Đức dựng nhạc kịch 'Can Đảm' về gia đình tỵ nạn Việt
Lê Anh
Vào đêm 04 tháng 2/2004, cảnh sát và biên phòng Đức, dưới sự hướng dẫn của Sở Ngoại Kiều tiểu bang Thüringen, bất ngờ ập vào nhà một gia đình Việt Nam ở Bleicherode.
Họ buộc anh chị Lê Đ. và Ch. cùng ba đứa con trên dưới 10 tuổi của họ phải thu xếp ngay tư trang tối thiểu để ra phi trường, vì họ bị trục xuất về Việt Nam.
Chính quyền Bleicherode cho rằng gia đình này dù đã sống ở Đức 17 năm nhưng vẫn không có đủ lý do để ở lại.
Trong lúc bối rối như vậy, Lê T. con trai lớn của gia đình (khi đó chừng 12 tuổi) đã rất can đảm, cố gắng viết nhanh một lá thư cầu cứu ném ra ngoài của sổ, nhờ các bạn học, những người hàng xóm Đức chuyển gấp cho cô giáo chủ nhiệm lớp, kể vắn tắt tình hình của gia đình và khẩn thiết nhờ giúp đỡ.
Từ cô giáo chủ nhiệm và hàng xóm thân thiết của gia đình Việt Nam bị trục xuất, thông tin đã được nhanh chóng lan tỏa. Những người dân có thiện chí nơi đây đã nhanh chóng phản ứng.
Họ tìm đến với nhau, hình thành một tổ chức sáng kiến công dân với mục tiêu đấu tranh để đưa bằng được gia đình Việt Nam đã bị trục xuất này trở lại địa phương.
Cảnh dàn nhạc của Đức tập trước vở diễn 'Courage' tháng 9/2018
Là một vùng thuộc Đông Đức cũ, còn nghèo, nhiều người thất nghiệp, nhưng đội ngũ đấu tranh đã huy động được cả những người có khả năng như luật sư, giáo viên, chính trị gia địa phương tham gia.
Hơn 70 cuộc mít tinh, tụ họp phản đối chính quyền đã diễn ra hàng tuần tại Bleicherode.
Họ cho rằng việc trục xuất một gia đình người Việt Nam xin tị nạn về quê hương là vô nhân đạo bởi gia đình này đã sống ở Đức từ nhiều năm, những đứa con của gia đình này đều sinh ra ở Đức, đi học trường Đức, có quan hệ tốt với hàng xóm.
Nay bị ném về một nơi mà các em không hiểu tiếng, sống như những thú hoang ở một vùng nông thôn Bắc Việt Nam thì không thể chấp nhận được.
Người dân Đức vùng Bleicherode đã quyên góp tiền, hiện vật, cử người tới tận Việt Nam thăm, động viên gia đình này, cung cấp thông tin đưa Đại sứ quán Đức ở Việt Nam vào cuộc.
Báo chí truyền thông Đức được đánh động, chính quyền địa phương bị gia tăng sức ép buộc phải xuống nước chấp nhận thương lượng với những người phản kháng.
Một kế hoạch đưa trở lại Đức bốn mẹ con gia đình Việt Nam đã được vạch ra.
Điều kiện Bleicherode đưa ra là những người dân sở tại phải lo mọi phí tổn cho vụ trục xuất gia đình, một số tiền không nhỏ gồm: tiền chi phí huy động cảnh sát, vé máy bay đi về, tiền chu cấp cho gia đình Việt Nam sinh sống sau khi được trở lại Đức miễn làm sao để không gây ra phí tổn cho ngân sách địa phương, dù là một xu.
Dân chúng Bleicherode đã can đảm chấp nhận và mở ra chiến dịch quyên góp dài hơi cho tới nhiều năm về sau.
Sau 22 tháng bền bỉ tranh đấu, vào ngày 06/12 năm 2005, lễ đón gia đình Việt Nam bị trục xuất được quay trở lại Bleicherode đã diễn ra hết sức cảm động.
Đưa câu chuyện lên thành vở nhạc kịch
Cuối năm 2006, sau khi mua ủng hộ một người bán báo vô gia cư ở thành phố Erfurt một tờ báo địa phương, tình cờ đọc được câu chuyện ở Bleicherode, nhạc sỹ Werner Haas lập tức tới Bleicherode.
Luyện tập cho vở nhạc kịch hồi tháng 9/2018 ở Bleicherode
Các nghệ sỹ Đức và Việt Nam tham gia vở diễn: đàn harp bên cạnh đàn thập lục. Nhạc trong vở diễn do ông Werner Haas soạn
Trên chuyến tàu trở về nhà, ông đã bắt đầu ngay vào việc sáng tác vở nhạc kịch với tên gọi "Courage" - Can Đảm.
Quyết định đầy can đảm này đã đưa ông Haas tới một công việc có khối lượng khổng lồ. Trong một thời gian cực kỳ ngắn, chỉ khoảng một năm, vừa làm giáo viên dạy nhạc để kiếm sống vừa sáng tác vở musical đồ sộ, vừa liên hệ các nơi tổ chức dàn dựng, tập dượt cho vở diễn, qui tụ chừng 200 diễn viên thuộc nhiều thể loại tham gia.
Mục tiêu đặt ra là ba buổi công diễn ở thành phố Biederfeld và một buổi trình diễn tại chính thị trấn Bleicherode vào ngày 21/09/2007 với việc bước lên sân khấu tham gia trình diễn của chính các thành viên gia đình Việt Nam này cùng các người dân Đức ở Bleicherode đã can đảm đứng lên đấu tranh cho họ.
Dư âm của vở nhạc kịch "Courage" đã vang khắp nước Đức. Các nhà làm luật, chính quyền Đức đã phải làm nhiều việc để thay đổi chính sách đối với người tị nạn để tránh xảy ra những việc làm vô nhân đạo tương tự.
Nhạc sỹ Werner Haas (phải) và bà Phương Hoa, người tham gia trình diễn nhạc Việt Nam trong một phần của vở Courage
'Courage' của hôm nay
Nước Đức hôm nay khác nhiều so với nước Đức năm 2005, khi người dân vùng Bleicherode dang rộng tay ôm gia đình Lê D. vào lòng khi chào đón họ trở lại nước Đức. Phong trào phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phản đối chủ trương của chính phủ giúp đỡ người tị nạn đang phát triển rộng khắp nơi.
Những kẻ có đầu óc bài ngoại đã có chỗ ngồi, có tiếng nói trong quốc hội Đức. Những sự kiện chấn động nước Đức do đám tân phát xít tổ chức ở Dresden, Leipzig, Chemnitz và nhiều nơi khác nữa đã trở nên thực sự đáng lo ngại.
Những người Đức can đảm, có tinh thần đấu tranh chống phát xít, chống phân biệt chủng tộc, đoàn kết với người nước ngoài lại nắm tay nhau liên tục xuống đường.
Trong cộng đồng người Việt đã xuất hiện ý kiến, lời kêu gọi người Việt hãy cùng xuống đường, đấu tranh vì quyền lợi, tương lai của chính mình, gia đình mình.
Sự hưởng ứng đã diễn ra rất yếu ớt. Ngoại trừ có một số ít người Việt đã có can đảm, công khai nói ra sự sợ hãi của họ khi tham gia vào các sinh hoạt chính trị, xã hội của Đức, còn thì phần lớn vẫn giữ thái độ thờ ơ, im lặng.
Biểu tình phản đối bài ngoại, phân biệt chủng tộc ở Đức sau các vụ việc ở Chemnitz
Có phải nỗi sợ hãi dường như đã ngấm vào máu, không chừng sẽ trở thành một bản sắc dân tộc Việt Nam?
Liệu sẽ còn nhiều mối đe doạ khác đến với người Việt Nam không chỉ ở Đức mà còn ở khắp châu Âu như gia đình Việt Nam Lê Đ. ngày nào ở Bleicherode?
Người Việt 'thụ động' trước chủ nghĩa tân phát xít
Vì sao thanh niên Đức bi quan về đất nước?
Chemnitz: Biểu tình va chạm dưới tượng Marx
Liệu tinh thần "Courage" của những người dân bản địa sẽ cứ dư dả mãi mãi?
Khi châu Âu có vấn đề bài ngoại ở Đức, Brexit ở Anh, các vấn đề khác ở Ba Lan, Nga, Ukraine thì tiếng nói của người Việt ở đâu?
Vở nhạc kịch "Courage" nói về sự Can Đảm, lòng Quả Cảm, của những người Đức dám đấu tranh vì một gia đình người Việt.
Nay các thế hệ người Việt Nam tại Đức và châu Âu nếu cứ vẫn sống khép kín, không quan tâm tới những gì đang diễn ra quanh mình, thì chúng ta có được an toàn nơi xứ người hay không?
Tôi muốn kết thúc bài bằng câu hỏi như vậy cho mọi người.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Anh từ CHLB Đức gửi tới BBC trong tháng 10/2018.