MỘT NHÀ THƠ LẮM ĐỌA ĐÀY!
Đỗ Bình
Vài Nét Về Nguyễn Chí ThiệnNguyễn Chí Thiện sinh ngày 27 tháng 2, 1939 tại Hà Nội và qua đời ngày 2 tháng 10 năm 2012 tại Santa Ana, quận Cam, California, Hoa Kỳ. Là một nhà thơ phản kháng chống chế độ CSVN. Ông đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt giam tổng cộng 27 năm tù vì tội “phản động” từ năm 1960 đến năm 1977 mấy lần vào tù ra tù. Năm 1979 Nguyễn Chí Thiện tìm cách chuyển tập thơ do ông sáng tác cho nhân viên sứ quán Anh tại Hà Nội. Vì lý do trên ông lại bị bắt. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1991 ông được ra tù. Năm 1994 ông được tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải thưởng Hellman/Hammett.
Tháng 1 năm 1995 ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ qua sự vận động của Đại tá Không quân Hoa Kỳ Noboru Masuoka.
Tác phẩm :
Tập thơ Hoa Địa ngục (còn được in dưới tên “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” và “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam”) Tác phẩm này được dịch ra tiếng Đức, tựa Echo aus dem abgrund, tiếng Hà Lan: Bloemen Uit de Hel, tiếng Hàn, tiếng Hoa: 花从地狱来 (âm Hán Việt: Hoa tòng địa ngục lai), Tiếng Pháp: Fleurs de l'Enfer, Tiếng Tây Ban Nha: Flores del Infierno, và Tiếng Tiệp Khắc: Básně z pekla.
Tập truyện Hoả Lò của ông do Tổ hợp Xuất bản miền Đông Hoa Kỳ phát hành năm 2001, tái bản năm 2007. Tác phẩm này cùng với thơ của ông được dịch ra Anh ngữ, nhan đề Hoa Lo/Hanoi Hilton Stories do Yale University Southeast Asia Studies xuất bản năm 2007. Bản dịch cuốn này có sự đóng góp của các dịch giả Nguyễn Ngọc Bích, Trần Văn Điền, Vann Saroyan Phan và Nguyễn Kiếm Phong. (trích)
Đã từ lâu tôi định viết về Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện một con
người rất đặc biệt đã từng bị tù đày trong các trại tù CS rất lâu vì hai chữ Tự
Do. Thời gian ông còn ở tù nơi quê nhà, chúng tôi cùng nhiều cá nhân đoàn thể
khác ở hải ngoại đã nhiều lần xuống đường tranh đấu đòi tự do cho ông và những
người tù lương tâm khác, và đã nhiều lần gởi những thỉnh nguyện thư cho
các cơ quan giới chức quốc tế để nhờ can thiệp trả tự do cho ông. Sau nhiều năm
ông đợc tự do và định cư Mỹ, ông đã đi khắp nơi diễn thuyết với người Việt hải ngoại
và quốc tế để tố cáo sự dã man và độc ác của chế động CS, đi đến đâu ông cũng
được những người đồng hương hoan hô đón rước rầm rộ đầy nhiệt tình.. Những năm
cuối đời ông bị tai tiếng về những nguồn dư luận rất bất lợi cho ông nhằm đánh
giá lại tác phẩmvà con người của ông. Trong giới văn nghệ có một số người là
bạn thân của tôi họ có những nhận xét trái ngược nhau về Nguyễn Chí Thiện làm
tôi phân vân chẳng biết theo ý nào nên đành chọn một thái độ im lặng để
đừng mất thêm nhau vì cuộc đời quá ngắn ngủi! Tin nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua
đời lòng tôi thấy buồn vì bằng hữu lần lượt theo nhau mà đi, những lời khen
tiếng chê, tiền tài danh vọng cũng chẳng mang theo được gì. Tôi muốn làm đôi
vần thơ về những kỷ niệm bằng hữu về sự mất còn nhưng ý cứ miên man nên chẳng
viết được!
«Vào năm 1992 trong một phiên họp với các hội đoàn
người Việt Tự Do ở Paris tôi đề nghị nên làm một thỉnh nguyện thư yêu cầu chính
phủ Pháp can thiệp đòi nhà cầm quyền VN trả tự do cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
vì ông bị cầm tù quá lâu. Vào năm 1993 có một gia đình người Việt tị nạn định
cư ở Đan Mạch qua Paris
ngồi tuyệt thực dương biểu ngữ chống nhà nước VN đòi thả hết các tù nhân. Vì
không có giấy phép được biểu tình nên gia đình gồm hai vợ chồng và một cháu nhỏ
còn ẵm bị cảnh sát Pháp đuổi. Thời tiết đang mùa thu họ sợ cháu bé bị nhiễm
lạnh khi sương chiều xuống nên đòi bắt cặp vợ chồng nếu không chịu giải tán!
Nhưng gia đình người tị nạn này rất quyết liệt chống trả lại cảnh sát và không
chịu rời chỗ, nếu không có cháu nhỏ chắc chắn cảnh sát đã bắt hai người lên xe.
Sự việc càng lúc càng trầm trọng đã gây chú ý đến những khách bộ hành và những
người đi xe. Có người Pháp đã phôn cho chúng tôi nhờ đến giúp đỡ cặp vợ chồng
này. Chúng tôi đã đến và được biết sự tình nên đã giải thích cho cặp vợ chồng
đó về luật lệ xứ Pháp và thuyết phục đưa anh chị tạm về khách sạn ở tạm để chờ
phương tiện trở về Đan Mạch, đợi khi nào các hội đoàn người Việt tự do ở Paris
có tổ chức biểu tình chúng tôi sẽ thông báo để anh chị có thể sang Paris biểu
tình hợp pháp. Trong lúc chuyện trò, tôi được người chồng cho biết : Anh
tên là Hùng, nổi tiếng ở trại cấm Hồng Kông vì tranh đấu cho nhân quyền nên
được tặng mỹ danh : Hùng Nhân Quyền. Anh tâm sự: « Ngày trước anh là đầu gấu ra tù vào khám như cơm bữa,
trong thời gian nhốt ở Hỏa Lò chung với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, và nhờ sự chỉ
dẫn và khuyên răn anh đã bỏ con đường du đãng để làm một công việc cao đẹp hơn
là tranh đấu cho quyền con người, vì dưới chế độ CS có biết bao thân phận
con người bị áp bức, nhân phẩm bị chà đạp!»Sau khi trở về Đan Mạch thỉnh thoảng anh Hùng vẫn phôn thăm tôi, nhưng khoảng 8 năm nay bỗng không còn tin tức.
Năm 1995 ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện được trả tự do, sau khi đến Mỹ hai tuần anh qua Paris theo lời mời của các hội đoàn Paris do qũy Ngàn Quan tổ chức mà người trách nhiện là BS Trần Phước Thọ. Hôm đó tôi được mời tham dự, tôi cùng một số bạn ngồi ở quán cafê Choisy để cùng đi. Trong quán cafê đầy khói thuốc tôi chịu không nổi nên ra ngoài hít thở không khí, tình cờ xe của LS Trần Tam Nại chở GS Lại Thế Hùng và một người ngồi cùng xe trông dáng gầy gò như đang bệnh. Bước xuống xe, anh Lại Thế Hùng giới thiẹu ngay với tôi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, thế là chúng tôi đứng ngoài trao đổi một số chuyện, trong câu chuyện tôi bỗng nhớ đến Hùng Nhân Quyền, tôi hỏi anh Nguyễn Chí Thiện có biết anh Hùng không? Anh Thiện mừng rỡ trả lời : «Hùng đầu gấu !…Anh biết Hùng đầu gấu.. giờ anh ấy ở đâu ?»
Anh nói cả tên họ anh Hùng. Tôi bỗng cảm thấy vui vì câu chuyện tình cờ vài năm trước với Hùng nhân quyền nay tôi được gặp Nguyễn Chí Thiện bằng xương bằng thịt, trước khi lên xe để đi nghe buổi nói chuyện tôi có nói với Nguyễn Chí Thiện một câu:
« Anh nên giữ gìn sức khỏe, con đường đấu tranh còn dài, ở hải ngoại này rất phức tạp. hôm nay anh đến các anh em Paris rất vui và long trọng đón tiếp anh, nhưng sau này lỡ anh có bị công chúng quên lãng hay hiểu lầm dù có thế nào thì tôi vẫn ngưỡng mộ anh vì anh đã bị tù 27 năm, mất cả tuổi trẻ gần hết nửa cuộc đời! Tôi cũng đã từng bị biệt giam, bầm dập trong tù nên rất hiểu người tù.»
Một lần Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện nói chuyện với công chúng Paris tại hội trường Maubert –Mutualité. Anh kể : « Hồi anh còn trẻ, ở Hải Phòng có lần anh gặp nhà thơ Xuân Diệu trong một buổi họp đến tuyên truyền, hết lời ca tụng đường lối Bác và Đảng. Sau buổi nói chuyện Nguyễn Chí Thiện xin gặp riêng và hỏi Xuân Diệu : «Anh nói nhờ Bác Đảng ta mới có miếng cơm mà ăn, manh áo mà mặc ; vậy thì trước khi có Đảng anh cởi truồng hả ?»
Xuân Diệu: «Xuỵt..xuỵt, nói khẽ chứ ! Tao nói phét để kiếm ăn đó mà.»
Vài năm sau, một lần khác tôi tham dự một buổi nói chuyện trong Quốc Hội Pháp, anh Nguyễn Chí Thiện là một trong những diễn giả. Hôm đó anh nói tiếng Pháp, không văn hoa nhưng trôi chảy bằng chất giọng Bắc rất nặng!
Năm 2000 Hội Y Sĩ VN TD tổ chức đại hội các y sĩ VN ở hải ngoại về Paris ở khách sạn Sofitel rất sang trọng. Anh Nguyễn Chí Thiện và tôi không phải y sĩ nhưng được mời vào ban tổ chức, hôm đó anh Thiện tặng tôi cuốn thơ : Fleurs De L’ Enfer do nhà xuất bản Institut De L’Asie Du Sud-Est, dịch giả : BS Nguyễn Ngọc Qùy và Dominique Delaunay. Hôm đó anh cũng được mời thuyết trình, bài nói chuyện của anh vững vàng lập trường dứt khoát tư tưởng được mọi người nhiều lần vỗ tay tán thưởng.
Lần cuối tôi gặp anh trong buổi vinh danh nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh do chiến hữu Nguyễn Tạ Quang từ Mỹ sang cùng một số hội đoàn ở Paris tổ chức, tôi và anh Thiện là khách mời phát biểu. Lần đó mục đích anh qua Paris để lấy thêm một số tập thơ, nhân dịp chúng tôi được ông bà DS Đặng Quốc Cơ mời ăn tối ở một nhà hàng sang, gồm có: ông bà DS Đặng Quốc Cơ, ông bà GS bác sĩ Hoàng Cơ Lân, ông bà BS Nguyễn Ngọc Qùy, bà Ký sữ Nguyễn Qúy Toàn, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và tôi. Bữa ăn kéo dài khá lâu đậm chất thân tình, mọi người vui vẻ trao đổi xoay quanh về những đề tài từ hiện tình đất nước đến những sinh hoạt văn hóa VN hải ngoại. Câu chuyện rất hào hứng nhưng chỉ có chúng tôi nói nhiều còn anh Nguyễn Chí Thiện rất ít nói thỉnh thoảng mới thêm vào câu chuyện, ngoại trừ trả lời những câu chúng tôi hỏi.
Qua một số lần tiếp xúc tôi thấy anh Nguyễn Chí Thiện bản tánh hiền hòa, ít nói chuyện gẫu nhưng lại hăng say nói trong những lần thuyết trình hay hội thảo chính trị.
Có lần nhạc sĩ Trịnh Hưng (tác giả nhạc phẩm Lối Về Xóm Nhỏ, Tôi Yêu…) ngồi giữa anh Nguyễn Chí Thiện và tôi, anh Trịnh Hưng tỏ ra thân thiện đặt tay lên vai Nguyễn Chí Thiện nhưng bị anh Thiện hất xuống. Nhạc sĩ Trịnh Hưng giận ; đến giờ giải lao anh nói với tôi trách Nguyễn Chí Thiện kiêu kỳ, anh nói đâu có phải chỉ mỗi Nguyễn Chí Thiện ở tù cộng sản ; anh cũng bị hơn 8 năm tù sau năm 1975 vì dám viết nhạc phẩm: «Ta Đập Tan Lũ Giặc Hồ », tôi lại phải giải thích với anh và đưa anh đến giới thiệu với Nguyễn Chí Thiện, hai anh vui vẻ bắt tay nhau. Với bản tính ít nói và khuôn mặt khắc khổ trông có vẻ lầm lì khiến nhà thơ Nguyễn Chí Thiện dễ bị ngộ nhận là lạnh lùng!
Khi những lời phê phán khen chê nhà thơ Nguyễn Chí Thiện về tác phẩm và tác giả lên cực điểm trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhà báo, GS Đặng Văn Nhâm ở Đan Mạch( tác giả nhiều bộ sách: Đan Việt Y Khoa Tự Điển, Đan Việt Đại Tự Điển, Stalin Tình Ái& Chính Trị, Bí Mật Hậu Trường Chính Trị Miền Nam……), có thể nói tôi là một trong vài người mà GS Đặng Văn Nhâm qúy nhất ở Âu Châu, anh đã từng tặng tôi cây bút qúy để viết những điều tốt đẹp. Mặc dù tôi chưa bao giờ tham gia một đảng phái nào nhưng qua những sinh hoạt văn hóa, đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền quê hương tôi cộng tác với nhiều người trong đó có anh. Anh từng là Phó đảng trưởng VNQĐD Hải Ngoại, Cựu CT VBVNHN, CT HĐVNTD Âu Châu mà tôi là tổng thư ký, tôi rút ra khỏi văn bút vì không muốn theo phe phái làm rách thêm sự rạn nứt. Từ ngày GS Đặng Văn Nhâm và GS Lê Phước Sang trở về VN tôi không còn sinh hoạt chung với các anh nữa nhưng vẫn liên lạc giữ tình anh em. Trong sự việc của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, GS Đặng Văn Nhâm phôn cho tôi nói là anh đang viết về Nguyễn Chí Thiện và nói qua cho tôi nghe vài điểm trong sách viết, tôi không đồng ý vì có một số điểm anh nêu ra không đúng như tôi được biết nhưng anh vẫn bảo thủ giữ nguyên ý của mình, kể từ ngày đó dến lúc nhà báo Đặng Văn Nhâm qua đời chúng tôi không còn liên lạc nhưng tôi vẫn qúy anh! Thời gian đó nhà báoHoài Thanh chủ nhiện tuần báo Đại Chúng ở W.DC, người đã từng tổ chức cho tôi và nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên ra mắt Thơ Nhạc ở W.DC năm 2008, anh Hoài Thanh qua Paris chỉ một ngày thăm chúng tôi là BS Nguyễn Bá Hậu, GS Lê Mộng Nguyên và tôi, nhân dịp đó anh Hoài Thanh đã khuyên chúng tôi đừng viết bài về Nguyễn Chí Thiện vì anh Thiện đang bị một số người trong cộng đồng đặt nghi vấn về tác phẩm và tác giả, chúng tôi cảm ơn tấm chân tình của nhà báo Hoài Thanh. Viết về một nhà thơ bị 27 năm tù rất khó, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tôi chỉ biết một số điều khi nhà thơqua Paris ; trong đó có mối tình đậm đà của anh với một người nữ tranh đấu ở Paris, người đó đã giúp đỡ anh và là chỗ dựa tinh thần của anh trong những năm ở Pháp cùng nhà văn Vũ Thư Hiên (tác giả: Đêm Giữa Ban Ngày) được chính phủ Pháp trợ cấp đài thọ ăn ở. Dư luận xôn xao về Nguyễn Chí Thiện đã làm hoang mang những người thiện cảm với anh. Nhân dịp sinh nhật thứ 92 của nữ sĩ Minh Châu GS Thái Hạc Oanh do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức, tôi đã mời một số người đến tham dự trong đó có nhà văn Vũ Thư Hiên, hôm đó chúng tôi đã hỏi những điều liên quan đến nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Trước số đông bằng hữu ở Paris anh Vũ Thu Hiên cho biết : «Ở trại tù Hỏa Lò có một số tù nhân chính trị bị nhốt, tôi ở chung với anh Nguyễn Chí Thiện. Chúng tôi đều bị tra tấn rất dã man, nhưng chỉ có mình anh Nguyễn Chí Thiện là bị hành hạ khủng khiếp nhất, mỗi lần tra tấn anh như chết đi sống lại thì mồn lại chửi rủa cộng sản!»
Anh Vũ Thư Hiên còn cho biết khi ở chung nhà với anh Nguyễn Chí Thiện ở Pháp do hội nhà văn Pháp tài trợ, anh Thiện vẫn ít nói, thích im lặng, ham đọc sách và không hể để ý đến tiền bạc, giấy tờ!
Qua lời của anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Đan Mạch và lời của anh Vũ Thư Hiên Paris có lẽ cũng đã minh chứng một số điều về con người của Nguyễn Chí Thiện. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi tại sao nhà thơ Nguyễn Chí Thiện lại không làm thơ, có phải chăng khi tác phẩm của mình được ca ngợi quá nhà thơ muốn sống mãi với hương thơm thi phẩm nên ngại làm thơ ? Vì nhà thơ có thể sáng tác thêm những vần thơ mới có lẽ nào sợ dở, sợ ánh hào quang sẽ bị tắt khi dòng thơ trước và sau khập khễnh thiếu hồn bị người đời đem so sánh ?
Thơ Nguyễn Chí Thiện là tiếng lòng, là tiếng gào thét của người dân chân chính bị bạo lực của chế độ độc tài cưỡng bức đẩy vào tận cùng đáy địa ngục! Hồn thơ ông là tiếng gào thét phát ra từ lòng căm phẫn, hừng hực như núi lửa phun lên những nham thạch nhìn rất đẹp như pháo hoa nhưng nóng cực độ, đó là lửa hận thù! Thơ của Nguyễn Chí Thiện không chú ý về hình thức, không màu sắc hoa mỹ mà chỉ là lời nói thật từ trái tim từ sự bị đọa đày nên toát lên qua hồn thơ, đó là nhờ vào chất liệu sống, cảm xúc thật thành một nghệ thuật đơn giản nhưng ý sâu sắc mà người đời không ở trong hoàn cảnh đó không thể viết được. Những nhà thơ hải ngoại đều mang tâm trạng mất mát, tha hương, bị nạn CS đành phải xa lìa mảnh đất vùng trời Miền Nam tự do mến yêu năm xưa nên trong thơ ẩn chứa có sự ray rứt, khí thế trỗi dậy vùng lên, và sự khát vọng trở về. Dù đã được tự do và xa quê hương nhưng trong tâm thức Nguyễn Chí Thiện luôn nhốt mình trong bốn bức tường nhà tù, ông chỉ muốn bức xiềng xích, phá nhà giam. Thơ của Nguyễn Chí Thiện là sự uất nghẹn trong ngục tù biến thành tiếng gào thét là lời than thanh âm trầm, tiếng thét là thanh âm bổng, sự trầm bổng tạo thành nhạc điệu trong thơ nên hơi thơ mạnh mẽ. Phải chăng trong chốn lao tù người tù vì mất tự do nên nhà thơ đã đẩy nguồn cảm hứng phóng qua song sắt, lỗ khóa khe tù để hồn chắp cánh bay xa hưởng chút tự do ? Tâm trạng người tù, nhất là bị biệt giam khác với tâm trạng người tù được thả, được sống tự do trên những xứ tự do. Ở Mỹ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện có quyền xuống đường tranh đấu để có cảm xúc thật, và cũng có thể ngồi trong quán café làm thơ đấu tranh đòi lật đổ chế độ độc tài CS nhưng lại sợ bài thơ sẽ không hay vì thiếu cảm xúc trực diện với bạo lực như thuở ở trong tù! Do đó ông không làm vì biết hồn thơ mình không thành một hỏa diệm sơn như xưa. Bao lần ông xuống đường đi diễn thuyết vì mục đích cao cả là đấu tranh cho tự do dân chủ quê hương, nhưng buồn thay trong đám đông ấy có những người xuống đường mà mục đích khác nhau nên phân hóa! Thơ của Nguyễn Chí Thiện làm ở trong tù có chỗ đứng riêng biệt, và thi nhân mỗi người mỗi cảm xúc, tuy nhiên đối với thi sĩ cảm xúc thật sẽ viết những bài thơ tranh đấu từ đáy lòng mình bài thơ sẽ thật hay kích động lòng người vì diễn tả được ý chung về nỗi lòng người yêu nước.
Hôm nay nhà thơ Nguyễn Chí Thiện nằm xuôi tay bên phương trời Mỹ ngừng cuộc rong chơi trên cõi đời, bỏ hẳn cuôc hành trình đi tìm tự do cho quê dù rằng nơi ấy vẫn còn lắm đọa đày bất công. Cánh của tù vẫn khóa chặt để nhốt những nhà tranh đấu đòi tự do không chịu nhường đất cho ngoại bang.
Cầu chúc linh hồn anh sớm về cõi vĩnh hằng hưởng An Lạc đời đời.
Paris 03 09 2012
Đỗ Bình