TRỒNG LÚA NƯỚC CỔ TRUYỀN
(179 tr. CN - 1884)
SƠ LƯỢC THỜI KỲ BẮC THUỘC VÀ ẢNH HƯỞNG
GIAI ĐOẠN TRỒNG LÚA THỜI BẮC THUỘC (179 tr CN-938 sau CN)
KẾT LUẬN
1. MỞ ĐẦU
Tiếp theo giai đoạn huy hoàng của nền văn hóa Đông Sơn, triều đại Hùng Vương chấm dứt, nước Âu Lạc ra đời, chẳng bao lâu bị Bắc phương xâm lăng và đô hộ cả ngàn năm, khiến cho người dân sống cảnh màn trời chiếu đất, bị bốc lột dã man và đời sống gặp phải nhiều nổi cơ cực, đau khổ địa ngục trần gian không sao kể xiết!
Trong những nổi thống khổ dân gian như thế, người xâm lược mang đến một nền văn hóa mới lạ với mục tiêu đồng hóa cả dân tộc Việt. Từ đó, hai nguồn văn hóa giao tiếp nhau, bên cạnh các ảnh hưởng tiêu cực, đã làm cho dân địa phương không thể trốn tránh nên âm thầm chấp nhận, tự diễn tiến thay đổi và hòa hợp phần nào để giữ lại bản sắc dân tộc cho đến ngày nay. Những đoàn người di dân, hàng lớp người cai trị đã ngang nhiên vào sống chung với người bản địa và làm chủ nhân ông xứ sở bị trị. Họ mang theo hành trang, của cải, kiến thức và chuyên môn mọi ngành nghề để áp đặt hay truyền bá tư tưởng, tôn giáo đến vùng đất mới, nhằm hoàn tất mục tiêu đồng hóa dân Giao Chỉ như họ đã từng thực hiện thành công với các nhóm khác của Bách Việt.
Riêng ngành nông nghiệp khó có thể tránh kiếp nạn đó, cũng tiếp cận với nông nghiệp kẻ mạnh và bị ảnh hưởng không ít trong thời gian quá dài, đặc biệt trong các khâu kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch và hậu thu hoạch cho một số màu, kể cả lúa gạo, không kể đến chăn nuôi. Mặc dù đến hậu kỳ nền văn hóa Đông Sơn, nông nghiệp bản xứ, đặc biệt ngành trồng lúa nước của người Việt đã đạt một số tiến bộ nhứt định, trong đó có một số kỹ thuật canh tác vượt hẳn Trung Hoa như trồng lúa 2 vụ, cấy lúa và kỹ thuật đánh bùn ruộng trước khi canh tác.
2. SƠ LƯỢC THỜI KỲ BẮC THUỘC VÀ ẢNH HƯỞNG
Theo lịch sử Việt Nam và Trung hoa, một cách tóm lược địa bàn của người Việt cổ sống cách nay khoảng 5.000 năm rất rộng lớn: Phía bắc giáp hồ Động Đình, phía tây giáp nước Ba Thục (Tứ Xuyên), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành) và phía đông giáp biển Nam Hải. Cái mốc thời gian của nước Xích Quỹ xuất hiện từ vua Hùng thứ nhứt cách nay 2.879 năm BC đến vua cuối Hùng Vương 18 cách nay 258 năm BC, mặc dù khoảng thời gian vô lý, nhưng rất có ý nghĩa giúp hậu thế biết tổ tiên mình, một nhóm người trong Bách Việt chuyên sống với nghề nông nghiệp, có mặt ở bờ nam sông Dương Tử vùng Động Đình và Phiên Dương, bờ bắc có dân Miêu, dân Man trong khi dân Hán sống ở lưu vực sông Hoàng Hà. Do những cuộc xâm lăng triền miên của dị tộc, chủ yếu đế quốc Tần rồi Hán, địa bàn của nước Xích Quỷ ngày xưa bị thu hẹp theo thời gian. Đến vị vua Hùng cuối cùng, dân Lạc Việt gốc Giao Chỉ bị dồn ép xuống phía nam, hùng cứ đất nước Văn Lang có 15 Bộ lạc, rồi sáp nhập với Tây Âu trở thành nước Âu Lạc (208 - 179 tr. CN). Nước này có địa bàn từ vùng phía nam Quảng Tây và Quảng Đông đến Quảng Bình, Quảng Trị (Việt Thường sau này) ngày nay, trong khi những nhóm khác thuộc Bách Việt đã lần lượt bị Bắc Phương đồng hóa (Phạm Văn Sơn, 1960).
Cần nhắc lại, đến khoảng giữa nền văn hóa Đông Sơn, thời đại Hùng Vương bắt đầu suy yếu, lại có cuộc xung đột giữa người Lạc Việt (nước Văn Lang) và nhà Thục, khiến cho Hùng Vương phải nhường ngôi cho Thục Phán, thủ lãnh của người Tây Âu ở phía bắc của Văn Lang, có địa bàn là Cao Bằng và phía nam Quảng Tây. Từ đó nước Âu Lạc ra đời, như tiếp nối nước Văn Lang phát triển và bành trướng lãnh thổ, mở rộng phạm vi kiểm soát nhà nước của người Lạc Việt và Tây Âu. Theo sử liệu, cả Tây Âu, Lạc Việt và các nhóm thuộc Bách Việt khác luôn bị đe dọa xâm lăng qui mô từ nhà Tần.
Cuối cùng cuộc chiến xâm lược Bách Việt của nhà Tần kéo 10 năm (218 - 208 tr. CN), nhưng trên địa bàn Lạc Việt và Tây Âu kéo dài 5-6 năm (214 - 208 tr. CN), gây thiệt hại rất lớn cho kẻ xâm lăng vì người địa phương dùng chiến thuật du kích - lợi dụng địa thế núi rừng hiểm trở, ban ngày trốn trên núi, ban đêm tấn công giết giặc và cướp lương thực cho nên nhà Tần phải tạm thời lui binh. Tuy bị thất bại ở Âu Lạc, nhưng quân Tần chiếm được phần đất rộng lớn của người Việt (Bách Việt), lập ra 4 quận để cai trị và di dân đồng hóa: Mân Trung (Chiếc Giang, Phúc Kiến), Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (bắc Quảng Tây), và Tượng (tây Quảng Tây và nam Quế Châu).
Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, các vùng đất của 4 quận cai trị bị lung lay. Ở quận Hải Nam, quan úy quận (chức võ quan) là Nhâm Ngao và quan huyện Long Xuyên là Triệu Đà dự tính nổi loạn tuyên bố độc lập. Khi Nhâm Ngao mất, Triệu Đà, người Hán quê ở Hà Bắc cai trị Nam Hải, sau đó tiến đánh chiềm Quế Lâm và Tượng quận thành lập nước Nam Việt và xưng đế Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngưng. Triệu Đà nhiều lần đem quân chinh phục Âu Lạc, nhưng đều thất bại vì xứ này có thành Cổ Loa kiên cố, nhứt là “nỏ thần” mỗi lần bắn 10 phát tên, mỗi phát tên giết 300 người (Giao châu ngoại vực ký). Sau đó, nhờ sử dụng quỷ kế “Nam nhân” trong truyền thuyết “Trọng Thủy và Mỵ Châu” mà thắng Âu Lạc năm 179 tr. CN. Từ đó, người Việt rơi vào thảm họa lớn, bị Bắc phương đô hộ cả ngàn năm. Triệu Đà sáp nhập Âu Lạc vào nước Nam Việt và phân chia làm hai quận Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Thanh-Nghệ-Tỉnh) (Bùi Thiết, 2.000).
Năm 134 tr. CN, lợi dụng mâu thuẩn giữa Mân Việt và Nam Việt, nhà Hán (thay thế nhà Tần cai trị Trung Hoa từ 202 tr. CN) mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ và cuối cùng đem quân đánh chiếm Nam Việt năm 111 tr. CN. Sau đó, nhà Hán chia Nam Việt ra làm 9 quận, trong đó có Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Thanh hóa - Nghệ An) và Nhật Nam (từ đèo Ngang trở vào đến Quảng Nam-Đà Nẵng). Tiếp theo, chánh sách đồng hóa được thực hiện âm thầm liên tục với các đợt di cư từ nhóm người tù tội, kẻ bất lương đến các gia đình giàu có hay thành phần quý tộc để “sinh cơ lập nghiệp”, lấn chiếm đất đai và tài nguyên của đất nước, trong số này có Sĩ Nhiếp, Tích Quang, Nhâm Diên. Nhờ đó, chính quyền đô hộ có thêm vây cánh cai trị ngày càng hà khắc, bóc lột, đàn áp triệt để và mưu đồ đồng hóa người Việt một cách êm ái. Tuy nhiên, các di dân Hán sang đất Việt ngày càng nhiều, nhứt là khi họ sống lẫn lộn với người Việt nên dần dần sinh hoạt của hai dân tộc hòa hợp và chuyển hóa lẫn nhau. Hiện tượng này được thấy rõ ràng trong nhiều mộ tán, ở một số đồ dùng như bình, chén… (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Sự giao thoa đó ảnh hưởng rất nhiều đến mọi sinh hoạt và đời sống người Việt, gồm cả lãnh vực nông nghiệp lúa sau này.
Trong thời kỳ Bắc thuộc từ năm 179 tr. CN đến đầu CN, tình trạng kinh tế, văn hóa và xã hội của nước Việt cổ không thay đổi nhiều, vẫn cơ cấu văn minh Đông Sơn với nông nghiệp lúa nước trong sơ kỳ thời đại Sắt, cho thấy tinh thần quật khởi của dân ta rất kiên cường và sức sống của nền văn minh Việt cổ rất mạnh; đó yếu tố cơ bản giúp dân tộc có khả năng theo đuổi trường kỳ kháng chiến để không bị mất gốc cho đến khi giành lại độc lập tự chủ.
3. GIAI ĐOẠN TRỒNG LÚA THỜI BẮC THUỘC (179 trước CN - 938 sau CN)
Ngoài ảnh hưởng tiêu cực của thời Bắc Thuộc như chính sách Hán hóa, chế độ cai trị hà khắc, người Việt đã tiếp thu được nền văn minh lâu đời và một vài kỹ thuật tiến bộ của người Trung Hoa. Cho nên, sản xuất nông nghiệp, chủ yếu lúa gạo gia tăng phần nào, nhưng rồi ngưng trệ vì tính chất bảo thủ của nền văn hóa Nho giáo thiếu khoa học của Hán tộc. Tuy nhiên, riêng ngành nông nghiệp lúa vẫn chưa có thông tin đáng tin cậy để chứng minh những tiến bộ kỹ thuật trong giai đoạn cực kỳ khó khăn và đau khổ này của dân Việt. Thật vậy, cư dân Việt đã biết trồng lúa rẫy ít nhứt từ nền văn hóa Bắc Sơn-Đa Bút cách nay 6.000 năm, bắt đầu xây dựng nước trong văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4.000 năm, và có nền văn minh lúa nước với văn hóa Đông Sơn. Nhà khảo cổ học H. Maspéro (1918) căn cứ vào tài liệu Trung Quốc đã xác nhận rằng trước thời Hán Thuộc, nước Việt đã có nền văn hóa khá cao, dân tộc biết nghề nông, trồng lúa hai mùa, cấy lúa, biết đúc đồng, làm thủy lợi, dệt vải, ăn trầu, nhuộm răng đen...
Vào đầu thế kỷ thứ I, nước Lạc Việt gồm có 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam và theo sách Tiền Hán Thư, dân số được ghi nhận như sau (Bùi Thiết, 2000):
- Quận Giao chỉ có 94.440 hộ với 746.237 khẩu
- Quận Cửu Chân có 35.743 hộ với 166.613 khẩu
- Quận Nhật Nam có 15.460 hộ với 89.485 khẩu
Tổng cộng có 143.643 hộ với 1.002.335 khẩu
Trong gần 300 năm đầu của thời kỳ Bắc thuộc, tức từ năm 179 tr. CN đến đầu thế kỷ I sau CN, nền văn hóa Đông Sơn với nông nghiệp lúa cổ truyền vẫn không có nhiều thay đổi, chứng minh sức sống mãnh liệt của nền văn minh nước ta trước xâm lăng Bắc Phương (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Sự xâm nhập văn hóa và kỹ thuật của Trung Quốc phần nào giúp mở mang trí tuệ và văn hóa sẵn có của dân tộc Việt thêm đa dạng, làm cho nền kinh tế nước bành trướng hơn để phục vụ cho chế độ bóc lột và mưu đồ đồng hóa của kẻ thống trị. Chẳng hạn, sự du nhập các lưỡi cày bằng sắt để thay thế lưỡi cày bằng đồng, đem gia súc từ Trung Quốc qua để mở mang chăn nuôi (?) (Phạm Văn Sơn, 1960) và các nông cụ khác. Nông dân cũng sử dụng phân bắc để bón ruộng (Bùi Huy Đáp, 1999). Nhờ đó, năng suất lúa đã tăng từ 0,5 t/ha vào cuối thời đại Hùng Vương lên độ 1 t/ha vào cuối thời kỳ Bắc Thuộc.
Cũng nên nhắc vào lúc Hán Cao Tổ qua đời (185 tr. CN), nước Tàu gặp cuộc khủng hoảng chính trị, Lã Hậu cướp ngôi Huệ Đế. Bà bãi bỏ thông sứ với Vũ Vương và còn hạ lệnh cấm vận, không cho người Hán buôn bán đồ vàng, đồ sắt và các dụng cụ canh nông với dân chúng Việt Nam (Phạm Văn Sơn, 1960). Đây là cuộc cấm vận đầu tiên trong lịch sử và sự kiện này cho thấy nền nông nghiệp xứ ta còn kém hơn Tàu ít nhiều, đặc biệt các dụng cụ sản xuất bằng sắt như lưỡi cày sắt. Tuy nhiên, có thể nói trong thời đô hộ Bắc Phương, trình độ trồng lúa của người Việt tiến bộ dần để rồi sau một thời gian không khác biệt nhiều với người Hoa. Hiện nay, ở vùng quê của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, người ta vẫn còn thấy những nông cụ mà nhà nông Việt Nam đã từng dùng đến ngày xưa như: cày, cuốc, bừa, trục, vòng hái, xa quạt lúa, cối xay, cối giã gạo, nia, thúng, sàng, v.v.
Căn cứ vào những thông tin từ Trung Quốc, người Hoa đã biết canh tác ruộng nước, sử dụng cuốc cày, và trâu kéo độ 3.500-3.000 năm trước, biết tưới tiêu khoảng 2.600-2.500 năm trước. Tuy nhiên, phương pháp cấy lúa đã được biết đến hơi muộn ở Trung Quốc vào năm 146 -167 sau CN (Chang, 1985), có thể do du nhập từ Việt Nam thời đô hộ. Năng suất lúa của xứ này đã tăng gia chậm chạp từ 400 kg/ha (khoảng 206 trước CN - 206 năm sau CN), lên 740 kg/ha trong 265 - 317 sau CN, 850 kg/ha trong 581 - 906 sau CN, và 1.040 kg/ha trong 960 - 1.279 sau CN (Xem thêm Chương 3: Tiến hóa cây lúa và các loại lúa). Nền nông nghiệp Trung Hoa đã tiến bộ đôi chút trước chúng ta, đặc biệt việc sử dụng trâu kéo cả 1000 năm (?), lưỡi cày bằng sắt hơn 300 năm (Bảng 1).
Tóm lại, trong hơn một ngàn năm đô hộ Bắc Phương, ngoài văn hóa Nho giáo thấm nhuần vào tận cội rễ dân tộc, từ vua chúa cho đến hàng thứ dân, nền nông nghiệp nước ta, chủ yếu ngành lúa gạo không nhiều thì ít đã mang màu sắc của xứ thống trị. Trước thời kỳ Hán Thuộc, người Việt đã có một nền nông nghiệp lúa nước và lúa rẫy khá mạnh từ vùng đồng bằng đến đồi núi. Nền nông nghiệp lúa nước đã tiến bộ với cấy lúa, canh tác lúa 2 mùa, dùng sức kéo trâu bò, sức lao động của con người, sử dụng cuốc rồi cày bằng đá nhọn, bằng đồng thau, đắp bờ giữ nước, dẫn nước... gần như đồng thời với tiến bộ phát triển canh tác lúa của người Hán, như được trình bày ở Bảng 1. Ngoài ra, người Việt cổ có nhiều kinh nghiệm trồng lúa đáng chú ý như sau: bắt đầu trồng lúa tẻ (ngoài lúa nếp), trồng lúa nước nhiều hơn lúa nương, chọn mùa gieo hạt, biết chăm bón ruộng lúa, v.v. Những tiến bộ này đã giúp nông dân có năng suất lúa khoảng 540 kg/ha hoặc hơn vào đầu Công nguyên.
Bảng 1 cho biết các phương pháp trồng lúa ở Trung Quốc từ 1.500 tr. CN đến 1.127 sau CN (Chang, 1985) và Việt Nam cùng thời gian không khác biệt nhiều lắm, từ sử dụng trâu bò, dùng cuốc đồng, sắt, khống chế lũ đến tưới nước và sửa soạn đất trồng lúa.
Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ có những công tác khảo cứu sâu rộng hơn và chi tiết hơn về phương diện lịch sử, xã hội, kinh tế và kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam từ thời Nguyên Thủy để có những thông tin chính xác hơn về con số ước lượng cho diện tích đất trồng, năng suất, sản lượng, lề lối canh tác, chăm sóc bảo vệ, thu hoạch, hậu thu hoạch lúa và ảnh hưởng môi trường trong các giai đoạn lịch sử đã qua.
Bảng 1: So sánh thời kỳ phát triển trồng lúa ở Trung Quốc và Việt Nam từ 1.500 tr. CN đến 1.127 sau CN
Năm
|
Trung Quốc (*)
|
Việt Nam
|
Tham chiếu
Việt Nam
|
1.500-1.100 tr. CN
|
Dùng trâu để kéo
|
Đã sử dụng trâu kéo trong văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun và Đồng Đậu
|
- Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2000
- Viện Khảo Cổ Học, 1999
|
1.222 tr. CN
|
Canh tác ruộng nước đã được thiết lập tốt
|
Đã sản xuất nhiều lúa. Tìm thấy nhiều hạt gạo cháy ở di chỉ Đồng Đậu, khoảng 1.100 tr. CN
|
- Viện Khảo Cổ Học, 1999
|
1.122 tr. CN
|
Đã bắt đầu sử dụng cuốc
|
Nhiều di vật cuốc đồng và sắt tìm thấy trong văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun và Đồng Đậu
|
- Viện Khảo Cổ Học, 1999 & 2002
|
700 tr. CN
|
Đã bắt đầu khống chế lũ
|
Đắp đê đập. Đoạn đê còn sót lại của thành Cổ Loa (ít nhứt 200 tr. CN)
|
- Viện Khảo Cổ Học, 1999
-Bùi Huy Đáp, 1980
|
600-500 tr. CN
|
Công tác tưới tiêu đã được áp dụng
|
- Công trình thủy lợi đá xếp Basalt ở Do Linh, Quảng Trị
|
- Tạ Chí Đại Trường, 1996
- Maspéro, 1918
|
400 tr. CN
|
Lưỡi cày, bắp cày và ách bằng sắt được bắt đầu sử dụng
|
Đã sử dụng cày đồng, sắt trong nền văn hóa Đông Sơn
|
- Viện Khảo Cổ Học, 1999
|
400 tr. CN
|
“Chuyên viên lúa” được bổ nhiệm để hướng dẫn trồng lúa
|
Vua Hùng Vương dạy dân trồng lúa
|
- Lĩnh Nam Chích Quái
|
Trước CN
|
Cày sâu và làm cỏ giữa mùa đã được áp dụng
|
-
| |
146-167 sau CN
|
Cấy lúa được nói đến lần đầu tiên
|
VN cấy lúa từ thuở lập quốc - Hùng Vương (700 tr. CN)
|
- Lĩnh Nam Chích Quái
- Maspéro, 1918
|
618-906 sau CN
|
Xa đạp nước bằng chân được áp dụng
|
- Đã sử dụng trong thời kỳ này
|
Thời Bắc thuộc
|
960-1127 sau CN
|
Bừa có răng và trục đã được áp dụng
|
- Đã sử dụng trong thời kỳ này
|
Thời Bắc thuộc
|
Trước và sau CN**
|
Chưa trồng lúa 2 vụ
|
VN trồng lúa Chiêm và lúa Mùa
|
- Maspéro, 1918
- Bùi Huy Đáp, 1980
|
Nguồn: (*) Theo Chang, 1985, (**) do tác giả thêm vào.
Về phương diện kỹ thuật, từ thời đại Hùng Vương đến Bắc thuộc và Độc Lập phong kiến, nông dân trồng lúa với lề lối cổ truyền, nghĩa là dựa vào kinh nghiệm lâu đời ông bà truyền lại và chính bản thân mình, hoàn toàn thiếu căn bản khoa học và kỹ thuật tân tiến. Lề lối canh tác và hậu thu hoạch lúa cổ truyền trong các giai đoạn này được diễn tả khá chi tiết trong bài ca dao sau đây (Nhất Phương, 2006):
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà,
Tháng Ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng Tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm,
Sáng ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng nhà,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ úa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng với mười còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu dai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bây giờ cho đến tháng Mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Ngoài ra, người ta có thể biết được ít nhiều trình độ và kinh nghiệm trồng lúa cổ truyền của nông dân từ thời kỳ Đông Sơn đến Bắc thuộc và Độc lập phong kiến, được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ phổ biến từ Bắc chí Nam sau đây (Dumont, 1995; Trần Văn Đạt, 2002; Thái Công Tụng, 2005; và Nhất Phương, 2006):
(i) Thời tiết bất định: Nông dân xét đoán thời tiết mỗi năm để gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc và thu hoạch:
- Chuồn chuồn bay thấp trời mưa,
bay cao trời nắng bay vừa trời râm.
- Én bay thấp mưa ngập bờ ao
én bay cao, mưa rào lại tạnh.
- Mống vàng thời nắng, mống trắng thời mưa.
- Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa.
- Tháng Tám gió may tươi đồng.
- Tháng Tám nắng rám trái bưởi,
tháng Chín mưa rươi, tháng Mười mưa cữ.
- Mây kéo xuống bể thì nắng chang chang,
mây kéo lên ngàn thì mưa như trút.
- Chớp thừng chớp chão, chẳng bão thì mưa.
- Trăng (hay mặt trời) quầng thì hạn, trăng tán thì mưa.
- Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.
- Trời đương nắng, cỏ gà trắng thì mưa.
- Kiến dọn ổ trời mưa.
- Tháng Bảy kiến bò chỉ lo lại lụt.
- Quạ tắm thì nắng, sáo tắm thì mưa.
- Cóc nghiến răng, trời đang nắng thì mưa.
- Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa.
- Lúa Chiêm nép ở đầu bờ
hễ nghe tiếng sấm, phất cờ mà lên.
- Đom đóm bay ra trồng cà, tra đỗ
Tua rua bằng một, cất bát cơm chăm.
- Lập thu mới cấy lúa Mùa,
khác nào hương khói lên chùa cầu con.
- Ông tha mà bà chẳng tha,
làm cho cái lụt 23 tháng mười.
- Đã buồn vì trận mưa rào
lại đau vì nỗi ào ào gió đông.
- Trời hành cơn lụt mỗi năm.
- Thử xem một tháng mấy kỳ mưa,
ruộng hóa ra sông nước trắng bừa.
- Trông trời, trông đất, trông mây,
trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.
- Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày...
- Sáng sủa được tằm, tối tăm được lúa.
- Nắng sớm thì đi trồng cà, mưa sớm ở nhà phơi thóc.
(ii) Lề lối canh tác lúa cổ truyền:
Mạ & Làm đất: Nông dân chọn đất để làm mùa, trồng loại lúa gì, làm nương mạ, cày bừa sửa soạn đất trước khi cấy lúa:
- Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
- Tốt giống tốt mạ, tốt mạ tốt lúa.
- Khoai đất lạ, mạ đất quen.
- Mùa nứt nanh, Chiêm xanh đầu (ngâm hạt giống).
- Mạ Chiêm ba tháng không già (do lạnh),
mạ Mùa tháng rưởi ắt là không non.
- Răng bừa tám cái còn thưa
lưỡi cày tám tấc đã vừa luống to.
- Muốn cho lúa nẩy bông to
cày sâu, bừa kỹ, phân tro cho nhiều.
- Nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa
- Cày sâu, bừa kỹ, được mùa có khi.
- Tua rua một tháng mười ngày (sao Tua rua mọc)
cày tróc vưng cày cũng được lúa xơi.
- Cày ải còn hơn rải phân (cày chôn rạ rơm).
Cấy lúa: Nông dân cấy lúa (hay gieo thẳng) tùy theo đất ruộng, giống lúa, vụ mùa, thời tiết và tuổi mạ:
- Ra đi mẹ có dặn dò,
ruông sâu thì cấy ruộng gò thì gieo.
- Mùa ruộng cao, Chiêm ao lấp.
- Vụ Chiêm em cấy lúa Di,
vụ Mùa lúa Dé, sớm thì Ba giăng.
- Bao giờ nắng rửa bàng trôi
Tua rua quật lại thì thôi cấy Mùa.
- Tua rua thì mặc tua rua,
mạ già, ruộng ngấu, không thua bạn điền.
- Lập thu mới cấy lúa Mùa
khác gì hương khói lên chùa cầu con.
- Ăn nhiều no lâu, cấy sâu tốt lúa.
- Mạ vàng cấy lúa chóng xanh.
- Chiêm chết se hè chết đọng.
- Cấy tháng chạp đập không ra.
- Lúa Chiêm thì cấy cho sâu
lúa Mùa thì gãy cành dâu là vừa.
- Lúa Chiêm đào sâu chôn chặt
lúa Mùa vừa đặt vừa ăn.
- Cấy thưa thừa thóc
cấy dầy, cóc được ăn.
- Già mạ lúa tốt.
- Mạ úa thì lúa chóng xanh.
Chăm sóc & Bảo vệ lúa: Nông dân chăm sóc ruộng lúa kỹ lưỡng: cày ải (cày ngay sau khi gặt), bón phân hữu cơ, thả bèo dâu (cho chất đạm), làm cỏ, be bờ, tưới ruộng và bảo vệ lúa:
- Muốn no thì phải chăm làm
một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi.
- Thứ nhất cày ải, thứ nhì rải phân.
- Lúa Chiêm mà thả kín bèo
như con nhà nghèo trời đổ của cho.
- Lúa khô cạn nước ai ơi
rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu.
- Ruộng không phân như thân không của.
- Người đẹp nhờ lụa lúa đẹp nhờ phân.
- Mạ Chiêm không có bèo dâu
khác nào như thể ăn trầu không vôi.
- Gánh phân, làm cỏ, chẳng bỏ đi đâu.
- Bao giờ cho đến tháng hai
con gái làm cỏ con trai be bờ.
- Nàng về ngâm nhựa xương rồng
gánh ra đem tưới cho bông cho cà
Sâu non cho chí sâu già
hòng chi sống sót mà ra phá màu.
(iii) Thu hoạch: Nông dân dựa vào kinh nghiệm và quan sát tại chỗ để qui định thời gian gặt lúa cho mỗi vụ mùa, đem lúa phơi nắng, tồn trữ, xay chà, giã gạo và sàng gạo:
- Cấy bằng mắt gặt bằng đầu.
- Tháng Tư mua nứa đan thuyền,
tháng Năm tháng Sáu gặt miền ruộng Chiêm.
- Đói thì ăn ngô ăn khoai,
chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.
- Thuận mùa lúa tốt đằng đằng
tháng Mười gặt lúa, ta ăn đầy nhà.
- Xanh nhà hơn già đồng (gặt sớm để tránh hạt rụng).
- Mùa cò chân giang, Chiêm vàng trái rợ (Striblus asper) (xem màu của vụ để gặt lúa)
- Lưỡi liềm bán nguyệt cầm tay
lúa vàng nghìn gốc muôn cây thu về.
- Năm nong đầy, em xay em giã
trấu ủ phân, cám bã nuôi heo
sang năm lúa tốt tiền nhiều
em đong đóng thuế, đóng sưu cho chồng.
- Ngày thì đem lúa ra phơi
tối lặn mặt trời đổ lúa ra xay
một đêm là ba cối đầy
một tay xay giã, một tay giần sàng.
- Sáng trăng giã gạo giữa trời
cám bay phảng phất nhớ người phương xa.
- Hai thóc lúa mới được một gạo.
- Đi đâu cũng nhớ quê mình
nhớ cầu Bến Lức, nhớ chình gạo Thơm.
- Cám ơn hạt lúa Nàng Co
nợ nần trả hết, lại no tấm lòng.
- Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
gạo thơm Nàng Quốc em nuôi mẹ già.
- Anh đi ghe gạo Gò Công,
vô vàm Bao Ngược, gió giông đứt buồm.
- Tiếng đồn Bình Định tốt nhà,
Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu.
- Thóc lúa về nhà, lợn gà ra chợ.
- …
4. KẾT LUẬN
Thời kỳ Bắc thuộc cả ngàn năm là giai đoạn cực kỳ đen tối của dân tộc Việt phải trải qua, với những đau đớn, thống khổ cùng cực khi tinh thần bị đe dọa đàn áp, sức người, tài nguyên thiên nhiên bị lợi dụng, khai thác triệt để; nhưng với tinh thần quốc gia vững mạnh, can đảm và bất khuất người Việt cuối cùng đã chiến thắng hào hùng, đuổi giặc ra khỏi biên cương và giành độc lập cho đất nước. Tuy nhiên, sự giao tiếp giữa hai nền văn hóa Đông Sơn và Trung Hoa lúc bấy giờ đã giúp cho nền văn hóa địa phương thăng tiến, đa dạng và phong phú hơn. Ngành nông nghiệp lúa dù đã đạt đến mức độ cao và vững chắc trong thời đại Kim Khí, nhưng cũng tiếp thu một số kỹ thuật canh tác mới như cày bừa bằng sắt, dùng phân hữu cơ (phân bắc, cây họ Đậu…) và một số phương tiện cho thu hoạch và tổn trữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa Việt Nam. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 tr.
- Bùi Huy Đáp. 1999. Một số vấn đề về cây lúa. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 154 tr.
- Bùi Thiết. 2000. Việt Nam Thời Cổ Xưa. NXB Thanh Niên, T.P. Hồ Chí Minh, 463 tr.
- Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice - A case study. Iowa State Journal of Research 59(4): 425-455.
- Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tongkin. Printimg House in Bangkok, Thailand. pp 592.
- Long, số 2, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành, trang 50-74.
- Lĩnh Nam Chích Quái. 1960. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 134 tr.
- Maspéro, H. 1918. Le Royaume de Văn Lang. BEFEO, XVIII, fasc. 3, 1918.
- Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn, 2.000. Lịch sử Việt Nam - Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
- Nhất Phương. 2006. Ca dao, tục ngữ Việt Nam. NXB Thanh Niên, Công ty in Văn Hóa Sài Gòn, 410 trang.
- Phạm Văn Sơn. 1960. Việt sử toàn thư. NXB Thư Lâm Ấn Quán, Sài Gòn, 738 tr.
- Tạ Chí Đại Trường. 1996. Những bài dã sử Việt. NXB Thành Văn, California, Hoa Kỳ, 431 tr.
- Thái Công Tụng. 2005. Việt Nam: môi trường và con người. Vietnamologica, Trung Tâm Việt Nam Học, Montréal, Canada, 299 tr.
- Trần Trọng Kim. 1990. Việt Nam sử lược, Quyển I & II. NXB Đại Nam.
- Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam - Từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, 315 tr.
- Viện Khảo Cổ Học. 1999. Khảo cổ học Việt Nam, Tập II: Thời Đại Kim Khí Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 551 trang.
- Viện Khảo Cổ Học. 2002. Khảo cổ học Việt Nam, Tập III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 519 tr.