Tuần hành vì cá chết ở Nghệ An

 
Hàng trăm người dân ở khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An xuống đường vì hiện tượng cá chết xảy ra trong hơn hai tháng qua.
Hình ảnh từ sự kiện ghi lại cho thấy người dân bắt đầu tuần hành từ nhà thờ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và sau đó tuần hành trên Quốc Lộ 37.
Một số băng-rôn tại sự kiện mà người dân giăng cao ghi “Người dân chúng tôi cần biển sạch”,"bảo vệ môi trường, giống nòi và đất nước Việt Nam".
Ông Trần Minh Nhật, thuộc truyền thông công giáo 'Tin mừng cho người nghèo' nói với BBC Tiếng Việt:
"Khu vực ở Quỳnh Lưu đa phần là ngư dân. Công việc chính của họ là nghề biển.
"Thảm họa môi trường hiện nay cuộc sống của họ gần như đảo lộn. Tàu thuyền không thể ra khơi, hay có đưa cá về cũng không thể bán được."
"Đa phần là thanh niên, giáo dân sau khi tham dự thánh lễ thì xuống đường, và sau đó tọa kháng dọc theo Quốc lộ 37. Nếu nhìn trên hình sẽ thấy số người ngồi rất dài dọc theo con đường," ông Nhật nói.
  Tin mung cho nguoi ngheo
Ông Minh Nhật là người công bố thông tin từ người dân tham gia cuộc tuần hành.
Ông Nhật cũng nói với BBC buổi xuống đường “không có đàn áp”, “ôn hòa” mặc dù "người dân bức xúc lắm, họ là nạn nhân".

Bữa ăn 'nghèo nàn hơn'

Đáng chú ý, trong cuộc biểu tình, người dân ở Quỳnh Lưu cũng giăng biểu ngữ có nội dung: “Phản đối VTV1 vu cáo đối với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp”.
Việc gây ra phản đối xuất phát từ bản tin ngày 13/5 của Đài Truyền hình Việt Nam VTV nói: “ngày 13/5/2016 Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đã ra bản thư chung, diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng, gây hoang mang và dùng những lời lẽ kích động giáo dân.”
Khi được BBC hỏi về sự kiện này, Giám mục Nguyễn Thái Hợp nói ông “không gặp khó khăn” sau khi bản tin nói trên được đưa lên và cảm thấy “bình thường”.
Giám mục Nguyễn Thái Hợp cũng nói về tình hình ngư dân trong khu vực giáo phận mà ông quản l‎ý:
"Tối hôm qua chúng tôi vừa đi thăm viếng và hỗ trợ ở Lộc Mỹ và Cửa Lò. Lộc Mỹ chúng tôi thăm 250 hộ, Cử lò cũng vậy. Một số đổ đi nơi khác làm ăn. Đa số thì vẫn vậy, chưa có việc làm, nhất là những người đánh bắt gần bờ hay có dịch vụ biển, dịch vụ cá. Tôi thấy họ đang hoang mang."
"Trong hiện tại người ta vẫn có thể trụ lại ít lâu nữa, nhưng trong dài hạn không biết sẽ ra sao," Giám mục Hợp nói.
"Tôi cũng vừa mới từ Quảng Bình về, trên bàn ăn của nhiều người vùng biển nghèo nàn hơn. Cá biển thì không dám ăn. Cá sông thì đắt mà ít, quanh quẩn một ít thịt gà, heo, thấy người ta cũng tội nghiệp.
"Người khá giả có thể có cá nơi khác mua về. Người nghèo thì bàn ăn bị nghèo nàn hóa đi," Giám mục Nguyễn Thái Hợp nói về tình hình ngư dân mà ông gặp gỡ.

Tin mung cho nguoi ngheo
"Có người hỏi tôi có buồn lo không, tôi nghĩ rằng trước thực trạng hiện tại ở Việt Nam qua thảm họa môi trường. Nếu lời tuyên bố của tôi được nhà nước khen tôi mới lo. Tất cả những người có thông tin nói lên sự thật thì sẽ bị chụp mũ. Ngay cả người đại diện Liên hiệp Quốc về môi trường, lời tuyên bố của ông cũng bị coi là thiếu khách quan và gây xách động, huống hồ là tôi. Tôi cũng nằm trong cái phạm trù đó thôi."
"Tôi không lo. Tôi chỉ lo lời phát biểu của tôi có xuyên tạc sự thật không, và có đi xa ước vọng của người dân không. Chúng tôi chỉ cố nắm bắt được tình hình và đi sát hơn thực tế và nguyện vọng của người dân."
Sự kiện cá chết xảy ra tại miền Trung Việt Nam từ tháng 4/2016, khiến nhiều ngư dân trong khu vực ảnh hưởng phải ngưng đánh bắt và không bán được hải sản.
Trong ngày 11/6, báo Việt Nam đưa tin tôm hùm và cá chết hàng loạt ở biển Phú Yên.
Tờ Người Lao Động viết: "Liên tiếp nhiều ngày qua, ở vùng biển thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, tôm hùm và cá chết hàng loạt khiến người dân thiệt hại nặng."
Cũng trong tuần qua, ngày 8/6, Hà Tĩnh "buộc công ty Formosa Hà Tĩnh và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) lắp thiết bị tự động kiểm soát khí chất thải, bụi tại các lò cao nhiệt điện," theo Vietnamnet đưa tin.

Nguồn: BBC