Nguyên nhân cá chết hàng loạt có tính thuyết phục đến đâu?

Nguyên nhân thảm họa cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền trung khởi đi từ Hà Tĩnh chính thức được cơ quan chức năng trung ương Việt Nam thông báo sau cuộc họp chính phủ vào chiều ngày 30 tháng 6. Đối với giới khoa học - kỹ thuật thì những nguyên nhân được đưa ra có tính thuyết phục đến đâu?

“500 triệu USD không ăn thua”

Gia Minh phỏng vấn giáo sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Trước hết ông cho biết:
GS Lê Huy Bá: Tôi cũng hoan nghênh chính phủ mặc dù có chậm nhưng có đưa lên sự thật như thế là điều tốt để an dân.

Gia Minh: Thế nhưng thông tin như thế có đáp ứng được yêu cầu về mặt khoa học đối với một người như ông không?
Cân đong, đo đếm thì 500 triệu USD không ăn thua. Phải đền bù cho hơn triệu ngư dân sống ven biển, bám biển về mặt sinh kế lâu dài chứ không phải một, hai, ba tháng… là đủ. Ngoài ra còn phải điền bù thiệt hại về tài nguyên và đền bù thiệt hại về môi trường.
-GS Lê Huy Bá
GS Lê Huy Bá: Về mặt khoa học thì phenol, cyanur tác động rất nhanh có thể giết sinh vật, con người, cá một cách nhanh chóng. Ngoài ra nguy hiểm của độc chất kim loại nặng chưa thấy báo cáo; hoặc họ bỏ qua hay sao!?
Theo tôi còn có các chất crom 3, crom 6, thủy ngân, cadimi… vì trong quá trính súc rửa, sản xuất thép thế nào cũng có. Mà đó mới nguy hiểm lâu dài.
Gia Minh: Nếu không nêu ra hết tất cả những kim loại gây hại như thế thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến các công tác tiếp theo mà các cơ quan chức năng nói đến?
GS Lê Huy Bá: Nó sẽ ảnh hưởng vì kim loại nặng lắng xuống lớp trầm tích đáy biển, đáy bờ biển. Bỏ quên việc làm sạch đáy biển mà đó là điều rất nặng nề không phải dễ mà làm được. Ngoài ra rạn san hô bị hỏng. Tôi sợ dể bỏ quên khoản ấy!
Gia Minh: Formosa nói bồi thường 500 triệu đô la Mỹ; theo ông khoản tiền đó ngoài việc bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại mất sinh kế đánh bắt hải sản thì để làm sạch môi trường một dải bờ biển dài 200 kilomet ra sao?
GS Lê Huy Bá: Cân đong, đo đếm thì 500 triệu USD không ăn thua. Phải đền bù cho hơn triệu ngư dân sống ven biển, bám biển về mặt sinh kế lâu dài chứ không phải một, hai, ba tháng… là đủ. Ngoài ra còn phải điền bù thiệt hại về tài nguyên và đền bù thiệt hại về môi trường.
Tài nguyên biển thiệt hại nhiều và phải tính đủ đề đền bù. Còn về môi trường thì theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả. Riêng cho môi trường thì 500 triệu USD không có nghĩa gì cả.
Rồi còn sức khỏe cộng đồng: độc mãn tính cả 10-15 năm sau mới phát ra. Như ở Nhật cả 20,30 năm sau vẫn còn bị. Nếu tính đủ thì phải tính hết như thế.
000_9Y4WA-622.jpg
Thảm họa quốc gia về ô nhiễm môi trường đã hiển hiện qua sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Giới khoa học cho rằng đây là hậu quả của nhiều thập niên phát triển kinh tế bằng mọi giá và xem nhẹ việc hủy hoại môi trường.
Gia Minh: Theo giáo sư cần phải làm gì để đạt hiệu quả trong việc làm sạch môi trường?
GS Lê Huy Bá: Bây giờ trả lời câu hỏi đó rất khó. Như tôi nói số tiền như thế đề dàn trải ra cho tất cả vấn đề như vừa nêu là không đơn giản. Riêng chuyện phục hồi lại hệ sinh thái biển là việc làm kinh khủng lớn. Ví dụ muốn có san hô trở lại thì phải cấy san hô nhưng trong điều kiện nước biển phải trong, không bị pH cao quá hay thấp quá nữa. Cấy san hô không phải như cấy lúa mà phải cấy từng giàn cố định dưới đáy biển. Việc làm đó rất phức tạp.
Việc hốt trầm tích bị nhiễm độc cũng lớn lắm rồi.
Formosa cam kết 5 điểm nhưng thực ra chỉ có ba điểm đầu đáng lưu ý, hai điểm cuối là vuốt đuôi thôi. Ba điểm đầu là xin lổi nhân dân, thứ hai có đền bù, thứ ba khắc phục thì người dân Việt Nam với tinh thân nhân đạo, tha thức có thể chấp nhận phần nào đó thôi.
Đây là một bài học kinh nghiệm rất quí báu đối với đầu tư nước ngoài, nhất là những nước như Trung Quốc với công nghệ lạc hậu, văn hóa công nghiệp thấp; không phải như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển…
Những nước công nghiệp thấp chỉ làm để lấy tiền thôi!

Lợi ích nhóm?

Gia Minh: Đó là phía Formosa đã nhận, còn phía ký giấy cho họ thực hiện và đơn vị làm công tác giám sát thì ra sao?
Việc kiểm soát, kiểm tra ô nhiễm cũng chưa chặt; trong đó có thể có phần của lợi ích nhóm nữa (dù chuyện này chưa rõ lắm!).
-GS Lê Huy Bá
GS Lê Huy Bá: Vấn đề quản lý của Việt Nam còn lỏng lẻo. Ngoài ra cách làm đánh giá tác động môi trường của Việt Nam không ổn. Nhà nước phải có một cơ quan riêng để chủ động trong việc đánh giá tác động môi trường; chứ không phải giao cho chủ đầu tư thuê tư vấn làm.
Tiếp nữa việc kiểm soát, kiểm tra ô nhiễm cũng chưa chặt; trong đó có thể có phần của lợi ích nhóm nữa (dù chuyện này chưa rõ lắm!).
Gia Minh: Ông bộ trưởng Trần Hồng Hà nói đến khả năng phải làm hồ sinh học chứa chất thải. Hệ thống xả thải hiện nay (của Formosa) chắc phải làm lại?
GS Lê Huy Bá: Đúng rồi, họ phải làm lại hồ xử lý sinh học, sinh hóa. Rồi đường ống xử lý nước thải sinh hoạt, đường ống xử lý nước thải của nhà máy thép. Các hệ thống đó phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan của nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó còn phải có bộ phận xử lý chất thải rắn. Ngoài chất thải ra còn không khí nữa. Điều chúng ta quan tâm nhiều do cá chết; nhưng khí thải của các nhà máy thép như xỉ than, bụi lò cũng ghê gớm lắm. Nhưng với công nghệ của ông (Formosa) thì chắc chắn còn nhiều vấn đề lắm.

Gia Minh: Qua vụ việc này ý thức của người dân sẽ được nâng lên và họ sẽ có thông báo giám sát cho cơ quan chức năng?
GS Lê Huy Bá: Tôi thấy vụ này cũng là một thử thách: người dân cũng phải biết mình có quyền lợi được góp ý kiến như thế nào. Cộng đồng phải tham gia ý kiến vào các dự án từ nhỏ cho đến lớn.
Gia Minh: Cám ơn giáo sư.