VACATION MẬT NGỌT

VACATION MẬT NGỌT
                                                       HOÀI VỆ LINH

Tôi đã ngưỡng mộ biết bao nhiêu khi có một vị hào kiệt anh thư nào đó đã lựa cái tên Solvang để đặt cho vùng đất yêu kiều này.
Vậy Solvang nghĩa là gì?
Solvang là Sunny Field
    • “Nắng Chan Hòa Trên Đồng Cỏ Nội”
    • hoặc là : “Cánh Đồng Vàng Ngập Ánh Chiêu Dương”
    • hoặc là....
    • là gì đi nữa thì tôi cũng cảm thấy ấm áp vô cùng cho những ngày vacation mật ngọt mà tôi đã dành riêng để đi thăm Solvang.
Những ngày Mùa Đông tháng giá này mà lá vàng đã rơi đầy dưới gốc những hàng cây khẳng khiu, chỉ còn sót lại vài chiếc lá mong manh tiếc nuối....và tuyết đã phủ đầy trên những đỉnh đồi đá xám chơ vơ....
Xe lăn bánh vào thành phố đã khiến lòng tôi xao xuyến bồi hồi khi mà trước mắt hiện ra biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp mà 16 năm trước đây chúng tôi đã có dịp viếng thăm 11 nước Âu Châu với những Văn Hóa Latinh, của cái năm 2000 mà Thánh Đường Saint Peter ở Vatican Mở Cửa Thiên Đường cho con chiên khắp nơi vào thờ lạy Chúa, sau mỗi 25 năm cửa đóng then cài...
Mới hơn 5 giờ chiều mà thành phố đã chìm dần vào bóng hoàng hôn. Phố xá thì hiện ra mờ mờ như ảo ảnh, khuất dần sau những hàng cây giăng đầy những dây hoa đăng lấp lánh còn sót lại của những ngày Giáng Sinh vừa qua ….
Hôm nay là ngày 02nd của tháng Giêng Tây năm 2017, ngày Thứ Nhì của Năm Mới, tiếng nhạc mừng “Happy New Year” nhẹ ngân vang trong một tiệm ăn chiều nào đó, còn mở cửa muộn màng.
Thành phố núi chìm trong sương chiều, vắng vẻ tịch liêu....Các cửa hàng sẽ mở lại vào ngày hôm sau lúc 9 giờ sáng, nhưng thường đóng cửa vào 5 giờ chiều...Thành Phố Băc Âu đi nghỉ sớm và chỉ thức dậy khi ánh nắng đã chan hòa khắp đó đây....
Thành phố đã thưa khách...một vài người còn thơ thẩn trên hè phố vắng đã mau bước vội hơn trên con đường về nhà với gia đình...
Tôi cũng lái xe về căn condo xinh xắn đã có sẵn, với hai phòng ngủ thật tiện nghi, ấm cúng mà thân tình.
Tôi trút bỏ bộ áo đi đường, mặc vào một chiếc áo dress thoải mái, và khoác vội chiếc măng tô mỏng rồi cùng với cô con gái lái xe ra phố.
Đậu xe dưới một hàng cây sáng rực đèn Giáng Sinh,  chúng tôi xuống xe thả bộ dài theo mấy con phố về khuya êm ả thanh bình...
Không khí mát rượi của những ngày cuối Đông vừa chớm sang Xuân, chỉ hơi lạnh mà không rét buốt.
Sự tĩnh lặng êm đềm khiến tâm hồn tôi xúc động nhẹ, cứ tưởng như mình đã trở về thăm lại Âu Châu năm xưa, tôi tưởng như đang đi bộ trên vỉa hè đêm nào bên nước Áo, thức khuya để mua vé vào xem một đêm hòa nhạc Mozart và Johann Strauss trong Hoàng Cung Áo Quốc, tràn đầy âm thanh ru hồn người của những tài danh âm nhạc sinh ra trên đất nước này. Áo là quê hương của nữ hoàng Maria Theresia, Thế Kỷ 18. Bà kết hôn và sinh được 16 người con (11 gái, 5 trai), 3 người mất sớm, trưởng thành còn được 13 người. Sau này bà đã sắp xếp cho những người con trai kết hôn với công chúa các nước Âu Châu và trở thành rể các nước này, để những năm sau lên nối ngôi vua cha cho nên những của cải ở Âu Châu được gom về nước Áo. Trong số các cô con gái của bà, có những cô rất xinh đẹp đã về làm vợ những hoàng tử Âu Châu, sau đó khi hoàng tử lên ngôi vua thì cô trở thành hoàng hậu, và tài sản của trời Âu cũng lại gom về nước Áo.  
Thời gian ấy Âu Châu có dịch đậu mùa, khiến cho 3 cô trong các cô con gái của bà vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, những vết sẹo rỗ của đậu mùa đã để lại trên gương mặt mỹ miều khiến cho nhan sắc tàn phai, không thể lấy được chồng. Bà đã sắp xếp cho 3 cô gái đi tu và trở thành các ma soeurs trông nom ngành nữ tu Công Giáo quyền uy nhất một vùng.
Nữ hoàng Maria Theresia thông minh xuất chúng. Bà đã làm cho nước Áo trở nên hùng mạnh giữa trời Âu.  
Những năm về già bà yếu dần, và trước khi qua đời, bà đã trả lại toàn quyền uy ngai vàng cho vị hoàng tử duy nhất làm vua trị vì cả 2 nước Áo và Hung, mà lịch sử Âu Châu còn ghi danh tới ngày nay.

x x x

Trời về khuya, tôi đã cảm thấy thấm lạnh. Từ khi lái xe suốt dọc đường chúng tôi chưa dừng lại nơi nào để dùng bữa. Trong vùng ánh sáng của một giáo đường, có ngôi chợ Âu Châu còn mở cửa. Chúng tôi bước vào lựa một chai nước cam và một bình sữa, và sà vào dãy hàng thực phẩm lạnh, hàng bán biết bao nhiêu thực phẩm vùng Bắc Âu: sausage – jambon – fromage – butter....kẹo và bánh ngọt....mang nhãn hiệu của nhiều nước khác nhau chứ không phải chỉ có của Hòa Lan hay Pháp là những nhãn hiệu quen thuộc mà người Việt Nam đã quen. Chúng tôi lựa mua đủ thứ thực phẩm ưa thích cùng với trái cây, và đặc biệt là mua nhiều loại sausage nổi tiếng của nhiều nước khác nhau....ôm hết về căn condo ấm cúng để dọn bữa ăn chiều.

x x x

Ánh nắng vàng óng ả soi vào phòng làm tôi thức dậy.
Đã 8 giờ rồi!! Đã quá muộn màng nếu tôi vẫn cứ thích chụp những bức ảnh bình minh ngay khi mặt trời còn đang mọc, khi những tia nắng vàng còn trên đỉnh núi, hay những làn mây mỏng còn len lỏi qua khe những thung lũng cỏ dày phủ đầy trên bước đi... quá giờ rồi thì thật là tiếc nuối biết bao nhiêu...
Phong cảnh bình minh đã trôi qua rồi - nắng đã rực rỡ – đã huy hoàng – và đã chan hòa trên vùng cỏ nội như cái tên mỹ miều Solvang (Sunny Field)
Thói quen buổi sáng được tôi chuẩn bị vội vàng vì đã 9 giờ rồi – lái xe ra phố ngay thôi!!
Lựa một nơi đậu xe an toàn – chúng tôi bước xuống phố.
Ôi chao!!! Đẹp đẽ đáng yêu quá! Các hiệu buôn đã mở cửa hết! Du khách đã đi dạo trên khắp vỉa hè. Những du khách ăn mặc thật lạ và đẹp mắt – nhưng đầy nét phong lưu và lịch lãm – chững chạc mà đúng thời trang.
Họ nói chuyện với nhau nho nhỏ – bằng những thứ tiếng mà tôi không hiểu hết  và không hề nghe quen – vì là không phải tiếng Mỹ hoặc tiếng Pháp quen thuộc.
Phố xá đông người, nhưng lịch sự biết bao nhiêu – không một tiếng động, không tiếng ồn ào – những dáng đi nhẹ bước – những tiếng nói vừa đủ nghe – những cử chỉ lịch thiệp – một số người đi ngược chiều với tôi khẽ cúi đầu chào tôi với nụ cười thân thiện trên môi. Tôi đã thấy phong thái của người Âu Châu khác hẳn với người Mỹ.
Suốt 4 ngày ở Solvang tôi không hề thấy một người nào tay cầm ly nước vừa đi vừa uống ngoài lề đường, hay miệng nhai chewing gum trên hè phố, những cảnh tượng quá quen thuộc khi tôi sống ở Orange County.
Chiếc máy ảnh trên tay tôi đã làm việc không ngừng nghỉ. Mọi sự đều lạ mắt – đều đẹp – đều dễ thương mà tôi muốn thâu lại hết trong chiếc máy bé nhỏ mang theo.
Hình bóng chiếc quạt gió Moulin cao ngất nghểu trên ngọn cây cối xay gió giống hệt chiếc Moulin Rouge (Red Moulin) của nước Pháp. Những kiểu nhà thật lạ mắt mà đầy thẩm mỹ của nhiều nước khác nhau vùng Bắc Âu, đã làm cho du khách Á Đông như tôi phải ngẩn ngơ nhìn, như đang lạc bước trên thành phố nào của Đức, hay Thụy Sĩ, hay của Monaco. Những bảng hiệu của tiệm buôn – của nhà hàng – của giftshop - của Danish Đan Mạch – của Hòa Lan Netherlands – của Đức Quốc Deutschland – của Nước Anh England – của Pháp French – Của Thụy Điển Sweden – Na uy Norway – Thổ Nhĩ Kỳ Turkey … khiến tôi phải tò mò dừng chân đọc kỹ, để biết rằng đây là restaurant bán thức ăn, gồm những món đặc biệt của quê hương Âu  mà họ liệt kê menu trên những bảng đặt ngay ngoài cửa tiệm để cho khách lựa chọn trước khi bước vào. Những tiệm rượu đã đầy khách vào thưởng thức những ly rượu ngon nổi tiếng vang danh thế giới.
Những tiệm kẹo Âu Châu – chocolate của Bỉ. Đi ngang một con phố toàn là hiệu bánh ngọt Âu Châu đã tỏa khắp phố một mùi ngọt ngào thơm hương vị của Paris. Tôi bước chân vào nhiều cửa tiệm bán bánh chứ không phải chỉ một tiệm, xem qua các loại bánh hệt như La Pagode của Hà Nội ngày xưa, hay Givral Saigon, luôn tay lựa mấy loại bánh Napoleon – baba au rhum - mille feuilles - tarte de fruits, và thêm mấy loại langue de chat - petits fours, ôm đầy mấy hộp bỏ lên xe đem về mà tôi đã quên mất rằng tôi có bệnh tiểu đường, thôi thì lỡ mất rồi, thử bánh xong thì đi chích thuốc insulin vậy.
Buổi chiều tôi đi thử mấy tiệm ăn để thửơng thức cơm Tây. Tôi định vào mấy quán rượu để nếm vài ly rượu nổi tiếng hơn cả rượu chát Bordeau mà các tiệm rượu ở đây không hề thiếu bất cứ một thứ rượu nổi tiếng nào.
Tôi đã vào thăm những tiệm giftshops hoặc bán loại hàng antique của nhiều nước khác nhau. Đây là một tiệm bán đồ kỷ niệm của Thổ Nhĩ Kỳ. Những mặt hàng để trưng bày phòng khách – phòng ăn – phòng ngủ – nhà bếp bằng sứ, bằng thủy tinh, bằng pha lê làm bằng tay made by hand, kỹ xảo thật tỉ mỉ – tinh vi – mỹ thuật – mầu sắc thật hài hòa, quyến rũ đã thu hút khách viếng thăm không ít. Những lọ độc bình kết bằng những mảnh thủy tinh nhiều màu – những chiếc đèn đặt ở corner table có abat-jour màu đẹp lộng lẫy – những lọ hoa – những chiếc đĩa cổ – những bộ kỷ trà bằng sứ chạm nổi cho những kiểu dáng hơi chút cầu kỳ nhưng vẫn thanh lịch để tỏ ra cho khách đến chơi nhà hiểu rằng gia chủ là một người lịch lãm – biết thưởng thức nghệ thuật của từng địa phương, và có con mắt thẩm mỹ biết thưởng lãm cái hay nét đẹp của nhiều vùng khác nhau trên thế giới.
Tôi thật tò mò – muốn biết giá để lựa mua một vài món làm quà lưu niệm. Vì không có món hàng nào đề giá nên một người thanh niên trẻ đã ra tiếp tôi thật lịch sự nhưng giá cả thì không lịch sự tí nào. Điều này thì tôi đã đoán được từ phút đầu tiên khi cầm trên tay một vài món hàng mà không thấy giá bán – thế có nghĩa là tôi sẽ phải mua hàng với bất cứ giá nào mà người bán hàng bắt mạch được sự ưa thích của khách mua. Tuy nhiên tôi cũng thử xem thế nào:
    • 1 cái chén ăn cơm nhỏ giá 16 đô la,
    • 1 cái tô lớn hơn chén thì $30.
    • 1 cái tô vừa đựng canh thì $60,
    • 1 bình trà có chạm nổi bằng tay $80,
    • 1 tách trà cỡ nhỏ cả đĩa thì $28,
    • 1 đèn đêm trong phòng ngủ $160,
    • 1 đèn lớn hơn để phòng family thì $245,
    • 1 lọ độc bình trưng phòng khách giá hơn $1000....

Bạn nghĩ sao?

x x x

Sau một ngày trời đi dạo khắp phố phường thì tôi biết là đất mặt bằng ở thành phố này không rẻ. Tất cả nhà ở đa số là một tầng xinh xinh – nhỏ hẹp không tới 100 mét vuông.  Có những nhà hai tầng thì cũng gọn gàng và không hơn vài trăm mét vuông. Không hề có những căn nhà lớn hay biệt thự lớn 2000, 3000 sqf. như ở Orange County. Ngoại trừ tòa thị sảnh Solvang thì rất sang, rất đẹp và nghênh ngang đồ sộ nhất thành phố.  
Tôi đã chợt hiểu ra và thông cảm với những chủ tiệm buôn ở mặt tiền đường trên phố, đã phải định giá những món hàng bán ra sao cho có thể chịu đựng được tiền thuê phố và sự sinh sống của gia đình.
Tuy nhiên tôi vẫn yêu thành phố này vô cùng – đường phố sạch như lau như ly – phố xá đông vui mà không hề có tiếng ồn ào – du khách đi chật đường mà không hề thấy một tí rác.
Buổi chiều đến – khi chúng tôi mỏi chân rồi nên ngồi nghỉ mệt trên những ghế băng thật nhiều kê suốt dọc lề đường.
Một đôi vợ chồng trẻ đẩy xe đứa con độ hơn một tuổi, trông thấy tôi họ cúi đầu lễ phép chào và chúc “Happy New Year”. Tôi vội vàng đáp lễ “Thank you. Happy New Year to you”.
Những người khác đi ngang qua, thấy chúng tôi đều cúi đầu chào và mỉm cười thân thiện.
Người Âu Châu vô cùng lịch sự và lễ độ. Người nào cũng ăn mặc chững chạc khi đi ra đường. Thanh niên Âu Châu thì quá đẹp trai và tế nhị.
Tôi nghĩ rằng khi những năm về già nên có một căn condo nhỏ ở đây, về sống nơi thành phố này, thỉnh thoảng ra phố ăn cơm Tây, mua vài cái bánh gâteau ngọt, nhấm nháp một ly rượu vang Bordeau....Tuổi già như thế cũng đủ thần tiên phải không bạn?

x x x

Ngày hôm sau chúng tôi đi chơi núi. Định viếng thăm vài thung lũng nổi tiếng ở cách đây không xa, nhưng chẳng may trời mưa gió suốt dọc đường. Có đến nơi nhưng không thưởng lãm được.
Dọc đường đi hàng hàng lớp lớp núi đá cheo leo – dãy núi này tiếp theo dãy núi khác. Đỉnh núi mịt mờ – những hàng thông chênh vênh bên sườn đồi khiến tôi nhớ thương Đà Lạt vô cùng. Gió núi lao xao tạt những đợt nước mưa vào kính xe như những khúc nhạc miền Thượng Du Bắc Việt. Khúc nhạc rừng lao xao – nhắc nhở tôi những buổi chiều mưa biên giới của những năm mà người sỹ quan quân nhân VNCH còn tại ngũ!
Chúng tôi muốn tìm một nơi chốn tạm dừng chân để uống một ly trà nóng, hoặc dùng một vài món ăn nhẹ, nhưng suốt dọc đường không có một thành phố nào – và cũng không có những quán ăn.
Khi đi qua thành phố Ojai, một thành phố đặc sệt nét đặc biệt của người dân Latino. Tôi dừng chân vào một nhà hàng Mexican để order thử một vài món ăn Mễ. Ít nhất cũng có mấy mươi phút nghỉ chân trước khi ra đi tiếp tục.
Chúng tôi order mỗi người một cái burrito beef – Đường xa mỏi mệt – Ly cà phê với khúc bánh mì buổi sáng đã tiêu hao lâu rồi – Tôi thật đói bụng. Đĩa burrito khá lớn – Tôi cắt đôi để dùng một nửa. Món ăn Mễ làm tôi ngon miệng và lần đầu tiên tôi cảm thấy món ăn Mễ cũng có khi rất ngon.
Xe tiếp tục đi cho đến chiều thì sắp về tới thành phố nghỉ ngơi. Trước khi về nhà chúng tôi vào thăm một nhà hàng Mỹ ở tận chân núi, trong khu vực của một sân chơi golf của tầng lớp người có mức sống trên mức trung bình. Chúng tôi order món thịt bò và món cá Tuna nổi tiếng – nhà hàng nấu khá ngon.
Giấc ngủ của đêm thứ ba rất say sau một ngày dài mệt mỏi.
Sáng ngày thứ tư chúng tôi thu xếp hành lý – sẽ đi chơi thêm ½ ngày các phố xá nơi đây, trước khi dời chân trở về Quận Cam vào buổi chiều cùng ngày.

x x x

Sáng hôm nay trời đẹp quá! Mặt trời lên tới đỉnh ngọn cây. Không khí mát mẻ sau một ngày dài hôm qua đã mưa liên tiếp.
Phố xá hôm nay như bừng thức dậy. Du khách lại đổ ra đường – trên hè phố – trong quán ăn – vào các tiệm bánh – thăm quán rượu ...kiếm một chỗ đậu xe không phải là dễ dàng.
Chúng tôi bước xuống xe, đi bộ theo những con phố mà hôm trước đã không đủ thì giờ mà đi cho hết.
Đường phố ở Solvang không rộng lớn lắm, nên thành phố có vẻ ấm cúng và gần gụi nhau hơn. Hai bên đường – đã có những cây không còn một chiếc lá nào – cành khẳng khiu trơ trụi khoe màu trắng bạc cũng đã tạo nên một nét đặc biệt riêng những khi nắng lên nhuộm vàng thành phố.
Chiếc đồng hồ đâu đây đã thỉnh thoảng dạo lên khúc nhạc điểm giờ như nhắc nhở ta rằng đã ½ ngày rồi – không còn sớm nữa. Chúng tôi ghi thâu vào máy ảnh thêm một số hình ảnh đẹp của thành phố nắng vàng trước khi chia tay những người Bạn Bắc Ấu thân mến = những người Thụy Điển – người Đan Mạch – người Thổ Nhĩ Kỳ – người Đức Quốc – những bạn người Anh – Pháp – Na Uy – và có thể là còn một số bạn khác nữa mà tôi chưa được hân hạnh gặp mặt kỳ này.
Ước mong sao chúng tôi còn sức khỏe để trở lại đây trong một ngày nào khác – mà nắng vẫn ấm – cây vẫn xanh – những mái nhà kiểu Âu Châu vẫn mái nhọn viền xanh – người Âu Châu vẫn lịch sự hiền hòa dễ mến. Bánh ở đây vẫn ngọt ngào – Cơm ở đây vẫn những món đặc trưng vùng Bắc Âu lạnh giá – Tiếng chuông nhà thờ vẫn đổ – Đêm Giáng Sinh vẫn êm vui thánh thiện và du khách rời xa thành phố rồi vẫn còn lưu luyến mãi Solvang chan hòa ánh chiêu dương.


Anh đi rồi! - Có nhớ SOLVANG không?
Ở đây Em đợi cánh phiêu bồng!
Những lúc đường xa chồn mỏi gối
Về đây sưởi ấm suốt Mùa Đông.


                                                                    Hoài Vệ Linh
               Ngày 02, tháng 01, năm 2017