NÓI THẬT, NÓI LÁO

NÓI THẬT, NÓI LÁO

Bửu  Sao

Một vấn đề vốn nảy sinh từ muôn thuở trong các mối tương giao liên-ngã-vị trên cõi đời: đấy là vấn đề nói thật, nói láo. Nói đến niềm tin thuộc thế hệ trẻ thời trước, thì hình như trong trắng lắm. Có là có, không là không. Còn thế hệ trẻ bây giờ thì sao? Chắc cũng vậy, hay lại còn hơn thế nữa không biết chừng! Nhưng có điều là vào thời tiền chiến, những giá trị tinh thần và đạo đức còn nguyên si, ít ai dám đụng đến. Nay vào thời đại toàn thịnh tiêu thụ chủ nghĩa này thì những giá trị như là danh dự, trung thành, trong trắng, v.v.  nếu mà không được un đúc từ trong gia đình, rồi tiếp tục nuôi dưỡng trong các hội đoàn thì chắc gì còn mấy ai nghĩ đến nữa?
Trong cuộc chơi Hướng Đạo, điều luật thứ nhất là:
 
Hướng đạo sinh trọng danh dự để người ta tin cẩn: một lý tưởng tuyệt vời!
 
Trên cõi đời này, ai mà không cho rằng danh dự là phần tinh hoa thiết cốt của phẩm giá con người? một khái niệm đạo đức liên hệ đến tác phong cá nhân khiến mọi người phải kính nể. Mất danh dự là mất hết tất cả. Đấy là niềm tin cơ bản thuộc mọi thế hệ. Nhưng thử hỏi: trong thực tế danh dự là cái gì? là vật gì để có thể đánh mất? Mấy ông anh tôi có ngày đặt tôi câu hỏi: cậu xi cút nè, thế nào là người trọng danh dự? Tôi chỉ biết trả lời: dạ trọng danh dự là nói thật, đừng nói láo. Cho đến nay từ danh dự, tôi vẫn chưa tìm ra được tinh nghĩa, xin ai biết mách giùm cho. Vì giờ đây lỡ có ai còn hỏi tôi danh dự là gì? thì chắc tôi cũng chỉ nói được có thế: thưa nói thật, làm thật là người có danh dự, ăn gian, nói dối là người mất danh dự. Nói ra cho văn hoa một tý, một con người có danh dự tức là một con người trung thực, chính thực, đối với mình cũng như đối với mọi người: một con người chân chính. Chuyện này trong thực tế, vào thời đại mà tiêu thụ chủ nghĩa là luật vàng, thì lắm khi vàng thau lẫn lộn, khó xử trí lắm. Một hôm, có người bạn đến giúp tôi tu bổ ngôi nhà. Anh ấy cùng tôi đến Home Depot mua vật liệu. Khi tính tiền trả xong ở quầy hàng, chúng tôi ra xe chất đồ lên thì thấy có một hộp đinh lọt sổ, trị giá $5,00.
 - Để tôi vào trả tiền gói đinh này. - Thôi, khỏi phải bận tâm làm gì? rồi lại phải làm đuôi, mình có ăn cắp đâu? Hai người bàn qua tính lại, thế rồi phóng  xe về nhà với gói đinh "chùa" trong xe. Ấy, chỉ vì vào thời đại mà tiêu thụ chủ nghĩa là kim chỉ nam thì chuyện ăn gian, nói dối hầu như khắp nơi đã được tương đối hóa cả rồi. Ai làm khác đi là lạc hậu, là ra vẻ dạy đời, là quá khích. Thái độ coi trọng danh dự để hành xử mọi việc một cách trung thực đứng đắn dần dần đã được xem là hiếm có, là cung cách của một loại sinh vật hầu như đang bị tuyệt chủng!  Nhưng để làm nhẹ tội đi chút đỉnh thì cũng nên phân biệt nói dối, và nói láo. Nói dối là nói ngược lại sự thật, còn nói láo là nói lệch đi chút ít, lắm lúc là một lối tự bảo vệ mình. Khi đứa trẻ thưa "dạ không! dạ không!", nó nói láo chỉ vì nó sợ ăn đòn thôi, chớ tuổi trẻ vốn là cái tuổi ăn ngay, nói thật. Giữa người lớn cũng có trường hợp nói láo để tránh bị "bẽ mặt". Tôi thi trượt mà có người hỏi: Nè, mày xem bảng chưa, đỗ hay rớt? nếu tôi thi trượt mà trả lời: tao đỗ, tức là tôi nói dối. Nhưng nếu tôi trả lời: tao đỗ vào hạng ưu mày ơi! để khỏi nói tao thi trượt mày ạ, thì chàng kia, chỉ nhìn nét mặt tôi cũng đã đoán được kết quả rồi, đâu còn gọi là nói dối nửa? Đấy chỉ là một phong cách tế nhị để nói thật mà khỏi xấu hổ. Song người Việt ta có thói đùa zai, dở đùa dở thật, dở nạc dở mỡ : một thái độ thiếu ngay thẳng, gây nên những trường hợp khó xử cho người đối diện. Trên hơn 20 năm giao thiệp với người Âu, tôi ít khi bắt gặp những trường hợp đùa zai như thế. Người Âu cũng biết nói láo như mọi chủng tộc khác, có khi còn hơn nữa, nhưng nếu họ nói có thì mình cứ tin là có, nếu họ bảo không thì mình cứ tin là không, còn hư thực ra sao chỉ có Trời biết! Bà Marie de Solemne phỏng vấn một số nhà văn Pháp rồi viết một cuốn sách dưới nhan đề: Sự thành thật của dối trá, La sincérité du mensonge, tả chân những trường hợp nói láo dưới mọi khuôn mặt thật. Một cuốn sách nên đọc cho biết[1].
Dù sao, sự đời lắm chuyện éo le khiến con người, vốn có bản tính tự thủ tự vệ, nên tùy trường hợp nói ngược lại ý mình để tự cứu trong tình trạng khó xử. Nhà văn  Boris Cyrulnik nói: tôi tin rằng nói láo biểu hiện khả năng phản ứng tốt nhất trước những  khích bác của cuộc đời[2]. Pháp luật còn cho phép người phạm tội khỏi trả lời các câu hỏi có thể tự truy tố mình, giao "quyền nói dối" lại cho luật sư. Luật sư Paul Lombard, một chuyên gia về kỹ thuật nói láo còn cho rằng  nói láo là một phương sách bảo toàn mối giao cảm tốt đẹp giữa đàn ông và đàn bà[3]. Do đó có nhà mô phạm phân biệt bản chất trong những trường hợp nói láo: nói láo mua vui: được, nói láo hữu ích: cũng được, chỉ nói láo độc hại là không được thôi. Phòng khi cần phải nói dối để chạy tội thì một nhóm nhà mô phạm hồi thế kỷ 17 lại còn cho phép xử dụng một phương sách gọi là làm xấu mà ý tốt bằng cách ý hướng chủ tâm, direction d'intention: phương sách này nhằm biến một điều xấu trong hành động thành một điều tốt trong chủ tâm. Cô Thiên Hương này đẹp quá! Tôi phải quyết tâm quyến rũ cho bằng được hòng tránh cho nàng khỏi rơi vào những tay đồ tể. Thật ra đấy chỉ là một lối tự bào chữa trước một việc làm sai trái, chẳng khác gì người thủ quỹ hội đoàn, lem nhem nhét túi vài nghìn đô với ý hướng chủ tâm là sẽ dùng số tiền ấy làm việc thiện... khi cần đến.  
 
Bây giờ mỗi người trong chúng ta cứ tự xét mình: ai là người suốt đời tự cho mình là người ăn ngay nói thật? Nếu phải dùng tay người ngay thẳng để ném đá vào người ăn gian nói dối thì liệu tôi là người có thể ném cục đá đầu tiên không?
 
               Bửu Sao
 
              

 
[1] Marie de Solemne. La Sincérité du Mensonge. Dervy.1999.
[2] Boris Cyrulnik. Je pense que le fait de mentir est le signe d'une adaptation parfaite aux agressions de la vie. Mémoire de singe et parle d'homme. Hachette 1983.
[3] Paul Lombard. Le mensonge met un certain lien, peut-être même un lien indispensable au commerce entre les hommes et les femmes. Ma vérité sur le mensonge. Plon.1997.