Bài Giảng Cầu Cho Công Lí Và Hoà Bình Tại Thái Hà

Lm. GIOAN NGUYỄN NGỌC NAM PHONG
NGÀY 26THANG 3 NĂM 2017 TẠI NHÀ THỜ THÁI HÀ, HÀ NỘI.

Chúng ta đang sống trong Mùa Chay Thánh. Người dân nghèo quê tôi thường gọi mùa này là “Mùa Thương Khó” – Mùa tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta đồng lao cộng khổ cùng chung tay xây dựng một thế giới mới, nơi Công lý và Hòa bình ngự trị.
MÙA THƯƠNG KHÓ KÉO DÀI CỦA DÂN TỘC.

Những ngày qua, chỉ vì muốn lèo lái dư luận trước những bất cập trong quản lý nhà nước, đặc biệt vụ Formosa xả thải hay những vụ tham nhũng chính sách làm kiệt quệ ngân sách quốc gia, nhất là chuyện đấu đá nội bộ chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5 – hội nghí bàn về nhân sự giữa nhiệm kỳ, nhà cầm quyền bắt đầu dùng truyền thông tấn công cách bất lương, cách ác ý các Linh mục Giáo phận Vinh là các Cha: Antôn Đặng Hữu Nam – quản xứ Phú yên và JB Nguyễn Đình Thục – quản xứ Song Ngọc. Đây là hai vị Linh mục trong suốt gần một năm qua đã miệt mài cùng với quý Cha trong Ban Hỗ trợ ngư dân Miền trung đưa đơn khời kiện Công ty Hưng Nghiệp Formosa.
Việc nhà cầm quyền dùng truyền thông từ Trung ương tới địa phương”lên đồng tập thể” tấn công cách bất lương, ác ý các Linh mục như đang diễn ra những ngày qua, thì không lạ gì đối với chúng ta. Năm 2008, trước tiếng nói bất khuất, ngay thẳng của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, nhà cầm quyền đã cắt xén lời ngài. Dùng truyền thông mạ lỵ, vu khống ngài những điều ngài không hề nói. Tôi nhớ trong thời điểm căng thẳng lúc đó – khi cả xã hội vì bị truyền thông ma quỷ của nhà cầm quyền “dẫn lối đưa đường” đã lên đồng tập thể, đòi “giết Kiệt, giết Phụng”, Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng đã nói một câu diễn tả đầy đủ những nỗi khốn khổ của dân tộc Việt Nam. Ngài nói: “Chúng ta đang tiếp tục sống mầu nhiệm của cuộc thương khó”.
Đất nước chúng ta bước vào cuộc thương khó từ lâu lắm rồi. Chúng ta biết rằng, sau “khi cướp chính quyền” từ tay nhân dân và từ các đảng phái chính trị khác, thay vì tổ chức tổng tuyển cử như đã ký kết giữa các bên tại Geneve – Thụy Sĩ, chính quyền cộng sản đã tìm cách thủ tiêu các nhà lãnh đạo phong trào ngoài đảng và phát động cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” tại Miền bắc, cùng những chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa sai lầm đã đẩy đại bộ phận người dân lâm vào cảnh cùng cực, đồng thời dưới chiêu bài “giải phóng” Miền nam. Nhà cầm quyền dùng truyền thông biến một nửa đồng bào ruột thịt thành “ngụy quân, ngụy quyền” và cứ thế, chủ trương”đấu tranh giai cấp” được nhà cầm quyền duy trì cho tới tận bây giờ, đến độ, mỗi khi có ai nói khác ý trí nhà cầm quyền hoặc muốn bầy tỏ lập trường của mình về một vấn đề xã hội thì đều bị khép vào “tội phản động” bằng những điều luật mơ hồ.
TỪ THƯƠNG KHÓ ĐẾN PHỤC SINH.
Những đau đớn, mất mát, đói rét, thất nghiệp của người dân các tỉnh Miền trung do Formosa gây ra nhưng người dân không biết kêu ai, vụ việc đàn áp những người dân khiếu kiện ngày 14/2 vừa qua, việc dùng truyền thông mạ lỵ, vu khống các chức sắc tôn giáo hay những người dân lương thiên khi họ dám lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình, hay những bất công đang diễn ra hàng ngày trên quê hương, là hệ quả tất yếu của một xã hội coi trọng vật chất hơn phẩm giá con người.
Có thể nói, việc du nhập chủ nghĩa xã hội và việc người dân bị cưỡng bức chấp nhận ý thức hệ vô thần, đã đẩy đất nước chúng ta vào một mùa thương khó triền miên, và cuộc thương khó ấy kéo dài đến nay đã hơn 60 năm, khiến đất nước suy kiệt. Điều đau lòng là ai cũng biết chọn theo chủ nghĩa xã hội là một sai lầm mang tính lịch sử, nhưng vì sợ hãi hay vì quyền lợi vật chất, chúng ta giả mù như không xem thấy. Chúng ta giải thích câu chuyện đau đớn của dân tộc như một sự an bài của tạo hóa và đổ trách nhiệm cho các thế hệ tương lai.
Một điều khác đau lòng không kém, đó là: với những gì chúng ta đang chứng kiến hàng ngày, như: nạn tham nhũng hối lộ, nạn chạy chức chạy quyền, các chính sách xã hội không nhắm tới công ích mà chỉ nhắm tới quyền lợi của các nhóm lợi ích, các dự án kinh tế chỉ nhắm tới lợi tức mà không nhắm tới công cuộc phát triển bền vững, bỏ qua tác động môi trường như đang diễn ra khắp đất nước, hay chiến lược xâm lược biển đảo, đồng thời với chính sách xâm lược mềm của Trung cộng qua các kế hoạch hợp tác đầu tư … chúng ta thừa hiểu tương lai đất nước dân tộc sẽ đi đâu, về đâu. Ai cũng biết điều này, nhưng người ta vẫn cứ bảo nhau: “không làm được gì đâu” hay “ hãy để đảng và nhà nước lo”, trong khi đảng và nhà nước mới là nguyên nhân gây nên những hệ lụy và thảm trạng đau thương này.
Vậy, chúng ta phải làm gì?
Câu chuyện người mù đối đáp với các lãnh đạo Do Thái sau khi anh được Chúa chữa lành, mà Giáo hội mời gọi chúng ta suy gẫm hôm nay, là một gợi ý cho chúng ta. Theo các nhà chú giải, người mù trong Tin Mừng là hình ảnh của những con người bị các quyền lực thế gian áp bức và thống trị. Sau khi gặp Đức Giêsu, người mù được giải thoát – nghĩa là anh thấy được, không chỉ thấy được hiện trạng xã hội, cảnh vật xung quanh bằng con mắt thể lý, mà anh còn thấy được những thực tại xa hơn, cao hơn. Anh thấy được chân lý, công lý đến từ đâu, nhất là anh xác tín vào quyền năng chữa lành xuất phát từ Thiên Chúa.
Tin Mừng kể rằng, sau khi được Đức Giêsu chữa lành, người mù vui mừng trở về quê hương. Điều bi đát xảy ra với anh là khi trông thấy anh, thay vì vui mừng vì có người thân, người đồng bào được chữa lành, những người hàng xóm nghi ngờ và nộp anh cho lãnh đạo Do Thái. Vì không tin anh, những lãnh đạo Do Thái đã triệu tập cha mẹ anh lên để thẩm vấn. Điều bi đát là cha mẹ anh, như Tin Mừng kể lại, vì quá sợ hãi nên thay vì lên tiếng bảo vệ con mình, ông bà đã nói: “Nó đã lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó” (c, 21). Cuối cùng, vì không thuyết phục được người mù nói ngược lại với sự thật mà người mù xác tín bằng chính trải nghiệm cá nhân, những lãnh đạo Do Thái đã coi anh là “phản động” và đồng lòng trục xuất anh khỏi cộng đoàn của họ (c 24-34).
Theo các nhà chú giải, sở dĩ họ trục xuất người mù, đơn giản vì họ không chấp nhận sự thật. Họ lấy lý do bảo vệ ý thức hệ để bẻ cong các giá trị. Thực ra, đằng sau những thứ ý thức hệ mà họ cố bảo vệ, là những đặc quyền đặc lợi mà thời thế tạo ra.
Kết thúc bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với những người Do Thái: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. nhưng, vì các ông nói rằng: “ Chúng tôi thấy” nên tội các ông vẫn còn!” (c, 41).
Chúng ta ai cũng thấy vận mệnh của dân tộc và đất nước này sẽ đi về đâu ! Nếu chúng ta bảo chúng ta không thấy hoặc cố tình không thấy, thì thật đáng thương cho đất Mẹ Việt Nam khi có những đứa con độc ác, vô cảm với tình mẫu tử thiêng liêng. Nếu đến giây phút này, chúng ta – những người lãnh đạo đất nước, tiếp tục chủ trương một cuộc đấu tranh giai cấp không khoan nhượng với chính đồng bào của mình, để kéo dài sự thống trị trên quê hương Việt Nam, thì khi dân tộc mất, quyền thống trị cũng mất và lịch sử sẽ ghi dấu ngàn đời về những con người bất nhân, bất kính với tổ tiên, với hồn thiêng sông núi, với bốn ngàn năm lịch sử. Nếu đến giây phút này, chúng ta – người Công giáo Việt Nam, được Chúa ban cho quê hương Việt Nam như đất hứa làm cơ nghiệp, mà chúng ta không thấy trách nhiệm bảo vệ quê hương, không xây dựng quê hương thì chúng ta không chỉ có tội với Chúa mà còn có lỗi với tổ tiên và con cháu mình.
Vì thế, như người mù trong bài Tin Mừng, đã nhất định trung thành với sự thật đến cùng dù cho có phải bị trục xuất khỏi cộng đoàn, chúng ta cũng vậy, chúng ta phải can đảm làm chứng cho sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta và giải thoát dân tộc “khỏi cuộc thương khó” gây bao đau thương cho đất nước này.
Có nhiều cách thức để chúng ta làm chứng cho sự thật. Có nhiều việc chúng ta cần làm để tôn vinh sự thật. Điều quan trọng, mỗi người, mỗi gia đình phải luôn nhăc nhở nhau sống thiện, sống thật, sống bác ái yêu thương.
Những người cộng sản xưa kia và hiện nay, đang tiếp tục dùng truyền thông cách bất lương, bóp méo sự thật với mục đích bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho giới cầm quyền, gây chia rẽ tình đoàn kết dân tộc mà không biết bao giờ đất nước mới có thể hàn gắn được. Chúng ta, mỗi công dân, cũng được mời gọi nhắc nhau trở thành những nhà truyền thông sự thật: cha mẹ nhắc nhở con cái, bạn bè nơi trường học xí nghiệp nhắc nhau về sự thật đang diễn ra hằng ngày, không sống gian manh dối trá, nhưng quyết tâm bảo vệ sự thật đến cùng.
Cũng thế, như người mù đã can đảm dám bày tỏ quan điểm, lập trường của mình trước quan quyền, người Công giáo chúng ta cũng được mời gọi bày tỏ lập trường của chúng ta trước các vấn đề xã hội, nhất là lập trường đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông , bằng các buổi cầu nguyện tại tư gia, nhóm nhỏ hay tại thánh đường, bằng cách ký các kiến nghị thư, bằng các cuộc bãi khóa, bãi thị hay bằng các cuộc biểu tình ôn hòa đã được quy đinh tại điều 25 của Bản hiến pháp Việt Nam năm 2013…
Hồi còn nhỏ, chúng ta ai cũng từng được học, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Công cuộc “phục sinh Giáo hội, phục sinh quê hương đất nước” cần sự tiếp tay đóng góp của tất cả chúng ta , không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái chính trị.
Mùa Chay là Mùa Thương Khó. Cuộc Thương Khó trên quê hương Việt Nam dài hay ngắn tùy vào sự đóng góp của mỗi người chúng ta.
Amen.