Khủng Hoảng Nam Hàn
Tương quan lực lượng Đông Bắc Á đang đảo lộn….
Sáu tháng sóng gió đã kết thúc với việc Tổng thống Phác Cận Huệ bị truất phế hôm mùng 10, bây giờ giông bão đang nổi lên tại Nam Hàn với những hậu quả chưa ai lường nổi….
Sinh năm 1952, là ái nữ của Tổng thống Phác Chính Hy, Phác Cận Huệ đã thấy thân mẫu rồi thân phụ lần lượt bị hạ sát trong vòng năm năm (1974-1979). Bà khởi sự hoạt động chính trị trong cảnh độc thân với nhiều thành tích, rồi lên tới tột đỉnh là đắc cử Tổng thống cho một nhiệm kỳ năm năm, từ 2013 tới 2018. Chưa ai rõ tâm tư vị Tổng thống đầu tiên của Nam Hàn thuộc phái nữ, nhưng ta phải suy đoán là bà có vấn đề nên bị hai người thân tín chi phối.
Đó là cha con Thôi Thái Mẫn và Thôi Thuận Thực. Họ là loại đồng cốt hay thầy pháp kỳ lạ vì kết hợp nhiều tín ngưỡng như Phật giáo, Đạo giáo, Thần giáo, Công giáo và Tin Lành với niềm tin là có khả năng siêu hình huyền bí. Phác Cận Huệ tin ông Thôi Thái Mẫn như thần linh, sau khi ông mất vào năm 1994 thì trút niềm tin vào bà cốt (mudang) Thôi Thuận Thực rồi để bà này làm nhiều điều phi pháp cho tới khi bị báo chí phanh phui từ Tháng 10 năm 2016.
Nam Hàn, hay Đại Hàn Dân Quốc, là quốc gia tiên tiến vùng Đông Á, được cả thế giới nể trọng vì khả năng hiện đại hóa rất cao và nhanh. Nhưng thế giới và riêng chúng ta lại chưa biết hết về nền văn hóa thần bí của dân tộc này khiến một người tài cao học rộng như Phác Cận Huệ lại quá tin tưởng vào chuyện huyền bí, rồi bị lợi dụng mà thân bại danh liệt và nay mai sẽ ra tòa về tội hình sau khi mất chức Tổng thống và mất quyền miễn nhiễm.
Không nói về tâm linh mờ mịt thì chúng ta có thể biết được những chuyện của… đời thường. Kinh tế Nam Hàn bị sa sút từ mấy năm nay và đang gặp khủng hoảng sau nhiều thập niên phát triển. Một chỉ dấu ít được chú ý là tổ hợp hàng hải Hàn Tiến Hải Vận Hanjin bị vỡ nợ từ năm ngoái và vừa khai báo phá sản tháng trước. Hanjin là một trong 10 doanh nghiệp hàng hải lớn nhất thế giới.
Trước đó rồi, nhiều quầng mây đen đã kết tụ trên nền trời kinh tế Nam Hàn.
Khi kinh tế sa sút, ảnh hưởng xã hội đã lan rộng và dội xuống người dân. Nam Hàn không chỉ bị khủng hoảng kinh tế mà còn gặp một hiện tượng văn hóa khá bất ngờ chìm sâu ở dưới. Mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa hai thế giới mới cũ và giữa các thế hệ.
Là một thành viên đáng kính trọng của tổ chức OECD quy tụ 35 quốc gia tiên tiến có nền kinh tế thị trường và chính trị dân chủ, Nam Hàn được OECD chú ý từ năm… 2003: có tỷ lệ tự sát cao nhất trong khối, và nạn tự sát là nguyên nhân tử vong số một trong lớp tuổi từ 10 tới 39! Tức là giới trẻ Nam Hàn bị khủng hoảng tinh thần từ mười mấy năm trước, và nhiều người coi đất nước là địa ngục.
Trong khung cảnh ấy, nạn suy thoái kinh tế và tham nhũng trên thượng tầng chính trị là điều không thể chấp nhận được. Khi có tin tức ngày càng rõ rệt về sự bất lực và hành vi bất chánh của Tổng thống Phác Cận Huệ, họ xuống đường biểu tình từ Tháng 10. Chính áp lực của quần chúng từ đường phố khiến chính giới phải giải quyết. Bà Phác Cận Huệ xin Quốc hội quyết định về số phận của mình và từ đó chìm trong im lặng. Sau nhiều tính toán và thỏa hiệp giữa các đảng đối lập và đảng cầm quyền, Quốc hội bỏ phiếu đình chỉ công tác của Tổng thống, cho Thủ tướng Hoàng Giáo An thuộc Nội các Phác Cận Huệ lên làm quyền Tổng thống và chờ đợi phán quyết của Tòa Bảo Hiến, một loại Tối cao Pháp viện bên Tư pháp.
Vì Hành pháp bất lực, Lập pháp phải tạm quyết định và đợi phán quyết của Tư pháp. Quyết định của toàn thể tám thẩm phán của Tòa Bảo Hiến chính thức kết thúc sự nghiệp của Tổng thống Phác Cận Huệ. Ngoài hai người tử nạn trong các cuộc biểu tình sôi nổi từ khi có phán quyết của Tòa Bảo Hiến, chúng ta vừa chứng kiến sự vận hành tương đối êm thắm của nền dân chủ Đại Hàn: không có đảo chính, thủ tiêu hay đổ máu vì thanh toán chính trị. Xin ngả nón kính phục….
Nhưng khủng hoảng thì có, từ kinh tế đến chính trị và cả ngoại giao lẫn an ninh….
Thứ nhất, về kinh tế, Nam Hàn đã cất cánh từ 60 trước với chiến lược kỹ nghệ hóa do Chính quyền Phác Chính Hy đề ra sau khi nắm quyền tuyệt đối từ năm 1961. Chiến lược đó chọn ưu tiên phát triển và dựa vào các tập đoàn tư doanh được nhà nước yểm trợ để thành đầu máy kinh tế cho một quốc gia không có tài nguyên và cần xuất cảng loại hàng hóa có giá trị ngày một cao hơn. Các tập đoàn ấy được gọi là Chaebols (“Tài phiệt”) do mô phỏng các đại tổ hợp Nhật Bản thời chiến tranh, từ năm 1910 tới 1945. Kỷ luật và lòng ái quốc sau khi bị Nhật chiếm đóng rồi bị chiến tranh tàn phá là động lực tinh thần khiến các tổ hợp Đại Hàn tạo ra phép lạ kinh tế Đông Á, được gọi là “Hán giang Kỳ tích” vì tên con sông Hán chảy qua khu vực trung ương và thủ đô Hán Thành (Seoul). Những tên tuổi như Hyundai (Hiện Đại), Samsung (Tam Tinh) hay Đại Vũ (Daewoo) là niềm hãnh diện cho Đại Hàn.
Nhưng mặt trái của mô thức phát triển ấy là vai trò quá lớn của các tập đoàn Tài phiệt trong tay các gia đình có truyền thống kín đáo bảo vệ quyền lợi và quyền lực qua những chiến lược sát nhập vốn và quyền sở hữu. Vai trò ấy làm lệch lạc chánh sách phát triển kinh tế quốc gia sau 30 năm thành công ngoạn mục, lại còn tạo ra những cấu kết mờ ám với hệ thống lãnh đạo.
Vụ Phác Cận Huệ bị đàn hặc vì vai trò mờ ám của Thôi Thuận Thực liên quan đến Chaebol số một của Nam Hàn là tổ hợp Samsung và người lãnh đạo thực tế là cháu nội của nhà sáng lập. Hiện nay, năm viên chức cao cấp của Samsung đều đang bị điều tra về tội hối lộ hay man khai sổ sách để che giấu nạn tham nhũng. Trước đó rồi, Tổ hợp Hyundai cũng do quyền lợi trong các dự án lớn tại Bắc Hàn mà thúc đẩy việc hòa giải Nam Bắc với Chính quyền Cộng sản Bình Nhưỡng thời Chính quyền Kim Đại Trung, gọi là Nhật Quang Chính Sách. Vị tiền nhiệm của Phác Cận Huệ là Lý Minh Bác từng là chủ tịch trẻ nhất của Hyundai trước khi thành Đô trưởng và đắc cử Tổng thống để lãnh đạo từ năm 2008.
Ngoài vai trò quá lớn của các đại gia trong chính trường Nam Hàn, người ta không quên rằng nạn tham nhũng đã lên tới hệ thống quyền lực cao nhất. Tổng thống Lỗ Vụ Huyền, vị tiền nhiệm của Lý Minh Bác, đã từng bị Quốc hội đàn hặc về tội tham nhũng trong gia đình và cấu kết với tập đoàn Daewoo (đã phá sản) mà không bị truất phế như Phác Cận Huệ. Sau khi mãn nhiệm, ông đã nhảy từ mỏm núi để tự vận.
Có cái gì đó không mấy hoàn hảo trong Tổng thống chế của Nam Hàn.
Sau khi lãnh tụ Phác Chính Hy qua đời, Nam Hàn có Hiến pháp mới cho nền Đệ tứ Cộng hòa kéo dài tới 1981 thì lại đổi nữa, trong tinh thần tự dân chủ hóa những vẫn trao quyền hạn rất lớn cho Tổng thống. Tuy nhiên, mỗi Tổng thống chỉ có một nhiệm kỳ là năm năm, nên từ những năm 1993 trở về sau, Tổng thống nào cũng muốn cải cách cơ chế kinh tế để giới hạn ảnh hưởng kinh tế và chính trị của các đại tổ hợp Chaebols mà chưa thành công thì đã trao lại quyền lực cho người kế nhiệm. Qua mỗi lần đổi thay như vậy, các Chính quyền phải đi lại từ đầu và các Chaebols đều tìm cách dung hợp và luồn lách để bảo vệ ảnh hưởng.
Tột cùng là vụ khùng hoảng Phác Cận Huệ với vai trò đáng nghi ngờ của Samsung.
Từ kinh tế chính trị, ta bước qua lãnh vực ngoại giao và an ninh.
Sau chiến tranh Cao Ly (1950-1953) trên bán đảo Triều Tiên, Nam Hàn phải đối đầu với Bắc Hàn Cộng sản và áp lực của Nga và Liên Xô nên vẫn còn quân lực Mỹ trú đóng trên lãnh thổ kể từ hiệp ước ngưng bắn tại Bàn Môn Điếm trong vùng Phi quân sự Nam-Bắc Hàn. Khi ấy, ba quốc gia từng là cừu thù (Hàn-Nhật và Nhật-Mỹ) lại trở thành đồng minh chiến lược vì nhu cầu an ninh, trước nguy cơ bành trướng của khối cộng sản trong vùng Đông Bắc Á.
Ba thập niên sau, tình hình bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc cải cách kinh tế và Nam Hàn cải tổ chính trị từ những năm 1980 và còn thay đổi hơn nữa khi Liên Xô tan rã năm 1989 rồi sụp đổ năm 1991. Từ đấy, Nam Hàn bắt đầu giao thương và tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong khi cạnh tranh, bắt kịp và còn thay thế Nhật Bản trong một số lãnh vực công nghiệp. Vai trò hay công lao của các Chaebols Nam Hàn trong giai đoạn vàng son ấy là điều khó phủ nhận.
Nhưng ngần ấy quốc gia trong khu vực đều phải đối phó với một thực thể bất thường là chế độ Cộng sản Bắc Hàn.
Sự bất thường lên tới cao độ khi Kim Chính Ân nối ngôi thân phụ là Kim Chính Nhật để hoàn thành ước nguyện tự chủ và “xã hội chủ nghĩa” của người sáng lập chế độ là Kim Nhật Thành ông nội của Kim Chính Nhật. Chế độ này bất thường ở cách lạnh lùng giả điên, làm toàn chuyện ngang ngược để duy trì quyền lực của họ Kim. Chế độ sợ bị lật đổ nên bắn ra ba tín hiệu mâu thuẫn: 1/ tàn sát đối lập không thương tiếc, bằng phương pháp man rợ; 2/ tiếp tục kế hoạch chế tạo võ khí chiến lược, với hỏa tiễn có thể bắn đầu đạn hạch tâm; nhưng 3/ không che giấu tai họa cho người dân Bắc Hàn, bị chết đói hàng triệu! Ba tín hiệu đó cho thấy chế độ có thể sụp đổ, nhưng nếu sụp đổ thì không chết một mình mà khu vực rơi vào cảnh “thiên địa đồng thọ”, thiên hạ cùng chết bên nhau!
Tình trạng quái đản ấy gây vấn đề cho các nước, trước hết là Nam Hàn, rồi Trung Quốc và Hoa Kỳ! Những thách đố dồn dập từ lãnh đạo Bắc Hàn làm đảo lộn tính toán của Nam Hàn, khi Chính quyền Phác Cận Huệ lại bị tê liệt.
Theo khuynh hướng bảo thủ, Chính quyền Phác Cận Huệ và đảng đa số Saenuri (Tân Thế Giới) coi mối nguy Bắc Hàn là ưu tiên và chủ trương sát cánh với Hoa Kỳ, hòa giải với cừu thù là Nhật Bản. Năm ngoái, Chính quyền Hán Thành còn miễn cưỡng đồng ý với đề nghị của Hoa Kỳ là thiết trí hệ thống phòng thủ bằng hỏa tiễn gọi là THAAD (Terminal High Altitude Area Defense Terminal High Altitude Area Defense) để cùng Hoa Kỳ và Nhật Bản dựng lá chắn chống lại hỏa tiễn Bắc Hàn. Nhưng Bắc Kinh coi đó là âm mưu Mỹ-Nhật chống Tầu và ra biện pháp trừng phạt doanh nghiệp Nam Hàn làm ăn trong thị trường Trung Quốc.
Bên kia, đảng đối lập lớn nhất là đảng Dân Chủ Thống Nhất lại theo xu hướng thiên tả, có lập trường hòa dịu với Bắc Hàn mà gay gắt với Nhật Bản. Lãnh tụ đảng sẽ ra tranh cử Tổng thống là Văn Tại Dần (Moon Jae-in) hiện đang dẫn đầu trong các cuộc khảo sát dân ý giữa vụ khủng hoảng Phác Cận Huệ. Nếu ông đắc cử Tổng thống, toàn khu vực sẽ bị tréo giò! Hoa Kỳ và Nhật Bản lâm vào thế kẹt trước sự bành trướng của Trung Quốc và sự khiêu khích của Bắc Hàn.
Chìm sâu bên dưới là mâu thuẫn giữa các thế hệ. Bị phe tả và các các nhóm thân cộng ảnh hưởng, thế hệ trẻ của Nam Hàn chẳng nhớ gì về cuộc chiến quốc-cộng giữa hai miền Nam Bắc. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ thù ghét giới lãnh đạo chính trị và bất đồng với thế hệ cha anh, đa số theo khuynh hướng bảo thủ. Họ thấy chủ trương hòa giải với Bắc Hàn là sự tiến bộ, và ứng cử viên Văn Tại Dần là đáng làm Tổng thống.
Nhưng chẳng ai biết là Bắc Hàn sẽ xử trí ra sao! Có khi chế độ Bình Nhưỡng còn coi là họ vừa thắng lớn khi dám thách đố Chính quyền Donald Trump và còn loại bỏ được một đối thủ tại Hán Thành là bà Phác Cận Huệ!
Chúng ta đang thấy trước mắt một cơn ác mộng tại Nam Hàn. Sau sáu tháng sóng gió, Nam Hàn sẽ trôi vào giông bão chính trị với cuộc bầu cử Tổng thống, trên nguyên tắc phải tổ chức trong 60 ngày sau khi Tổng thống bị truất phế. Đắc cử rồi, Tổng thống mới sẽ làm gì với ngần ấy vấn đề, từ kinh tế xã hội đến kinh tế chính trị trong đó có quy chế của các Chaebols, rồi từ chính trị tới ngoại giao và an ninh, là quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc?
Nội tình Nam Hàn đã nát bét và phải có thay đổi lớn trong cả chục năm tới, nhưng giông bão Nam Hàn còn có thể đảo lộn tương quan lực lượng giữa các cường quốc tại khu vực Đông Á. Năm 2017 sẽ hung hiểm hơn năm 2016 vốn đã quá kỳ lạ!