NGUYỄN DU QUA MỘ KỲ LÂN

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
    Trên đường đi sứ năm Quý Dậu (1813) , Nguyễn Du đi qua tỉnh Hà Bắc trong khoảng thời gian 21-9 ÂL, đến ngày 4-10 thì đến Bắc Kinh. Nguyễn Du đi ngang qua mộ con kỳ lân. Kỳ lân là một giống linh thú, không dẫm lên vật sống, không bẻ cành cây tươi, nên gọi là giống thú có nhân. Chỉ khi nào có thành nhân ra đời thì kỳ lân mới xuất hiện.  Do đó kỳ lân được tượng trưng cho điềm lành báo hiệu thời thịnh trị. Kỳ lân đứng hàng thứ nhì trong 4 con linh thú : Long, Lân, Qui, Phụng. (Rồng, Kỳ Lân, Rùa lớn, Phượng hoàng.)
Trên các bình phong trước đình miếu, vẽ đắp nổi hình Kỳ lân : đầu rồng, thân ngựa con, có vẩy cá. Ở Tây phương, gọi là con licorne, tạm dịch là con lân, hình như ngựa con có sừng trắng trước đầu cũng là con vật huyền thoại, vẽ dệt trên bộ thảm đỏ danh tiếng ở Viện Bảo Tàng Cluny, Saint Michel, Paris.
    Nguyễn Du viết :  Trên đường đi Hà Bắc có tấm bia cao năm thước (ta) dựng bên đường cái. Trong đó có mấy chữ viết to lối chữ chân « Mộ  Kỳ Lân ». Ông lão bên đường bảo  ta rằng : «  Năm Vĩnh Lạc thứ tư, tức niên hiệu của Minh Thành Tổ (1403-1424) tức năm 1407, chổ này chôn con kỳ lân, là phẩm vật đi cống chết. Quan sai dựng bia ghi rõ việc. Chuyện quá lâu rồi tính đến nay (406 năm), chỉ thấy đường phẳng, không gò đống. Không nấm đất đắp mộ, không trồng cây. Phiến đá xiêu vạo, rêu phủ mờ.. Sáng gió lạnh thổi, chiều mưa dầm dề tuôn. Than ôi ! kỳ lân vì đâu mà mày hiện ra ? Than ôi, kỳ lân là giống vật báo điềm lành trên trời. Nay xương thịt bỏ cho sâu kiến đục. Ôi kỳ lân ! ôi kỳ lân ! sao mày khổ thế !  Huống nữa Yên Đệ là người như thế nào ? Cướp ngôi của cháu, tự lập lên làm vua, y không phải là bậc chính nhân. Để hả một cơn giận y giết cả mười họ người ta. Giết trung thần bằng cách đánh bằng gậy lớn và nấu trong vạc dầu lớn. Trong năm năm giết trên trăm vạn mạng người. Xương trắng chất thành núi, đất ngập máu. Ôi kỳ lân ! nếu mày vì kẻ ấy hiện ra, thì mày chỉ là đồ yêu quái, có gì đáng quí ? Hoặc là mày sống ở đời không nở nhìn cảnh chém giết. Nên đến chỗ này mày chết trước. Than ôi kỳ lân là loài thú có đức nhân. Trên trời chẳng thấy nên cho là điềm lành. Thấy thì chẳng qua cũng như loài chó, dê. Nếu bảo kỳ lân vì thánh nhân mà xuất hiện. Thì thời ấy sao không dạo chơi xuống phương Nam.( Nơi có vua Lê Lợi ra đời).
MỘ  KỲ  LÂN
Đường Hà Bắc bia cao năm thước,
Mấy chữ chân, bia « MỘ KỲ LÂN. »
Lão bên đường bảo ta rằng :
Vĩnh Lạc thứ tư, nơi đây chôn kỳ lân cống chết.
Quan trên dựng bia ghi sự việc,
Việc ấy xưa nay đã lâu rồi.
Đường cái quan phẳng bằng, chẳng gò  đống mà thôi,
Chẳng đắp mộ, chẳng trồng cây cối.
Phiến đá xiêu vẹo phủ mờ rêu tối,
Gió lạnh sáng mai, mưa xối chiều tà.
Ôi kỳ lân, vì đâu mày hiện ra ?
Than ôi ! kỳ lân là giống vật báo điềm trời giáng.
Nay xương thịt sao bỏ sâu kiến đục ?
Ôi kỳ lân ! Ôi kỳ lân ! sao mày khổ thế này ?
Huống chi Yên Đệ người thế nào đây ?
Cướp ngôi cháu, tự lập vua, chẳng phải là quân tử !
Hả một cơn giận, giết người mười họ.
Giết trung thần bằng gậy lớn, vạc dầu to.
Trong năm năm, giết trên trăm vạn người ta.
Xương trắng chất núi, đất bằng ngập máu.
Ôi kỳ lân, nếu mày vì kẻ ấy,
Mày chỉ là đồ yêu quái có quý chi !
Mày sống ở đời không nở nhìn cảnh chém giết làm chi !
Nên đến chổ này, mày chết trước.
Than ôi ! kỳ lân là loài thú có nhân có đức.
Trên trời chẳng thấy nên cho đó là điềm lành.
Ta thấy chẳng qua như loài chó loài dê,
Nếu bảo kỳ lân vì thánh nhân mà hiện xuống,
Thuở ấy sao chẳng rong chơi xuống phương Nam ?
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
KỲ  LÂN  MỘ
Hà Bắc đạo trung, ngũ xích phong bi đương đại lộ,
Trung hữu khải tự đại thư : “KỲ LÂN MỘ.”
Đạo bàng cố lão vị dư ngôn:
“Vĩnh Lạc tứ niên, cống lân, đạo tử, táng thử thổ ?
Quan mệnh lập bi dụng tồn cổ.”
Thử sự hất kim dĩ kinh cổ.
Đãn kiến quan đạo đãng đãng vô khâu lăng.
Kỳ bàng bất phong diệc bất thụ.
Phiến thạch khuynh khi đài tiển man.
Thê phong triêu xuy, mộ khổ vũ !
Hu tai lân hề, hà do đổ ?
Hu ta lân hề, thiên thượng tường !
Cốt nhục ủy chi trùng nghĩ đố.
Lân hề, lân hề, nhĩ hà khổ ?
Hà huống Yên Đệ, hà như nhân ?
Đoạt diệt tự lập phi nhân quân.
Bạo nộ nhất sính di thập tộc,
Đại bổng cự hoạch phanh trung thần.
Ngũ niên sở sát bách dư vạn.
Bạch cốt thành sơn, địa huyết ân !
Lân hề, quả vị thử nhân xuất,
Đại thị yêu vật, hà túc trân.
Hoặc thị nhĩ sinh bất nhẫn kiến sát lục,
Tiên tựu thử địa quyên kỳ thân.
Hu ta, nhân thú hề, kỳ lân !
Ư thế bất kiến dĩ vi tường.
Kiến chi bất quá đồng khuyển dương,
Nhược đạo năng vị thánh nhân xuất,
Đương thế hà bất Nam du tường ?
    Minh Thành Tổ (1360-1421) Minh Thái Tông, Hoàng đế thứ 3 nhà Minh trị vì từ năm 1402 đến 1424 ,  dùng một niên hiệu Vĩnh Lạc  trong  22 năm, nên còn gọi là Vĩnh Lạc Đại Đế, được ca ngợi là Vĩnh Lạc thịnh thế. Là một vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng là vị vua đưa sự bành trướng Trung Quốc đến cực điểm. Minh Thành Tổ tên thật là Chu Đệ sinh ngày 2-5-1360 tại Nam Kinh, con thứ tư của Minh Thế Tổ Chu Nguyên Chương(1368-1398) và Cao Hoàng hậu Mã Thị. Chu Nguyên Chương giám sát giáo dục nghiêm ngặt, phong cho các con nắm giữ binh quyền tại các đất phong có quân đội riêng tự vệ. Khi Chu Nguyên Chương tại thế các hoàng tử làm tốt vai trò, Chu Nguyên Chương không tin vào các cận thần, các tướng lãnh. Chu Đệ được phong làm Yên Vương, thủ đô tại Bắc Bình (nay là Bắc Kinh) vốn là thủ đô triều nhà Nguyên Mông Cổ. Đất phong rộng lớn, giàu có, ông tạo được một triều đình độc lập, bên cạnh có tướng Từ Đạt là cha vợ. Sau một loạt chiến dịch chống Mông Cổ thành công, ông cũng cố quyền lực mình ở phiá Bắc, ông tìm cách loại trừ đối thủ Đại tướng Lam Ngọc, người có công lớn trong việc đánh đuổi Nguyên Mông, gia đình vợ của thái tử nối ngôi. Chu Đệ  biết Minh Thế Tổ không thích tướng Lam Ngọc nên vu cáo Lam Ngọc làm phản, Lam Ngọc và toàn gia bị giết. Thái tử mất sớm. Chu Đệ ban đầu chấp nhận sự chỉ định của Minh Thái Tổ người kế vị là đứa cháu trai Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn(1399-1402). Khi Minh Thái Tổ mất, vị Hoàng đế mới lên ngôi bắt đầu giáng chức và tiêu diệt những ông chú. Chu Đệ ra tay hành động lật đổ cháu trai. Cuộc chiến bất lợi cho ông lúc đầu nhưng cuối cùng, ông đem quân từ Bắc Bình xuống thủ đô Nam Kinh giành ngai vàng năm 1402. Minh Huệ Đế chết cháy trong trận chiến.
    Chu Đệ trở thành Minh Thái Tông, hợp pháp hóa việc lên ngôi, xóa bỏ toàn bộ thời gian trị vì người cháu, tiêu hủy và sửa đổi các tài liệu liên quan đến tuổi thơ và cuộc nổi loạn của ông. Điều này dẫn đến sự thanh trừng vô số các viên quan ở Bắc Kinh. Minh Thành Tổ sai đại thần là Phương Hiếu Nhụ thảo chiếu lên ngôi. Hiếu Nhụ viết bốn chữ lớn ‘Yên Tặc thoán vị ‘ (Giặc Yên cướp ngôi) rồi ném bút nói ‘Chết thì chết, chiếu không thảo’. Chu Đệ giận bảo : ‘Không nghĩ đến chín họ sao ? ‘. Hiếu Nhụ trả lời : ‘ Dù có chết mười họ ta cũng không sợ ‘. Tức thì Chu Đệ cho đánh tan xác và phanh thây Hiếu Nhụ rồi bắt các học trò ông qui thành một họ, cộng với chín họ Hiếu Nhụ là mười, đem giết hết. Ba họ là họ  cha, họ mẹ, họ vợ, mười họ là thêm họ bà nội, họ bà ngoại, họ bà sơ, họ bà cố, tổng cộng khoảng 10 ngàn người của  Phương Hiếu Nhụ, con trai bị giết con gái bị bán làm nô tì. Lần duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có chuyện giết 10 họ vì một người. Chu Đệ là người tàn bạo vượt xa cả Tần Thủy Hoàng.
    Minh Thành Tổ lên ngôi ban thẩm quyền đặc biệt cho bọn hoạn quan, ngoài vòng pháp luật để tố cáo, chỉ điểm bắt các quan lại không trung thành. Các hoạn quan lộng quyền lập hai cơ sở tình báo, điều  này dẫn đến sự  lộng quyền các hoạn quan, làm suy vong nhà Minh các đời sau.
    Minh Thành Tổ tiếp nối chính sách chuyên chế tập trung của Thái Tổ Hồng Vũ Hoàng Đế, tăng cường thể chế đế quốc. thành lập thủ đô mới  Bắc Kinh.  Nhân nhà Hồ tiếp ngôi nhà Trần tại Đại Việt, Minh Thành Tổ cho hoạn quan sang điều tra và đem quân xâm lược,  đánh bại cha con Hồ Quý Ly, đánh bại các cuộc khởi nghĩa Giản Định Đế, Trần Quý Khoách, nhà sư Phạm Ngọc.. chiếm đóng Đại Việt từ năm 1407 đến 1428 . Lê Lợi trải mười năm kháng chiến mới dành lại độc lập. Dưới thời đô họ nhà Minh, toàn bộ sách vở thời Lý Trần đều bị tịch thu đem về Kim Lăng Nam Kinh . Di sản văn hóa Lý Trần suốt bốn trăm năm đều bị hủy diệt. Người chống đối như Tiến sĩ Lê Cảnh Tuân viết Vạn Ngôn Thư bị bắt giam trong ngục Kim Lăng đến chết.  Thầy thuốc giỏi, người tài và phụ nữ đẹp  bị bắt về Trung Quốc. Tuệ Tỉnh Thiền sư chữa bệnh cho triều đình Trung Quốc, Hồ Nguyên Trừng đúc súng thần công cho Trung Quốc, Kiến trúc sư Nguyễn An xây cung điện Bắc Kinh… Hàng trăm ngàn thợ  gỉỏi bị bắt đi xây dựng cung cấm Bắc Kinh dưới sự chỉ huy của Nguyễn An. Người nổi dậy  bị bắt mổ bụng, chặt đầu xác chồng như núi.
    Minh Thành Tổ là vị vua tàn bạo nhất lịch sử Trung Quốc, gieo bao tang thương thảm khốc cho dân tộc Việt Nam, ngày nay được xem là vị vua vĩ đại có công lớn  với lịch sử Trung Quốc.
Minh Thành Tổ cải cách khoa cử thay vì chế độ đề cử và bổ nhậm.
Đối ngoại bành trướng, tiến hành chiến dịch quy mô chống Mông Cổ, xây dựng lại Vạn Lý Trường Thành. Tăng cường ảnh hưởng khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Thành lập hạm đội hùng hậu do tướng Trịnh Hoà (1371-1433) điều khiển. Hạm đội đã xuống tận phía bắc nước Úc đi qua bán đảo Á Rập và tới tận Somali. (Có tài liệu còn cho Trịnh Hoà khám phá ra Châu Mỹ). Trung Quốc ngày nay lấy cớ Trịnh Hòa có ghé ngang Trường Sa, Hoàng Sa nên hai quần đảo ấy thuộc về Trung Quốc.
Sửa và mở lại Kênh Đại Vận Hà.
Hoàn thành Vĩnh Lạc Đại Điển, một công trình Bách Khoa toàn thư đồ sộ.
Minh Thành Tổ đã gây tang tóc và đau thương cho Việt Nam. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo đã viết :
« Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán hận. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tàn ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn. Nặng thuế má vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẩy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay vợ góa, kẻ không nhà. Kẻ há miệng, đứa nhe rằng, máu mở bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đấp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay, trúc rừng không ghi hết tội ; dơ bẩn thay ! nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được. »
    Thi hào Nguyễn Du khi đi ngang qua mộ kỳ lân đã tỏ rõ thái độ với bị vua được xem là Đại đế của Trung Quốc. Y không phải là một tên chính nhân quân tử, y chỉ là một tên sát nhân điên cuồng, một tên tội phạm của lịch sử  Trung Quốc, trong năm năm giết trên trăm vạn người ta, xương trắng thành núi máu đầy mặt đất. Hả một cơn giận giết mười họ hàng ngàn người. Giết trung thần bằng gậy lớn vạc dầu to.  Kỳ lân thời ấy hiện ra rồi  chết dọc đường vì không muốn nhìn mặt tên vua tàn bạo. Thuở ấy kỳ lân sao không đi về phương Nam, nơi ấy có vị vua lấy « Đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cuồng bạo. »
    Hậu duệ của thi hào Nguyễn Du, nghĩ gì về một Trung Quốc hiện đại, đã qua thời các  lãnh tụ gây cảnh  35 triệu người chết đói, người ăn thịt người, nay trương ngọn cờ của Minh Thành Tổ, bành trướng bên ngoài, diệt người trung chính  bên trong.
Paris, 26-6-2016
PHẠM TRỌNG CHÁNH
* Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V.