Đoàn Xuân Kiên
1- Từ một cuộc hội thảo
Cách nay mấy năm, tại thành phố Birmingham (Anh Quốc) có tổ chức một buổi hội thảo thanh niên về vấn đề "Tuổi Trẻ Về Nguồn". Buổi sinh hoạt này đã quy tụ hơn ba mươi thanh niên trí thức Việt Nam từ các thành phố Nottingham, Northampton, Plymouth, Birmingham, London... Buổi sinh hoạt tập thể này thực chất là một cuộc thảo luận về vấn đề tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại đối với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; nói cách khác: tuổi trẻ Việt Nam nghĩ và làm gì về việc hội nhập văn hoá mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc ?
Buổi hội thảo đã diễn ra dưới hình thức thảo luận nhóm. Những người có mặt đã chia thành ba tổ, cùng nhau thảo luận một số đề tài sau:
1- Đâu là bản sắc văn hoá dân tộc Việt ?
2- Bản sắc văn hoá dân tộc trong sinh hoạt gia đình
3- Bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống xã hội
4- Chúng ta học được kinh nghiệm gì từ các cộng đồng
dân tộc khác trong vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá ?
5- Học tiếng mẹ đẻ tại hải ngoại ?
Các bạn trẻ tham dự đã thảo luận hăng say hào hứng về những vấn đề thiết thực gần gũi đối với mỗi người, nhưng lại ít khi được đặt ra bàn thảo một cách công khai, rộng rãi. Dưới đây là những ý kiến đúc kết từ các nhóm:
Đi tìm bản sắc văn hoá dân tộc
Để trả lời câu hỏi tổng quát về những giá trị tinh thần hay bản sắc dân tộc (câu hỏi số 1), các bạn trẻ đã lên một danh sách khá dài về những nét đáng quý của bản ngã dân tộc. Bên cạnh đó, các bạn cũng đưa ra một bảng liệt kê về những nét vẻ mà các bạn cho là những tính cách truyền thống dân tộc mà nay đã không còn thích hợp trong đời sống giao lưu văn hoá tại hải ngoại nữa.
Mặt tích cực
- Dân tộc đã tồn tại qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, với nhiều biến cố đau thương. Đó là sức mạnh của dân tộc vậy.
- Dân tộc đã thể hiện tinh thần đoàn kết trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
- Dân tộc ta còn giữ được tiếng nói dân tộc, mặc dù trải qua bao nhiêu phen bị các chính sách thực dân văn hoá ra sức phá đổ bản sắc văn hoá dân tộc.
- Một nét son của văn hoá dân tộc là tinh thần đại gia đình, trong đó các thế hệ đều nương tựa nhau mà tồn tại và trao truyền văn hoá cho đời sau.
- Cốt tuỷ của đại gia đình là tinh thần kính trên nhường dưới, tinh thần tôn ti trật tự.
- Tinh thần cộng đồng là một nét son của dân tộc: mỗi cá nhân là một phần tử của gia đình-xã hội, và có trách nhiệm đối với tập thể của mình.
- Người mình giàu đức hi sinh.
- Bản chất của dân tộc là cần mẫn siêng năng, làm việc đến nơi đến chốn.
Mặt tiêu cực
- Người mình xem nhẹ kỉ luật giờ giấc, thường dùng giờ cao su.
- Người mình thường thiếu cởi mở trong xã giao.
- Người mình thường tỏ lòng ganh ghét nhau, chia rẽ nhau, đố kị lẫn nhau.
- Trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái thường thiếu cởi mở với nhau.
- Cha mẹ hay xem thường con cái, ít khi chịu lắng nghe ý kiến của giới trẻ.
- Người mình thường xem nặng quyền lợi gia đình hơn tập thể rộng lớn.
- Người mình thường thụ động, thiếu phát huy sáng kiến để đóng góp vào việc chung.
- Người mình vụ lợi vật chất, hay xét người qua cái bề ngoài.
- Người mình thiếu phóng khoáng, lịch sự, đặc biệt là đối với phái nữ.
- Trong xã hội, người mình thường hay ích kỉ, giấu nghề
- Người mình thiếu tinh thần hợp tác để giúp tập thể cùng tiến bộ.
- Người mình hay cố chấp, không phục thiện, ít biết xin lỗi khi có lỗi, ít khi nói cảm ơn khi được giúp đỡ.
- Người mình nặng óc trọng nam khinh nữ.
Cần nói ngay là bảng liệt kê trên đây chỉ là những ghi nhận tại chỗ và có tính cách tự phát về những giá trị văn hoá rộng lớn, cho nên những nét liên quan đến bản sắc dân tộc như trên có thể là chưa đầy đủ và chính xác. Nhưng đó là những ghi nhận trực tiếp từ cuộc sống thực tế. Kể ra thì bảng kê này cũng đã góp được một số điểm khá đúng với hoàn cảnh người mình, rất đáng cho mọi chúng ta cùng suy nghĩ thêm.
Bàng bạc qua buổi hội thảo là tinh thần thao thức muốn nhận diện cho được những giá trị của bản sắc cuả cộng đồng dân tộc. Đó là một thao thức chính đáng. Bất cứ một cộng đồng nào khi muốn trả lời thoả đáng cho vấn đề hội nhập văn hoá, cũng phải đặt ra cho mình những câu hỏi tương tự như chúng ta mà thôi.
Khi nói đến việc nhận diện những bản sắc văn hoá là mặc nhiên thừa nhận có những giá trị khác nhau cùng tồn tại bên nhau. Gia đình Việt Nam cư ngụ trên đất nước phương tây đều có kinh nghiệm trực tiếp về sự chung sống giữa hai văn hoá: một bên là văn hoá đông phương xuất phát từ cơ sở xã hội nông nghiệp, nặng tinh thần gia trưởng và cơ sở văn hoá Khổng Mạnh, bên kia là văn hoá thị dân của xã hội công nghiệp phát triển, của chủ nghĩa tự do cá nhân, và tinh thần dân chủ. Mỗi nền văn hoá đều hun đúc con người trong những lề lối cư xử với nhau trên cơ sở văn hoá đó. Môi trường để khuôn nắn cách ứng xử của con người chính là gia đình, nhà trường và giao tiếp xã hội thường ngày. Cho nên mỗi gia đình Việt Nam tại hải ngoại đều có kinh nghiệm hằng ngày về những khác biệt văn hoá như thế. Con cái đi học ở trường được chỉ dạy những khuôn thước mà cha mẹ và ông bà các cháu có thể không tiếp cận được vì thế hệ của cha ông đã được rèn tập trong một môi trường văn hoá dân tộc khác hẳn.
Khác biệt văn hoá như thế là một yếu tố nền tảng và có tính cách bao trùm lên nếp sống của các gia đình trong môi trường giao tiếp giữa hai hay nhiều văn hoá khác nhau.
Những vấn đề liên quan đến văn hoá dân tộc trong sinh hoạt gia đình
Tìm hiểu những vấn đề liên quan đến những khác biệt, thậm chí những xung đột quan điểm trong gia đình VN tại hải ngoại, các bạn trẻ đã có thể ghi nhận một nét chung là gia đình VN có nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, nhờ đó mà có thể khắc phục những khó khăn trong quá trình hội nhập trong đời sống hải ngoại. Gia đình VN rất siêng năng cần mẫn trong việc gây dựng lại cuộc sống. Cha mẹ làm việc cật lực để cho con ăn học nên người. Tuy nhiên, gia đình cũng chính là nơi diễn ra những khác biệt văn hoá đáng được quan tâm nghiên cứu nếu muốn giải gỡ vấn đề gìn giữ bản sắc văn hoá cho thế hệ trẻ tại hải ngoại. Dưới đây là những ghi nhận các vấn đề khó khăn thường gặp trong gia đình VN mà chính các bạn trẻ đã trải qua:
1- Thiếu thốn những lúc gia đình được quây quần, cha mẹ con cái được trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến gia đình. Cha mẹ thường bận rộn với làm ăn mà ít có thì giờ chuyện trò cùng con cái;
2- Cha mẹ thường cho rằng con cái không đáng dự bàn việc nhà, vì 'trứng khôn hơn rận ?'. Dường như bao giờ con cái cũng vẫn là trẻ con, dù đã đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, con cái chỉ nên vâng lời cha mẹ, nghe lời cha mẹ chỉ bảo. Nói ngược lại lời cha mẹ là có thể mang tiếng bất hiếu;
3- Cha mẹ thường lấy mình làm tiêu chuẩn, làm thước đo giá trị, vì cho rằng con cái 'tây quá', không biết cách giải quyết việc nhà việc xã hội khéo như cha mẹ;
4- Cha mẹ thường đặc biệt gắt gao với con gái trong nhà, cho rằng con gái cần phải thận trọng trong việc giao tế xã hội, chứ không nên tự do như con trai. Đặc biệt là việc quan hệ nam nữ, việc hôn nhân của con gái;
5- Cha mẹ và con cái thường khó khăn trong việc cư xử vì những khác biệt văn hoá. Khác biệt nổi bật nhất là cha mẹ thì thường rất phong kiến, độc đoán, trái ngược với con cái đã quen nếp cư xử dân chủ.
Chúng ta vẫn thường nói rằng: Gia đình là một tổ ấm, là nơi tạo dựng "cảm thông", "tình người". Phải chăng những ghi nhận trên đây cho thấy một tình trạng khủng hoảng, một dổ vỡ ? Thật ra, những gì chúng ta thấy trên đây chỉ là biểu hiện của một hiện tượng khác biệt văn hoá mà tất cả các gia đình trong một hoàn cảnh song văn hoá đều trải qua.
Từ những vấn đề ghi nhận như ở trên, có thể nào gia đình VN giải gỡ được những vướng mắc về khác biệt thế hệ, khác biệt văn hoá, để cùng xây đắp một gia đình hạnh phúc cho mình ? Câu trả lời là: có. Mấu chốt của sự giải toả khác biệt trong gia đình sẽ là ở sự đối thoại văn hoá. Tất cả sẽ bắt đầu từ việc đối thoại từ trong chính các gia đình, trong đó các thế hệ cùng chia sẻ, bàn bạc với nhau những vấn đề của nhau. Đối thoại ở đây đòi hỏi hai yếu tố: biết lắng nghe và biết nói năng cho rành rọt.
Trong đời sống gia đình thường ngày có một khoảng thời gian đặc biệt có ý nghĩa: bữa cơm gia đình. Đây là lúc mọi người trong gia đình có thể thoải mái quây quần ăn uống và chuyện trò với nhau. Nếu như mỗi gia đình Việt Nam có thể hình thành một thói quen mới là mỗi tuần lễ, hay thậm chí mỗi một tháng, sau bữa cơm như thế, mọi người trong nhà cùng dành cho nhau một mẩu thời gian thoải mái và quý báu để chuyện trò về một vấn đề nào đó quan hệ đến bản thân và gia đình của mình. Ngồi bên li trà, đĩa bánh, mọi người thuộc các thế hệ khác nhau trong gia đình cùng nói với nhau bằng ngôn ngữ thương yêu, hiền từ; những đề tài đem ra bàn bạc với nhau không phải là để phê phán nhau, chỉ trích nhau (nghĩa là chỉ nhắm đến khía cạnh tiêu cực của cuộc sống), mà chỉ nhằm chia sẻ với nhau những suy nghĩ nghiêm chỉnh và tích cực của mỗi người dành cho người thân bên cạnh mìnnh, hoặc là nhằm phân tích để giúp nhau tu tiến bản thân, khích lệ những thành công của những thành viên trong gia đình vừa đạt được.
Những buổi họp mặt gia đình như thế chính là bí quyết nho nhỏ để tạo hạnh phúc gia đình. Trong hoàn cảnh sống giao lưu văn hoá tại hải ngoại, những buổi họp mặt gia đình sẽ là những dịp đối thoại để tạo cảm thông gữa các thế hệ trong cùng một gia đình, từ những khác biệt ở trên tầm mức khác biệt văn hoá vậy.
Những vấn đề liên quan đến khác biệt văn hoá trong đời sống xã hội
Một vài ghi nhận từ các ý kiến thảo luận cho thấy là trong đời sống hằng ngày, có nhiều vấn đề vướng mắc mà nguyên nhân chỉ là từ những khác biệt văn hoá mà ra. Qua mấy ý kiến ghi lại trong bảng liệt kê trên đây có thể nói gì về những khác biệt văn hoá dưới mắt bạn trẻ ?
Trước hết là những vấn đề đặt ra trong chính cộng đồng người mình với nhau. Giữa người lớn tuổi và người trẻ, dường như có những bức tường ngăn cách sự thông cảm nhau. Những khó khăn vướng mắc như thế chẳng khác gì những khó khăn như ở trong gia đình mà chúng ta vừa được biết qua ở phần trên. Một chuyện khác nữa là, trong sinh hoạt với nhau, người mình thường có tật hà tiện ngôn ngữ, nhất là thứ ngôn ngữ thân ái, thoải mái đối với nhau. Người mình không hay tỏ lòng phục thiện, ít biết xin lỗi khi có lỗi, và nói cảm ơn khi được giúp đỡ. Sinh hoạt tập thể có người già người trẻ thường xảy ra tình huống khó xử này. Một vấn đề lớn cũng đặt ra từ những chung đụng ở tầm mức tập thể, cũng liên quan đến lối nói của người mình: ăn to nói lớn, nhiều khi nghe như to tiếng với nhau. Một khía cạnh khác đặt ra từ sự khác biệt văn hoá: thái độ đối với giờ giấc làm việc. Giới trẻ rất trọng kỉ luật giờ giấc, trong khi người lớn thường tỏ ra 'lè phè' về chuyện đúng giờ. Hiện tượng 'giờ cao su' là gì nếu không phải là biểu hiện của sự lè phè cố hữu của người mình ? Có thể nói là tính co dãn giờ giấc là hậu quả của nếp sống xã hội nông nghiệp, nhưng nay chúng ta đang sống trong một xã hội công nghiệp phát triển cao, kỉ luật lao động là cần thiết.
Những ý kiến trên đây có thể sẽ không là “vấn đề“ đối với các bậc cha chú, khi nhìn từ góc độ văn hoá của thế hệ lớn tuổi. Chẳng hạn, nói về vấn đề giờ giấc cao su, cha ông chúng ta vẫn thường dạy con cái ở nhà là cứ ung dung tự tại, chớ nên vội vàng, vì việc đâu còn đó…; cho nên tự đóng khung mình vào những kỉ luật giờ giấc là thái độ chưa “đạt”. Vả chăng xã hội nông nghiệp xưa kia có đâu chặt chẽ về giờ giấc ! Thời gian được tính kiểu áng chừng, chẳng cần chính xác như thời gian đồng hồ. Những điểm khác cũng sẽ có thể có những cách nhìn khác nếu đứng từ góc nhìn khác. Sự bàn cãi sẽ không bao giờ dứt điểm nếu chỉ mải đi tìm những khác biệt.
Từ những khác biệt như thế, có thể nào nối kết các thế hệ trong sự giao tiếp xã hội được chăng ? Chúng tôi nghĩ là có. Tất cả cũng cần bắt đầu từ sự đối thoại văn hoá để nhận ra những khác biệt. Có thế mới có thể ghi nhận những khác biệt, và tiến đến giải toả khác biệt. Hiện nay, những cuộc đối thoại giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt hải ngoại chưa có nhiều. Hiện tượng khác biệt thế hệ vẫn gần như nguyên vẹn đó, đang cần vỡ hoang.
Chúng ta học được kinh nghiệm gì từ các cộng đồng
dân tộc khác trong vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá ?
Tại sao lại bàn đến kinh nghiệm cuả những cồng đồng khác ? Đấy là một cách tiếp cận khác để nhằm giải quyết vấn đề cuả chính mình thôi. Những cộng đồng như Do Thái và Trung Hoa đã kinh nghiệm lâu đời về đời sống di dân tại hải ngoại. Họ cũng là những người kiều cư đã giải quyết khá vững vàng bài toán hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hoá cuả mình.
Trước hết là các cộng đồng Do Thái và Hoa kiều ở hải ngoại rất giàu lòng tương thân tương trợ lẫn nhau. Các tổ chức đoàn thể của họ đã là nguồn giúp đỡ quý báu cho người lớn được ổn định về đời sống. Đặc biệt là các cộng đồng nói trên cũng rất quan tâm giúp đỡ thế hệ con em trong việc hội nhập văn hoá.
Cả hai dân tộc Do Thái và Trung Hoa đều là những dân tộc rất quý trọng giá trị văn hoá dân tộc của họ. Đi sinh sống khắp trên thế giới, người Do Thái và Trung Hoa đều đem theo họ những nét tiêu biểu cho văn hoá dân tộc mình nơi đó. Có thể nói đó là những dân tộc rất thiết tha với việc gìn giữ bản sắc dân tộc, mặc dù có pha trộn nòi giống đến đâu chăng nữa. Có thể nói làmỗi người Do Thái và Trung Hoa là hiện thân của một nhà bảo tàng văn hoá dân tộc họ.
Để thể hiện tinh thần dân tộc, các cộng đồng Do Thái và Trung Hoa đều thiết tha gìn giữ tiếng nói của họ. Đâu đâu trên thế giới, trẻ em Do Thái và Trung Hoa đều được chỉ dạy tiếng mẹ đẻ, vì đó chính là cửa ngõ để truyền thụ văn hoá dân tộc. Hơn ai hết, người Do Thái và người Trung Hoa tại hải ngoại hiểu rõ rằng: trong vườn hoa nhân loại, mỗi dân tộc là một loài hoa quý. Họ đã biết giữ gìn hương sắc loài hoa dân tộc họ trong lòng vườn hoa muôn sắc của xã hội đa văn hoá nơi họ đến cư ngụ.
Vấn đề đặt ra là: tại sao những cộng đồng trên đây lại quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc họ trong đời sống kiều ngụ ? Câu trả lời khá dứt khoát nhưng lại không giản dị chút nào: họ đã giải quyết khá xác đáng bài toán hội nhập văn hoá. Câu trả lời có vẻ nghịch lí, nhưng sự thật là như thế: sự hội nhập sẽ tốt đẹp khi một cộng đồng văn hoá mới không quên giữ gìn bản sắc của nó trong cuộc giao tiếp văn hoá với cộng đồng văn hoá chủ nhà.
Nhìn lại cộng đồng người Việt tại hải ngoại mới thấy là trong hai mươi năm qua, việc gìn giữ tiếng Việt cho con em chưa được quan tâm đúng mức. Gia đình Việt Nam chúng ta hãy còn lơ là trong việc dạy trẻ học tiếng Việt, vì nghĩ rằng "tiếng Việt còn ích gì cho con em mình nơi xứ người văn minh lịch sự ?" Có biết đâu là dạy trẻ học tiếng Việt có muôn ngàn cái lợi. Cái lợi đầu tiên là để bắc những nhịp cầu cảm thông giữa thế hệ già và thế hệ trẻ nơi xứ người. Sau nữa, gìn giữ vốn tiếng Việt cho con cháu là để gìn giữ và trao truyền bản sắc văn hoá của dân tộc mình cho con cháu mình. Thành thử khuyến khích con em học tiếng Việt là thể hiện lòng trân trọng đối với những giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc mà chúng ta muốn con em mình giữ lấy và trao lại cho mai sau. Đó đây đã có những tiếng thở dài ngao ngán của những vị thức giả khi các vị bảo rằng người Việt mình có thể xem là một cộng đồng không có bản sắc riêng, và dễ dàng mất gốc mau chóng tại hải ngoại.
2
đến vấn đề hội nhập
Buổi hội thảo nói đến ở trên chỉ là một sinh hoạt khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Thế hệ trẻ tại hải ngoại đang từng ngày giáp mặt với những khác biệt văn hoá. Họ phải giải quyết vấn đề bằng một tiến trình tự nhiên:
1- Nhận diện vấn đề
2- Ghi nhận những khác biệt
3- Giải quyết vấn đề.
Những buổi họp mặt như thế đã bước đầu góp phần tích cực giúp cho cộng đồng hải ngoại chúng ta những bài toán liên quan đến vấn đề hội nhập văn hoá tại hải ngoại. Bài toán không đơn giản chút nào đâu. Nhưng qua những câu chuyện trao đổi qua lại cùng bạn bè, mọi người đã tự rút ra cho mình một phương hướng giải quyết những bài toán đó.
Hội nhập văn hoá ? Đây là một khái niệm then chốt cần được làm sáng tỏ ý nghĩa. Sau thế chiến thứ nhì, hiện tượng di dân trên quy mô toàn cầu đã dẫn đến việc tìm hiểu tâm lí của các cộng đồng di dân trên địa bàn văn hoá xã hội mới. Ngành nghiên cứu tâm lí học đa văn hoá ra đời nhằm tìm hiểu sự thích nghi vào cuộc sống mới và những vấn đề tâm lí xã hội của những người di dân tại đất mới. Hiện nay, có nhiều lối hiểu về quá trình hội nhập văn hoá.
Trước hết là quan niệm cho rằng hội nhập văn hoá của một cộng đồng di dân vào một cuộc sống mới tại một xã hội mới, là khả năng và trình độ thích nghi và bắt kịp nếp sống nếp nghĩ và lề lối ứng xử của xã hội nơi họ đến cư ngụ. Theo quan niệm này thì cha mẹ con cái trong gia đình di dân cần thích ứng càng nhanh càng tốt, học tiếng nói mới, cư xử theo nếp sống mới. Nói các khác, hội nhập văn hoá ở đây được hiểu là một cố gắng tột bực để tan hoà vào nếp sống mới y như một người bản xứ.
Cũng có một quan niệm khác cho rằng một cộng di dân khó có thể đồng hoá theo nếp sống nếp nghĩ của một cộng đồng văn hoá khác. Muốn tan hoà vào cộng đồng văn hoá mới cũng phải mất ít ra là đôi ba thế hệ. Nhưng mà một cộng đồng văn hoá có bản sắc vẫn không thể nào có thể giũ sạch bản sắc của mình. Do vậy, hội nhập văn hoá chỉ là quá trình mà một cộng đồng văn hoá di dân có thể thích nghi với nếp sống mới nhưng vẫn không bỏ mất bản sắc của mình.
Ngược lại với hai quan niệm trên là thái độ hoài nghi thậm chí phủ nhận khả năng thích nghi vào xã hội mới. Người ta cho rằng một người mãi mãi sẽ chỉ là sản phẩm của một văn hoá nào đó, không thể nào bôi xoá nó được – “You are what you are!“. Những người quan niệm như thế thường thể hiện ra đời sống hằng ngày bằng thái độ luôn luôn quan tâm đến việc bảo vệ lối sống nếp nghĩ của mình, không muốn bị văn hoá của xã hội chủ nhà cuốn phăng đi. Nói cách khác, những người di dân này luôn luôn hướng về quê xưa như một hướng quay về, và họ xem cuộc sống di dân chỉ là một cuộc dung thân tạm bợ.
Gần với kiểu nhìn như trên là một quan niệm khác cho rằng chẳng có gì gọi là văn hoá dân tộc, do đó cũng chẳng có gì là mất mát nếu một cộng đồng di dân đến lưu ngụ tại một xã hội khác. Con người sẽ như bao nhiêu loài sinh vật khác, sẽ sống tan hoà vào môi trường thiên nhiên xung quanh mình, rất tự nhiên. Nói cách khác, chẳng nên đặt ra vấn đề nhiêu khê là hội nhập hay không hội nhập văn hoá, vì đó chỉ là một vấn đề giả tạo.
Bốn quan điểm trên đây -nói cho cùng- đều xoay chung quanh hai trục của vấn đề: (1) một cộng đồng văn hoá di cư đến một xã hội khác có cần gìn giữ bản sắc văn hoá của mình hay không; (2) cộng đồng văn hoá di dân có cần phải thiết lập mối liên hệ qua lại với các cộng đồng văn hoá khác chăng. Tuỳ theo thái độ và quan điểm cùa mỗi cá nhân và cộng đồng mà sẽ dẫn đến bốn quan niệm đúc kết lại trong sơ đồ dưới đây:
Vấn đề 1 :
Có cần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc chăng ?
CÓ hay KHÔNG
Vấn đề 2 :
Có cần phải tạo dựng những mối liên hệ qua
lại với các cộng đồng khác chăng ?
CÓ 1 HỘI NHẬP 2 ĐỒNG HOÁ
KHÔNG 3 CÁCH BIỆT 4 LẠC LÕNG
[ Theo: J. W. Berry (1988), " Acculturation and Psychological Adaptation among Refugees " in Miserez, D. (ed.) (1988), Trauma In Exile. Dordrecht: Martinus Nijhoff Publ., tr. 101 ]
Dưới góc nhìn của tâm lí học đa văn hoá thì trong bốn mô thức trên đây, chỉ có mô thức 1 là mô thức thoả đáng và thành công. Nếu đồng ý với nhau về định nghiã một cộng đồng là một tập hợp những người cùng chia sẻ những tính cách chung về văn hoá và ngôn ngữ, thì hội nhập theo nghiã này có nghiã là một thành viên hoặc cả một cộng đồng khi chung sống bên cạnh một người hay một cộng đồng khác có thể hoà nhập cùng nhau trong mối liên hệ qua lại mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá cuả mình.
Những mô thức khác đều không phải là hội nhập, và sẽ dẫn tới những hệ quả tâm lí, xã hội và văn hoá không tốt cho những người di dân trong cuộc sống mới tại nơi lưu cư. Những cá nhân hay gia đình di cư đến một xứ sở mới lạ mà biểu lộ những dấu hiệu như: mất hạnh phúc, bị hội chứng thần kinh bệnh, thường xuyên bất mãn hoạëc luôn biểu lộ tâm trạng hoài nghi, bất đắc chí... là vì những cá nhân hay gia đình đó gặp trở ngại lớn nên cản trở quá trình hội nhập văn hoá.
Để hiểu rõ hơn tại sao những kiểu tiếp cận khác lại dẫn tới những vấn nạn, thậm chí những đổ vỡ trong cuộc sống di dân, hãy thử lần lượt xem xét các mô hình hội nhập trên đây.
Mô thức 2 chỉ đặt nặng việc tạo dựng những mối liên hệ qua lại với các cộng đồng khác trong cuộc chung sống; tuyệt nhiên không đặt ra việc có nên giữ gìn bản sắc văn hoá cuả cộng đồng mình trong cuộc chung sống với các cộng đồng. Trong đời sống hằng ngày, mọi người chỉ bận rộn với việc làm sao cho giống người ta trong nếp sống, và phải an ủi mình rằng tiếng nói cuả mình, văn hoá cuả mình sẽ chẳng ích gì cho việc hội nhập cuộc sống mới cả. Trong lịch sử đã từng có những cuộc thôn tính văn hoá như thế. Chính sách đồng hoá người Giao Chỉ cuả nhà Hán khi chiếm đóng xứ này là một bằng chứng về chủ trương đồng hoá một cộng đồng dân tộc với một cộng đồng khác mạnh hơn, thế lực hơn. Trong thời hiện đại, khi mà hiện tượng di dân đã lan tràn khắp nơi, chính sách đồng hoá người di dân đã không còn được thế giới ủng hộ nưã, vì nó đã đi ngược xu thế chung cuả thế giới thời hiện đại.
Ngược lại với quan niệm đồng hoá là quan niệm cần gìn giữ bản sắc văn hoá. Đó là quan niệm được tóm vào mô hình 3 trên đây. Các cá nhân hay cộng đồng văn hoá cho rằng không thể hoà vào khỏi dòng chảy văn hoá cuả xã hội chung quanh: mối quan tâm lớn nhất cuả những người theo quan niệm như thế là làm sao gìn giữ được bản sắc văn hoá cuả mình, tránh hết sức những giao thoa mà họ cho rằng sẽ chỉ làm mờ tính cách văn hoá cuả riêng họ. Đây chính là hiện tượng cuả những ghetto văn hoá. Gìn giữ bản sắc văn hoá cuả cộng đồng mà không quan tâm đến việc tạo dựng mối liên hệ giưã các cộng đồng văn hoá khác là biểu hiệu cuả hiện tượng cách li văn hoá. Hệ quả của thái độ như thế là những “ghetto văn hoá”, những ốc đảo văn hoá trong lòng một cộng đồng văn hoá lớn.
Quan điểm được ghi nhận trong mô thức 4 cho rằng hiện tượng chung sống giưã các cộng đồng văn hoá cũng tự nhiên như cuộc sống tự nhiên xưa nay: trong khu rừng có muôn nghìn loại cây cỏ đua nhau vươn ra ánh sáng, nào có cần một sự chỉ đạo cuả ai đâu. Trong một thế giới tự nhiên như thế, không có vấn đề gìn giữ bản sắc hay cần thiết lập những mối liên hệ qua lại với ai. Quan niệm này hiện đang gặp một thách đố ngay trên thực tế: xã hội ngày nay đang chứng kiến những cuộc giao tiếp văn hoá thường xuyên, các cộng đồng văn hoá chung sống với nhau dù tự nguyện hay bị ép buộc. Đó là hiện tượng các cộng đồng đa văn hoá, trong đó mọi thành phần văn hoá đều được xem là có chỗ đứng trong xã hội, và xã hội cần khuyến khích để văn hoá các cộng đồng có thể đóng góp phần mình vào việc thăng tiến xã hội. Phủ nhận bản sắc văn hoá của các cộng đồng khác nhau là thái độ giả trá của những quan điểm phân biệt đối xử khác nhau mà thôi. Vì thế những quan điểm mang tính cách xem thường bản sắc văn hoá các cộng đồng đều bị đánh giá là mang màu sắc kì thị. Kì thị văn hoá không giúp ích cho các thành viên cộng đồng thăng tiến việc hội nhập đã đành, mà còn là mầm mống cuả những đau khổ do hiện tượng “bật rễ văn hoá” gây ra cho mội cá nhân cũng như cộng đồng. Một thái độ ngược lại là một cộng đồng văn hoá tự coi thường bản sắc của mình. Cả hai thái độ muốn triệt tiêu văn hoá cộng đồng đều dẫn đến hiện tượng lạc lõng, mất phương hướng. Hệ quả là những khủng hoảng thường xuyên trong nội bộ các cộng đồng văn hoá, kéo theo những đổ vỡ trong cuộc sống xã hội.
Xem thế thì đối với một cộng đồng văn hoá di dân như vấn đề hội nhập văn hoá có ý nghĩa bao trùm lên những thảo luận về những khác biệt, những xung khắc giữa các thế hệ trong đời sống gia đình. Giải quyết được bài toán hội nhập cũng có nghĩa là giải được bài toán then chốt trong cuộc sống di dân tại hải ngoại.
3
Chúng ta đang sống trong hoàn cảnh giao lưu văn hoá. Là những người tị nạn, người Việt cũng có những khó khăn chung như bao nhiêu những người phải buộc rời bỏ xứ sở của mình, đem theo những gia sản văn hoá của mình mà gieo trồng lên đất mới. Ý thức về những giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc của mình sẽ là một niềm tự hào, sẽ giúp chúng ta hội nhập vào cuộc sống mới với đầy đủ ý thức về mình, về người. Bạn trẻ chúng ta hôm nay đã ý thức một điều then chốt rằng:Làm một người Việt đàng hoàng tức là làm một người đàng hoàng. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm cho thấy những giá trị vững bền đã từng khiến tổ tiên chúng ta giữ gìn được nòi giống qua nghìn năm ngoại thuộc. Những giá trị đó sẽ lại giúp chúng ta thành công trong hội nhập văn hoá. Một bông hoa thơm trong vườn hoa nhân loại thì có gì đâu mà hổ thẹn. Phải không ?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Đỗ Quý Toàn (1987), Yêu con, dạy con nên người Việt. Cali: Nxb. Văn Nghệ
2 J. W. Berry (1988), " Acculturation and Psychological
Adaptation among Refugees " in Miserez, D. (ed.)(1988), Trauma In Exile. Dordrecht: Martinus Nijhoff Publ.
3 J. W. Berry (1992), Cross-Cultural Psychology: Research and Applications. London: Cambridge Uni. Press.