THỰC TRẠNG GIÁO DỤC VIỆT NAM

Một Cái Nhìn Về

THỰC TRẠNG GIÁO DỤC VIỆT NAM

Nguyễn Đức Tuyên

Bản báo cáo ngày 10.11.2004 về tình trạng giáo dục thế giới do UNESCO phổ biến, nói rằng trong thập kỷ qua, giáo dục tiểu học ở Việt Nam đã được cải thiện, nhưng Chính phủ phải cố gắng hơn nữa để nâng cấp chất lượng giáo dục. Theo bản báo cáo đó, ba nguyên nhân chính gây trở ngại cho nền giáo dục tiểu học Việt Nam là : thiếu ngân sách, thiếu cơ sở giáo dục và không đủ giáo viên giỏi. UNESCO chỉ đánh giá giáo dục Việt Nam chủ yếu ở bậc tiểu học mà không có dịp đề cập đến bậc phổ thông và đại học. Chúng tôi nghĩ rằng, nguyên nhân sâu xa của hiện trạng giáo dục Việt Nam bắt nguồn từ một triết lý giáo dục, cách quản trị giáo dục và nhất là những tác động của cơ chế xã hội ảnh hưởng đến nền giáo dục và dẫn tới hiện trạng.

Để có một cái nhìn về Thực Trạng Giáo Dục Việt Nam, chúng tôi sẽ trình bầy vấn đề trên 5 khía cạnh : 1) duyệt qua một số văn kiện pháp qui liên quan đến tổ chức giáo dục, 2) báo cáo của Chính phủ về thực trạng giáo dục, 3) thẩm tra của Quốc hội Việt Nam, 4) phản ứng của những nhà chuyên môn và quần chúng về vấn đề giáo dục, 5) vài nhận xét về đặc tính của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Vì lý do khuôn khổ của tờ báo, chúng tôi xin lược bỏ phần báo cáo của Chính phủ về thực trạng giáo dục và thẩm tra của Quốc hội Việt Nam. Như vậy bài viết còn lại 3 phần thay vì 5 phần.
Trong khi chúng tôi chuẩn bị cuộc khảo sát về thực trạng giáo dục Việt Nam thì có một sự kiện ngẫu nhiên xảy ra, đó là sự trùng hợp với giai đoạn mọi người đang say sưa bàn thảo về giáo dục, trong đó có bản báo cáo về tình hình giáo dục do ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đọc trước Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vào cuối năm 2004. Bên cạnh đó là hàng loạt những nhận định, góp ý, kiến nghị liên quan đến vấn đề giáo dục ở Việt Nam nhiều khi rất gay go, triệt để.

I. TỔ CHỨC GIÁO DỤC

Đứng về phương diện lý thuyết, khi khảo sát về một nền giáo dục của một quốc gia, trước hết chúng ta cần xem xét cách tổ chức giáo dục qua các luật lệ cùng chủ trương, đường lối để biết rõ về tổ chức giáo dục ra sao. Chúng tôi sẽ trình bầy những nét chính về Luật Giáo Dục, bậc Đại học, Đại học tư thục, Cơ sở nước ngoài, bậc Trung học, bậc Tiểu học và luật lệ liên quan tới việc đào tạo giáo chức.
  • Luật Giáo Dục
Luật mang số 11/1998/QH10, gồm 9 Chương, 110 điều, ban hành ngày 2 tháng 12 năm 1998, có những nét chính sau đây :
Luật giáo dục quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; về nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan hành chính nhà nước, của tổ chức chính trị, xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân; và về tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục. “(Điều 1)
Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.” (trích Điều 3)
Nội dung, phương pháp giáo dục được thể hiện thành chương trình giáo dục; chương trình giáo dục được cụ thể hóa thành sách giáo khoa, giáo trình.“ (trích Điều 4)  
Hệ thống giáo dục quốc dân gồm:
- Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo;
- Giáo dục phổ thông có hai bậc học là bậc tiểu học và bậc trung học, bậc trung học có hai cấp học là cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông;
- Giáo dục nghề nghiệp có trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;
- Giáo dục đại học đào tạo hai trình độ là trình độ cao đẳng và trình độ đại học; giáo dục sau đại học đào tạo hai trình độ là trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. (Điều 6)
Phương thức giáo dục gồm giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy.
Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp tiểu học, bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, và bằng tiến sĩ.
Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng.
Nhà nước quản lý việc xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa.
Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được qui định như sau:
- Có bằng tốt nghiệp trung học sư phạm đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học;
- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở;
- Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông;
Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. (Điều 51)
Đoàn thể, tổ chức xã hội hoạt động trong nhà trường theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục theo quy định của Luật này. (Điều 52)
Nghị định 43/2000/NĐ-CP ngày 30.9.1992, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục về chương trình giáo dục, sách giáo khoa và giáo trình, thi và văn bằng; về mạng lưới, tổ chức, hoạt động, cơ sở vật chất của nhà trường và cơ sở giáo dục khác; về tuyển dụng, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, thỉnh giảng và khen thưởng đối với giáo chức; về chính sách đối với người học; và về các điều kiện tài chính của hệ thống giáo dục quốc dân.
Mặc dù đã dự thảo đến lần thứ 10, nhưng Luật Giáo dục sửa đổi vẫn chưa giải quyết được những vấn đề khẩn thiết của giáo dục hiện nay. Do vậy, Luật Giáo dục sửa đổi đã phải lùi thời hạn trình Quốc hội vào đầu năm 2005.
  • Bậc Đại Học
Hiện nay cả nước có 127 trường Cao Đẳng, 87 trường Đại Học, học viện. Có 147 cơ sở đào tạo sau Đại Học, trong đó có 95 cơ sở được đào tạo tiến sĩ. So với 5 năm trước đây, có thêm 23 trường Đại Học và 52 trường Cao Đẳng. Hiện nay các cơ sở tập trung chủ yếu ở Hà Nộ và Sài Gòn. Cả nước có 6 trường Đại Học, Cao Đẳng bán công nhưng chẳng trường nào giống trường nào.
Điều Lệ Trường Cao Đẳng được qui định theo Quyết Định số 56 /2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 10.12. 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều lệ Trường Đại Học được ban hành theo quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2003, gồm 10 Chương, 58 Điều.
Các loại hình trường đại học bao gồm: công lập, bán công, dân lập và tư thục. Trường đại học chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trường đặt trụ sở.
Trường đại học, theo lý thuyết, được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự.
Trường đại học tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy và học tập cho các ngành đào tạo của trường trên cơ sở chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Cơ cấu tổ chức của trường đại học bao gồm các cơ cấu bình thường của một đại học, đặc biệt có thêm Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ( Điều 29, đoạn i ), các đoàn thể và tổ chức xã hội (Điều 29, đoạn k).
Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 5 năm. Hội đồng trường có các thành viên là : Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường, đại diện các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có uy tín trong và ngoài trường, các tổ chức chính trị-xã hội trong trường.
  • Đại Học Tư Thục
Ngày 17.1.2005, Chính phủ đã ra Quyết định về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục số 14/2005/QĐ-TTg, gồm 7 Chương, 41 Điều, đại lược như sau :
- Trường đại học tư thục do người có quốc tịch Việt Nam đề nghị thành lập và hoạt động, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại các ngân hàng, kho bạc nhà nước, có địa vị pháp lý như các trường đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Trường đại học tư thục chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trường đặt trụ sở.
- Tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam trong trường đại học tư thục hoạt động theo hiến pháp, pháp luật và các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong trường đại học tư thục hoạt động theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
- Nhiệm vụ của trường đại học tư thục là đào tạo nhân lực có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và năng lực. 
- Trường đại học tư thục được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự.
- Việc thành lập trường được tiến hành theo hai bước : bước thứ nhất, xây dựng và thông qua đề án tiền khả thi; bước thứ hai, xây dựng và thẩm định dự án khả thi.
- Trường đại học tư thục được xét thành lập khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 46 Luật Giáo dục, Điều lệ trường đại học và Quy chế này.
- Các trường đại học công lập, bán công, dân lập được chuyển đổi thành loại hình trường đại học tư thục khi có các điều kiện được quy định.
- Trường đại học tư thục tổ chức quản lý bảo đảm các yêu cầu về cơ cấu tổ chức quy định trong Điều lệ trường đại học và phù hợp với điều kiện, quy mô của trường.
- Ngôn ngữ chính thức giảng dạy ở trường đại học tư thục là tiếng Việt. Trong những chương trình hợp tác với nước ngoài, chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài và một số ngành học khác có thể giảng dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Trường đại học tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp vốn, tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi, thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, thống kê, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành khác có liên quan.
  • Cơ Sở Nước Ngoài
- Việc quản lý và đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào việc phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục ở Việt Nam dược qui định theo Nghị Định số 18/2001/NĐ/CP ngày 4.5.2001, gồm 6 Chương, 38 Điều, có mấy điểm chủ yếu như sau :
- Nghị định này quy định về thiết lập và hoạt động của các cơ sở Văn hóa - Giáo dục nước ngoài (VHGDNN) tại Việt Nam để phát triển giáo dục, giao lưu văn hóa, không nhằm mục đích thu lợi nhuận nên nguồn thu từ các hoạt động này chỉ dùng để đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa - giáo dục.
- Cơ sở VHGDNN tại Việt Nam là tên gọi chung các tổ chức, cơ quan văn hóa (như Văn phòng đại diện, Trung tâm, Viện, Làng, Câu lạc bộ, Thư viện, Nhà trưng bày, Công viên, Bảo tàng, Thảo cầm viên, v.v...), giáo dục (như Văn phòng đại diện, Trường học Quốc tế, Trường Đại học, Trung tâm dạy nghề, v.v...), văn hóa và giáo dục (như Văn phòng đại diện, Trường Văn hóa nghệ thuật, Nhà Văn hóa có lớp dạy ngoại ngữ...) được Nhà nước Việt Nam cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài (gọi chung là Bên nước ngoài) thành lập hoặc tham gia thành lập và tổ chức hoạt động tại Việt Nam
- Cơ sở VHGDNN được thành lập dưới các hình thức sau: Văn phòng đại diện, cơ sở liên kết, cơ sở độc lập.
- Tổ chức VHGDNN được xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện khi có đủ các điều kiện : tư cách pháp, điều lệ, tôn chỉ, mục đích và thời gian hoạt động từ 3 năm trở lên, chương trình, dự án được phía Việt Nam quan tâm và có khả năng thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa, giáo dục của Việt Nam.
- Cơ sở VHGDNN có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam, không được lợi dụng các hoạt động văn hóa, giáo dục để tuyên truyền sai đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, mê tín hủ tục và tệ nạn xã hội.
- Công dân Việt Nam làm việc tại cơ sở VHGDNN có quyền tham gia các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể khác theo điều lệ của các tổ chức này và theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Cơ sở VHGDNN được phép nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất các phương tiện cần thiết cho hoạt động của cơ sở và cho nhu cầu làm việc và sinh hoạt của công dân nước ngoài làm việc tại cơ sở VHGDNN theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam cơ sở VHGDNN được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
  • Bậc Trung học
Theo Quyết Định số 23/2000/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 7 năm 2000, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều lệ Trường Trung học gồm có 7 Chương và 45 Điều, có một vài d8iểm đáng lưu ý :
- Trường trung học được tổ chức theo các loại hình công lập, bán công, dân lập và tư thục. Ngoài ra còn có các trường trung học chuyên biệt như : dân tộc, phổ thông chuyên, năng khiếu nghệ thuật, năng khiếu thể dục thể thao, trẻ em khuyết tật.
- Tuổi của học sinh ở lớp đầu cấp trung học cơ sở là 11 đến 14, ở đầu cấp trung học phổ thông là 15 đến 19; học sinh gái được tăng một tuổi so với tuổi quy định.
- Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đã học hết chương trình, được dự thi tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp. Theo quyết định mới năm 2005, việc thi trung học cơ sở đã bãi bỏ.
- Hội đồng giáo dục trường gồm có : Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, bí thư chi bộ đảng, chủ tịch công đoàn giáo dục, bí thư Đoàn Thanh niện cộng sản Hồ Chí Minh và một số giáo viên. (Điều 18)
- Tổ chc Đảng trong trường trung học lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật (Điều 20.1)1
  • Bậc Tiểu Học:
Điều Lệ Trường Tiểu học được ban hành theo quyết định số 22/2000/QD-BGDĐT ngày 11 tháng 7 năm 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm 7 Chương, 49 Điều, trong đó có những điểm đáng lưu ý như sau:
Trường tiểu học là cơ sở giáo dục của bậc tiểu học, bậc giáo dục nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân.
Giáo dục tiểu học được tổ chức theo các loại hình công lập, bán công, dân lập.
Tất cả trẻ em từ 6 đến 14 tuổi đều được nhận vào học một trường tiểu học.(Điều 38)
- Hội đồng giáo dục trường gồm có : Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, bí thư chi bộ đảng, chủ tịch công đoàn giáo dục, bí thư Đoàn Thanh niện cộng sản Hồ Chí Minh và một số giáo viên. (Điều 21.1)
- Tổ chc Đảng trong trường tiểu học lãnh đạo nhà trường và hoạt động trrong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.2 ( Điều 23.1)
- Công đoàn giáo dục, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Sao nhi đồng Hồ Chí Minh và các tổ chc xã hội khác hoạt động trong trường tiểu học theo quy định của pháp luật..( Điều 23.2)
    • Vấn đề Đào tạo:
Kế hoạch và nội dung bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được ban hành kèm theo Chỉ thị số 19 /2001/CT-BGD&ĐT ngày 31/5/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ngoài những vấn đề chuyên môn và sư phạm, còn có mấy điểm chính như sau:
Nội dung bồi dưỡng chung: Quán triệt những nội dung cơ bản của các văn kiện của Đảng đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX của Đảng thông qua, vận dụng quan điểm của Đảng về giáo dục và đào tạo vào thực tiễn của ngành, địa phương.
Đối với giảng viên và giáo viên chính trị :
Nghiên cứu học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX : Vận dụng các nội dung cơ bản trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX vào giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bồi dưỡng một số vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ.
Bồi dưỡng hệ thống chuyên đề nâng cao và đào tạo lại một số vấn đề sau: Về chủ nghĩa xã hội; Về chủ nghĩa tư bản ngày nay; Về vấn đề giai cấp, dân tộc; Về tôn giáo; Về sự tế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Nhìn qua những văn kiện pháp quy, chúng ta có thể rút ra những đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam hiện tại như sau: tất cả đều do Đảng lãnh đạo và quản lý.
II. PHẢN ỨNG CỦA CÁC CHUYÊN GIA VÀ QUẦN CHÚNG VỀ HIỆN TRẠNG GIÁO DỤC VIỆT NAM
Phản ứng của các chuyên gia và quần chúng liên quan đến hiện trạng giáo dục Việt Nam nói chung là thất vọng và bất mãn. Chỉ đọc những đề mục nêu trên các báo, nhất là báo điện tử, ta cũng thấy nền giáo dục Việt Nam được vẽ ra một bức tranh khá thê thảm.
Sau đây chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến, xếp theo một số chủ đề, trước hết là những phát biểu liên quan đến việc giảng dậy môn triết học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp theo là vài nhận xét về việc giảng dậy môn văn, vài nét về đại học Mỹ thuật, đại học Kinh tế, và đại học Y khoa, qua bậc tiểu học, tình trạng sách giáo khoa, thi cử, văn bằng, vấn đề học phí, tình trạng giáo chức, và sau đó là một vài vấn đề cốt lõi:
Chủ Nghĩa
    • Khó mà có thể không đồng ý rằng, khai hoá bắt đầu từ giáo dục. Nhưng cũng khó mà đồng ý rằng ở Việt Nam chúng ta đang để mặc tuổi trẻ phát triển vu vơ, không định hướng. Điều quan trọng là định hướng ấy là gì và chúng sẽ dẫn tuổi trẻ đi đến đâu. Quyết định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo kí ngày 23.2.2004, sinh viên hệ chính quy các trường Cao đẳng-Đại học toàn quốc bắt buộc phải thi tốt nghiệp ba môn thuộc các phần: Khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiến thức cơ sở của ngành và kiến thức chuyên môn. Các môn học của bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện đang được giảng dạy tại tất cả các trường Đại Học, Cộng đồng gồm: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyết định này áp dụng cho sinh viên từ khoá tuyển sinh năm 2002 và sẽ có hiệu lực từ ngày 09.3.2004, tức sau 15 ngày kể từ ngày công bố. (Quốc Việt) 3
    • Việc nội dung của những môn học trên đây liệu có còn một tí ti ứng dụng thực tiễn trong đời sống xã hội Việt nam hay không, có thể còn cần đến tranh luận công khai, có thể còn tốn giấy bút và trí óc hơn những luận lí trong bài viết này nhiều. Nhưng chính điều đó lại càng làm cho việc đưa những môn học này thành những môn học bắt buộc toàn quốc là : phản tiến bộ về phương diện giáo dục, là đi ngược lại các mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo những chuẩn mực quốc tế, lãng phí thời gian và tiền bạc của quốc gia, là tước bỏ quyền được học những môn học thiết thực, bổ ích khác của sinh viên phục vụ cho yêu cầu xây dựng xã hội và đất nước. Việc Bộ Giáo dục ra quyết định học bắt buộc với những môn học trên, trong bối cảnh không có bất kì một môn học khác để tham chiếu và so sánh là cố tình quay lưng lại với thực tế xã hội, với các yêu cầu của đất nước. (Quốc Việt) 4
    • Tôi giảng dạy môn Triết học Mác - Lênin, nên tôi thường đi thẳng vào vấn đề để nói cho phù hợp đối tượng sinh viên. Có những lúc tôi phải đối diện với sự thật xã hội, như biến cố của Liên Xô cũ trước đây cũng có tác động ít nhiều vào nhận thức xã hội. Tuy nhiên, về cơ bản Triết học Mác - Lênin không có gì thay đổi. Tùy theo đối tượng sinh viên, người thầy phải lưu ý điều này cho sinh viên của mình, từ đó mới bắt đầu hướng dẫn sinh viên tiếp thu những kiến thức cơ bản và phương pháp tiếp cận khoa học. Tiếp cận khoa học không có nghĩa là chỉ chấp nhận những kiến thức đã hoàn thiện mà phải không ngừng bổ sung để sinh viên trong quá trình học luôn tìm tòi, khám phá những cái mới. (Thạc sĩ Phạm Thị Hồng Hoa - giảng viên đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn).
    • Một khi trong kinh tế chính trị học các giảng viên có chút suy nghĩ riêng không còn thao thao một chiều về lý luận kinh tế XHCN với đặc điểm ưu việt quan trọng nhất là “quản lý tập trung, có kế hoạch” nữa, trong khung khổ các giáo trình triết học của chương trình lý luận cao cấp phần khó dạy nhất là phần “chủ nghĩa xã hội khoa học”, thì trong lý luận văn học, như một hiệu ứng kéo theo, phần lý luận về phương pháp sáng tác, đặc biệt là phương pháp sáng tác hiện thực XHCN - và rồi cả phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa nói chung - cũng, nói đơn giản theo dân gian, là sẽ được lặng lẽ “lờ” đi. 5

Chương Trình

  • "Tôi đã có xem qua một số giáo trình về văn hóa, văn học do một số thầy giáo ở đại học hay cao đẳng biên soạn được bày bán ở hiệu sách. Tôi nghĩ giá mà sinh viên không phải học hay đọc những giáo trình như vậy có lẽ trình độ biết đâu sẽ khá hơn."6

    • Chương trình học ở Việt Nam quá dài; không phải là dậy nghề cũng không phải là đào tạo một người có kiến thức sâu và tính sáng tạo; không trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản và toàn diện khoa học tự nhiên, nhân văn, văn chương và nghệ thuật; không có một lớp nào về phương pháp nghiên cứu và viết luận văn; Ở đại học Việt Nam tất cả các môn có tính bắt buộc, học sinh không có quyền tự chọn; trong ngành học chính (như toán, vật lý, hoá học, kinh tế, tâm lý, văn chương, v.v.); ngoài các lớp cơ bản phải học, học sinh cũng có quyền tự chọn các lớp trong ngành chính, ngược lại học sinh ở Việt Nam phải học tất cả mọi thứ mà nhà trường đã quyết định sẵn; Chương trình về chủ nghĩa Mác – Lenin, chính trị chủ nghĩa xã hội, lịch sử Đảng chiếm 203 giờ, bằng 9% chương trình, quá nặng và cũng là lý do làm tăng số giờ so với số giờ giảng dậy lên tới 2184.7
    • Ai cũng biết vai trò quan trọng then chốt của giáo dục đối với tiền đồ dân tộc. Thế nhưng, từ nhiều năm, chúng ta đã để cho giáo dục Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chưa bao giờ tình hình giáo dục trở nên bức xúc như hiện nay. Nhìn chung cả nước, hệ thống giáo dục chưa ra khỏi trạng thái lộn xộn bất bình thường, hoạt động không theo quy luật khoa học, hiệu quả kém, chất lượng thấp, đang có nguy cơ bị thương mại hoá theo xu hướng ngược với lý tưởng công bằng và dân chủ của xã hội. Về cả ba phương diện dân trí, nhân lực và nhân tài, những bất cập đều quá rõ: Dân trí thấp, biểu hiện trên lối sống và suy nghĩ, tập quán, tác phong, tư tưởng, ý thức... Đạo đức bị xói mòn, thói gian dối, thiếu trung thực đang tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhân lực không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Yếu kiến thức, kém kỹ năng thực hành, ít khả năng xoay xở, thiếu đầu óc tưởng tượng và năng lực sáng tạo, đó là những đặc trưng chất lượng lao động khiến sức cạnh tranh rất thấp. Nhân tài tuy không đến nỗi quá thiếu nhưng phát hiện và bồi dưỡng kém, thiếu cơ hội và điều kiện phát triển. Chất xám bị lãng phí nghiêm trọng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đương nhiên, đây không chỉ là vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề của toàn xã hội, nhưng trong đó trách nhiệm và vai trò của giáo dục rất lớn.8

Môn Văn

Sau đây là trích đoạn cuộc trao đổi của báo điện tử talawas với ông Nguyễn Đăng Mạnh:
talawas: Thưa Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, ông là một trong những người phụ trách soạn thảo chương trình sách giáo khoa phổ thông trung học ở Việt Nam?
Nguyễn Đăng Mạnh (NĐM): Tôi được giao làm chủ biên biên soạn chương trình và sách giáo khoa văn học cấp III, gọi là chương trình và sách giáo khoa cải cách giáo dục, khởi thảo từ 1989,1990. Trước năm 89-90, chương trình dạy văn trong trường phổ thông ở Việt Nam được soạn vào khoảng năm 54–55 gì đó khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, chương trình này cũng đã trải qua một vài sửa đổi nhất định.
talawas: Xin ông cho ví dụ.
NĐM: Chuyện lâu rồi tôi không còn nhớ mấy. Chương trình hồi ấy có không ít tác phẩm giá trị thẩm mỹ hết sức thấp kém.
Tôi cho rằng dạy văn thì phải đúng là dạy văn, chương trình văn học thì phải đúng là chương trình văn học. Vẫn quan tâm tới vấn đề tư tưởng, nhưng phải có phẩm chất văn học thật sự. Vẫn tuyển lựa nhiều tác giả, nhưng tập trung vào chín ông nhà văn. Chín vị này được tuyển nhiều hơn những tác giả khác, có bài khái quát riêng về tác giả. Đó là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nam Cao. Tất nhiên không phải chỉ có chín ông này là lớn hơn cả, nhưng chúng tôi cũng phải cân nhắc nhiều mặt: có miền Nam, miền Bắc; có giai đoạn lịch sử này, giai đoạn lịch sử kia; tiêu biểu cho những trường phái văn học nhất định. Tinh thần đổi mới của chương trình này là: dạy văn phải đúng là dạy văn, lịch sử văn học phải đúng là lịch sử văn học, chứ không phải dạy lịch sử chính trị, lịch sử xã hội ... Đặt trong hoàn cảnh của nó, đây là một cuộc cách mạng quan trọng của ngành giáo dục.9
talawas: Nếu chỉ xét trên tư cách là một tác giả văn chương, ông có cho rằng tác giả Hồ Chí Minh có thể khẳng định chỗ đứng của mình trong lịch sử văn học Việt Nam không?
NĐM: Tôi cho là có. Tôi cho rằng Hồ Chí Minh là một tài năng nghệ sĩ thực sự, tuy cụ làm văn, làm thơ phục vụ mục đích chính trị.10
talawas: Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được coi là nền móng mĩ học của giai đoạn văn học 1945 – 1975 và cả sau này. Học sinh hiện nay được học về chủ nghĩa ấy như thế nào?
NĐM: Nói thật là hiện nay không có ai công khai bác bỏ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng người ta cũng không nói đến nó nữa, ngay cả sách giáo khoa cũng không nhắc đến.
talawas: Tại các nước Đông Âu cũ, sách giáo khoa, nhất là các sách Văn và Sử hoàn toàn không được dùng nữa sau khi chế độ cũ sụp đổ...
NĐM: Ở Việt Nam mình thì không quan niệm như vậy. Và làm gì có sự sụp đổ 11
Trong khi đó, Hà Thư Sinh trình bầy như sau:
  • Trong 12 năm đi học phổ thông, bạn bè tôi và tôi sợ nhất là 2 tiết làm văn nghị luận. Bắt đầu từ lớp 8 thì phải. Trong hai giờ dài lê thê đó chúng tôi phải làm những bài văn bình luận, phân tích, chứng minh nhận định của một vị lãnh đạo văn nghệ đáng kính nào đó hoặc là nhận định của các nhà soạn sách giáo khoa, những đề văn na ná giống nhau như: “Chứng minh chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thơ văn giai đoạn…”. Có bao giờ bạn được phép viết điều bạn nghĩ đâu. Nếu bạn viết: “truyện về chị Sứ chán phèo”, hay “thơ Tố Hữu dở ẹc” chẳng hạn, thì sẽ có vấn đề ngay. Bài văn sẽ bị điểm 0. Bạn sẽ bị quy là có tư tưởng phản động, phải viết bản kiểm điểm thành khẩn hối lỗi, đạo đức bị xếp loại yếu hoặc cao lắm là trung bình. Bố mẹ bạn sẽ được mời lên trường làm việc ngay.12
Đại học Mỹ thuật
  • Trường Đại Học Mỹ Thuật hiện nay duy nhất có một khoa đầy đủ chức năng huấn luyện sinh viên trở thành một designer chính hiệu, đó là khoa Mỹ thuật Ứng dụng, mà trong đó một thầy vừa kiêm trưởng khoa vừa chủ nhiệm dạy liên tiếp cho 3 cấp độ khác nhau: năm 3, năm 4, năm 5. Riêng khoa sơn mài, không ít sinh viên phải lao đao trong những tháng cuối làm bài tốt nghiệp, họ không lo sợ trước tác phẩm sắp trình bày mà lo sợ... ông thầy.
Nói về triển lãm, tôi nghĩ khó lòng tìm ra ở Sài Gòn hoặc cả Việt Nam một triển lãm của mấy thầy, triển lãm chung đã hiếm chứ đừng nói đến triển lãm cá nhân!
Trong mấy năm học, tôi chưa bao giờ thấy nhà trường mời các nhà phê bình đến nói chuyện chuyên đề về phê bình tranh cho sinh viên chứ đừng nói đến mời các hoạ sĩ nước ngoài hoặc trong khu vực đến nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm về kĩ năng sáng tác hoặc thuyết trình thêm về sự đa dạng các trường phái mới trong hội hoạ.
Ngoài ra, lỗ hổng lớn nhất và đem lại nhiều thiệt thòi nhất cho sinh viên là sự bảo vệ tác phẩm của họ ở mỗi kì thi cuối năm hoặc kì thi tốt nghiệp. Họ không được chuẩn bị, rèn luyện ý thức về sự chuyên nghiệp của một hoạ sĩ khi đứng trước tác phẩm của mình, tự trình bày, nói lên ý tưởng, cảm xúc vốn có hoặc bảo vệ tác phẩm.13
Đại học Y khoa
  • Yêu cầu đối với SV y khoa rất cao. Có lẽ chưa có ngành nghề nào các em sẽ phải học, thực tập nhiều như thế. Có thầy đặt câu hỏi với SV: “Bác sĩ kém chữa bệnh cho ai?” và khẳng định: “Không thể chấp nhận SV y khoa điểm trung bình”. Vậy các em đã sẵn sàng?
Tiếc thay, một kết quả học tập tốt trên ghế nhà trường đối với nhiều em vẫn còn rất xa sự mong đợi. Vừa mới đây thôi, trong một lần họp giao ban với các khoa tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, GS Nguyễn Đình Hối - hiệu trưởng, đã rất lo lắng về lỗ hổng kiến thức của không ít SV ra trường những năm gần đây, kể cả diện đã học nội trú (thêm ba năm).
Ông không bằng lòng cách học của nhiều sinh viên. Thực tế cho thấy đây quả là nỗi lo không chỉ của riêng thầy hiệu trưởng. Chưa phải tất cả bộ môn trong trường đã siết chặt đầu ra, nhưng 30% SV cuối khóa 2004 đã không đủ điểm để được tốt nghiệp đúng kỳ hạn14.
Đại học Kinh tế
  • Chương trình học kinh tế đòi hỏi 1451 giờ học kinh tế so với ở Mỹ chỉ đòi hỏi tối thiểu là 480 giờ (tức là 1/3 chương trình đại học), như vậy đòi hỏi học các môn kinh tế gấp 3 lần số giờ ở đại học Mỹ. Nhìn chương trình giảng dậy ở Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh ta thấy, học sinh trong 4 năm phải học gần như tất cả mọi thứ trên đời về kinh tế mà nhà trường có thể nghĩ ra được, từ các môn cơ bản như kinh tế vi mô và vĩ mô, đến các môn như kinh tế lao động, quản trị xí nghiệp, kế toán, địa lý kinh tế, luật kinh tế, dân số học, chính sách thương mại, kinh tế tài nguyên và môi trường, phân tích dự án kinh tế, thị trường chứng khoán, v.v. Đây là những môn ít khi dậy ở cấp đại học 4 năm và có dậy thì chỉ là những môn để học sinh có thể chọn lựa, và đây cũng là những môn mà trường đại học có thầy đã và đang nghiên cứu chuyên sâu. Đòi hỏi mỗi thứ một tí, học sinh không có khả năng hoặc thì giờ đi sâu vào bất cứ vấn đề gì và chắc chắn là thầy cũng chỉ đọc sách nói lại mà không hiểu thầy có hiểu không nữa. Theo các tài liệu giáo khoa của trường thì nội dung rất là rất nặng lý thuyết mà nhiều phần học sinh ở Mỹ chỉ học trong chương trình sau cử nhân. Như vậy trường chỉ nhằm nhồi sọ kiến thức lý thuyết kinh tế mà sự phân chia chi li các lớp học thì có vẻ thực dụng như dậy nghề.15
Bậc Tiểu học
  • Nhưng do phải chạy theo những chỉ tiêu vô lý mà ngành giáo dục đã đề ra hàng năm và bắt buộc giáo viên chúng tôi phải làm theo nên dần dần kiến thức mà học trò nhận được chỉ là những diều sáo rỗng, không thực tế.
Theo tôi, học sinh bây giờ đến trường như là một người máy, chúng phải chuyển tải, phải nhồi nhét những kiến thức mà chúng không thể hiểu được. Vì giáo viên chúng tôi phải chạy đua với thời gian mới có thể cơ bản chuyển tải hết kiến thức trong một tiết dạy cho học sinh. Những thành tích mà theo báo cáo mỗi năm chúng tôi đã đạt được sẽ không bao giờ phản ánh đúng thực trạng giáo dục hiện nay.16

Sách giáo khoa

  • Chúng tôi đã viết nhiều bài báo, chỉ đích danh hàng chục vị giáo sư đầu ngành, hàng chục vị giáo sư tiến sĩ khoa học hẳn hoi ăn cắp văn, ăn cắp cả công trình khá đồ sộ của những người khác để viết sách giáo khoa, sách giáo trình, ví như hai bộ giáo trình đại học văn hoá học ở hai miền Bắc và Nam. Sự dối trá, lừa đảo, đạo văn... vẫn đang nằm chềnh ềnh trên các giá sách thư viện đại học và các hiệu sách, núp dưới tên tuổi của nhiều vị giáo sư khả kính. Có khá nhiều vị giáo sư nổi tiếng lấy bài của hàng trăm, hàng chục người khác in thành sách, chỉ viết bài tựa nhỏ mà nghiễm nhiên đề tên mình lên thành tác giả. Có những vị chủ biên sách giáo khoa văn dám đề tên mình là tác giả một cuốn sách nước ngoài do chính các vị ấy dịch, dù các vị này có dây phần bằng bài tựa ăn theo.17

Thi Cử

  • Kết thúc hai đợt thi đại học tháng 7 năm 2004, số thí sinh đến dự thi là hơn 888,000, đạt 77.97% so với số hồ sơ đăng ký. Nét đáng lưu ý trong mùa thi năm nay là số thí sinh bị kỷ luật giảm đi nhưng số giám thị phạm quy lại tăng lên. Thống kê ban đầu cả hai đợt thi, có 3,186 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật tại chỗ (bằng 80% năm 2003), trong đó có 2,367 bị đình chỉ thi. Cả hai đợt có 14 cán bộ tuyển sinh phạm quy, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Văn bằng

  • Báo chí gần đây đưa tin Hội đồng phong Giáo sư (GS) và Phó giáo sư (PGS) đã phong chức danh này cho 37 GS và 302 PGS. Ðã hơn 20 năm qua, người ta coi GS, PGS là học hàm nhà nước phong cho một người, (như phẩm hàm triều đình ban tặng suốt đời) chứ không phải là một chức danh (tên gọi) của người làm nhiệm vụ giảng dạy có trình độ cao ở đại học (ÐH) và sau ÐH. Do vậy đã có khoảng 75% GS và PGS công tác ở các cơ quan, kể cả hành chính, không giảng dạy ÐH. Con số GS, PGS của Việt Nam là 6,384 người (trong số này không biết có bao nhiêu người không đọc được một tờ báo nước ngoài chứ chưa nói chuyện giao tiếp với các nhà khoa học nước ngoài hay báo cáo công trình của mình bằng tiếng nước ngoài). Còn số lượng Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ thì Việt Nam có khoảng trên 20 ngàn người. Theo số liệu của Vụ đại học và sau đại học thì từ năm 1976 đến 2004, Bộ GD&ÐT đã cấp 38 bằng Tiến sĩ khoa học, 4,278 Phó tiến sĩ (thời kì chưa đổi tên gọi), Tiến sĩ 3,075 và Thạc sĩ do Bộ cấp là 24,049, Thạc sĩ do trường ÐH cấp từ 1999 là 7,026. Chưa kể mấy ngàn PTS đào tạo ở nước ngoài trước đây được chuyển tên gọi là TS. Người ta ước tính có khoảng trên 21,000 người làm khoa học (gồm GS, PGS, TSKH, TS…). Quy mô đào tạo dự tính từ nay đến năm 2010 sẽ có thêm 38,000 Thạc sĩ và 15,000 TS nữa! Xem những con số GS, PGS, TSKH, TS đó, không người nước ngoài nào lại không thấy nền giáo dục và khoa học nước ta là phát triển hơn nhiều nước trong khu vực và đáng khâm phục! 18
  • Bộ Công an CSVN vừa có văn bản số 771, gửi các tổng cục, công an các tỉnh, thành phố về cách giải quyết số cán bộ, nhân viên trong ngành đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp như sau: «Cán bộ chiến sĩ do sử dụng văn bằng trung học phổ thông (THPT) không hợp pháp để đưa vào hồ sơ dự thi và học, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, ngoài việc xử lý kỷ luật theo qui định, phải tiếp tục theo học thi lấy bằng THPT hợp pháp để được công nhận trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Nếu sau 1-2 năm mà không có bằng THPT hợp pháp thì thu hồi văn bằng cao hơn». Để ra lệnh này, Bộ Công an CSVN cho biết đã «căn cứ tình hình chung của các bộ ngành khác»... là thực tế số cán bộ ăn gian nói dối quá đông.19

Học phí

  • Theo sự nhận xét của giáo sư Nguyễn Xuân Hãn nói về học phí ở Việt Nam ngày nay: «Học phí quá cao là sự vô lý. Nhà nước nói rằng đầu tư vào việc học là đầu tư vào sự phát triển, do đó chi phí của nhà nước cũng ngày càng tăng. Tại trường trung học phổ thông phường Chương Dương, quận Long Biên, Hà Nội, phường này được xem như nghèo nhất thành phố, tiền đóng góp cho trường của một học sinh là gần 1 triệu đồng/năm học. Số tiền này khoảng 18% theo qui định của nhà nước, còn 82% là các “lệ phí vô lý”. Ở bậc đại học, chi phí trung bình cho một sinh viên cũng từ 7 đến 15 triệu đồng/năm. Con số này chắc chắn vượt quá mức của những gia đình công chức. Trong khi đó những cuộc điều tra của nhà nước đưa ra nói rằng trong vài ba năm gần đây lợi tức trung bình hàng năm cho công chức chỉ vào khoảng 5-7 triệu đồng. Theo tổng thống kê nhà nước, thì chi tiêu cho giáo dục như vậy là quá lớn».
  • Tại những vùng nông thôn khó khăn, học sinh cũng phải đi học thêm, giá cũng rẻ hơn khoảng 30 ngàn đồng cho 12 buổi/tháng. Còn tại thành phố, giá dạy kèm từ 40 ngàn đến 100 ngàn đồng. Nếu dạy luyện thi thì giá thày giáo còn có thể nhận lương lên đến 500 ngàn đồng/cho 2 giờ. Nhiều giáo viên đã phải «chạy sô» từ 4 đến 5 lần/ngày. Trước đây lối dạy kèm chỉ tập trung vào các thày cô dạy giỏi, hay dạy môn chính, giáo viên hiệu trưởng. Nhưng ngày nay môn phụ trở thành «rào cản» trong cuộc chạy đua học thi chạy điểm của học sinh. Đến các môn phụ như thể dục nay học sinh cũng phải vất vả mới vượt qua được. Như vậy, bằng cách này hay cách khác, học sinh cũng phải «gõ cửa» đi học thêm từ ông thày chính trong lớp của mình, để có ít nhất đạt mức qua kỳ thi.20

Giáo chức

  • GS Cao Xuân Hạo kể, ông từng làm phản biện thứ nhất cho một luận án tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học dài 380 trang của một nghiên cứu sinh. Theo ông, nghiên cứu sinh này quá kém, nên ông đã có thư cho Bộ với lập luận: Là tiến sĩ thì phải hơn một học sinh trung học. Nghiên cứu sinh này không bằng một học sinh lớp 3 thì làm sao trở thành tiến sĩ! Đề nghị không cho bảo vệ (trước đó tại trường đại học, luận án này cũng đã bị 100% ý kiến bác bỏ). Thế nhưng Bộ vẫn cho nghiên cứu sinh đó được bảo vệ và còn phái 3 «ngôi sao sáng» trong làng ngôn ngữ học Việt Nam vào ngồi hội đồng với «sứ mệnh» là phải «cứu» nghiên cứu sinh này bằng bất cứ giá nào. (VNN)
  • TS Nguyễn Thiện Tống (Trường đại học Bách khoa) mỉa mai: «Thật ngược đời khi có những người không có trình độ cả về chuyên môn và đạo đức lại ngồi trong hội đồng để đánh giá người có trình độ hơn mình. Và họ đã làm việc qua loa cho xong». «Thực tế cũng cho thấy có những tiến sĩ, giáo sư dạy và đánh giá cho hết thạc sĩ này đến tiến sĩ kia nhưng lại không hề học hành, nghiên cứu trong suốt nhiều năm. (VNN)
  • Đó là sự suy đồi đạo lý và nhân cách sư phạm. Một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo quen gọi học sinh bằng các đại từ nhân xưng như "mày, hắn, thằng nọ, con kia"; không chịu hiểu rằng một tiếng gọi thân yêu "trò, em, con" của thầy sẽ đi theo trò suốt cả cuộc đời.21
  • Hiện có 12% gíao viên tiểu học, tương đương 42,000 người chưa đạt chuẩn, trong đó có nhiều người được đào tạo ở trình độ rất thấp. Tỷ lệ này ở bậc trung học cơ sở là khoảng 9% với khoảng 24,000 người. Ở bậc trung học phổ thông, con số này là 3,900 giáo viên, tương ứng với 4.6%; chủ yếu là gíao viên các môn thể dục, tin học, ngoại ngữ. Năm 2005: "sàng lọc" gần 8 vạn giáo viên. (Trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai)22

Côt lõi vấn đề

  • Trong mấy lời kêu cứu kể trên tôi đã nói về nỗi lo tiền trường quanh năm của mọi gia đình có con em đi học ở mọi cấp trên cả nước, về thảm trạng học sinh bỏ học tràn lan vì nghèo, mặc dù năm nào và đâu đâu cũng báo cáo chương trình phổ cập giáo dục cả tiểu học lẫn trung học đều đạt yêu cầu; về tệ lãng phí, tệ hà lạm công quỹ sánh ngang với quốc nạn tham nhũng, đặc biệt về nạn sách giáo khoa thay đổi hằng năm làm nghèo nhân dân để làm giàu cho một số lái sách; về việc cưỡng bách học sinh tiểu học trả tiền, gọi là phổ cập giáo dục, để "nuôi gà chọi" và "nuôi mộng Einstein" của một số người (như trong dân gian từ lâu đã có câu "lấy nhi đồng nuôi người lớn"); về chính sách tái phân phối lộn ngược đầu; về tình trạng tạm bợ của nhiều trường lớp trên khắp nước; về bệnh thành tích với những chỉ tiêu quái dị như chỉ tiêu tốt nghiệp các cấp hay kiểm tra các loại luôn đạt tỷ lệ gần 100% , và những hệ lụy, biến chứng của nó; về việc liên tục lấy tuổi thơ làm vật thí nghiệm; về nạn "xã hội đen" trong giáo dục; về nạn mua bán chữ nghĩa, mua bán bằng cấp, và gian lận bằng cấp; về tệ học thêm, học hè mà có người gọi là cái "ách văn hóa tròng lên đầu tuổi thơ"; về hệ thống các trường chuyên lớp chọn trường chuẩn, ở đó con em nhà nghèo không có chỗ chen chân và với tối thiểu 80% học sinh bị cận thị theo một báo cáo chuyên khoa mắt thành phố ngày 23-7-04, chưa kể khả năng cận thị hay lệch lạc về tinh thần và những rối loạn tiềm ẩn khác; về nạn áp đặt thiếu dân chủ hay nạn tập trung giáo dục, hệ lụy của tập trung dân chủ; về tính lệ thuộc, chạy theo đuôi v.v… của nền giáo dục của chúng ta. 23
  • Ngày 06.3.004, một cuộc hội thảo không chính thức nhưng gồm toàn những nhà giáo tên tuổi của Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của buổi họp là bàn về «căn bệnh nan y của nền giáo dục đào tạo nước nhà». Các ý kiến đều thống nhất : Trạng thái của nền giáo dục VN hiện rất không bình thường và cần phải tìm ra những «u nhọt» chính để «giải phẫu» mới mong cứu vãn. Nói đúng ra «u nhọt» rất nhiều vì nó đã tồn tại cả mấy thập kỷ và hiện nay vẫn còn đang được điều hành, lãnh đạo của những «cái đầu ưu việt». Ta có thể kể ra là: Thi cử nặng nề, chất lượng đào tạo kém, sự bất công trong giáo dục, gánh nặng học phí, chế độ lương bổng bất hợp lý, sách giáo khoa thay đổi liên tục nhưng chất lượng vẫn thấp... Trong nội dung giới hạn của bài này, chúng tôi muốn nói đến một vấn đề khác - mà ít khi được nhắc đến. Đó là nạn «bao cấp tư duy». (Phan Kiến Quốc)24
  • Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, hiện ở Sàigon, trong một bài phân tích về giáo dục đã giải thích một số hiện tượng, qua một đoạn như sau:
Chủ Trương : Khi Đảng nắm chính quyền thì phải nghĩ đến việc giáo dục, học hành.
Hậu Quả : Đường lối giáo dục nặng về chính trị, nhẹ về nhân bản, nhân sinh.
Chủ Trương : Người ấn định đường lối giáo dục là chính trị gia (bí thư khoa giáo hay tuyên huấn). Nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh chính trị.
Hậu Quả: Đã có trong đầu mô hình xã hội mới và tin nó là tốt. Nhìn vấn đề theo khía cạnh chính trị chứ không theo nhân bản, nhân sinh. Giáo dục bị chính trị hóa. (giáo án – trường Đào tạo cán bộ giáo dục ngoài trường sư phạm).
Chủ Trương : Chọn người thực hiện (kỹ thuật gia) theo sự tin tưởng vào lòng trung thành không dựa trên tài năng.
Hậu Quả: Người tài năng bị loại bỏ. Người ít tài được trọng dụng.
Chủ Trương : Người tài năng bị loại bỏ.
Hậu Quả: Người ít tài có mặc cảm trước người có tài nên dèm pha, chụp mũ; mặt khác tuyệt đối trung thành làm theo chính sách, đường lối, không sáng kiến. Tạo ra phe đảng, bè phái.
Chủ Trương : Giáo dục phải ưu tiên dành cho người thuộc giai cấp của mình.
Hậu Quả: Loại bỏ sinh viên tài năng. Kỳ thị trong tuyển sinh. Tạo ra bất công mà không thấy. Làm thui chột tinh hoa của xã hội mà không hay.
Chủ Trương : Sinh viên kém về trình độ, sức tiếp thu khác nhau.
Hậu Quả: Không thể phát huy sáng tạo, thầy đọc trò chép. Trò dở không làm sản sinh thày giỏi. Trình độ chung giảm sút
Chủ Trương : Thày không xuất sắc, lại hay sợ sai lầm về chính trị nên: Sao chép chương trình học từ các nước đi trước, không chọn lựa, vì chọn lựa đòi hỏi phải biết đánh giá, nghĩa là phải giỏi. Hơn nữa bê nguyên xi chương trình thì khỏi phải giải trình với lãnh đạo. Dạy nguyên xi để không bị phê bình là sai quan điểm
Hậu Quả: Chụp mũ chính trị cho bất kỳ sáng kiến, đề nghị nào có khả năng phá chuẩn mực.25
  • Sau đây là một cuộc phỏng vấn về giáo dục Việt Nam giữa phóng viên Đài RFA và một số bạn trẻ:
Hỏi: Lượng kiến thức mà học sinh phải tiếp nhận là rất nhiều, lại đi học thêm nhiều như vậy mà cuối cùng thì chất lượng giáo dục vẫn thấp, bạn nghĩ là vì sao thế?
Đáp: Ở Việt Nam mình, dậy học vẫn theo lối truyền thụ kiến thức một chiều, tức là thầy nói gì thì trò biết thế, cấm có được làm khác đi. Vì vậy tuy lượng kiến thức nhồi nhét vào đầu học sinh là rất nhiều, nhưng nó lại không được đào xới, thảo luận để tìm hiểu thêm nên có học xong cũng quên ngay. Nói chung là học kiểu đó vừa mệt, vừa mất thời gian, lại không hiệu quả.
Hỏi: Cuối cùng, giữa lúc chính quyền và người dân trong nước nỗ lực cải cách giáo dục như hiện nay, thì bạn thấy liệu ngành giáo dục của Việt Nam có thể được cải tổ tốt đẹp không?
Đáp: Khó lắm. Vì ngành giáo dục vẫn như con chim trong lồng. Cái quan trọng là phải phá bỏ được những rào cản về măt xã hội thì mới có thể phát triển về mặt giáo dục được.
Hỏi: Nói như thế có phải bạn bi quan quá không?
Đáp: Không bi quan đâu. Không phải bây giờ người ta mới nói đến cải cách, mà từ mươi mười lăm năm nay đã liên tục tiến hành rất nhiều biện pháp rồi. Cải cách trong thi cử, cải cách giáo khoa, phân ban, trường chuyên lớp chọn… đủ cả, đều không được. Tất cả đều đi đến ngõ cụt hết.
Hỏi: Nghĩa là bạn chưa thấy lý do gì để lạc quan về giáo dục Việt Nam, phải không?
Đáp: Với bối cảnh Việt Nam hiện nay thì nói đúng hơn là không bao giờ chấn hưng được giáo dục26
  • Theo Giáo sư Nguyễn Đình Trí, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đào tạo gia tăng nhưng phương tiện giáo dục vẫn giữ nguyên, số giáo sư không thay đổi. Thày dạy đang bị «vắt sữa» với trung bình 1,177 giờ/năm với môn họa đồ, 1,134 giờ/năm môn xã hội học, 915 giờ môn cơ khí. Với sự bận rộn như vậy, thày nào còn có thì giờ để nghiên cứu khoa học ngõ hầu nâng cao kiến thức và lương bổng không mấy chênh lệch. Bậc lương giáo viên so với giáo sư có phần nào cao hơn, nhưng không có nghĩa là đời sống giáo viên khấm khá hơn, vì vậy các thày các cấp đua nhau mở lớp dạy kèm, dạy thêm. Tại nhiều địa phương còn có ngân khoản du di, co giãn, bớt giờ dạy, cố làm tư thêm, để thêm lợi tức. Nhưng dạy tư nhiều khi là «dạy chính», thế mới khổ. Theo sự tiết lộ từ nghiệp đoàn giáo dục thành phố Saìgon, số giáo viên lương tháng dưới 1 triệu đồng/tháng chiếm 60%, chỉ ở ngoại ô thành phố, được trợ cấp 300 ngàn đồng/tháng. Giáo viên mới ra trường, lãnh lương từ ngân sách, mỗi tháng lãnh chỉ 516,200 đồng.
  • Từ cả chục năm nay, Trung ương đã có nhiều nghị quyết chỉ rõ những bất cập, yếu kém lớn của giáo dục: chương trình và phương pháp dạy lạc hậu, thi cử nặng nề, dạy thêm học thêm tràn lan, sách giáo khoa chưa tốt, nhiều hiện tượng gian dối, tiêu cực đang làm xói mòn uy tín và hiệu quả giáo dục. Tuy Nhà nước và xã hội đã đầu tư không ít cho giáo dục, và bản thân ngành giáo dục cũng đã cố gắng hết sức, nhưng không kỳ họp nào của Quốc hội không phản ảnh những bức xúc sâu sắc của người dân về giáo dục, mà bức xúc cứ lặp đi lặp lại chủ yếu xung quanh mấy vấn đề vừa nêu. Điều đó có nghĩa những yếu kém bất cập đã từng được chỉ ra từ lâu vẫn chưa được khắc phục đáng kể; thậm chí có mặt còn trở nên gay gắt và nghiêm trọng hơn, biến thành những căn bệnh trầm kha, những ung nhọt nguy hiểm khó lường. (Hoàng Tụy)27
  • "Ngày nay, giáo dục đại học của ta đang tụt thấp hơn 50 bậc so với đại học của Thái Lan" (Tài liệu của ban Tư tưởng Văn hoá, Khoa giáo và Tổ chức Trung ương phục vụ nghiên cứu các kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần 6 khóa IX, NXB Chính trị quốc gia - 2002)28.
  • Chương trình và nội dung đào tạo kém tính thiết thực, xa rời mục tiêu đào tạo, ít nhắm tới việc làm sau khi ra trường, ít liên hệ với các hoạt động sản xuất, xã hội, kinh tế của VN, quá nặng về lý luận, lý thuyết, nhẹ về thực hành, thực tiễn. Do vậy sinh viên học thì vất vả, mà sau khi tốt nghiệp lại khó kiếm việc làm và khó thích nghi với cuộc sống.(Nguyễn Văn Đạo ĐHQG Hà Nội ) 29
III. NHẬN ĐỊNH VỀ NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN TẠI
Trong khi khảo sát về nền giáo dục Việt Nam hiện tại, chúng tôi thấy có quá nhiều vấn đề; nhiều nhận xét cho rằng “hết thuốc chữa”. Ta có thể kể ra : Thi cử nặng nề, chất lượng đào tạo kém, sự bất công trong giáo dục, gánh nặng học phí, chế độ lương bổng bất hợp lý, sách giáo khoa thay đổi liên tục nhưng chất lượng vẫn thấp... Bình tĩnh và khách quan là thái độ của chúng tôi. Những vấn đề đã được nêu trên sẽ không nhắc lại, hơn nữa chúng tôi chỉ xin nêu ra những vấn đề căn bản và nổi bật, có nghĩa là không đề cập đến toàn bộ những vấn đề liên quan tới giáo dục mà chỉ chú tâm vào mấy điểm: về cơ cấu giáo dục, về nhân lực và cơ sở, về chương trình, giảng dậy và học tập, thi cử, về sự sa đọa đạo đức, và sau đó là mấy vấn đề cốt lõi:
  • Về cơ cấu giáo dục.
Trên nguyên tắc và theo lý thuyết, Việt Nam có một cơ chế giáo dục được thiết lập trên các văn kiện pháp lý như Luật Giáo Dục, các Điều Lệ về tổ chức giáo dục từng cấp, từng ngành. Thực tế là cho đến tháng 3 năm 2005, dự thảo Luật Giáo Dục so với Luật hiện hành bỏ bớt 4 điều, bổ sung 10 điều mới, sửa đổi 83 điều cả về nội dung và kỹ thuật, nhưng vẫn chưa hoàn tất, trong khi qui chế tư thục được ban hành tháng 1 năm 2005.
Hệ thống giáo dục Việt Nam đại lược như sau : sau lớp mầm non và cấp tiểu học 5 năm là trung học cơ sở 4 năm, tiếp theo 3 năm nữa là trung học phổ thông; trung học phổ thông + 4 năm = đại học (y khoa thêm 2 năm); trung học phổ thông + 3 năm = cộng đồng; trung học phổ thông + 2 năm = trung học chuyên nghiệp.
Ngân sách giáo dục năm 2000 là 14.5 ngàn tỷ đồng, chiếm 15% ngân sách quốc gia, năm 2004 ngân sách giáo dục là 34.4 ngàn tỷ đồng, chiếm 17.1%
Nhìn chung, nền giáo dục Việt Nam vừa có khuynh hướng “bao cấp” về phương diện chỉ huy, về mặt tư tưởng và đồng nhất; mặt khác vì thiếu khả năng quản trị và tài chánh lại “buông thả” để cho thu học phí, hình thành các loại tư thục, bán công và dân lập làm cho nền giáo dục Việt Nam có khuynh hướng thương mại hóa, và ngày càng tha hóa. Có nhiều ý kiến cho rằng tổ chức giáo dục chỉ nên có hai loại : công lập và tư thục.
Tại cấp trung học, việc phân ban ở cấp ba, dường như chỉ để chuẩn bị cho bậc đại học. Điều này không thực tế với hoàn cảnh Việt Nam khi đa số học sinh sẽ ngưng lại ở trung học để ra đời kiếm việc. Nếu quan niệm giáo dục trung học là nhằm đào tạo một lớp công dân có đủ kiến thức phổ thông để trở thành chuyên viên trung cấp trong mọi ngành thì giáo dục trung học phải đặt lại. Trung học chuyên nghiệp trong nhiều năm qua đã gặp trở ngại lớn là không thu hút đựơc học sinh, một phần vì việc giáo dục chuyên nghiệp đó, dù đã đào tạo được 1.5 triệu học sinh, thực sự không đáp ứng đúng nhu cầu việc làm khi học sinh tốt nghiệp vì “nửa thầy, nửa thợ”; phần khác là thanh niên và phụ huynh có khuynh hướng tiến lên bậc đại học như một viễn mơ không thực tế. Tóm lại, làm sao tìm được lối thoát cho hàng triệu học sinh tốt nghiệp trung học mỗi năm, có khả năng chuyên môn vững, đúng với nhu cầu, đem họ vào sản xuất là điểm rất đáng quan tâm.
Tại cấp đại học, nhiều người cho rằng Việt Nam bị ảnh hưởng sâu xa của đại học Liên Sô, trong khi tổ chức giáo dục của chính Liên Bang Nga hiện nay đã thay đổi tận gốc theo kinh nghiệm Âu Mỹ và cơ cấu xã hội mới. Sự tồn tại ở Việt Nam hiện nay là một hệ thống đại học và cao học hết sức phức tạp và quản lý thiếu nhất quán và lãng phí. Vì lý do chính trị và bao cấp, nhà nước không dám trao quyền tự trị cho đại học làm cho đại học không thể thi hành chức năng của mình. Tự trị đại học là quyền tự quản, không chịu sự quản lý của chính phủ về phương diện chương trình, nội dung giáo dục, bổ nhiệm giáo chức và tuyển sinh.
Điểm đặc biệt trong tổ chức giáo dục Việt Nam hiện nay là một cơ chế đảng hiện diện và nắm toàn quyền từ tiểu học đến đại học. Văn kiện pháp quy ghi rõ :“Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. (Điều 51). “Đoàn thể, tổ chức xã hội hoạt động trong nhà trường theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục theo quy định của luật này. (Điều 52). “Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong trường đại học tư thục lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”. “Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và Sao nhi đồng Hồ Chí Minh hoạt động trong trường theo Điều lệ Đoàn, theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.”
Tổ chức này bao gồm Bí thư Đảng, một số giáo sư, cán bộ quản trị và học sinh, sinh viên, dưới danh hiệu “các tổ chức chính trị - xã hội “ kiểm soát mọi sinh hoạt trong trường, từ chương trình, giáo án, tư tưởng v. v. làm cho giáo chức lúc nào cũng sợ sệt, không dám có sáng kiến đổi mới cách giảng dậy, thay vào đó là giảng dậy chiếu lệ theo sách vở để khỏi mang lụy. Cũng từ đó, sinh viên và học sinh thiếu óc sáng tạo, luôn thụ động là nguyên nhân của tình trạng bế tắc giáo dục hiện nay.
Biến thái của tổ chức Đảng trong cơ cấu giáo dục hiện nay dẫn tới hậu quả tham nhũng trong nhà trường. Mọi quyết định bình bầu, lên lớp, “tiên tiến” cho con em, phụ huynh đều phải trả giá bằng tiền cho tổ chức Đảng, Đoàn trong nhà trường. Đảng được tổ chức trong hệ thống giáo dục nay trở thành ổ tham nhũng và áp chế.
Ông Lê Đăng Doanh, trong bài thuyết trình cho Bộ Chính Trị vừa qua, theo tiết lộ, có nói như sau: “ Hệ thống chính trị của chúng ta nhìn vào thấy là đảng dày đặc luôn. Chính phủ có bộ nào, cục ban nào, Đảng có hết tất cả thứ ấy. Lại thêm bộ máy gọi là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng; nói rằng là tôi đại diện cho quần chúng, nhưng một nghiên cứu nước ngoài nó nói đấy là những người mạo danh tổ chức quần chúng, thực sự là cánh tay nối dài và là cái loa của Đảng Cộng sản, không phải là đại diện gì cả và toàn bộ chuyện đó là chuyện vô duyên luôn, không có ý nghĩa gì hết trong việc phản ánh tình hình, bảo vệ lợi ích. »30
  • Nhân lực và cơ sở
Đội ngũ giáo chức đại học được đào tạo ở trong nước và nước ngoài từ những thập kỷ 50-60, đang là những tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư đều đã ở tuổi 65-70. Trong khi đó đội ngũ kế cận thì chưa được chuẩn bị để thay thế. Gần 30 năm qua, việc đào tạo được thực hiện ở trong nước, đại đa số giáo chức không có điều kiện giao lưu, trao đổi học thuật với các trường đại học của thế giới. Trong những năm gần đây, Nhà nước đưa cán bộ nghiên cứu đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng tiếc rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân bổ tới 23% dành cho cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chánh và tổ chức đảng để học về quản lý xã hội hiện đại chứ không phải là kiến thức của một chuyên viên ngành kinh tế hay kỹ thuật dành cho giáo chức giảng dạy của các trường đại học.
Trình độ giáo sư, phó giáo sư khá thấp so với quốc tế. Cả nước số giáo sư đã được công nhận mới chiếm tỉ lệ chưa tới 0.1%, số phó giáo sư chưa tới 5%, trong toàn bộ số giảng viên đại học.
Ở các trường đại học Việt Nam hiện nay, tỷ lệ trung bình là 25.8 SV/giảng viên, số giờ dạy của giảng viên từ 800 – 1,000 giờ/năm, thậm chí có giảng viên dạy đến 1,500 giờ/năm hay hơn nữa, trong khi ở đại học các nước trung bình mỗi giảng viên dạy từ 300 giờ đến 400 giờ/năm và tỷ lệ thời gian dành cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học được quy định là 50/50. Như vậy, cơ cấu lao động của giảng viên ở đại học Việt Nam rất bất thường, số thời gian dành cho nghiên cứu khoa học của đại đa số giảng viên đại học rất thấp. Giáo sư vừa làm công tác giảng dạy vừa suy tư và nghiên cứu. Giảng dạy và nghiên cứu được ví như hai mặt của đồng tiền đối với người thầy ở đại học. Những phát minh, những giải Nobel mà giới đại học Hoa Kỳ thâu lượm được nói lên điều đó. Ở những đại học lớn Âu Mỹ, trong 2 năm, nếu giáo sư không có một công trình nghiên cứu hay ấn hành một cuốn sách có giá trị, thường bị mất ghế giảng dậy.
Cơ sở trường học Việt Nam ở tất cả các cấp học, bậc học còn đơn giản, nhiều phòng học chưa đủ tiêu chuẩn. Hiện nay, tỷ lệ ở các nước tiên tiến là 15 - 20 HS/lớp, còn ở Việt Nam trung bình là trên 30 HS/lớp. Như vậy, khó có điều kiện cho việc tổ chức dạy và học để nâng cao chất lượng.
Nhìn chung, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học còn rất thiếu và lạc hậu. Về diện tích, trường đại học vào loại lớn của Việt Nam là khoảng 15 - 20ha, trường trung bình là 5 - 7ha, có trường chỉ có diện tích chưa được 2ha, trong khi đó đa số các trường đại học ở Anh, Pháp, Úc, Thái Lan, Malaysia... đều có diện tích từ 50 - 70ha, có trường diện tích 200ha. Cơ sở giáo dục thiếu sân vận động, vườn cỏ và cây xanh thoáng mát.
  • Chương trình
Chương trình học năm 1945, do GS Hoàng Xuân Hãn khởi xướng biên soạn đã được dùng trong 27 năm. Một chương trình khác, do một số giáo chức thực hiện trong năm 1955, được dùng trong 35 năm. Còn chương trình hiện nay chính thức chưa có, nên sách giáo khoa lại được soạn dựa trên những chương trình dự thảo.
Nhìn chung, chương trình giáo dục từ bậc tiểu học đến đại học, « thiếu cập nhật kiến thức mới và chưa hội nhập được với trình độ thế giới, giáo trình thiếu và lạc hậu, tỷ lệ dành cho các môn học chưa hợp lý »31 lại quá ôm đồm, thiếu cân đối.
Bỏ qua những môn khoa học và tin học được coi là thiếu cập nhật, thiếu thực nghiệm so với trình độ quốc tế, có hai môn học còn nặng giáo điều, đó là môn Sử và môn Văn.
- Môn sử học, sau một thời gian « cưỡng chế », kể từ năm 1986 đã có phần thay đổi, tuy nhiên còn nhiều điều bất cập. Thí dụ : Sách giảng dạy lịch sử cho học sinh phổ thông hiện nay có hai loại: là « Truyện kể lịch sử dành cho cấp I, » và « Giáo khoa lịch sử dành cho cấp II và III ».
Giảng dạy lịch sử là nhằm trang bị cho học sinh hiểu về quá khứ và thời đại đang sống gồm lịch sử phát triển của tư tưởng, văn hoá, văn minh, phát triển kinh tế, xã hội và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật Việt Nam. Trong khi đó Truyện kể lịch sửGiáo khoa lịch sử hiện hành chỉ nhằm làm nổi bật lên quy luật chiến tranh, lấy sự trình bày về chiến tranh làm động lực phát triển của lịch sử. Tiếp theo Truyện kể lịch sử là các sách Giáo khoa lịch sử của 7 lớp còn lại, định hướng chinh chiến, chiến tranh, vũ lực vẫn chi phối toàn bộ giáo trình.
- Môn văn ở trung học chẳng hạn vẫn tập trung vào chín ông nhà văn. Đó là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, và Nam Cao.
Nhiều bài văn trong chương trình phổ thông còn nặng tính mục đích, giá trị nghệ thuật chưa được coi trọng, nhiều học sinh lớp 12 viết không đúng văn phạm, một số học sinh thi đại học viết toàn những lời ngô nghê trong bài văn ; học sinh học thuộc lòng, không sáng kiến, không suy nghĩ độc lập. Ai cũng phải dạy như thế, không thì học sinh bị trượt.
- Trong giáo dục phổ thông suốt mấy chục năm qua chỉ chú trọng văn, toán, lý, hoá còn các môn khác mặc nhiên coi như môn phụ. Một học sinh vào đời mà lịch sử địa lý đều kém thì hiểu biết về xã hội rất hạn chế. Ở trường học Hoa Kỳ chẳng hạn, môn Văn Hóa Thế Giới và Khoa Học Xã Hội, đã được giảng dậy từ lớp 8 và 9. Đặc biệt là môn ngoại ngữ, chưa có tầm nhìn xa, phong trào học tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Anh cứ sẩy ra theo nhu cầu, theo khuynh hướng chính trị và hoàn cảnh sống của xã hội; khi thân Liên Xô thì học tiếng Nga, khi thân Tầu thì học tiếng Trung, nay lại quay sang học tiếng Anh, đến nỗi ngày nay nhiều nhà chính trị, nhà doanh nghiệp và cả những nhà khoa học ra nước ngoài đều gặp khó khăn về giao tiếp.
Ở bậc đại học Việt Nam, chương trình 4 năm gồm 2,184 giờ so với 1,380 giờ ở đại học Hoa Kỳ. Tất cả các môn học ở Việt Nam có tính cách bắt buộc, sinh viên không có quyền lựa chọn vì không có môn nhiệm ý. Trong khi đó chương trình về chủ nghĩa Mac-Lenin, chủ nghĩa xã hội, lịch sử đảng chiếm 203 giờ, tức là 9% chương trình.. Trong khi đó 2 năm học chuyên ngành thực sự sơ sài, học lý thuyết là chủ yếu, sinh viên thiếu tự tin về năng lực của chính mình. Điều này phản ảnh rất rõ rệt đối với du học sinh khi đến nước ngoài học tập.
Những kiến thức học ở trường hoàn toàn xa rời với thực tế, dựa trên những tiêu chuẩn hoàn toàn lạc hậu và hầu hết đều được dịch từ tiếng Nga. Nhiều chỗ trong tiêu chuẩn còn mập mờ, sai sót đến khó hiểu.
Việc đổi mới chương trình và biên soạn sách giáo khoa, tài liệu tham khảo ở bậc đại học đã được bắt đầu cách đây 15 năm nhưng trên thực tế đã diễn ra bốn năm lần, lần làm sau lại phủ định lần làm trước vì vậy việc đổi mới giáo dục đại học chưa có một lộ trình nhất quán, cho nên đã gây nhiều xáo trộn.
Có hai sự kiện đáng lưu ý là : (1) nhà cầm quyền đã đem chương trình đào tạo của Đại học Chiềng Mai, Thái Lan, về áp dụng máy móc vào nước ta. (2) Một tổ chức nước ngoài từ năm 2000 đến năm 2002 đã tài trợ và đưa vào Việt Nam 80 ngàn cuốn sách thuộc 25 lãnh vực khác nhau nhưng đã được đặt trong sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, giới nghiên cứu chưa được sử dụng.
  • Giảng dậy và học tập
Đội ngũ giáo chức lên gần 1 triệu người, ở hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, thể thao. Một số giáo viên chưa dành thời gian tự học nên trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm còn yếu kém. « Đối vối giáo dục nghề nghiệp và đại học, ngoài việc thiếu cán bộ giảng dậy khá trầm trọng, nhìn chung phương pháp dậy học vẫn nặng về thuyết giảng, ít thực nghiệm và hầu như không đi thực tế, đặc biệt công tác nghiên cứu khoa học rất hạn chế »32
Lối học khoa cử vẫn còn nặng nề, giáo dục chỉ truyền đạt kiến thức nhằm ứng phó với các kỳ thi, chưa chú trọng đến việc xây dựng tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, kiến thức chuyên ngành ít được cập nhật, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế. Theo giáo sư Hoàng Tụy thì : «Giáo dục phổ thông hiện có 3 «khối u» cần phải cắt bỏ, đó là: Thi cử nặng nề nhưng không thực chất; nạn học thêm, dạy thêm tràn lan; chất lượng sách giáo khoa không cao nhưng giá lại quá cao».
Cách đây mấy năm, Đài BBC có làm một cuộc khảo sát về giáo dục tiểu học ở Việt Nam đã khám phá ra nhiều điều ngộ nghĩnh, chẳng hạn, bài luận tả cô giáo của học sinh Hà Nội và Huế giống hệt nhau. Sở dĩ sẩy ra như vậy vì cả nước cùng theo một giáo án, một cách giảng dậy, một khuôn mẫu, nói theo danh từ thời thượng là cùng một « tư duy ». Học sinh không có óc quan sát, không có sáng kiến, sáng tạo, trở nên sơ cứng và chỉ còn biết « lặp lại » những gì sách vở và thầy cô giáo giảng dậy. Vả chăng, có lẽ tả theo bài mẫu để khỏi « lạc đề ».
Có ý kiến cho rằng trong ngành giáo dục có 5 lãnh vực quản lý : Đó là quản lý chuyên môn, quản lý nhân sự, quản lý bộ máy, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất. Nhìn chung trong cả 5 lãnh vực này, lãnh vực nào giáo dục Việt Nam cũng yếu kém, cũng có vấn đề. Dựa theo những số liệu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cuộc khảo sát về trình độ giáo dục tại 12 nước Á Châu là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, và Indonesia cho thấy «chỉ số chất lượng giáo dục Việt Nam đạt 3.79 trên thang điểm 10, áp chót, chỉ hơn Indonêsia.
Muốn cải tổ việc giảng dạy, người ta cho rằng : cần tăng số giờ thực hành, dành thời gian hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc sách, tham khảo tài liệu, tập thuyết trình, thảo luận, tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ v.v…
  • Thi Cử
Bộ Đại học tổng kết tuyển sinh công bố có hơn 5,000 thí sinh có tổng số điểm ba môn thi là 0 điểm, hơn 4 ngàn thí sinh chỉ được 0.5 điểm và 7,500 thí sinh có bằng tú tài chỉ có vỏn vẹn 1 điểm. Thành phố Sàigon là một trong số nhiều nơi khác trong cả nước có số thí sinh bị 0 điểm/3 môn. Một số trường trung học phổ thông công lập ở Hải Phòng, Hà Nội cũng nằm trong danh sách có thí sinh 0 điểm.
Tỷ lệ tốt nghiệp cấp 2 cấp 3 hằng năm thường được công bố từ 90 - 95 đến 100%. Nhưng kết quả thi tuyển sinh vào đại học thì thật thảm hại. Hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học đều diễn ra cách nhau độ 1 tháng, nhưng kết quả thì lại khác nhau «một trời một vực». Lý do vì thi tốt nghiệp phổ thông cấp 2, cấp 3 ngành giáo dục chạy theo thành tích, theo sự chỉ đạo của cấp trên.
Muốn vào cao học, thí sinh phải qua một kỳ thi 3 môn là môn cơ sở, triết học và ngoại ngữ, riêng bậc tiến sĩ thi thêm môn chuyên ngành. Thực tế tại các hội đồng thi, chỉ có môn ngoại ngữ là khó khăn. Ai không biết một ngoại ngữ nào mà muốn vào hậu đại học thì thi tiếng Nga. Kết quả thi vào cao học tại trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn môn tiếng Anh là 49% và môn tiếng Nga đạt 88%.
  • Sự sa đọa về đạo đức
Xã hội nói chung và nền giáo dục nói riêng, lúc nào và ở đâu cũng có mặt tiêu cực. Tuy nhiên, nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang có khuynh hướng « phá sản » về mặt đạo đức. Trong năm 2002 và 2003, gần 300 giáo viên nam nữ trong nước nghiện hút hoặc buôn bán ma túy, và tình trạng thầy cô giáo dính líu đến ma túy đã lên đến mức báo động, theo đánh giá của các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Giáo dục và Đào tạo.
1. Gian dối : Trong những năm gần đây, sự gian dối trong học tập ngày càng gia tăng, nhất là ở cấp lớp trên và ở người lớn. Sự gian dối có tính phổ biến ở mọi nơi, từ giáo dục chính quy, tại chức đến giáo dục thường xuyên. Các hiện tượng chạy điểm, chạy thầy, quay cóp, mua bán và sử dụng phao thi... trước đây được coi là xấu hổ thì nay được coi là chuyện bình thường. Hậu quả là làm cho các học sinh nhận ra sự bất công và niềm tin vào cha mẹ, thầy cô bị tổn thương và ảnh hưởng xấu đến nhân cách.
Nhiều người trẻ phàn nàn là họ đã lớn lên trong một nền giáo dục thiếu vắng những nguyên tắc căn bản như trung thực và sáng tạo. Hệ thống giáo dục hiện nay dạy họ thỏa hiệp với cái giả dối. Miệng nói một đàng theo chủ trương từ trên đưa xuống cho yên thân, đầu óc thì lại nghĩ khác.
Việc tiêu chuẩn hoá cán bộ, công chức, đã dấy lên một phong trào học tập trong cán bộ, công chức. Nhưng có một số người lớn đi học thiếu đúng đắn, và thiếu nghiêm túc, tìm mọi mánh lới để có mảnh bằng bất kể kiến thức, dẫn đến học giả bằng thật, kể cả hiện tượng sao chép luận văn thạc sĩ, tiến sĩ. Khi vấn đề bị phát giác hàng loạt, lại có hiện tượng « bao che » khá đặc biệt như trường hợp Bộ Công an có văn bản số 771, cho nhân viên trong ngành đã sử dụng văn bằng giả để đưa vào hồ sơ dự thi và học, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, chỉ sau 1-2 năm mà không có bằng trung học phổ thông mới thu hồi văn bằng cao hơn. Bộ Công an còn cho biết đã «căn cứ tình hình chung của các bộ ngành khác»... là thực tế số cán bộ ăn gian nói dối quá đông.
2. Dạy thêm, học thêm : Việc dạy thêm, học thêm hiện nay không phải là một giải pháp áp dụng đặc biệt cho một số nhỏ học sinh yếu kén, mà tràn lan, cả lớp phải học, buộc cha mẹ phải chấp nhận, vì có học thêm mới làm tốt được bài kiểm tra, mới được thầy, cô giáo quan tâm nâng đỡ ; nói đúng hơn đó là một « nhu cầu giả » nhằm bắt học sinh học thêm để kiếm lợi. Việc này tác động rất xấu đến chất lượng giáo dục, nhất là mặt đạo đức. Cho con học thêm rất tốn kém, 4 môn chính chuẩn bị thi tốt nghiệp hơn 400 ngàn đồng một tháng.
3. Chửi thề : Có một vấn đề, xem ra có vẻ bình thường vì nó đã ăn sâu vào xã hội, đặc biệt ở miền Bắc từ sau 1945, nhưng trên bình diện đạo đức và văn hóa lại là một hiện tượng rất đáng quan tâm, là việc « văng tục, chửi thề «. Người lớn và trẻ em ở một số địa phương, trong lúc nói truyện, phải chen vào nhiều câu chửi thề mà người xa lạ, khi nghe, phải coi là một hiện tượng dị thường. Người ta nói dân Nga có câu Nói chuyện mà không văng tục khác nào ăn xúp củ cải đỏ thiếu cà chua. Cũng vì vậy, có bản tin cho rằng thành phố Belgorod, nằm cách thủ đô Matxcơva 700 km về phía Tây Nam đang có chiến dịch 'bài trừ văng tục chửi thề' nơi công công. Cảnh sát Belgorod còn nhận được chỉ thị từ chính quyền là nếu thấy ai văng tục, họ có quyền phạt tiền tới một khoản tương đương 50 đôla Mỹ.33Không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nghĩ sao.
4. Vai trò của tôn giáo: trong sinh hoạt của một xã hội, văn hóa, đạo đức và nhất là tôn giáo giữ một vai trò quan trọng. Tôn giáo hướng dẫn tâm linh con người hướng về chân, thiện, mỹ và giúp con người biết « làm lành, lánh dữ ». Tôn giáo vừa là kim chỉ nam, vừa là cái thắng, giúp cho con người tránh được sự sa đọa, tha hóa. Xã hội tây phương chẳng hạn, trước sức cám dỗ của vật chất và hưởng thụ, nếu không có tôn giáo, xã hội tây phương đã rơi vào hố thẳm từ lâu. Ở Việt Nam, tôn giáo bị chèn ép hoặc đánh giá thấp, nhiều khi bị khinh chê, chế diễu. Đó là nguyên nhân dẫn tới đạo đức suy đồi. Không ai nghĩ rằng phải đem tôn giáo vào học đường, nhưng học đường phải nhìn tôn giáo bằng con mắt thiện cảm và trân trọng vì tôn giáo là « cái phao » giúp học đường duy trì đạo đức. Khích bác tôn giáo trong khi giảng dậy, gián tiếp cấm đoán học sinh, sinh viên tham dự sinh hoạt tôn giáo bằng việc tổ chức sinh hoạt học đường hay thi cử vào ngày chủ nhật chẳng hạn, là góp phần vào việc sa đọa đạo đức.
  • Nguyên nhân sâu xa
1. Nếu chúng ta nhìn lại hoàn cảnh xã hội Việt Nam từ 50 năm trước trong đó vấn đề « tuyên truyền » được quan niệm là chủ đạo cho xã hội, kể cả giáo dục. « Tại một cuộc họp của hãng phim truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê đã tiết lộ: “Nhân vật lịch sử ‘anh hùng Lê Văn Tám’, tự tẩm xăng, mồi lửa, rồi chạy vào phá kho xăng Thị Nghè, hoàn toàn không có thật!” Ông cũng khẳng định lại điều này trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Người Việt.»34 Hiện nay, nhân vật Lê Văn Tám vẫn còn trong sách Giáo khoa.
Từ tuyên truyền, người ta có thể « ăn không, nói có » tác động trên mỗi công dân, một con người hai mặt : trong thâm tâm, biết là việc đó không có thực nhưng ngoài mặt phải nói như chỉ đạo đã dậy. Dần dần, nói dối trở thành « bản ngã công dân » thể hiện trong « bệnh thành tích và các tiêu cực ». Cũng vì thành tích mà việc tốt nghiệp trung học thường đạt trên 90% có điểm cao, trong khi kết quả thi tuyển đại học, có nhiều thí sinh không đạt được 2/30 điểm.
Trong giáo dục, việc chủ yếu là khoa học, nhân bản và khai phóng, trong khi tuyên truyền là phải nói theo nhu cầu, làm cho người thầy và học sinh tự gian lận trong tư duy, và từ gian lận trong tư duy dẫn đến gian lận trong hành động dường như là một hậu quả tất yếu. Một nền giáo dục trong tương lai, nếu muốn đạt đến chân, thiện, mỹ thì việc đầu tiên là tái tạo lớp công dân đứng đắn, thẳng thắn qua việc « giáo dục công dân » để có những con người lương thiện mà ở đó từ người cầm quyền đến người lớn và nhất là người thầy phải có tấm gương lương thiện.
2. Chúng ta đều biết thầy giáo, học sinh và trường học thật ra cũng chỉ là những thành tố rất nhỏ của xã hội, nó không thể nào tự thay đổi được. Muốn thay đổi giáo dục phải tùy thuộc vào cái không khí, sinh hoạt của xã hội ; nói khác đi là cơ chế và cấu trúc xã hội. Vấn đề tham nhũng và gian dối trong học đường chẳng hạn, sẽ không thể thay đổi khi mà toàn xã hội, ở mọi sinh hoạt, từ trên xuống dưới đều gian dối và tham nhũng. Điều quan trọng là phải phá bỏ được những rào cản về măt xã hội mới có thể phát triển về mặt giáo dục được. Nguyên nhân trì trệ không phải chỉ do những sai lầm cục bộ về điều hành quản lý mà chủ yếu là sai lầm từ gốc, từ nhận thức, quan niệm, tư duy cơ bản. Nói vắn tắt là sai lầm có tính chất hệ thống, sai lầm thiết kế, không thể khắc phục bằng những biện pháp điều chỉnh chắp vá mà phải xây dựng lại từ gốc. Nói khác, nếu không thay đổi cơ cấu xã hội tự gốc rễ, không có cách gì thay đổi hay cải tiến giáo dục được.
Mục đích của giáo dục là đào tạo những thanh thiếu niên để trở nên công dân tốt, có nhân cách, có tự do, có khả năng kiến tạo một xã hội tiến bộ và thịnh vượng. Việc này đòi hỏi một chính quyền có nhân cách, biết tôn trọng tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Một xã hội áp chế, một học đường áp chế, không thể đào tạo ra những con người tự do và có nhân cách. Xã hội đòi hỏi ở lớp người lớn, nhất là người thầy, tấm gương trong sáng, lời nói phải luôn luôn đi đôi với việc làm. Một xã hội mà người lớn phải sống “mánh mung”, “hai mặt” làm sao có được lớp người trẻ “trong sáng”. Thêm vào đó, xã hội cần một cơ cấu pháp luật nghiêm minh và trong sạch để cầm cương nẩy mực, giữ cho xã hội có kỷ cương, mà kỷ cương trước hết là trong lãnh vực giáo dục và học đường.
Nếu có can đảm cắt bỏ tổ chức chi bộ Đảng và các tổ chức gọi là chính trị-xã hội trong hệ thống học đường sẽ giảm cho ngân sách giáo dục từ 7% đến 10%, đàng khác giúp vào việc “cởi trói” giáo dục.
3. Người ta thường đề cập tới việc “đổi mới tư duy” sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới và thời đại mới. Hoàn cảnh mới thiết nghĩ là tự do, tiến bộ, công bằng, dân chủ và đa nguyên. Thời đại mới là thời đại toàn cầu hóa, hội nhập, và sự bùng nổ của tin học. Như vậy, cần cải tổ “toàn bộ hệ thống giáo dục”, dám vứt bỏ những gì là giáo điều, trì trệ để xây dựng “con người mới” – con người có nhân cách, có tự do - cho Việt Nam.
Trong những năm qua, có nhiều cá nhân và nhiều nhóm rất ưu tư về tình trạng giáo dục, đã bỏ nhiều công sức vào việc nghiên cứu cải tổ giáo dục, như nhóm Nghiên cứu Cải cách Giáo dục, của giáo sư Hoàng Tụy ở Hà Nội. Người ta cho rằng, những cố gắng đó rất đáng trân trọng, nhưng không có cách nào giải quyết được vấn đề tự gốc rễ. Lý do nằm ở bình diện sâu hơn: chính ý thức hệ, mô hình chính trị và nhân sinh quan đã dẩn đưa đến tình trạng khủng hoảng ngày nay.
Có người nghĩ rằng việc Nhà nước tự phê bình về nền giáo dục trên diễn đàn Quốc hội như đã nói tới ở trên và cho phép báo chí phê bình về khủng hoảng giáo dục như hiện nay, phải chăng là chuẩn bị cho một thay đổi về giáo dục trong những ngày sắp tới, hay chỉ là một cách “xì hơi” để thoa dịu nỗi bất mãn của quần chúng rồi đâu vẫn vào đấy?
Làm công việc khảo sát này, vì phải đối diện với hoàn cảnh thực tế phũ phàng, chúng tôi phải đề cập đến hàng ngũ giáo chức một cách thẳng thắn. Trong thâm tâm chúng tôi vẫn hằng trân trọng sự hy sinh, trăn trở của nhiều nhà giáo dục rất đáng kính, đã hiến dâng cả cuộc đời cho giáo dục, vẫn hằng ưu tư cho tuổi trẻ và tiền đồ dân tộc.
Chúng tôi thật đau lòng khi nghĩ tới đại đa số những gia đình nghèo, nhất là ở nông thôn, đang sống trong nền giáo dục“định hướng xã hội chủ nghĩa”, lại không đủ tiền để “đóng học phí trường công” do nhà trường đặt ra quá nhiều khoản thu, gây bức xúc trong xã hội, để con em có cơ hội đồng đều như học sinh ở các nước tư bản.
Giải pháp cho nan đề giáo dục Việt Nam trong tương lai, phải trông chờ vào một tương lai sáng sủa khác và hiện nay mọi người phải nỗ lực chuẩn bị một cách thận trọng cho tương lai đó khi hoàn cảnh cho phép.





______________________________
Tài Liệu Tham Khảo :
- Đại Học Quốc Gia Hà Nội Web, 144 Đường Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Giáo Dục và Thời Đại Web, Cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Hướng Về Giáo Dục, Trang Web chính thức của Nhóm Nghiên Cứu Cải Cách Giáo Dục, Hà Nội
- Talawas Forum Web, Tổng Biên Tập : Phạm Thị Hoài
- Thanh Niên Online, Diễn Đàn của Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, 248 Cống Quỳnh, Quận 1, Saigon
- Tuổi Trẻ Online, Cơ Quan của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, 60A Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Saigon
- Việt Nam Net, (VNN.VN) Công ty phần mềm và truyền thông VASC. Cơ quan chủ quản : Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
- Việt Nam News Network (VNN), 15568 Brookhurst St., # 247, Westminster, CA 92683, USA
- Vụ Đại Học Web
- BBC
- RFA
- RFI
- VOA
1 Tổ chức Đảng còn được nói tới trong các Điều 18, 19, 29e, 36.4.
2 Theo bản văn năm 1994 viết rõ hơn :” Chi bộ Đảng trường học lãnh đạo nhà trường theo điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.” Ngoài ra, tổ chức Đảng còn được đề cập tới trong các Điều 21.1, 22.1, 32e, 39.4
3 Về Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 23.2.2004, Talawas Forum, 2.3.2004
4 như trên
5 Trần Ngọc Vượng, “Lý luận phê bình văn học”, Talawas Forum, 29.11.2004
6 TS Lê Ngọc Trà, “Nâng cao chất lượng đào tạo đại học: Khó hay dễ?” Tuổi Trẻ Online
7 Vũ Quang Việt, Nhóm Nghiên Cứu Giáo Dục, Hà Nội, 25.11.2004
8 Kiến Nghị của 23 trí thức trong Nhóm Nghiên Cứu Giáo Dục, Hà Nội, tháng 9 năm 2004
9 trả lời cuộc phóng vấn của Talawas Forum, 2.7.2004
10 Ghi chú : một số tù nhân ở trại cải tạo Thanh Cẩm có kể lại trên báo ở hải ngoại rằng : khi ông Hoài Thanh đến trại trình bầy về thơ Hồ Chí Minh có phát biểu đại ý : thơ Hồ Chủ Tịch hay vì là thơ của Hồ Chủ Tịch (!)
11 trả lời cuộc phóng vấn của Talawas, 2.7.2004
12 Hà Thư Sinh, “Tôn trọng sự thật”, Talawas Forum, 6.1.2005
13 Tóm lược 2 bài viết của Nguyễn Thuý Hằng, năm 2003 và 2004, Talawas Forum
14 PGS Nguyễn Ngọc Thoa, “Sinh viên y khoa nếu vẫn còn học “vẹt”.Tuổi Trẻ 28.11.2004
15 Vũ Quang Việt, “So sánh chương trình giáo dục đại học ở Mỹ và Việt Nam”, 27.10. 2004
16 “Góp tiếng nói về thực trạng giáo dục hiện nay!: Tuổi Trẻ 25.9.2004
17 Trần Mạnh Hảo, “Thư ngỏ gửi ông Bộ Trưởng Bộ GD và ĐT”, 29.8.2002
18 Nguyễn Thế “Cái danh và cái thực của giáo sư, phó giáo sư Việt Nam”, Talawas Forum, 16.11.2004
19 Báo Tuổi Trẻ, ngày 6-5-04
20 Trần An Hòa, “Việc học ở Việt Nam ngày nay” VNN
21 Thạc Sỹ Phạm Xuân Phụng, “Trồng người thời đại mới,” Tuổi Trẻ
22 ViệtNamNet, 22.11.2004
23 Hồ Ngọc Nhuận, “Vài hàng đóng góp nhỏ với Hội thảo tại UBMTTQVN về Tinh hình giáo dục hiện nay”, 21-10-2004
24 Bao Cấp Tư Duy, VNN, 31.3.2004
25 Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, Saigon, “Bản phân tích về việc giáo dục: Nguyên do tạo nên tình trạng hiện nay”, tháng 11.2004
26 RFA-Việt Long, Giới trẻ nghĩ gì về nền giáo dục Việt Nam hiện nay? 15.11.2004
27 Bàn thêm về chất lượng giáo dục, Nhóm Nghiên cứu Cải cách Giáo dục, Hà Nội, Việt Nam
28 Trích từ Niệm Phước, Minh Hằng, “Chất lượng giáo dục thấp vì sao?” Talawas Forum, 1.11.2003
29 “Giáo dục đại học VN - một vài suy nghĩ”, TTOnline, 16.10.2004, 
30 Cuộc nói chuyện của ông Lê Đăng Doanh với bộ chính trị vào tháng 11 năm 2004. Tài liệu mới được phổ biến
31 Trần thị Tâm Đan, Ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội.
32 Trần thị Tâm Đan , như trên
33 tin BBC,

34 Nhật Báo Người Việt, California, 20.3.05