Siêu Thức nơi Trí Khôn Nhân Tạo


Siêu Thức

nơi Trí Khôn Nhân Tạo

Phỏng theo Charles Q. Choi
Lương Tấn Lực
 
Người nhân tạo đã vượt qua thách thức là tri giác được chính mình và suy nghĩ trên những tư duy của chính mình.  Đây chính là một phần trong nổ lực phát triển những người máy có thể thích nghi được với những hoàn cảnh bất khả tiên liệu.
Một ngày nào đó, những người máy có thể truy nguyên được nguồn gốc ý thức của mình dọc theo những thí nghiệm nhằm trang bị cho chúng khả năng phản suy trên tư duy của chính chúng. 

Hod Lipson, chuyên gia về người máy tại Phóng Thí Nghiệm Tổng Hợp Vi Tính tại Đại Học Cornell University, giải thích rằng, mặc dù tạo dựng khả năng nội suy cho người máy có vẻ như khoa học giả tưởng hơn là khoa học thực sự, có những lý do thực tiển vững chắc để làm được điều đó.

Ông nói “Thách thức lớn nhất đối với người máy ngày nay là hình dung phương thức thích nghi với những hoàn cảnh mới.  Có hàng triệu người máy ngoài kia, phần lớn ở trong những nhà máy, và nếu mọi việc được đặt đúng chỗ, vào đúng thời điểm thì những người máy là những siêu nhân về mặt chính xác, hiệu năng, tốc độ, khả năng làm việc liên tục 24 trên 24 và 7 ngày mỗi tuần trong những môi trường độc hại – nhưng nếu một đinh ốc rơi ra thì kể như xong.”

Ông tiếp, “Vì thiếu khả năng thích ứng đó nên chúng ta không có nhiều rô-bô để ở tư gia, vốn không được cấu trúc như ở tại nhà máy. Vấn đề then chốt đối với rô-bô là tạo ra một mô hình của chính chúng để chúng hình dung được cái gì hoạt động và cái gì không hoạt động để mà thích ứng hành động.”
 
Do đó, Lipson và những đồng sự của ông đã triển khai một người máy hình thù giống như một con sao biển có bốn chân.  Não bộ, hay bộ điều hành của nó xây dựng một mô hình về cơ thể của chính nó.  Các nhà nghiên cứu khởi động người máy với một số kiến thức liên quan đến những máy móc và các thành tố khác mà nó có, nhưng không quan tâm đến những thứ nầy được sắp xếp ra sao, và họ ra lệnh cho nó di chuyển. Qua mò mẫm, nhờ nhận được những phản ảnh từ các máy cảm ứng liên quan đến mỗi động tác, máy đã xử dụng những mô phỏng lặp đi lặp lại để hình dung cơ thể của nó được lắp ráp ra sao và tự mình triển khai một hình thức di chuyển vụng về nhưng hiệu quả. 

Ông nói, “Sau đó, chúng tôi tháo ra một chân, và qua thời gian hình ảnh nội suy của người máy thay đổi và tập di chuyển không cần đến cái chân đã bị tháo.”

Bây giờ, thay vì bắt người máy tự mô hình cơ thể của chúng, Lipson và Juan Zagal, hiện ở Đại Học University of Chile tại Santiago, đã triển khai những người máy chủ yếu biết nội suy.  Họ hoàn tất những quá trình như suy nghĩ về suy nghĩ, hay còn gọi là siêu tri thức (metacognition), bằng cách đặt hai bộ óc vào trong một máy.   Một bộ điều hành được thẩm định qua quá trình đuổi bắt những đốm sáng tròn màu xanh đang di chuyển tùy tiện và né tránh những đốm đỏ tượng trưng cho chất độc, trong khi bộ điều hành thứ nhì mô hình phương thức bộ điều hành thứ nhất hành xử ra sao và đánh giá nó đã thành công hay không. 

Như thế tại sao hai não bộ lại có thể tốt hơn là một? Khi nghiên cứu những động tác của bộ điều hành thứ nhất, bộ điều hành thứ nhì có thể thực hiện những thay đổi để thích ứng điều chỉnh những thất bại.  Chẳng hạn, nó phân biệt những dữ kiện cảm ứng nào đã khiến những đốm xanh trông thành đỏ và những đốm đỏ trông thành xanh.  Theo cách nầy người máy có thể thích ứng được chỉ sau bốn đến mười thí nghiệm thực sự thay vì hàng ngàn thí nghiệm như trong những kỹ thuật rô-bô theo tiến hóa cổ điển.

Josh Bongard tuộc Đại Học University of Vermont cho biết “Điều nầy dẫn đến một phương pháp nhận diện những hoàn cảnh nguy hiểm, học hỏi từ chúng mà không cần phải thực sự kinh qua chúng. Đây là điều cho đến nay không có được trong các người máy.” Ngoài việc những người máy biết suy nghĩ về những gì chúng suy nghĩ, Lipson và những đồng sự của ông cũng đang tham dò xem những người máy có thể mô hình những gì người khác đang suy nghĩ, một đặc tính mà các nhà tâm lý học gọi là “thuyết tinh thần – theory of mind”.  Chẳng hạn, họ đã có một rô-bô biết quan sát một rô-bô khác di chuyển về một nguồn sáng với những động tác lung tung tùy tiện.  Theo thời gian, rô-rô quan sát có thể tiên đoán những di chuyển của rô-bô khác khá tốt để biết chỗ đặt một cái “bẩy” trên địa bàn.  Ông cho biết, “Cơ bản đó chính là đọc tư duy.  Công trình nghiên cứu cũng có thể soi sáng cho đề tài rất khó về nội suy theo một góc độ mới – nó hoạt động ra sao, tại sao nó phát triển và phát triển như thế nào.

Một ứng dụng khả thể mà họ đã trắc nghiệm về những máy nội suy là một chiếc cầu mô hình, với những bộ cảm ứng liên tục theo dõi những rung động trên khung của cây cầu để triển khai một hình ảnh nội suy về “cơ thể” của nó.   Lipson nói, “Trong những mô phỏng,  chúng tôi đã cho thấy rằng nó có thể phát hiện những then chuyền bị yếu đi sớm hơn nhiều so với những phương pháp công chánh cổ điển.  Một ngày nào đó, chiếc cầu sẽ không bỗng nhiên thức dậy và nói ‘Hello’, nhưng theo một nghĩa sơ khai, bạn có thể nói nó có một hình ảnh nội suy, đủ để bật đèn đỏ nếu có điều gì sai.”
Câu hỏi then chốt đối với công trình nghiên cứu là liệu nó có thể thực sự đi xa đến đâu. 

Bongard hỏi, “Đây là những rô-bô rất đơn giản, có lẽ chỉ gồm có tám hay mười bộ phận di chuyển, như thế tương đối dễ xây dựng những mô hình.  Nhưng nếu bạn đi đến qui mô lớn hơn, liệu rô-bô còn có thể thực hiện một mô hình tốt về chính nó nữa không?  Câu hỏi cũng liên quan đến những người máy xã hội phụ trách quan sát con người hay một cái gì khác phức tạp.  Vấn đề qui mô chính là điều mà công trình nghiên cứu đang xem xét lúc nầy.

Điều hấp dẫn là việc nghiên cứu cũng cho thấy những rô-bô có thể nhiểm những bệnh tinh thần nào.  Chẳng hạn, rô-bô sao biển vốn phát triển được một hình ảnh về cơ thể của nó lại “đồng thời mắc phải hội chứng ‘chân tay ma’, nghĩ rằng nó có những chân tay tại những nơi nó thực sự không có.”  Theo Lipson, “Khi những rô-bô trở nên phức tạp hơn và tự tiến hóa, chúng ta có thể thấy xuất hiện nơi  chúng những hình thức rối loạn tương tự vốn có nơi chúng ta, những con người.”
 
Lương Tấn Lực