Rừng và con người

Rừng và con người
                                         
                                                                     GS Thái Công Tụng

1. Tổng quan
Nếu có ai hỏi hãy tìm chỉ một cá thể duy nhất vừa bảo đảm đất giàu, vừa điều hòa được nước và lụt, vừa phát sinh hơi nước, vừa tồn trữ cacbon, vùa thanh lọc không khí, vừa điều hòa nhiệt độ, vừa chứa động vật và thực vật, vừa làm đẹp cảnh quan thì chắc hẳn câu trả lời đó là một cây và cây lại là một phần của rừng. Trái Đất xưa kia rất nhiều rừng; rừng che phủ mọi nơi; chính do sự mục rửa cây cối trong những điều kiện nhất định đã tạo nên dầu hoả, mỏ than. Con người từ thời mới phát sinh ra cách đây mấy trăm ngàn năm cũng phải dựa vào rừng mà sống: văn minh du mục, sự săn bắn, củi đốt trong hang đá, làm nhà, đau ốm đều nương vào rừng.
Không rừng, con người không có nguyên liệu, không muông thú để săn bắn.. Trong bài quốc ca của Việt Nam thời trước 1945, còn gọi là Đăng Đàn Cung, có câu hát:
               Kìa núi vàng bể bạc, có sách trời, sách trời định phần..
Núi vàng không phải là núi có vàng mà ý nói là núi chứa đựng nhiều tài nguyên trong đó rừng là một. Rừng chính là vàng xanh; rừng còn qúy hơn vàng vì rừng ảnh hưởng đến khí hậu, đến thủy văn, đến sức khoẻ con người . Qủa vậy, rừng có nhiều chức năng: che chở, cung cấp, bảo vệ ..Vậy mục đích bài này là trình bày các chức năng ấy cũng như tương quan hữu cơ nhiều chiều giữa người và rừng, giữa rừng và nước, giữa nước và khí hậu v.v..

2. Các loại rừng trên thế giới
Đi từ miền xích đạo lên bắc cực, có nhiều loại rừng như sau:

Rừng mưa nhiệt đới  (wet evergreen forest, còn có tên là tropical rainforest). Gặp ở vùng Amazonie của Bresil,  Congo bên Phi Châu, Đông Nam Á, Indonesia . Mưa suốt bốn mùa, nhiệt độ nóng đều (tư` 24 0 đến 300  ) nên cây cối rậm rạp, giây leo chằng chịt, nhiều loài phụ sinh trên thân cây, lá xanh quanh năm; có trên 100 loài thực vật trong mỗi hecta.  Lượng mưa lớn do đó rừng có nhiều tầng, cao, rậm rạp. Mặt trời ít khi xuống tận mặt đất. Cây to, dưới gốc có 'bạnh' như cây bằng lăng, trên thân có phong lan, tầm gửi, mây chằng chịt. Động vật phong phú với vượn, khỉ, sóc, chim, voi, trâu rừng, thỏ.. Tuy chỉ chiếm 7 % diện tích đất nhưng trên 50% chủng loại động vật và thực vật là nằm trong loại rừng này . Do đó, đây là hòn ngọc của  đa dạng sinh học trên hành tinh trái đất này .

Rừng khô rụng lá nhiệt đới  (tropical seasonal  forest; forêt sèche tropicale) .Hiện diện ở Thái Lan, Ai Lao, Bắc Australia, miền Caraibes.  Khi rời vùng xích đới đến vùng nhiệt đới thì lượng mưa hàng năm nhỏ đi và trong năm có mùa khô hạn. Thảo mộc thích nghi với mùa khô bằng cách rụng lá để tránh mất nhiều nước.  

Savan  đới nóng .
Khi mùa khô kéo dài quá 3 tháng và lượng mưa ít dần thì rừng nhiệt đới thưa dần và nhường chỗ cho savan. Thảo nguyên có nhiều dạng, từ thảo nguyên có cây thưa thớt rải rác trên cánh đồng cỏ mà mùa xuân 'cỏ non xanh tận chân trời '  đến thảo nguyên chỉ có thỉnh thoảng vài lùm bụi .
Sự đốt rừng nguyên thủy ở Phi Châu và châu Mỹ nhiệt đới đã tạo những savan rộng lớn với nhiều động vật móng guốc tăng lên .Động vật có  ngựa vằn, hươu cao cổ, tê giác. Chúng thích nghi với sự vận chuyển trên đồng cỏ hoang vu . Có những loài thú ăn thịt thích nghi với sự chạy nhanh, chúng săn bắt thú ăn cỏ (sư tử, báo ..), có những loại chim như đà điểu . Sâu bọ có cào cào, châu chấu (criquet pelerin).
Viet Nam có nhiều savan cỏ tranh (Imperata cylindrica)

Hoang mạc (steppe): có ở miền nhiệt đới và ôn đới
Thực vật rất nghèo, chỉ vài cây bụi nhỏ với đám cỏ thấp, có rễ rất dài ăn xuống các lớp đất sâu để hút nước. Nhiều cây mọc rất nhanh về mùa xuân khi mặt đất còn ẩm ướt, chúng lớn lên ra hoa, tạo qủa trong vòng 1 tháng rồi chết. Động vật hoang mạc có lạc đà một bướu, linh dương. Sự thích nghi của động vật với đời sống hoang mạc rất rõ nét biểu hiện ở các điểm chống cự được với khô nóng như giảm sự tiết mồ hôi và nước tiểu, hoạt động chủ yếu về đêm, có đời sống chui rúc trong đất

Rừng Địa Trung Hải  gồm những cây không cao qúa 5 mét như sồi xanh (Quercus ilex), sồi bần (Quercus suber). Loại rừng này gặp quanh vùng Địa Trung Hải nhưng cũng có mặt ở Cali (Mỹ) và bắc Mexico mà danh từ địa phương gọi là 'chapparal ', miền Nam Australia

Thảo nguyên:
Thảo nguyên chính là quần xã thực vật mà Nguyễn Du đã tả:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Đây là loại thảo nguyên ở Trung Hoa, của vùng rừng ôn đới Bắc Mỹ; mùa hạ vẫn nóng và dài, mùa đông thì đỡ lạnh vì có ít tuyết. Lượng mưa miền này chỉ có từ 350mm đến 500mm. Thú hoang  có bò bison, ngựa hoang, chó sói đồng cỏ. Tính chất sống theo đàn, vận chuyển nhanh, di cư hoặc dài hoặc ngắn của các loài động vật

Rừng  ôn đới có lá rụng (Temperate deciduous forest, còn gọi là hardwood forest ; forêt feuillue tempérée) phát triển mạnh ở Đông Canada, Đông Bắc Hoa Kỳ, Tây Âu, Đông Âu, bắc Trung Hoa.
Có quãng 60 loài cây khác nhau như sồi (chêne tiếng Pháp; oak tiếng Anh), sồi rừng (hêtre ; beech), phong ( érable; maple), cây hồ đào (noyer; walnut) , cây du (orme; elm), cây bulô (bouleau; birch), cay aubepine (hawthorne), cay marronnier (chesnut); tuy nhiên thông thường, trong loại rừng này, có ba loại quần xã thực vật chính yếu: quần xã sồi (chênaie), quần xã cây phong (érablière) và quần xã  cây sồi rừng (hêtraie). Rừng ôn đới có lá rụng gặp miền Đông Hoa Kỳ, Đông Trung Hoa, Đức, Pháp, Anh ..Riêng Quebec loại rừng này gặp vùng Montreal, Sherbrooke, Trois-Rivières, Hull
Có lá rụng mùa thu:
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
Hay:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san .
Lượng mưa vừa phải; lá rụng vào thu, tạo một lớp lá khô dày đặc trên đất.
Có nhiều thú như hươu, nai, gấu, chó sói.

Rừng mưa ôn đới ( temperate rainforest;  forêt pluviale tempérée)
Có ai đã đi Vancouver và miền Bắc British Columbia thì chắc hẳn nhận thấy vùng này mưa nhiều, mưa quanh năm và ít tuyết. Gặp ở Tây Bắc Hoa Kỳ như tiểu bang Washington, Oregon, gặp ở Tây Bắc Canada như bắc Vancouver. Ngoài ra, rừng này có ở Tân Tây Lan (New Zealand), Đông Australia . Cây Sequoia, cây Eucalyptus là các loại thường thấỵ

Rừng lá kim miền Bắc (Northern Coniferous forest ; forêt boréale). Chiếm đến ba phần tư ở tỉnh bang Quebec vì trải rộng từ vĩ tuyến 49 đến vĩ tuyến 52. Trên thế giới, loại rừng  này có mặt ở Canada, Bắc Âu, Siberia, Nam Alaska .Riêng Quebec, các vùng bắc Baie Comeau, bắc Sept Iles, bắc Abitibi có nhiều loại rừng này. Đây là rừng thông phương bắc  có những loài cây lá nhọn như thông (Pinus), linh sam (Abies), vân sam (Epicea), thông rụng lá (Larix), có chen cây bu lô (bouleau) làm giấy.

Rừng  taiga
Tiến lên phía Bắc của loại rừng trên, ta gặp một loại quần xã thực vật thưa thớt hơn,  rải rác cây epicea. Cũng cần lưu ý là cây epicea thì Quebec gọi là épinette và có rất nhiều miệt Abitibi, dùng làm bột giấy .  (Épinette gọi là spruce tiếng Anh)
Khí hậu rừng taiga lạnh, mùa đông kéo dài. Động vật có hươu (Cervus canadensis), nai (Alces americana), thú ăn thịt như gấu, chó sói, cáo .

Đồng rêu đới lạnh (toundra) nằm trên các vùng có băng đóng vĩnh viễn trên mặt đất. Ngày mùa hạ rất dài . Mùa đông, đêm kéo dài hàng tháng. Do đó thực vật chỉ là rêu có rễ cạn và các loài cây khác có thể ra hoa kết qủa rất nhanh chóng trong mùa hè ngắn ngủi .Thú vật gồm có caribou nhưng di chuyển vào mùa đông xuống phương Nam

Trở lên là những vùng địa lý có cây cối. Nhưng Trái đất này còn có rất nhiều vùng không cây cối gì hết: sa mạc Sahara ở Phi Châu, sa mạc Nam Phi (như Bostwana, Namibie), các sa mạc Trung Đông (Arabie Saoudite, Iran, Irak) các sa mạc Trung Hoa ở Tây Tạng, Tân Cương, các sa mạc ở Trung Á ( Ouzbekistan, Kazastan, Tadjekistan) , các sa mạc Bắc Mỹ (Nevada).

Một cách tổng quát, rừng chiếm 30% diện tích Trái Đất trong đó, lục địa Mỹ Châu (cả Bắc lẫn Nam Mỹ) 13%, Nga, Á và Úc châu 10%, còn lại 7% là Âu Châu và Phi châu họp lại
3. Rừng ở Việt Nam
Vì Việt Nam trải dài qua nhiều vĩ tuyến và có nhiều cao độ khác nhau nên có nhiều loại rừng. Trên Dalat có nhiều rừng thông 2 lá (Pinus merkusì), thông 3 lá (Pinus Khasya), tùng (Juniperus), bách tán (Araucaria excelsa).
Vùng Đông Bắc như Sơn La, Lai Châu, Fan Si Pan, có các cây pơmu (Fokiena hodginsì), samu (Cunninghamia lanceolata), du sam (Keteleeria davidiana) là các cây gỗ qúy
Miền đồi núi đá vôi có cây ưa vôi, phát triển chậm, nhưng gỗ rất cứng như nghiến (Parapentace tonkinensis) thuộc họ Đay (Tiliaceae), sến (Madhuca pasquieri ) thuộc họ Hồng xiêm (Sapotaceae), táu (Vatica tonkinensis) thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae)
Vùng cao độ thấp có mùa khô rõ rệt, ta gặp rừng dầu (Cheo Reo, Ban Don) gồm các cây họ Dipterocarpaceae.
Vùng mưa đều và mùa khô ít rõ rệt, có rừng dày luôn luôn xanh (Kontum, thượng nguồn Trị, Thiên, Nam, Ngãi ). Có cây trắc, còn gọi là cẩm lai (Dalbergia cochinchinensis), giáng hương (Pterocarpus pedatus),  gụ (Sindora cochinchinensis)..
Ven biển như Ca Mau, Cần Giờ có rừng ngập mặn  với cây mắm, đước, sú, vẹt
Rừng tre nứa khá phổ biến: miền Bắc có nứa, giang, trúc; miền Nam có tre lồ ô. Tre nứa (Neohouzeaua dulloa, phân họ Tre nứa Bambusoideae) là loài cây ưa ẩm, ưa sáng, mọc nhanh, dùng xây nhà, làm giấy, hàng thủ công nhưng có khuyết điểm là khi ra hoa xong thì sẽ bị chết hàng loạt.

4. Nhiệm vụ của rừng
-rừng bảo vệ đất: Khi mưa xuống, nưóc mưa sẽ bị lá cây, tàn cây ngăn chận , nước đập vào đất sẽ nhẹ hơn, làm đất bớt tung toé; chảy xuống thân cây rễ cây thấm dần do đó, đất bớt xói mòn hơn . Nhờ rừng nên đất có thảm cỏ lá mục, cải tạo môi trường đất, có tác dụng nâng cao độ phì nhiêu của đất

-rừng với khí quyển: rừng chuyển vào không khí nhiều oxy hơn; do quang hợp, rừng hút đi chất CO2 độc hại và nhả ra oxy làm không khí dễ thở hơn, con người vào rừng khoẻ khoắn hơn. Đó là lí do các công viên có cây xanh rất cần trong thành phố. Các khí phát thải từ các xe hơi, các nhà máy như khí Co2 bị lớp mây cao che khuất lại, không thoát ra khỏi tầng khí quyển nên làm khí hậu trên địa cầu nóng dần. Ngoài CO2, các khí như metan, nitơ oxit, khí CF C (clorofluorocacbon) cũng là  các khí hiệu ứng nhà kiếng (gas à effet de serre). Khi nhiệt độ Trái đất nóng thì các tảng đá băng ở hai cực Địa cầu sẽ tan đi, làm cho mực nước biển dâng cao. Chính vì vậy mà nhiều nước họp ở Kyoto năm 1997 đã quyết định làm giảm lượng khí nhà kiếng . Một giải pháp là trồng lại rừng để hút bớt chất CO2 trong khí quyển, làm giảm bớt Co2

- rừng với nước  
Rừng bảo vệ  nguồn nước, hạn chế thiên tai. Chính vì phá rừng trên thượng lưu sông Mekong mà ngày nay, năm nào cũng có lụt lội, chết người
Ẩm độ trong đất (soil moisture) rừng cao hơn đất trống vì nước được giữ lại; nhiệt độ đất (soil temperature)trên đất rừng thấp hơn đất trống trải. Khi chế độ nước khô hạn, khi nhiệt độ đất cao thì đó là các điều kiện để  sa mạc hoá

-rừng chống nạn cát bay/ chắn sóng ven biển: Nhiều nơi như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên có nạn cát bay làm cát chiếm các đồng ruộng, đường sá: mùa mưa, cát trôi thành suối cát; mùa hè, gió Lào khô nóng thổi mạnh xen kẽ với gió mùa Đông Nam; mùa đông, gặp gió mùa Đông Bắc thêm với gió bão từ biển Đông thổi đến.

-rừng giúp cho sức khoẻ . Rừng tác động thuận lợi đến sức khoẻ loài người vì trong rừng, khí hậu trong lành, ít ô nhiễm, ít tiếng động, ít bụi bặm và nhờ vậy, tâm hồn bớt căng thẳng. Một nếp sống gần thiên nhiên :       
Thu ăn măng giá, đông ăn trúc
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắm
 Nhìn xem phú qúy tựa chiêm bao

trong cảnh thôn quê hiền hoà:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

làm  ta cảm ứng ngay được  thiền vị trong tâm tưởng.

5. Thiên nhiên trong văn học Việt
Thiên nhiên bàng bạc trong văn học Việt; từ văn chương bác học đến văn học dân gian, Thiên nhiên đi liền với mọi hình thức biểu hiện tình cảm; các tác giả mượn thiên nhiên để tỏ tâm tư  chứ không phải mô tả thiên nhiên để mô tả thiên nhiên.
Như một bãi chiến trưòng nhuộm màu hư vô, lạnh lẽo, thê lương chỉ qua 2 câu thơ:
Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò

Như những nương dâu bát ngát trong cảnh khi người vợ lính chiến xa chồng:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai !

Hãy đọc Bà Huyện Thanh Quan:
Dừng chân đứng lại :trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
Chỉ có hai câu thơ cổ điển trên mà bao gồm mọi yếu tố môi sinh: nào là dừng chân trên đất (thổ quyển), nhìn trời tức mây trôi, gió thổi (khí quyển), nhìn non tức là núi có đá là căn nguyên của đất (thạch quyển), nhìn nước tức sông suối, biển (thủy quyển) và sinh vật, tức tác giả bài thơ (sinh quyển)
Ở đây, bầu trời, sông nước, tác giả, đồng ruộng hoà hợp, gắn bó mật thiết  như hoà tan vào trong một thể thống nhất hùng vĩ của Thiên-Địa-Nhân .Sự hoà hợp thống nhất như vậy rất rõ rệt trong thơ trữ tình sơn thủy, trong đó mọi cái liên quan đến nhau, gắn bó, thâm nhập vào nhau, từ thơ Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

đến thiên nhiên hùng tráng với cảnh núi non hiểm trở được mô tả trong Chinh Phụ ngâm:
Hình khe thế núi gần xa
Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao
Sương đầu núi buổi chiều như giội
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu

Nguyễn Du đã mượn cảnh để nói hộ tâm sự của nàng Kiều, đã tả tình bằng cách tả cảnh, dùng bức tranh thiên nhiên để thể hiện bức tranh tâm trạng. Thực vậy, mỗi cảnh vật thiên nhiên như 'thuyền ai thấp thoáng' làm Kiều nghĩ đến cuộc đời phiêu bạt; 'hoa trôi man mác biết là về đâu ' gợi một tâm trạng vô định; 'nội cỏ dàu dàu ' gợI cảm  giác buồn tẻ thiếu sức sống.
Các mùa trong năm diễn ra theo một quy luật bất biến: mùa đông ngày càng ngày càng ngắn: 'tháng năm chưa nằm đã dậy, tháng mười chưa cười đã tối ', 'bây giờ mùa hạ  sen nở tốt ' nhưng khi sen tàn thì mùa thu đến:

Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân

Mùa xuân nhiều chim én bay lưọn nhưng khi không thấy nhiều chim én nữa, đó là mùa hè đã đến, dù tác giả không nói ra:
             Buồn trông phong cảnh quê người,
             Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa;
Mùa thu, lá cây phong nửa vàng nửa đỏ:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Du cùng con người gắn bó quyện vào nhau đến nỗi 'người buồn cảnh có vui đâu bao giờ '. Thiên nhiên thông cảm với tình người vì khi hai người yêu phải xa nhau thì vầng trăng kia cũng vì hai người mà 'ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường'
Nuớc trong veo duới cầu trong sáng cũng như một tình yêu chân chính trong cảnh chiều tà thướt tha đã là cảnh vật phản ánh tâm trạng buồn lặng nhớ nhung của hai người trai gái mới bắt đầu quen nhau:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Khuynh hướng thanh thản trong môi trường trong sạch được thể hiện trong thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu văn An. Với Nguyễn Công Trứ, sau khi đã tung hoành một thời 'vòng trời đất dọc ngang ngang dọc'; khi về già chỉ mong tìm một khung trời phóng khoáng, không bị ràng buộc vào cuộc đời: Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, và chỉ muốn thoát vòng thế tục với:

Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn

với một  tâm trạng tìm lại nội tâm:
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh


6 Công dụng của rừng
Rừng cung cấp  gổ củi: gổ làm bàn ghế giường tủ; củi nấu ăn, nung trong lò gạch, làm than. Kỹ nghệ gỗ và nhất là kỹ nghệ bột giấy ở Canada rất phát đạt. Riêng tại tỉnh bang Quebec, cứ trong 6 công việc thì đã có 1 liên hệ đến ngành rừng như nhà máy cưa xẻ, nhà máy giấy, xưởng làm đồ mộc

Rừng cung cấp các sản phẩm ngoài gỗ củi
Đó là nấm, mật ong, măng tre, mây, hoa lan, dược thảo, trầm
Nám trong rừng nhiều loại: nấm mèo đen, nấm mèo trắng, bào ngư, linh chi, hầu thủ  . Nấm mèo (Auricularia polytricha), còn có tên là mộc nhĩ là nấm sống tren gỗ mục. Vùng núi có nấm hương (Agaricus rhinozerotis) có mùi thơm, ăn ngon.. Khắp núi rừng Dalat, có những loại nấm mèo trắng, bào ngư và đông cô
Trong rừng có tre. Tre nhiều loại nào là tre lồ ô (Bambusa procera), tre la ngà (Bambusa multiplex), tre gai (Bambusa stenostachya), tre nhà (Bambusa vulgaris). Ngoài tre, rừng có nứa (Neohouzeaua), sặt (Arundinaria), luồng (Dendrocalamus), trúc (Phyllostachys) và các loài tre này dùng trong nhiều việc: dụng cụ trong nhà (làm đủa, đan thúng, tăm, giường ),  dụng cụ bắt cá (lờ, rọ, cần câu ..), bẫy chuột, làm vách phên nhà, làm dụng cụ săn bắn (cung, tên), làm dụng cụ âm nhạc (sáo), làm giấy
Trong rừng có nhiều cây lan mọc, đủ loại mà sau đây chỉ kể ít lan thông dụng ở Việt  Nam: lan hồ điệp (còn gọi là lan cành giao), lan da báo, lan đuôi cáo, lan dáng hương, lan hạc đính, lan hoàng thảo vảy rồng, lan tai trâu và đặc biệt có nhóm lan hài (Paphiopedilum) có hoa có màu sắc đa dạng, có hình thù giống như mũi giày nên gọi là lan hài thường mọc các vùng núi đá vôi .
Rừng có nhiều cây cho tinh dầu: cây trám trắng (Canarium album) họ Trám (Burseraceae) có nhựa làm hương liệu, tinh chế dầu trám và dùng trong kỹ nghệ sơn. Hạt cây trám trắng dùng ép dầu. Nhiều thực vật cho phẩm nhuộm: phẩm vàng như nghệ, hoa hoè; phẩm đỏ như lá cẩm

Rừng cung cấp thuốc trị bệnh
Xưa kia, con người nhờ các loại cây cỏ trong rừng để chữa bệnh vì cây cỏ có chất làm lành vết thương, giải nhiệt, giải độc, mụn nhọt, trị cảm cúm, trị ho .. Ngày nay, dù khoa học có tiến bộ nhưng rừng vẫn là nơi các thực vật cung cấp nguyên liệu để khảo cứu, trích các tinh dầu
Nạn sốt rét gây tàn phá làm chết rất nhiều sinh mạng. Cây quinquina (Cinchona sp) cho chất quinine và  các thuốc trị sốt rét như chloroquine, quinacrine, primaquine đều từ quinine mà ra. Chất này không phải chỉ trị sốt rét mà còn dùng chữa nhều bệnh khác nữa.
Trong rừng Mexique có một loại khoai vừng (Dioscorea sp) cho chất diosgénine dùng để chế cortisone và hydrocortisone dùng để trị bá bệnh (sưng đau nhức, phong thấp ..)
Cây dừa cạn Catharanthus roseus  cho đến 75 alcaloid khác nhau và một số dùng trị ung thư.
Trong quãng 3000 cây chứa các đặc tính chống ung thư thì có đến hơn 2000 cây từ rừng nhiệt đới .  Riêng Việt Nam có hàng trăm loài thực vật chứa các alcaloit khác nhau và các alcaloit có thể dùng làm nhiều loại thuốc, đáng chú ý là các alcaloid có tính chất kháng sinh và an thần

Rừng cho nhiều loại trái cây ăn được
Nhiều loài cây trong rừng có trái ăn được: sim, mồng quân, dâu rừng, giẻ ..
    Đói lòng ăn mớ trái sim
Nhịn ăn khát nước đi tìm người thương

Rừng là lá phổi của hành tinh ta ở
Khi trái đất còn hỗn mang, trái đất không có cây cối. Dần dà, trái đất có cây xanh lá chứa chất diệp lục; chất này có đặc tính hấp thụ đuợc một phần năng lượng mặt trời qua hiện tượng quang hợp. Trước kia, trái đất cũng không có oxy và cung chính nhờ hiện tượng quang hợp này, mà có oxy: trong sự quang hợp, cây hút CO2 và nhả ra oxy. Chính nhờ rừng hút bớt được chất CO2 do khói nhà máy, khói xe cộ nên rừng xem như nơi sức chứa cacbon (carbon sink)
                                               

7 Đa dạng sinh học và bảo vệ đa dạng sinh học
Rừng nhiệt đới chứa một kho tàng và một sản xuất sinh học vô cùng lớn. Rừng cung cấp thức ăn, thuốc uống, tre, nứa, mây, hoa, nấm, phong lan, trầm hương, thú hoang, mật ong, gia vị, chất hương thơm, vỏ cây ..  Sau khi chế biến, rừng cho ta bột giấy, dầu, nhựa, verni, thuốc sát trùng, thuốc trị bệnh, mủ cây ..Rừng cho ta các cây trang trí nội thất: dâm bụt, hoa lan, quỳnh ('quỳnh thơm hay môi em thơm'), mai, trúc ..
-rừng là nguồn gen . Vì rừng chứa nhiều loại thực vật khác nhau nên đó là một kho gen vĩ đại; muốn tháp gen thì phải có gen nào cần như có cây có gen kháng mặn, kháng bệnh thì đưa gen đó vào loài cây muốn cải thiện. Như vậy rừng là vàng xanh vì rừng chứa một kho gen vĩ đại mà khoa học tháp gen sẽ phải mãi mãi cần như một nguồn dự trữ . Nhờ đa dạng sinh học nên ngày nay, thực vật lương thực con người mới phong phú; riêng ở Việt Nam, vì là nơi tiếp giáp giữa các hệ thực vật Mã lai-Nam đảo phía Nam và hệ Hi Mã phía Bắc mà thực vật trong rừng có kế thừa cả hai loại: sầu riêng, chôm chôm là cây đặc thù phía trong Nam, vãi, đào, mận, cây giẻ, cây sồi  là những cây đặc thù phía Bắc.
Nhiều loài cây rất thân thương quen thuộc nhưng thật ra, trước kia không có ở Viet Nam vì có nguồn gốc từ các xứ khác: cây khế, cây xoài, cây vú sữa, cây cao su, cà phê , cây xapochê v.v xuất xứ từ Nam Mỳ, từ Ấn Độ, từ khu vực Mã lai.
Sau đây là vài loại cây thường gặp ở Việt Nam với nguồn gốc không phải Đông Nam Á:

Tiếng Việt Tên khoa học                      Nguồn gốc
đậu phụng Arachis hypogaea          Nam Mỹ
đậu triều Cajanus cajan                      An Độ
Ớt        Capsicum annưm            Nam Mỹ
Khoai lang Ipomea batatas            Nam Mỹ
Cà chua Lycopersicum esculentum Nam Mỹ
Khoai mì Manihot esculenta            Nam Mỹ
Thuốc lá Nicotiana tabacum             Nam Mỹ
Bắp           Zea mays                         Nam Mỹ
Thơm        Ananas comosus                          Nam Mỹ
Điều     Anacardium occidentale              Nam Mỹ
Mít     Artocarpus heterophyllus              Ấn Độ
Khế     Averrhoa carambola              Indonesia
Đu Đủ        Carica papaya                          Trung Mỹ
Düa hấu Citrillus lanatus              Phi châu
Cà phe          Coffea robusta                          Phi châu
Xapochê Manilkara zapota             Trung Mỹ
Xoài      Mangifera indica                          Ấn Độ
Tiêu     Piper nigrum                          Ấn Độ
Ổi     Psidium guava                          Trung Mỹ
Lựu    Punica granatum                            Ba Tư
Mía   Saccharum officinarum             Papua New Guinea
Me   Tamarindus indica                          Ấn độ
Cây phi lao Casuarina equisetifolia             Úc châu
Cây phượng vĩ  Delonix regia                           Madagascar
Bạch đàn Eucalyptus                            Úc Châu


Các loài thực vật hiện tại đều có nguồn gốc hoang dại nhưng lại có quan hệ họ hàng với các loài đã được con người thuần dưỡng.
Nhiều giống cây, nhiều giống hoa màu hoang dã  nhưng lại chứa đựng một quỹ gen rất phong phú . Nhờ quỹ gen đó mà có thể thay đổi hay cải thiện các giống hiện có, bằng cách lai giống, ghép cây, để tạo ra các giống mới thích nghi với môi trường mới, kháng sâu hơn, giúp cải thiện môi trường. Sự đa dạng sinh học là điều kiện cần thiết để có một quỹ gen phong phú . Như các giống lan qúy ở Việt Nam, các công ty  nuớc ngoài thưòng chỉ mua ồ ạt các loại lan này, mục đích là mua gen qúy để có thể lai tạo giống khác và đẹp. Một khi có được giống lan có gen qúy rồi thì thì tự nhiên họ ngưng nhập, trong khi đó thì rừng Việt Nam đã cạn kiệt phong lan loại này.
Nhiều giống luá kháng lạnh, kháng hạn, kháng mặn có rải rác ở mọi nơi . Tại vài nơi còn có các giống luá đặc sản như ở Thừa Thiên có gạo gie An Cựu, vừa dẽo, vừa thơm như câu ca dao:
     Tôm rằn  lột vỏ bỏ đuôi,
     Gạo gie An Cựu em nuôi mẹ già .
Nhờ đa dạng sinh học, nhất là thảo mộc hoang dã trên núi, nên nhiều dược phẩm mới có khả năng được phát hiện qua các khảo cứu các thảo mộc thiên nhiên trong rừng.. Nếu ta hủy hoại rừng, vô hình chung tài sản gen của nhân loại bị phá vỡ luôn

Tính cách đa dạng các nông sản đã tạo nên văn hoá ẩm thực đa dạng. Chỉ nói về chè, ta có : chè hột sen, chè đậu ván (Dolichos lablab), đậu ngự (Phaseolus lunatus), đậu quyên, chè bắp, chè đậu xanh, đậu đen, chè khoai sọ (Colocasia esculenta), chè khoai tía (Dioscorea alata), chè kê,  ..Các gia vị đa dạng cũng vậy : ớt, tiêu, hành lá, tỏi, kiệu, rau tầng ơ, thì là, rau răm, rau thơm, rau húng quế, quế, sung, vả ..

Muốn bảo tồn đa dạng sinh học, các nước thường thiết lập vưòn quốc gia (national park) khu bảo tồn thiên nhiên (nature reserve), khu lâm sản nghiên cứu thí nghiệm, các vườn sưu tập cây để cho hột (arboretum)

Tóm lại, bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ con người. Vì sao ? Con ngưòi nhờ rừng vì không rừng thì không có nước. Không rừng thì đất cằn cỗi mà đất cằn thì không sản xuất được lương thực, gây nạn đói kém. Không rừng thì lụt lội, chết người, mất của. Rừng chứa nhiều cây cho thuốc trị bệnh.
8 Các vấn nạn của rừng Việt Nam
Người du khách có dịp về Việt Nam, đi dọc con đường cái quan, nhìn về phía dãy Trường Sơn chỉ thấy toàn là núi trọc, đồi trọc.
Cách đây chừng 70 năm, khi người viết bài này  tuổi còn thơ, rừng chồi còn bạt ngàn; cách đây chừng  40-50 năm, không còn rừng nhưng vẫn còn lùm bụi mọc, nhất là sim:
Những chiều hành quân
Tôi bước qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt

Còn hiện nay, hầu như  sim cũng không mọc được nữa trên đất qúa ư cằn cỗi. Nguyên do vì các hiện tượng sau đây:
Phá rừng: phá rừng bừa bãi, đốn cả cây lớn lẫn cây bé; mới trồng rừng lại được thì dân lại tự động phá trồng cà phê, trồng điều
Cháy rừng: nạn cháy rừng mỗi năm làm thiệt hại rất nhiều rừng và thảo nguyên: chỉ cần một đóm lửa, gặp thảm cỏ khô mùa hạ nóng bức, thêm gió, cả 3 cái đó đã là một cocktail Molotov để hủy hoại rừng.
Nưong rẫy: Người miền núi vẫn sống theo lối đốt rừng làm nương rẫy trồng trọt vài năm sau đó khi đất mất đi sự phì nhiêu lại sang một cánh rừng khác đốt rừng tiếp tục làm nương rẫy .Vì vậy, rừng càng ngày càng thoái hoá, cả vè diện tích lẫn số lượng các loài

Sự phá rừng trên các triền núi Himalaya đã dẫn đưa đến nạn lụt lội ở Bangladesh, chết hàng chục ngàn người mỗi năm. Sự phá rừng trên thượng nguồn Cửu Long, trên thượng nguồn các sông ngòi miền Trung cũng gây chết chóc, lụt lội năm này qua năm khác. Sự phá rừng tại Madagascar làm tài nguyên đất hư hại nghiêm trọng. Nền văn minh Maya ở Trung Mỹ bị tiêu diệt vì tài nguyên đất không còn do phá rừng. Còn Việt Nam thì nào là lâm tặc với nguời chặt cây bừa bãi;  sa tặc với thuyền bè đào xới cát dưới lòng sông khiến bờ sông lở lói; thạch tặc với đào kiếm đá qúy, tìm vàng trong rừng sâu làm cảnh quan với hố ngang, dọc, cạn, sâu, lồi, lõm như trên mặt trăng, và chất thủy ngân rất độc dùng đãi vàng bị nhiễm vào suối .
Phá rừng làm giảm đa dạng sinh học và hư cảnh quan, làm muông thú không nơi sinh sống. Côn trùng sẽ tự do nẩy nở vì chim ăn côn trùng nay không còn rừng làm nơi trú ẩn. Không rắn thì chuột nhiều và chuột lại phá hại mùa màng ..

9. Làm sao yêu thiên nhiên?

Yêu thiên nhiên theo nhiều cách:
. Bảo tồn và làm giàu tài nguyên rừng: trồng cây gây rừng, trồng thâm canh ở các
thung lũng hoa màu lương thực để giảm bớt sức ép trên các đất dốc; kết hợp trồng rừng và cây ăn qủa; đề phòng nạn cháy rừng
-Sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo được và không ô nhiễm như gió, như mặt trờI, như nước .. Những nhà máy khí sinh (biogas) nhỏ, rẽ tiền , dùng chất thải của người và động vật để nấu nướng, thắp sáng. Gió, dòng suối con có thể sản xuất điệncác vùng xa, vùng sâu . Nhà máy điện mặt trời công suất nhỏ dùng cho một làng nhỏ để liên lạc radio, sưởi nước, thắp sáng
-tăng cường giáo dục về môi sinh, kể cả giáo dục nâng cao dân trí  để chương trình kế hoạch hoá sinh đẻ thực hiện hiệu qủa hơn.
. tái chế biến và tận dụng các phế phẩm: thay vì đốn thêm rừng làm bột giấy, thì cần thu luợm giấy báo, sách củ, giấy bìa .. và tái chế biến ra giấy mới .
Vì nhiều lý do như nghèo đói, nạn đất đai nghèo nàn vì sử dụng không hợo lý (làm rẩy , canh tác trên đất dốc), áp lực dân số nên nhiều nơi như Cao Bằng, Sơn La, Thanh Nghệ có phong trào di dân tự do lên Cao Nguyên Trung Phần, gây thêm xáo trộn xã hội vì lý do tranh chấp đất đai . Ta gọi đó là di dân môi trường .

10. Kết luận
Tóm lại rừng cung cấp nguyên liệu cho kỹ nghệ (cưa xẻ, giấy, đồ mộc), tạo công ăn việc làm, tạo môi trường sinh thái cho du lịch, bảo vệ lụt lội chống xói mòn làm cho mặt đất xanh nên thơ hơn, đẹp hơn khiến con người nhiều sức khỏe hơn ..
Con người đã có một món nợ rất lớn với Thiên Nhiên. Vì ta mắc nợ. nên ta phải trả nợ. Trả nợ bằng cách bảo vệ Thiên Nhiên, làm giàu Thiên Nhiên, bàng cách chỉ sử dụng phần lời của Thiên Nhiên mà không đụng chạm đến phần vốn, như chỉ lấy ra khỏi rừng phần tăng truởng gỗ mỗi năm mà thôi.
Nếu ta không trả nợ thì Thiên Nhiên sẽ trả đủa bằng nhiều cách; trả đủa  âm thầm như làm đất đai nghèo mòn dần dà để nạn đói sẽ xẩy ra hoặc trả đủa ào ạt như vũ bảo với cuồng phong, bão tố, làm ruộng vườn chìm sâu dưới nưóc, trâu bò người trôi ra biển, tạo thêm cửa biển mới làm nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền.
Gần đây, ta chứng kiến nhiều loại khủng bố: hải tặc, không tặc. Trận không tặc ở New York gây chấn động thế giới chết gần 6 000 người trong khoảnh khắc. Nhưng còn một trận khủng bố dai dẳng hơn, ít gây ấn tượng hơn đó là khủng bố thiên nhiên, diệt chủng Thiên Nhiên (holocauste de l' environnement) còn nguy hiểm hơn các khủng bố vừa nêu . Sinh quyển là hàng rào phòng thủ cuối cùng của con người ; mất phòng thủ cuối cùng thì không còn hàng rào nào khác. Thế mà ta lại phá hủy nó.
Thế giới càng ngày càng nhỏ với các phương tiện truyền thông hiện đại . Nào là vệ tinh, nào là Internet, nào là email, Fax khiến cho lượng truyền thông chuyển tải cực nhiều, cực sâu, cực nhanh. Ngôi làng toàn cầu (global village) bé nhỏ đi . Nhưng bên cạnh đó thì tài nguyên cứ ô nhiễm, không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm, đất bị sa mạc hoá, mặn hoá; rừng núi bị lâm tặc, vàng tặc, thạch tặc tràn lan. Mà thiên nhiên là cơ sở để kinh tế phát triển: đất bị sa mạc hoá thì đất nông nghiệp giảm, làm an toàn lương thực suy giảm; núi bị xói mòn và mất rừng thì lụt lội chết người xảy ra mỗi năm.. Tiền bạc không tạo nên hạnh phúc vì có tiền mà đau ốm, có tiền mà môi sinh ô nhiễm, cướp bóc và bạo hành tràn lan, thì đó không phải là an lạc.
Chỉ có an lạc  trong môi trường trong sạch mới là sung sướng như vài đoạn trích của nhà thơ Tô Thùy Yên:
Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ
Mùa hạ tàn trôi trôi đóm lửa
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ
..
Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang thế sụ nhoà
Trận lốc cười tròn trên qúa  vãng
Ta làm lại cả tâm hồn ta

Làm lại cả tâm hồn ta, có nghĩa mỗi ngày gắng nhặt một niềm vui, trong ánh mắt, trong nụ cười, trong tách trà ấm. Những niềm vui nho nhỏ sẽ tạo niềm an lạc lớn như các dòng sông con quy tụ ở biển khơi .
Từ những nền văn hoá cổ truyền có gốc văn hoá nông nghiệp, ngày nay, nẩy sinh ra, theo đà đô thị hoá, những cuộc sống máy móc, xa rời thiên nhiên; ở Việt Nam thì nạn phá rừng, cuộc sống xô bồ với tiếng xe hàng vạn Honda gắn máy điếc tai nhức óc suốt ngày càng làm cho con người xa lìa sự cảm thông với vũ trụ, không còn được nghe tiếng  sáo diều trong đồng vắng, không còn thấy trăng lên với cảnh 'đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn, trông sao sao mờ', không còn cảm nhận các cảnh' sông dài trời rộng bến cô liêu ' và cuộc sống đô thị, thì nhà nào biết nhà đó, chỉ lo bon chen, tiêu thụ qúa sá, mà không nhận ra cái kiếp mong manh của kiếp người, cái mong manh của hạnh phúc thoáng qua 'đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, người về soi bóng mình, giữa tường vắng lặng câm' , do đó chúng ta nên tỉnh thức để sống, sống trong giây phút hiện tại, tận hưởng cuộc sống trong ngày hôm nay.
Qua các thơ văn trong văn học Việt, ta thấy luôn luôn đề cao vai trò của môi sinh, từ tạo hoá, sông núi, thác nước .. Ngày nay, giáo dục môi sinh trong học đường rất cần thiết; những thơ văn, ca dao, tục ngữ giúp trẻ em học sinh hiểu nhanh hơn vai trò của con người trong các hệ sinh thái nhằm bảo vệ chung trái đất. Trái đất này là của chung, mọi việc đều liên quan đến nhau: khí dioxyt cacbon trên khí quyển là một khí không biên giới; bầu không khí O3 (ozone) là không biên cương. Nó không tuân thủ các ranh giới hành chánh của các chính phủ.  Môi sinh có thể nhìn dưới dạng vĩ mô hay vi mô . Trên cương vị vĩ mô, đó là trái đất, là một xứ, trên phạm vi vi mô đó là một quả đồi, một thung lũng, một dòng sông, một cái hồ. Giáo dục cho mọi người về sự cần thiết của niềm đồng cảm giữa người và vũ trụ, tình gắn bó giữa con người với thiên nhiên để con người yêu thêm thiên nhiên, tạo vật, tìm lại mây trời hiền hoà, màu xanh của nước và của núi rừng, nói theo danh từ thời đại là green awareness. Giáo dục cho mọi người các vấn đề nóng bỏng của thời đại, các vấn nạn môi sinh, sự bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ qũy gen (gene pool), phát triển bền vững .Cũng có thể sử dụng mô hình các hệ sinh thái để giúp sinh viên hiểu và suy nghĩ theo tư duy hệ thống các ảnh hưởng qua lại của các yếu tố môi sinh và từ đó thấy sự cần thiết có một sự hài hoà giữa dân số và thiên nhiên, hài hoà giữa thiên nhiên  và phát triển kinh tế, một sự hài hoà mà chính hệ thống triết học Á Đông luôn luôn đề cao.

                                                                      Thái Công Tụng