GS Nguyễn Đăng Trúc
Hướng về Nam
Lịch sử dân tộc Việt Nam chứng kiến nhiều đợt "Nam tiến"; và những sự kiện lịch sử nầy như che khuất ý nghĩa tượng trưng của câu truyện họ Hồng Bàng, một mẫu huyền thoại khai quốc ghi lại cuộc hành trình làm người hướng về Nam.
"Nam" theo nghĩa tượng trưng là tiếng gọi khởi thủy thức tỉnh Đế-Minh hướng về để gặp nàng Vụ-Tiên. "Nam" nay là vương quốc dành cho Kinh-Dương-Vương Lộc-Tục; Nam là quê nhà đầy hạnh phúc giữa Lạc-Long-Quân và Âu-Cơ tại núi Long-Trang; ngõ hẹp hướng về "Nam" là Tương Dạ... (= Đạo Tâm).
Phương "Nam" theo nghĩa tượng trưng của huyền thoại chấm dứt không còn được nhắc đến khi bản văn đi vào phần "dụng", tức là phần lịch sử khởi từ các đời Hùng Vương trên một giải đất gọi là Phong Châu. Phong Châu, cõi thực của hiện sinh Bách Việt, là lịch sử của trăm con gắn bó với Mẹ thời gian là Âu Cơ.
Và Bách Nam nay là Lạc Long Quân vắng mặt, ẩn dấu; Bách Nam đó là một nỗi nhớ ray rứt nơi Mẹ Âu Cơ và năm mươi con tại thế của bà.
Và trong cơn cơ cực, khi Âu Cơ kêu cầu Lạc Long Quân, thì đôi bên chỉ gặp nhau ở Tương Dạ, là tận đáy lòng mình, một nơi một thời điểm không thuộc về thời gian không gian của khả năng con người.
Sự sống con người, chân tính của nó trong thời gian như đồng hóa với nỗi nhớ nầy; nên "Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt" cũng có nghĩa như lời thơ của Tản Đà thần ứng rằng Non là Nguồn của Nước, và Nước nhớ Non. Sống làm người đúng là một cuộc vượt qua liên lỉ, từ Nước hướng về Non.
Nguon: trich tu tac pham Tiep Can Tu Tuong VN cua GS Nguyen Dang Truc.