiện nâng điểm cho học sinh và cấp giấy chứng nhận học bạ khống nhu tại Hà Tĩnh đã có lần mười một giáo viên bị kỷ luật về chuyện gian lận này. Phụ huynh không còn bàn chuyện bệ rạc của nền giáo dục Việt Nam mà ai cũng xem đó với loại chế độ này bao lâu còn tồn tại thì nó càng tệ hơn thế thôi. Cha mẹ khi đưa con đến trường là sẵn sàng chấp nhận cho con mình sẽ tiếp thu cách nói láo…nhưng các em lớn lên không cho đến trường thì sẽ về đâu. Quả là một viên thuốc đắng gây bao mầm bệnh cho tương lai của thế hệ trẻ, ở bậc tiểu học việc dạy tại trường lớp rất ít, chủ yếu là dạy thêm tại nhà mới là chính khóa, cho nên mới có câu ‘tiên học thể dục hậu học văn’ ngày nào cũng nhảy múa dưới sân trường còn sau đó vào học chẳng bao nhiêu…một sự lãng công vô cùng trầm trọng trong ngành giáo dục Việt Nam!
‘Chiến lược phát triển giáo dục…đề cương giáo dục, đội ngũ quản lý nhà giáo vững mạnh…’ toàn là những danh từ dao to búa lớn, nó như một thứ sáo ngữ, song còn tệ hơn những bài ca thuộc lòng của các đào kép cải lương vì các nghệ sĩ còn thể hiện cái sinh năng tạo ra sắc thái khi diễn xuất, đàng này nó là những bài giảng khô khốc như những ông tu sĩ quốc doanh học thuộc bài rồi đến phiên mình lên tòa giảng… cho lẹ!
Từ một nền giáo dục như thế, quý Thầy Cô còn chút lương tâm tìm về nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc, nếu có tôn giáo tìm đến Kinh Thánh, hay nương nhờ cửa Phật… và trông ngóng sự lên tiếng về nhân quyền từ bên ngoài, nếu may mắn cho gia đình nào có thân nhân ở nước ngoài về, mong ước sao dù không dám hỏi, chỉ dám nhìn thực tế để học hỏi…nhưng thường hầu như không thấy ông bà nào nói về dân chủ hết, thậm chí còn tránh né, nếu có một số nào trở về để khơi mào thực hiện dân chủ cũng rất ít chỉ đứng bên ngoài mà gióng tiếng chuông.
Trở lại chuyện bát nháo tại các Đại học Việt Nam , những náo loạn xảy ra ở đại học Qui Nhơn rồi Phan Thiết và nay là Hùng Vương… nhà trường còn nợ giảng viên với số tiền hàng tỷ đồng. Lượng sinh viên vào trường mỗi năm một tăng, học phí vẫn thu đủ, thu sớm, khoản hỗ trợ từ ngân sách lên hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng tất cả số tiền đó về đâu…chỉ có trung ương biết…Tương tự với nhiều đại học trên khắp cả nước cũng vậy.
Trong khi đó biết bao giáo viên ở nhà chòi ! Chuyện xảy ra tại Bạc Liêu tận cuối của vùng đất Nam bộ phì nhiêu mới lạ. Hàng trăm giáo viên, theo con số chính thức hơn 600 từ nơi khác đến giảng dạy và chỗ ở là những căn nhà tập thể bằng cây lá ọp ẹp do nhà trường dựng lên dưới mức trung bình! Đó là sự nghiệp trăm năm trồng người tại Việt Nam hiện nay!
Hậu quả từ mù học đường đến ‘sáng’ ma túy, trong những năm qua liên tục phát hiện những ổ ma túy và lò sản xuất thuốc lắc nằm giữa trung tâm Sài Gòn. Các đường dây cung cấp thuốc lắc này có quy mô lớn, những kẻ bị bắt gồm nhà sản xuất, đầu mối phân phối sỉ, lẻ. Đặc biệt quá trình hoạt động khép kín tinh vi có hệ thống phủ rộng trên cả nước. Điều đáng lưu ý ở đây là một sự tha hóa trên toàn xã hội, như tại tỉnh Sơn la vào năm 2005 có tới 189 học sinh cùng 132 giáo viên nghiện và phạm tội ma túy.
Từ ma túy cần sa đến buôn người, cứ một vài hôm là không phường này cũng xã nọ có người tổ chức lễ ra mắt gái đẹp cho các ông Hàn, Đài xem xét mà tuyển chọn, công việc tuyển chọn khác hẳn các cuộc tuyển chọn nô lệ trước đây: con người được cởi bỏ ra hết để được xem xét rờ nén các bộ phận có đủ tiêu chuẩn phục vụ công nghệ ‘nô lệ tình dục’. Mọi chuyện tưởng chừng chỉ là những hiện tượng tiêu cực muốn thoát kiếp nghèo khổ nhưng trên đất nước đã trở thành hệ thống xuất khẩu người qua các phóng sự đầy trên các báo, nhiều cô gái trẻ từ các vùng quê Tây Ninh, Bến Tre, Cà Mau…
thi nhau xuất ngoại qua những đường dây xuất khẩu buôn bán phụ nữ. Kẻ trót lọt, lắm người trong hành trình bể dâu đầy nước mắt, người ở lại cũng gian nan của một kiếp người, ngoài kia một vùng đất trù phú của quê hương…nhưng không biết làm gì để cuộc sống khá hơn ngoài chuyện vào cơ quan công quyền với mức lương một triệu hai đồng mỗi tháng nhưng sẽ nhân bội lên mười lần hơn nhờ chứng giấy ma, giấy giả để tham ô, hối lộ ngay tại các cơ quan phường xã khắp các cấp chính quyền.
Từ sự mù lòa của học sinh trên bình diện thể chất cũng như tinh thần do một nền giáo dục từ chột đến mù sản sinh phổ biến trên toàn xã hội, chuyện tham nhũng vặt của của các cơ quan công quyền, chỗ này chấm mút chút chút đến chỗ kia chấm mút, xã hội thành một tệ nạn lớn ăn theo lớn, nhỏ theo nhỏ có hệ thống từ một thượng tầng kiến trúc băng họa đến hạ tầng phân hóa lòng người chia xa.
Tất cả như dân gian có câu ‘sướng cái gì không biết nhưng mờ con mắt’ với cái thiên đường không tưởng: cộng sản chính là ma túy đối với nhân dân!
Nguyễn Quang