BẢN GÓP Ý NHÂN ĐỌC CUỐN “LỊCH SỬ GIÁO PHẬN VINH”

BẢN GÓP Ý NHÂN ĐỌC CUỐN
“LỊCH SỬ GIÁO PHẬN VINH”
DO ÔNG VƯƠNG ĐÌNH CHỮ CHỦ BIÊN 
  Nguyễn Đức Cung
    Giáo Phận Vinh xuất hiện trong lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam như là một giáo phận lớn về con số giáo sĩ, giáo dân và về bề dày lịch sử nên một cuốn sách mới xuất bản gần đây - nối tiếp các công trình biên khảo cùng một chủ đề xuất hiện từ trước - do ông Vương Đình Chữ chủ biên, tác phẩm “Lịch sử Giáo Phận Vinh”,
Tập I – Công Giáo Nghệ -Tĩnh-Bình Thời Các Thừa Sai Nước Ngoài, có Lời Giới Thiệu của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Lời Bạt của Giáo Sư Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, cũng phản ảnh tầm vóc lớn lao đó. Việc biên soạn lịch sử của các tôn giáo ở Việt Nam trước đây phần nhiều đều do cá nhân hay một số chức sắc tôn giáo đảm trách, nhưng với tác phẩm “Lịch sử Giáo phận Vinh” được biên soạn do một tập thể gồm linh mục và giáo dân, điều này chứng tỏ tinh thần làm việc của Giáo Phận Vinh có tổ chức, có hướng dẫn.  Sức mạnh đức tin của Giáo Phận Vinh chẳng những được biểu lộ qua số lượng giáo dân hơn nửa triệu người trong 21 giáo hạt mà còn tỏ ra sức sống mãnh liệt với việc nhiều tác giả trước đây cũng như hiện tại đã bỏ ra biết bao tâm sức để nghiên cứu, tìm tòi, sưu khảo các sử liệu, tư liệu, sách báo để hình thành nên nhiều tác phẩm viết về lịch sử dân Chúa khi hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vãi ngày 19-3-1627 trên vùng đất thánh thiêng này. Tôi chắc rằng, các giáo phận khác, cụ thể như Giáo Phận Huế với một số công trình như của Lm Stanilas Nguyễn Văn Ngọc, ông Nguyễn Văn Hội, GS Lê Ngọc Bích v.v… cũng đã có những công trình nghiên cứu riêng thể hiện mối quan tâm của các giáo dân đối với quá trình lịch sử của đạo Chúa trên vùng đất mình sinh ra hoặc lớn lên, như giáo phận Huế chẳng hạn. Tôi muốn nói lên niềm cảm phục đối với những công trình như thế với lòng ước mong trong tương lai, chúng ta sẽ có dịp được đọc những công trình biên khảo giá trị về lịch sử Giáo Hội Việt Nam tương tự như công trình của Giáo Phận Vinh mà chúng tôi có hôm nay.
    Cầm trong tay một tác phẩm đồ sộ với 656 trang khổ lớn in rất sáng sủa, trình bày trang nhã, mỹ thuật với cách trích dẫn và cước chú các tư liệu theo đúng phương pháp sử học, chúng tôi nghĩ rằng ông Vương Đình Chữ, chủ biên tác phẩm cùng những vị cộng sự viên chắc chắn phải để nhiều tâm sức trong việc biên tập cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh”, thận trọng trong việc sử dụng các tài liệu nhất là có nhiều công lao trong việc trình bày một cái nhìn mới qua một đề tài trước đây đã có nhiều tác giả viết tới. Cách nhìn mới đó đã được vạch ra rõ ràng trong bài tựa của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp như là một bản cẩm nang tối cần thiết khi ngài muốn cuốn sách này phải được viết theo một số tiêu chí đó là “đầy đủ”, “hiện đại”, “theo yêu cầu khắt khe của nghề viết sử”, “trong vòng xoáy của lịch sử”, “trên con đường hội nhập” tuy “dài thăm thẳm” nhưng cũng phải đi tới đích.
   
    I.- THIÊN CHÚA GIÁO ĐẾN ĐẠI VIỆT, BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ XÃ HỘI.
   
    Trong phần mở đầu của Lời Giới Thiệu, ĐGM Nguyễn Thái Hợp đã có viết rằng: “Đạo Công giáo đến Việt Nam giữa lúc người dân Việt đang triền miên sống trong những cuộc nội chiến tàn khốc: đất nước bị chia đôi, lòng người ly tán, hiềm khích, đố kỵ, tàn sát lẫn nhau giữa Nam và Bắc triều. Trong bối cảnh ly loạn đó, các thừa sai luôn bị nhìn với những cặp mắt canh chừng, hiềm khích, đố kỵ và cũng thường bị “chụp mũ” làm tay sai cho đối phương, nội thù cũng như ngoại xâm! Đàng khác, các bên xung đột đều lợi dụng các nhà truyền giáo để giữ liên lạc với tàu buôn Tây phương hầu mua khí giới sát thương và trao đổi hàng hóa, nhưng cũng dễ dàng trục xuất họ vì lý do chính trị.” (trang 13). Từ những dòng kế tiếp bắt đầu “Ở Đàng Trong… cho đến hết câu “…và tình đồng đạo.” chúng tôi thấy ĐGM Nguyễn Thái Hợp đã tóm lược đậm nét khung cảnh bi thảm của đất nước để nói lên tình trạng đen tối của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong đó dĩ nhiên có số phận của Giáo phận Vinh do Ngài coi sóc hiện nay. Thực trạng của đất nước khi đạo Công giáo du nhập vào VN có bi thảm đến độ như vậy hay không xét về nhân tâm cũng như về cuộc sống, thiết tưởng đó là những vấn đề cần phải đào sâu tìm hiểu.
    11.- Đạo Công Giáo và thời điểm xuất hiện trong lịch sử Việt Nam.
    Vào thế kỷ XIX, Leopold von Ranke (1795-1886), một sử gia lừng danh nhất trong số những sử gia lớn của thế giới, đã để lại một gia tài kếch xù gồm 51 tác phẩm biên khảo về lịch sử, rất nổi tiếng khi nói rằng sử gia phải viết lịch sử y như nó đã từng xảy ra (historians should tell thing as it was). Ý kiến của ông đã được lặp đi lặp lại, biện luận và trong thời gian dài được xem như là một trong những tiêu chuẩn của phương pháp sử học. Kiến thức của ông về lịch sử rất đỗi uyên bác về nhiều lãnh vực trong phạm trù tri thức và kinh nghiệm của nhân loại (Xem Paul Weiss, History: Written and Lived, Southern Illinois University Press, 1962, pages 7-9).
    Đặt lại thời điểm du nhập của đạo Công Giáo vào Việt Nam trong chính khung thời gian của nó cũng là đáp ứng một đòi hỏi của bộ môn phương pháp sử học.
    Về thời điểm xuất hiện đạo Công Giáo tại Đại-Việt, Linh mục Nguyễn Phương (1921-1993) trong bài viết Cha Đắc-Lộ với sự thành lập Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam, đăng trên tạp chí Đại Học, cơ quan nghiên cứu Viện Đại Học Huế, số 1, tháng 2-1961 cho biết: Theo các tài liệu lịch sử hiện thời có thể thu thập được, thì đạo Công giáo xuất hiện ở đất Việt vào quảng đầu thế kỷ XVI.Theo sách Dã-lục thì tháng 3 năm Nguyên-hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang-Tôn, có người Tây-Dương tên là I-nê-Xu lén lút đến xã Ninh-cường, xã Quần-Anh, huyện Nam-Châu, và xã Trà-Lũ huyện Giao-thủy, ngấm ngầm truyền bá tả đạo Gia-Tô.” Thế là, ít ra, từ đó, đạo Công-giáo đã được biết ở Nam-Định.
    Thực sự, việc đó không có gì khó hiểu, vì đầu thế kỷ XVI, các tàu buôn Bồ đã đi lại ở Ấn-độ-Dương và Nam-Hải. Người Bồ chiếm thành Goa năm 1510, Mã-Lai 1511, và năm đó, họ gửi một phái bộ sang Thái-Lan. Năm 1514, họ đến Canton, và không lâu sau họ đã biết bờ bể Đại-Việt, như các ông Fernado Perez năm 1516 và Duarte Cuelho năm 1524. Năm 1535, ông Antonio de Faria đã vào Vũng Đà-nẵng và đã chú ý đến cảnh trí của Hải-phố (Hội-An). Vậy, trước đó, chắc cũng đã có tàu Bồ vào Vịnh Bắc-Việt, và đang khi các thương gia mua bán cùng dò tình thế, thì có thể Linh-mục Tuyên-úy của tàu đã tiếp xúc với dân địa phương cùng giảng cho họ về Thiên-Chúa-giáo, tức là đạo Gia-tô. Mà đó phải là một biến-cố có tiếng dội, vì người ta đã nhớ lấy và ghi lại trong dã-sử.
    Một sử liệu nữa nói đến Thiên-Chúa-giáo ở Việt Nam vào thế kỷ XVI, đó là bản gia-lục họ Đỗ ở Thanh-Hóa. Bản đó cho biết rằng ông Đỗ-Công-Biều, vào niên hiệu Chính-trị, làm Lại-bộ thuyên khảo thanh lại ti viên ngoại lang, tước Lương-khê-nam, có hai con trai “tòng Hòa-lan đạo”. Hiệu Chính-trị là hiệu thứ hai của Lê-Anh-Tôn, sau hiệu Thiên-hựu và ăn từ 1558 đến 1571. Bấy giờ là thời họ Trịnh đánh với họ Mạc, nên phải liên lạc nhiều với thương gia ngoại quốc để mua khí giới. Theo công trình nghiên cứu của các sử gia Poncet và Cadière – mà bấy giờ người ta gọi là đạo Hòa-lan – trong một dịp đi sứ ở Áo môn.”
    Tài liệu ngoại quốc cho biết rằng phái bộ bốn giáo-sĩ dòng Phanxicô đến Đại-Việt đầu tiên là vào năm 1583. Người lãnh đạo gọi là Diego Oropesa. Năm sau đó, có phái bộ của giáo sĩ Bartholorme Ruiz đến và được Mạc-mậu Hiệp trọng đãi. Kế đó là các giáo-sĩ Alfonso de Corta, Gonsalves da Sao vào giảng đạo ở Thanh-Hóa, ở An-Trường, năm 1588-1589. Các giáo-sĩ nầy lưu lại ở Thanh một thời gian và công việc xem ra có một vài kết quả. Pedro Ordunez de Cevallos, trong tập ký sự của ông, có kể chuyện một công chức nhà Lê đã theo Thiên-Chúa-giáo vào thời nầy và đã lập một dòng tu ở An-Trường năm 1591. Sử-gia Poncet đã đến tận nơi khảo sát di tích, và cho rằng Mai-Hoa Công-chúa là một nhân vật lịch-sử chứ không phải là một chuyện bịa.” (trang 71-72).
    Tư liệu của Dã-lục ở trên được trích ra từ phần chua (tức chú thích) của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục gọi tắt là Cương Mục, bản in chúng tôi có là tập II, Viện Sử Học, do nhà xb Giáo Dục, 1998, trang 301). Dã lục cũng như dã sử là sách của tư gia ở dân gian ghi chép, khác với sách của sử quan, nên gọi tên như thế.   Tài liệu ngoại quốc mà sử gia linh mục Nguyễn Phương nói ở đây có lẽ là cuốn Essai sur les Origins du Christianisme au Tonkin et dans les autres pays annamites của Romanet du Caillaud, xuất bản ở Paris năm 1915, trang 34 và Bulletin Des Amis Du Vieux Hué (B.A.V.H) Juillet-Décembre 1931, trang 280.
    Cũng Cương Mục, ở mục lời chua có hai đoạn nói về Lỵ (hay Lợi) Mã Đậu, 玛 窦 tức Matteo Ricci, một là của Nhất thống chí nhà Thanh chép năm Vạn lịch thứ 9 (1581) có Lỵ Mã Đậu mới vượt biển đến vụng Hương Sơn thuộc Quảng Châu; đến năm thứ 29 (1601) Lỵ Mã Đậu vào Yên Kinh, đồ đệ của ông ta theo đến rất đông, đều tôn sùng đạo Thiên chúa, họ rất có tài về việc chế tạo và sáng tác; một là của sách Kiên biểu bí lục của Chử học Giá nhà Thanh chép: cuối năm Gia-Tĩnh (1522-1566) triều Minh, Mã Đậu học tập người đồng bạn đi tàu vượt biển du lịch các nước gồm 6 năm, đến nước An Nam rồi vào địa giới Quảng Đông. (Sách đã dẫn, trang 301). Sách của Chử học Giá thuộc loại bí lục (cũng như Gia Tô Tây Dương bí lục một thời được in và phát hành ở VN trước đây nhằm góp sức tấn công đạo Công Giáo) nên cũng khó mà kiểm chứng được những chuyện thực hư, vì nếu Lỵ Mã Đậu có tới An Nam thì chắc cũng có hoạt động truyền giáo ở đây, nhưng điều này chỉ là ước đoán. Tác phẩm Christians in China A.D. 600 to 2000 của Linh mục Jean-Pierre Charbonnier, do Les Indes Savantes  ở Paris xuất bản năm 2000, cơ sở Ignatius tại San Francisco in lại năm 2007 nói nhiều đến các hoạt động của Matteo Ricci nhưng không thấy đề cập việc ngài có đến nước An Nam.
    Sử gia Lê Thành Khôi trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, có viết: “ Tiếp theo sau các thương gia là các linh mục người châu Âu. Người đầu tiên được nói đến trong sách sử Việt Nam là một người nào đó có tên là Inêkhu, vào năm Lê Trung hưng (1533), có lẽ đã vào giảng đạo tại tỉnh Sơn Nam (Nam Định.- Cương Mục, q. XXXIII, trang 6b). Châu Á lúc này nằm ở nửa thế giới phía đông của kinh tuyến Acores được giáo hoàng Alexandre VI đặt dưới quyền bảo trợ của Lisbon vào năm 1493. Quyền bảo trợ này bao gồm cả phần đời lẫn phần đạo, và Bồ Đào Nha khư khư ôm lấy các đặc ân vật chất lẫn tinh thần được gói ghém trong quyền bảo hộ của họ. Mọi thừa sai sang truyền giáo tại vùng châu Á phải xuống tàu tại Lisbon. Các tàu này sẽ đi qua Goa, thủ đô của miền Đông Ấn, đuợc đặt dưới quyền kiểm soát của một vị phó vương và của Tòa án dị giáo. Tới đất truyền giáo, các thừa sai, theo nguyên tắc, chỉ được phép hoạt động dưới quyền của một bề trên người Bồ Đào Nha. Chính vào đầu thế kỷ XVII, các cuộc truyền giáo đầu tiên được thiết lập tại Đại Việt và do các thừa sai dòng Tên bị trục xuất khỏi Nhật Bản theo lệnh cấm đạo của Tokugawa.” (Nhà xb Nhã Nam/Thế Giới, 2014, trang 335).
    Trong cuốn La République du Việt-Nam et les Ngô-Đình (do L’Harmattan tại Paris xuất bản năm 2013), các tác giả Ngô-Đình Quỳnh, Ngô-Đình Lệ Quyên (+2012), Jacqueline Willemetz có viết rằng “vào thế kỷ 14 gia đình Ngô-Đình sẽ là một trong các gia đình đầu tiên trở lại đạo Công Giáo sau khi nhận được sự dạy dỗ và suy tư về đạo từ một trong những thừa sai dòng Phan-Sinh, cha Odorico, sinh quán tỉnh Pordenone nước Ý. Được gửi đi làm thừa sai vào khoảng năm 1320, ngài đã tới Việt Nam sau khi đi khắp phương Đông từ Ấn độ tới Trung Hoa.” (Au 14ème siècle, la famille Ngô-Đình sera l’une des premières familles à se convertir au catholicisme après avoir recu et médité l’enseignement d’un père missionnaire franciscain. Il s’agit du Père Odorico, natif de Pordenone en Italie. Envoyé comme missionnaire aux alentours de 1320, il parvint au Vietnam après avoir parcouru l’Orient, de l’Inde jusqu’à là Chine.” (trang 11). Trong lời cước chú ở trang 12, cuốn sách này cho biết cha Odorico sinh tại Pordenone nước Ý vào khoảng 1286, có thể rút gọn câu chuyện về những cuộc hành trình của ngài  khi ngài đến Ấn độ là vào khoảng 1321 và ngài đến Viễn Đông trong vòng ba năm trong thời gian đầu năm 1323 cho đến cuối năm 1328, thời điểm ngài trở lại nước Ý. Ngài mất tại tu viện các cha Phan Sinh ở Udine, thủ phủ của Frioul ngày 14 tháng giêng 1331, sau đó ngài được phong á thánh.
    Linh mục Nguyễn Hồng qua sách Lịch sử truyền giáo ở Việt-Nam, cho biết “Theo nhiều nhà chép sử truyền giáo miền Đông-Á thì vào thế kỷ XIV, cha Odorico de Perdenone trong cuộc vượt biển từ Âu-châu sang Á-châu có đỗ lại ở tỉnh Bình-Định lúc đó còn là đất của người Chiêm Thành, đời vua Chế-A-Nan (1318-1343). Trước Cha, vào thế kỷ XI I I, Marco Polo trên con đường từ Vân-Nam xuống Chiêm Thành cũng qua đất Việt.” (Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt-Nam, quyển I, nhà xb. Hiện Tại, 1959, trang 17).
    Trong cuốn sách Christians in China trích dẫn ở trên, Linh mục Jean-Pierre Charbonnier có đề cập đến linh mục Odorico, nguyên bản viết Odoric da Pordenone mà trong danh mục cuối sách có ghi tên Trung Hoa là Hòa Đức Lý 和 德 理,cho biết linh mục Odorico rời Ý khoảng 1314 và đến Trung Hoa năm 1323. Ngài tới Quảng châu rồi lên Bắc kinh, ở đó làm phụ tá cho Tổng Giám Mục Montecorvino trong ba năm.
    Việc đạo Công Giáo truyền vào Việt Nam, theo tư liệu của hậu duệ dòng họ Ngô Đình, cho biết dòng họ này theo đạo từ thế kỷ XIV cũng có thể là một sự kiện cần tìm hiểu thêm khi nhân vật chính là linh mục Odoric là người đã có mặt tại Trung Hoa khá sớm, và được giới nghiên cứu sử học thế giới để cập đến trong nhiều sách sử. Trong cuốn sách nầy, các hậu duệ dòng họ Ngô-Đình có nhắc tới Ngô Quyền nhưng không khẳng định nguồn gốc Ngô Đình là xuất phát từ vị vua anh hùng này có thể họ chưa đủ bằng chứng, hoặc họ để việc làm đó cho các sử gia như từng làm trước đây hoặc sau này. Trong bài dẫn nhập, họ cho biết đã quyết định mở thư khố gia đình để viết thành cuốn sách trên, và với việc tiết lộ dòng họ Ngô-Đình đã gia nhập đạo Công Giáo từ thế kỷ XIV, chúng tôi nghĩ rằng nhóm hậu duệ đó có đủ tư liệu để khẳng định vấn đề này.  
    Lịch sử Giáo phận Vinh”, bắt đầu chương II ở trang 39 cũng có một tiết ngắn nói về “Dấu vết ban đầu của Công Giáo ở Việt Nam” đề cập đến các hoạt động của các thừa sai Phan Sinh và Đa Minh với những tư liệu trích dẫn rất đầy đủ, ban chủ biên cho biết công cuộc truyền giáo đích thực và chính quy ở Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu với các thừa sai Dòng Tên vào đầu thế kỷ XVII. Điều này có lẽ cũng lý giải được phần nào lời giới thiệu của ĐGM Nguyễn Thái Hợp, tuy nhiên nếu tiết đó được đưa vào phần mở đầu thì sẽ giải tỏa được thắc mắc về thời điểm xuất hiện của đạo Công Giáo ở Việt Nam.

    12.- Vài nét khái quát về xã hội Đàng Trong và Đàng Ngoài.
    Về “những cuộc nội chiến tàn khốc” mà ĐGM Nguyễn Thái Hợp muốn nêu ra ở Lời Giới Thiệu cần hiểu là các cuộc chiến tranh giữa triều đại nhà Mạc (1527- 1592) với nhà Lê Trung Hưng (1533-1788), và cuộc chiến giữa hai họ Trịnh-Nguyễn (1627-1672). Sử gia Trần Trọng Kim đã dùng các chữ Bắc triều, Nam triều để chỉ các cuộc chiến tranh giữa họ Mạc và vua Lê chúa Trịnh mà “tỉnh Thanh-Hóa làm biên thùy cho hai tiểu quốc” (Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, quyển I, bản in lần thứ hai, 1965, trang 28). Nếu là “Nam và Bắc triều” như trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim tức là chỉ lãnh thổ triều Mạc và họ Lê-Trịnh từ 1533 đến 1599 thì sự đất nước chia đôi không thấy trên thực địa qua một chiến tuyến rõ ràng nào cả, còn nếu bốn chữ đó là để chỉ cuộc phân tranh không có kẻ thắng người bại trong 45 năm giữa hai họ Trịnh Nguyễn thì nên dùng danh từ Đàng Trong và Đàng Ngoài vì sự phân chia đất đai giữa hai thế lực nhìn thấy rất rõ ràng qua ranh giới của một con sông là sông Gianh. Dù vậy trên mọi công văn, giấy tờ, sổ sách, sắc dụ quân lệnh khi các chúa Nguyễn cai trị và mở mang Đàng Trong, họ vẫn dùng danh nghĩa nhà Lê tức là dùng niên hiệu nhà Lê; và như thế đất nước tuy chia mà không chia. Chúng tôi mạo muội nghĩ rằng những cụm từ “đất nước chia đôi”, “lòng người ly tán”, “hiềm khích, đố kỵ, “tàn sát lẫn nhau” xem ra phản ảnh đúng tâm thức của cuộc chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) hơn là thực tế của cuộc tranh đoạt vương quyền giữa thời Lê-Mạc hay thời Trịnh Nguyễn, bởi vì như linh mục Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý, đầu thế kỷ XVII, đã nhận xét về tâm tình người dân Việt như sau: “ Họ rất hòa hợp, ăn ý với nhau, đối xử với nhau một lòng ngay thẳng, thật thà như họ đều là anh em sinh ra và lớn lên trong cùng một nhà vậy, cho dù họ chưa từng thấy nhau, biết đến nhau bao giờ.” (Christoforo Borri, Relation de la nouvelle mission au royaume de la Cochinchine, Revue Indochinoise, 4-1909).
    Một thương nhân Pháp, Pierre Poivre, giữa thế kỷ XVIII ghi nhận rằng: “ Dân cả hai miền đều nói chung một ngôn ngữ, theo cùng một phong tục và quý mến nhau.” (Description de la Cochinchine, Revue de l’Extrême-Orient, t. III (1884), tr. 84).
    Dĩ nhiên hễ nói đến chiến tranh thì tất nhiên cũng có chết chóc, mất mùa, đói kém vì lực lượng nông dân được huy động cung ứng cho chiến trường dù thuộc phe phái nào, bởi vậy một sử gia ngoại quốc, bà Li Tana đã có những ghi nhận như sau:
    Vào năm 1594: Bấy giờ các huyện ở Hải Dương nhân dân mất mùa to, đói kém đến ăn thịt lẫn nhau, chết đói đến một phần ba” (Toàn Thư, quyển 3, trg. 902). Đây có lẽ là thời thảm họa dài nhất trong lịch sử Việt Nam với một cuộc nội chiến dữ dội kéo dài mấy thập niên, với 14 năm mất mùa trong vòng 49 năm… Ngoài số người chết vì nạn đói và dịch, cuộc chiến tranh giữa nhà Lê và nhà Mạc cũng đã gây nên những tổn thất nặng nề về nhân mạng. Có trên 40 cuộc đụng độ lớn vào các năm 1539 đến 1600 và vùng đất từ Thăng Long đến Thanh Hóa thường là nơi diễn ra các cuộc đụng độ này.” (Li Tana, Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 và 18, Nhà xb. Trẻ, 1999, trang 37, bản dịch Nguyễn Nghị). Trương Hữu Quýnh, trong cuốn Chế Độ Ruộng Đất Ở Việt Nam, Nhà xb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1983, tập 2, trang 16) ước lượng có đến “hàng chục vạn trai tráng đã chết” trong thời kỳ này.
    Cũng theo công trình nghiên cứu của Li Tana, “Vào thế kỷ 17, trong suốt năm mươi năm chiến tranh Trịnh-Nguyễn, cuộc di dân từ phía bắc vẫn tiếp tục, như công trình nghiên cứu mới đây của nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá, cho thấy rõ. Theo tác giả, gia phả của sáu mươi ba dòng họ ở phía bắc Quảng Nam ghi là tổ tiên của họ đã tới đây trong thời chiến tranh Trịnh-Nguyễn.” (Li Tana, Sách đã dẫn, tr. 38).
    Ở một chỗ khác, cũng trong Lời Giới Thiệu (trang 14), ĐGM Nguyễn Thái Hợp có viết: “Tuy nhiên, đứng trên bình diện lịch sử, người ta không thể không đau xót khi thấy Tin mừng đã đến Việt Nam vào đúng giai đoạn bi thảm nhất: bên trong cuộc nội chiến dai dẳng đang đẩy dân tộc vào cảnh nồi da xáo thịt; còn bên ngoài các thế lực thực dân đang lăm le thôn tính mảnh đất hình chữ S này. Đất nước khánh kiệt và điêu linh, nhân tâm ly tán, lòng người đố kị, thù hận, đối kháng nhau. Riêng nhà cầm quyền không những chẳng mấy thiện cảm với “tôn giáo ngoại lai”, mà còn coi sự hiện diện của các thừa sai ngoại quốc với đám tín đồ đông đảo người Việt như một đe dọa cho quyền bính chính trị của mình.”
    Cuộc nội chiến” nói ở đây cũng gợi thêm thắc mắc. Nếu là năm 1627 tức thời điểm khai diễn trận chiến đầu tiên giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong thì lúc đó Tin Mừng đã có mặt ở Nam hà được 12 năm. Năm 1627 cũng là năm cha Đắc-lộ truyền đạo ở Thanh-Hóa lúc Trịnh Tráng chuẩn bị quân lực đi đánh Đàng Trong. Cha rất thành công trong việc giảng đạo, cuối năm 1627 có 1200 người theo Công Giáo. Năm 1628 số đó thêm 2.000, năm sau thêm 3.500. Tin Mừng như vậy được phát triển trên vùng đất khá thuận lợi dù đang có cuộc chiến với Đàng Trong, nếu không có các thế lực phá hoại như các phi nữ và các quan nội giám của phủ Chúa.
    Đoạn văn “ bên ngoài các thế lực thực dân đang lăm le thôn tính mảnh đất hình chữ S này” đặt vào thời điểm đạo Công giáo truyền vào Việt Nam thượng bán thế kỷ 17 thì thật quá sớm và thật sự chỉ đúng với hơn hai thế kỷ sau khi chiến thuyền Pháp tấn công Đà Nẵng năm 1858.
    Những điều mô tả về xã hội như “đất nước khánh kiệt và điêu linh, nhân tâm ly tán, lòng người đố kỵ, hận thù, đối kháng nhau” nói ở trên có lẽ đúng với Đàng Ngoài hơn là với Đàng Trong bởi vì năm kỷ tị (1629) khi Trịnh Tráng nói đến việc tái xâm Đàng Trong, Nguyễn Danh Thế là một vị tướng đã từng dẫn 5.000 quân vào đánh họ Nguyễn năm 1627, đã can chúa với những lời rất chính xác về tình hình hai bên, thẳng thắn nhận định rằng “nay miền nam hòa mục, nước giàu binh mạnh, mà ta liên niên đói kém, quân nhu không đủ...”
    Đàng Ngoài gặp nạn đói trầm trọng vào năm 1681 và tiếp đó là ba năm mất mùa tại Thanh Hóa. Nạn đói cũng diễn ra liên tục trong các năm 1712, 1713, 1721 tại một số nơi ở miền bắc.
    Dưới thời chúa Trịnh Tùng, phủ liêu sống rất xa hoa trong khi dân chúng bị nạn tham nhũng, cường quyền bóc lột trấn áp thậm tệ khiến cho rất nhiều tờ khải được dâng lên chúa đề nghị các chính sách nhằm đánh dẹp miền nam, cải tiến chế độ như tờ khải của Thị lang bộ Hộ Diễn gia hầu Lê Bật Tứ tháng 10 năm 1610, rồi năm nhâm tí (1612) một nhóm khác gồm nhóm Nguyễn Duy Thì và nhóm Phạm Trân nói về sự mâu thuẫn trong phương cách trị dân của đấng cầm quyền và kẻ thừa hành có nhiều điều ghi nhận như sau: “Nay thánh thượng để ý đến dân, chính sách nào đem ra cũng cốt nuôi dân, mệnh lệnh nào ban xuống cũng cấm hại dân, lòng yêu dân của thánh thượng thật không khác gì độ lượng của trời đất cha mẹ. Hận một nỗi người thừa hành chưa biết thể theo đức ý của cấp trên, chỉ lo ăn ở hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ một huyện, coi một xã thì làm khổ một xã, phàm những cách sách nhiễu, không cách nào họ không làm, khiến dân trong nước con trai có người không áo, con gái có người không váy, các cuộc hát xướng không còn, các lễ cưới xin không đủ, các việc như sống phải nuôi, chết phải đưa, không trông cậy được vào đâu, ăn uống tiêu dùng hằng ngày đều thiếu, dân mọn nghèo nàn cho chí sâu bọ cỏ cây, đều không sống được một cách thích thỏa…” (Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, bản thảo chưa in, trang 136).
    Năm 1618, một tờ biểu khác của nhóm Lê Bật Tứ, Lưu Đình Chất cũng được dâng lên chúa Trịnh nêu lên sáu việc : 1.- xin sửa chữa để cầu mệnh trời, 2.-ngăn quyền hào để nuôi sức dân, 3.- cấm phiền hà để dân có thể sống, 4.- cấm xa xỉ để dân phong túc, 5.- dẹp trộm cướp để dân được yên ổn, 6.- sửa quân chính để bảo hộ dân sinh.
    Cũng năm 1618, các triều thần lấy danh nghĩa tập thể dâng lên hai bài liền, một bài cho chúa và một bài cho vua đại khái cũng cho rằng chính quyền thối nát vô cùng và rằng người dân gian khổ hết chỗ nói, rằng yêu cầu tu đức, sửa đổi chính lệnh, đặc biệt có những chỗ đáng ghi như sự trách móc của triều thần: “… việc thu thuế đã có bộ Hộ, mà lại sai người ra dân thu tranh, việc kiện cáo đã có nha môn xét hỏi, lại giản hoặc nghe người vu cáo bắt người lấy của, việc quân đã có phủ ty vệ sở, lại gián hoặc sai người bắt lấy quân dịch nặng nề…kỷ cương pháp độ đã có phép cũ để lại, như tướng chỉ coi quân, không được coi dân, mà nay bọn cai quản lại chuyên coi dân, chuyên lấy của, chuyên giết người, lại tuyển riêng lấy thêm binh, một nhà đến 6, 7 người, thu nặng thuế công, một thửa ruộng đến 3, 4 lớp tô, bọn cai tổng, cai xã thì bắt hỏi việc kiện về hộ hôn điền thổ, đường thủy, đường bộ thì đặt riêng nha môn tuần ty, tuần sát…(Nguyễn Phương, bản thảo chưa in, trang 141).
    Cả một thực trạng đau khổ, đói rách, bất ổn, nhân tâm ly tán, tham nhũng chồng chất của xã hội Đàng Ngoài rõ ràng phơi bày ra trước mắt.
    Nếu nói rằng Tin Mừng đến Việt Nam thì thời điểm chính xác là năm 1615 khi các giáo sĩ Francisco Buzomi và Diego Carvalho từ Áo-môn đến Nam-hà. Lúc này chưa xảy ra chiến tranh giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài. Dưới sự cai trị của chúa Nguyễn Hoàng, Đàng Trong dần dần trở nên hưng thịnh.  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng như sau: “    Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh, khuyên răn tướng sĩ bản bộ. Cấm chỉ, trừ bỏ bọn hung ác, dân hai trấn đều cảm mến nhân đức, thay đổi phong tục, chợ búa không nói thách, dân chúng không làm giặc, cổng ngoài không đóng, thuyền buôn nước ngoài đều tới buôn bán trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy, họ Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được an cư lạc nghiệp.” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 3, Nhà xb. Khoa Học Xã Hội, 1998, trang 147).
    Xã hội Đàng Trong được tổ chức chu đáo theo chính sách “dạy dân luyện lính” của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhằm lôi cuốn người di dân từ Đàng Ngoài, như nhẹ thuế khóa, nhiều ưu đãi trong phân phối đất đai, tổ chức thi cử để tuyển lựa nhân tài v.v… nên từ trước khi có chiến tranh (1627) cho đến về sau vẫn có rất nhiều gia đình từ các vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh trốn vào Đàng Trong. Đất có lành chim mới đậu, sử gia Li Tana cho biết “Thuận Hóa, dĩ nhiên, trở thành nơi trú ẩn của dân tỵ nạn từ phía bắc. Tiền Biên ghi nhận có hai làn sóng tỵ nạn đổ về Thuận Hóa vào các năm 1559 và 1608.” (Li Tana, Sách đã dẫn, tr. 38.) Cụ thể là việc Đào Duy Từ người tỉnh Thanh Hóa, bất mãn với Đàng Ngoài mà bỏ vào Đàng Trong, tìm kế tiến thân và đã được trọng dụng.
    Dĩ nhiên sự hình thành của một Đàng Trong khởi đi từ năm 1558 khi Chúa Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm cử vào Trấn thủ đất Thuận Quảng mà như sử gia Li Tana nói: “Trịnh Kiểm chỉ có ý tống khứ một địch thủ. Nhưng ông đã đi sai nước cờ. Và thay vì tống khứ, ông lại đã cho không Nguyễn Hoàng một vương quốc. Và một chuỗi các sự kiện diễn ra đã làm thay đổi toàn bộ lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử Đông Nam Á nói chung.” (Li Tana, Sđd, trang 15).
    Linh mục Léopold Cadière, trong cuốn “Le mur de Đồng-Hới” đã từng nói lên sự khác biệt trong quan điểm chiến tranh giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài qua lời  của tướng Nguyễn Hữu Dật khi trả lời cho Trịnh Căn: “Trước mắt chúng ta là người ngoại quốc.” Theo cha Cadière, quân đội Đàng Trong chiến đấu vì nền độc lập của họ trong khi quân đội Đàng Ngoài chiến đấu vì tham vọng của vua chúa ngoài ấy. (La flame du patriotism excitait leur ardeur: “Ceux que nous avons devant nous sont l’étranger,” disait fièrement Hữu Dật ern 1672. Ils luttaient pour leur independence. Les Tonkinois, au contraire, bien que détestant cordialement les gens du Sud, combattaient surtout pour satisfaire l’ambition de leur souverain. Le Mur de Đồng-Hới, etude sur l'établissement des Nguyễn en Cochinchine, page 235).
    Dựa trên thực tế lịch sử, chúng tôi cho rằng thực trạng xã hội của Đàng Ngoài và Đàng Trong phản ảnh hai khuôn mặt khác nhau khi đạo Công Giáo được truyền vào trên đất nước chúng ta. Đàng Trong là một vương quốc mới đón chào rất nhiều các tầng lớp lưu dân bỏ vùng đất cũ là miền bắc để xuôi nam lập nghiệp trong tinh thần hội nhập với những thể chế được xây dựng tương đối tự do, với nhiều ưu đãi như nói ở trên về đất đai, thuế khóa, chế độ thi cử, giao lưu hướng ngoại. Mức sống của dân chúng Đàng Trong so với Đàng Ngoài cao hơn, giàu có hơn như sự miêu tả của Lm Christoforo Borri trong cuốn Xứ Đàng Trong Năm 1621 của ông qua những trang nói về y phục các giới trong xã hội, chế độ ẩm thực, cơ chế quân sự, y khoa, vệ sinh v.v… Người Đàng Trong “để cho mọi người tự do sống theo đạo của mình… phục giáo thuyết của người nước ngoài và dễ dàng chuộng đạo giáo của người nước ngoài hơn đạo giáo của mình…” (trang 53).
    Mô tả về con người Đàng Trong, năm 1618, nhân chuyến ghé thăm Đà Nẵng, Lm Christoforo Borri có những lời như sau: “… Họ (người Đàng Trong) có thân hình vừa phải, nghĩa là không nhỏ như người Nhật, không lớn như người Hoa; họ lại vạm vỡ và rắn chắc hơn cả hai giống người ấy, đồng thời họ hơn hẳn người Hoa cả về trí tuệ lẫn can trường…Và, do bản tính, người Đàng Trong dễ thương và lịch thiệp hơn trong sự tiếp xúc với người Âu Tây, dẫu họ có tự đánh giá cao về mình. Hô nghĩ rằng nếu nổi giận thì là hạ thấp mình. Trong khi tất cả các nước khác ở phương Đông xem người Âu Tây như những kẻ phàm tục, ghê tởm họ, và mỗi khi lần đầu chúng ta vào xứ sở nào  để tiếp xúc thì những người ấy vội vàng lánh xa ta. Còn ở Đàng Trong, hoàn toàn ngược lại, họ lũ lượt đến chen vai thích cánh với ta, họ hỏi ta cả ngàn chuyện, mời ta về nhà dùng cơm. Nói tóm lại là họ vận dụng đủ mọi thứ bặt thiệp, thân mật và tao nhã.”
(Bài Les Européens qui ont vu le vieux Hué : Cristoforo Borri. Trong tạp chí BAVH, 1931, tháng 7-12, tr. 308. Dẫn lại theo Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nhà xb. Trẻ, 1999, tr. 64).
    Sau chiến tranh giữa hai họ Trịnh Nguyễn, nhân dân hai bên bờ sông Gianh vẫn qua lại giao thương, sinh sống với nhau như giới nghiên cứu sử học thừa nhận.
   
    II.- MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA TIÊU CHÍ VÀ NỖ LỰC BIÊN KHẢO CUỐN “LỊCH SỬ GIÁO PHẬN VINH”.

    Như đã nói ở trên, Lời Giới Thiệu của ĐGM Nguyễn Thái Hợp là một bức cẩm nang chứa đựng những tiêu chí rất rành mạch, rõ ràng giúp cho ban chủ biên nắm vững các yêu cầu về chất lượng, nội dung, đường hướng, nhận định, phương pháp để biên soạn bộ “Lịch sử Giáo Phận Vinh” gồm hai cuốn mà chúng ta mới có được cuốn đầu. Có một số tiêu chí được đấng bản quyền đề ra như vậy khi biên tập cuốn lịch sử này, những người phụ trách sẽ nhìn thấy rõ con đường đi trải dài trước mặt mà mạnh dạn dấn bước, và với tinh thần làm việc tập thể giữa những người có khả năng tương đối đồng đều, có niềm tin mãnh liệt vào công việc được giao cho, thành quả đưa tới cũng là điều tất yếu.

    21.- Một cuốn lịch sử đầy đủ và hiện đại: Ước mơ đã thành tựu.
    Một sử gia người Pháp, Fustel de Coulanges có nói “Sans document, sans l’histoire”. (Không có tài liệu thì không có lịch sử). Thật vậy, khi một sử gia đã chọn được một đề tài thì việc họ phải tiến hành tiếp theo đó là sưu tầm sử liệu. Đối với việc biên soạn cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh”, ban chủ biên chắc chắn là những người đi vào một khu rừng đã được khai quang, không phải vất vả đào gốc, chặt cành vì trước họ có nhiều người đã viết về đề tài này, chẳng hạn như Lm Cao Vĩnh Phan từng viết cuốn sử cũng nhan sách như thế với 606 trang, Lm Trương Bá Cần với cuốn sách cùng tên, cũng với số trang tương tự; ngoài ra bản thư tịch đã cung cấp cho độc giả rất nhiều tài liệu ngoại quốc hay tiếng Việt có liên quan gần xa đến giáo phận Vinh, cho nên việc sưu tầm tài liệu chắc chắn là không khó, nhất là trong thời đại ngày nay. Khi bắt tay vào công việc chắc chắn ông Vương Đình Chữ và những vị cộng sự viên đã có thể tiếp cận với nhiều tài liệu, sử liệu liên hệ đến đề tài muốn viết. Tuy nhiên theo lời một giáo sư dạy sử ở bậc đại học, Linh mục Nguyễn Phương (1921-1993) “sử liệu chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của việc chép sử. Sự thực, nó chỉ là vật dụng cho sử gia dùng, mặc dầu nó là những vật dụng rất quan trọng và rất cần thiết. Một khi có nó rồi, sử gia không phải vụ vào chính nó, không phải dừng lại với tính cách vật chất của nó? Cái mà sử gia lấy làm quý giá ở nơi nó chính là nội dung của nó, nghĩa là cái chứng tích nó chứa đựng về thời sự quá khứ.” (Nguyễn Phương, Phương pháp Sử học, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, trang 66-67). Việc thực hiện một cuốn lịch sử đầy đủ như lòng mong ước của ĐGM Nguyễn Thái Hợp cũng như vị tiền nhiệm của ngài, Đức Cố Giám Mục Phêrô Trần Xuân Hạp quả thật đã thể hiện qua cuốn sách chúng ta có trong tay. Chữ “đầy đủ” ở trong Lời Giới Thiệu của đấng bản quyền muốn nói lên rằng so với các cuốn sách viết về lịch sử Giáo phận Vinh trước đây, cuốn nầy đã đạt tới tiêu chí đầy đủ xét về lượng cũng như về phẩm. Đầy đủ xét về lượng có nghĩa là các nhà biên tập thận trọng trong việc sử dụng các tư liệu, cẩn án sử liệu theo đúng phương pháp sử, cân nhắc việc dùng tư liệu để đạt tới sự thật lịch sử, tiếp cận được với tất cả mọi tài liệu khi trường hợp cho phép, như đã sử dụng các kho văn khố ở trong nước và nhất là ở ngoại quốc. Chẳng hạn, khi viết về việc ông Đỗ Công Viễn người làng Bồng Trung, huyện Vĩnh-Lộc, tỉnh Thanh Hóa gia nhập đạo Công Giáo, các vị trong ban chủ biên đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu để đối chiếu và cô đọng các sự kiện trong mạch văn ngắn gọn nhờ đó loại bỏ được một chi tiết có sai lầm thí dụ như trong tài liệu của Lm Nguyễn Hồng viết niên hiệu Chính-Tự thay vì Chính Trị tức niên hiệu thứ hai của Lê Anh-Tôn, sau niên hiệu Thiên-hựu và ăn từ 1558 đến 1571. Sách của Lm Nguyễn Hồng  trang 23, viết niên hiệu này sai cả đoạn chính văn lẫn cả cước chú. Điều này cũng nói lên phẩm chất của cuốn sách mặc dù toàn bộ cuốn sách chỉ là một khối sử liệu tu soạn tức là sử liệu gián tiếp chứ không phải sử liệu tiên nguyên.
    Để đánh giá công trình của một cuốn sách biên khảo, thói quen của chúng tôi là nhìn vào bản thư lục hay còn gọi là thư mục. Xem vào thư lục tức là theo dõi số các sách báo và tài liệu được tham khảo, người đọc thấy đó là những tài liệu nòng cốt cho đề tài được nêu ra qua cuốn sách, không nhiều mà cũng không ít, dĩ nhiên vì là sách viết về lịch sử của một giáo phận nên những tác phẩm được coi là phần tài liệu, tư liệu căn bản do các giáo sĩ và các nhà nghiên cứu nước ngoài viết trước đây không thể vắng bóng; lạ một điều là không thấy bộ Việt Nam Giáo Sử  gồm hai cuốn cũng đã được in đi in lại nhiều lần của Lm Phan Phát Huồn, CssR, vốn là một trong những tác phẩm tiên khởi viết bằng tiếng Việt về lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam trong đó chứa đựng khá nhiều tài liệu căn bản và có ích khi cần tham khảo. Ngoài ra bản thư lục cũng không thấy nhắc tới Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ tức Bulletin Des Amis du Vieux Hué chắc chắn cũng sẽ có rất nhiều bài viết cần thiết phải tham khảo khi viết về Giáo phận Vinh. Công trình của một cuốn sách còn được thể hiện và định giá qua bản danh mục (thường ghi danh từ riêng) cũng gọi là sách dẫn (index, gồm danh từ riêng, lý thuyết, học thuyết) hay bảng chỉ dẫn thường được đặt cuối tác phẩm ghi lại tên riêng của các nhân vật được đề cập tới, hoặc địa danh, tên gọi các biến cố, các học thuyết, triết thuyết, chủ đề, chủ điểm v.v… Bản danh mục nói chung sẽ giúp ích cho đọc giả tìm một cách dễ dàng tên một nhân vật nào đó có liên hệ tới một vấn đề hay một sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện mình muốn biết, muốn hiểu chẳng hạn. Việc thiết lập bản danh mục đối với nhiều tác giả Việt Nam là một việc làm chưa mấy quen thuộc nhưng đối với những người được huấn luyện chuyên ngành sử học, nhất là các tác giả ngoại quốc, thì đó là một việc cần làm và phải làm. Sự vắng bóng một bản danh mục trong cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh” của ông Vương Đình Chữ có lẽ phần nào chưa đáp ứng lại tiêu chí “hiện đại” do ĐGM Nguyễn Thái Hợp đề ra trong lời giới thiệu chăng? Thực hiện bản danh mục thật sự tốn nhiều thì giờ và công phu nhưng nếu đã viết được một tác phẩm giá trị như cuốn sách mà chúng ta cầm trong tay hôm nay thì việc hình thành một bản danh mục là điều cần làm và nên làm góp phần hoàn chỉnh giá trị toàn bích cho nó. Cuốn sách do ông Vương Đình Chữ chủ biên không có bản danh mục, thật là điều đáng tiếc. Ước mong trong dịp sách được tái bản, ban chủ biên lưu tâm đến vấn đề này và chịu khó bổ sung.
    Cicero (106-43 trước CN) vốn là chính khách và là hùng biện gia cổ La mã đã đưa ra một quan điểm dứt khoát đó là: “Luật đầu tiên của lịch sử là không được nói gì mà không đúng với sự thật, và không có gì thật mà không nói đến.” (Primam esse historiae legem, ne quid falsi dicere audeat, ne quid very non audeat). Đây là một quy luật đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho nghệ thuật viết sử hướng dẫn qua biết bao thời đại làm cho một tác phẩm sử học trở nên có giá trị mà những nhà biên soạn cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh” chắc cũng đã được nhắc nhở khi khởi đầu công việc của mình. Những vấn đề thoạt xem có vẻ “nhạy cảm” nhưng cũng được người chủ biên đề cập tới dưới ngòi bút rất thanh thản, nhẹ nhàng, mặc dù qua sự dẫn chứng nhờ các tài liệu ngoại quốc viết từ trước, thí dụ sự tranh chấp giữa các giáo sĩ Dòng Tên với Hội Thừa Sai Paris. Cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh” viết về cuộc tranh chấp đó như sau: “Như trên đã trình bày, các thừa sai Dòng Tên là những nhà truyền giáo đầu tiên đến hoạt động trên vùng đất Nghệ Tĩnh, đã khai sinh và hình thành các giáo đoàn ở đây mà con số theo báo cáo ngày 03-10-1676 đã lên đến 186 xóm đạo. Tuy nhiên dựa vào đặc quyền của chế độ Bảo trợ, các thừa sai Dòng Tên đã không nhìn nhận quyền của các Đại diện Tông tòa được Tòa thánh cử sang Việt Nam mà không thông qua sự chuẩn nhận của Vua Bồ Đào Nha. Việc không nhìn nhận này đưa đến thái độ bất hợp tác và chống đối, chẳng những giữa các thừa sai với nhau mà còn giữa các linh mục triều và Dòng, cũng như giữa các cộng đoàn của hai bên.” (trang 91). Ở trang 110, sách này viết tiếp: “Như trên đây chúng ta đã thấy sự chống đối của các thừa sai Dòng Tên đối với các Đại diện Tông tòa và các thừa sai của Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris. Sự chống đối này lan tỏa đến tận các giáo dân, gây nên nhiều chia rẽ và bài xích lẫn nhau. Các giáo dân theo các thừa sai Dòng Tên không nhìn nhận thẩm quyền của Đức cha Lambert và các linh mục do ngài phong chức. Họ cho rằng sắc phong của đức cha là giả mạo, thậm chí còn cho rằng Đức cha Lambert là một kẻ lạc giáo bị đuổi khỏi nước Pháp và sang đây để tiếp tục gieo rắc lầm lạc.”
    Viết về sự tranh chấp giữa Đại điện Tông tòa với các giáo sĩ Dòng Tên cùng những hậu quả của việc này chính là nói đến thử thách đức tin mà Giáo phận Vinh đã trải qua trong những thập kỷ hậu bán thế kỷ 17. Đây là một vấn đề quan trọng đã giúp cho Giáo Phận Vinh vượt thắng nhiều khó khăn thử thách đề bành trướng và phát triển trong các thế kỷ về sau. Chúng tôi thấy các tác giả cuốn sách chưa làm nổi bật tranh chấp đó trong lãnh vực ba tỉnh Nghệ-Tĩnh-Bình giữa các giáo sĩ Dòng Tên với các thừa sai Pháp cũng như giữa các nhóm giáo dân thuộc ảnh hưởng của hai phe. Cuốn sách này chỉ đề cập lướt qua mà không nói rõ đến cuộc tranh chấp đó, diễn tiến cùng kết quả của nó có liên hệ đến tương lai của việc truyền giáo ở Việt Nam về sau. Hơn nữa, cuộc tranh chấp không chỉ là vấn đề quyền hành mà còn có vấn đề lễ nghi tôn giáo ở Trung Hoa, tức nghi lễ Đông Phương, thí dụ bái lạy người chết, ăn của cúng v.v… Vấn đề quyền hành nói ở đây tức là quyền hành của Đức Giám Mục, nhân viên của Bộ Truyền-Giáo đối với các giáo sĩ Thừa-Sai. Nếu vấn đề quyền hành đã chóng kết thúc thì trái lại vấn đề lễ nghi Trung Hoa kéo dài đến năm 1939. Theo Lm Phan Phát Huồn “Chúng ta biết các Cha dòng Tên đến giảng đạo ở Trung Hoa trước hết, các giáo sĩ vì lòng sốt sắng và cũng vì có óc não sáng suốt muốn cho dân Trung-Hoa dễ tòng-giáo nên các Ngài không lên án việc cúng tế Đức Khổng Tử và Ông Bà ông Vãi vì theo quan niệm của các giáo sĩ dòng Tên lúc làm những việc ấy người ta không có ý nhận Đức Khổng Tử hoặc ông Bà ông Vãi là đấng toàn-năng, nhưng chỉ có ý kính nể bề ngoài và tỏ lòng biết ơn báo hiếu. Nhưng các linh mục khác như các linh mục dòng Đa Minh, dòng Phanxicô, và các thừa sai Pháp cho đó là một việc dị đoan…” (Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, quyển I, trang 196).
    Về bí tích rửa tội chẳng hạn, các cha dòng Tên cũng đã được phép của Đức Giáo Hoàng Alexandre VII bỏ một số chi tiết thí dụ đưa muối vào miệng người tân tòng và xức dầu trên ngực họ vì sợ dân chúng xôn xao và sẽ làm cho các ông chồng của các bà (tân tòng) sinh ghen tuông. Nhưng dù giáo sĩ Marquez (dòng Tên) đã ngăn cản, cha Chevreuil (Thừa sai Pháp) đến Hải Phố năm 1664 cũng vẫn làm tất cả mọi điều phép bí tích truyền phải làm v.v…
    Một vấn đề khác khá tế nhị là việc một số thừa sai Pháp chống đối Đức Giám Mục Louis Pineau Trị (trang 418-426) cũng được các vị biên soạn ghi nhận một cách trung thực, công bình theo nhãn quan của người chép sử.
    Tuy đây là một cuốn sách viết về lịch sử một giáo phận nhưng bằng những nét khái quát cho nên để nhìn ra tính cách đầy đủ của cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh”, chúng tôi đếm được 116 đầu sách chính được kê trong thư tịch, 5 văn khố chính là nơi được ban chủ biên tới tham khảo trong đó hai văn khố chính mà một là của MEP ở Paris và một của Bộ Hải Ngoại Pháp ở Villeneuve Paris, văn khố của Bộ Truyền Giáo, Trung Tâm Văn Khố hải ngoại ở Aix-en-Provence và cuối cùng là Văn khố Tòa Giám Mục Xã Đoài cùng với 14 bộ báo và tạp chí. Ngoài ra phải nói về phần cước chú (footnote) là phần được ghi nhận từ đầu đến cuối cuốn sách rất chi li, khoa học với tên tác giả in chữ đứng và tên tác phẩm in nghiêng, tất cả có 1582 mục chú thích. Tính cách hiện đại nằm ở trong lối ghi cước chú, tuy nhiên vì là cuốn sách viết cho đại chúng nhiều hơn là cho giới nghiên cứu sử học cho nên những điều cốt yếu cần nói thì đã được viết trong phần chính văn, còn cước chú ở dưới chỉ là để xác minh điều đã được nói hoặc dẫn ra tư liệu được nhắc tới. Tuy nhiên về kỹ thuật cước chú cuốn sách chúng tôi sẽ nói ở phần sau.

    22.- Trong vòng xoáy của lịch sử: Nỗ lực nào để vượt qua những rào cản?
    Nhìn vào một tổ chức chính trị như đảng CSVN, với biết bao lợi thế nắm trong tay từ khi họ có được chính quyền năm 1945, đã dành nhiều sự chú ý, tiền bạc, phương tiện và nhân lực, cùng với sách lược đấu tranh để viết lịch sử đảng bộ từng tỉnh, từng khu vực, từng đơn vị ngành nghề, từ nhỏ đến lớn, từ địa phương đến trung ương, xét ra cũng là một nỗ lực đáng khen vì sẽ có ích cho giới nghiên cứu sử học, tuy nhiên chúng ta thấy các công trình nghiên cứu của họ thật có giả có, hư có thực có lẫn lộn đan xen và dĩ nhiên tình trạng đó ít khi qua mặt được những người từng được huấn luyện để viết sử với phương pháp sử học, và thời gian đã cho người ta có nhiều kinh nghiệm để đọc và để đánh giá những loại sử phẩm được viết ra như thế. Khi đọc cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh” (LSGPV) do ông Vương Đình Chữ chủ biên với sự cộng tác của các Lm và giáo dân như Lm Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá, Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương, Lm. Antôn Nguyễn Thanh Tịnh, Ông Giacôbê Võ Văn Hậu, Ông Antôn Lê Phiến, với lời giới thiệu rất trang trọng của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp và lời bạt đầy văn chương và chất liệu đức tin của Giáo sư Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, tôi như mường tượng có một cuộc “chạy đua” giữa hai thế lực, hai sức mạnh đó là giữa hữu thần và vô thần : tôn giáo cũng viết sử và đảng cũng viết sử. Tôn giáo hay nói rõ hơn Công Giáo đã viết sử và viết sử từ lâu không chỉ bằng ngòi bút mà cả bằng máu kể từ khi Đức Ki-Tô chịu chết trên thập giá rồi đến hàng hàng lớp lớp biết bao vị thánh tử đạo đã đổ máu đào để viết nên trang sử đức tin trong suốt hơn 20 thế kỷ qua. Và càng viết sử, nhất là viết sử bằng máu, đạo Công Giáo càng phát triển, và sinh sôi nảy nở khắp mọi nơi, đúng như lời văn sĩ Tertulianus (155-222) từng nói : “Máu tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các Ki-Tô hữu”.(Semen est sanguis christianorum! Apologeticus 50, 13). Mục đích của bài viết này không phải là để so sánh hai trường phái viết sử hữu thần và vô thần mặc dù những người viết cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh” đều cố gắng nhằm đạt đến chân lý lịch sử, bởi vì họ là những người luôn luôn tâm niệm rằng sử học phải hàm chứa sự thật và hơn nữa được thúc đẩy bởi sự thật vì “sự thật sẽ giải phóng anh em” (Gioan 8, 32). Bởi vậy trong các sử phẩm Công Giáo, những cuốn viết về lịch sử Giáo Hội chẳng hạn, không một tác giả nào dám đưa vào đó những tư liệu ngụy tạo, hư cấu hay gian dối. Tên tuổi của những tác giả Công Giáo như Henri-Daniel Rops chẳng hạn với bộ Histoire de L’Église hoặc gần chúng ta, những tác phẩm của Alexandre de Rhodes, của Adrien Launay, của Leopold Cadière v.v… sở dĩ được mọi người trọng vọng là vì họ biết tôn trọng chân lý lịch sử, và cũng bởi vì như Cicero (106-43) từng nói : “Historia magistra vitae” (Lịch sử là ông thầy của cuộc đời). Giá trị của người trí thức, của người làm thầy là ở chỗ họ dám sống và chết vì sự thật, vì chân lý. Một nhà viết sử của chế độ VNCH vừa mới qua đời cách đây không lâu, Tạ Chí Đại Trường, trong cuốn sách nhỏ Những bài văn sử, (Văn học xb, 1999, trang 153) đã có tiết lộ: “Trong lần phát biểu ở Đại học Paris VII năm 1988, chính Văn Tạo, Viện trưởng Viện Sử Học đã nói: “Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới.” (Dẫn từ Hugues Tertrais của Nguyễn Thế Anh, “Historical Research in VN : a Tentative History”, trong Journal of Southeast Asian Studies, số tháng 3.1995).-  Quan điểm “không viết sử để làm công trình sử học” có nghĩa là không cần tôn trọng sự thật, và “để góp phần xây dựng chế độ mới” có nghĩa là nếu cần trong một sử phẩm các tố chất hư cấu, ngụy tạo, bôi bác sự thật cũng có thể được sử dụng vì mục đích tối hậu chỉ là để “xây dựng chế độ mới”. Năm ngoái, tôi được đọc tin tức trên mạng cho biết GS Văn Tạo nay đã về hưu và sống ở Hà Nội cũng đã có đưa ra đề nghị nên dựng một tượng đài cho hai triệu người dân Bắc Việt chết trong trận đói Ất-dậu 1945. Đây là một ý kiến hay chắc cũng để góp phần xây dựng chế độ nhưng không chắc có được chính quyền để tâm tới.  Xin được khen giáo sư Phan Huy Lê vì trước đây đã từng can đảm “giải mã” thần tượng Lê Văn Tám khi ông công khai nói rằng đó chỉ là chuyện hư cấu do nhà sử học Trần Huy Liệu tiết lộ cho ông trước khi Trần Huy Liệu mất! Tôi rất tâm đắc về những lời sau đây của một nhà hoạt động cho phong trào dân chủ hiện ở Pháp khi ông viết : “Muốn có ích, nghĩa là muốn làm một nguồn kinh nghiệm cho phép rút ra những bài học chung cho dân tộc, lịch sử phải chính xác và đầy đủ. Lịch sử là một tài liệu để làm việc. Lịch sử không đầy đủ và không chính xác có nghĩa là chúng ta làm việc trên một tài liệu vừa thiếu vừa sai. Như thế làm sao có thể rút ra những kết luận đúng đắn?” (Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, Paris 2001, trang 118).
    Nhà văn Nguyễn Văn Lục đã dựa trên một số sách giáo khoa sử lớp 10, 11, 12 mà nhận định rằng: “Cảm tưởng chung khi tôi đọc các sách giáo khoa sử lớp 10, 11 là nội dung các sách sử này bàng bạc chủ nghĩa Mác mà không có Mác. Mang chủ nghĩa ấy một cách gián tiếp áp đặt lên các chế độ nông nô và phong kiến là một cách suy diễn bằng loại suy (analogic/analogie) phiến diện và ngụy tạo. Chế độ nông nô là hình thức sơ đẳng của mối tương giao người - người, rất gần với các định luật thiên nhiên theo đó cá lớn nuốt cá bé, nhưng lại rất xa vời với ý thức về sự bóc lột, về ý thức tranh đấu giai cấp. Nó chưa có điều kiện chín mùi để hình thành một nhận thức đầy đủ về ý niệm bóc lột, về mối tương giao ông chủ - thằng ở theo nghĩa là một cặp đối kháng tranh đấu một mất một còn. Vì thế, không thể nào mang ý thức hệ Mác-xít chín mùi, thành quả của nhận thức biện chứng, hiểu sâu xa bản chất sự bóc lột để giải thích tính cách tương tự hay tính cách *mở đầu* cuộc đấu tranh giai cấp giữa giầu nghèo.”
    Sự khẳng định của tác giả Nguyễn Văn Lục thật rất rõ ràng:Phải xác định rõ ràng Mác là Mác, bắt đầu từ đó và dừng lại đó. Đi lui về trước Mác hay tham vọng đi xa về sau đều tỏ ra bất cập và lúng túng. Chủ thuyết Mác đã tỏ ra thất bại khi áp dụng vào các nền kinh tế đương đại và tỏ ra bất cập, hời hợt khi dùng để giải thích chế độ nông nô và phong kiến. Sách giáo khoa Sử, lớp 10, lớp 11 đã dựa vào các chế độ xã hội để minh chứng cho những khung lý thuyết của mình. Vì thế, nó đã giản lược lịch sử con người vào lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp. Bằng chứng là đã có các cuộc đấu tranh trong các chế độ nông nô và các chế độ phong kiến, rồi phóng chiếu ý thức giai cấp bóc lột và từ đó đưa ra chiêu bài giải phóng con người ra khỏi các giai cấp bóc lột ấy. Đó là một lối phóng chiếu phi thực không thích hợp cho chế độ xã thôn, gia tộc Việt Nam. Vì thế, nó không lột tả được tinh thần cũng như nếp sống bản địa của người Việt Nam. Nó cũng không nêu bật được từng thời kỳ, từng bước đi gian nan dành lấy quyền sống của tổ tiên chúng ta trong việc bảo vệ đất nước và bảo vệ nếp sống Việt tính.”
    Trong sách giáo khoa Sử lớp 12, Nguyễn Văn Lục chỉ xét đến phần viết về cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954 mà đã thấy có rất nhiều thiếu sót, thí dụ: Không một chữ về Khu tự vệ Phát Diệm vốn giữ một vai trò nhất định và quyết định, không một chữ đả động đến các lục lượng giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo ở miền Nam vốn gây khó khăn cho người Pháp không ít, nhất là không một chữ cho cuộc kháng chiến Nam Bộ, mở đầu cuộc kháng chiến trên toàn quốc trong suốt những năm bị người Pháp chiếm đóng, phía chính quyền Quốc gia với Quốc trưởng Bảo Đại, với các đời Thủ tướng như Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu… đã cộng tác chiến đấu bên cạnh người Pháp, nhưng sách sử lớp 12 không hề nhắc tới, dù một dòng. 35 trang sách dành cho cuộc chiến tranh Việt Pháp Bảo Đại không được nhắc tới một lần nào. Và ông Nguyễn Văn Lục đã phải than lên: “Thật là hiếp đáp lịch sử quá đáng.”
    Trong một tiểu mục có tên Về những con số ảo, con số bịp bợm, cũng trong bài viết đó, nhà văn Nguyễn Văn Lục lột trần cách viết sử gian dối của nền giáo dục Cộng sản: “Chúng ta hãy đọc mà xem:
    -Trong 4 tháng mùa khô 1965-1966, trên toàn miền quân dân ta loại khỏi vòng chiến đấu 104000, trong đó có 42500 lính Mỹ, 3500 chư hầu, bắn rơi và phá hủy 1430 máy bay, phá hủy 600 xe tăng và xe bọc thép, 1310 ô tô.
    -Bước vào mùa khô 1966-1967, mùa khô thứ hai, trên toàn miền, dân quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 151000 dịch trong đó có 68200 lính Mỹ, 5540 chư hầu, bắn rơi và phá hủy 1231 máy bay (xin so sánh hai con số máy bay ở trên và ở dưới), phá hủy 1627 xe tăng và xe bọc thép, 2107 ô tô.
    -Trong dịp Tổng tấn công tết Mậu Thân sách sử đã đưa ra những con số sau đây: Trong đợt I, không đầy hai tháng, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 147.000 địch (con số này ít hơn con số địch bị thiệt hại trong mùa thứ hai là 151.000). Có nghĩa là con số 147.000 địch là con số thêm vào, trong số 43.000 lính Mỹ.
    -Cuộc tiến công chiến lược 1972, trong đó có cuộc tiến công Quảng Trị. Kết quả sau gần 3 tháng chiến đấu, cuối tháng 6/1972, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20 vạn quân ngụy, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn đến hơn 1 triệu dân.
    Nếu làm một tổng kết cả bốn đợt thì có khoảng 500.000 địch bị loại khỏi vòng chiến. Gần một nửa quân số chiến đấu ở miền Nam?
    Đặc biệt không thấy nói đến số quân nhân bị tử thương trong dịp 30-4-1975. Nhưng một điều quá đặc biệt không kém là không có ghi số tổn thất của binh đội cộng sản dù chỉ một người cũng không có.” (Nguyễn Văn Lục, Sử phi sử, Trang điện tử Đàn Chim Việt, 07.02.2007).
    Việc viết đúng sự thật trong một sử phẩm sẽ giúp cho nhiều thế hệ đọc vào sống đúng sự thật. Trong tác phẩm viết về tiểu sử Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, có tên  Witness To Hope, thần học gia người Mỹ, George Weigel, đã nêu lên kinh nghiệm của Đức Giáo Hoàng Ba Lan để đối phó với chủ nghĩa cộng sản, Ngài cũng như nhiều linh mục Ba Lan trong thực tế đã xây dựng các mạng lưới chống lại chủ thuyết cộng sản (tạm dịch): “ bằng cách giáo dục một thế hệ người Ba Lan đặt tất cả niềm tin của mình vào tôn giáo và luân lý trong sự thật để có thể đương đầu lại với nền văn hóa dối trá của cộng sản.” (Like many other Polish priests, he was creating de facto networks of resistance to raise up a generation of Poles who could resist the communist culture of the lie with the truth of their religious and moral convictions.- George Weigel, Witness to hope, The biography of Pope John Paul II, 1920-2005, Nhà xb. Harper Perennial, 2005, trang 120).
    Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ dân tộc Myanmar từng nói : “Thành thật là chính sách tốt nhất” (Honesty is the best policy, trích từ cuốn The voice of hope, ghi lại các cuộc trao đổi với ký giả Alan Clements, Seven Stories Press, New York, 2008, trang 57) và “Dối trá là hành vi cạn kiệt sinh lực” (Deceiving is an exhausting activity, Sđd, trang 58).
    Trong diễn văn nhậm chức vào ngày 20-01-2009, Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ từng cảnh cáo các chế độ độc tài trên thế giới: “Đối với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược dòng lịch sử…” (To those who cling to power through corruption and deceit and the silencing of dissident, know that you are on the wrong side of history…)
    Lịch sử một tôn giáo cũng có những đòi hỏi như vậy nghĩa là phải chính xác và đầy đủ, bởi vì một cuốn sách như “Lịch sử Giáo phận Vinh” viết đầy đủ mang tính cách hiện đại sẽ là một tài liệu tập huấn quý báu chẳng những cho hàng ngũ chủng sinh, giáo sĩ mà còn cho cả giáo dân, không chỉ Giáo phận này mà còn cho cả các giáo phận khác vì sẽ đọc thấy trong đó biết bao tấm gương tu đức, hy sinh, quả cảm, những con người từ xa đến đây hoặc lớn lên trên mảnh đất này có chung một lý tưởng đó là truyền bá, sống và giữ gìn đức tin, phát triển đạo thánh Chúa. Mỗi trang sách của tác phẩm này ngoài việc chứa đựng các biến cố lịch sử, cung cấp cho người đọc những bài học quý báu của quá khứ, còn phải là trang sách cầu nguyện dẫn đưa tâm hồn người đọc vươn cao.

    23.- Theo yêu cầu khắt khe của nghề viết sử: Thách đố vậy nhưng đáp ứng nào?
    ĐGM Nguyễn Thái Hợp có viết về một số quan điểm thông thường của sử học như sau: “Thông thường, lịch sử được hiểu như sách chép việc đã qua. Tuy nhiên, lịch sử không đơn thuần chỉ chép lại quá khứ của thể chế chính trị hay của xã hội loài người, mà còn tìm cách dựng lại quá khứ. Sứ vụ đích thực của sử học cũng không phải chỉ nhằm khôi phục những sự trạng đã qua để biết sinh hoạt và cơ cấu xã hội thời xưa, mà còn muốn xác định nguồn gốc của chúng và tìm ra những mối liên hệ, tương tác giữa các sự kiện, với hy vọng khám phá được quy luật chi phối sự biến thiên trong quá trình phát triển của một thời đại hay một quốc gia nào đó. Tự cổ chí kim, sự kiện lịch sử vẫn được coi là những sự thật khách quan, tồn tại độc lập với ý thức và ý muốn của người đọc hay người viết sử. Dựa trên nền tảng đó, người ta cho rằng lịch sử là, hay ít nhất, phải là khách quan. Do đó, ngay từ thời cổ đại, nhiều bậc thức giả đã đề cao giá trị và vai trò giáo dục của lịch sử. Theo văn hào Cicéron, “lịch sử là thầy cuộc sống” (historia magistra vitae) giúp chúng ta vươn tới “ánh sáng của sự thật” (lux veritatis). Chính vì vậy, người viết sử phải tuân thủ kỷ luật sắt: không viết điểu giả dối và dám nói tất cả sự thật.” (trang 16-17).
    Các ý kiến trên đây cũng không khác gì một số quan điểm về sử học của giới nghiên cứu sử ở đại học và trong các sách vở có tính hàn lâm. Nhưng trước hết thử tìm hiều về hai chữ “lịch sử”.
    Lịch sử  là gì? Theo Linh mục Nguyễn Phương “lịch có nghĩa là đã qua và sử có nghĩa là những gì miệng nói hay tay làm. Nói chung lịch sử chỉ về các việc người ta đã làm cũng như những lời người ta đã nói. Nhìn kỹ hơn một tý vào cách dùng thông thường của tiếng đó, chúng ta có thể thấy nó bao hàm ba ý nghĩa, khi thì nhấn mạnh vào tính cách đã qua của sự việc, nghĩa là nhấn mạnh vào chữ lịch, và lịch sử bấy giờ là những việc làm và lời nói thuộc về phạm vi quá khứ; khi thì nhấn mạnh vào sự nó đã được lưu lại cho đến ngày nay nhờ người xưa đã bỏ công ghi chép lại (ký  là ghi chép), và lịch sử bấy giờ đồng nghĩa với tiếng sử ký 史 記 (ký là ghi chép); sau hết, có khi lại nhấn mạnh vào việc tìm tòi thời sự quá khứ, bởi vì muốn biết sự thật đã qua, người ta phải khó nhọc từ bỏ thế giới hiện tại để lùi về khoảng thời gian không còn nữa với những điều kiện riêng của nó, nhiều khi rất khác với các điều kiện hiện tại, và bấy giờ lịch sử có ý nghĩa giống như tiếng sử học 史 學.
    Trong các ngôn ngữ Tây phương, những tiếng chỉ về lịch sử, chỉ có tiếng Đức Geschichte, bởi động từ geschehen (xảy ra) là chỉ có nghĩa “sự việc xảy ra” và không bao hàm ý kiến ghi chép tìm tòi, còn các tiếng khác, như tiếng Hy lạp istoria, hay tiếng La-mã historia, hay sau đó, tiếng Pháp histoire và tiếng Anh history đều gồm tóm ba  ý nghĩa vừa nói.” (Sách đã dẫn, trang 21).
    Trong cuốn “Nhập môn Phương pháp Sử học”, (Sài gòn, 1974, trang 3) Giáo sư Nguyễn Thế Anh cũng đưa ra một số định nghĩa và cho rằng các danh từ lịch sử, sử ký, sử học thường bị hiểu lầm và thường được sử dụng lẫn lộn.
    Ý muốn xác định nguồn gốc những sự trạng đã qua mà tác giả Lời Giới Thiệu vừa nêu ra ở trên, nói theo ngôn từ sử học đó là xác định những mối dây nhân quả tức là đem ra ánh sáng những tương quan xưa nay chưa được nói đến giữa hai sự kiện, cũng gợi cho chúng tôi một số suy nghĩ. Theo Lm Nguyễn Phương “muốn thấy rõ hơn về tương quan nhân quả nên có một quan niệm rành mạch về nguyên nhân. Trong những khoa học riêng, như lịch sử, nguyên nhân cần phải tìm là nguyên nhân gần, nguyên nhân gây sự, chứ không phải tìm nguyên nhân xa, nguyên nhân của sự vật, như trong những khoa học chung như triết lý. Quan niệm về nguyên nhân cũng không phải là dễ phân tích. Nguyên nhân là bất cứ cái gì mà vì ảnh hưởng của nó đã làm cho một sự vật trước kia chưa có, và bây giờ có, hay là làm cho sự vật đó trước đã có dưới một hình thức nào đó, và nay đổi sang một hình thức khác. Trong lịch sử, khi nói đến nguyên nhân, người ta hiểu là những động cơ có những hiệu lực vừa nói. Đó là những động cơ hiệu lực, nghĩa là hoạt động của nó mang lại kết quả. Trường hợp chỉ là những gì giúp sức vào công việc của nguyên nhân.” (Nguyễn Phương, Sđd, trang 156).
    Thật ra không phải bây giờ người ta mới có quan niệm về nhân quả trong lịch sử mà ngay từ những ngày đầu khi mới khai sinh môn học này người ta đã từng tìm hiểu để lý giải về nhân quả. Giáo sư Nguyễn Thế Anh đã cho biết trường hợp của Polybe : “Polybe, người tỉnh Mégalopolis (vào khoảng 200-120 trước t.l.), đã là chứng nhân và là sử gia của sự bành trướng cường lực của La-Mã sau khi thắng Carthage. Có thể nói Polybe là sử gia thời Thượng cổ đã có một phương pháp gần giống như phương pháp sử học ngày nay. Sử mà ông ta viết được căn cứ trên những dữ kiện xác thực; Polybe không muốn chỉ là một nhà biên niên sử, mà đã đặt một vấn đề và đã cố gắng giải quyết vấn đề này: tại sao chỉ trong vòng nửa thế kỷ (từ 220 đến 168 trước t.l.), người La Mã đã có thể trở thành bá chủ miền Địa-trung-hải? Bằng cách nào và với một thể chế chính trị nào? Polybe vượt quá sự tường thuật các biến cố, để đi tìm những liên hệ giữa các nguyên nhân và hậu quả. Ông cho thấy là tình trạng quân bình trong hiến pháp La Mã giữa ba thể chế quân chủ, quí tộc và dân chủ, đã giải thích cho sức mạnh và sự thắng lợi của La Mã.” (Nguyễn Thế Anh, Sách đã dẫn, trang 13).
    Trong cuốn Petit Larousse illustré (1987), tiểu sử của Polybe được ghi lại như sau:
    “Polybe, historien grec, né à Mégalopolis (Arcadie) [v. 200-v.125/120 av. J.C.]. Il fit partie, après Pydna (168), des mille otages livrés aux Romains et vécut seize ans à Rome. Ses Histoires, par le souci qu’il a d’analyser méthodiquement les faits et d’en rechercher les causes, le classent parmi les grands historiens grecs.” (page 1612).
    Tạm dịch:
    Polybe, sử gia Hy lạp, sinh ở Mégalopolis (Arcadie) (vào khoảng 200-125/120 trước Chúa Giêsu). Sau Pydna (168), ông là một thành phần trong hàng nghìn con tin bị giao vào tay người La Mã và đã sống 16 năm ở Rô-ma. Tác phẩm của ông, Bộ Sử Ký, nhờ vào sự trăn trở suy tư mà ông đã phân tích được một cách có phương pháp các sự kiện lịch sử và tìm tòi được các nguyên nhân của chúng; nhờ vậy ông đã được liệt vào hàng một trong những sử gia lớn của Hi lạp.
    Trong tác phẩm bất hủ Sử Ký, Tư Mã Thiên đã viết về cái dũng của người viết sử trong câu chuyện như sau:
    “Vào thời Xuân Thu, sau khi tướng quốc nước Tề là Thôi Trữ giết vua Tề là Trang Công để thâu tóm quyền lực, bèn gọi Thái sử Bá đến ra lệnh:
    -Ông phải viết rằng Tiên Vương chết vì bị bệnh nặng.
    Thái sử Bá nói:
    -Lịch sử không thể ghi chép hồ đồ. Viết theo sự thật là bổn phận của Thái sử.
Thôi Trữ không ngờ Thái sử Bá dám chống lệnh, nổi giận:
    -Ông định viết thế nào?
    Thái sử Bá đáp:
    -Tôi viết xong rồi, ông sẽ biết ngay thôi.
    Thôi Trữ cầm lên đọc thấy rõ:
    -Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân (nghĩa là vào tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ giết vua).
    Thôi Trữ nói:
    -Ông phải viết khác đi, nếu không ta giết ông.
    Thái sử Bá lắc đầu:
    -Giết thì giết, tôi không thể viết khác.
    Thôi Trữ liền chém. đầu Thái sử Bá.
    Thái sử Trọng là em trai Thái sử Bá, nghe tin anh bị giết liền đến thay chức vụ của anh. Thôi Trữ kinh ngạc vì thấy Trọng vẫn viết đúng như anh trai mình, liền rít lên:
    -Ông không biết Thái sử Bá đã bị chém. hay sao?
    Trọng đáp:
    -Thái sử chỉ sợ viết không trung thực chứ không sợ chết.
    Thôi Trữ lại chém Thái sử Trọng.
    Thái sử Thúc, em trai Thái sử Bá và Thái sử Trọng được vào thay. Ông cũng chép đúng như hai anh của mình và lại bị chém. Thái sử Quý, em út của ba Thái sử trên vào thay, vẫn viết: “Hạ ngũ nguyệt Thôi Trử thích quân”. Viết xong ông nói với Thôi Trữ:
    -Ông càng giết người thì càng chứng tỏ sự tàn bạo. Nếu tôi không viết thì người khác sẽ viết và thiên hạ cũng biết. Ông có thể giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật.
    Thôi Trữ nghe xong, lắc đầu, thở dài, không dám giết tiếp.
    Được Thôi Trữ tha mạng, Thái sử Quý cầm cái thẻ trên viết việc Thôi Trữ giết vua đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị. Thái sử Quý hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:
    -Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa Hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép.
    Quý đưa cái thẻ của mình đã chép cho Nam Sử Thị xem. Nam Sử Thị mới cáo từ mà về.”
(Tham khảo Website của nhà văn Đỗ Phương Khanh).
    Lịch sử phải là khách quan” vốn là điểm nhấn mạnh trong Lời Giới Thiệu của ĐGM Nguyễn Thái Hợp tuy nhiên việc ghi chép lại sự kiện lịch sử cũng là vấn đề khiến sử gia suy tư không ít trong nhiệm vụ của mình. Giáo sư Nguyễn Thế Anh cho biết: “ Không thể tách biệt khách quan tính với chủ quan tính trong việc nghiên cứu, vì hai yếu tố này liên đới chặt chẽ với nhau, đến nỗi H.I. MARROU đã có thể viết rằng: “cái nhìn của sử gia vừa là sự nhận hiểu khách thể (tức là đối tượng nghiên cứu), vừa là tác động tinh thần của chủ thể nhận tri (tức là người thực hiện việc nghiên cứu)”. Sự thật của sử học vừa khách quan, vừa chủ quan; đây là quá khứ được hiểu biết một cách xác thực, nhưng mà là quá khứ nhìn dưới con mắt của sử gia. Sự thật của sử học là một sự thật kép, là một phức hệ trong đó hỗn hợp cả chủ thể nghiên cứu và khách thể được nghiên cứu. Tính chất ấy đưa vào tri thức sử một nguyên tố tương đối. Nhưng mọi hiểu biết của con người đều tương đối cả, đều cùng mang dấu địa vị của con người trong thực tại và trong vũ trụ. Nếu có một phần của cá nhân của sử gia trong việc luyện thành tri thức sử, tình trạng này không ngăn cản sử học đưa đến một sự hiểu biết xác thực về quá khứ.” (Sách đã dẫn, trang 81).
    Để làm nổi rõ thêm các luận điểm của mình, GS Nguyễn Thế Anh đã trích dẫn Paul Ricoeur trong quyển Histoire et Vérité (tr. 26) khi cho rằng “sử gia cần có một chủ quan tính, nhưng một “chủ quan tính thích ứng với khách quan tính tương xứng với sử học”. Đây là “chủ quan tính tốt” (bonne subjectivité) của bản ngã nghiên cứu, của bản ngã đi tìm hiểu; nó bao gồm một thái độ sẵn sàng tìm hiểu, một thái độ cởi mở, nhờ đó mà sử gia thắng nổi chủ quan tính xấu (mauvaise subjectivité), chủ quan tính của những sự thù hằn, giận ghét, chỉ trích.” (Nguyễn Thế Anh, Sđd, trang 81). Như vậy tính nhân bản trong khi hoàn tất các công trình sử học cũng là một điều kiện đòi hỏi nơi người viết sử khi tiếp cận với sự thật trong các biến cố do tư liệu ghi lại.
    Ở một đoạn văn khác, Giáo sư Nguyễn Thế Anh cũng xác quyết rằng: “ Sử học có thể tìm ra một sự thật chính xác, tuy sự thật ấy bị giới hạn bởi những sự lệ thuộc ràng buộc thân phận của con người. Sự thật của sử học đúng thực, nhưng không trọn vẹn, không đầy đủ: chúng ta có thể biết nhiều điều về quá khứ, nhưng chúng ta không thể biết tất cả quá khứ, và chúng ta cũng không thể biết hết về một phương diện nào đó mà thôi của quá khứ. Tại vì, trong sự thật lịch sử, bao giờ cũng có nhiều khía cạnh mà giả thuyết khéo léo nhất cũng không tài nào bao quát hết: giả thuyết này chỉ là một lối quan sát mà thôi, nó được tác thành để giải quyết một vấn đề đặc biệt và hạn định, nó căn cứ trên một sự lựa chọn giữa những phương diện vô số của sự thật lịch sử. Sử gia chỉ giữ lại những yếu tố mà sử gia cho là có ích để giải thích những hiện tượng nghiên cứu.” (Sđd, trang 82).
    Tác phẩm “Lịch sử Giáo phận Vinh” đã tỏ rõ sự can đảm của ngòi bút khi mạnh dạn vạch ra thái độ gian trá của Ủy ban Khoa học Xã hội, trong bộ “Lịch Sử Việt Nam”khi trích dẫn một câu mà A. Thomazi cho là của  Alexandre de Rhodes mà không ghi rõ xuất xứ. Trong cuốn La conquête de l’Indochine (Paris: 1934), ở trang 13, A.Thomazi, một cựu thuyền trưởng Hải quân Pháp, viết về A.de Rhodes như sau: “Le Père Alexandre de Rhodes aborda en Cochinchine en 1624, passa vingt-cinq ans dans ce pays et au Tonkin; il en rapport la première carte du pays, un dictionnaire annamite – latin – portugais, une histoire du Tonkin, et signala les possibilité qui s’offraient au commerce. “Il y a là, écrivait-il, une place à prendre, et, en s’y établissant des marchands d’Europe pourraient y trouver une source féconde de profits et de richesse”. Câu này phần sau được Ủy ban Khoa học Xã hội dịch là: “Đây là một vị trí cần phải chiếm lấy và chiếm được vị trí nầy thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú.” Khi thấy A. Thomazi không nói rõ Alexandre de Rhodes viết câu nói trên ở nơi nào trong toàn bộ tác phẩm của ngài, Viện Sử Học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội đã thản nhiên tạo thêm chú thích mới “Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Paris, 1653, 109-110.”    Nguyễn Đình Đầu trong bài báo “Dân ta phải biết sử ta”, đăng trên Công giáo & Dân tộc, số 1582 (9-11-2006), trang 35 và trước đó Vương Đình Chữ viết “Một ngộ nhận về Alexandre de Rhodes”, Công giáo & Dân tộc, số 901 (4-4-1993), trang 18-19 công khai phủ chính về chuyện này nhưng Ủy ban Khoa học Xã hội vẫn ngoan cố giữ nguyên luận điệu xuyên tạc cũ. Thái độ này của sử quán nhà nước Cộng Sản cũng không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì như Văn Tạo, một công chức viết sử ăn lương nhà nước đã nói trước đây, công khai ở Đại Học Paris VII năm 1988 : “Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới.”
    Trong tác phẩm Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam (Bilingue, Tome I, Định Hướng Tùng Thư, 2004, trang 105), Roland Jacques cũng đã lưu ý đến vấn đề này và viết rằng : “mais cette prétendue citation, qui a souvent été reprise et commentée (en mauvaise part) dans les publications du Việt-nam indépendant, semble être une invention de Thomazi.”(nhưng lối trích dẫn hàm hồ này thường được lấy lại và bình luận (với ý xấu) trong các sách được xuất bản của Việt nam sau nầy, đường như là một sự bịa đặt của Thomazi).
    Một điều chúng tôi hơi buồn và xin nhắc ông Vương Đình Chữ là ở trang 19, trong cước chú số 13, câu văn Pháp ngữ được trích dẫn đã đánh máy sai đến 4 chỗ! Đây là một câu nói quan trọng của một tác giả người Pháp được nêu ra để nói lên sự thiếu lương thiện của Ủy ban Khoa học Xã hội nhưng lại viết rất cẩu thả, sai lạc thí dụ vingt-cing thay vì vingt-cinq, premìere thay vì première, dictionanaire thay vì dictionnaire, feconde thay vì féconde. Ở chỗ nào sai sót có thể châm chước được nhưng ở chỗ mình muốn cột buộc “đối phương” mà lại để “trống lưng” như vậy thì thật là không nên. Việc kiểm soát lại bản in không thể làm một cách tắc trách, chiếu lệ được!
    Ngoài ra, cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh” cung cấp một con số gồm 1582 chú thích đi liền một mạch từ Lời Giới Thiệu (trang 13) đến trang 645 thật sự đã không đáp ứng đúng kỹ thuật đòi hỏi của phương pháp sử. Cách ghi cước chú, theo Lm Nguyễn Phương. cũng là cả một vấn đề. Theo sử gia này, “đánh số cước chú thường phải tùy hai trường hợp. Nếu là một bài vắn không chia thành chương mục gì, thì thứ tự cước chú nên gồm toàn cả bài, vì bấy giờ chắc rằng con số các cước chú không đến nỗi to lắm. Nhưng nếu là một sử phẩm có qui mô, thì thứ tự cước chú có thể theo từng trang một, trong trường hợp đặt cước chú ở cuối mỗi trang, hoặc theo từng chương một. Không bao giờ nên để cho thứ tự đó gồm cả tác phẩm, vì như thế những con số cuối sẽ quá lớn và gây nên nhiều bất tiện trong việc chiếu khán. Về chính con số thứ tự nầy khi đặt trong chính bản văn, sử gia nên đặt nó ở cuối câu trong đó có chỗ cần phải chú thích, hơn là đặt nó ngay vào chỗ của nó. Những cước chú có tính cách tổng quát nên cho nằm ở cuối đoạn văn (paragraphe).” (Sđd, trang 179).
    Với việc đặt cước chú riêng từng chương, người ta có thể nói thêm rất nhiều những quan điểm, ý kiến của mình có liên quan đến từng cước chú, từng tác giả, hoặc từng đoạn văn và đó cũng là yếu tố kích thích tinh thần sáng tạo của sử gia hay người biên soạn tác phẩm. Trong một cuốn sách có tên Triumph forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, của Mark Moyar, viết lại về giai đoạn thời cố TT Ngô Đình Diệm, được coi là một tác phẩm “phi chính thống” nghĩa là phản biện lại các luồng tư liệu trước đây của Hoa Kỳ và các nước Tây phương viết về nền Đệ I Cộng Hòa, với số tài liệu khai thác được đặt trong phần cước chú nằm hẳn từ trang 419 đến 502 của cuốn sách.
    Nói chung, nghề viết sử phải là một chọn lựa của những người được huấn luyện có tay nghề, biết tôn trọng sự thật dù sống trong một xã hội đầy gian trá, điêu ngoa. ĐGM Nguyễn Thái Hợp, trong Lời Giới Thiệu ở trang 19 có viết: “Cuối cùng, nếu tôn chỉ của nghề viết sử là “chép đúng sự thật” thì việc thực hiện nó trong xã hội hiện nay vẫn luôn luôn là một thách đố và một sứ vụ đòi hỏi phải trả giá.” Chúng tôi xin phép in đậm hai chữ thách đố. Một sử gia nổi tiếng người Anh, Arnold J. Toynbee trong bộ sử The Study of History gồm 12 pho xuất bản ở Luân-đôn và Nữu-ước từ năm 1934 đến 1961 và đã được D.C. Somervell tóm lược dưới nhan đề History, an essay of interpretation đã đưa ra nhận định rằng: “Sự phát triển hay suy đồi của các nền văn minh bị chi phối bởi một định luật, định luật challengeresponse, tức là sự đáp ứng trước những thách đố do môi trường thiên nhiên hay xã hội đưa đến. Có tiến bộ là nhờ ở một sự thách đố gây nên một đáp ứng thành công; sự đáp ứng này lại tạo nên một thách đố mới mà cần phải tìm một đáp ứng thỏa đáng khác…” (Nguyễn Thế Anh, Sđd, trang 18). Xã hội Việt Nam do đảng CSVN cai trị sau ngày 30-4-1975 đã tạo nên quá nhiều thách đố cho người dân hai miền trong cuộc sống và nhân dân đã tìm sự đáp ứng bằng nhiều biện pháp trong đó có vượt biên. Nghề chép sử, nhất là chép sử tôn giáo phát triển hay suy đồi cũng bị chi phối bởi định luật bất biến này. Đất nước với cơ chế độc tài hay tự do, xã hội với nhân sinh quan dối trá hay lành mạnh luôn luôn đặt ra những thách đố được coi như là những rào cản, những trói buộc. Điều quan trọng là những người “có tâm” và “có trí” dám vượt qua các rào cản hay trói buộc đó để thực hiện sứ vụ viết sử trong tinh thần tôn trọng sự thật như anh em Thái sử trong Sử Ký của Tư Mã Thiên hay không?

    24.-Con đường hội nhập dài thăm thẳm:  Con đường tuy dài nhưng đầy triển vọng.
    Trong tiểu mục số 4 của Lời Giới Thiệu, ĐGM Nguyễn Thái Hợp viết về con đường hội nhập, và cho rằng “Trước khi Kitô giao du nhập vào Việt Nam, thì Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo đã thành công trong việc hội nhập vào lối sống, cũng như nếp nghĩ của người dân Việt. Tam giáo hòa đồng đã trở thành một “nét văn hóa dân tộc. Do vỏ cứng của thần học và bối cảnh Giáo hội thời hậu Công đồng Trento, Giáo hội Công giáo, không những không thành công trong việc hội nhập văn hóa, trái lại còn bị coi là ngoại lai, xa lạ với môi trường văn hóa Việt Nam. Vấn đề thờ cúng tổ tiên đã là đề tài tranh luận gay gắt giữa các nhà truyền giáo suốt gần một thế kỷ và việc cấm “Nghi lễ Trung Hoa” đã gây nhiều hiểu lầm và tang tóc cho Giáo hội Công giáo Việt Nam” (trang 22).
    Trước hết vấn đề hội nhập mà ĐGM Nguyễn Thái Hợp nêu ra ở đây là hội nhập văn hóa (inculturation) vậy cần tìm hiểu định nghĩa bốn chữ “hội nhập văn hóa”. Sự hội nhập văn hóa, thuật ngữ trở nên thông dụng trong lãnh vực truyền giáo ở hạ bán thế kỷ 20, chỉ việc đem Tin Mừng “nhập thể” vào các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, hoặc diễn tả đức tin Ki-tô giáo sao cho phù hợp với đặc tính văn hóa của các dân tộc để muôn dân nhận biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. Công đồng Va-ti-can II dạy rằng Giáo Hội phải loan báo, cử hành và sống trong tất cả các nền văn hóa. Mầu nhiệm Đức Ki-tô không xóa bỏ, nhưng cứu chuộc và kiện toàn các nền văn hóa. Chính nhờ nền văn hóa riêng được Đức Ki-tô tiếp nhận và thanh luyện, đông đảo con cái Thiên Chúa đến được với Chúa Cha để tôn vinh Ngài trong cùng một Thánh Thần. Như thế, hội nhập văn hóa gồm hai mặt: thích ứng sứ điệp Ki-tô giáo với nền văn hóa và kiện toàn nền văn hóa ấy theo tinh thần Ki-tô giáo. Hai mặt ấy làm phát sinh mối quan hệ tương tác hai chiều giữa đời sống Ki-tô giáo và đời sống của nền văn hóa. Một số nhà truyền giáo học sử dụng mẫu thức nhập thể [incarnation] để mô tả sự hội nhập văn hóa: một khi đức tin Ki-tô giáo “nhập thể” vào nền văn hóa thì những con người thuộc về nền văn hóa ấy dễ dàng đón nhận đức tin Ki-tô hơn; việc truyền giáo chắc chắn sẽ thất bại nếu giáo lý rao truyền bị tách biệt khỏi nền văn hóa, cũng như thiên tính của Đức Ki-tô không thể tách biệt với nhân tính của người. Trong hội nhập văn hóa, không những nền văn hóa được Ki-tô hóa mà, ngược lại, Ki-tô giáo cũng được “văn hóa hóa”, nghĩa là Tin Mừng được rao truyền và được áp dụng theo cách thức phù hợp với nền văn hóa cụ thể. Như thế, truyền giáo không những làm cho Ki-tô giáo lan rộng hơn mà còn là quá trình phong phú hóa Ki-tô giáo. (Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh-Việt, Nhà xuất bản Đồng Nai, 2014, trang 1032).
    Một ý kiến khác bổ túc cho sự cần thiết của vấn đề hội nhập văn hóa : “Hội nhập văn hóa là điều cần thiết cho chính Giáo Hội. Nó vun đắp cho Giáo Hội thêm phong phú. Quá trình hội nhập văn hóa rút tỉa một cách có tôn trọng những yếu tố tốt đẹp của một nền văn hóa, đổi mới chúng từ nội tại và hấp thụ chúng để chúng trở nên thành phần của khối hiệp nhất Công giáo. Cong ôiáo tính của Giáo Hội càng được nhận thức đầy đủ hơn khi nó có thể hấp thụ và sử dụng những điều quý giá trong nền văn hóa của một dân tộc vì vinh danh Thiên Chúa.” (Sách giáo lý hội nhập văn hóa của Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, Nguyễn Đình Diễn, Sách đã dẫn, trang 1033).
    Một câu hỏi đến với chúng tôi rằng quả thật Phật, Khổng, Lão đã thành công trong việc hội nhập vào lối sống, nếp nghĩ của dân tộc VN để trở thành nét văn hóa dân tộc không? Văn hóa dân tộc một khi đã trở thành dân tộc tính thì có nên biến nó trở thành bản tính khép kín, bất di bất dịch nhưng là một cái vốn mà chúng ta có thể làm giầu thêm nhờ sự góp mặt vào đời sống xã hội của Ki-tô giáo không?    Một số nhận định của ĐGM Nguyễn Thái Hợp vừa trích dẫn xem ra thật khác xa với quan điểm của Giáo sư Trần Văn Toàn trình bày trong cuốn sách nhỏ có tên “Đạo Trung Tùy Bút” do Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội phát hành năm 2008. Ở trang 85, GS Trần Văn Toàn viết: “Các giáo sĩ đạo Thiên Chúa từ Tây phương sang Việt Nam vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, chính vào lúc Nho thịnh, Phật và Lão suy. Cho nên tiếng là đi vào đất của tam giáo, nhưng thực ra chỉ gặp gỡ và đối thoại với Nho giáo là chính.
    Để giải thích tình trạng đó, có người cho rằng Phật giáo đã rất thịnh trong mấy thế kỷ được các vua nhà Lý, nhà Trần, rất mực nâng đỡ, thế rồi thịnh quá hóa suy, là hợp với lẽ tuần hoàn trong trời đất. Tôi không biết được lẽ trời, nhưng thiết tưởng còn có lý do khác. Thực vậy, gặp lúc sự sống còn của dân tộc, của quốc gia, bị quân Nguyên, rồi quân Minh, đe dọa một cách cực kỳ nghiêm trọng, những người có trách nhiệm trong nước không thể lấy phép tu tiên, lấy quan niệm điềm tĩnh vô vi, bất động, bất bạo động, lấy con đường giải thoát cá nhân ra khỏi vòng sinh tử, làm phương tiện bảo vệ đất nước. Lý do làm cho Nho thịnh, đó là vì nó đưa ra được những nguyên tắc để tổ chức xã hội sao cho hùng mạnh, có trật tự. Dân chúng cũng nghĩ như thế, cho nên đinh ninh rằng Trời, rằng Phật đều dạy chính đạo tam cương ngũ thường, cũng dạy người ta phải trung phải hiếu… Người Việt, bên lương cũng như bên giáo, thường có điều thắc mắc, vì nghĩ rằng theo đạo từ ngoại quốc đưa vào, thì tất không hợp với tập tục của mình. Có người cho rằng đi đạo là bỏ ông bà cha mẹ. Vì thế ngay từ buổi đầu, các giáo sĩ đã ra công giải thích rằng: tuy đạo Thiên Chúa từ Thái-Tây truyền sang, nhưng nguồn gốc nó lại là từ Tiểu-Á, đàng khác truyền thống tam giáo Việt Nam cũng là từ ngoại quốc, Ấn Độ và Trung Hoa, đem vào, và sau cùng thì người theo đạo Thiên Chúa sống ở đời cũng không ngoài phạm vi trung hiếu, có khác chăng là khác thể thức.”
    Về phương diện hội nhập văn hóa, từ năm 1615, Đức Giáo Hoàng Phaolồ V trong văn kiện Romanae Sedis antistes đã cho phép dịch Kinh thánh sang Hán văn, cho cử hành thánh lễ, làm các phép và đọc sách nguyện bằng Hán văn. Năm 1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII cho phép truyền chức linh mục cho các tiến chức người Hoa, chỉ cần đọc được tiếng La tinh mà không cần hiểu nhưng rồi nhiều khó khăn, bất tiện cũng xảy tới nên các nhà truyền giáo cả người Âu cũng như người Việt cuĩng đã linh động sáng tạo ra nhiều nghi lễ để nâng đỡ đời sống tôn giáo của giáo dân như làm hang đá máng cỏ, hát vãn sinh nhật, diễn tuồng thương khó, ngắm đứng, mặc tang phục, đi đứng bái quì theo nhịp sênh nhịp trắc, dâng hoa hát vãn, đi kiệu Đức Bà. Đó là di sản văn hóa công giáo. Từ Công Đồng Vatican II trở đi giáo dân trực tiếp tham gia vào thánh lễ cử hành bằng tiếng Việt, nhiều nghi thức khác áp dụng tiếng Việt trong hôn phối, nghi thức đưa xác chết, chôn cất, xây dựng các nhà thơ theo kiểu Á đông v.v… Giáo sư Trần Văn Toàn cho biết các tôn giáo khác cũng vay mượn ít nhiều từ ngữ, nghi thức của đạo Công Giáo Việt Nam như cụm từ Giáo Hội, Nha Tuyên Úy, hôn lễ ở nhà chùa, các tổ chức hội đoàn v.v…Đó cũng là những thành công trong vấn đề hội nhập văn hóa.
    Về âm nhạc các nhà truyền giáo Tây phương ngay từ buổi đầu đã đem âm nhạc bình ca vào Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX các vị thừa sai đặt lời Việt Nam vào một số bài hát tiếng Pháp. Trong các làng công giáo ở thôn quê thường có hội bát âm, cử hành những bài theo điệu Lưu thủy, Hành vân, Kim tiền. Tại các giáo xứ lớn ở Bắc cũng có đội kèn Tây hay hội kèn. Ở Giáo phận Huế, Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích là một bậc túc nho có nhiều tài năng như hội họa, thi ca, âm nhạc đã sáng tác nhiều bài hát tiếng Việt ca tụng Đức Mẹ, (bài Lạy Đức Mẹ La Vang), ca tụng các thánh tử đạo như bài hát Mừng Thánh Tô Ma Thiện, Kính Á Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, các bài thánh ca mùa Giáng Sinh, các bài hát nói lên lòng ái quốc, hướng đạo sinh v.v… cũng lấy theo các điệu trong âm nhạc cổ truyền VN như ca Huế, Tứ đại cảnh, Nam Bình, Nam Ai, Đăng đàn cung v.v…
    Nền tân nhạc Việt Nam khởi đầu cũng là do công sức của hai vị Linh mục là cha Gabriel Long và Phaolồ Đạt trong bài thánh ca bất hủ “Nửa đêm mừng Chúa ra đời” sáng tác khoảng năm 1912 phối hợp từ những kỹ năng tuyệt vời của nhạc lý mà các vị ấy thủ đắc từ trong các đại chủng viện ở Sài-Gòn, kết hợp âm thanh từ những bước chân của trâu bò VN vùng thôn dã, tiếng gà gáy, tiếng chim cu v.v…
    Từ “Cách mạng tháng Tám” thì ở Việt Nam các thầy đại chủng viện Hà Nội có phong trào bỏ các bài hát Tây và đặt ra một số bài hát đạo bằng tiếng Việt.
    Về kiến trúc nhà thờ, Giáo sư Trần Văn Toàn ghi nhận: “Ở miền thôn quê các nhà thờ thường có một cái “hội nhập văn hóa” đặc biệt Việt Nam: đó là cái ao. Nhà thờ và cái ao trông như một hòn non bộ ở cạnh bồn nước. Có sơn có thủy (nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy!) Giáo dân thì thường có óc thực tiễn hơn là thẩm mỹ, cho nên thường dùng để rửa chân trước khi vào nhà thờ. Như thế vừa là để kính Chúa, vừa là để giữ nhà thờ cho sạch.” (trang 154).
    Theo Giáo sư Trần Văn Toàn, thuyết “tam phụ” của đạo Thiên Chúa ở Việt Nam là một lối hội nhập văn hóa rất khéo đã được cha Alexandre de Rhodes và các giáo sĩ Dòng Tên khác áp dụng trong phương thức truyền giáo ở nước ta. Thuyết tam phụ chủ trương “thượng phụ” là Thiên Chúa tức là chúa tể cả trời đất ở trên hết, kế đến “trung phụ” là vua chúa tức là vị cai quản đất nước, quốc gia, dưới hết là “hạ phụ” tức cha mẹ trong gia đình.    Giáo sư Trần Văn Toàn cho biết quan niệm tam phụ không phải là không có chút nền tảng trong văn hóa Việt Nam. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có nhận xét trong Phép giảng tám ngày như sau: “Thật có cha cả là Chúa cả hóa ra mọi sự. Nhin (nhân) vì sự ấy thì đầu năm vua Chúa An nam làm phép cả, có đại thần cả và nước và quân quốc đều cùng thiên hạ đi cùng, ra giao mà tế thượng đế, đến khi vua Chúa đã tế thượng đế đoạn, thì đại thần cùng kẻ cả trong nước, cùng cả và thiên hạ mới lạy vua Chúa trước mặt dân. Thôi đoạn ai nấy thì về nhà mà lạy cha mẹ cùng kẻ bề trên mình, ông bà ông vải. Trong việc này ta xét được người An nam lấy lẽ mình mà thờ ba đấng cha, dù mà chưa biết tỏ tường.” (trang 110).
    Cố gắng của các giáo sĩ Dòng Tên là tìm được trong nền văn hóa Việt Nam những nét tương đồng với giáo lý của đạo Công Giáo, thí dụ Điều răn thứ tư “Thảo kính cha mẹ”, hoặc giáo lý (của Giám Mục Bá Đa Lộc soạn như Chân Đạo Dẫn Giải, Chân Đạo Yếu Lý) đều dạy người giáo hữu phải tôn kính vua chúa, trung thành và biết ơn v.v…
    Muốn hiểu sự thành công trong việc hội nhập văn hóa của đạo Công Giáo ở Việt Nam, phải thoát ra khỏi định kiến có sẵn và quan sát kỹ vào cách sống đạo của người Ki-tô hữu Việt Nam qua lễ nghi, âm nhạc, kiến trúc, kinh hạt v.v… nhất là sau Công Đồng Vaticano 2 cho đến ngày nay.
    Một vị linh mục Việt Nam nổi tiếng trong lãnh vực thần học thế giới, Cha Phêrô Phan Đình Cho cũng có ý kiến khẳng quyết về sự thành công trong “hội nhập văn hóa” như sau: “Việc đưa sự tôn kính tổ tiên vào Thánh Lễ, nhất là nhắc đến “tổ tiên” trong Kinh nguyện Thánh thể đánh dấu một bước tiến rất xa trên con đường hội nhập văn hóa vào phụng vụ tại Việt Nam. Chúng ta đã tiến đi được một chặng đường dài kể từ thời Tranh luận về lễ nghi Trung Hoa. Về phương diện thần học, điều này rất quan trọng, ít ra vì hai lẽ. Thứ nhất, khi nhắc đến tổ tiên cách minh nhiên trong Kinh nguyện Thánh thể và khi cầu nguyện cho các ngài, bản văn Việt ngữ không phân biệt  tổ tiên Ki-tô hữu và tổ tiên ngoài đạo (trong số các Ki-tô hữu tham dự thánh lễ, có nhiều người mà tổ tiên không được nhận lãnh bí tích Rửa tội). Trong việc tôn kính tổ tiên, chúng ta tôn kính các ngài không phải vì các ngài đã rỗi linh hồn hay đã lên thiên đàng, mà chỉ vì các ngài là tổ tiên của chúng ta. Chỉ do mối dây huyết thống mà tổ tiên che chở cho con cháu, và con cháu tôn kính tổ tiên.”- Peter C. Phan, Suffrage for the Dead. (Nguyễn Đình Diễn, Sách đã dẫn, trang 1033).
    Không quá khiêm tốn, gạt bỏ bớt mặc cảm, nhìn đúng sự thật, phải nói rằng con đường hội nhập văn hóa của đạo Công Giáo tại Việt Nam đã từ những chỗ khúc khuỷu bước vào chốn quang đảng, thênh thang, bởi lẽ hội nhập văn hóa là một hành trình đức tin dài lâu, chấp nhận thử thách, chắt lọc chất liệu để đạt tới những tinh hoa trong đời sống tôn giáo và cộng đồng dân tộc.
    Đến đây, chúng tôi nhớ đến Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, (bào huynh của Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, người viết Lời Bạt trong cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh”) là người đã chỉ trích nhiều nhất về hình ảnh một ngôi nhà thờ Công Giáo ở thôn quê VN, với tháp chuông cao vút mọc thẳng lên trời xanh giữa một vùng chung quanh là đám dân đạo nghèo khổ mà ông cho đó là “un objet inconnu” (một dị vật xa lạ). Quan điểm của người giáo dân khi nhìn ngôi nhà thờ dĩ nhiên khác xa với ông Bác sĩ Tây học – mácxít này. Qua lời nói của BS Viện, tôi nhớ về chuyện Linh mục Nguyễn Văn Kiều (1903-1971) ở giáo xứ Làng Truông. Ở trong trại tù Nam Hà tỉnh Hà Nam Ninh, mà tôi đã trải qua hơn 13 năm diện bích sau 30-4-1975, tôi sống chung phòng với nhiều người trong đó có một người bạn thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng tên là Nguyễn Đức Viên (Phật Giáo) dạy học ở Huế. Anh Viên bị Việt Minh bắt từ năm 1946 vì tội đảng viên VQ và giam ở Trại Đưng đến 1954 và Trại Đưng cách giáo xứ Làng Truông (Ngàn Sâu, Hà Tĩnh) có lẽ chừng bốn ngày đường rừng. Tất cả các tù nhân chính trị thuộc Đại Việt, Việt Quốc bị Việt Minh bắt từ 1946 đều ở Trại Đưng hoặc Bến Hới. Những người tù chính trị được thả ra từ Trại Đưng thường tìm cách dặn anh em còn bị giam là khi được thả ra cứ nhắm nóc nhà thờ xứ Làng Truông ở hướng mặt trời mọc mà đi tới, hỏi cha Kiều thì ngài sẽ giúp đỡ. Un objet inconnu mà ! Anh Viên được thả ra vào lúc ký Hiệp Định Genève 1954, và anh cũng tìm tới giáo xứ Làng Truông, được cha Kiều giúp cho áo quần, thuốc men và cho dạy học trong xứ của ngài. Sau đó cha Kiều cho anh Viên ít tiền đường lộ phí và hướng dẫn anh về Huế. Nhiều người tù nhân chính trị cũng được cha Kiều giúp như vậy sau khi họ được thả ra. Năm 1955, cha Nguyễn Văn Kiều di cư vào Nam ở giáo xứ Vinh Hà, Bình Giả. Cuộc đời thánh thiện của cha Nguyễn Văn Kiều là một chứng nhân đức tin của Giáo phận Vinh. Nhiều khi “un objet inconnu” (nhà thờ xứ Làng Truông) như vậy mà trở thành dấu chỉ bàn tay quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, là ốc đảo của người đi trong sa mạc. Cha Nguyễn Văn Kiều là ân nhân của nhiều người tù chính trị Việt Nam sau khi ra khỏi nhà tù VM giai đoạn 1945-1954.
   
    III.- GIỮA LÒNG GIÁO HỘI, ĐỌC MỘT CUỐN SÁCH HỮU ÍCH.

    Trong Lời Giới Thiệu của ĐGM Nguyễn Thái Hợp, đó đây ta bắt gặp những câu văn nói lên ước mơ về phong thái của người viết sử đó là “không những phải có cái tâm, mà còn cần cái trí, nghĩa là đồng thời là người có công tâm và chuyên môn cao.” Về sử liệu, “nhiều lần chúng lại là những tài liệu giả mạo, đầy tính tuyên truyền hay mang nặng yếu tố ý thức hệ hoặc chủ quan”, về quan điểm thậm chí “có những tài liệu đã bị bóp méo và chính trị hóa, giáo điều, thiên lệch, thiếu tính khách quan,có chỗ xuyên tạc”, tất cả thực trạng đó cũng đã khiến cho một vị giáo sư đại học như giáo sư Hà Văn Tấn cũng phải đặt vấn đề: “Đã đến lúc những người chép sử, những nhà sử học phải tự hỏi rằng: “Sử bút” của mình đã thật nghiêm chưa, đã viết đúng sự thật lịch sử hay chưa?” ĐGM Nguyễn Thái Hợp cuối cùng cũng phải công nhận rằng “nếu tôn chỉ của nghề viết sử là “chép đúng sự thật” thì việc thực hiện nó trong xã hội hiện nay vẫn luôn luôn là một thách đố và một sứ vụ đòi hỏi phải trả giá.”
    Trong một lá thư gửi cho Đại Đế Frederick ngày 27-5-1773, văn hào Voltaire (Francois Marie AROUET 1694-1778) có viết: “Lịch sử được viết tốt chỉ trong một đất nước có tự do.” (History can be well written in a free country).
    Quan điểm của những người viết sử ngày nay so với quan điểm của Voltaire cách đây gần ba thế kỷ cho chúng ta một ý nghĩ chung đó là nghề viết sử không là độc quyền của ai nhưng dành cho những kẻ biết tôn trọng sự thật và có kỹ năng. Những điều ĐGM Nguyễn Thái Hợp viết trong Lời Giới Thiệu được coi như “dẫn nhập” của cuốn sách có thể đã trình bày những điều ngài cảm nhận một cách nhẹ nhàng, khôn ngoan mà cũng nói lên được một số quan điểm ít tác giả trong nước khi viết về vấn đề tôn giáo dám thẳng thắn trình bày.

    31.- “Lịch sử Giáo Phận Vinh”, một tác phẩm được biên soạn công phu, có phương pháp.
    Trong cuốn Phương pháp Sử học, Sử gia Linh mục Nguyễn Phương đã viết những dòng chữ cách đây hơn nửa thế kỷ mà nay cũng vẫn còn nghiệm đúng : “Ngày nay, giữa lúc loài người đang đại hội cạnh tranh kỹ thuật để tiến, phương pháp là một điều kiện tối yếu cho mọi hữu ích của con người.. Nói rằng không có phương pháp, là chẳng khác gì tả ra cái cảnh cổ sơ, chậm tiến, và do đó, cả cái cảnh nô lệ, lầm than. Thật thế, vì phương pháp chính là kho tàng kinh nghiệm của nhiều người, tích lũy lại qua nhiều đời… Về môn sử học cũng thế, người ta cũng phải nhờ đến phương pháp để có thể vươn lên cho đến chân lý của thời sự quá khứ. Qua nhiều thời đại, kinh nghiệm của nhiều sử gia lăn lộn trong nghề đã vạch ra cho người chép sử một đường lối làm việc tiến ích và hữu hiệu. Đường lối đó gọi là phương pháp sử học và với đường lối đó chẳng những người ta tránh được sai lầm, mà còn tiết kiệm được thì giờ, công phu.” (Sách đã dẫn trang 9-11).   
    Tác phẩm viết về lịch sử Giáo phận Vinh do ông Vương Đình Chữ chủ biên được viết theo lối tạm gọi là biên niên tức theo thứ tự thời gian trình bày các sự kiện, nhân vật, biến cố. Trước đây ở Trung Hoa cũng như Việt Nam cũng việc chép sử theo lối biên niên, và ở trong cách thức này người ta thường “làm hiện ra những mối dính dáng giữa các sự kiện nhân văn và các thiên triệu (tức các hiện tượng trời đất) như nhật thực, nguyệt thực, động đất, lụt lội, bệnh dịch v.v… Các thiên tai, các điều dị thường này được coi là những lời cảnh cáo hay những phản ứng của thiên đình trước việc làm của vua chúa.” (Nguyễn Thế Anh, Sách đã dẫn, trang 6). Cuốn sách của ông Vương Đình Chữ chủ biên đã trình bày một dàn bài chi tiết cho người ta dễ nắm được các ý chính trong từng tiết, nghĩa là cũng theo lối cương mục như trong các tác phẩm sử học kinh điển.
    Trước hết về tên gọi của Giáo phận, cuốn sách cung cấp cho độc giả các tên từ khi mới thành lập năm 1846 là Giáo phận Nam bên Bắc Kỳ hay Giáo phận Nam Đàng Ngoài (Tonkin Méridional). Đến năm 1924, Nam Đàng Ngoài có tên mới là Giáo phận Vĩnh có thể chịu âm hưởng của các tên như phường Đông Vĩnh, Hưng Vĩnh, như các Giáo họ Vĩnh Giang, Vĩnh Mỹ thuộc Giáo xứ Cầu Rầm. Danh xưng “Địa phận Vĩnh” được sử dụng trên giấy tờ cho đến cuối năm 1950. Cố Văn (Le Gourriérec) trong thư ngày 18-6-1950 gửi cho Cha chính Trần Hữu Đức cũng viết Địa phận Vĩnh. Trên giấy tiêu đề in sẵn thấy ghi “Mission Catholique Vinh (Annam), đọc vào có người cho là vì máy đánh chữ bằng tiếng Pháp hồi đó không có dấu ngã nên không đánh được chữ Vĩnh “nên người ta chỉ đọc là Vinh và theo thời gian, người ta quên mất chữ Vĩnh.” (trang 38) Cuốn sách cho người đọc một kiến giải về địa danh này cũng khá lý thú.
    Về địa danh, một nghi án tuy nhỏ nhưng cũng được người chủ biên vận dụng phương pháp sử học để cẩn án đó là việc Linh mục Alexandre de Rhodes đổi thuyền ở địa điểm nào khi ngài từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong tháng 10-1629 (trang 49). Linh mục Trương Bá Cần cho là tại cửa Khẩu, Kỳ Anh. Linh mục Cao Vĩnh Phan lại nêu “Địa điểm trao đổi này phải chăng là ở cửa Roòn, thuộc Quảng Bình”. Hai ông Linh Phong và Hoàng Đình Hiếu trong bài “Uẩn khúc lịch sử chung quanh việc giáo sĩ Đắc-Lộ đến Bắc Bố Chính trong tháng Tư năm1629” (Tập san Định Hướng số 17, Mùa Thu 1998) chủ trương địa điểm đổi thuyền là làng Vĩnh Sơn, phía nam chân Đèo Ngang (thuộc Bắc Bố Chính). Ban chủ biên phải vận dụng kinh nghiệm về hải trình của các ngư dân kỳ cựu tại Giáo xứ Xuân Hòa để đưa ra một kiến giải hợp lý hơn đó là cửa Khẩu (Kỳ Anh). Đọc đoạn này chúng tôi thấy tinh thần làm việc nghiêm túc của nhóm biên soạn.
    Cũng về địa danh, cuốn sách chú trọng ghi lại cách viết địa danh theo sách mỗi tác giả nhưng cũng kèm theo nhiều cách đọc, cách hiểu khác, thí dụ ở trang 54, chú thích 95 Quêmangu có thể là Quèn Môn, Cửa Quèn hay Mành Sơn; chú thích 101 “Lang Cau” là một địa danh được hiểu nhiều cách khác nhau. Theo Đỗ Quang Chính thì đó là “Làng Cau”, có thể hiểu theo nghĩa đó là một làng chuyên trồng cây cau. Theo Trương Bá Cần “Lang Cau” có thể là Làng Cầu ở vùng Hưng nguyên. Theo tờ bản đồ Vinh. “Lang Cau” xưa, nay là xóm Thanh Kim, nằm ở xã Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, cách Giáo xứ Thọ Ninh khoảng 4 cây số về phía Bắc (xem H.3). Bà con ở Thanh Kim vẫn gọi vùng này là Làng Cầu. Trong tường trình năm 1632, Amaral đã nhắc đến Làng Cầu và nêu rõ: Ở Làng Cầu có nhà thờ Công Giáo. Xem Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, 343; Trương Bá Cần, Lịch sử Giáo phận Vinh 1846-1996, 37-38; Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 (Texas: Antôn & Đuốc sáng, 2007), 84. Vang May ở trang 54 được ghi chú nay là Hoàng Mai…
    Một địa danh khác là cửa Rum được nói là tên gọi cổ của sông Lam, nên có câu:
    Bao giờ Ngàn Hống hết cây,
    Sông Rum hết nước đó đây hết tình.
“tới bến chính của tỉnh gọi là Rum, nơi ở của quan tỉnh” theo ghi nhận của cha Đắc Lộ. Rum cũng có khi được gọi là Kẻ Rum, thôn Rum…
    Ở trang 56, chú thích số 102 về làng Quilan sách này ghi: “Có nơi viết là Khilan, có thể xác định là Kỳ lân, cạnh Núi Quyết.”
    Địa danh Ke Don (Kẻ Đông hay Kẻ Đọng hay Kẻ Đòn (Quy Chính) gần Trang Đen? cũng được ghi lại rất sớm quảng năm 1714-1715 cho người đọc thấy tính cẩn thận của các vị tham gia biên soạn cuốn sách.
    Về tên Quán Trà, trong “Truyện sáu Ông Phúc Lộc” khi viết về cuộc tử đạo của Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh có nhắc đến và được ghi ở chú thích số 754 : Tên dân dã gọi là Chợ Chè, gần Giáo xứ Mỹ Hương; Chợ Chè về sau trở thành một tụ điểm buôn bán rất sầm uất của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, thu hút khách thương từ Đồng Hới ngược dòng sông Nhật Lệ đi lên.
    Về nhân danh, cuốn sách cũng cho người đọc một cảm nhận về nỗ lực hội nhập văn hóa của các giáo sĩ thừa sai từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XX khi các ngài đến truyền giáo ở Đại Việt, rồi Việt Nam đã nhận một tên Việt. Riêng tại Giáo Phận Vinh, từ năm 1678 Thừa sai Bélot nhận tên Việt là Lót sau làm Giám Mục, đến Giám Mục Francois Guisain với tên Việt là Chi, linh mục Dòng Tên Wenzel Paleczeck tên Việt là Đẩu đến Nghệ An năm 1742 v.v… rồi với bản danh sách các thừa sai Pháp trong Phụ Lục I (trang 599), các thừa sai được gọi một cách kính cẩn là “Cố”. Các ngài muốn thực hiện quyết tâm cống hiến cuộc đời mình trên vùng đất truyền giáo nên cái danh xưng tiên vàn phải là tên Việt, có lẽ cũng xuất phát từ quan niệm “chính danh” của Nho học. Trong bản phụ lục I này, các biên giả cho biết một thừa sai có đầy đủ tên họ, tên lót và tên gọi, đó là Đức Giám Mục Jean Denis Gauthier Ngô Gia Hậu, một tên tuổi khá lẫy lừng trong Giáo phận Vinh và cả trong lịch sử Việt Nam. Cho tới nay, chúng ta chưa biết được cơ duyên nào Đức cha Gauthier lại mang tên Ngô Gia Hậu. (trang 599)
    Cũng về mục nhân danh, cuốn sách có những ghi nhận lý thú như sau: “Có lẽ các cố cũng biết được, theo văn hóa Việt, tên là người nên phần lớn các Cố đều nhận mang một danh gọi thể hiện các đức tính tốt, như Minh, Hòa, Mỹ, Trung, Hiền, Thịnh, Bình… Nhưng cũng có những cố được gọi tên theo âm gọi của tên gốc, như Paul Louis Bos là Bố, nhiều cố được gọi theo âm đầu của tên, như Auguste Chauvet Châu, Le Borgne Lễ, Joseph Delalex Đề, Paul Louis Bayle Bá, Alexandre Lambert Lâm… Cũng có cố lại được gọi theo âm cuối của tên mình như Antoine Villien Liên, Victor Pierre Martin Tín; lại có cố được gọi tên theo nghĩa của tên Pháp, như Moise Brillant là Cố Quang, Celestin Fort là Cố Dũng. Tên Việt được chọn nhiều nhất là Đức, với 5 cố: Taillandier, Casteel, Gallon, Pargade-Poublan và Gonnin; kế đến là Trung, với bốn cố: Pédémon, Colombet, Marie và Cherrière… Có một chi tiết ngộ nghĩnh là bốn vị thừa sai đến Vinh liền nhau được đặt tên theo bốn hướng là Abgrall Đoài (đến Vinh 07-6-1887), Loucatel Nam (1887), Lombard Bắc (1887) và Guignard Đông (1888), còn vị thừa sai có tên dài nhất và chắc không ai nhớ nổi là Raoul Pierre Alexandre Victor Marie Hubert Ghislain Duwez Vinh!.” (trang 599).
    Về phương diện sử học, cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh” này sẽ giúp ích cho giới nghiên cứu các tư liệu quý báu để tìm hiểu về một vài biến cố chẳng hạn như các phong trào Cần Vương, Văn Thân hay trong thế kỷ XX các hoạt động yêu nước của các giới giáo sĩ, tu sĩ hay phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh v.v…
    Đối với vấn đề khá nhạy cảm là Cộng Sản, cuốn sách cũng cung cấp cho chúng ta biết quan điểm của các vị thừa sai người Pháp, thí dụ Đức Cha Andréa Éloy Bắc (1864-1947). Một điều cần nhớ rõ ở đây là tại Việt Nam, các giáo sĩ là những người đã có những nhận thức sớm nhất về hiểm họa Cộng Sản. Điều này cũng không lạ gì vì Giáo Hội đã liên tiếp lên án chủ thuyết này từ Đức PiôIV (1846-1878), Lêô XIII (1878-1903), và nhất là Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939), rồi Đức Piô XII (1876-1958). Khi những người CS đã xác tín rằng “Chúng ta chỉ có thể thực hiện được một cách đầy đủ chủ nghĩa Cộng Sản khoa học nếu chiến thắng được triệt để mọi thứ tôn giáo.” (Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hòa Đường, Tây dương Gia-tô bí lục, (Hà Nội, Nhà xb. Khoa học Xã hội, 1981, 5. Trong mục “Vài lời nói đẩu” của NXB Khoa Học Xã Hội), thì trong thông điệp Đấng Cứu Thế (Divini Redemptoris) Đức Giáo Hoàng Piô XI đã nhận định: “Chủ nghĩa Cộng sản là một hệ thống đầy dẫy sự sai lầm và ảo tưởng, đối nghịch với cả lý trí và Mặc khải” (số 35); ngài kết luận: “Chủ nghĩa Cộng sản tự thân là xấu xa và bất cứ ai còn muốn cứu vãn nền văn minh Ki-tô giáo đều không thể hỗ trợ chủ nghĩa đó dưới bất cứ hình thức nào” (số 109). (Trang 487).
    Năm 1927, trong cuốn sách nhỏ nhan đề Vấn đề Cộng sản (in tại Qui Nhơn), linh mục Sảng Đình Nguyễn Hy Thích (1891-1978), Giáo sư Viện Đại Học Huế trước năm 1975 lên tiếng về hiểm họa Cộng Sản mặc dù lúc bấy giờ chưa hình thành đảng Cộng Sản Đông Dương. Ngài cho rằng những sự đổi thay về xã hội và tri thức con người trong ba trăm năm về trước cũng phải chịu trách nhiệm về mối đe dọa ngày nay của chủ thuyết Cộng Sản. Xuyên qua những thí dụ lấy từ nước Nga, con số các giáo sĩ chính Thống giáo bị giết, các viện nuôi trẻ mồ côi bị giải tán, những trận đói chết người tập thể, nhiều nữ sinh vị thành niên bị hãm hiếp vì phải đi học trong các trường chung lẫn lộn hai giới nam nữ, ngài cho rằng chủ nghĩa Cộng sản khai thác những ý thức thấp hèn của con người như tham lam tiền bạc, chiếm đoạt đất đai và sức lao động của kẻ khác. Tệ hơn nữa, chủ thuyết Cộng Sản còn muốn xuất khẩu mẫu hàng lật đổ đó đến các quốc gia khác. Nhà sử học David G. Marr, trong cuốn Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945 (University of California Press, 1981) khi trích dẫn cuốn sách trên đây của linh mục Nguyễn Văn Thích, lấy làm ngạc nhiên về sự so sánh tuy hơi vặn vẹo nhưng lại có ý nghĩa đối với các biến cố lúc bấy giờ ở Trung Hoa:
    “ Nếu anh muốn biết hậu quả của chủ thuyết Cộng Sản, đơn giản là cứ nhìn vào Trung Hoa. Trong thời gian 15 năm vừa qua chủ nghĩa Cộng Sản đã chịu trách nhiệm trong việc lật đổ chế độ quân chủ, thiết lập dân chủ, nhen nhúm nội chiến, và đẩy đám đông dân chúng xuống vũng bùn. Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi là Ăng-ghen và Các-mác của Trung Hoa. Tôn Dật Tiên là Lê-Nin, với quan niệm về dân sinh của ông cũng là một mô thức tựa như chế độ vô sản của chế độ Xô-Viết vậy.” (David G. Marr, trang 85).
    Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong tác phẩm Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, khi phê bình về Tam Dân chủ nghĩa trong đó có chủ nghĩa Dân Sinh của Tôn Dật Tiên, đã có nhận định phần nào đúng với ý kiến của Linh mục Nguyễn Hy Thích: Mục đích của chủ nghĩa Dân-sinh là làm cho dân chúng có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi. Để đạt mục đích ấy, chánh phủ cần phải khuyến khích dân chúng sản xuất vật phẩm thật nhiều, rồi kiểm soát sự phân phối vật sản ấy cho đồng đều để mọi người cùng được hưởng như nhau. Vậy, chủ nghĩa Dân-sinh cũng không khác nào chủ nghĩa cộng sản.” (Chủ nghĩa Dân tộc Sinh Tồn, chủ nghĩa quốc gia khoa học, 1964, quyển I, trang 334).
    Trong báo cáo năm 1930, Đức Giám Mục Éloy Bắc đã nói về những ngưởi CS, về chủ thuyết Cộng Sản khái quát như sau: “Họ tự xem mình như là những nhà giải phóng cho những người bị áp bức, những người bảo vệ cho những quyền lợi không được nhìn nhận. Họ làm cho người An nam thuộc giai cấp công nhân và nông dân  tin rằng mình là những người bị bóc lột và bị áp bức bởi các ông chủ và địa chủ, rằng phải đòi hỏi chia lại của cải, dẹp bỏ thuế má, lật đổ chính quyền Pháp và An nam và sau đó, khi chủ nghĩa Cộng Sản thắng lợi, sẽ không còn thuế má, không còn người nghèo…sẽ là thiên đàng dưới trần gian! Dân chúng, vô học và cả tin thường có khuynh hướng them tin vào những lời này, vốn là những lời vuốt ve giục vọng con người và tình cảm dân tộc, nên để bị lôi kéo vào các cuộc biểu tình do những người cầm đầu tổ chức.” (trang 488).
    Báo cáo năm 1931 của Đức Cha Éloy Bắc cũng có viết: “Nhờ sự cảnh tỉnh của các mục tử, nhờ những giáo huấn của các ngài mà mọi giáo hữu, trừ mấy chục người tôi vừa nêu trên đây, đã cương quyết từ chối tham gia phong trào. Từ đó, đã làm dấy lên một sự giận dữ trong hàng ngũ cách mạng. Họ buộc tội hàng giáo sĩ của Giáo phận về sự thất bại của họ bên người Công giáo, các truyền đơn của họ đe dọa giết hết tất cả các linh mục của hai tỉnh…”
    Cuốn sách cũng dành một phần để viết về vụ Tràng Đình nơi xảy ra vụ va chạm đầu tiên giữa Công Giáo và Cộng sản tại Vinh với cái chết của Linh mục quản nhiệm Giáo xứ Tràng Đình, cha Hoàng Khang cung cấp cho người đọc tất cả diễn tiến của sự việc theo tinh thần viết lên sự thật một cách công bình và can đảm với lời hứa hẹn là sẽ nói đến nhiều các va chạm đó trong Tập II.
    Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, CS cũng giết nhiều viên chức quan lại của Nam Triều, cụ thể là giết cụ Tôn Thất Hoàn (nhạc phụ ông HàThúc Ký) Tri huyện Nghi Lộc ngày 02-5-1930, thả xác trôi sông khi ông này cùng một ông quản và thầy đội đến dẹp một toán người hội họp gần đó. Mấy ngày sau thi thể cụ Tôn Thất Hoàn được tìm thấy trong một kẹt đá ven sông gần Cửa Lò (Song Ngư) được gia đình và Triều đình khâm liệm tử tế và đem về Huế chôn cất. Thượng Thư Bộ Binh Phạm Liệu, người Quảng Nam, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898) có câu đối viếng cụ Tôn Thất Hoàn như sau:
    為 國 忘 軀 勇 敢 一 身 行 獨 馬
    出 家 化 佛 英 雄 千 古 葬 双 魚
    Vị quốc vong khu, dũng cảm nhất thân hành độc mã,
    Xuất gia hóa Phật, anh hùng thiên cổ táng Song ngư.
    (Hà Thúc Ký, Sống Còn Với Dân Tộc, hồi ký chính trị, Phương Nghi ấn hành 2009, trang 147). Đối với những cái chết hy sinh vì lý tưởng tôn giáo như cái chết của Linh Mục Hoàng Khang, hay vì nhiệm vụ đối với đất nước như sự hy sinh của cụ Tôn Thất Hoàn, thiết tưởng cần được tìm hiểu thêm và có những đối xử cân xứng.

    32.- “Lịch sử Giáo phận Vinh”, bản trường ca thần học về Ki-Tô giáo.

    Sau khi đọc “Lịch sử Giáo phận Vinh” chúng tôi cảm nhận, ngoài những đặc tính căn bản của cuốn sách mang tính sử học và văn chương, đây còn là một bản trường ca thần học về sự quan phòng của Thiên Chúa được thể hiện qua một số lãnh vực đó là giáo lý (tu đức), truyền giáo và thập giá.

    321.-Thần học giáo lý - tu đức:
    Khi giới thiệu cuốn sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã viết: “Ngày 25.6.1992, tôi đã phê chuẩn và hôm nay tôi nhân danh quyền tông đồ ra lệnh phổ biến quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo này. Đây là bản văn trình bày đức tin Hội Thánh và đạo lý Công Giáo, được Thánh Kinh cũng như truyền thống tông đồ và huấn quyền Hội Thánh xác nhận và soi sáng. Tôi coi đây là một phương tiện có giá trị và có thẩm quyền để giúp Hội Thánh được hiệp thông và là một khuôn mẫu chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin. Ước mong quyển sách này giúp đẩy mạnh công cuộc canh tân mà Chúa Thánh Thần không ngừng kêu gọi Hội Thánh của Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-Tô, đang trên đường lữ hành về với ánh sáng rực rỡ của Nước Trời.” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản Việt ngữ, do Nhóm linh mục, nữ tu và giáo dân dịch từ bản tiếng Pháp,1997, trang 20)
    Ngày nay khi đọc cuốn sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, chúng ta nghĩ đến sự cần thiết biết bao của cuốn sách căn bản này đối với mọi sinh hoạt về tín lý đức tin, sinh hoạt phụng vụ của Giáo Hội, đồng thời cũng nghĩ đến những vất vả khó khăn của các nhà truyền giáo cách đây gần bốn trăm năm khi phải đi rao giảng Tin Mừng khắp các nước Á Đông như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam v.v… trong lúc đi tìm một cuốn sách căn bản về giáo lý để rao giảng Tin Mừng. Các ngài đã phải học ngôn ngữ địa phương, phiên dịch kinh nguyện và sách giáo lý ra tiếng bản xứ, thu nhận các thầy giảng, kẻ giảng và giáo dân. Các vị thừa sai, nhất là các thừa sai Dòng Tên vốn là những vị học thức quảng bác, đã một đời tận tụy hy sinh vì lý tưởng, có sáng kiến và đầy óc sáng tạo trong nhiều lãnh vực kể cả lãnh vực giáo lý, kinh bổn. Nếu các ngài không đủ thông minh và kiên nhẫn làm sao có thể giải quyết được các khó khăn, trở ngại trong phạm vi kinh sách, giáo lý?
    Khi nói đến Linh mục Alexandre de Rhodes là vị thừa sai giảng đạo tiên khởi của Nghệ-Tĩnh-Bình, người ta thường nhắc nhở đến cuốn sách Phép Giảng Tám Ngày ngài đã biên soạn để làm tài liệu giảng dạy giáo lý cho những người mới trở lại đạo. Trong cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh” chỉ có thoáng nhắc đến cuốn sách này ở trang 67: Phép Giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào Đạo Thánh Đức Chúa Trời (Catechismus in octo dies divisus…), in năm 1651 tại Roma và được Tủ sách Đại kết in lại năm 1993 tại Tp.HCM, gồm phần chụp lại nguyên tác bằng tiếng Việt và Latinh kèm thêm bản dịch tiếng Pháp và bản chuyển ngữ tiếng Việt hiện đại.
    Trước hết, ngoài việc cuốn sách này là một nỗ lực chứng minh sự thành công của việc la-tinh hóa tiếng Việt, chúng tôi muốn nói đến nền thần học của một cuốn sách giáo lý do Cha Alexandre de Rhodes dưới cái nhìn của một số các nhà nghiên cứu VN.
    Đăng tải trên Tạp chí Đại Học số 1 Tháng 2-1961, bài viết có tên “Quan điểm thần học trong “Phép giảng tám ngày” của Giáo-sĩ Đắc-lộ” của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên đã đóng góp một cái nhìn thần học về cuốn sách góp phần xây dựng đời sống tâm linh của giáo phận Vinh. Tác giả Nguyễn Khắc Xuyên cho biết giáo sĩ Đắc-lộ sở dĩ biên soạn sách này để truyền bá giáo lý công giáo không những nơi giáo dân Việt Nam mà còn làm tài liệu thiết yếu cho các nhà truyền đạo đến rao giảng tại Việt Nam. Bài viết của tác giả rất công phu khi so sánh các cuốn sách giáo lý của các cha Dòng Tên lưu hành ở Trung Hoa và cuốn của cha Đắc lộ ở Đại Việt.
    Từ thế kỷ XVI-XVII tại các nước theo Ki-Tô giáo lâu đời, sự học biết giáo lý cũng tỏ ra thiếu sót. Tại Bồ Đào Nha có hai quyển giáo lý: một dài gọi là giáo-lý diễn-giải và một ngắn gọi là giáo-lý đại-cương. Cuốn giáo lý đại cương (Doctrina) được phổ biến qua Ấn độ, Nhật bản nhưng nội dung “khô khan, tiều tụy, kém phần hào hứng”. Đem nội dung một cuốn sách giáo lý như vậy phổ biến vào một dân tộc có nền văn hóa cố hữu và sâu sắc thì thất bại hoặc bị khinh chê và từ chối là điều dễ hiểu.
    Năm 1584, ở Trung Hoa, giáo sĩ Micae Ruggiere (biệt hiệu Minh-Kiên 明 堅 cho in và phát hành cuốn sách giáo lý tên Thiên Chúa thực-lục chính văn 天 主 寔 録 正 文 gồm 16 chương, khoảng 39 tờ, tuy gây được ảnh hưởng lớn tại Trung Hoa và Nhật bản, Cao ly và Việt nam nhưng cũng còn có nhiều điều vụng về, thiếu sót.
    Năm 1603, giáo sĩ Lợi Mã Đậu xuất bản bộ Thiên Chúa thực-nghĩa 天 主 寔 義  khoảng  111 tờ nội dung gồm 8 chương nhưng phạm vi rộng lớn hơn sách của Minh-Kiên. Sách của Lợi Mã Đậu có thiên hướng về triết học Ki-Tô giáo hơn là thần học chính tông (trang 43).
    Sách Phép giảng tám ngày của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes in năm 1651 (dĩ nhiên sau khi ngài rời khỏi Đại Việt về Âu châu) nhưng bản thảo chắc đã được sử dụng để giảng dạy tại Nghệ Tĩnh Bình, so ra không phải là một cuốn Minh-giáo hoàn toàn như tác phẩm của Mã-Đậu, cũng không quá thiếu sót như sách của Minh-Kiên. Cuốn sách giáo lý của cha Đắc-lộ nói được là một sách mang tính chiết trung, nghĩa là không sơ lược quá mà cũng không cao siêu hay rườm rà quá. Ngài giảng về Đức Ki-Tô một cách đầy đủ, và cho biết đạo của ngài giảng là đạo lý, đạo hợp lẽ phải. Phương pháp trình bày giáo lý cho lương dân gồm có ba giai đoạn: Công cuộc sửa soạn, công cuộc khai-phá, và công cuộc gieo giống. Riêng về mầu nhiệm nhập thể và cứu thế, phải trình bày một cách khôn khéo… (trang 49).
    Cha Đắc-lộ đã trình bày đạo lý dưới phương diện hợp-lý chiếu theo ánh sáng tự nhiên của lý trí con người kiểu như Mã-đậu hoặc Minh-kiên đã làm tại Trung-Hoa. Cùng đi với phương diện hợp-lý của đạo, tác giả thường nhắc tới ánh sáng tự nhiên của lý trí con người, trong công việc tìm hiểu đạo thật, đạo lý, đạo phải (trang 51). Trong Phép giảng tám ngày, tác giả cũng chỉ trích những sai lạc của tam-giáo, hoặc nhìn ra những chỗ dị biệt với nhau. Theo giáo sư Trần Văn Toàn, “riêng đạo Thiên Chúa thì có những điểm tương đồng với tam giáo, nhưng cũng có những điểm dị biệt. Về mặt lý thuyết thì những điểm tương đồng phải là nền móng cho cuộc gặp gỡ trao đổi, những điểm dị biệt phải là những yếu tố có thể bổ túc và làm giàu cho truyền thống tôn giáo Việt Nam .” (Trần Văn Toàn, Sđd, trang 87).
    Trong phần trước chúng tôi đã có nhắc đến thuyết tam-phụ và nói đến những nỗ lực của cha Đắc-lộ trong việc diễn giải ý niệm thượng-phụ (Đức Chúa Trời), trung-phụ (hoàng đế) và hạ-phụ (cha trong gia đình). Đây cũng là nỗ lực cha Đắc-lộ tìm cách tiếp cận và đưa ra những điểm tương đồng giữa Ki-Tô giáo với Khổng giáo.
    Thừa sai Francois Deydier đến Thăng Long ngày 18-8-1666 và trong thư ngày 04-4-1667 đã nói về tình cảm của giáo hữu Đàng Ngoài đối với các thừa sai Dòng Tên, “nhớ ơn ba cha Dòng Tên; thứ nhất là Alexandre de Rhodes, người có công thành lập giáo đoàn, tiếp đến là Gaspar D’Amaral đã soạn cho các thầy giảng các huấn dụ tốt đẹp, sau là Girolamo Majorica viết nhiều sách tôn giáo bằng chữ Nôm.” (trang 70)
    Ngoài cuốn giáo lý căn bản của cha Đắc-lộ, Giám Mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) cũng có viết hai cuốn sách về giáo lý gọi là Chân đạo Diễn giảng 真 道 演 講 Chân đạo Yếu lý  真 道 要 理 .
    Trong bản báo cáo về cuộc kinh lý của Thừa sai Jean Cabral, đã có ghi lại việc ngài đến thăm Giáo xứ Lang Cau (ghi chú ở trên) có đoạn như sau: “Làng này hầu như toàn tòng và phải thấy là khi chúng tôi thức dậy và đánh hiệu lệnh cầu nguyện có một âm điệu dịu dàng và cao siêu vang lên như thế nào: đó là trong tất cả các gia đình người ta đã đọc bổn và đọc kinh cầu. Các thừa sai nói là trong tất cả các làng nơi có giáo hữu đều làm như vậy.” (trang 55).
    Vậy bổn là gì? Giáo sư Trần Văn Toàn, sau khi đã viết về các kinh, đã viết: “kinh bổn của ta đã dạy cho giáo dân biết khá đủ về niềm tin để giữ đạo, nghĩa là thờ Thiên Chúa cho hợp với thiên đạo và cư xử với người đồng loại cho đúng nhân đạo.” (trang 178).
    Sau cha Đắc-lộ là Thừa sai Majorica, năm 1631 đã tới Đàng Ngoài và hoạt động chủ yếu là ở Nghệ An. Cha Majorica viết nhiều sách đạo bằng chữ Nôm. Thừa sai Filippo Marini, sống cùng thời với Majorica ghi nhận được 48 cuốn, còn theo Linh mục Nguyễn Hưng thì trong khoảng thời gian 1632 đến 1656, đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm. Các tác phẩm của Majorica có thể được chia thành bốn loại nội dung: Truyện các thánh, tu đức, giáo lý và Thánh kinh. (Lịch sử Giáo phận Vinh, trang 68-69).
    Giám Mục De Bourges cho biết: “các giáo hữu Đàng Ngoài có các sách bằng tiếng của mình để giải thích các giáo lý của Tin mừng và các phép lạ của Chúa[…]. Mỗi ngày Chúa nhật, họ tụ họp ở nhà thờ hay một, hai nhà tư nhân để đọc kinh và nghe đọc các sách chứa đựng các luân lý Ki-tô giáo.” (trang 117).
    Một câu châm ngôn nổi tiếng “Lex orandi, lex credendi” (Luật cầu nguyện là luật đức tin) được cho là của thánh Giáo phụ Prosper of Aquitaine hoặc của thánh Giáo Hoàng Celestine I, thế kỷ 5, có ý nói rằng giáo lý của Giáo Hội được diễn đạt rõ ràng qua việc cử hành phụng tự và việc cầu nguyện. Châm ngôn cũng nhắc nhở về mối tương quan giữa phụng tự và huấn giáo hoặc giữa phụng vụ và thần học của Giáo Hội. Những gì con người thể hiện trong việc thờ phượng luôn tác động đến lòng tin của họ và, ngược lại, lòng tin luôn tác động đến cách cầu nguyện của con người. (Nguyễn Đình Diễn, Sách đã dẫn, trang 1180).
    Như vậy các sách giáo lý, các kinh bổn được lưu hành trong Giáo phận Vinh kể từ khi hạt giống Tin Mừng được cha Đắc-lộ gieo xuống cho đến ngày hôm nay đã đặt nền tảng thần học vững vàng về huấn giáo, đã củng cố đức tin người giáo dân qua mọi thời đại, đủ sức để chịu đựng các thách đố của lịch sử.
    Từ khi thành lập Giáo phận (1846), có thể nêu tên một số vị đã có những công trình về giáo lý được biên soạn như sau:
    -Giám mục Guillaume Clément Masson Nghiêm với số tác phẩm về tu đức: Từ nguyên yếu lý (Doctrine chrétienne), Thập giới quảng nghĩa (Les dix commandements), Sách dẫn lối nguyện ngắm (Méthode d’oraison), Dẫn đàng giữ đạo (Guide chrétien) bản hiệu chính sách của Thừa sai Philiphe Sérard. Ngoài ra còn có các sách Gương Chúa Giê-su, Những bài suy niệm của Thánh Augustinô, Tiểu sử Thánh Elizabeth, Tiểu sử Thánh Têrêsa Avila.
    -Đức cha Eloy Bắc : Thần học luân lý (Theologia Moralis).
    -Thừa sai Francois Aguesse Minh: Sách tu đức “Tĩnh tâm linh mục và tông đồ”.
    Trong sách Tin Mừng Thánh Mát-thêu đoạn 11, câu 25 có viết: “Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” Chúng tôi liên tưởng đoạn Tin Mừng này với các đối tượng đầu tiên khi được nghe giảng đạo Chúa vốn là những người dân quê ít học ở đất Nghệ Tĩnh Bình vào thời điểm 1629, những người “ngu phu, ngu phụ” từng được nhiều lần nhắc đến trong các sắc dụ cấm đạo thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, thời Cảnh Thịnh của Tây Sơn, hoặc trong các tờ hịch của đám Văn Thân còn gọi người theo đạo Công Giáo là “lũ dê, lũ chó” đại đa số là dân nghèo, ít học trong xã hội Đại Việt thời bấy giờ. Công văn giấy tờ của Triều Nguyễn gọi dân Công Giáo là “dữu dân” (dân cỏ dại). Một số nhà Nho gán cho người Công Giáo cái tội là “vô phụ, vô quân” (ăn ở không theo tam cương, ngũ thường). Miệt thị đến thế là cùng!
    Trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có đoạn ghi vào tháng 10 năm Lê Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ nhất (1663) đọc thấy như sau: “Tháng 10, mùa đông. Nhắc rõ lại lệnh cấm người theo tả đạo Gia tô. Trước đây có người Tây dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm.” (Viện Sử Học, Tập Hai, Nhà xb. Giáo Dục, 1998, trang 3000).
    Chỉ dụ ngày 07-6-1857 của Tự Đức còn nói: “Tà giáo này bắt đầu lén lút xâm nhập vào những lớp dân ngu muội ở ven bờ biển; những người mộc mạc và dốt nát này đã bị dụ dỗ bởi mưu mô và tiền bạc của các nhà truyền đạo…Dân chúng gắn bó với họ một cách say mê và tuân phục họ trong tất cả mọi công việc.”
    Gillaume Dampier, một thương gia Anh trong cuốn Supplément du voyage autour du monde, Nhà xb. Jean Baptiste Machuel, Rouen, 1723, có ghé tới thăm Toà Giám Mục ở Phố Hiến (năm 1688) và ông được Tòa Giám Mục cho người dẫn đến trú đêm tại một nhà giáo dân rất nghèo, và cũng theo ghi nhận của Dampier, “các giáo dân tốt, nhưng rất nghèo”. Đọc qua cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh”, chúng ta thấy dân Đại Việt gia nhập đạo Công Giáo rất đông từ thời này sang thời khác ở Thăng Long cũng như ở Nghệ Tĩnh, việc này đã khiến cho một số học giả thế giới phải thắc mắc. Tại sao dân Bắc hà lại có thiện cảm nhiều như thế đối với một tôn giáo đề cao sự hy sinh như Thiên Chúa giáo? Và có kẻ đem ra câu trả lời nầy là tại vì họ nghèo. Một dân nghèo là một dân quen hy sinh và biết giá trị của sự hy sinh nên dễ có thiện cảm với một tôn giáo đề cao sự hy sinh. Không biết trả lời như vậy có đúng hay không, nhưng có một điều chắc chắn đúng, là những kẻ gia nhập Thiên Chúa giáo, đại đa số là dân nghèo. Tuy nhiên, đạo Công Giáo sở dĩ cuốn hút được người theo là vì đó là đạo của tình thương. Chính sức mạnh của tình thương (the power of love) [Thomas Bokenkotter, A concise history of the Catholic Church, 2005, trang 27) đã nối kết con người lại với nhau tạo nên sức mạnh cho người Công Giáo qua lịch sử. Đây không phải chỉ là nhận định của một cá nhân nhưng cũng là nhận xét chung của nhiều người ngay từ buổi bình minh của Thiên Chúa giáo cho tới ngày hôm nay.
    Ngày nay, Giáo Hội vẫn luôn thúc đẩy giáo dân học hỏi giáo lý, nghiên cứu Thánh Kinh để ứng dụng vào cuộc sống của mình và cũng để truyền giáo. Trong thư giới thiệu cuốn “Giáo lý cho người trẻ” (Youth Catechism) Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XVI có nói: “Hãy nghiên cứu giáo lý! Đây là mong muốn chân thành của tôi. Hãy nghiên cứu giáo lý với niềm đam mê và kiên nhẫn! Nghiên cứu trong sự tĩnh lặng của tâm hồn. Đọc nó với bạn bè từng đôi, họp lại từng nhóm để suy nghĩ, tạo các mạng lưới trao đổi trên Internet. Bạn phải đâm rễ sâu hơn trong đức tin so với thế hệ của cha mẹ bạn.” (Bản tiếng Việt của Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ, bìa sau, bản in 2013).
    Thông qua cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh”, người ta thấy được vai trò của những cuốn sách giáo lý hoặc kinh bổn vốn là những yếu tố cần thiết giúp cho người giáo hữu bồi đắp đức tin trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn của cuộc sống, có thừa sai, linh mục ở bên cạnh hay không có. Người giáo hữu Vinh hay bất cứ giáo phận nào, ở Việt Nam cũng như ở Bắc Hàn, Trung Quốc v.v… cầu nguyện như thế nào thì tín thác như thể ấy. Ngày nay, phương tiện truyền thông đại chúng dồi dào, mau lẹ, các ngành in ấn phát triển mạnh mẽ cho nên các tài liệu về giáo lý, kinh sách phụng vụ tới tay chúng ta nhanh chóng, cho nên “ôn cố tri tân” thấm sâu những khó khăn của tiền nhân để tạ ơn Chúa vì những thuận lợi của chúng ta ngày nay.
    Ngoài các hoạt động dạy giáo lý cho các tân tòng, việc xây dựng các cơ sở phụng tự như nhà thờ, nhà nguyện cũng là công tác chính của các vị thừa sai được sự góp tay tích cực của các thầy giảng, kẻ giảng và giáo dân trong giai đoạn sơ khởi ở Giáo phận Vinh. Các báo cáo của các thừa sai về số nhà thờ, con số linh mục và giáo dân qua từng giai đọan của lịch sử, nhất là sau các cuộc cấm đạo chứng tỏ tinh thần chịu đựng của các đấng chủ chăn và đàn chiên qua bão tố và thử thách. Con số này dĩ nhiên thay đổi theo thời gian bắt đạo rồi tha đạo từ thời các chúa Trịnh, chúa Nguyễn cho đến các vua nhà Nguyễn về sau mà số giáo hữu Giáo phận Vinh cũng bị ảnh hưởng trong đó rất nhiều.
    Bên cạnh các tài liệu về giáo lý, kinh bổn là cuộc sống thánh thiện gương mẫu và đầy hy sinh của các vị thừa sai, ngoại quốc cũng như các đấng bậc bản quyền, các linh mục và nhất là các dòng tu. Cuốn sách ghi nhận đời sống tu đức của các dòng tu nhất là Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Thánh Phaolô, Dòng Nữ Tu Clara, Dòng Thừa Sai Phan Sinh v.v… như mỗi năm chỉ có ăn thịt ba ngày, mỗi tuần ăn chay hai ngày, khấn hứa và giữ trọn ba nhân đức vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh, làm việc bác ái, dạy dỗ và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, chăm lo công tác giáo dục tại các cơ sở của Giáo Hội, săn sóc bệnh nhân, giúp làm lại cuộc sống cho các thiếu nữ lầm lạc. Công lao của các dòng tu thật không sao kể xiết.
    323.- Thần học truyền giáo:
    Đọc vào “Lịch sử Giáo phận Vinh” là thấy được cả một quá trình truyền giáo tức là thực hiện lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ trước khi Ngài về trời : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân  danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mát-thêu 28: 19-20).
    Khởi đi từ một cột mốc rất có ý nghĩa là ngày lễ Thánh Giuse 19-3-1627 khi thuyền của Cha Đắc-lộ vào cửa Bạng (Thanh-Hóa), công cuộc truyền giáo trải hơn bốn thế kỷ với biết bao thành quả thu hoạch được qua nhiều sóng gió, thử thách, vinh quang trong máu đào.
    Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, điều 850 có viết về nguồn gốc và mục đích của truyền giáo như sau: “Lệnh truyền giáo của Chúa bắt nguồn từ tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Chí Thánh: “Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha. Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là làm cho loài người hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con trong Thánh Thần tình yêu.”
    Đọc trong “Lịch sử Giáo phận Vinh” chúng ta thấy từ tiên khởi nổi bật lên tấm gương truyền giáo của Linh Mục Đắc-lộ. Sử gia Trương Bá Cần đã ghi lại sự nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của cha Đắc-lộ như sau: “Riêng về Linh mục Rhodes, chúng ta có thể nói là ông đã không bỏ lỡ một cơ hội nào, một giây phút nào trong khoảng thời gian đó mà không làm công việc truyền giáo; qua các bài ký sự của ông, chúng ta thấy ông truyền giáo trên tàu, trên thuyền, trong lúc yết kiến nhà vương, trong lúc gặp gỡ các quan lại, các sư sãi; ông truyền giáo ở chợ, ở bất cứ nơi nào có người tụ tập; ông truyền giáo trong những ngày chờ đợi tin nhà vương ở cửa Bạng; trong những tháng chờ nhà vương đi Nam ở An vực; trong thời gian ở Thăng Long. Ông giảng ngày, giảng đêm, có lúc sáu buổi mỗi ngày, ba buổi ban sáng và ba buổi sau cơm chiều…” (trang 66).
    Cũng vì nhiệt tâm truyền giáo mà cha Đắc-lộ đã phải lặn lội trở về Rôma vận động Tòa Thánh xin thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam
    Về hai vị giám mục tiên khởi của Giáo phận Vinh, trong công cuộc truyền giáo, đã có nhiều sách vở ghi lại tinh thần đạo đức và công lao của Đức Giám Mục Francois Pallu và Lambert De La Motte.
    Thẩm định và đánh giá về Đức cha Francois Pallu, Linh mục, Sử gia Trương Bá Cần cho rằng: “Đức Giám mục Pallu là một nhà truyền giáo lớn. Ngài là người có công đầu trong việc thiết lập và củng cố tổ chức Đại diện Tông tòa là một cơ chế linh động của công cuộc truyền giáo ở thời hiện đại. Ngài cũng là người có cái nhìn truyền giáo phù hợp  với xu thế của thời đại. Ngài đã từng chỉ thị cho các thừa sai của mình là phải học tiếng bản quốc, phải thu thập kinh sách và kinh nghiệm của các nhà truyền giáo đã đi trước, nhất là phải biết dựa vào các thầy giảng; phải tìm hiểu về tình hình của Giáo hội, nắm chắc số giáo hữu, số thầy giảng và số nha thờ, không chỉ bằng lòng với những gì người ta nói, mà phải tự mình có kinh nghiệm về mọi sự. Ngài tán thành không những phong chức linh mục mà cả phong chức giám mục cho người địa phương.” (trang 80).
    Một sử gia khác của Hội Thừa sai Paris đã nhận xét về Đức cha Lambert như sau:
    “Người ta có thể nói không quá đáng, Đức cha Lambert là vị thánh, và có nhiều sự kiện ngoại thường do các thừa sai cùng sống với ngài chứng nhận, theo đó, hình như Chúa đã ban cho ngài ơn làm phép lạ […]. Đức cha có một đức tin rất sống động và hoàn toàn phó thác trong Thiên Chúa Quan phòng. Sự khéo léo và khôn ngoan của Đức cha đã giúp cho ngài thành công trong nhiều hoàn cảnh nguy hiểm và tế nhị […] Dầu bận rộn muôn ngàn công việc, nhưng mỗi ngày ngài cầu nguyện nhiều giờ, và khi dâng thánh lễ, nguyên một ý nghĩ đến người ngoại giáo và kẻ tội lỗi, cũng đủ làm ngài rơi lệ. Đức cha rất hy sinh hãm mình […], đầy nhiệt tình và cương nghị vì lợi ích của Giáo hội. Bất kỳ cản trở nào, vụ việc nào, nguy hiểm nào cũng không ngăn được ngài chu toàn nghĩa vụ.” (trang 81).
    Về linh mục người Việt, có rất nhiều mẫu gương đạo đức nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin trích dẫn một số nhận xét của Đức cha Bélot về cha Bentô Hiền: “Cha Bentô Hiền, linh mục thứ nhất của Đàng Ngoài, qua đời ngày 15-3-1686 tại kinh đô, thọ 71 tuổi. […] Cha là người thông minh lại còn chăm lo trau dồi trí tuệ bằng cách học và đọc các sách chữ Hán, cách riêng các sách về đạo thánh chúng ta, nhờ vậy, cha trỗi vượt hơn tất cả các đồng sự. Cha được phú ban một sự cẩn trọng hiếm có và một sự phán đoán chính xác nên cha  có thể đưa ra những lời khuyên trong những tình huống khó khăn nhất. Vì vậy các Đại diện Tông tòa thường tham vấn cha trong những lúc bối rối mà các ngài gặp phải […]. Cũng chính với sự khôn ngoan này, cha đã giúp cha Deydier một cách hiệu quả khi ngài tới Đàng Ngoài năm 1666, giúp qui tụ các thầy giảng khác chấp nhận nhiệm vụ và vâng phục vị thừa sai này”.
    Theo Giám mục Bélot, cha Hiền còn có những đức tính khác như hiền lành, khiêm nhường, vâng phục, đạo đức, ăn chay bốn ngày trong tuần, hãm mình đánh tội v.v…
    Các thừa sai ở Giáo phận Vinh đã giảng đạo trong điều kiện khó khăn, khi không có nhà thờ thì chiếc thuyền là nhà thờ chính tòa. Trong “Tường trình về những việc xảy ra ở Đàng Ngoài”năm 1670 Thừa sai Jacque de Bourges kể lại hoạt động của Đức cha Lambert De La Motte có nhắc đến một giáo hữu tên Antôn như sau: “Ông là người đã sẵn lòng cho Đức cha Berythe mượn chiếc thuyền của mình trong hơn hai tháng để ngài làm việc đạo, hơn là giữ nó lại để buôn bán, và chính trên chiếc thuyền đó, đức cha đã phong chức cho các linh mục Đàng Ngoài.” Ở đây, Thừa sai Jacques de Bourges nêu lên một công tác mục vụ cụ thể là phong chức linh mục, và trong thư ngày 09-10-1670, ngài cho biết thêm: “Người giáo hữu tốt lành này cho đức cha mượn chiếc thuyền của mình dài ngày (longtemps) để dâng thánh lễ.” Thừa sai Dòng Tên Jean Tissanier, trong thư ngày 07-11-1670  cho chúng ta biết them một chi tiết: “Đức cha Berythe không bao giời rời khỏi tàu/thuyền (vaisseau). Chính trên chiếc tàu/thuyền ấy ngài ban phép Thêm sức cho nhiều giáo hữu và truyền chức thầy cả cho 7 linh mục Đàng Ngoài…” (trang 79)
    Cuốn sách cũng cho biết chiếc thuyền chính tòa kia không chỉ để dâng lễ mà còn phong chức linh mục, ban phép Thêm sức, họp Công nghị, tổ chức lễ khấn cho hai nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên, có thể kể cả việc cấm phòng, dạy giáo lý hay rửa tội. Thật là sáng kiến khá thi vị!
    Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Điều 853 có viết: “Nhưng trên đường lữ hành, Hội Thánh cũng kinh nghiệm rằng ‘có một khoảng cách giữa sứ điệp Hội Thánh phải rao giảng và sự yếu hèn của những con người được ủy thác Tin Mừng’. Chỉ trên con đường ‘sám hối và canh tân’ và ‘qua cửa hẹp Thập Giá’, Dân Thiên Chúa mới có thể mở rộng Nước Chúa Kitô.”
    Qua “Lịch sử Giáo phận Vinh” người ta thấy được khoảng cách đó thể hiện trong những hành vi tiêu cực như sự va chạm giữa Dòng Tên và Hội Thừa Sai Paris, các bất đồng của các thừa sai với Đức Giám mục Pineau Trị trong những năm đầu thế kỷ XX, việc một số linh mục vừa chống thực dân Pháp, vừa đòi trao quyền điều hành Giáo phận cho hàng giáo sĩ Việt Nam. Các thừa sai và giáo sĩ thuộc Giáo phận Vinh do được đào luyện trong môi trường đức tin và cũng do thời cuộc uốn nắn tác động, đã chấp nhận đi trên con đường sám hối canh tân, và nhất là qua cửa hẹp Thập Giá, đã mở rộng Nước Chúa như sẽ thấy trong giai đoạn lịch sử về sau.

    323.- Thần học thập giá:
    Người Pháp có câu nói: “Chiến đấu không gian khổ, chiến thắng không vinh quang” (À vaincre sans péril, on triomphe sans gloire). Giáo phận Vinh đã trải qua trong mấy trăm năm Tin Mừng được gieo vãi trên một vùng đất thánh thiêng đúng với quan niệm phong thủy của người Việt Nam “địa linh sinh nhân kiệt”. Các giáo sĩ, giáo dân của Giáo phận Vinh đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ, tủi nhục, cay đắng nhất là đổ biết bao máu đào có thể nói là không sao kể xiết để giữ được đức tin và phát triển đạo Chúa cho đến ngày nay.  Đọc kỷ cuốn “Lịch sử Giáo Phận Vinh” người ta nắm vững được chính sách cấm đạo trong thời các chúa Trịnh Nguyễn, Tây Sơn nhất là dưới thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức cũng như các giai đoạn của phong trào Văn Thân và Cần Vương.
    Lý do cấm đạo dưới thời các vua chúa cầm quyền ở VN được sử gia Lê Thành Khôi đưa ra như sau: “Chính quyền tỏ ra lo ngại trước việc tôn giáo mới này càng ngày càng được nhiều thành viên thuộc các gia đình quý tộc nghe theo và trước việc các tín đồ của tôn giáo mới này từ bỏ học thuyết và các nghi lễ vốn là nền tảng của xã hội. Tất cả cơ cấu xã hội và chính trị của Đại Việt đều dựa trên những khái niệm luân lý của Nho giáo, việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình và việc thờ kính nhà vua trong quốc gia. Tôn giáo mới sẽ là một sự phủ định hoàn toàn gia tài truyền thống. Các tín đồ đã không chỉ gắn bó với niềm tin tôn giáo hơn cả với chữ hiếu và chữ trung, mà sự hợp nhất giữa họ với nhau và sự vâng phục một cách mù quáng các thừa sai ngoại quốc, có thể tạo nên một thứ đảng phái nguy hiểm. Chính quyền không thể không lo sợ về một sự lật đổ trật tự hiện hành và việc xâm nhập của một chế độ chính trị mới có thể có được sự hỗ trợ của các khẩu đại bác của phương Tây.” (Lê Thành Khôi, Sách đã dẫn, trang 336).
    Ở Đàng Ngoài, năm 1662, Trịnh Tạc cho soạn bản Giáo huấn để cải tổ phong hóa nhắc nhở tất cả mọi người dân về kỷ luật cổ truyền. “Một người dân phải hết lòng hết sức với quốc gia và nhà vua của mình.” Mỗi người phải tuân thủ các nguyên tắc do tam cương ngũ thường của Khổng giáo ấn định. Tất cả các sách vở về Đạo giáo, Phật giáo và về “tà giáo” (Kitô giáo) đều bị cấm. Năm 1665, chúa Nguyễn ra lệnh xử tử các tín đồ Kitô giáo tại Hội An. Năm 1696, Trịnh Căn tuyên bố: “Đạo Hoa lang [Công giáo] trái với luật tự nhiên, vi phạm đến lý trí và làm cho lòng dân trở nên bất ổn.” (Deloustal, La justice dans l’ancien Annam, trang 152-158, dẫn theo Lê Thành Khôi, Sđd, trang 339).
    Các quan điểm trên đây thực sự đã được chính Linh mục Alexandre de Rhodes giải tỏa trong thuyết “ba cha” (tam phụ) của ngài nói về các yếu tính của tam cương ngũ thường được nhìn thấy trong giáo lý của đạo Công Giáo. Thật ra chính điều khoản “một vợ một chồng” của đạo Công Giáo mới là điều các viên thái giám và các cung tần trong phủ chúa Trịnh ra sức khai thác để chia rẽ chúa Trịnh Tráng với giáo sĩ Đắc-lộ khi ngài mới vào truyền giáo ở Đàng Ngoài.
    Theo Linh mục Nguyễn Phương, lần cấm đạo năm quý mão (1663) sử họ Trịnh nêu ra lý do như sau: “Trước đây, có người nước Hoa lan vào nước ta lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu, đàn ông đàn bà ngu dốt nhiều người tin mộ. Chỗ nhà giảng người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi, mà sách và nhà giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi”. Những yếu tố nêu ra trong đoạn nầy để cấm Thiên chúa giáo cho ta thấy rõ quan niệm của triều đình họ Trịnh. a) Đạo mới bị cấm vì đó là một đạo lạ, b) đạo lạ nầy bị cấm vì có những thói tục không giống của xứ sở. Như thế, Thiên chúa giáo bị cấm không phải vì dạy bảo những điều sai lạc, cho bằng trước đây chưa có mà bây giờ mới có.  (Nguyễn Phương, bản thảo chưa in, tr. 276)
    Dưới thời các chúa Nguyễn, chính sách cấm đạo xuất phát từ tình hình chiến sự giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong, nhu cầu giao thương giữa Nam Hà với Bồ Đào Nha cũng như quan hệ giữa các giáo sĩ với nhà chúa qua số lượng quà cáp biếu xén hậu hĩ hay sơ sài và cũng dưới ảnh hưởng thúc đẩy của một số cận thần chung quanh nhà chúa.
    Dưới thời Tây Sơn, chính sách cấm đạo mang một sắc thái cơ bản đó là anh em Tây Sơn vốn là những người vô đạo hoặc có đạo mà bỏ cho nên chính sách cấm đạo, phá đạo do họ chủ trương mang tính chất sắt máu, quyết liệt, không khoan nhượng.
    Trong tác phẩm Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn, Linh mục sử gia Nguyễn Phương đã viết: “Sự các nhà cầm quyền Tây Sơn không đếm xỉa gì đến vấn đề tôn giáo, thấy được ngay ở thái độ cá nhân của họ. Theo một số tài liệu cho biết, thì gia đình Hồ Phúc, cha của anh em Nhạc Huệ, đã theo Thiên Chúa giáo. Họ theo tôn giáo nầy từ khi tổ tiên họ đang ở Nghệ An. Nhưng Nhạc đã sớm bỏ tôn giáo của cha ông để không còn tôn trọng một vị thần linh nào nữa. Phần Huệ ông đã xuất gia tu đạo ở một ngôi chùa trong vùng một thời gian, sau đó ông đã hồi tục để theo đuổi các thứ sân si. Rồi, khi đã thành những nhà khởi nghĩa, các ông đã giữ lập trường vô đạo một cách tỏ rõ. Họ không còn cho gì là đáng kiêng đáng kính, ngoaisàu5ưnghiệp của họ.” (Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn, Nhà xb. Khai Trí, Sài Gòn, 1967, tr.326.)
    Năm 1786, Giáo sĩ Labartette đã viết những dòng sau đây khi kết luận về thái độ của Tây Sơn đối với tôn giáo: “Tôi không thấy gì tốt có thể hy vọng nơi các ông đó: ở đây, họ đã phá hủy những giáo đường đẹp đẽ nhất của chúng tôi, họ đã phá hủy tất cả các chùa chiền cùng bắt buộc hết thảy các nhà sư phải mang khí giới ra trận.” (Thư của Labartette, viết ngày 23-6-1786, Documents, tr. 14; Dẫn theo Nguyễn Phương, Sđd, tr. 327).
    Năm 1783, Tây Sơn đã bỏ tù và giết Giáo sĩ Fernand de Oldemilla, người Bồ Đào Nha lấy cớ giáo sĩ không cung cấp cho họ một tàu đồng như nhu cầu họ đòi. Năm 1786, Nguyễn Nhạc đã ra một chiếu chỉ khắt khe cấm Thiên Chúa giáo, và từ đó những thảm cảnh áp bức xảy ra khắp nơi trong lãnh thổ của Tây Sơn.
    Tại giáo phận Vinh, trường La-tinh Trang-Nứa (tức Tiểu chủng viện) cũng bị triệt phá dưới thời Tây Sơn.
    Dưới thời Minh Mạng, vì nhà vua muốn  tránh tiếng nên đã buộc các triều thần viết kiến nghị dâng lên vua xuống chỉ cấm đạo Thiên Chúa.
    Sắc dụ cấm đạo ngày 06-01-1833 cho rằng từ lâu nhiều người Âu châu đến giảng đạo Gia-tô lừa dối dân đen dạy chúng có một thiên đàng hỏa ngục; chúng không thờ Phật, không thờ ông bà, thật là vô đạo, hơn nữa chúng dựng những nhà thờ, trong đó trai gái ra vào lẫn lộn, mục đích chúng là quyến rũ phụ nữ đàn bà, chúng còn múc mắt những người đau ốm…
    Năm 1836, Minh Mạng ban hành một dụ cấm đạo có những lời lẽ vu khống như: “Các thừa sai dùng một thứ bánh để quyến rũ dân chúng và bắt họ phải giữ đạo tới cùng. Các người Công Giáo múc mắt những người gần chết rồi đem trộn với hương để làm thuốc… Trong lúc làm phép hôn phối thường có xảy ra những điều ám muội.”
    Ngày 03-5-1847, Thiệu Trị ra sắc dụ cấm đạo trong đó có những câu: “ Gia Tô tà giáo là do Tây dương mọi rợ truyền sang. Đạo đó không thờ cha mẹ, không kính thần linh […]. Đó là thứ tà đạo làm tổn thương đến phong hóa hơn cả […]. Vậy nay dụ cho các nha môn, lớn nhỏ, trong kinh thành và ngoài các địa phương phải tuân hành điều cấm.” (Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục chính biên, Tập 26, 274-275, Lịch sử Giáo phận Vinh, trang 128).
    Trong Lịch sử Giáo phận Vinh,  các vị biên giả đã ghi lại cũng khá đầy đủ về chính sách cấm đạo, phá đạo dưới thời vua Tự Đức mà cao điểm nhất là chính sách phân tháp áp dụng đối với người Công Giáo trong toàn quốc.
    Chính sách phân tháp là gì? Đó là xé nhỏ các làng Công Giáo, các gia đình Công Giáo đem “cắm “ vào các làng bên lương, các gia đình bên lương để các làng và người bên lương quản lý. Cứ 5 người lương quản lý một người công giáo. Với chính sách này, vua Tự Đức muốn người Công Giáo sẽ bị đồng hóa với người bên lương, không liên lạc được với đạo trưởng, không còn đọc kinh, xem lễ trong môi trường xa lạ  ở các gia đình, các làng bên lương. Chính sách đối xử với người Công giáo như vậy thật là thâm độc và dã man. Nhà giam những người Công giáo bằng tranh tre thấp lè tè, thiếu không khí, không có những tiện nghi cần thiết, chung quanh có chất rơm khô, trên không mái che, chờ hễ khi có lệnh là phóng hỏa. Ruộng đất, nhà cửa của người Công giáo bị tịch thu và giao cho các nhà bên lương quản lý, và sau khi Tự Đức tha đạo (1862) số tài sản của người Công Giáo coi như bị xóa sổ.
    Người Công Giáo không chỉ đau khổ vì các chính sách cấm đạo, phá đạo của vua chúa mà còn chịu biết bao thống khổ do các phong trào Văn Thân, Cần Vương gây ra nữa qua cái gọi là “bình Tây sát Tả” sự chủ xướng do những người mà sử gọi là “văn thân”. Xét về ý nghĩa hai chữ “Văn thân”, Giáo sư Yoshiharu Tsuboi có giải thích rõ rang như sau: “Từ văn có nghĩa là “chữ” và cũng có nghĩa là “người biết chữ”. Trong xã hội cổ xưa, ở Trung Hoa và ở Việt Nam, từ này thông thường dùng để chỉ người có học thức. Từ thân có nghĩa chính từ nguồn gốc là cái dải thắt lưng tơ mà viên chức thời Trung Hoa xưa cột áo ngang lưng: từ này dùng để chỉ các thân hào, thư lại ở địa phương; hoặc viên chức đã về hưu – các chuyên gia tiếng Anh viết lịch sử Trun g Hoa phiên dịch chữ này ra tiếng Anh là gentry, tiếng Pháp: petite noblesse. Vậy theo ngữ nguyên, văn thân chỉ chung cac nhân sĩ, thân hào, thư lại ở địa phương và các viên chức về hưu. Và ở thời kỳ Tự Đức, hình như từ ngữ này giữa cái nghĩa ấy.” (Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa, Nhà xcb. Trẻ Tp. HCM, 1999, trang 255).
    Mục tiêu của Văn thân được nêu lên từ năm 1874 là “bình Tây sát Tả” qua bài hịch của Trần Tấn và Đặng Như Mai ở Nghệ An, nhưng như một số nhận định của nhiều người trong đó có Giáo sư Lê Hữu Mục thì “tuy nhan đề bài    hịch là bình Tây sát Tả nhưng suốt bài hịch, ta chỉ thấy Trần Tấn say mê có một chuyện sát Tả mà thôi. Vậy Cần Vương và Văn Thân là hai phong trào chính trị, nhưng nếu Cần vương nhắm vào việc đánh Pháp là chính, thì Văn thân chỉ coi việc trả thù người Công Giáo là lí tưởng của đời mình.” [Lê Hữu Mục, Cụ Sáu đối diện với phong trào Văn Thân, trong Trần Lục (viết chung với nhiều tác giả), Canada, 1996, tr. 340].
    Nhận định về phong trào Văn thân, Trần Văn Giàu, một sử gia mác-xít có viết: “Không thể chối cãi rằng phong trào 1874 ở Nghệ Tĩnh là phong trào yêu nước, do Văn thân yêu nước khởi xướng. Nhưng cũng không thể chối cãi rằng các nhà Văn thân yêu nước  đã làm những điều rất sai chính trị khi họ xem việc “sát tả” là điều kiện thứ nhất của việc “bình Tây”, không phân biệt giáo dân bình thường và những giáo sĩ làm tay sai cho giặc Pháp. Họ vơ đũa cả nắm, và vô tình họ đẩy tất cả những người đạo đồ Thiên Chúa qua một bên, bên giặc Pháp. Họ đặt nhiệm vụ “gìn giữ văn minh Nho giáo” cho cuộc vận động, như thế là bó hẹp quá, là hạn chế quá cái ý nghĩa của cuộc vận động, ý nghĩa đó là cứu nước Việt Nam, chớ nào chỉ bảo vệ riêng một đạo nào, bất kỳ Nho giáo, hay Phật giáo, hay Lão giáo. “Bình Tây” chỉ chắc mọi người dân đồng ý, còn “sát Tả” thì vị tất người dân thường đã nhất trí bằng lòng; các nhà Văn thân khởi nghĩa vô hình trung đã tự cô lập mình, càng dễ bị triều đình đánh dẹp.” (Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam, Tập I, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nhà xb. TpHCM, 1993.- Dẫn lại theo Lê Hữu Mục trong bài nói trên).
    Theo nhà sử học Charles Fourniau, số giáo dân ở Trung Bộ (Quảng Ngãi-Bình Định) bị giết khoảng 24,000 người trong số 40,000 người (Nguyễn Đức Cung, Diên Lộc Quận Công Nguyễn Thân, Nhà xb Nhật Lệ, 2002, trang 245).
    Tính từ thời các chúa Trịnh Nguyễn cho đến thời Tự Đức có đến trên 300,000 người Công Giáo Việt Nam đã chết vì đạo, tuy vậy vì tính cách cẩn trọng, Giáo Hội mới chỉ phong 117 vị thánh mà thôi.
    Một nhà hoạt động dân chủ ở Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng đã có ghi lại trong cuốn sách chính luận nổi tiếng của ông, Tổ Quốc Ăn Năn : “Việc bách hại người Công Giáo đã là một vết nhơ khó tẩy xóa trong lịch sử Việt Nam. Đó là sự kiện chính nhà nước Việt Nam, chứ không phải một đoàn quân xâm lược nào, đã tàn sát một số lớn những người Việt Nam hoàn toàn vô tội. Thảm kịch con lớn hơn nữa vì nhà nước đó biết họ vô tội nhưng vẫn giết họ. Điều đáng ngạc nhiên là cho tới nay chưa có một chính quyền Việt Nam nào, nhân danh sự lien tục của quốc gia, tổ chức một ngày để xin lỗi những người Công Giáo về sự sai lầm kinh khủng đó.” (trang 187).
    Viết vể phong trào Văn Thân và Cần Vương, ông Nguyễn Gia Kiểng khẳng định: “ Điều đau nhức nhất trong thảm kịch cấm đạo là có những người Việt Nam thực sự yêu nước, thực sự dũng cảm đã tham gia tích cực vào việc tàn sát và nhục mạ những người Công Giáo vô tội. Tôi muốn nói tới những phong trào Văn Thân và Cần Vương. Chắc chắn là trong động cơ thúc đẩy họ có lòng yêu nước, nhưng sự cuồng tín tôn thờ Nho Giáo của họ còn mạnh hơn. Họ đã giết người Công Giáo bởi vì họ thực sự tin rằng người Công Giáo đã bỏ đạo lý của cha ông, đi tôn thờ một tà đạo của người phương Tây mà lúc đó họ gọi là bọn quỷ trắng.”
    Ở đoạn dưới, ông Nguyễn Gia Kiểng có viết: “Một lần cho tất cả, phải khẳng định sự vô tội của người Công Giáo. Không làm gì có âm mưu nào trong việc truyền giáo tại Việt Nam. Những giáo sĩ tới Việt Nam chỉ để truyền đức tin Ki-Tô mà thôi và các giáo dân đã theo đạo cũng chỉ vì đức tin Ki-Tô. Các chúa Trịnh, chúa Nguyễn, rồi các vua nhà Nguyễn, thủ phạm các cuộc cấm đạo đẫm máu, ít ra cũng lương thiện hơn những “học giả” biện bạch cho họ. Các dụ cấm đạo chỉ buộc tội người Công Giáo theo một tà đạo mà thôi, không bao giờ buộc thêm cho người Công Giáo một tội nào khác cả… Có người (tác giả muốn nói Cao Huy Thuần trong cuốn Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. NĐC ghi chú thêm) viện dẫn một số tài liệu của Bộ Hải Quân Pháp để chứng minh có sự toa rập giữa các giáo sĩ và chính quyền Pháp. Nhưng các giáo sĩ đã truyền giáo trong điều kiện khó khăn tất nhiên phải có sự giao dịch với các thế lực có ảnh hưởng tới Việt Nam lúc đó. Những người bị bách hại tất nhiên phải tìm chỗ dựa. Điều này cũng tự nhiên như ngày nay chúng ta vận động các chính phủ dân chủ và các tổ chức nhân đạo bênh vực cho những ngưởi dân chủ gặp khó khăn tại Việt Nam. Mặt khác, đừng quên là các giáo sĩ cũng đã làm nhiều khuyến cáo và đề nghị với chính các vua nhà Nguyễn để hy vọng giúp Việt Nam canh tân và mạnh lên, chỉ tiếc là họ đã không được nghe vì vua quan nhà Nguyễn quá thủ cựu. Nhiều người Công Giáo Việt Nam, giáo sĩ cũng như giáo dân, mặc dầu bị ruồng rẫy, tù tội, hạ nhục vẫn cố hết sức tìm cách giúp các vua nhà Nguyễn cải tổ để đưa đất nước đi lên dù chỉ gặp sự dửng dưng của vua quan nhà Nguyễn. Nếu những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ lọt được tai vua quan nhà Nguyễn thì đất nước chúng ta đã không như ngày nay.” (trang 192-193).
    Ở một đoạn dưới, ông Nguyễn Gia Kiểng có viết: “Cái gì đã khiến người Việt Nam theo đạo Công Giáo đông đảo như vậy? Đó chính là thông điệp Ki-Tô. Vào thời buổi nhiễu nhương, con người chà đạp và chém giết lẫn nhau, còn gì an ủi là được nghe một thông điệp hòa bình, bác ái, là được nghe những lời nhắn nhủ “ai thương xót người ấy là phúc thật, ai chịu khốn khó vì lẽ phải ấy là phúc thật”?Đạo Công Giáo đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của những người cùng khổ… đạo Công Giáo đã đến với dân tộc Việt Nam không qua giai cấp thống trị, mà qua giai cấp bị chà đạp. Dụ cấm đạo của vua Minh Mạng nhận định các giáo sĩ đã lôi kéo bọn “bần dân mạt hạng”.
    Cũng trong trang sách nói trên, ông Nguyễn Gia Kiểng đã có một khẳng định: “Chính những người Công Giáo tử đạo đã cho tôi niềm tin vững chắc vào dân tộc Việt Nam: nếu có một lý tưởng trong sáng, người Việt Nam có thể rất dũng cảm và chấp nhận những hy sinh rất to lớn.” (trang 194).
    Các Thánh Tử đạo Việt Nam nói chung và các vị thuộc Giáo phận Vinh nói riêng đã sống một cuộc sống hiếu trung trọn vẹn của người Việt Nam chân chính, hiếu nghĩa với cha mẹ và luôn giữ tấm lòng trung với Thiên Chúa cũng như tổ quốc của mình. Đó là những tấm lòng son sắt (nhất phiến băng tâm)! “Sống trong huyền nhiệm các thánh thông công và tư duy phúc tử đạo bằng ngôn ngữ Đông phương, linh mục Sảng Đình Nguyễn Hy Thích kính các thánh tử đạo Việt Nam một đối liên tuyệt diệu:
    死 又 何 妨 爲 忠 爲 孝,
    道  不  可  離  惟  一  惟  精.
    Tử hựu hà phương vi trung vi hiếu
    Đạo bất khả lị duy nhất duy tinh.”

    Ý nghĩa câu đối là : “Chết nào hại được ai, vẫn trung vẫn hiếu; Đạo chẳng thể lìa xa, duy nhất duy tinh.” (Đoàn Khoách, Sảng Đình thi tập của J.M.Thích, bài viết của Võ Long Tê, Thanh Tịnh xb. 2001, tr. 29).
   

LỜI KẾT

    Trong lời kết thúc bản góp ý này chúng tôi muốn dừng lại đôi chút để suy ngẫm về Lời Bạt của Giáo sư Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương mà chúng tôi coi như được ngụp lặn dưới dòng suối đức tin sau khi đã trải qua một cuộc hành trình dài theo dõi những bước chân khai sơn phá thạch của Thừa sai Đắc-lộ cho đến giai đoạn hình thành các dòng tu thuộc Giáo phận Vinh.
    Đọc Lịch sử Giáo phận Vinh không chỉ là việc trở về nguồn cội để biết ơn tiền nhân, không chỉ là việc ôn cố tri tân mà là động thái trở về suối nguồn tinh khôi của Kitô giáo. Trở về với sức sống bình an, vui tươi của đoàn con cái Thiên Chúa  theo chân Đấng Chăn Chiên lành đi giữ biển đời đầy chông gai gian nan trắc trở. Cuộc hành hương của những thần dân thiên quốc đi giữa muôn dân thế trần…Trong thâm sâu của tâm hồn, Kitô hữu thuộc về đoàn hành hương khởi nguồn từ tổ phụ Abraham trong sách Sáng Thế để đi về thời cánh chung được mô tả trong sách Khải Huyền!” (trang 597).
    Quả thật Giáo Hội đã và đang làm một cuộc lữ hành trên trần thế nhưng khó mà có được cái bình thản vui tươi để được trở về suối nguồn tinh khôi của đạo thánh khi mà chung quanh còn biết bao trở ngại phải vượt qua, biết bao cám dỗ đầy tục lụy hằng kéo níu đoàn chiên của Chúa phải chối từ hay đoạn tuyệt và biết bao công việc thể hiện giáo lý của Đức Kitô cần biến thành hiện thực. Cái nhìn của Giáo sư Nguyễn Khắc Dương chan chứa một niềm lạc quan đầy ánh sáng của đức tin như chắp cánh cho tâm hồn chúng ta vượt thoát ra khỏi mọi ràng buộc của thế giới thực tại hay ít ra cũng là một điều an ủi cho những người có lòng tin.
    Nhưng đức tin không phải chỉ là một dòng suối cội nguồn tự nhiên mà có để chú cá nhỏ bé tung tăng bơi lội mà còn là một cuộc hành trình trải dài với những bàn chân, tích lũy nhiệt thành từ nhiều trí óc, xây đắp từ những kinh nghiệm. Đức Thánh Cha Bênedictô XVI trong cuốn sách “Thiên Chúa và Trần Thế”  đã nói rằng : “Đức tin là một con đường. Bao lâu còn sống, ta còn trên đường, và vì vậy, đức tin luôn bị đe dọa và bị chèn ép… Đức tin chỉ có thể trưởng thành, trong khi mọi giai đoạn cuộc sống nó đủ sức chấp nhận và chịu đựng sức mạnh cũng như sự o ép của không tin, cuối cùng vượt thắng chúng để lại bước đi tiếp trên một đoạn đường mới.” (Joseph Ratzinger, Biển-đức XVI, Thiên Chúa và Trần Thế, Tin và Sống trong thời đại ngày nay, Trao đổi với Peter Seewald, bản dịch Việt ngữ của Phạm Hồng Lam, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại xuất bản, 2008, trang 37). Lời dạy của vị giáo hoàng thần học gia số một trên thế giới quả thật đã lột tả được giá trị sinh động của đức tin đối chiếu với cuộc sống của người tín hữu Công Giáo Việt Nam trong thời đại hôm nay. Đức tin không như lịch sử luôn luôn gặp những thách đố và có những đáp ứng qua đó có thể bị biến thể đi. Đức tin có một khẳng quyết là chỉ có thể trưởng thành sau khi đã vượt qua sức mạnh và sự o ép của không tin để rồi sau khi vượt thắng lại bước tiếp qua những đoạn đường tương lai. Lịch sử Giáo phận Vinh cho chúng ta những bài học của kinh nghiệm về đức tin đầy máu và nước mắt.
    Lời Bạt của Giáo sư Nguyễn Khắc Dương đã có những dòng chữ khẳng định như sau:     “Đối với Kitô hữu, lịch sử không còn là sự phân biệt quá khứ, hiện tại hay tương lai, mà là đang sống sung mãn trong một hiện tại miên trường, mỗi giây phút bao gồm cả sáng thế, khổ nạn, phục sinh và cánh chung... Giáo hội vẫn luôn là vậy, song hành khổ nạn và phục sinh, song hành sáng tạo và cánh chung. Có chăng một vài giai đoạn ngắn ngủi được tạm gọi là bình an, nhưng tự bản chất luôn là những cộng đoàn ngoại giáo tân tòng của Công vụ Tông đồ. Nước mắt và hạnh phúc, đau khổ và chiến thắng, Thập giá và vinh quang… luôn hiện hữu nơi các giáo đoàn và nơi mỗi Kitô hữu.” (trang 597). Quan điểm được trình bày trên đây đưa ta tới gần linh đạo của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận nhưng đồng thời cũng mở ra trước mắt chúng ta một viễn tượng lạc quan đó là sau “khổ nạn” đến “phục sinh”, sáng tạo đến cánh chung, nước mắt và hạnh phúc, thập giá và vinh quang… Đây không phải là luật nhân quả nhưng là sự công bằng của Thiên Chúa định cho mỗi người và cho cả Hội Thánh của Ngài khi mà mỗi người được lãnh nhận từ tay ông chủ mấy nén bạc để làm nên lợi tức do thành quả lao động và công sức trí tuệ của mình. Linh đạo của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận được viết như sau: “Hiện tại là thời gian duy nhất chúng ta có trong tay. Quá khứ đã qua rồi, còn tương lai chúng ta không biết nó sẽ ra sao. Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại. Trong những đêm dài trong ngục tù, tôi ý thức được rằng sống giây phút hiện tại là con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tới sự thánh thiện.” Linh đạo của Đức Cố Hồng Y tuy được viết trong tù nhưng đích nhắm là Cộng đồng dân Chúa, không chỉ cho Việt Nam mà chung cho thế giới, thật sự cũng không khác xa ý niệm “một hiện tại miên trường” của Giáo sư Nguyễn Khắc Dương một khi người tín hữu Công Giáo được chịu phép thánh tẩy là được tiếp cận với Thiên Chúa vốn là chủ tể của lịch sử, chủ tể của thời gian.
    Người Việt thường có câu: “Vô tri bất mộ” (không biết thì không mến chuộng). Giáo dân Việt Nam thường hay đọc kinh nhưng ít khi đọc sách, nhất là những sách viết về giáo lý hay lịch sử Giáo Hội hay Giáo phận vì cho là khô khan, ít hấp dẫn. Cần phải thay đổi não trạng cố hữu này bởi vì muốn “mộ” thì phải “tri”.
    René Descartes (1596-1650), triết gia người Pháp có nói: “Đọc những cuốn sách hay là như được đối thoại với các bậc hiền nhân trong nhiều thế kỷ xa xưa” (Reading all the good books is like a conversation with the finest men of past centuries.- Discourse on Method).
    Thánh Hiêrônimô có nói: “Không đọc Kinh Thánh là không biết Chúa Giêsu”. Chúng tôi muốn dựa theo đó để viết rằng không đọc lịch sử thánh thì không biết tiền nhân trong Giáo Hội hay Giáo phận chúng ta đã làm gì, đã giữ đạo và truyền đạo như thế nào.
    Tác phẩm  “Lịch sử Giáo phận Vinh” do ông Vương Đình Chữ chủ biên cùng sự cộng tác của một số Linh mục và Giáo dân vốn là những người thuộc trong giới chuyên khảo sử học, là một công trình tim óc được viết lách rất cẩn trọng, chứa đựng nhiều mách bảo hữu ích của thời sự quá khứ, dù đây là một cuốn sách viết về lịch sử một tôn giáo nhưng trên một vùng đất có liên quan mật thiết đến các biến cố của đất nước. Vị trí của các nhà biên khảo tác phẩm này cho phép họ tiếp cận được với những nguồn lưu trữ tư liệu, văn khố ở trong nước và hải ngoại mà không phải ai cũng có thể tìm tới được. Giới nghiên cứu ở đại học cũng như sinh viên có thể tìm thấy trong cuốn sách này nhiều tư liệu mang tính xã hội học, tôn giáo học kể cả chính trị học hữu ích cho những đề tài, luận án của mình.
    Riêng đối với người giáo hữu Việt Nam, mỗi trang sách của cuốn “Lịch sử Giáo phận Vinh” có thể là một bài học tu đức, một lời hướng dẫn về giáo lý, một kinh nguyện nằm lòng và một tấm gương sáng để bắt chước, noi theo…
   

                                 Nguyễn Đức Cung 
                                Philadelphia 19-5-2016