Bức họa chân dung Mẹ Têrêsa tại lễ phong thánh



Một bức chân dung lớn của Chân phước Mẹ Têrêsa được treo trước tiền đường Đền thờ Thánh Phêrô dịp lễ tôn  phong Mẹ lên hàng hiển thánh. Đó là bản copy của bức họa chân dung do họa sĩ Chas Fagan vẽ.

Họa sĩ Chas Fagan là người đã vẽ chân dung của tất cả các tổng thống Mỹ và các tác phẩm tại mái vòm tòa nhà trụ sở Quốc hội Hoa kỳ cũng như tại Nhà thờ chính tòa quốc gia. Ông đã được Hội hiệp sĩ Columbus chọn vẽ chân dung chân phước Mẹ Têrêsa. Họa sĩ Fagan đã lập tức nhận lời vẽ chân dung Mẹ khi được Hội Columbus yêu cầu nhưng không nghĩ là tác phẩm của ông sẽ là bức họa chính thức được treo trong lễ phong thánh của Mẹ Têrêsa.
Họa sĩ Fagan đã phải mất một tháng trời để chuẩn bị các phác họa trước khi bắt đầu vẽ, và đã hoàn thành bức họa sau 6 tuần làm việc. Bức họa diễn tả niềm vui và lòng vị tha của Mẹ Têrêsa. Họa sĩ Fagan cho biết, đầu mối của ý tưởng của bức họa chính là câu trưng dẫn của Mẹ Têrêsa “niềm vui là sức mạnh”. Ông nói: “Mẹ là một nhân vật nhỏ bé nhưng làm trái đất rung chuyển” và người ta nói với ông: “khi Mẹ nhìn vào bạn, Mẹ chói sáng rạng rỡ”. Vì vậy ông đã cố gắng diễn tả điều này trong bức họa. Ông giải thích về bức tranh: “Nếu bạn muốn làm cho một điều gì đó chói sáng, bạn phải bao quanh nó bằng bóng tối”.
Một điều nữa trong cuộc sống của Mẹ Têrêsa cũng đánh động họa sĩ Fagan, đó là sự vị tha của Mẹ. Ông chia sẻ: “Có một chủ đề mà người hướng dẫn của ông thời gian ông còn là một học sinh trung học đã nói với ông, đó là “nếu bạn bắt đầu giúp đỡ người khác, bất cứ vấn đề gì của bạn sẽ bắt đầu biến mất”. Họa sĩ nhận xét: Mẹ Têrêsa đã sống điều này. Khi học về cuộc sống của Mẹ và nhìn thấy cách sống hàng ngày của Mẹ, nó thật khiêm nhường đơn giản và tất cả chúng ta có thể mong muốn nó. Nhưng nó là một bước nhảy vọt”.
Họa sĩ Fagan đã có thể cảm thấy sự hiện diện của mẹ thánh Têrêsa trong phòng vẽ của mình khi đang vẽ bức họa. Đối với ông, Mẹ Têrêsa đã mang lại niềm vui cho phòng vẽ của ông, cho ngôi nhà của ông và khi hoàn thành bức họa, họa sĩ cảm thấy tiêc nuối vì sẽ cảm thấy thiếu sự đồng hành của Mẹ.
Bức họa được bắt đầu trưng bày vào hôm 1 tháng 9 tại đền thánh quốc gia Gioan Phaolô II ở Washington. Nữ tu Tanya, dòng Thừa sai Bác ái, phụ trách cộng đòan Thừa sai bác ái Quà tặng Bác ái và Hòa bình ở Washington nhận xét: “Bức họa tuyệt vời; nó sẽ đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa”. Chị cũng nhận xét thêm việc phác họa đôi mắt thông suốt  của Mẹ, sự thanh bình và sự chăm chú vào người mà Mẹ đang nhìn. Chị nói: “Nếu một người nhìn vào Mẹ, họ sẽ hướng mắt họ về trời, tôi sẽ nói, bởi vì Mẹ không tập trung vào mình. Người nhìn mẹ sẽ hướng tâm đến Thiên Chúa.”
Bức họa được thực hiện xuất phát từ lòng yêu mến và kính trọng của Hội hiệp sĩ Columbus dành cho Mẹ. Họ sẽ phân phát một triệu tấm thiệp cầu nguyện với chân dung của Mẹ cho các khách hành hương đến Roma. (CNA 01/09/2016)
Hồng Thủy 

***

Mẹ Teresa được phong thánh




Mẹ Teresa, nổi tiếng vì giúp đỡ người nghèo ở Ấn Độ, sẽ được tuyên thánh tại buổi lễ ngày 4/9 ở Vatican.
Dự kiến hàng trăm ngàn người sẽ có mặt ở quảng trường Thánh Peter để chứng kiến Giáo hoàng Francis chủ trì buổi lễ.
Mẹ Teresa, một nữ tu Công giáo đã giúp đỡ dân nghèo ở thành phố Kolkata (Calcutta), đã được tặng giải Nobel Hòa bình.
Bà mất năm 1997, thọ 87 tuổi, và được phong chân phước năm 2003, bước đầu tiên để được phong thánh.
Đức Giáo Hoàng đã dọn đường cho việc phong thánh cho bà hồi năm ngoái khi ông công nhận một phép lạ thứ hai được cho là của Mẹ Teresa.

 Mẹ Teresa và Đức giáo Hoàng Gioan Phaolo II

Sinh năm 1910 trong gia đình có bố mẹ là người Albania, và tên khi sinh là Agnes Gonxha Bojaxhiu, bà lớn lên tại nơi nay trở thành thủ đô của Macedonia, thành phố Skopje, nhưng khi đó là một phần của Đế chế Ottoman.
Năm 19 tuổi, bà theo dòng tu Loreto của Ireland và năm 1929 được cử đến Ấn Độ, nơi bà dạy tại một trường ở Darjeeling với tên Therese.
Năm 1946, bà chuyển tới Kolkata để giúp người vô cùng nghèo khó và, sau một thập kỷ, bà lập một nhà tế bần và một nhà cho trẻ bị bỏ rơi.
Bà lập Missionaries of Charity - Dòng Thừa Sai Bác Ái - năm 1950 và dòng này có tới 4.500 nữ tu trên khắp thế giới.

 Các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái


 Dòng Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Teresa lập ra nay có tới 4.500 nữ tu trên khắp thế giới
Bà được thế giới biết đến là nhờ những công việc bà làm tại các khu ổ chuột ở Kolkata, nhưng những người chỉ trích bà thì nói bà có đường lối Công giáo cứng rắn, có giao tiếp với các nhà độc tài và nhận tiền từ họ cho tổ chức từ thiện của bà.
Năm năm sau khi bà qua đời, Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị (John Paul II) cũng đã công nhận một phép lạ đầu tiên vẫn được gán cho Mẹ Teresa là xác thực, dẫn tới việc bà được phong chân phước vào năm 2003.
Ngài nhận định rằng việc chữa trị cho một phụ nữ bộ tộc Bengali, Monica Besra, người bị một một khối u ở bụng, chính là kết quả từ khả năng siêu nhiên của bà.
Một ủy ban của Tòa thánh Vatican thấy rằng việc phụ nữ này phục hồi là một điều kỳ diệu sau khi Dòng Thừa Sai Bác Ái cho biết người phụ nữ đó được chữa khỏi nhờ được đặt một bức ảnh của mẹ Teresa lên bụng. Phát hiện này bị chỉ trích là không có thật bởi nhóm duy lý ở Bengal.

 Mẹ Teresa và Đức giáo Hoàng Gioan Phaolo II tại Kolkata

 
Tháng 12 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Francis đã công nhận phép lạ thứ hai, khi một người đàn ông Brazil với một vài khối u não đã được chữa lành bệnh vào năm 2008. Danh tính của người đàn ông này đã không được tiết lộ nhưng ông này được cho là đã bất ngờ khỏi bệnh sau khi linh mục cầu nguyện để có được sự can thiệp của Mẹ Teresa với Chúa Trời.
Thường phải mất nhiều thập kỷ trước khi một người có thể được phong thánh sau khi qua đời, nhưng việc phong chân phước cho bà đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thông qua rất nhanh và Đức Giáo Hoàng Francis được biết là rất muốn hoàn thành quá trình này trong Năm Thánh của Giáo Hội, sẽ kết thúc vào tháng 11 năm 2016.