Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các phụ nữ hoạt động nhân quyền
Việt Hà, phóng viên RFA
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch và Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã lên tiếng phản đối những hành xử của chính quyền Việt Nam đối với những nhà hoạt động xã hội đặc biệt là những nhà hoạt động xã hội nữ, coi những hành động bắt bớ và tấn công họ là điều đáng xấu hổ.
Những nhà hoạt động về quyền con người và các vấn đề xã hội nữ ở Việt Nam đang tham gia tích cực vào các phong trào đấu tranh đòi nhân quyền nhưng liên tục phải đối mặt với những sách nhiễu, tấn công và bắt bớ từ chính quyền trong suốt thời gian qua.
Nói với đài Á châu Tự do, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) cho biết:
Các nhà hoạt động nữ ở Việt Nam rất dũng cảm. Họ đang phải đối mặt với những đe dọa, hành hung từ lực lượng công an mặc sắc phục và thường phục, bao gồm cả những nhóm côn đồ tấn công họ, đánh đập họ. Những nhà hoạt động nữ dù dũng cảm không kém những đồng nghiệp nam của mình nhưng họ lại dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với những đe dọa truy bức từ chính quyền.
Theo báo cáo về những người bảo vệ quyền dân sự năm 2015 do Tổ chức Những người Bảo về Quyền dân sự công bố hồi năm ngoái, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào phong trào đấu tranh đòi nhân quyền ở Việt Nam bất chấp những đe dọa và tấn công từ phía chính quyền đối với họ và gia đình. Theo con số thống kê được Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đưa ra hồi năm ngoái, đã có ít nhất 42 trường hợp các nữ hoạt động nhân quyền và gia đình họ bị sách nhiễu, tấn công và đe dọa trong năm 2014.
Chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng qua, Việt Nam đã tiến hành bắt giam 2 nhà hoạt động xã hội nữ nổi tiếng của Việt Nam là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn được biết đến với tên Mẹ Nấm và nhà hoạt động xã hội về nữ quyền và quyền đất đai Trần Thị Nga với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Hai người phụ nữ này bị bắt khi mỗi người đều có hai con nhỏ cần mẹ chăm sóc. Việc bắt giam hai nhà hoạt động nổi tiếng này đã gây phẫn nộ trong cộng đồng những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam và khiến cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng phản đối.
Họ đang phải đối mặt với những đe dọa, hành hung từ lực lượng công an mặc sắc phục và thường phục, bao gồm cả những nhóm côn đồ tấn công họ, đánh đập họ.- Ông Phil Robertson
Hôm 12 tháng 10 năm 2016, 2 ngày sau khi blogger Mẹ Nấm bị bắt, Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Ted Osius đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Việc bắt giữ nhà hoạt động xã hội Trần Thị Nga chỉ vài ngày trước tết nguyên đán 2017 cũng khiến dư luận quốc tế quan tâm. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại châu Á hôm 24 tháng 1 cũng đăng trên trang facebook của mình bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ này. Liên Hợp Quốc lo ngại chính quyền Việt Nam áp dụng điều 88 đối với những nhà hoạt động xã hội này sẽ khiến họ phải đối mặt với những án tù từ 3 đến 20 năm. Nhận xét về điều này, ông Phil Robertson cho biết:
Điều mà chúng tôi thấy là những nhà hoạt động nữ cũng bị đối xử giống như những đồng nghiệp nam, tức là họ phải đi tù dài, phải chịu những cáo buộc liên quan đến các quyền tự do biểu đạt, quyền tự do tụ tập mà chính phủ coi là vi phạm pháp luật. Họ bị giam giữ rất lâu trước khi bị đưa ra tòa và sau đó bị tuyên phạt tù với án tù nhiều năm bởi những hành động mà đáng ra không bị coi là phạm pháp.
Quốc tế lên tiếng
Báo cáo nhân quyền năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 3 tháng 3 vừa qua cũng đã nêu lên những trường hợp các nhà hoạt động nữ tại Việt Nam bị bắt giữ trái pháp luật, bị đối xử tàn tệ trong tù. Báo cáo viết về trường hợp nhà hoạt động về quyền đất đai Trần Thị Thúy đang bị giam giữ trong tù.
Báo cáo viết ‘tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và nhà hoạt động về quyền đất đai Trần Thị Thúy cho biết giới chức phụ trách trại tù An Phước ở tình Bình Dương đã nhiều lần từ chối điều trị y tế đối với u tử cung và vết thương trên bụng của bà bất chấp những yêu cầu được điều trị. Giới chức nói với bà Thúy rằng bà sẽ chỉ nhận được điều trị khi bà thừa nhận có tội’.
Bà Thúy bị kết án 8 năm tù vào năm 2011 với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự.
Báo cáo cũng viết về trường hợp của cô Lê Thu Hà, người cùng bị bắt với luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ năm 2015 với cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam đã kéo dài thời gian giam giữ của cô Lê Thu Hà trước khi xét xử theo điều luật hết sức mơ hồ. Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng lên án việc chính quyền Việt Nam không cho phép gia đình và người thân những người bị bắt tiếp cận người thân của mình trong suốt thời gian dài, điển hình là các trường hợp của blogger Mẹ Nấm và cô Nguyễn Thị Minh Thúy.
Human Rights Watch hôm 6 tháng 3 cũng một lần nữa lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho hai blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, gọi việc bắt giữ họ và cáo buộc họ tuyên truyền chống nhà nước là hành động đáng xấu hổ vì những gì họ làm chỉ là thực hiện các quyền căn bản của người dân.
Theo ông Phil Robertson của Human Rights Watch, những nhà hoạt động nữ Việt Nam dù đang phải đối mặt với những bắt bớ, tù đày, và tấn công bằng bạo lực từ phiá chính phủ nhưng rõ ràng sự đóng góp của họ cho phong trào dân chủ và quyền con người ở Việt Nam là rất quan trọng:
Họ là những người đóng vai trò người đi đầu. Cho nên theo tôi đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận vai trò quan trọng của họ không kém các đồng nghiệp nam trong việc đấu tranh thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8 tháng 3 năm nay, vừa qua có 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước cùng một số cá nhân nữ cùng ký tên vào Bản Lên tiếng hướng về các phụ nữ đấu tranh đang bị tù tại Việt Nam.
Bản Lên tiếng đề ra 4 điểm trong đó có hoạt động hội thảo, nói chuyện giới thiệu việc làm của những người phụ nữ hiện phải chịu tù đày, chịu đối xử tàn tệ, bị chia cắt tình mẫu tử chỉ vì công khai đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn, mọi quyền của người dân được bảo đảm.