TRUẤT PHẾ BẢO ĐẠI VÀ KHAI SINH ĐỆ NHẤT CỌNG HOÀ

TRUẤT PHẾ BẢO ĐẠI   

VÀ KHAI SINH ĐỆ NHẤT CỘNG HOÀ

TS Lâm Lễ Trinh

Đến nay một số sử liệu giải mật ngoại quốc và nhiều hồi ký cuả tác giả Việt có đề cập đến hai ngày trọng đại trong lịch sử Đất nước chúng ta: Ngày 23.10.1955 Hoàng đế Bảo Đại bị truất phế và ngày 26.10.1956, ban hành bản Hiến Pháp Việt Nam đầu tiên. Ngày 23 tháng này sẽ đánh dấu 50 năm kỷ niệm việc thay đổi thể chế ở Việt Nam từ một nước Quân chủ lâu đời bước qua chế độ Cộng hòa tân thời. Sự thay đổi vừa nói đã vượt qua nhiều giai đoạn xung đột nội bộ quốc gia, giữa lúc Cộng sản Bắc Việt, thực dân Pháp và giáo phái ở miền Nam VN đang hỗn chiến với nhau. Trong vị thế Thứ trường rồi Bộ trưởng Nội vụ trong Nội các Ngô Đình Diệm từ 1955 cho đến cuối 1959, người viết đã chứng kiến và tham gia trực tiếp vào bi kịch trên đây. Mong bài này giúp độc giả biết thêm một số dữ kiện chưa hề tiết lộ.

 
Trường hợp dẫn đến quyết định truất phế Bảo Đại

Hoàng tữ Vĩnh Thụy (hay mệ Vững trong hoàng tộc), sinh ngày 22.10.1913 tại Huế và mất ngày 31.7.1997 tại Paris, hưởng thọ 83 tuổi, là con trai duy nhất của vua Khải Định và vị Hoàng đế chót của triều Nguyễn Gia Long. Cuộc đời chính trị của ông có thể chia ra thành ba giai đọan: 1) Hoàng đế, 1932-1945. 2) Quốc trưởng, 1949-1955, và 3) Lưu vong, 1955-1997. Khi vua Khải Định băng hà năm 1932 thì Hoàng tử Vĩnh Thụy được 12 tuổi, đang du học tại Pháp dưới sự chăm sóc của vợ chồng cựu Toàn quyền Charles. Ông trở về VN dự lễ tấn phong và lên ngôi đưới danh hiệu Bảo Đại.

Nhựt đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9.3.1945. Bảo Đại cho thành lập chính phủ Trần Trọng Kim ngày 16.4.1945 theo lời yêu cầu của Đại sứ Yokoyama và tuyên bố hủy bỏ tất cả các Hòa ước bất bình đẳng ký với Pháp năm Nhâm Tuất 1862, Giáp Tuất 1874, Quý Mùi 1883 và Giáp thân 1884. Nhựt hoàng đầu hàng vô điều kiện ngày 15.8.1945, thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức. Hai hôm sau, ngày 17 tháng 8, Việt Minh (tức Mặt trận VN Độc lập Đồng Minh) biến cuộc biểu tình lối 20.000 người được Tổng hội công chức phát động trước Nhà Hát Lớn Hànội để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim thành một cuộc tuần hành đòi Độc lập. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện. Khâm sai Phan Kế Toại rút lui, nhường chỗ cho một Ủy ban Nhân dân tạm thời, không nêu rõ danh tánh các thành viên. Ngày 19 tháng 8, Việt Minh cướp chính quyền trong một cuộc binh biến mà chúng huênh hoang gọi là cuộc Cách Mạng Tháng Tám hay Tổng Khởi Nghĩa.

Trường hợp dẫn đến sự thoái vị ngày 25.8.1945 được chính vua Bảo Đại kể lại trong quyển hồi ký tiếng Pháp "Le Dragon d'Annam" (nxb Plon, Paris, 1980), trang 115-137, với các điểm đáng lưu ý sau đây:

1- Bảo Đại và các đảng phái quốc gia không có một phương tiện thông tin đại chúng nào trong tay và hoàn toàn mù tịt về những biến chuyển thế giới ngoài Việt
Nam. Đặc biệt họ không biết gì về quyết định của Hội nghị Postdam nhóm từ 17.7 cho đến 2.8.1945 giao cho Trung Hoa của Tưởng giới Thạch (trên vĩ tuyến 16) và quân đội Anh (dưới vĩ tuyến 16) giải giới Nhựt mà không đề cập đến tương lai chính trị của bán đảo Đông Dương. Trong khi đó, Việt Minh đã chiếm rất sớm đài Radio Bạch Mai và có hai nhựt báo Cứu Quốc và Quyết Chiến phổ biến mạnh tại Hànội và Huế.

2- Sự kiện nêu trên tạo ra một khoảng trống chính trị vô cùng có lợi cho Việt Minh. Bảo Đại than phiền, nới trang 118-119 của hồi ký, các lãnh tụ trong khối đồng Minh, từ Truman, De Gaulle, Quốc vương Anh cho đến Tưởng Giới Thạch, không một ai để ý trả lời thơ xin ủng hộ của ông trong khi phiá CS được võ trang và đã bắt liên lạc với các cơ quan tình báo Mỹ, Pháp và Hoa. Bảo Đại viết: "Tôi không huy động được quần chúng, các người thân cận của tôi đều ẩn trốn hay âm mưu chống tôi. Trần Trọng Kim và các Tổng trưởng biến mất tất cả. Tôi cô đơn trong một thủ đô chết. Mọi việc có vẻ thuận lợi cho CS như một phép lạ. Sự thành công không thể chối cãi của họ có phải là dấu hiệu họ nhận được một thiên mạng, mandat du ciel, hay không? Tôi phải rút lui, như họ đòi hỏi. CS muốn làm cách mạng. Tôi sẽ thức hiện điều này không đổ máu. Bằng một cuộc tiến trình chính trị (évolution politique)" (trang 119)

Với tinh thần chủ bại ấy, Bảo Đại sẵn sàng hàng đầu. Ngày 22.8.1945, Trưởng ty Bưu Điện Huế mang trình ông một điện tín ngắn gởi từ Hànội của một "Ủy ban đaị diện các đảng phái và quần chúng yêu nước" kêu gọi nhà vua trao quyền cho Nhân dân. Bảo Đại chưa từng gặp một lãnh tụ Việt Minh nào nhưng tin nơi "tính cách chân thành không chối cãi" của tối hậu thơ (trang 118). Bảo Đại gởi hai cộng sự viên duy nhất còn lại là Hoàng thân Vĩnh Cẩn và Chánh văn Phòng Phạm Khắc Hoè ra điều tra ngoài Thành Nội, họ trở về tay không. Với sự giúp đỡ của Vĩnh Cẩn, Bảo Đại liền thảo một điện văn trả lời mời ủy ban gởi gấp đại diện về Huế để làm lễ trao quyền. Bảo Đại viết: "Tôi cho phóng thông điệp này vào không trung như thảy một ve chai ra biển rộng." Sáng 25 tháng 8, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận xuất hiện, tuyên bố đại diện chủ tịch Hồ Chí Minh, để nhận ấn kiếm do Bảo Đại trao lại tại Điện Kiến Trung, sau khi nhà vua tuyên bố vắn tắt "Dân vi quý. Trẫm thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một xứ nô lệ" trước một đám đông quần chúng "bỡ ngỡ, kinh ngạc, như bị sét đánh" (Bảo Đại viết).

3- Đa số lãnh tụ các đảng chống Cộng nhận định về sau: Ngày 19.9.1945, Việt Minh không mạnh như người ta tưởng. Chúng thắng vì có lãnh đạo, tuyên truyền giỏi, biết chụp thời cơ - vì các đảng quốc gia lừng khừng, thiếu tổ chức và xâu xé nội bộ, mặc dù lúc đó Đại Việt Dân chính, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng đã đồng ý thống nhất "trên nguyên tắc." Hai cố nghị sĩ Trần Trung Dung và Đặng Văn Sung đã xác nhận chua cay với người viết: Việt Minh đã phỏng tay trên cánh quốc gia một cách dễ dàng. Đặc biệt, Bs Nguyễn Tường Bách, cựu chỉ huy với Vũ Hồng Khanh Đệ tam chiến khu của VN Cách Mạng Đồng Minh Hội và VN Quốc Dân Đảng, từ Vĩnh Yên tới Lào kay, thố lộ với người viết: Phe quốc gia lúc đó không biết tí gì về chuyện Việt Minh tổ chức một hội nghị quan trọng tại Tân Trào, Thái Nguyên. Họ "vẫn ngây ngô tin rằng Nhật còn đủ sức chống cự một thời gian nên không cấp tốc chuẩn bị tổng hành động hay đảo chính!"

4. Để bào chữa quyết định thoái vị, Bảo Đại lập luận ông muốn tránh nội chiến và bảo vệ sự thống nhất và dân chủ hoá Đất nước sau một thế kỷ Pháp thuộc. Một thời gian ngắn sau, ông ra Hànội nhận chức Cố vấn tối cao (bù nhìn) trong Chính phủ Liên hiệp do Hồ tổ chức và cầm đầu ngày 11.11.1945 dưới áp lực của các đảng. Đầu tháng giêng 1946, Hồ gởi Bảo Đại "đi nghỉ mát" tại Sầm Sơn. Một hình thức lưu đày. Để có thể trở về Hànội, cựu Hoàng ngoan ngoãn nhận chức dân biểu (bù nhìn) tỉnh Thanh Hoá trong Quốc hội Lập hiến với 92% thăm cử tri. Ông thú nhận không biết rõ bầu cử ngày nào, không có bỏ thăm và cũng không hề đi vận động bầu cử (trang 144). Chưa hết. Ngày 15.9.1946, Hồ sắp xếp cho Tổng thống Tưởng Giới Thạch mời cựu Hoàng qua viếng Trùng Khánh. Đây là cách tống khứ chướng ngại vật Bảo Đại ra khỏi VN. Bị lưu đày lần thứ hai, Bảo Đại trôi dạt về Hồng Kông, tứ cố vô thân, sống lang bạt với vài mỹ kim trong túi. Giữa mùa hè 1948, Pháp làm sống lại "Giải pháp Bảo Đại". Một số chính khách (Lưu Đức Trung, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Bảo Toàn, Trần Văn Lý, Đặng Văn Sung, Trần Trung Dung..) rủ nhau bay sang Hồng Kông tiếp xúc với nhà vua (trang 161-172).

Trong Hồi ký, dù bị lợi dụng bỉ ổi, Bảo Đại tỏ lòng khâm phục Hồ Chí Minh đã đối xử với ông "một cách lịch sự, nể trọng, thân yêu như tình cha con, chẳng những luôn luôn chăm lo vấn đề an ninh và sức khoẻ mà lại còn căn dặn nên thận trọng trong việc giao dịch với phái yếu" (nguyên văn). Vào cuối cuộc đời, Bảo Đại viết: Tôi không nghi ngờ bị chủ tịch Hồ lừa phỉnh, tôi tiếp tục đóng kịch. Dù sao, tôi nghĩ ông ấy nhiệt tình tranh đấu cho sự độc lập của xứ sở. Bất chấp dĩ vãng và phương pháp của ông, tôi thủy chung ủng hộ. Xét cho cùng, tôi thích thái độ của ông hơn thái độ của các nhà lãnh tụ quốc gia, bù nhìn thật sự trong tay Trung quốc, Tout bien examiné, je préfère son attitude à celle des leaders nationalistes, véritables fantoches entre les mains des Chinois (trang 139).

Cuộc sống lưu vong của Cựu Hoàng rất cô đơn tại Paris, trong một gian nhà nhỏ ở đường Fresnel gần đồi Trocadéro. Sau 1975, ông xin rửa tội vào đạo Thiên chúa dưới tên thánh Jean Robert và tái lập gia đình năm 1972 với một phụ nữ Pháp tên Monique Baudot, gốc Lorraine.Ông không có một hoạt động chính trị nào và cũng không tuyên bố gì. Năm 1982, đáp lời mời của một nhóm Việt kiều, ông có qua viếng Californie ba tuần. Ông được an táng ngày 6.8.1997 tại nghiã trang Passy. Một nắm mồ khiêm nhường, bên cạnh ngôi mộ của nhà văn hào Virgil Gheorghiu, gốc roumain, tác giả của quyển sách bất hủ "Giờ Thứ 25". Không có một gương mặt chính trị VN nào dự đám táng thô sơ của vị Hoàng đế cuối cùng nhà Nguyễn.
 
Những bí ẩn bên trong Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng

Bảo Đại đã nhân danh chống Pháp để thoái vị và trao quyền cho CS lãnh đạo cuộc chiến kết thúc bằng trận đánh cuối cùng tại Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954. Oái oăm thay, chính đế quốc Pháp đã đặt Bảo Đại trở lại trên ngai vàng để chống lại CS Bắc Việt sau khi, tại Hà Đông, Cao ủy Bollaert tuyên bố Pháp muốn tái đàm với cánh quốc gia.Tháng 8.1948, Bảo Đại chỉ định Trung tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập "Chính phủ Trung ương Lâm thời VN."

Dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại, qua những nội các liên tiếp Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm và Bửu Lộc, Miền Nam VN rơi vào cảnh hỗn loạn. Cuối cùng nhà vua phải kêu cứu đến chí sĩ Ngô Đình Diệm ngày 9.7.1954, mặc dù trước đó ông Diệm đã ba lần thoái thác.

Hiệp ước đình chiến Genève ký kết ngày 21.7.1954 chia đôi VN nơi vĩ tuyến 17. Bảo Đại gây khó khăn cho ông Diệm bằng cách từ Cannes gởi ngày 28.4. và 30.4.1955 hai công điện liên tiếp triệu hồi TT Diệm qua Pháp để "tham khảo ý kiến" vì ông Diệm khai trừ tướng Nguyễn Văn Hinh, không chấp nhận tướng Nguyễn Văn Vĩ như tân Tổng tư lệnh Quân đội, cương quyết kết thúc kế hoạch dẹp giáo phái, quét sạch Bình Xuyên và giải tán tổ chức võ trang UMDC của Leroy. Ý đồ của Bảo Đại là thay thế Thủ tướng Diệm, có thể bằng Lê Văn Viễn tự Bảy Viễn, sếp sòng Bình Xuyên, lúc đó đang nắm giữ guồng máy cảnh sát, công an và kiểm soát sòng bài Đại Thế Giới để cung cấp tiền nong cho Quốc trưởng.

Bị lấn vào chân tường, TT Diệm phúc đáp: Hội đồng Nội các không đồng ý để ông xuất ngọai giữa tình thế rối ren của xứ sở và một Hội nghị các Chính đảng và Nhân sĩ Quốc gia sẽ được triệu tập ngày 29.4.1955 tại Dinh Độc Lập để cho biết ý kiến "Thủ tướng có bổn phận thi hành lệnh triệu thỉnh của Quốc trưởng hay không?" Hội nghị này gồm có 18 chính đảng/đoàn thể và 29 nhân sĩ Miền Nam. Đặc biệt, ba tổ chức nổi bật vì có thực lực: VN Dân Xã Đảng (Hoà Hảo) mà bí thơ là Nguyễn Bảo Toàn, VN Phục Quốc Hội (Cao Đài) do Hồ Hán Sơn thay mặt và Mặt trận Quốc gia Kháng chiến VN của Trình Minh Thế, do Nhị Lang đại diện.

Nhị Lang, tác giả của quyển sách "Phong trào kháng chiến Trình Minh Thế" (nxb Alpha, Virginia,1989), kể lại: đúng 10 giờ sáng ngày ghi trên, Thủ tướng Diệm tiến vào phòng họp với vẻ mặt ưu tư, tuyên bố vắn tắt lý do, xong kiếu từ ngay, "để Quý Ngài được tự do thảo luận". Hội nghị bầu Nguyễn Bảo Toàn vào ghế chủ tọa, Phạm Việt Tuyền vào ghế Tổng thư ký. Như đã thoả thuận với nhau từ trước, Nhị Lang, NBToàn và HHSơn khai pháo bằng cách đặt thẳng với Hội nghị một vấn đề duy nhất: truất phế Bảo Đại, khỏi bàn đến chuyện gì khác. Nếu Hội nghị từ chối chương trình nghị sự này, ba đoàn thể của họ sẽ rút lui liền. Bầu không khí cực kỳ sôi động. Bên ngoài, lúc đó, từ cầu chữ Y, quân Bình Xuyên pháo kích xung quanh Dinh Độc Lập. Các tổ chức và phần tử ủng hộ từ lâu TT Diệm tỏ ra quá khích. Nhà báo Bùi Quang Nga, bút hiệu Văn Ngọc, vừa hô to "Đả đảo Bảo Đại", vừa tuột giày, ném vào bức chân dung đồ sộ của Cựu Hoàng treo trên vách Phòng Khánh Tiết. Tiếp theo, nhiều nhân vật như Vũ Văn Mẫu, Hoàng Cơ Thụy... công kênh Nhị Lang lên vai họ để triệt hạ chân dung này giữa tiếng hoan hô vang dội. Hội nghị bầu ra một Ủy ban cách Mạng, sau đổi là Hội đồng Nhân Dân Cách mạng, rồi Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia, thể theo ý kiến của một số nhân vật "ôn hoà" lo ngại chính quyền Diệm sẽ không kiểm soát nổi khuynh hướng cực đoan. Hội đồng này gồm có Nguyễn Bảo Toàn (chủ tịch), Hồ Hán Sơn (Phó chủ tịch) Nhị Lang (Tổng thư ký) và một số ủy viên như Hoàng Cơ Thụy, Trần Thanh Hiệp, Đoàn Trung Còn, Hoàng Phố, Văn Ngọc, bà Đức Thọ, Hùynh Minh Ý, Hà Huy Liêm và Nguyễn Hữu Khai. Cuối cùng, Hội nghị đưa ra một bản Quyết nghị nảy lửa, gồm ba điểm: Truất phế Bảo Đại, giải tán Chính phủ Diệm và ủy nhiệm chí sĩ N Đ Diệm thành lập Chính phủ Cách Mạng Lâm thời, tổ chức tổng tuyển cử, tiến tới chế độ cộng hoà.

Lúc 5 giờ chiều, sau phiên nhóm kéo dài 7 tiếng, chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn mời TT Diệm xuống phòng họp nghe kết quả. Nhị Lang viết: "Khi Thủ tướng nghe xong, tôi thấy mặt ông tái hẳn đi. Tôi chắc ông không ngờ Hội nghị này lại quay sang một chiều hướng khác và lôi kéo ông đi một bước quá xa như vậy... Thủ tướng Diệm lộ vẻ đăm chiêu và nói bằng một giọng trầm mặc: "Xin quý ngài cho tôi được có thời giờ suy nghĩ kỹ về vấn đề trọng đại này!"(trang 310).

Qua ngày 30 tháng 4, lại một cuộc tập họp đông đảo khác tại Phòng Khánh tiết Toà Đô chính Sàigòn để triệt hạ hình Bảo Đại và nghe N B Toàn, H H Sơn, Nhị Lang tường trình. Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương và Nguyễn Giác Ngộ xuất hiện, dân chúng hoan hô. Một Hội Đồng Chỉ Đạo được thành lập, gồm có ba tướng giáo phái này, để bao trùm lên Ủy ban Cách Mạng, theo lời đề nghị đầy tham vọng của Nguyễn Thành Phương. Khi sáu nhân vật vừa kể lập một phái đoàn vào Dinh Độc Lập lúc 6 giờ chiều, để thông báo cho Thủ tướng thì họ thấy lối 50 sĩ quan Quân đội quốc gia có mặt ở tầng dưới và hai tướng Nguyễn Văn Vỹ và Lê Văn Tỵ trong phòng khách nhỏ ở tầng trên. Trong hồi ký "VN Nhân Chứng" (nxb Xuân Thu, 1989), Trân Văn Đôn kể lại: Trưa 29.4.1955, Vỹ và Đôn đến nhà tướng Tỵ yêu cầu trao quyền cho Vỹ theo sắc lệnh của Bảo Đại, ông Tỵ trả lời: "Tôi sẵn sàng nếu Thủ tướng ra lệnh". Tất cả đồng ý vào gặp Thủ tướng. Chỉ có Đỗ Cao Trí đòi ở lại: "Các anh vô đi. Nếu có gì xảy ra, tôi đến vây Dinh Độc Lập." Một bi kịch bất ngờ xảy ra làm đảo lộn lịch sử Đất nước: Với sự chấp thuận của Trình Minh Thế và Nguyễn Thành Phương, Nhị Lang lặng lẽ đột nhập vào phòng khách, chĩa thẳng khẩu súng Colt 45 vào người tướng Vỹ, hô to: "Dơ tay lên, không tôi bắn!" Vỹ hoảng hốt dơ tay khỏi đầu. Tướng Tỵ liều mạng chạy lại ôm lấy Nhị Lang nhưng bị gạt ra. Nhị Lang gọi Hồ Hán Sơn, chỉ về phiá Vỹ: "Hãy bốc ga lông của ông này cho tôi!" Sơn làm ngay. Phóng viên Francois Sully chụp được tấm hình và cho đăng vào báo Life, số phát hành tháng 7.1955. Bộ trưởng Trần Trung Dung cấp báo với Thủ tướng: "Cụ! Cụ! Chúng nó đang định bắt giết ông Vỹ!" TT Diệm vội ra kéo Vỹ vào phòng. Cố vấn Nhu chạy đến can gián Nhị Lang: "Thôi đừng nóng, mấy ông tướng đang họp bàn với cụ"

Trả lời người viết, Nhị Lang cho biết những diễn tiến sau đó: trong một buổi họp liền tiếp theo giữa TT Diệm, Nhị Lang, Hồ Hán Sơn và hai tướng Vỹ, Tỵ trong phòng ngủ (vừa dùng làm văn phòng) cuả ông Diệm, tướng Vỹ cuối cùng - để được tự do - chịu ký một tuyên ngôn ngắn "tự nguyện từ bỏ hết mọi quyền hành chức chưởng do Bảo Đại ban cho và tự nguyện gia nhập hàng ngũ cách mạng" (nguyên văn). Ngoài ra, lấy lại được chức Tham mưu trưởng, tướng Tỵ cũng bảo đảm "Vỹ sẽ không làm phản". Trong suốt phiên họp, Đỗ Cao Trí và hai tiểu đoàn Ngự Lâm quân bao Dinh Độc lập để gây áp lực, không ngớt kêu vào xin nói chuyện với Vỹ. Rốt cuộc, họ êm thấm rút lui vì bị kềm kẹp giữa hai đối thủ, phía trước là toán binh phòng vệ Dinh Độc Lập của đại tá Vinh, phiá sau là các đơn vị Cao Đài của Nguyễn Thành Phương bố trí tại đường Trần Quý Cáp và Liên Minh của Trình Minh Thế phục kích ở đường Phan Đình Phùng.

Ngày hôm sau theo Trần Văn Đôn trong hồi ký, tướng Vỹ họp báo cho biết Quân đội sẽ đảo chính vì TT Diệm bị Thế, Toàn và Nhị Lang lấn quyền. Các sĩ quan nhóm, có mặt Nguyễn Hữu Có, Dương Văn Đức, T V Đôn..vv.. Lê Văn Tỵ hỏi: Các anh làm gì đó? Vỹ đáp: Tôi đảo chính! Tỵ: Anh lấy gì để đảo chính? Vỹ: Quân đội. Tướng Tỵ lột sao cuả mình bỏ xuống bàn: "Tôi lột lon trao cho anh đây. Tôi không theo anh đâu!" Nguyễn Văn Vỹ và Nguyễn Tuyên bay lên Đà Lạt, từ đó qua Cao Miên rồi sang Pháp sống lưu vong. Điểm đáng lưu ý là trong quyển "Le Dragon d'Annam", Bảo Đại rất vắn tắt, không kể lại những chi tiết trên đây, chỉ ghi rằng ông đồng ý cho tướng Vỹ đảo chính TT Diệm và phủ nhận tính cách hợp pháp của Hội Nghị Toàn Dân ngày 29 tháng 4.
 
Ngô Đình Diệm có sẵn sàng truất phế Bảo Đại hay không?

Đa số các tác giả trà lời: Không. Trừ Đỗ Mậu ("VN Máu Lửa Quê Hương tôi" nxb Hoa kỳ 1986). Tất cả những ai từng tiếp xúc với ông Diệm đều nhận xét ông luôn luôn giữ thái độ khiêm cung thành tín khi nói đến các vua chúa triều Nguyễn, kể luôn Bảo Đại, mà ông không bao giờ phê bình thiếu lễ độ. Người viết còn nhớ: Sau 1956, khi ban sắc lệnh cải tổ hành chính, Tổng thống Diệm đặt trọng tâm vẽ lại bản đồ các tỉnh Miền Nam (thay đổi ranh giới, đặt tên mới, tổ chức quy chế xã, quận và đô thị..vv..) nhưng giữ nguyên các cơ chế tại Miền Trung do các vua chúa đặt ra, vì cho rằng tổ chức này không cần canh tân. Khi Bộ Nội vụ, do người viết phụ trách, làm thủ tục tịch thu tài sản của Cựu Hoàng, Tổng thống ra lệnh nới tay, giúp Đức Từ Cung có phương tiện sinh sống đầy đủ và chỉ thị cho các tỉnh trưởng trùng tu lăng tẩm của những đấng Tiên Đế.

Chính Nhị Lang thường xác nhận nhiều lần với người viết rằng Thủ tướng Diệm không hiện diện khi Hội Đồng Cách Mạng lấy quyết định truất phế Bảo Đại, ông Diệm tỏ vẻ không thoải mái nhận quyền ủy nhiệm của Hội đồng và không ngờ mọi việc diễn tiến ngoài mọi dự tính như vậy. Nhị Lang viết trong Hồi ký: "Cái Ủy Ban Chỉ Đạo do sáng kiến của Nguyễn Thành Phương đã gieo nghi ngờ trong lòng Thủ tướng chính phủ càng ngày càng ác cảm với tướng Phương và đưa Phương đến chỗ suy bại." Để kềm hãm những thành phần "cách mạng quá khích", ông Nhu gài những cán bộ thân tín như Hà Huy Liêm, Văn Ngọc, Nguyễn Hữu Khai và Hùynh Minh Ý vào Hội Đồng để gây lục đục. Mặt khác, Bộ trưởng Thông tin Trần Chánh Thành và tướng Nguyễn Ngọc Lễ, TGĐ Cảnh sát-Công An, áp dụng nhiều biện pháp tạo khó dễ.

Chuyện gì đã xảy ra cho các lãnh tụ cốt cán trong Hội Đồng Cách Mạng và Ủy ban Chỉ Đạo?

1. Chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn, đứng đầu Lực lượng Hoà Hảo (tổ chức đông và mạnh nhất năm 1955), từ chức, trốn qua Phi Luật Tân, rồi bị thủ tiêu khi trở lại VN. Ông là nhân vật từng ủng hộ Giải pháp Bảo Đại và sáng lập viên Mặt trận Thống nhất Quốc gia với Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam. Cựu đại tá Nguyễn Văn Y, nguyên cục trưởng Trung ương Tình báo và TGĐ Công an thời Diệm, hiện ở Virginia, quả quyết với người viết rằng Hội đồng Quân nhân năm 1963 vu oan ông đã giết N B Toàn. Theo ông, công tác này có thể do nhóm Lê Quang Tung hay Dương Văn Hiếu thi hành theo lệnh của Ngô Đình Nhu.

2- Hồ Hán Sơn, gốc Hà Tĩnh, vào Nam năm 1954, gia nhập VN Phục Quốc Hội của Nguyễn Thành Phương, được Hộ pháp Phạm Công Tắc vinh thăng Đại tá Cao Đài, tác giả "Nghệ thuật Chỉ đạo Chiến tranh" từng làm say mê Trình Minh Thế. Người lùn thấp, đầu tóc bờm xờm, ăn nói ngang tàng, đã tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho các sĩ quan Cao Đài. Sau biến cố tháng 4.1955, Sơn thất sủng, rồi bị Nguyễn Thành Phương (lúc đó xoay qua chống N Đ Diệm) đưa ra xử tại một phiên họp cao cấp Cao Đài tại số 195 đường Công lý Sàigòn, chỉ vì Sơn đi dùng cơm với Bộ trưởng Trần Chánh Thành, hành động coi như "đào ngũ, tư thông với địch". Ở tù tại Bến Kéo, Tây Ninh, Hồ Hán Sơn bị trung úy N.N.V, bí thơ của tướng Phương, hạ sát, ném thây xuống giếng. Theo Nhị Lang kể lại, năm 1961, H M H, em ruột của Sơn, định truy tố Nguyễn Thành Phương trước Toà án, Nhị Lang khuyên y bỏ qua nội vụ.

3- Nhị Lang, tên thật là Thái Lân, xin tị nạn tại Nam Vang cuối 1955 và chỉ trở lại VN sau vụ đảo chính 1963. Đảng viên VN Quốc Dân Đảng, rể của Nhất Linh, ông làm cố vấn từ 1951 cho Trình Minh Thế, lãnh tụ nhóm Cao Đài kháng chiến Liên Minh. Trả lời người viết, Nhị Lang cho biết lý do phải trốn qua Cam-bốt là để tránh sự đàn áp từ một số cơ quan chính quyền. Đặc biệt, Trần Chánh Thành và Nguyễn Ngọc Lễ đã vu khống ông bỏ túi trên một triệu bạc cấp cho Hội đồng Cách Mạng. Có một lần, Nhị Lang bị nhân viên cảnh sát của Trần Bá Thành chận bắt, phải nhờ Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Thinh can thiệp mới được thả. Lý do khác là Nhị Lang bị kẹt giữa hai lằn đạn, hai tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương (Tòa thánh Tây Ninh) và Văn Thành Cao (Liên Minh kháng chiến, thay Trình Minh Thế tử trận ngày 3.5.1955) tranh dành ngôi vị, không vì lý tưởng. Nhị Lang cũng đã bút chiến dai dẳng với Đỗ Mậu tại Hoa kỳ vì Mậu tố ông cọng tác với Sihanouk và CS Mai Văn Bộ. Theo Nhị Lang, Sihanouk đã từ chối trục xuất ông khỏi Cam-bốt theo lời yêu cầu của Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống Nguyễn Hữu Châu. Năm 1970, Nhị Lang giữ vai trò Tổng thơ ký trong "Ủy ban phối hợp Hành động các Chính đảng" - một tổ chức hữu danh vô thực - để giúp cựu chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ ra ứng cử Phó Tổng thống trong liên danh Nguyễn Cao Kỳ tranh với Nguyễn Văn Thiệu và Dương Văn Minh. Một điều khó hiểu là Nhị Lang luôn luôn ca tụng TT Diệm và Cố vấn Nhu. Cho đến ngày ông qua đời năm ngoái ở tiểu bang Colorado.

4- Nguyễn Thành Phương, Tổng tư lệnh Cao Đài Tây Ninh, lãnh tụ Việt Nam Phục quốc Hội, được TT Diệm vinh thăng Trung tướng, vì thế ủng hộ mạnh mẽ Chính phủ lúc đầu. Hằng tháng, Phương lãnh được một quỹ đen, nói là để giúp quân đội Cao Đài. Ý đồ của Phương lũng đoạn chính phủ bằng Ủy ban Chỉ đạo nóí trên quá lộ liễu nên gây ngờ vực. Sau ngày Trình Minh Thế tử trận, Phương mất chức Quốc vụ khanh và ra mặt chống Diệm cay cú. Phương ra ứng cử Phó Tổng thống, chung liên danh với Nguyễn Đình Quát chống lại Ngô Đình Diệm. Ngày 31.3.1955, khi được biết Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc định thay thế ông trong vai trò quân sự cao nhất trong Đạo, ông quyết định ra tay trước bằng cách "quốc gia hoá" toàn bộ Quân đội Cao Đài, giao cho Chính phủ. Mặt khác, ông phát động một chiến dịch bôi nhọ Toà thánh Tây Ninh khiến giáo chủ Phạm Công Tắc phải cùng với Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa qua tị nạn tại Cao Miên. Nơi đây, P C Tắc ngả hẳn về đường lối trung lập và xây cất một thánh thất đồ sộ, được nửa chừng thì Sihanouk ra lệnh phải ngưng. Đức Hộ pháp qua đời tại Nam Vang năm 1959. Sau 1975, một nhóm tín đồ vận động đem xác về chôn tại Tây Ninh.
Với cuộc trưng cầu dân ý ngày 26.10.1955, Thủ tướng Diệm trở thành Tổng thống. Chính quyền hạ ngón độc thủ, cho mở ngày 15.2.1956 Chiến dịch Bình định Miền Đông do tướng Văn Thành Cao - đối thủ của Phương - phụ trách, với Bộ chỉ huy đặt ở Toà thánh Tây Ninh. Nguyễn Thành Phương hoàn toàn thất sủng, bị lấy lại công thự số 195 Công Lý. Cuộc đời chính trị cuả y chấm dứt thê thảm. Trong cảnh túng thiếu, nghèo nàn.

5- Trình Minh Thế là một anh hùng yểu số. Đêm 6.6.1951, đại tá Tham mưu trưởng Cao Đài Trình Minh Thế bất thần "thoát ly" với một số chiến sĩ vào rừng Bưng Rồ, Tây Ninh, để lập chiến khu "chống cộng, đả thực và bài phong". Đường lối này thích hợp với chủ trương của TT Diệm và đắc nhân tâm hơn các giáo phái khác, phần đông thân Pháp và ủng hộ Bảo Đại. Tuy rất trẻ - 29 tuổi - Thế có một kinh nghiệm khá vững về du kích chiến nhờ được Nhật huấn luyện. Ngày 20.8.1951, một Hội nghị đại biểu nhóm tại Gò Ngải và cho ra đời "Mặt trận Quốc gia Kháng chiến VN". Quân đội Quốc gia Liên Minh lập hai chiến khu ở Núi Bà Đen và Bù Lu. Mau chóng, tổ chức này gây tiếng vang nhờ tài lãnh đạo của Thế. Trình Minh Thế sinh năm 1922 tại quận Gò Dầu, Tây Ninh, trong một gia đình nông dân, học lực chỉ đến mức primaire nhưng rất thông minh và yêu nước nồng cháy. Toà thánh Tây Ninh và tướng Nguyễn Văn Thành, Tổng tư lệnh Quân đội Cao Đài, gây khó cho tập thể Liên Minh bằng cách phong toả lương thực và cho tảo thanh trừng phạt nhiều phen.

Ba thành tích làm cho trùm CIA Edward Lansdale chú ý đến Thế: vụ cho bom nổ chậm trước nhà Hát Tây Saigon, vụ mưu sát tướng Pháp Chanson và Thủ hiến Thái Lập Thành tại Sadec và vụ bắt cóc Trần Quang Vinh (thân Pháp, thân Bảo Đại) mà Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc định bổ nhiệm để thay thế tướng Nguyễn Văn Thành. Sau nhiều lần viếng thăm chiến khu Liên Minh, Lansdale móc nối cho cố vấn Ngô Đình Nhu tiếp xúc thẳng với Thế. Hoa kỳ đầu tư chính trị vào Liên Minh.

Ngày 31.1.1955, Thủ tướng Diệm đích thân đến Lò Gò, Tây Ninh, gần căn cứ Bầu Gõ của Liên Minh, mời Thế về hợp tác theo những điều kiện thỏa thuận giữa Nhu và Thế. Ngày 13.2.1955, một buổi lễ long trọng được tổ chức tại đại lộ Nguyễn Huệ Sàigon, trước sự hiện diện của đầy đủ ngoại giao đoàn, để trên 8.000 quân Liên Minh gia nhập Quân đội Quốc gia. Thế nhận từ tay Thủ tướng mũ nón và ngôi sao Thiếu tướng. Trước ngày về hợp tác, Thế làm một cú ngoạn mục gọi là quà sơ kiến, một món quà có lẽ làm hai ông Diệm, Nhu khá bỡ ngỡ: bắt giữ (và thu âm lén) Bs Phạm Hữu Chương, Tổng trưởng Xã hội, vì Chương thừa dịp viếng Tây Ninh, đến quyến rũ Thế bắt tay với Pháp. Hai nhân vật nhờ móc nối với Trình Minh Thế mà được bổ nhiệm vào Nội các là Huỳnh Hữu Nghĩa (Lao động) và Lê Văn Đồng (Canh Nông).

Ngày 28.3.1955, đáp lời mời của Tổng thống Nam Dương Soekarno, Chính phủ cử Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Văn Thoại, cựu giáo sư Collège de France, hướng dẫn một phái đoàn dự Hội nghỉ Á Phi tại Bandung. Có đủ mặt lãnh tụ: Nehru, Chu Ân Lai, Nasser, Sihanouk, Abdul Rhaman..v..v.. T M Thế xin phép tháp tùng, TT Diệm nể tình chấp nhận. Cánh Nguyễn Thành Phương gởi Hồ Hán Sơn làm quan sát viên. Tại Bandung, Thế và Sơn tự ý - không bàn trước nội dung với trưởng phái đoàn - thảo một "Tờ Hịch" bằng Anh ngữ tố cáo Xã hội chủ nghiã. Thế đích thân ôm đi phát cho các phái đoàn trong lúc trên bục, đại diện các nước trung lập thao thao đề cao "5 nguyên tắc sống chung hoà bình." Theo Trần Văn Đôn (VN Nhân chứng, trang 132), Nguyễn Văn Thoại đã ký vào bản tuyên cáo chủ trương phi liên kết. Ngày 10.5.1955, TT Diệm cải tổ Nội các, Nguyễn Văn Thoại bay chức.

Uy danh của tướng Thế qua mặt Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ và trung tá Quân trấn trưởng Dương Văn Minh, thấy rõ. Bởi thế, phần đông sĩ quan trong Quân đội lúc đó - do Pháp để lại - không khỏi xầm xì ganh tị. Cũng trong thời gian này, Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia (gồm có Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, Liên Minh và Dân Xã của tướng Lê Quang Vinh) ký chung một bản tuyên ngôn đoàn kết và cử phái đoàn trao cho Thủ tướng Diệm một tối hậu thư buộc phải cải tổ ngày 2 tháng 5 là thời hạn chót. Được Mỹ ủng hộ âm thầm, ông Diệm từ chối. Để cứu Chính phủ, tướng Thế họp báo tuyên bố Liên Minh rút khỏi Mặt trận. Bảy Viễn bắt đầu cho pháo kích Dinh Độc Lập. Mọi việc diễn tiến mau lẹ ngày 29.4.1955 như ghi trên. Ngày 3.5.1955, bất ngờ Thủ tướng Diệm cử Thế tấn công Bình Xuyên, dù ông dư biết mối giao hảo cá nhân tốt giữa hai bên. Phải chăng để thử lòng? Một thâm mưu? Tướng Thế nhận sự bổ nhiệm đầu tiên này.

Theo Nhị Lang kể lại: Đúng 7 giờ chiều ngày 3 tháng 5, Thế mất trong lúc ông đích thân đứng trên chiếc quân xa đi đầu để chỉ huy lính Liên Minh tiến qua cầu Tân Thuận, phiá Nam Sàigòn. Một viên đạn carbine duy nhất bắn rất gần vào lỗ tai bên phải xuyên qua mắt trái. Thế chết tức tốc. Người bắn viên đạn núp dưới chân cầu không thể cách xa mục tiêu hơn 10 thước. Khi đem xác về căn gác nhỏ ở đường Trương Minh Giảng thì tròng mắt và hàm răng giả của tướng Thế đã bay mất. Thủ tướng Diệm và cố vấn Nhu đòi đến thăm liền. Nhị Lang đề nghị đợi đến hôm sau vì lý do an ninh. Tờ mờ sáng ngày 4.5.1955, hai ông Diệm, Nhu đến. Tháp tùng có tướng Tỵ, toàn thể Nội các và Bộ Tham mưu. Thủ tướng đầm đià nước mắt, ôm ghì thi hài tướng Thế và ngất xiủ. Ông Nhu thì quỳ bên giường, nắm tay người chết, vừa kêu than ai oán "Anh Thế ơi". Chính phủ vinh thăng T M Thế lên trung tướng và tổ chức lễ quốc táng ngày 6 tháng 5. Thế có mặt tại Sàigòn vỏn vẹn 80 ngày. Đại tá Văn Thành Cao, tay mặt của Thế, thăng cấp thiếu tướng. Lúc Thế tử trận, Cao về Đồng Tháp Mười để kiếm thêm viện binh Liên Minh vì Thế không dùng lính quốc gia, theo lời Nhị Lang.

Về cái chết của tướng Thế, có nhiều giả thuyết: Sau 1975, cựu trùm Đệ nhị phòng Savani viết một bài thú nhận đã chủ mưu giết Thế để trả thù các tội ác chống Pháp. Nhị Lang, trong Hồi ký, thì quy trách cho Mai Hữu Xuân và cực lực phản bác tin đồn vô căn cứ là do lệnh của ông Nhu, để trừ hậu hoạn. Trong nhiều đọan của hồi ký, trang 395 và tiếp theo, Nhị Lang than phiền Văn Thành Cao bỏ rơi Liên Minh để thụ hưởng, khiến cho một số sĩ quan của Thế trở vào bưng biền đầu tháng 9.1955 vì cho rằng chính quyền Diệm không thi hành các cam kết ngày 31.1.1955 tại Lò Gò. Có lẽ vì sự bất mãn đó, họ phao đồn Cao có liên hệ đến vụ bắn Thế. Cuối 1956, Cố vấn Ngô Đình Nhu có trao cho người viết (phụ trách Bộ Nội vụ) một hồ sơ tố Cao dự trữ võ khí riêng. Tướng Cao có giải thích với người viết đây chỉ là một việc tư thù. Nội vụ được xếp. Cao là sĩ quan mang danh hiệu Liên Minh duy nhất được Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hoà trọng dụng trong nhiều chức vụ (kể cả Đại biểu Chính phủ Miền Đông năm 1960, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia thời N V Thiệu, Phòng nghiên cứu du kích chiến, Bộ Tổng Tham Mưu..v..v..). Sau 1975, ông bị đi cải tạo trên mười năm. Ông là một người thân tín của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1999, qua sự giới thiệu của cựu đại tá Cao Đài Đặng Quang Dương, hiện ở Dallas, nay trên 90 tuổi, cấp chỉ huy cũ của Thế và Cao, người viết gặp tại Orange County bà quả phụ Trình Minh Thế nhủ danh Nguyễn Thị Kim (hiện ở Calgary, Canada) và đặt câu hỏi. Bà Thế không đồng ý với Nhị Lang và có vẻ ấm ức nhiều chuyện. Cái chết của tướng Thế còn có ẩn khúc. Đặc biệt, tướng Lansdale, trong hồi ký, cũng không quy trách rõ ràng cho ai cả. Thời Đệ nhị Cộng hoà, ông có trở qua VN, đứng chủ hôn cho Trình Minh Nhựt, trưởng nam của Thế, cưới vợ.
 
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 26.10.1955

Quyết nghị ngày 29.4.1955 của Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng khiến Thủ tướng Diệm không thể tránh tổ chức Trưng cầu Dân ý, dù muốn hay không. Trong thâm tâm, là một quan lại của Triều đình, ông Diệm bảo hoàng và rất lo ngại phạm tội khi quân (crime de lèse majesté). Nếu không bị Bảo Đại lấn ép quá đáng, ông không bao giờ có thái độ phạm thượng. Cố vấn Nhu, vốn không có cảm tình với chế độ quân chủ, dứt khoát hơn. Vấn đề là chụp thời cơ, đừng để quyền lực vuột khỏi tầm tay, chận các khuynh hướng quá khích - phiá quốc gia cũng như giáo phái đối lập - khuynh đảo chính phủ. Trong tình thế nguy kịch, gần như tuyệt vọng, Ông Diệm rất cần sự ủng hộ của thực lực Trình Minh Thế, được Lansdale bảo đảm, nhưng ông cũng biết Thế là một con dao hai lưỡi, một con ngựa bất kham, có nhiều cao vọng. Thế đã cố gắng thuyết phục ông Nhu - nhưng thất bại - vượt Bến Hải, chiếm hai tỉnh địa đầu Bắc Việt lập cái thế quân bình. Thế tánh tình bộc trực, ngang tàng, độc lập. Thế có đầu óc chính trị, tuy hợp tác với Chính phủ nhưng vẫn giữ mối giao hảo thân tình với Năm Lửa, Bảy Viển và đặc biệt Ba Cụt. Có lần Lê Quang Vinh và vợ là Cao Thị Nguyệt vào chiến khu thăm Thế, hai bên có vẻ tâm đầu ý hợp. Nhị Lang kể lại trong hồi ký, trang180: Trước khi ra về, Ba Cụt nói với Thế: "Miền Đông có anh, Miền Tây có tôi, chúng ta sợ gì lũ cộng sản?" Tuy nhiên, theo gót "thầy dùi" Lansdale, vai trò king maker của Thế lộ liễu quá sớm. Điều này không khỏi làm Ngô Đình Nhu suy nghĩ.

NẾU (người viết nhấn mạnh vào chữ nếu) Thế dẹp được Bình Xuyên năm 1955- một bài toán tình cảm đối Thế - và NẾU Ba Cụt không bị xử tử năm1956 thì chuyện gì xảy ra? Trình Minh Thế sẽ lên thế Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ? Bao lâu, TT Diệm (và ông Nhu) có thể kiểm soát một Trình Minh Thế ngang tàng và một Lê Quang Vinh ngang ngược trên con đường phản lọan? nhất là từ 1960 Hoa kỳ bắt đầu bỏ rơi chế độ Diệm? Hoa kỳ sẽ dùng Thế và Vinh chống Diệm cách nào? Đó là bi kịch của Miền Nam VN.

Lịch sử sẽ không thể phủ nhận nhóm Trình Minh Thế đã đóng một vai trò quyết đinh chuyển Miền Nam VN từ thời đại quân vương qua chế độ dân chủ. Nền Đệ nhất Cộng hoà khó thể ra đời sớm nếu thời cuộc không diễn tiến bất ngờ như trên, ngoài mọi ức đoán của cả Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Hoàng đế Bảo Đại. Lịch sử cũng không thể quên cố vấn Ngô Đình Nhu là một nhà mưu lược thượng thặng, trong cả hai nghĩa tốt và không tốt.

Trong VN Nhân Chứng, trang 133, Trần Văn Đôn viết: Theo ông Nhu kể lại, trước ngày trưng cầu dân ý, TT Diệm tự tay viết một là thư dài giải thích tình hình và mời Bảo Đại về nước lãnh đạo nhưng Cựu hoàng đòi một triệu mỹ kim. Trong Le Dragon D'Annam, trang 342, Bảo Đại cho biết ông không đồng ý lập một chính phủ lưu vong, không chịu "dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới" và phủ nhận chính sách Ngô Đình Diệm. Cựu chủ tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ nhận xét nơi trang 30 của hồi ký "VN, Où est la Vérité?" (nxb Lavauzelle, Paris 1989): Trên phiếu, dân chúng có thể chọn trả lời một trong hai câu hỏi: 1) tôi truất phế Bảo Đại và chọn N Đ Diệm như Tổng thống VN với sứ mạng lập một thể chế cộng hoà hay 2) tôi không truất phế bảo Đại và không công nhận N Đ Diệm như Tổng thống để thành lập thể chế cộng hoà. Kết quả: ông Diệm thắng 98.2%. Tỷ lệ này có vẻ không hoàn toàn trung thực, dù quần chúng mến mộ nhiệt tình ông Diệm lúc đó.
 
Bầu Quốc hội Lập hiến (tháng 3.1956) và ban hành Hiến pháp Đệ nhất Cộng hoà (ngày 26.10.1956)

Quốc hội Lập hiến gồm có 134 dân biểu thuộc bốn đảng thân chính phủ, không có đối lập. Ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm có Trần Văn Lắm (chủ tịch), Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Vũ Quốc Thông và Trương Vĩnh Lễ. Hiến pháp phỏng theo các hiến pháp Hoa kỳ và Pháp. Phủ Tổng Thống đề nghị tu chính một số điều khoản, Quốc hội chấp thuận. Việt Nam là một nước Cộng Hoà theo thể chế độc viện, có một Tổng thống và Phó Tổng thống cử theo lối phổ thông đầu phiếu. Hiến pháp không chấp nhận một người có thể nắm giữ hai chức Hành pháp và Lập pháp. Không có điều khoản nào cho phép truất phế, impeach, khi Tổng thống phạm trọng tội. Ngày 26.10.1956 ban hành Hiến pháp được chọn làm Ngày Quốc khánh. Trần Văn Lắm và Vũ Quốc Thông là chủ tịch và phó chủ tịch đầu tiên của Quốc hội.

Uy quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm mỗi ngày thêm vững, ít nữa cho đến cuối 1960. Ngày 20.7.1955, Chính phủ Diệm tuyên bố không chấp nhận chuẩn bị tổng tuyển cử qui định bởi Hiệp ước Genève. Với sự cộng tác của Bộ Nội vụ do người viết phụ trách, Hội đồng Nhân Dân Cách mạng tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại để đuổi về Bắc phái đoàn Văn Tiến Dũng trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (gồm có Ba Lan và Ấn độ). Văn phòng đại diện CS đặt tại khách sạn Majestic, Bến Bạch Đằng. Majestic bị phóng hoả, gây thiệt hại trên 5 triệu bạc, cũng như một khách sạn khác mang tên Galliéni ở đường Trần Hưng Đạo. Văn Tiến Dũng và các đồng chí thoát thân về trại của chúng ở Gia Định, bên cạnh nhà thương Nguyễn Văn Học. Nhiều ngày liên tiếp, đồng bào di cư, sinh viên, học sinh cô lập họ bằng những lời chửi rủa thậm tệ. Điện, nước, lương thực bị cúp hoàn toàn. Cuối cùng Ủy Hội liên lạc với chính phủ xin bảo đảm cho phái đoàn Bắc Việt rời Sàigòn. Tổng Nha Cảnh sát/Công An cho những chiếc xe nhà binh bít bùng chở chúng lúc trời hừng sáng đến Tân Sơn Nhứt dưới sự đả đảo vang dậy của quần chúng. Tác giả bài này đích thân đến phi trường kiểm soát mọi thủ tục. Vào lúc máy bay Ủy hội sắp cất cánh, một sĩ quan CS hốc hác, đầu đội nón cối, không mang phù hiệu, bước đến chào người viết theo lối nhà binh, tự xưng là thiếu tá Văn Tiến Dũng. Y tỏ lời cám ơn giúp phái đòan ra đi trong trật tự.

Kết luận

Năm chục năm thấm thoát trôi qua. Dở lại những trang sử cũ, lòng buồn vô hạn. Chính trị đã đẩy xứ sở xuống đến tận đáy vực của tang tóc và chia rẽ, nhân danh một cuộc chiến tương tàn do Đế quốc giựt dây. Đất nước đã thí nghiệm đau đớn nhiều thể chế: Quân chủ, Dân chủ và Xã hội chủ nghĩa. Đến nay, vẫn chưa tìm ra đáp số cho các vấn đề Chậm tiến, Tự Do và Thống Nhất. VN vẫn là một con thuyền say, trôi dạt không bờ, không bến. Nhóm cầm quyền ở Hànội vẫn bịt mắt trước cảnh khổ nhục của Việt Nam. Chừng nào họ mới thức tỉnh?
 
LÂM LỄ TRINH