Phạm Hồng-Lam
Ngôn-ngữ việt và tính khách-quan khoa-học
Sau đây là mấy suy-nghĩ sau khi đọc một số bài tường-thuật trên các diễn-đàn người việt và đặc-biệt sau khi dịch một số tài-liệu liên-quan tới lịch-sử giáo-hội. Người việt chúng ta chủ-trương "chính-danh" trong việc xử-thế. Nhưng khi áp-dụng quan-niệm này vào văn-chương thì lại mất tính khoa-học. Vì khách-quan khoa-học không đi đôi với tình-cảm chủ-quan.
1. Người việt tình-cảm
Tây phương thiên về lí-trí. Đông phương thiên về tình-cảm. Sách vẫn nói thế. Nhận-định này có thể minh-hoạ qua mấy chuyện sau:
Chuyện 1: Năm 1981 có vận-hội túc-cầu thế-giới. Chúng tôi, một nhóm tị-nạn việt vừa mới tới Đức năm trước, đang sống chung với một số anh chị em tị-nạn đông âu (hung, tiệp, ba-lan...) trong một nhà trọ để đi học tiếng đức. Chiều về, sau giờ học, tất cả xúm nhau quanh chiếc truyền hình theo-dõi các trận đấu. Trận nào có Đức đá không-khí trở nên sôi-nổi. Các ông bà việt hớn-hở, la-hét om-sòm khi Đức làm bàn, buồn thiu khi "đội nhà" lủng lưới, trong lúc các bạn đông âu ngồi xem với thái-độ bàng-quang, ai hay thì vỗ, dở thì chê. Thấy đám việt ủng-hộ Đức một cách mặc-nhiên như thế, các bạn đông âu ngỡ-ngàng thắc-mắc: Không hiểu tại sao nước Đức và Việt Nam có sự gắn-bó như thế! Tại sao người việt lại ủng-hộ Đức một cách tận-tình như vậy ! Hẳn quí độc-giả thuộc thế-hệ thứ nhất có thể chứng-nghiệm hiện-tượng này nơi mình ở.
Điều đó làm tôi nghĩ tới sự khác nhau trong suy-nghĩ và phản-ứng giữa mình và người âu. Mình sống theo tình-cảm. Ở Đức thì coi nước này là nhà mình, đương nhiên phải ủng-hộ "gà nhà". Trái lại, người tây phương không để tình-cảm chi-phối một cách dễ-dàng như thế. Họ tị-nạn ở Đức, vẫn coi nước này là chỗ dung thân đáng trân-trọng, nhưng không "phải" yêu nó một cách dễ-dãi như người mình.
Chuyện 2. Đọc báo chí tiếng việt, tôi thấy rất nhiều khi trong các bản tin về sinh-hoạt cộng-đồng, cái chính là những sự-kiện (cái gì, ai làm, ở đâu, lúc nào, tại sao, diễn-tiến ra sao, kết-thúc thế nào) thì ít được quan-tâm, trong khi nội-dung lại bàng-bạc toàn là những tình-cảm ước-mong, những nhận-định riêng-tư của người viết. Và câu kết rất thường là: "Mọi người ra đi trong bình-an, lòng tràn đầy ơn Chúa!" hay "Đồng-bào ra về trong hân-hoan, vững tin vào ngày quang-phục quê-hương!"... Nhiều người chúng ta có lẽ rung-động với những câu kết (gợi tình nhưng mơ-hồ) đó. Nhưng đối với một kí-giả chuyên-nghiệp những ý-kiến tình-cảm chủ-quan loại đó không có giá- trị. Một phóng-sự thì cần dữ-kiện, khác hẳn với một đoản văn hay diễn-văn vận-động bầu-cử có thể dùng chủ-quan để khơi dậy cảm-xúc.
Hai chuyện trên đủ cho ta hay ảnh-hưởng tiềm-tàng mạnh-mẽ của tình-cảm trên nếp sống lối nghĩ của người mình như thế nào !
2. Khi tình-cảm biến thành ngôn-ngữ
Bản-chất tình-cảm trên hiện rõ nhất qua hệ-thống xưng-hô.
Khi nghe hai người âu mĩ nói chuyện với nhau, ta không biết được liên-hệ thân-tộc (tương-quan) hay vị-trí cao thấp (vị-thế) giữa hai người. Trái lại, qua vài lời đối-đáp giữa hai người việt, ta biết được ngay vị-thế hoặc tương-quan (tình-cảm) giữa họ.
Một phần là nhờ ngôn-ngữ xưng-hô của ta phong-phú. Trong khi âu mĩ chỉ xào đi nấu lại với Ich (I; Je) và Du (You, Sie, Tu, Vous), thì ta cũng từ hai từ đó mà có "Thưa cụ giám-mục; Kính ngài thủ-tướng; Con thưa bố ...; Anh bảo cho chú màybiết...; Cháu mời bà cố dùng cơm...
Nhưng phần khác, quan-trọng hơn, là vì lối suy-tư tình-cảm nặng tính tôn-ti của ta. Một lối suy-tư phản-ánh tính cộng-đồng thân-tộc và một cấu-trúc xã-hội phân cấp chặt-chẽ.
Người á-đông sinh ra trong một hệ-thống thân-tộc phức-tạp. Họ uyển-chuyển (hoặc mắc kẹt) trong màng lưới tương-quan đó. Khi một người mở miệng phát-biểu, anh ta / chị ta phải tự đặt mình vào vị-trí và tương-quan xứng-hợp với người đối-diện hoặc người chung quanh. Đây là kết-quả của một quá-trình xã-hội-hoá sống-động và gay-go để một người muốn trở thành là người việt. (Cứ để ý cách xưng-hô của trẻ tại hải-ngoại thì rõ. Lúc còn nhỏ, chúng thường xưng mình là "em" với mọi người. Lớn lên, "em" chuyển" sang "mình". Mãi sau, khi dần hiểu thêm các tương-quan mới và thẩm-thấu vào được hệ-thống tương-quan thân-tộc phức-tạp thì trẻ mới biết sử-dụng các từ anh, chị, em, con, cháu...). Nếu vì lí-do nào đó anh muốn tỏ ra lơ-lửng trong vị-thế hoặc chị muốn tỏ ra dửng-dưng về tình-cảm thì ngôn-từ sử-dụng - đặc-biệt các đại từ xưng-hô - trước sau gì cũng sẽ tố-cáo điều họ muốn dấu.
Vì thế Á-đông có quan-niệm Chính-danh. Chính-danh là phải biết mình ở vị-trí nào trong toàn-thể, đồng thời cũng phải biết vị-trí của đối-tượng mình đang nói tới hoặc nói với để xưng-hô hoặc phát-biểu cho chỉnh. Chính-danh không những trong khi nói, mà cả khi viết.
3. Như vậy thì không thể có khách-quan khoa-học !
Chính-danh cần-thiết cho việc xử-thế, nhưng lại là cản-trở cho tính khách-quan khoa-học.
Tôi thường để ý và khó chịu khi đọc thấy trong các bài tường-thuật hay các bản dịch từ ngoại-ngữ những từ (xưng-hô) phản-ánh cái chủ-quan và tiên-kiến của người viết. Tại sao trong thông-điệp ngày hoà-bình của Gioan Phaolô II gởi cho toàn thế-giới mà lại có thể sử-dụng từ "Ta" kênh-kiệu để dịch chữ Ich (I, Je) của Giáo-chủ ? Tại sao Gioan Phaolô II (trong bài đáp-từ nhân cuộc thăm-viếng vừa qua) lại cả gan dùng chữ "các con" để gọi các hồng-i, giám-mục việt-nam ? Rõ-ràng chính cái tâm-thức phong-kiến của người dịch đã gắn vào miệng Giáo-chủ thứ ngôn-ngữ lạc-hậu đó, chứ một hiền-nhân sla-vơ Gioan Phaolô II làm gì có thứ ngôn-từ cha-chú đó ! Từ xưng-hô việt-nam quá phong-phú. Một chữ er / sie (tiếng đức) ta có một lô từ tương-ứng: nó, ông, hắn, y, ngài, cụ, đức (ông), cậu (bé), chú (bé), thầy, anh ấy, lão ấy, bà, cô, chị, con (ấy), (thằng) cha ấy, (con) mẹ ấy... nghĩa là tuỳ tình-cảm của người dịch đối với nhân-vật được đề-cập mà ghép vào cho... hợp (lòng mình) ! Các từ er, sie, il, elle, he, she của đức, pháp, anh-ngữ không chuyên-chở một thứ tình-cảm hay phân cấp nào cả. Chúng trung-tính (neutre) khách-quan. Thành ra khi lấy tình-cảm chủ-quan của mình để áp-đặt vào một thực-tại trung-tính thì người dịch đã xuyên-tạc nguyên-bản.
Thêm nữa, đã tình-cảm chủ-quan thì nhận-định thường trở thành bản án. Cái lối tường-thuật chuyện Tổng-giám-mục E. Milingo là một thí-dụ. Khi vị này còn giữ độc-thân thì một "ngài" hai "ngài". Khi ông bỏ luật thì "ngài" tụt xuống "ông" ! (Thực ra "ông / bà" là hai đại-từ tương-đối khách-quan nhất, có thể áp-dụng cho mọi trường-hợp. Nhưng trong ngữ-cảnh của trường-hợp Milingo thì "ông" là dấu chỉ một sự hạ thấp nhân-phẩm). Không hiểu sau khi ông quay trở lại thì người viết dùng từ gì cho hợp ... với bản án phúc-thẩm của mình đây! Trớ-trêu là nhân-cách của một người ở đây hoàn toàn bị nhào-nặn bởi người viết. Mà chỉ có các cây viết người việt thôi, chứ ngòi bút âu mĩ thì không có chuyện "ngài" "ông" "y" "hắn"... này ! Mà nếu bảo là "tội" thì việc bỏ luật độc-thân của Tgm. Milingo nhằm nhò gì so với việc tách-lìa giáo-hội của Tgm. Lefèvre và của Gm. Ngô Đình Thục. Vậy mà trong hai trường-hợp sau lúc sinh-thời chẳng thấy ai bỏ "ngài" mà gọi "ông". Vì các vị ấy được nhiều người theo chăng ? Vì Giám-mục là người "mình" nên chín bỏ làm mười ? Hay vì Milingo chỉ là một ông da đen cô-thế ? Tôi nghĩ, nếu có, thì đấy chỉ là những lí-do rất phụ. Lí-do chính nằm trong cái quan-niệm sai về tội của người mình, khi coi trọng những lỗi cá-nhân (bỏ độc-thân, không vâng lời, lỗi chay-tịnh...) hơn lỗi liên-quan tới tha-nhân (thiếu bác-ái, bất-công, bóc-lột...). Phải chăng tây phương nhờ vượt qua được lối nhìn tội chiều dọc (cá-nhân) và coi trọng tội chiều ngang (liên-đới) nên mới có thể tiến lên được dân-chủ, văn-minh ?
4. Thế phải làm gì để giữ được khách-quan ?
Lối suy-nghĩ cảm-tính và thứ ngôn-ngữ tình-cảm của ta quả nguy-hiểm. Chúng như một ông quan-toà ngồi sẵn trong đầu mỗi người việt. Chúng là căn-nguyên của sự thù dai, của những hiểu-lầm, những hằn-học, chửi-bới ra-rả hàng ngày trên các diễn-đàn truyền-thông người mình. Vì khi một tình-cảm đã được bạch-hoá bằng ngôn-ngữ kết án rồi thì khó mà quay về lại được tình-trạng khách-quan ban đầu. Một lời nói ra một trăm ngựa đuổi không kịp, là thế.
Tuy nhiên, chúng ta có thể chữa được yếu điểm trên. Ý-thức được sự hiện-diện của quan-toà tình-cảm nơi mình là chúng ta đã hầu như giải-quyết xong vấn-đề.
Viết ra những điều này tôi muốn thưa chuyện với những người cầm bút là nên cẩn-trọng hơn, đặc-biệt trong ngôn-từ xưng-hô. Viết giải-trí hoặc để hô-hào bà-con làm gì thì sao cũng được. Nhưng khi làm khoa-học thì không nên để Chính-danh chi-phối ngòi bút. Tại sao hễ đụng tới Phan Bội Châu là một "cụ" hai "cụ" ? Chả cần cụ thì Phan Bội Châu với tuổi đời, tấm lòng và sự-nghiệp của ông cũng đã đáng trọng rồi. Nếu chỉ căn-cứ tuổi-tác thì "cụ" Châu 73 tuổi còn được, chứ "cụ" Phan Chu Trinh mới ngoài 50 thì nghe không ổn. Nhà cầm quyền cộng-sản gọi các giám-mục việt-nam bằng "cụ". Ai cũng hiểu là chẳng phải vì họ kính-trọng gì, nhưng là vì từ đó diễn-tả được thái-độ kẻ-cả của họ mà thôi. Bớt đi ít chữ "đức" thì nhiều giám-mục, tổng-giám-mục, hồng-i chẳng vì thế mà giảm giá. Chữ "ngài" cũng là điều nên nghĩ. Tiết-kiệm dùng nó thì cũng chẳng vì thế mà trở nên bất-kính. "Ngài" bắt nguồn từ phong-kiến, chỉ sự kính-trọng trong xa-cách. Nó nguyên chỉ thông-dụng trong giáo-hội công-giáo. Nay được cộng-sản việt-nam sử-dụng đại-trà với tinh-thần rất ư là phong-kiến và ba-phải. Thanh-niên xã-hội chủ-nghĩa ở ngoại quốc gọi tất cả những người của cơ-quan công-quyền địa-phương hoặc với bất cứ người ngoại-quốc nào có quyền đều là "ngài" ráo. Và cũng nên phân-biệt ngôn-ngữ nói (tình) với ngôn-ngữ viết (sự-kiện). Chẳng hạn từ "cha" là để nói, viết thì "linh-mục" khách-quan hơn...
Tâm-thức của đa số độc-giả người việt chưa quen với thứ ngôn-ngữ khách-quan. Điều này đòi-hỏi sự can-đảm và lòng thành-thật của người viết. Thay-đổi một thói-quen văn-hoá đã thành nếp là điều khó-khăn vô-vàn. Và đó cũng là sứ-mạng cao-cả của người cầm bút.