Trực giác về hữu thể con người và hiện sinh



Trực giác về hữu thể con người và hiện sinh

Minh Giải Truyện Bánh Chưng Và Truyện Dưa Hấu
 Trong Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái

Nguyễn Đăng Trúc, Reichstett, Pháp
Bản văn
Truyện Bánh Chưng
Sau khi Hùng-Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái-bình mới lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi hai vị công-tử lại mà bảo rằng :
- Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân-am mỹ-vị đến dâng cúng tiên-vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.


Các công-tử lo đi tìm các vị trân-kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ chín tên công là Lang Liệu, bà mẹ hàn-vi đã lâm-bệnh mà quá-cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan-tính, ngày đêm thao-thức ăn ngủ không yên.
Hốt nhiên mộng thấy thần-nhân bảo rằng :
- Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói bánh làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình-trạng trời đất bao-hàm vạn-vật, ngụ-ý cái ơn trời đất phát-dục vạn-vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn-vị chắc được.
Lang Liệu kinh-sợ tỉnh-dậy, mừng rằng : "Thần-minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm".
Lang Liệu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn-toàn không sứt-mẻ thì đem vút đi, để cho ráo rồi lấy lá chuối gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nắn làm hình tròn để tượng hình trời, gọi là bánh dày.
Đúng kỳ, Vương hội các con lại trưng-bày phẩm-vật; các con đem dâng không thiếu thức gì, duy chỉ có Lang Liệu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng-Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liệu. Lang Liệu trình-bày như lời thần-nhân đã bảo. Vương thân-hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm-vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen-ngợi giây lát, rồi cho Lang Liệu được giải nhất.
Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên-Miếu và cung-phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liệu để gọi là Tiết-Liệu.
Hùng vương truyền ngôi cho Lang Liệu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên-trấn, lập làm bộ-đảng, cứ-thủ núi sông để  làm hiểm-cố.
Về sau, họ hằng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc-sách để che kín bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi-thủy từ đấy vậy.
*
Truyện Dưa Hấu
Ngày xưa, đời Hùng-Vương có một người tên là Mai-An-Tiêm, người ngoại quốc, mới được bảy tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện-mạo đoan-chính nhớ biết nhiều việc.
Vương đặt tên là Yển, tên chữ là An-Tiêm và cho một người thiếp, sinh được một trai, Vương yêu dùng để sai bảo; dần dần Yển thành phú quí, ai cũng úy-phục, và chen nhau đến dâng lễ-vật không thức gì là không có; Yển sinh ra kiêu-mạn, thường tự bảo rằng:
- Của-cải này là vật tiền-thân của ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa.

Hùng-Vương nghe được, cả giận nói rằng :
- Làm thần-tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu-mạn, nói rằng của-cải đều là vật tiền-thân của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn cái vật tiền-thân của nó nữa hay không ?
Bèn đày Mai-Yển ra ngoài bãi cát cửa biển Nga-Sơn, tứ phía không có dấu chân người đi đến, chỉ để cho lương-thực đủ dùng trong bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói. Chị vợ khóc ầm lên, bảo rằng ta chắc chết ở đây không lý gì  sống được.
Tiêm nói :
- Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, có lo gì ?
Ở chưa bao lâu, đương lúc tháng tư, bỗng thấy một con bạch-bạc từ phương tây bay lại, đậu lên một mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì sáu bảy hạt dưa rơi trên mặt cát, đâm chồi nẩy lộc, lan trên cát, xanh tốt rườm-rà, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.
An-Tiêm mừng-rỡ nói:
- Đây đâu phải là quái-vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.
Bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm-tho ngọt-ngào, ăn vào thì tinh-thần khỏe-khoắn; rồi cứ mỗi năm trỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết dưa ấy tên là gì, mới nhân chim tha từ phương tây đem đến nên đặt tên là Tây-qua.
Những khách chài lưới, buôn-bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm-vật của mình để đổi lấy dưa. Nhân-dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt, bắt chước trồng-tỉa khắp bốn phương; dân gian suy-tôn An-Tiêm làm "Tây-qua phụ-mẫu".

Lâu ngày, Vương nhớ đến An-Tiêm, sai người đến chỗ An-Tiêm ở hỏi thăm có còn sống hay không.
Người ấy về tâu lại với Vương. Vương than-thở hồi lâu mới nói rằng :
- Nó bảo là vật tiền-thân của nó, thực là không nói dối vậy.
Vương bèn triệu An-Tiêm về, trả quan chức lại và cho tỳ-thiếp, đặt tên chỗ An-Tiêm ở là "An-Tiêm Sa-Châu"; thôn ấy gọi là Mai-An, đến nay còn lấy tây-qua tôn-phụng tổ-khảo mà tế-tự, là khởi đầu từ An-Tiêm vậy.
*
Phần minh giải

Sau Truyện Hồng Bàng Thị, là phần mở đề trình bày tổng quát các chiều kích tương giao Đất - Trời  - Người của nhân tính, Vũ Quỳnh đã xếp các mẩu truyện từ số 2 đến số 6 theo từng đề mục để khai triển : chiều kích Đất  trong Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh ; chiều kích Người trong Trầu Cau và Đầm Nhất Dạ; chiều kích Trời trong Đổng Thiên Vương.
Hai câu truyện kế tiếp Bánh Chưng và Dưa Hấu, số 7 và 8, là phần tổng luận, cô đọng các ý nghĩa phong phú của các phần đã khai triển vào một hai biểu tượng rất gần gũi, quen thuộc với sinh hoạt và nhận thức dân gian : hình ảnh bánh dày, bánh chưng và trái dưa hấu.

I - Hình thức văn chương
I. 1 - Vị trí của hai truyện Bánh Chưng và Dưa Hấu trong toàn bộ chuyện Lĩnh Nam Chích Quái
Trong hai mươi hai truyện của cuốn Lĩnh Nam Chính Quái lúc ban đầu được Phan Huy Chú ghi lại trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, truyện Bánh Chưng (Chưng Bĩnh) được xếp vào truyện thứ 7, đi sau truyện Dưa Hấu (Tây Qua). Vũ Quỳnh xếp chuyện Bánh Chưng đi sau truyện Đổng Thiên Vương kèm theo truyện Dưa Hấu đi tiếp theo truyện nầy.
Ở đây dường như ta thấy có một mấu mốc để có thể quan niệm rằng Vũ Quỳnh đã chiếu theo trật tự thời gian và sắp đặt lại thứ tự các truyện.
Mở đề cho truyện Bánh Chưng, tác giả ghi ngay rằng: "Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi...", và truyện nầy như ta thấy đặt liền với truyện Đổng Thiên Vương.
Kỳ thực không đơn giản như thế. Nếu trước đây đã có câu nầy để nối hai câu truyện ngay trong bản văn chính, thì ta không có lý do nào để giải thích tại sao tác giả lúc ban đầu (có lẽ là Trần Thế Pháp) lại không xếp hai câu truyện nầy đi với nhau. Theo Phan Huy Chú, ban đầu truyện Phù Đổng lại xếp số 9 và Chưng Bĩnh ở số 7. Như thế theo ý chúng tôi, chúng ta có thể đưa ra giả thiết sau đây để giải thích :
- Các truyện lúc ban đầu rất rời rạc và không hề có những tiêu mốc thời gian nào nhất định, ít nhất trong những truyện có nhắc đến các vị vua Hùng Vương ở quyển I.
- Việc Vũ Quỳnh hiệu chính, không phải chỉ xếp lại thứ tự các truyện, mà còn thêm, bớt nhiều yếu tố để chuyển các chất liệu thô sơ trong các truyện dân gian nầy, thành một bản văn hàm ngụ các ý tưởng mạch lạc, xây dựng một hệ thống nhất quán. Công việc phân tích các bản văn chúng ta đã thực hiện chứng minh rằng giả thiết của chúng ta đưa ra có căn cứ.
- Câu mở đề truyện Bánh Chưng "Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi..." là phần thêm vào của Vũ Quỳnh, để tạo sự liên tục cho các truyện do ông xếp đặt lại.
- Sự xếp đặt dựa vào mối mạch lạc của một hệ thống tư tưởng cũng không nhất thiết phải khác với diễn tiến một số sự kiện tuần tự xảy ra trong thời gian. Để tạo sự hồn nhiên về mặt hình thức văn chương, tác giả có thể vận dụng tối đa yếu tố thứ hai nầy khi thấy có thể làm được. Nhưng yếu tố thứ tự thời gian vẫn là phần phụ thuộc so với ưu tư chính của tác giả nhằm xây dựng một hệ thống tư tưởng với trật tự riêng của nó.
Hai câu truyện Bánh Chưng và Dưa Hấu được xếp đặt gần nhau trong phần cuối quyển I có những mối liên hệ về nội dung tư tưởng gần như lối xếp đặt hai truyện Trầu  Cau và Đầm Nhất Dạ trước đây.
Truyện Bánh Chưng diễn tả một trực giác, một mẫu mực "phải như thế", tượng trưng của nhân tính thường hằng. Truyện Dưa Hấu diễn tả cuộc chiến đấu cam go của hiện sinh để hoàn thành nhân tính trong bối cảnh thực của xã hội. Có thể nói một cách khác, truyện Bánh Chưng gói gọn nội dung niềm tin tưởng của con người và truyện Dưa Hấu là niềm hy vọng.

I .2 - Bố cục và các tên gọi trong các câu truyện
      Truyện Bánh Chưng
      Truyện chia làm ba phần chính.
Phần Mở Đề  
Phần mở đề giới thiệu khung cảnh câu truyện và gợi lên những nội dung cần trình bày.
·         Sau khi đã phá giặc Ân, thiên hạ thái bình.
·         Câu truyện truyền ngôi vương cho con.
·         Tiêu chuẩn để lựa chọn :
Vừa lòng vua Cha
Trọn đạo hiếu

Phần Hai
Phần hai có hai đoạn
Đoạn 1
·         Các công tử đi tìmlàm
·         Lang Liệu nhận biết giới hạn của mình, nên lo (Liệu)
·         Lang Liệu hốt nhiên mộng thấy thần nhân dạy về ý nghĩa và cách làm bánh dày, bánh chưng.
·         Lang Liệu cung kính làm theo ý thần nhân.
Đoạn 2
·         Sự phân định của vua cha: Lang Liệu được giải nhất.
Phần Kết
·         Năm hết, vua dâng các bánh cho tổ tiên, và truyền thiên hạ làm theo.
·         Lang liệu có tên mới là Tiết Liệu.
·         Lang Liệu được truyền ngôi.
Tuy có gợi lại việc làm của các công tử ngầm hiểu là tiêu cực, nhưng toàn câu truyện đặt nổi nội dung hoàn toàn tích cực của Lang Liệu, một tượng  trưng của nhân tính chân thực kiểu mẫu.
Không khí chung của toàn câu truyện phản ảnh rõ rệt khung cảnh văn hoá Nho giáo được hội nhập một cách nhuần nhuyễn vào cuộc sống người dân Việt Nam. Nét đặc biệt ở đây là đưa toàn bộ nội dung Nho giáo vào tư tưởng Đạo hiếu.
Ở truyện nầy tên gọi của nhân vật chính là Lang Liệu, sau đổi thành Tiết Liệu là tên gọi duy nhất, nổi bật lên như giải thích hết toàn bộ câu truyện:
Lang  là một người.
Liệu   là lo toan.
Tiết,  là đốt tre, nghĩa bóng là sự tương hợp giữa hành vi, cuộc sống con người với Đạo Trời. Đây là hình ảnh tượng trưng cho người quân tử trong nho giáo. Sách Trung Dung nhắc đến chữ  "tiết" nầy như sau : "Hỉ, nộ, ai, lạc chi vị phát, vị chi Trung; phát nhi giai trúng tiết, vị chi Hoà ".

      Truyện Dưa Hấu
   Câu truyện chia làm bốn phần.
Phần Mở Đề : Khung cảnh và ý chính của câu truyện.
  - Mai An Tiêm là người ngoại quốc, do thuyền  buôn chở tới.
   - Vua mua về làm đầy tớ.
   - An Tiêm có nhiều tài.
   - Vua đặt tên cho An Tiêm là Yển, An Tiêm làm rối cung vua.
   - An Tiêm nói rằng : "Của cải nầy là vật tiền thân ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa".
Phần Hai : Hình phạt của vua và câu trả lời của An Tiêm.
   - Vua đem bỏ An Tiêm vào chỗ không người để phạt và thách thức.
    - An Tiêm nói : Trời đã sinh thì trời dưỡng, có lo gì ?
Phần Ba : Trời đã giúp An Tiêm
     - Bạch hạc đem hạt dưa rải từ trên không trung xuống đất cát tinh nguyên.
      - Đất làm hạt mọc thành cây và cho trái.
      - An Tiêm xác nhận đây là ơn Trời.
      - Nhân dân đến mua dưa.
Phần Kết : Vua hòa lại với An Tiêm.
      - Biết vua nhận ra lời nói của An Tiêm là thật.
      - Vua trả lại quan chức cho An Tiêm.
      - Dưa được làm đồ tế tự.
Về nguồn gốc xa của truyện nầy, ta có thể giả thiết đây là một câu truyện giả tưởng nhằm giải thích tên của một thôn ấp gọi là An Tiêm. Vùng nầy là vùng đất cát rất hợp với việc trồng dưa hấu (An Tiêm Sa Châu). Yếu tố đó cộng thêm yếu tố thứ ba cũng không kém phần quan trọng, là sự kiện dưa hấu thường được dân chúng dùng làm vật dâng cúng. Một tài năng nào đó trong nhân gian đã lấy những yếu tố nầy thêu dệt nên một câu truyện kỳ thú, và tác giả Lĩnh Nam Chích Quái đã chép lại thành văn.
Khung cảnh câu truyện một mặt diễn tả một cách sắc bén cảnh thực của một xã hội hung hăng, vô đạo, đồng thời với những phản ứng kỳ lạ ngược đời. Nói chung đây là cuộc sống thực tế của con người trong bất cứ xã hội nào. Trong hoàn cảnh rối loạn nầy, có một yếu tố phi lý, bất ngờ xuất hiện, tạo lại một khung cảnh, một chân trời khác: yếu tố bất ngờ đó tìm thấy trong các câu nói của An Tiêm.
Lối văn như gợi lại những trang sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Thêm vào đó là tên gọi đặc biệt của Mai An Tiêm, một tên gọi có âm hưởng Lão học.
Mai  : là mất, che khuất.
An    : là ở yên
Tiêm : Một trong những âm Hán - Việt có nghĩa là nhỏ bé (tiêm nhược : nhỏ bé yếu đuối). Nhưng đây có lẽ là Tiềm có nghĩa là thu mình nơi chỗ kín (tiềm cư, tiềm ẩn...).
Yển : dịch giả Gs Lê Hữu Mục dịch là kiêu mạn, nhưng trong tinh thần bản văn có thể dịch là ngạo đời.
Mai An TiêmMai Yển gợi lên hình ảnh của Trang Tử, một đạo sĩ ngược đời, ngạo đời, xa hay vượt lên tình trạng giả tạo của xã hội để tìm lại khung cảnh nguyên sơ của Đất - Trời.
Nhưng cũng trong câu truyện nầy, chúng ta ngạc nhiên thấy có một phần kết rất lạc quan và đầy hy vọng nơi cuộc sống thực tế. Nội dung nầy dường như đi ngược với tiến trình phát triển của Lão học trong lịch sử văn học Trung Hoa, nơi mà Lão học đã bị chuyển thành một loại học thuyết phong lưu và lãng mạn, sống theo cảm hứng cá nhân bất chấp xã hội , hoặc còn suy thoái đến độ biến thành một thứ ma thuật.
Trong truyện Bánh Chưng trước đây, ta không thấy tác giả lễ mễ ghi lại những hình thức nghi lễ rườm rà và giả tạo, những tập tục xã hội, gia đình gò bó khe khắt và vô nhân của một xã hội phong kiến Trung Hoa tự xưng là ứng dụng Nho giáo; và ở đây trong câu truyện Dưa Hấu, ghi dấu ảnh hưởng của Lão giáo , nhưng ta cũng không hề thấy thái độ vị kỷ, ngạo đời để chỉ biết có mình, bất chấp cuộc sống xã hội, cũng như dấu tính của ma thuật, bùa chú .v.v.
Việc ẩn dật, ngạo đời ở đây chỉ là tượng trưng của việc đánh giá tiêu cực một thực tế xã hội sống xa nhân tính mà không ý thức. Hơn thế nữa, sự thức tỉnh của Hùng Vương, việc An Tiêm được trả lại quan chức, sống lại cuộc sống gia đình bình thường ở đoạn kết cho ta thấy :
- Tác giả Lĩnh Nam Chích Quái chỉ muốn gợi lại phần Thể, phần tinh hoa minh triết của Đạo học.
- Tác giả đặt nặng vai trò cần thiết của các cơ chế cộng đồng xã hội, dù các cơ chế nầy chưa phải là sự biểu lộ chân thực và hoàn hảo của nhân tính.
  Với niềm tin vào chân lý, con người lạc quan hy vọng rằng nhân tính sẽ hoàn thành dần hồi trong những bước thăng trầm của lịch sử.

II - Giải thích ý nghĩa của các bản văn
II .1- Truyện Bánh Chưng

Phần mở đề
"Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân, trong nước thái bình".
Phần mở đầu nầy như lặp lại phần mở đầu của truyện Hồng Bàng Thị nhưng khung cảnh lại khác nhau.
Hồng Bàng Thị nói đến bộ ba Viêm Đế, Thần Nông, Đế Minh làm nên cơ sở Tam Tài uyên nguyên của các chiều kích nhân tính, và được trình bày như một trực giác khởi nguyên.
Trong truyện Bánh Chưng, cơ sở tam tài đó không minh nhiên nói ra liền, nhưng ngầm được hiểu qua khung cảnh tượng trưng "nước thái bình". Và đi trước tình trạng thái bình nầy tác giả gợi nhớ các câu truyện trước, đặc biệt qua sự kiện "đã phá giặc Ân rồi".
Như thế, ở đây một mặt về kỹ thuật hành văn, tác giả không cần minh nhiên nêu lên nội dung Tam Tài, vì chính đó sẽ là nội dung phải trình bày ở phần thân bài. Nhưng mặt khác, tác giả như vận dung lối qui nạp, lấy kinh nghiệm thực tế của những giây phút, những thời kỳ tuy mong manh, nhưng có thực, về một tình trạng hài hoà tốt đẹp trong đời sống hằng ngày, trong lịch sử để đào sâu ý nghĩa hay cái hồn làm nên tình trạng thái hoà đó. Và vị trí của truyện Bánh Chưng ở vào phần kết, hàm ngụ rằng lối qui nạp đó là việc duyệt xét lại kinh nghiệm quá khứ, xác minh rằng thực tế ăn khớp với niềm tin lúc khai nguyên. Nên chi tiết truyền ngôi ở đây một mặt tôn vinh nhân tính trong ba chiều kích Đất - Trời - Người, còn gọi là Vương Đạo, mặt khác gợi lên bổn phận phải truyền đạt Vương Đạo đó qua các thế hệ.
Con số 22 công tử
Theo cuốn Tự điển các tượng trưng của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant : "Con số nầy biểu tượng cho sự khai mở ra của hữu thể trong đa biệt và trong lịch sử của nó".
Hình ảnh 22 công tử tượng trưng cho vô số sinh hoạt của con người. 22 là hai con số chẵn (tức là số nhiều) gợi lên một lượng số thật lớn.
đến kỳ cuối năm : diễn tả sự chung mãn của thời gian, ý nghiã đầy đủ, chân thật nhất của đời sống.
dâng cúng tiên vương : trước hết, nghĩa trực tiếp là xác minh ý nghĩa của đạo tôn kính ông bà, tổ tiên. Ở đây dùng chữ tiên vương đi tiếp theo liền thành ngữ "trọn đạo hiếu" : Tiên vương nghĩa là vua đi trước, và thường được hiểu là các vua đã khuất; nhưng, khi truyền ngôi, thì vua Hùng Vương vẫn còn sống, như thế tiên vương cũng có nghĩa là kẻ còn tại thế. Trong câu truyện rõ ràng có hai nghĩa đó, qua câu nói "Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta". Nhưng điều đáng lưu ý để giải thích ý nghĩa trọn vẹn nhất của đạo hiếu, đạo tôn kính ông bà, tổ tiên nằm trong chữ tiên vương nầy.  
Hẳn nhiên ở đây người cha và vua là một người. Nhưng ta biết câu truyện không phải nêu lên một tập tục truyền ngôi vua, một tước hiệu của nguyên thủ một nước trong thời quân chủ. Chữ Vương (  ) gợi lên ý nghĩa con người nối kết với Đất-Trời. Nơi Nho giáo, nếu nhìn về khía cạnh văn hoá, Vương-đạo là biểu tượng của một nhân tính kết hợp Đất - Trời - Người, qui hợp nội - ngoại trong mỗi thời khắc của cuộc sống. Chỉ biết có bên ngoài, thì gọi là bá-đạo : hình ảnh của một cuộc sống vật vờ, lệ thuộc vào các yếu tố đa tạp (mỗi yếu tố, mỗi phương có một sứ quân kềm toả) không có Đạo Tâm Duy Vi là hồn bên trong phối trí, điều hợp. Có thể Nho giáo đã lấy thực tế lịch sử của xã hội Trung hoa làm một hình ảnh phổ quát về đạo lý con người; nhưng với cách viết chữ vương nầy, ta cũng có thể nói được rằng một nền Minh Triết tiềm tàng như đã đi  trước để biện minh và hướng dẫn cơ cấu tổ chức xã hội Trung hoa.
Nhưng nơi khuôn khổ của Lĩnh Nam Chích Quái, nhu cầu giải thích và biện minh cho chế độ quân chủ không có một dấu vết nào ghi lại.  Bánh Dày - Bánh Chưng là một tập tục dân gian, cũng như việc phân tích ý nghĩa toàn bộ các câu truyện chứng minh cho xác quyết nầy. Chữ Vương cũng như chữ Nhân trong câu truyện nầy là đồng nghĩa. Như thế dâng cúng tiên vương hay tôn kính ông bà, tổ tiên trước hết là trân trọng Đạo làm người trọn vẹn trong ba chiều kích Đất - Trời - Người. Ý nghĩa nầy giải thích tại sao việc thờ cúng ông bà được đưa vào câu truyện nầy, câu truyện mà nội dung chính nói về Vương Đạo hay Đạo Nhân.
Thứ đến, tiên vương theo mạch văn của toàn Lĩnh Nam Chích Quái phát sinh từ câu truyện Hồng Bàng Thị. Ở câu truyện Hồng Bàng Thị nầy có những sự kiện rất hữu ích để đi sâu vào ý nghĩa của đạo hiếu :
- Hùng Vương là con cháu Lạc Long Quân, Âu Cơ, Kinh Dương Vương, Long Nữ... Ngoài các vua  và cha trong lịch sử còn có Nguồn ẩn kín vượt lên trên họ nữa.
- Long Quân về Thủy tộc với năm mươi con...Nước nầy có vua không hề chết, và hẳn nhiên các con theo ông cũng không còn ở trên đất của Âu Cơ (là tượng trưng của thời gian).
Trong truyện Đổng Thiên Vương, lại ghi các thành ngữ "Âm - phù", "bay lên trời" ta có thể nói khác đó là bến bên kia, cõi trời.
Kết hợp các yếu tố nầy, ta thấy đạo hiếu, tôn kính ông bà gắn liền với nền tảng của sự tin tưởng có tương quan với một cõi siêu nhiên, giữa kẻ sống và kẻ chết, giữa con người với Thần Thánh.
Và ý nghĩa thường được gọi là chung mãn luận nầy (eschatologique) hoàn thành nhân tính và hướng đến mốc cuối của thời gian được tác giả nhấn mạnh qua việc lặp lại hai lần liền thành ngữ cuối năm (phần nhập đề)năm hết (phần kết luận) trong bản văn Bánh Chưng, là bản văn tổng kết.

Phần Hai
Đoạn 1
Các công tử tìm và mua đủ các thứ của ngon vật lạ.
Các công tử : tượng trưng cho các tài năng đa biệt  nơi con người
Tìm, mua : ở đây cũng là tự tìm lấy dựa trên tài sức của mình. Mua gợi lên viêc ỷ lại sức mạnh của vật chất bên ngoài.
Của ngọn vật lạ : là đồ vật tùy thuộc vào sự đánh giá của riêng mình.
Câu nói ngắn nầy gợi lại hết các yếu tố tiêu cực đã trình bày trong các truyện trước : Đế Lai tìm những của lạ nên xâm lăng nước ta, và làm cho dân khổ (xem Hồng Bàng Thị); Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh là tượng trưng cho vật lạ con người tìm và tưởng đó là phần cao nhất của nhân tính. Ở đây, vật lạ trở thành quái ác ; Hùng Vương thứ 4 có đủ vật lạ luôn làm khổ Tiên Dung công chúa, người thương gia xúi vợ chồng Tiên Dung Đồng Tử lìa Hà Loã đi kiếm thêm vàng (truyện Đầm Nhất Dạ). Ân Vương lấy việc thiếu lễ triều cống, giả đi tìm nhưng kỳ thực là xâm chiếm nước ta (truyện Đổng Thiên Vương).
Và đây cũng là tóm lược những nội dung tiêu cực của nhân sinh được diễn tả trong ba nguồn văn hoá ảnh hưởng trên tâm thức người Việt :
Phật gọi là Karma : hành sinh ra nghiệp chướng,
Lão gọi là nhân vi : là làm theo ý riêng của mình,
Nho gọi là bá đạo : tượng trưng cho tình trạng dừng lại nơi vòng ngoài.
Hai mươi hai công tử tượng trưng cho muôn ngàn cách tìm cũng như muôn ngàn biến thái của các đối tượng con người đuổi bắt theo ước muốn và dự phóng của mình. Nhà Phật gọi là oan nghiệt, luân hồi của các kiếp do mình tạo ra. Câu truyện Tây Du Ký của Trung hoa nêu lên một cách tượng trưng ba thế giới, ba nền văn minh tiêu biểu, của Tề Thiên, kẻ ỷ vào trí năng (homo sapiens), Trư Bát giới, thế giới của ước muốn vật chất, thân xác và hưởng thụ (humo ludens), và Sa-Tăng, ỷ vào sức cần cù, lao động của mình (homo faber). Truyện Kiều của Nguyễn Du gọi tên thế giới con người chưa nối kết với Mệnh Trời, với Đạo Tâm là Tài : bên cạnh những hành vi tai ác như hành động của thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở khanh, Khuyển, Ưng, Hoạn Thư, Bạc Bà... còn có những điều mà thông thường ta cho là một tiêu chuẩn của hạnh phúc, một giải pháp hữu hiệu lắm rồi như sắc đẹp tài ba nghệ thuật, lòng hiếu thảo với cha mẹ, trung tín với người yêu, tương quan tốt đẹp với anh chị em trong gia đình...nơi Kiều; lòng thương người, mối tình chân thực tự nhiên của Thúc Sinh; tính phong lưu ngạo đời, tâm tình hào hiệp, thiện chí làm nên trật tự xã hội mới bằng sức mạnh của gươm đao, bạo lực của Từ Hải; và ngay cả con đường qui ẩn, mặc áo nhà tu, đêm ngày kinh kệ trước Phật đường. Tất cả những giải pháp, hình thức sinh hoạt, đánh giá tốt - xấu đó đều là Tài, khi Kiều chưa chết đi con người cũ trên sông Tiền Đường và được sống lại một cuộc sống mới nhờ Giác Duyên, tức là tiếp nhận hay gặp ánh sáng của Đạo Tâm :
Có Tài mà cậy chi Tài
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.
Cũng như thân phận Kiều, con người, mỗi người trong trần thế, không phải chỉ có khả tính đi vào con đường phiêu lưu nầy, nhưng thực sự đã mang lấy nghiệp lầm lỗi đó trong mình. Lĩnh Nam Chích Quái nêu lên việc làm của 22 công tử là muốn mô tả một thực tại của con người trần thế. Mỗi người ở trong trần thế đều đã chia phần thân phận Tài nầy. Nhà Phật khi nói đến Karma (thế giới giả ảo của hành tạo nghiệp) là nói đến hiện sinh của mỗi con người sinh ra trong dương thế. Martin Heidegger nói đến hiện sinh nầy (Da - Sein) như là một hữu thể đã bị ném vào đấy rồi, mang lấy nghiệp quên, lầm và lưu lạc. Ông gọi cái kiếp người đó là giả tính (Facticité). Vận dụng ngôn ngữ Đức của mình, ông truy nguyên ra rằng giả tính nầy thể hiện qua việc con người xem vật-thể tự đứng một mình là nền tảng cho nhân sinh: chữ thứ nhất là Zuhandenheit (tính ích dụng), chữ thứ hai là Vorhandenheit (cái trước mắt). Hai chữ nầy đều có một gốc chung là hand tức là làm,  là bàn tay.
Tại sao làm, Tài, giả  đó lại hàm ngụ trong động từ Tìm nơi Lĩnh Nam Chích Quái ?
Tìm luôn tiên liệu chân trời, mục đích, đối tượng của hành động tìm. Và tìm cũng tiên liệu việc sở đắc đối vật của mình. Nhà Phật (và sau đó ta tìm thấy nơi triết học của Kant về ngã tiên nghiệm) gọi cái gốc nẩy sinh ra những dự phóng nầy là ngã với dự kiến về quyền năng và ước muốn vô tận của nó.
Ở đây toàn bộ tiến trình như nằm trong một chân trời chỉ có ngã và hành động của nó và cho nó. Trong chân trời nầy dù có chủ tri, đối tượng, cái nầy - cái kia, đánh giá tốt - xấu, có ích hay vô ích..., nhưng đây là những tương quan giả vì đàng sau cái khác biệt đã hàm ngụ rằng mọi vật đều nằm trong tầm tay của mình như những dụng cụ hữu ích cho ước muốn hành động của mình. Kẻ khác như là khác mình không hề có một sự hiện diện nào. Khi nói rằng giả, tức đã hàm ngụ là xuyên tạc và làm lại như một cái thật. Nhưng từ cái giả thì sẽ luôn tạo thêm những giả trá khác chứ không bao giờ làm nên cái thật. Vì thế Lão giáo đã không nói rằng từ cái giả dần dà sẽ phát hiện ra Đạo, trái lại phải phản phục là đi về lại. Nhà Phật lại dùng lối nói khác là triệt tiêu gốc của giả, tức là ngã (diệt ngã) và thế giới có - không của nó, để nhảy vọt vào một chân trời khác qua biểu tượng là ( có nghĩa là chối bỏ thế giới theo khuôn khổ giả tạo của chấp-ngã) tức là cảnh vực của Dharma (Chân tính).
Lĩnh Nam Chích Quái nêu lên các đối tượng của tìm là của ngon, vật lạ. Trong thế giới của tìm với định kiến không còn có ai khác, dù có được của ngon, vật lạ, nghĩa là những ước mơ, dự phóng cao cả nhất mà ta tự nghĩ ra được, thì ta cũng chỉ dừng lại nơi chữ vật ( quid) nầy.
Vật hàm ngụ cảnh vực những sản phẩm của bàn tay và trí tuệ của Ngã. Kinh Thánh Do Thái - Kitô giáo diễn tả rằng :
Giavê nói :
" Ta chán chê các lễ vật toàn thiêu chiên dê và mỡ bò non,
Máu bò và dê làm ta ghê tởm...
Các ngươi đừng mang đến ta các lễ vật vô ích :
Hương khói của chúng làm ta hãi hùng.
Những ngày lễ đầu tháng, các ngày Sa-bát, các cuộc hội họp...
Ta không chịu nổi những lễ lạc linh đình.
Các lễ đầu tháng và các cuộc thánh du,
Ta ghét chúng tự đáy lòng ta..." (Isaia 1, 11-14).
Trong Tân Ứơc hai tác giả Mát-thêu và Lu-ca không gọi là thế giới giả, nhưng là những cám dỗ, thử thách Con người.
- Con người chỉ được qui về sự sống bằng bánh vật chất, nghĩa là chỉ biết có sự sống thân xác.
- Con người chỉ có biết quyền uy.
- Con người chỉ muốn sở đắc toàn thể mọi vật, làm bá chủ vũ trụ.
Của ngọn vật lạ có thể có tên là Nhân loại, là Thượng đế..., nhưng trong khuôn khổ của tìm (nghĩa là do sự đánh giá tùy nghi của con người) thì cũng chỉ là vật, nói theo ngôn ngữ tôn giáo là thần tượng (idole) mà thôi.
Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liệu...: Chữ duy nêu lên con đường duy nhất, hay nói cách khác "chân tính là chân tính", không thêm không bớt gì, hay được thay thế bằng cái gì khác.
Thứ chín : một con số tượng trưng rất thông dụng trong các nền văn hoá. Chín gợi lên sự toàn hảo.
Liệu là lo. Nhưng để mô tả chữ Liệu nầy tác giả thêm vào các chi tiết tiếp theo :
- mẹ hàn vi đã quá cố rồi
- tả hữu không có ai toan tính giúp
- ngày đêm thao thức.* *
Lo vì thấy hụt chân, không điểm tựa.
"Liệu" trước hết hàm ngụ ý nghĩa thông thường là xếp đặt công việc. Nhưng kèm theo các chi tiết sau đó, ta thấy nó có nét đặc biệt, khác thường : lo liệu nhưng không phải do tiền kiến và quyền lực của mình, cũng như nhờ những người mình biết được góp ý, toan tính giúp. Lo là biết mình có bổn phận phải làm, nhưng không biết làm cái gì cho phải!
Và tác giả còn thêm rằng, nỗi lo đó chiếm hết cuộc sống; nói cách khác, con người sống là thấy thiếu mà không biết thiếu gì, lo mà không biết phải làm thế nào.
Ở đây ta thấy hai cảnh vực : 21 công tử kia cũng lo lắng, bận bịu để đi tìm. Nhưng điều họ thấy thiếu, nỗi bận bịu của họ như đã có sẵn trong dự kiến của họ. Họ là hình ảnh của một doanh thương (businessman) bận rộn suốt cuộc đời, nhưng đã có sự an tâm nơi dự phóng của các kế hoạch kinh doanh và các tài vật, của cải sẽ thu về được. Nói cách khác, mọi cái đã sẵn trong tầm tay, nay chỉ còn là hành động. Cảnh vực sống của Lang Liệu là một nỗi "thao thức ăn ngủ không yên" vì cảm thấy chân tính căn cơ không nằm  trong tầm tay với của mình hoặc nằm trong sự trợ giúp của bất kỳ ai chung quanh mình. Trên phương diện hành văn, ta thấy quái lạ, khi tác giả ghi rằng bà mẹ hàn vi lại mất sớm : làm sao một bà hoàng hậu hay cung phi mà lại hàn vi ?
Như thế tác giả gượng đưa vào đây chi tiết nầy để đặt nổi lên tâm tình khiêm tốn và chờ đợi một cái gì hoàn toàn khác, mới sẽ xảy đến trong phần kế tiếp.
Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng: Trạng từ hốt nhiên, động từ mộng thấy, nhân vật thần nhân, tất cả những chi tiết dồn dập đó gợi lên những ý nghĩa đặc biệt:
- Một sự bất ngờ đến, một bước nhảy vọt qua một cảnh vực khác.
- Mộng thấy hay còn gọi là gặp một cái gì không phải như các sự vật hằng ngày.
- Thần nhân : ta hiểu là một vị thần như các nhân vật trong các câu truyện thần thoại. Nhưng ở đây không phải chỉ có vậy. Trong các câu truyện trước, tác giả thường nêu lên nhân vật kỳ bí nầy là Lạc Long Quân hoặc Kinh Dương Vương. Ở đây tác giả nêu lên một danh từ chung, xác định rõ nội dung về tư tưởng của các câu truyện trước : Thần-nhân là con người thần, nghĩa là tượng trưng cho chiều kích Người - Trời ẩn kín (vì xuất hiện trong đêm).
Nho học, đặc biệt là Khổng Tử, thường nói đến việc thuật lại mà không sáng tác, ghi lại một Đại-Ký-Ức tượng trưng qua một thời Nghiêu Thuấn để nhắc nhở một mẫu mực nằm sâu nơi lòng người.
Lão giáo kêu gọi quay lại cảnh vực của Đạo "huyền chi hựu huyền", cảnh vực ẩn kín vô cùng tận, vượt lên trên "đạo khả đạo" là đạo con người có thể làm ra.
Phật giáo nói rõ hơn, khi dùng chữ ngộ, tức là gặp,  vượt qua giai đoạn tìm lúc ban đầu của hoàng tử Tất Đạt Đa.
Ở đây ta lại nêu lên vấn đề như đã nêu lên trong phần phân tích ý nghĩa đoạn văn ghi lại sự xuất hiện của ông lão trong truyện Đổng Thiên Vương.
Có phải rằng vì con người thao thức, khắc khoải nên thần lại đến để con người gặp không?
Trên phương diện văn chương, ta thấy ghi lại hai sự kiện kế nhau và giữa lại có chữ hốt nhiên.
Như thế sự tương quan giữa hai sự kiện không phải nằm trong tương quan nhân quả, nếu không, thì tác giả hẳn phải dùng chữ vì thế hoặc một lối nói nào tương tự. Tác giả chỉ ghi rằng có sự bất ngờ xảy đến, và chỉ có xảy đến cho Lang Liệu là kẻ khiêm tốn, khắc khoải đợi chờ.
Nhưng nếu chúng ta ở trong khung cảnh chung của toàn truyện ta thấy có sự liên tục và tương quan trong hai sự kiện nầy: ta có thể nói khi con người khiêm tốn thì chân lý sẽ đến cư ngụ trong cuộc sống của họ. Tương quan của niềm tin và hy vọng vượt lên trên lý luận hình thức của lý trí, cũng như không dựa vào yêu sách của định luật nhân-quả nơi nhận thức của ta về diễn tiến các sự vật.
Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo...nuôi dân, ăn mãi không chán : Tác giả đặt nổi vai trò đặc biệt của một chất liệu quan trọng, làm nền : đó là gạo.
Tác giả còn nhấn mạnh thêm bằng chữ nguời dân...ăn mãi không chán. Tượng trưng nầy vừa có nghĩa là sự sống, vừa là của nuôi làm cho sự sống liên tục (mãi), sự sống thật (ăn không chán).
Hình ảnh nầy được chọn lọc, ăn khớp với sinh hoạt cụ thể của người dân Việt Nam. Hẳn nếu câu truyện ở vùng Tiểu Á hay Âu châu ngày nay, thì tác giả sẽ nói là bánh mì.
Gói làm hình tròn để tượng trời, ..hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân :Chuyện Bánh Chưng là phần kết của tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái. Và đoạn văn nầy là phần cô đọng của phần kết đó. Đoạn văn nầy có tầm quan trọng về nội dung, vì trên phương diện giải thích dựa vào sự nhất quán toàn hệ thống tư tưởng, chính phần cốt lõi nầy là điểm tựa, tâm điểm tạo nên mối mạch lạc bên trong các câu truyện. Thiếu điểm tựa nầy, các mẩu truyện sẽ chỉ là những câu truyện cổ tích, chắp vá; và dùng lối nói của học giả Lê Văn Siêu, các dữ kiện trong các mẩu truyện đó sẽ chỉ là những bộ phận rời rạc của một cái xác không hồn.
Nhưng, trên bình diện hình thức, ta thấy tác giả chuyển từ lối văn hoàn toàn có tính cách tượng trưng của Lĩnh Nam Chích Quái để manh nha bước qua ngưỡng cửa của một lối hành văn giải thích trực tiếp các nội dung.
Tác giả viết rõ ra rằng tròn để tượng cho Trời, vuông để tượng cho Đất, ở trong là Nhân.
Trong toàn bộ câu truyện Lĩnh Nam Chích Quái ta chỉ thấy có một đoạn nầy tác giả đã đặt mình vào để giải thích các tượng trưng. Sự kiện đó như hứa hẹn sẽ có những phần khai triển sâu rộng hơn nữa, mà đây vừa là phần kết của một giai đoạn vừa đánh dấu một điểm khởi đầu.
Nhưng điều làm cho chúng ta ngạc nhiên là cái ngưỡng cửa nầy của sinh hoạt văn hoá trong lịch sử của dân tộc Việt Nam như đã bị quên lãng trong suốt hơn năm thế kỷ qua.
Sự kiện xảy ra nhằm giải thích cho sự quên lãng đó là một bước trật chân, mà chúng tôi đã nêu lên trong phần đầu sách nầy (xem chương I Sử và Huyền Sử).
Thay vì Bánh Dày, hình tròn tượng cho Trời, thì các nhà sử học đã chỉ thấy có Bánh Dày và quên ưu tư chính của tác giả Lĩnh Nam Chích Quái nằm ở vế thứ hai "tượng cho Trời".
Nói cách khác, người ta đã chỉ khai thác các dữ kiện khoa học lịch sử, xã hội .v.v. trong Lĩnh Nam Chích Quái, mà họ bỏ lững phần huyền sử.

 Về các tên gọi :   chưng, dày, nhân
Có âm hưởng giữa các tên gọi nầy với những chữ Hán-Việt, hoặc thuần tiếng Việt gợi lên nội dung Đất- Trời-Người:
Chưng âm đọc gần với những chữ Hán-Việt như trưng hoặc trương. Bánh có hình vuông.
Trưng là xuất lộ ra, trương là trải rộng, gợi lên hình ảnh không gian, thời gian mà con người thấy, cảm được. Đây là một chiều kích sinh hoạt, trong đó con người có những tương quan cần thiết nhưng giới hạn để mở ra bên ngoài. Tác giả lúc nầy minh nhiên qui nội dung nầy vào hai tượng trưng vuông,  và đất.
Dày âm đọc gần với chữ giời hay trời. Bánh nầy có hình tròn. Khi gợi lên chiều kích nầy qua hai tượng trưng  trờitròn, tác giả ghi thêm ý nghĩa là bao hàm vạn vật (Englobant). Như thế trời đây là chiều kích mở ra một cách trọn vẹn, không giới hạn.
Nhân là sự trùng hợp giữa tiếng Hán-Việt về người và tên gọi phần lõi của bánh chưng.
Đó là phần thiết yếu trong khung cảnh câu truyện nầy. Một số tác giả dựa vào những yếu tố về ngữ học, hay một nhu cầu tìm hiểu về xã hội học...đã có những nhận xét chi tiết hơn, nhưng những chi tiết nêu lên dường như không nằm trong ưu tư chính của tác giả Lĩnh Nam Chích Quái.
Chẳng hạn :
Bánh chưng theo nguyên nghĩa là do chữ chưng Hán-Việt : bốc hơi lên, nấu cách thuỷ..., chứ không phải là lối đọc chại ra (theo giọng nói của người miền Bắc Việt Nam) từ chữ Trưng.
Dày là chiếu theo hình thể của chiếc bánh, đối chiếu với một số các loại bánh khác có hình dáng dẹp, mỏng hơn...
Nhân không có nghĩa gì là người, nhưng là nói đến phần quan trọng đánh giá phẩm chất của chiếc bánh rút từ chữ nhân Hán-Việt có nghĩa là lý do như trong chữ nguyên nhân (lý do phát sinh).
Những giải thích đó có thể có giá trị riêng của nó tùy bộ môn nghiên cứu, nhưng ở trong câu truyện Bánh Chưng nầy, tác giả rõ rệt đã dùng hai chiếc bánh đó để tượng những ý nghĩa khác hơn là mô tả các chiếc bánh. Và những ý nghĩa đó đã minh nhiên nêu lên trong bản văn.
Đến đợt thứ hai, các ý nghĩa nằm trong tượng trưng Vuông - đất, Tròn - trời, Người ở giữa, cũng như các tượng trưng nét dọc (trong Kinh Dương Vương), nét ngang (chữ trương), là những tượng trưng rất phổ quát tìm thấy trong hầu hết các lối biểu tượng văn hoá trong nhân loại. Cuốn Từ Điển Các Tượng Trưng, diễn tả vuông tròn như sau :
"Trong tất cả các truyền thống về chiêm tinh học, hình vuông tượng trưng cho trái đất, vật chất, sự giới hạn; và hình tròn hay hình cầu : trời, vô tận, phổ quát".
Sau phần nêu lên ý nghĩa các tượng trưng nầy, tác giả ghi thêm 2 tình cảnh có tính cách chung mãn, hoàn thành :
·         Trời đất bao hàm vạn vật : Trời ở với ĐấtNgười.
·         Trời Đất phát dục vạn vật :  Đất đâm hoa kết trái theo nhịp Trời, ích cho Người
Chung điểm nầy được diễn tả y hệt trong câu kết của chương I sách Trung Dung :
"Trí Trung Hoà, Thiên địa vị yên, vạn vật dục yên"
Đạt đến Trung Hoà, Trời-Đất cư ngụ (trong  cuộc đời con người), sinh hoạt đa dạng (vạn vật) của con người đâm hoa kết trái mãnh liệt.
Nhưng trước khi mô tả hai tình cảnh nầy của nhân tính, tác giả dùng chữ bắt chước Trời - Đất.
Tác giả không muốn nói là Vương Đạo hay nhân tính chân thực là noi theo định luật của thiên  nhiên bên ngoài, hay một chiều hướng nào đó của cái được cảm nhận như là tự nhiên (sự sống của thân xác, tò mò muốn biết các sự vật, quên lãng mọi sự để hoà với cỏ cây...).
Bắt chước ở đây là trở lại tình trạng nguyên sơ Trời, Đất nối kết với Người trong nỗi thiếu ghi khắc nơi lòng mình một cách tiên thiên. Con người khát, khổ, thèm là con người mở ra một chân trời khác ngoài trời cũ, đất cũ của mình, do mình.
Lang Liệu kinh sợ, tỉnh dậy, mừng rằng: "Thần Minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm".
Sợmừng khi tỉnh dậy : Sợ cái gì ?
Sợ ở đây không hề nói đến một đối tượng nào rõ rệt. Sợ chỉ diễn tả một điều bất ngờ đến, vượt ra ngoài khung cảnh bình thường của cuộc sống. Ta có thể diễn dịch đúng hơn với chữ giật mình chuyển sang một cảnh giới khác (tỉnh dậy).
Mừng biểu lộ niềm tin và hy vọng sẽ đạt được.
Những dòng chữ nầy tóm kết sứ mạng của tư tưởng, văn hoá. Nó không phải là một lý thuyết của hành động biến chế vật nầy, thực hiện chương trình nọ. Nhưng bản chất của tư tưởng là thức tỉnh và chuyển hoá con người tìm về cảnh giới uyên nguyên nơi nhân tính cư ngụ, cảnh giới của buổi bình minh đang thiếu ánh sáng và chờ mặt trời. Nó không là lý thuyết đi trước như một sơ đồ, nhưng là cái hồn bên trong, Vũ Quỳnh gọi là Cương Thường, đem lại sự sống của nhân tính, hay ta còn gọi là nghĩa làm người.
Đoạn cuối của phần hai truyện Bánh Chưng mô tả hành động hoàn thành nhân tính của Lang Liệu.
Trong các bản Thánh Kinh, cũng như các nghi lễ thờ phượng của các dân tộc, của lễ dâng lên thần thánh bao giờ cũng là những hoa trái đầu mùa, hay con vật còn non tơ.
Lang  Liệu làm theo lời của thần nhân, cũng như Kiều về lại sống với Kim Trọng và gia đình sau khi giác duyên, nối được với Tâm. Trong hành động đặc biệt nầy, tác giả đưa vào những chi tiết như : lựa hột nếp nào trắng tinh hoàn toàn không sứt mẻ..., nấu chín... quết thật nhuyễn. Phẩm chất của sự nối kết Đất - Trời - Người trong hành động được diễn tả nơi phẩm chất tinh nguyên của gạo, việc làm hết sức cẩn trọng chu đáo của Lang Liệu. Đoạn nầy gợi lại câu nói của vua Thuấn khi khuyên thầy Vũ : "Duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết Trung". Bắt chước ở đây là thực hiện tương quan Đất - Trời - Người trong mỗi giây phút cuộc sống của mình. Làm đây là làm người, khác với tài là làm ra một đồ vật. Và làm người là hoàn thành nhân tính, nên cũng nguời. Bấy giờ ta có thể nhập môn vào lối nói của thánh hiền Á-đông : Không ai trong họ định nghĩa con người là cái nầy hay cái kia, nhưng chỉ nói đến các mối tương quan. Nghĩa  của người là chính con người đang phải hoàn thành. Nền văn hoá đó không có một môn hữu-thể-học đứng riêng làm nền cho một môn đạo-đức-học. Có thể gượng dùng chính ngôn ngữ của môn hữu-thể-học Tây phương để thấy sự khác biệt nầy: ens là hữu thể con người khi nhìn hữu thể nầy trong thế động của nó là tham dự vào esse. Và  esse không do nơi ens dự phóng ra, mà là một mặt trời chưa mọc, dù ánh sáng đã xuyên vào ens. Nên nếu có hữu thể học, thì đó là ens bất an, đang thiếu esse. Nhưng tiền kiến hữu thể học, đặc biệt khởi từ Aristote, đã chi phối vận mệnh văn hoá Tây phương là quay vòng trong câu nói nầy: ens qua ens (vật thể như là vật thể). Lấy lối nói nhà Phật, ta có thể gọi đây là ngã chấp, là chuyển đảo sự thiếu hụt, thèm muốn Mặt trời nơi ens thành một loại bóng đèn kỳ quặc tự cho mình là ánh sáng.
"Hữu thể học" mở ra trong các chiều kích đất-trời-người không nhằm truy cứu cái gì, tiền kiến rằng cái gì đó con người đã nắm được trong tầm tay của mình; nhưng là "Đạo", nghĩa là hình ảnh của kẻ lữ hành đang từng bước hoàn thành, mỗi buớc đi là những lần gặp gỡ những cảnh vực mới, khác vượt lên trên sự chờ đợi của mình. Hai quan niệm tư tưởng có khác nhau, nên ngôn ngữ, tâm tình trong các cách diễn đạt  cũng khác nhau. Tuy nhiên Tây phương đó chỉ là một điển hình lịch sử  nhân loại, thực chất của Tây phương như tượng trưng cho cảnh chiều của tư tưởng là thân phận chung của tất cả các nền văn hoá, của mỗi ngày tháng của cuộc đời con người dưới nhiều dạng thức khác nhau cũng như những bước sa sẩy gắn liền với cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Đoạn Hai
Thẩm định của Hùng Vương về phẩm vật của Lang Liệu
Đây là đọan kết của truyện kết, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái vận dụng các kỹ thuật văn chương để nói đến sự hoàn thành, chung mãn. Trong đoạn nầy có sự phê phán, đánh giá của Hùng Vương, ta có thể gọi đó là phần chung thẩm, nghĩa là đánh giá ở mức tối hậu. Nhìn vào ý nghĩa của cuộc sống con người, ta thường dùng lối nói là cứu cánh của cuộc đời.
Vị Thẩm phán đánh giá là Hùng Vương: Truyện Bánh Chưng mở đề gợi lên một nhân vật vốn là Vương nơi chức phận cha truyền con nối của ông, nhưng ở đây còn có một nghĩa Vương khác nữa : Đó là tượng trưng của nhân tính toàn diện biết lắng nghe, mở ra với lời của ông lão Lạc Long Quân, thực hiện các mối tương quan Đất - Trời - Người, chiến thắng Ân vương là quyền năng làm giả nơi mình (Hùng Vương thứ 3 trong truyện Phù Đổng Thiên Vương cũng là Hùng Vương trong truyện Bánh Chưng nầy). Hùng Vương huyền thoại đó là tượng trưng cho Vương Đạo hoàn thành. Việc thẩm định của Hùng Vương nhằm truyền lại vương tước, nghĩa là xác định lại việc làm của các con xem ai là người đã thực hiện Vương Đạo mà ông đã chu toàn.
Đúng kỳ : Mở đề phần kết nầy, với trạng từ đúng kỳ. Kỳ nầy, thời nầy nằm trong khung cảnh của thời cuối năm, gợi lên phần chung mãn, hoàn tất của thời gian theo sự thẩm định của Hùng Vương.
Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật: Cuộc chung thẩm nầy như ngày Đại Lễ qui tập toàn nhân loại, và đồng thời cũng là một cuộc duyệt xét toàn bộ cuộc hành trình đã qua của cuộc đời.
Hai mươi mốt công tử trưng ra tất cả các thứ phẩm vật, không thiếu thứ gì.
Đây là nói lên phẩm-lượng tốt, nhiều, tất cả... nghĩa là mức tối đa theo sự lượng giá của các công tử.
Phần Lang Liệu chàng cũng trình ra phẩm vật đã hoàn thành của mình : bánh tròn - bánh vuông đã làm xong theo ý thần nhân đã dạy bảo.
Một bên là tất cả các đồ vật, và một bên là nhân tính toàn diện qua tượng trưng của hai chiếc bánh. Nói theo ngôn ngữ riêng của Martin Heidegger, một bên là vật mà con người thấy thích (intéressant), và phần Lang Liệu là con người cư ngụ giữa lòng Hữu Thể (inter - esse).
Giải nhất về tay Lang Liệu, vì Lang Liệu đã hoàn thành điều thiết yếu nhất là làm người trọn vẹn khi mở ra với Đất - Trời - Người, còn các công tử khác thì mải miết làm nên tất cả các thứ của cải. Nhưng nơi tất cả (totalité) đó, Trời - Đất - Người không hiện diện, vì thế giới nầy là giả; Trời - Đất - Người nay chỉ là những thần tượng (idoles) nghĩa là đồ vật, được đánh giá tùy lúc, tùy mốt nhất thời theo quan niệm ích dụng do phán đoán hữu hạn của mình và xã hội.
Tác giả còn ghi thêm tiêu chuẩn thẩm định phẩm vật của Lang Liệu : Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán. Sự thẩm định chung quyết nầy ăn khớp với lời mà Lang Liệu đã nghe trong giấc mộng : không chán.
Tiêu chuẩn để cảm thấy giá trị của Vương-Đạo, của nhân tính toàn diện là món ăn không chán.
Không vật gì ăn mà không chán cả trong khung cảnh hữu hạn của sự thèm khát thể lý, sinh lý, tâm lý hay tài trí con người. Nhưng sống là thèm, là thiếu, là ước muốn, nếu không thì đó là sự chết. Nên con người sống, là còn thèm khát một thứ không chán, mà tự sức mình thấy cần mà chưa định được thứ đó là gì. Ở đây, tác giả lấy hình ảnh tượng trưng là bánh dày - bánh chưng để chỉ gợi lên những chiều kích của thực trạng thèm, thiếu của con ngưòi, chứ không hề mô tả điều con người sở đắc thực sự là cái gì, hay một ai. Thực trạng mô tả được chỉ là nỗi khắc khoải nơi con người, để từ nỗi đau nầy con người lên đường. Phật là người đã gặp, nhưng gặp gì, gặp ai không một vết tích nào nơi kinh sách Phật nói đến chân trời đó, ngoài sự thinh lặng. Nhưng từ ánh sáng nhận được của duyên gặp gỡ, kẻ đã gặp là kẻ nhận ra thực trạng chân thật và nguyên sơ của hiện sinh là khổ, là thiếu và thử thách mãnh liệt của Karma là khả năng làm giả. Nói cách khác huyền thoại với lối văn thi ca, tượng trưng là điển hình của một sự nhìn nhận có ước vọng, thèm muốn cao cả nơi hiện sinh, và đồng thời cũng khiêm tốn thú nhận thân phận làm kẻ lữ hành trên đường tìm chân lý với niềm tin và hy vọng. Dù hình thức diễn tả biến chuyển qua thời gian và khung cảnh văn hoá, Minh Triết là sự thức tỉnh để cảnh giác rằng bên trên, hay đàng sau những xác tín đầy cao ngạo của các lý thuyết triết học, muốn xác quyết chân lý đã nằm trong bàn tay con người, con thuyền lênh đênh của hiện sinh đã cập bến..., thì tất cả cũng chỉ là một lối nói huyền thoại. Những bước đi chập chững đó còn có giá trị chính vì sự biểu lộ của chúng như còn là âm vọng xa hoặc gần của một chân trời chưa đạt được. Nhưng dừng lại nơi những lý thuyết phát sinh trong thời gian để xây nhà và cư ngụ trong đó, thì những lý thuyết nầy sẽ trở thành một loại huyền hoặc, chứ không còn là minh triết nữa. Minh Triết là đào sâu để thấy ánh sáng soi đường: nhưng ánh sáng của Minh Triết là tiếng nói ẩn kín, mà tác giả Lĩnh Nam Chích Quái gọi là Lời trong mộng, là sức mạnh của niềm tin trong khung cảnh chờ sáng của bình minh, khi mặt trời chưa xuất lộ.
Vương-Đạo hay nhân tính đang hoàn thành nơi đoạn kết nầy được nêu lên trong khung cảnh chung mãn của nó, nhưng chung mãn trong niềm hy vọng. Chân tính của nhân tính trong thân phận tại thế cô đọng lại trong đoạn cuối cùng :
Năm hết Vương dùng bánh ấy dâng lên tổ tiên, thiên hạ bắt chước và Lang Liệu đổi tên là Tiết Liệu: Năm hết nói đến sự hoàn mãn của thời gian, hoặc nói cách khác thời gian tìm lại nguyên tánh của mình. Nhưng năm hết cũng nói đến một cảnh giới giả tạo đã mất, cảnh giới đó hạn hẹp con người trong cái "tôi, ở đây và bây giờ". Thời gian mới sẽ là "Ta khát" (Gioan 19,28), khi đang chết thân phận cũ của lỗi lầm "chấp ngã" để mở ra.
Vua lấy bánh dâng cho kẻ chết và thiên hạ bắt chước theo.
Ở Truyện Hồng Bàng Thị, vào thời nguyên sơ chưa có lịch sử, năm mươi con theo cha về Thủy Tộc, năm mươi con ở trần thế bên mẹ Âu Cơ, luôn tiếp xúc liên lạc với nhau. Nay nơi thời gian và lịch sử vua Hùng tìm gặp lại nỗi nhớ, cảm nhận được nguồn sống ẩn kín nơi lòng mình để có thể mở ra  liên lạc với tổ tiên; và từ thời gian đó vua xây dựng nên những mối liên đới giữa người với người. Nhà Phật gọi đây là chia cho nhau nỗi khổ nguyên sơ hay sự sống của nhân tính qua hai chữ từ bi.
Và đó là ý nghĩa của tên Tiết-Liệu, tức là mặc lại thời gian chân thực, thời gian mở ra với ai khác mình để thể hiện thái hòa.
Khi Lang Liệu đã là Tiết Liệu, khi thực thi nhân tính nơi thời gian mở ra với ai khác, thì Hùng Vương truyền ngôi cho chàng. Nói cách khác, Lang Liệu thực sự sống tước vị cao cả làm người của mình là nối kết Đất - Trời, thực thi Vương Đạo.

* * *

II .2- Truyện Dưa Hấu
Hùng Vương của truyện Bánh Chưng là tượng trưng tiên thiên của niềm tin và hy vọng. Hùng Vương trong truyện Dưa Hấu lại là tượng trưng của một thực tại con người lịch sử, xã hội lạc lầm đang chiến đấu để hoàn thành. Hai câu truyện đều được đưa vào phần kết, gợi lên hai khả thể và cũng hai thực tại nơi nhân sinh.

     Phần dẫn nhập  
   Phần nầy có hai yếu tố :
- Yếu tố đầu mô tả tình trạng sa sút của hiện sinh đã biến thành những quái vật.
- Yếu tố thứ hai là câu nói nghịch thường, hầu như là phi lý, phi nghĩa qua phát biểu của Mai An Tiêm.
Đặc điểm chung là ở mỗi yếu tố đó hàm ngụ một tình trạng dị dạng, như lối diễn tả của thi hào Hölderlin trong bài ca ngợi Đại Ký Ức (Mnémosyne) :
"Chúng ta là một quái vật dị dạng thiếu sức sống (sens).
Ở ngoài nổi khổ đau
Và hầu như đã mất
Tiếng nói của mình nơi vùng xa lạ..."
Quái vật, hay dị dạng vì mỗi chi tiết nêu lên hàm ngụ một tình trạng tương tranh như hình thù một giống vật hai đầu.
Nhìn từ "xứ lạ", nơi đã mất hết lời nói chân thật, nơi chỉ có làm (Tài), thì các sự kiện nêu lên là một sự bình thường, nếu không nói là một điều may mắn, hạnh phúc nữa : "Chuyện một đứa trẻ, bơ vơ, nghèo nàn lạc vào xứ ta, may được Vua Hùng cho về làm tôi tớ, làm quan...". Một câu chuyện diễn tả những điều may mắn, một điều ai cũng ước ao như trúng số hay câu truyện  thiếu nữ lọ lem gặp được hoàng tử. Nhưng Lĩnh Nam Chích Quái lại thấy đó là một tình trạng nguy nan và bất hạnh.
Mai An Tiêm cưu mang hai tình cảnh :
Mai         : là chết, mất hết sự sống (mai một)
An Tiêm : hay an tiềm là sức sống còn đó, nhưng ẩn giấu, bị che khuất
Ai làm cho chết ? Là cuộc sống của con người xã hội mà Hùng Vương ở đây là tượng trưng cho khung cảnh đó : An Tiêm được mô tả như đồ vật đem ra buôn bán do thuyền buôn chở, người ngoại quốc (ở đây có nghĩa là bị biến thể thành một thứ đồ vật xa lạ) vua mua về làm đầy tớ.
Thế mà An Tiêm đó vốn là người :
bảy tuổi : số bảy tượng trưng cho đỉnh cao của sự tiến hoá Đất Trời, là nhân vị hoàn thành. (Xem phân tích ý nghĩa số bảy ngày trong truyện Âu Cơ sinh con, truyện Hồng Bàng Thị trên đây).
Diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều chuyện nay được đánh giá là món hàng đem bán : Vua mua để dùng và sai bảo.
Nhưng An Tiên được đánh giá là đồ vật vua dùng nay trở thành quái vật có đủ của cải, huyền uy đánh ngã cả tước vị của vua.
"dần dần Yển thành phú quí, ai ai cũng mến phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không gì là không có".
Thế giới chỉ còn là của cải vật chất và quái vật, rõ rệt rằng nơi đây không còn là nơi cư ngụ cho cho Đất - Trời - Người.
Tình trạng đầy ứ đồ vật đó, tác giả gọi là Yển, tên gọi mới của Mai An Tiêm khi rơi vào thế giới của Hùng Vương nầy.
 Nhưng bên cạnh Yển kiêu căng bị giam mình vào vòng điên đảo của thế giới của Hùng Vương, còn có Yển với một ý nghĩa khác trong câu nói không đầu không đuôi, vượt ra ngoài qui luật do chính vua nầy tiên liệu :
"Của cải nầy là vật tiền thân của ta, ta không trông nhờ vào ơn chúa".
Yển theo nghĩa ngầm nầy tượng trưng cho thái độ ngạo đời, phủ định qui luật của xã hội suy thoái, mất hồn.
Vấn đề đặt ra cho chúng ta là do từ đâu phát sinh ra sự phủ định nầy. Có phải rằng chính nơi tình trạng phú quí, nghĩa là một giai đoạn tiến bộ dư tràn của vật chất, tự mình chuyển qua một cảnh giới khác không ? Câu hỏi nầy được đặt ra một cách khác trong bối cảnh của một loại chủ thuyết khá thịnh hành ngày nay là xét xem đây có phải là manh nha cho duy vật biện chứng pháp hay không ? Đà tiến hoá tự nhiên phải chăng có khả năng tự phủ-định nơi mình để tự-chuyển-biến và tự-thăng-tiến qua từng giai đọan tiến hoá hay không?
Ta thấy phủ định hàm ngụ lúc ban đầu chính là con người đã bị từ chối là người để biến thành đồ vật, món hàng trao đổi. Và đến câu nói thứ hai nầy lại là một sự phủ định thứ hai. Chỉ đọc hời hợt đến đây ta thấy dường như có tiến trình tiến hoá đường thẳng như thế. Nhìn vào lịch sử đổi thay, sau mỗi lần chinh chiến tang thương, dường như nhân loại tiếp tục tiến bộ hơn lên trong mọi mặt. Trong truyện Kiều, ta cũng thấy sau mỗi lần gian truân Kiều lại biến qua cảnh đời khác; và nếu xét xem tình cảnh bị bán vào lầu xanh của Tú Bà đến vai vế làm vợ của Từ Hải, ta dễ đi đến kết luận đây hẳn là con đường tiến bộ rõ rệt của hành trình xây dựng cuộc đời của Kiều. Lĩnh Nam Chích Quái và Truyện Kiều của Nguyễn Du không hề phi bác hiện tượng nầy. Từ thân phận làm đầy tớ, nay Mai Yển đã có quyền uy phú quí trong triều đình Hùng Vương. Nhưng sự diễn tả tình trạng bên ngoài của xã hội đó không phải là ưu tư chính và thiết yếu của câu truyện, chưa nói đến ngụ ý của tác giả đánh giá rằng những điều gọi là tiến hoá đó chỉ là trò đùa giả ảo, tiêu cực. Phủ định lúc ban đầu, không những không hàm ngụ sự biến hoá đầu tiên của thiên nhiên như một bước tiến tích cực, mà chỉ muốn nêu lên một tình trạng suy thoái của nhân tính.
Ở đây không có một ưu tư nào truy nguyên hay mô tả khả năng của sự vật hay vũ trụ thiên nhiên, nhưng chỉ nhằm một thao thức duy nhất là nhân tính. Phủ định nầy đã từng được mô tả trong truyện Đổng Thiên Vương, là một khả tính, một nét của tự do, nơi nhân tính qua tượng trưng là Ân Vương.
Phủ định thứ hai chuyển từ của cải đến tiền thân của ta gợi lên nhiều nội dung đáng lưu ý : đây không phải tiến về đàng trước, tiến hoá, nhưng là trở về.
Phủ định nầy là sự phủ định toàn khối thế giới trước mắt, nhằm xoá bỏ đi, có thể gọi là sự nhảy vọt, bước ra khỏi. Điểm tựa của phủ định nầy, hay tiềm năng phủ định toàn khối đó nằm nơi An Tiêm hay An Tiềm, là một dấu tích còn lại của nhân tính nguyên sơ bất chấp sự bạo hành của thế giới nhân vi. Sách Sáng Thế mô tả dấu tích đó như sau :
Cain đã giết em mình và rước lấy hậu quả là xa Trời, xa Đất, sợ bóng Người :
"Ngài xem, nay Ngài đã đuổi tôi ra khỏi vùng đất phì nhiêu, tôi sẽ phải ẩn mình xa mặt Ngài và sẽ lưu lạc bơ vơ trên đất; nhưng người ta gặp thấy tôi sẽ giết tôi mất!"
Giavê trả lời cho Cain :
"Hễ ai giết Cain, người ta sẽ trả thù cho nó bảy lần và Gia-vê ghi một dấu tích trên người Cain để người nào có gặp nó thì không giết nó " (St. 4, 14-15).
Dấu tích đó là An Tiêm, nhân tính ẩn kín nơi con người, có khả năng phủ định khi gặp nguy cơ, như câu nói của Hölderlin :
 "Nhưng nơi đâu có nguy cơ, thì ở đó cũng nảy sinh điều cứu độ".
Tuy thế, thấy được nguy cơ để có thể phủ định không nảy sinh từ nơi thế giới tạo ra nguy cơ, mà trào vọt lên từ sức mạnh của tiền thân. Lĩnh Nam Chích Quái xác định như thế qua câu nói tiêu cực : "Ta không từng trông nhờ vào ơn Vua Hùng Vương".

    Phần hai  
Hùng Vương nghe được, cả giận và đày ải Mai Yển
Thân phận của chân lý, của Minh Triết là thân phận của Mai Yển, của Tiên Dung Công Chúa, chịu sự ghét bỏ, đày ải của các vua Hùng Vương tượng trưng cho xã hội mê lầm. Minh Triết không là tiếng nói của đa số, cũng không hứa hẹn sẽ ích dụng cho cuộc sống theo mẫu mực đánh giá thông thường.
Trong hai bản văn Truyện Đầm Nhất Dạ, cũng như Truyện Dưa Hấu nầy, điều thiết yếu của Minh Triết cũng không phải nhằm bênh vực hay phê bác một nề nếp tổ chức xã hội, gia đình có sẵn được tôn vinh là truyền thống. Nhưng ở đây cũng như trong truyện Gióp của Thánh kinh Do Thái, tác giả nêu lên yêu sách của sự khôn ngoan hay Minh Triết là nỗi khắc khoải về phần hồn tức là sự sống bên trong làm nền tảng cho ngôi nhà sinh hoạt của con người và xã hội. Đặt vấn đề,  gợi lên yêu sách đó mà thôi đã là một điều làm cho con người khó chịu.
Các người bạn của Gióp lo ngại rằng yêu sách của Gióp sẽ làm lung lay truyền thống tôn giáo của cha ông, đi ngược lại sự khôn ngoan của kẻ lão thành, tài trí. Ở đây, vua Hùng nêu lên tính cách vô đạo của Mai Yển theo mẫu mực truyền thống, tính cách phi lý, thiếu kinh nghiệm, thiếu thực tế của lời nói ngược đời của ông. Nói tóm lại, chân lý xuất lộ ra như một cái khác đối với tất cả các nền móng con người đã tự xây lên qua lịch sử.
Cái khác nầy làm Vua Hùng Vương choáng váng và tức giận. Nhưng sự kiện không dừng ở thái độ dị ứng đó. Vua Hùng thách thức Chân lý dựa trên những tiêu chuẩn giá trị của mình. Tiêu chuẩn đó là đẩy xa Mai Yển vào sống trơ trọi trên bãi cát cạnh biển Nga Sơn (Nga là chỗ không người). Mai Yển sẽ không còn quyền uy với ai nữa, không có người úy phục và dâng lễ vật. Tiêu chuẩn thứ hai là giới hạn lương thực. Chân lý không đem lại cơm gạo; và sự chết thể xác sẽ là chứng cớ phi bác chân lý. Người vợ của Mai Yển không quá quắt như vợ của Gióp để trách móc, khinh bỉ và nguyền rủa Mai Yển về niềm tin của ông, nhưng được nêu lên như sự thách thức của nỗi cô đơn : bà đi theo ông nhưng lòng của bà đang vọng về những tiêu chuẩn của thế giới vua Hùng Vương. Mai Yển như bị tước mất tất cả, cô đơn, chỉ còn ấn tích nhân tính ghi khắc trên mình.
Và đến lúc nầy, ấn tích đó bất chấp thử thách, lên tiếng : "Trời sinh thì trời dưỡng, có lo gì !"
Thường đi trước hai động từ sinh - dưỡng, truyền thống ngôn ngữ ta thường dùng các thành ngữ : Trời sinh; đất dưỡng cha sinh, mẹ dưỡng. Ở đây, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái lại dùng đến hai lần trời. Kỳ thực, tất cả những lối dùng chữ nầy chỉ nhằm gợi lên một nền tảng vượt quá sức lãnh hội của khả năng hữu hạn. Đất,Trời, Cha, Mẹ gợi lên hình ảnh một cái gì Trên Trước, không do mình tự làm ra. Nên Trời đây nghĩa là: Một sự gần gũi của một thực thể ẩn giấu. Chứng nghiệm thực thể nầy như kèm theo một sự phủ định rằng không vật nào hiện diện trước mắt, trong trí tưởng tượng của con người là chân trời đó cả; do đó hầu như mọi ngôn ngữ trong nhân loại đều dùng lối nói tiêu cực (phủ định) để gợi lên Thực Thể Trên Trước nền tảng nầy: như Vô-cùng Vô-tận, Vô đối...
Có lo : khi xác định rằng tiền thân là nơi cư ngụ của Trời, nơi mở ra một Nền Tảng Trên Trước, thì Mai Yển giải toả được mối lo.
Lo, nếu đọc bản văn trong khuôn khổ mô tả tâm lý với các sự kiện làm đối tượng cho ngành khoa học mang tên nầy, thì ta hiểu Mai Yển đạt tới tình trạng vô cảm (ataraxie), buông thả, phó mặc, và trên mặt đạo đức có thể gọi là một thái độ vị kỷ, vô trách nhiệm.
Một Vũ Quỳnh muốn ghi lại những ấn tích cao cả trong lòng người làm cương thường cho cuộc sống con người và xã hội, hẳn không thể đề cao một nhân vật Mai An Tiêm liệt nhược tâm lý và tắc trách như thế !
Lĩnh Nam Chích Quái nêu lên hai nội dung của hiện sinh liên quan đến chữ lo.
Trong Truyện Bánh Chưng, nhân vật chính cưu mang giá trị tích cực của Lĩnh Nam Chích Quái lại có tên là Lang Liệu (người biết lo).
Lo trong khung cảnh của truyện Bánh Chưng là nét đặc trưng của con người tại thế, biểu lộ sức linh hoạt của nhân tính còn gọi là thời tính. Thánh Augustinô nhìn lại hiện sinh của mình và thấy sống thực theo đúng bản tính chân thật là lo, là sự bất an "cor inquietum". Vào thế kỷ 20 (năm 1927), Martin Heidegger đã đặt nổi nội dung nầy như là khả tính hữu thể toàn diện của Dasein (hữu thể tại thế) và là ý nghĩa của thời tính.
"Cấu trúc của lo được hiểu trọn vẹn hàm chứa hiện tượng của hữu thể gọi là ngã"..
Nhận thức thông thường của chúng ta, được xác minh bởi quan điểm chung của triết học truyền thống, luôn cho rằng  khởi nguyên mọi sinh hoạt đều phát xuất và xây dựng trên một nền tảng bền vững đó là cái "tôi". Chẳng hạn câu nói thời danh của Descartes : "tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu..."
Nhưng, theo Heidegger, thì nội dung ta có về cái tôi đó không phải uyên nguyên như thế, mà là kết quả của một hình thái biểu lộ của Dasein gắn liền với thời tính của nó :
"Ưu lo không cần một ngã tự tại làm nên, nhưng chính sự mở ra của nhân tính (existentialité) được hiểu là cơ cấu của ưu lo đem lại cho Dasein cơ sở hữu thể học về sự thường tại của tự ngã...".
Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, ngã tự tại vốn là sản phẩm của dục, chuyển khổ nguyên sơ hay cảm thức thiếu vắng thành ước muốn một cái gì trong tầm tay (Karma).dụchành, đó là cơ sở của ngã tự tại.
Nhưng nhân tính trong thời gian được đồng hoá với ngã tự tại không diệt tận căn nỗi thiếu vắng nguyên sơ về một chân trời khác lạ, và như ta thấy ở phần dẫn nhập có lúc Mai Yển hốt nhiên lên tiếng nói ngược đời. Heidegger dùng một lối diễn tả khác, khi dùng chữ khả tính nghe của thời tính (possibilité de l'écoute de la part de la temporellité)  gắn liền với nhân tính. Nghe là nghe âm vọng của hữu thể (être) qua cảm thức về một nỗi lo không có phương thức cứu chữa được, nỗi lo đó có tên là khắc khoải.
"Trong nỗi khắc khoải trước cái chết, Dasein bị đặt mình đối diện với chính mình trong tình cảnh phải bước vào một khả tính không vượt qua được".
Ngã tự tại không chịu nổi cảm thức phi lý của hữu hạn tính, của cái chết không thể né tránh, như một hố thẳm trước mắt mà mình đang lao đầu xuống. Và chính vì nghe được âm vọng nầy, nên cái khác mà con người thèm, thiếu có thể xuất hiện ra trong ngôn ngữ phủ định: một mặt ý thức hữu hạn tính được nhận ra, mặt khác hữu thể cũng được lắng nghe như cái bên trong, cái chưa thấy được, cái không phải là cái gì bất kỳ nơi khả năng của nhân tính hữu hạn.
Và cũng chính vì lắng nghe âm vọng nầy, mà Minh Triết cũng mãi luôn mặc lấy một lối diễn tả tượng trưng, một loại huyền thoại.
Đến đây ta thấy Lang Liệu cưu mang nỗi lo, nỗi khắc khoải phải đối điện với một nghĩa vụ mà mình không thể tránh né, nhưng tự sức mình và kể cả khả năng xã hội chung quanh mình không giải quyết được.
Còn nội dung chữ lo trong câu nói của Mai Yển là tình cảnh bận rộn, ưu tư có cái nầy hay làm cái khác của thế giới Ngã tự tại. Mai Yển không còn lo gì, có nghĩa là vượt qua được cái gốc, cái nghiệp của Tài trong truyện Kiều. Thánh Augustinô diễn tả việc gặp, "ngộ", là khởi điểm của tình yêu. Và đã yêu rồi, thì không còn lo, không còn lao khổ, mà nếu có lao khổ, thì lao khổ trong yêu thương.

     Phần ba
Đón nhận lương thực từ trời.
Truyện Hồng Bàng Thị đã nêu lên con người nguyên thủy của dân tộc là Lộc-Tục.  Lộc là ơn trời, của ăn không do bàn tay của con người làm ra. Ta có hình ảnh tượng trưng đó trong tập tục ngày đầu năm hái lộc : Tượng trưng đi tìm nguồn sống mới, khai nguyên một thời mới đầy hứa hẹn đem lại hạnh phúc cho năm sắp đến. Sách Sáng Thế Do Thái gọi ân lộc nầy là thánh thần, hơi thở của Gia vê Thiên Chúa thổi vào bùn đất làm nên sinh lực tạo nên nhân tính. Trong Sách Xuất Hành, khi dân Do Thái ra khỏi Ai cập và vượt sa mạc đi về vùng đất hứa, Giavê Thiên Chúa nuôi dân bằng bánh từ trời :
"Từ Elim, họ lại lên đường, và cả cộng đồng con cái Israel đến sa mạc Sin ở giữa Elim và Sinai vào ngày thứ 15 của tháng thứ hai sau khi họ đi ra khỏi xứ Ai cập...Gia vê nói với Maisen : "Ta sẽ làm mưa bánh từ trời xuống cho các ngươi. Dân chúng đi ra khỏi lều và lượm được phần bánh mỗi ngày của họ, từ ngày nầy qua ngày khác" (Xh. 16, 1 và 4).
Tương quan con người với thần thánh, tước vị cao cả thường đi đôi với một loại lương thực khác thường, đặc biệt : Ta thấy ý nghĩa đó được tượng trưng qua việc ăn của dâng cúng Trời - Đất, tổ tiên, hoặc qua một loại lương thực đặc biệt (khởi thuỷ của Roma là hai anh em khai quốc Remus và Romulus uống sữa sói rừng để sống...). Các nền văn hoá cũng cô đọng nét đặc trưng của cuộc sống nhân tính qua tượng trưng là cây : Minh Triết Tây phương lấy biểu tượng của nhân tính qua cây hiểu biết, và cũng một biểu tượng đó Kinh Thánh Do Thái gợi lên cuộc sống con người như một cuộc vật lộn của tự do:
"Chúng tôi có thể ăn trái cây của các trái trong vườn. Nhưng trái của cây giữa vườn, Thiên Chúa đã nói : Các ngươi đừng ăn, các ngươi đừng đụng đến nếu không, sẽ phải chết" (St 3, 2-3).
Trái ở giữa vườn, sự sống nối kết với Thần Thánh, làm cho con người thành "Linh ư vạn vật",  gần với con người, nhưng con người không đụng đến được, sách Kinh Thượng Thu Trung hoa gọi là Tâm Duy Vi : gần nhưng thật xa. Thường ta hay gọi là trái cấm, hàm ngụ sự thèm muốn đạt cho được, nhưng không có phép đụng đến. Vì thế những nơi thờ tự linh thiêng, các nền văn hoá cũng gọi là vùng cấm địa. Kẻ muốn đến gần phải là người mang một sứ mạng thiêng liêng, như là một sứ giả của Thần Minh. Nói cách khác tiếp cận được vùng cấm địa được xem là một ân huệ đặc biệt. Khi xem trái cấm nầy như bao trái khác trong vườn thì gọi là tội "phạm thánh", làm biến thể bản chất của hành vi và tục hoá thần thánh. Sách Sáng Thế gọi đó là sự chết, khi chuyển "nguồn linh ư vạn vật", khả tính nối kết Đất - Trời - Người thành một loại phê phán nhận thức tốt - xấu theo sức hữu hạn của chính mình.
Ở đây, tiếp theo câu nói "Trời sinh, trời dưỡng" của Mai An Tiêm, tác giả Lĩnh Nam Chích Quái không vận dụng tâm thức tôn giáo về ý niệm "cấm", nhưng dùng một lối nói thi ca gợi lên một khung cảnh khác, lạ, bất ngờ, vụt xảy đến .
Của ăn lạ ấy không gì hơn là trái dưa, một hình ảnh thông thường của cuộc sống, cũng như trước đây là chiếc bánh chưng, bánh dày. Lối dùng biểu tượng đơn sơ, bình dị như thế gợi lên nét cao cả của con người không phải là tìm tòi những cái gì quái lạ, nhưng là niềm tin vào sự cao cả ở gần với mỗi giây phút thường ngày của đời người.
Nhưng gần mà thật xa, vì cao cả không phải là sự kiện bên ngoài, mà phát xuất từ cái ẩn giấu bên trong. Trong một câu, tác giả đưa ra những chi tiết về thời gian, không gian tượng trưng cho sự xa cách của nguồn gốc cao cả đó :
bỗng thấy một con bạch hạc từ phương Tây bay lại, đậu lên một mõm núi cao.
bỗng thấy : là sự xuất hiện bất ngờ, ngoài tiên liệu, dự trù, tính toán hằng ngày.
con bạch hạc : con chim màu trắng, gợi lên cảnh vực vượt lên trên đất và uyên nguyên.
phương Tây : theo địa lý Việt Nam, phương Tây là núi
núi cao : núi là tượng trưng nơi cư ngụ và quyền uy thần thánh, một hình ảnh quen thuộc của tất cả các nền văn hoá để chỉ về cảnh vực siêu nhiên.
Từ trên trời cao, hạt dưa rơi xuống cát, đâm chồi nẩy lộc...nhiều không kể xiết.
Trời gieo hạt, và cát tiếp nhận để cây đâm chồi, nẩy lộc và cho trái dư đầy.
Cát của vùng Nga Sơn, đất uyên nguyên chưa có dấu chân người. Cũng như trước đây ta thấy Công Chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử vui sống cảnh thái hoà nơi vùng đất gọi là Hà Loã, vùng đất còn tinh nguyên, trong trắng tiếp nhận niềm yêu thương do trời giao kết với con người. Tục như đám đất chưa từng trồng trọt xin vâng tiếp nhận Lộc từ trời để Lộc lớn lên sinh hoa trái và hoàn thành con người mẫu là Lộc-Tục, thánh tổ của giống nòi con người theo vương đạo.
Nhìn thấy sự việc, An Tiêm mừng rỡ. Trong truyện Bánh Dày-Bánh Chưng, khi nghe được sứ điệp của thần nhân trong giấc mộng, tỉnh dậy Lang Liệu mừng. Ở đây An Tiêm cũng nhảy mừng. Tiếp cận với lương thực từ trời, nghe được âm vọng của Tâm Duy Vi, cuộc sống của con người trở thành một ngày đại lễ, một sự hoan lạc. Và chính đây là nét cao cả, nét đẹp của văn hoá, sứ điệp của niềm vui và hy vọng; sứ điệp đó đã được gợi lên trong tên gọi Lạc Long Quân.
Minh Triết có thể là quái lạ, là tiếng nói nghịch đời tưởng chừng như điên dại, nhưng An Tiêm lại nói :
 "đây đâu phải là quái lạ, đó là trời cho để nuôi ta đó".
An Tiêm ăn dưa, thấy ngon và tinh thần sảng khoái; ông liên tục gieo vãi thêm, nuôi vợ con, và đem phân phối cho khách chài lưới.
Của trời ban là của ăn làm tinh thần sảng khoái. Cũng như Bánh Dày, Bánh Chưng ăn không chán, ở đây trái dưa làm sung mãn cuộc sống tinh thần.
Từ sáu bảy hạt dưa lúc ban đầu nay con người tham dự với việc của trời, tiếp tục gieo vãi không ngừng, để ân lộc của trời nhờ nổ lực của con người nuôi sống muôn dân. Lương thực phân chia đó được gọi là Tây qua, trái dưa đến từ Núi. Phân chia được với người vì thành quả công việc con người làm vốn là của trời gieo xuống cho mọi người. Mọi người không những hưởng của kẻ khác, của trời cho mà còn bắt chước gieo trồng.
Tác giả lại dùng chữ bắt chước làm như đã dùng chữ bắt chước việc Trời - Đất trong truyện Bánh Chưng. Khổng Tử gọi là thuật lại mà không tự làm ra. Nhưng truyền thống văn hoá được bảo tồn và phát huy không phải chỉ là bắt chước theo nghĩa lặp lại một tập quán, nhưng vun trồng (culture) theo một quá trình Mẫu có tính cách tượng trưng của Mai An Tiêm. Mỗi một lần gieo trồng hàm ngụ một khởi nguyên bất ngờ, một khám phá kỳ diệu mở ra những tương giao Đất - Trời - Người phong phú, mới mẻ. Truyền thống đó sinh động được như thế vì mẫu mực nầy vốn là một tượng trưng, một huyền sử thế giới của niềm tin và hy vọng, khi Minh Triết còn được hiểu theo nguyên nghĩa là yêu, thèm sự khôn ngoan (philo-sophia) gợi lên thân phận của một nhân loại đang trên đường lữ hành.
Nơi thế giới mà An Tiêm tin và hy vọng mở ra sau khi tiếp nhận của ăn từ trời, con người sẽ chia sẽ với nhau các mối tương giao của nhân tính trọn vẹn, nhận ra nhau là người thật và liên đới giúp mỗi người phát huy nhân tính cao cả riêng của mình. Thế giới đó không phải là sử, nghĩa là đã xảy ra, nhưng cũng không phải là một ảo tưởng vu vơ. Nó là huyền sử, nghĩa là một dấu tích của một sự thèm khát sâu kín mà con người tiếp nhận được như một ân lộc để ngày ngày hoàn thành nhân tính cao cả của mình.
Huyền sử tiên đoán những khám phá mới mẻ, thúc bách con người vượt qua những lần dừng chân giả tạo của lịch sử và những xác quyết ngây thơ của các ý thức hệ, sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Huyền sử ghi dấu niềm tin về sự cao cả không lường được của nhân tính, đồng thời phản ảnh trình độ trưởng thành khi nhận ra hữu hạn tính của thân phận con người như một ân lộc để mở ra và tôn trọng kẻ khác, phát huy những mối tương giao chân thật. Minh Triết là huyền sử khi Minh Triết có nghĩa là lòng khiêm tốn; nhưng điều kỳ lạ là chữ nầy, tâm tình nầy đã vắng bóng từ lâu trong các truyền thống triết học !
Tây phương đã khai triển ngang dọc câu sấm ngôn của các đồng nữ nói với Socrate : "người ơi hãy tự biết mình", nhưng lời tự thú của Socrate khi nhìn vào sự hữu hạn mình và thấy mình ngu dốt, thì truyền thống đó lãng quên. Socrate đã được tôn làm thầy ở câu đầu, như một kẻ đồng loã với nhóm ngụy biện trong câu châm ngôn : con người là thước đo vạn vật; nhưng kỳ thực chính vì Socrate đã truyền sự khiêm tốn cho giới trẻ đi theo ông tìm chân lý mà ông bị nhóm ngụy biện nầy kết án tử. Khổng Tử được tôn làm thầy tưởng chừng như là kẻ dạy các lễ nghi, viết sách dạy học trò làm quan, làm vua..., kỳ thực con người tài ba đó chỉ nói mình truyền lại Đạo mà không sáng tác, Đạo mà bậc thánh nhân còn bất cập. Phải chăng vì yếu tính của Minh Triết được nhận ra là lòng khiêm tốn, nên đạo của ông truyền còn gọi là Đạo nho, đạo của kẻ khiêm nhường. Đức Phật đã không gợi lên cho thấy con đường tự mình tìm đạo là con đường bế tắc hay sao. Dự phóng cho rằng con đường giải thoát là khắc khổ, là tìm các kỹ thuật tu luyện để kết hợp với Trời - Đất trong giai đoạn đầu, không khác gì việc làm của ông Phêrô, Gioan và bạn bè: "Đêm đó, họ không bắt được gì cả" (Gioan. 21, 3). Và Tất Đạt Đa đã thành Phật khi gặp. Đây là bài học khiêm tốn nổi bật của con người muốn tìm gặp nhân tính nguyên sơ của mình.
Và chính vì nêu cao sự khiêm tốn là sức mạnh của Minh Triết, nên tác giả Linh Nam Chích Quái ghi rằng Hùng Vương lúc ban đầu tượng trưng cho một xã hội giả tạo, vô đạo, từng biến con người thành con vật trao đổi mua bán, cuối cùng vì biết lỗi của mình nên tìm lại được nhân tính.
Hùng Vương nhớ đến An Tiêm, nghe được câu truyện Dưa Hấu thì hối lỗi :
"Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực là không nói dối vậy"
Xem ra vua Hùng Vương thua cuộc, nhưng kỳ thực ông đã thắng. Thắng lợi của ông là ông khiêm tốn để chân lý thắng con người mình. Nhưng chân lý vẫn cần một An Tiêm để thức tỉnh một Hùng Vương.
Trong toàn câu truyện Dưa Hấu, cũng như trong các câu truyện khác, chân lý được khám phá, được thực hiện, luôn là nỗ lực chung của tình liên đới giữa các con người với nhau. Không có triết gia cô đơn ở trong Lĩnh Nam Chích Quái.
Kết cục truyện nầy là sự trở về của An Tiêm trong cuộc sống bình nhật, như Kiều kết cục trở về với mái ấm gia đình.
Ý nghĩa của phần kết là ý nghĩa của vị thế văn hoá trong cuộc sống. Sự kiện bên ngoài của xã hội trước khi An Tiêm bị đày và sau khi An Tiêm trở về dường như không có gì khác nhau. Nhưng từ con mắt kẻ đã ngộ, của ánh sáng văn hoá, xã hội ban đầu là một xã hội vô đạo, vắng bóng Trời - Đất - Thần - Người, xã hội sau nầy là cõi nhân sinh chân thực. Chi tiết để gợi lên nét khác biệt căn cơ đó là câu :
"đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự"
Đây là tượng trưng của một xã hội kết hợp được Lộc và Tục, ngày ngày ân cần gìn giữ Đạo Tâm, tiếp nhận của ăn từ trời (tây qua : dưa từ trên núi).
Về mặt văn chương, truyện Dưa Hấu cũng như  câu truyện Phù Đổng Thiên Vương trước đây minh chứng tài năng lão luyện của tác giã Lĩnh Nam Chích Quái.
Các sự kiện được xếp đặt liên tục, hầu như không có chi tiết nào thừa, vừa vẽ ra nhiều hình ảnh linh hoạt nhưng vừa hàm ngụ những ý tưởng súc tích liên hệ đối xứng với nhau.
Ba câu nói của An Tiêm nêu lên :
- Của cải nầy là vật tiền thân của ta, ta không từng trông nhờ vào ơn Chúa.
- Trời đã sanh thì trời phải dưỡng, có lo gì ?
          - Đây đâu phải là quái vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.

diễn tả con đường thực chứng dần hồi của kẻ ngộ đạo :

·         Giai đoạn nhìn vào mình, hoài nghi về giá trị của thế giới giả ảo bên ngoài.
·         Nhận ra một sự hiện diện cao cả khác nơi mình, và tin tưởng, hy vọng.
·         Xác minh sức sống của nhân tính khi tiếp nhận và thực thi mối tương giao với Đất - Trời - Người.
Hai câu nói của Hùng Vương lại diễn tả thái độ của xã hội trước sự hiện diện và sức mạnh của Minh Triết.
·         Giai đoạn đầu là sự đánh giá tiêu cực, thử thách, đầy ải.
·         Giai doạn sau là sự đón nhận một cách khiêm tốn.
·          
III- ‘ Thù đồ nhi đồng quy, bách lự nhi nhất trí
Sau khi phân tích ý nghĩa của hai truyện Bánh Chưng và Dưa Hấu đã được Vũ Quỳnh xếp lại làm phần kết của quyển nhất tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái, ta thấy kỳ cùng chỉ có một điều thiết yếu là hữu thể con người, dù tên gọi tượng trưng có thể tùy lúc, tùy khung cảnh được biểu lộ khác nhau như Đạo, Vương Đạo, Thiên tính, Nhân tính, Chân tính...
Đọc toàn bộ truyện Bánh Chưng ta có thể thấy hữu thể con người được trình bày tương hợp với trực giác về "Thiên mệnh chi vị tính" của sách Trung Dung : bầu khí văn hoá cảm nhận cái tích cực và "đi bước trước" của hữu thể (Être), của Đạo. Lối trình bày nầy gọi là khởi từ "hữu vi" của Đạo và do từ nơi Đạo.
Truyện Dưa Hấu, trong một bối cảnh khác, nhìn từ hiện sinh (Existence) thực tế và sa sẩy của con người, thì hữu thể con người, Đạo thường xuất hiện ra như "Cái không phải là", sự vắng bóng (Absence), hay phủ định toàn bộ các hình ảnh của nhân vi; sách Đạo Đức Kinh gọi là "Đạo Vô Vi" qua câu mở đầu sách nầy :
"Đạo khả đạo phi Thường Đạo".  
Nhìn từ trong khung cảnh giả ảo của xã hội nhân vi, hủ nho đã hiểu hữu vi là nói bàn tay con người phải động, con người phải học hành mong ra làm quan...; và cũng tự giam mình trong khuôn chấp của"Đạo khả đạo" mà Phái Tân Lão đã thực hiện "vô vi" bằng cách sống bên lề xã hội, đi tìm bùa phép ma thuật, tu tiên trên núi, say sưa phóng túng, quên đời...
Lĩnh Nam Chích Quái hiểu hữu vi như là việc làm mở ra của Đạo, và vô vi là sự rút lui của Đạo. Mở ra nhưng mở ra trong đêm nghĩa là đồng thời từ khước "ngày" của con người.
Và rút lui cũng là mở ra hiện diện trong âm vọng của sự phủ định. Nếu Đạo không phủ định, không xuất hiện ra với con người qua cảm thức Vắng Đạo, Thiếu Đạo, thì đó là sự chết vĩnh viễn, sự tràn lan đáng ngại của sa mạc hết sinh lực phục hồi.
Hai lối cảm nhận Đạo, hữu vi của Đạo trong Bánh Chưng và vô vi của Đạo trong Dưa Hấu cũng chỉ là một Đạo duy nhất nơi Lộc Tục, hữu thể trọn vẹn của con người tại thế.
Ta tưởng chừng đây là hai câu truyện rời rạc, vô tình được sắp xếp gần nhau, nhưng từ hình thức hành văn đến sự nhất quán của tư tưởng, chúng chỉ là một phần kết.
Phần kết đó mở ra nơi cảnh thái bình nguyên sơ ở phần dẫn nhập của câu truyện Bánh Chưng và kết vào cảnh thái hoà trong câu kết của truyện Dưa Hấu.
Phần hữu vi của Đạo trong truyện đầu tiên đoán một sự lạm dụng Đạo từ phía con người, nghĩa là tiên đoán phần vô vi của Đạo trong phần đầu của truyện hai: Việc tiên đoán đó ở câu cuối phần kết truyện một, như một cái cầu làm cho hai truyện thành một phần kết duy nhất.
"về sau, họ tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kín..."
Đạo luôn mở ra nhưng con người có tự do để từ khước Đạo, và xây những hố, những mộc sách cắt đứt các mối tương quan.
Và tiếp đến là phần đầu truyện Dưa Hấu, Đạo nay chỉ còn là Vô, là sự "vắng mặt" nơi xã hội hay lầm và hay quên . Mở đầu của truyện nầy bằng chữ ngày xưa. Nơi thế giới ban ngày, tân thời của xã hội lầm lạc, vô đạo nầy, Đạo chỉ còn là âm vọng, như một ký ức của thời thật xa xưa...; và Hùng Vương trong truyện nầy phê phán Mai An Tiêm là bất trí, bất nghĩa, bất trung chỉ vì Mai An Tiêm đã nghe được Âm vọng của Đạo trong cái "Vô vi" hay sự vắng mặt của Đạo nơi cõi đời.
Sau khi phân tích ý nghĩa từng mẩu truyện, khám phá được những mối liên hệ nối kết các mẩu truyện nầy thành một chuỗi ý nghĩa liên tục, ta thấy cái hồn bên trong tức là lý nhất quán tạo sự mạch lạc của toàn bộ cuốn đầu tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái chính là hữu thể con người. Nội dung duy nhất, qui hợp các yếu tố sinh hoạt của cuộc sống, bao gồm các chiều kích tương giao Trời - Đất - Người còn mang những tên gọi tượng trưng khác như Tam Tài, Vương Đạo, Chân tính...
Nhưng qua lối trình bày tiêu biểu trong phần kết bằng sự kết hợp hai câu truyện Bánh Chưng và Dưa Hấu, Lĩnh Nam Chích Quái cho thấy sự khác biệt  về các cách diễn tả để chỉ một nội dung duy nhất không phải là để chủ trương một quan điểm tương đối, một thái độ bao dung (tolérance) có tính cách xã hội, nhưng thiết yếu là do sự hiện diện của Đạo ở gần con người bằng nhiều cách khác nhau. Những điều dị biệt (thù đồ) có thể đồng qui được vì Nguồn chung là hữu thể đã đến gặp từng người, từng thời đại, từng khung cảnh sống của mỗi dân tộc để nối kết mỗi tham thể khác biệt qui về một mối duy nhất.