Dấn Thân Vì Công Lý & Hòa Bình

Nguyễn Quang

 Dấn thân – từ ngữ của triết học hiện sinh bao hàm ý nghĩa hữu thể tại thế thể hiện tính thể của nó một cách tích cực.

Hữu thể tham phần vào cuộc sống có thể bị tha hóa - existé, hay sống như nước chảy bèo trôi – existe, hoặc ngược lại tất cả sống một cách existant – nghĩa là sống trong ý thức, chẳng những thế mà trong chế độ bạo tàn còn phải đề kháng lại – résistant, như lời răn của Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II.
Tại Việt Nam, vào thời điểm những năm đầu thập kỷ 1970, đó là tên một tuần báo thuộc Giáo phận Nha Trang, miền Trung Việt Nam, tiếng nói của Phong Trào Công Lý và Hòa bình của Địa phận nhưng cũng là tiếng vọng toàn Giáo Hội Công Giáo thuộc miền Nam Việt Nam trước 1975.
Phong trào Công lý và Hòa bình là gì? Ở Việt Nam vào thời điểm chiến tranh và ngay cả bây giờ gọi là thời bình rất ít người thấu hiểu được nội dung, ngoại trừ những thành phần giáo dân được thường xuyên huấn luyện như vào thời điểm đó tại Tòa Giám mục Nha Trang. Mọi người trong hân hoan và ra về hóa ra nó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho nhân quyền… Thật vậy!
Phong trào vì con người và phục vụ con người này đã bén rễ sâu xuống tận các Hội Đồng Giáo xứ, nơi mỗi cá nhân thể hiện nhân cách của mình cũng như nhân cách cộng đồng qua sự cống hiến của người tín hữu. Nhân quyền không phải những lời cao siêu từ Liên Hợp Quốc hay các tổ chức quan sát nhân quyền đầy những bậc khoa bảng mà nó là chuyện cơm ăn áo mặc, nói cho có vẻ được đào tạo trường lớp gọi là sự thể hiện một cách có văn minh qua nếp sống nếp nghĩ của con người và nó đã lan tỏa đến các Giáo phận miền Trung cùng các khóa huấn luyện đã mở ra thường xuyên tại Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Thật vậy, mọi người tín hữu đều có thể âm thầm hy sinh để thăng tiến cuộc sống cho người trong xóm làng của mình, giúp tha nhân sống phát huy phẩm giá với chính họ, nghĩa là cùng nhau  Cổ võ và thực thi nhân quyền là phương cách yêu người cụ thể, là một nghĩa vụ của người đã chịu phép rửa.(1)  Dấn thân vì công lý và hòa bình tại Nha Trang, những giáo dân qua các khóa linh thao, hội thảo trở về không thành những con chiên ngoan đạo theo kiểu sáng lễ chiều chầu (4), nhưng là những người biết cầu nguyện ngay trong cuộc sống: sống là sống với tha nhân ‘nếu lên thiên đường mà chỉ có mình tôi với Thượng Đế thì cũng buồn lắm.’ Như Hồng y Hồng Y Roger Etchegaray trong lời tựa cho tập tài liệu Nhân Quyền và Giáo Hội do Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý Hòa Bình mà lúc đó ngài là vị chủ tịch đương thời, xuất bản năm 1990, đã nói:
‘Bây giờ không phải lúc đọc diễn văn hoặc lặp đi lặp lại không ngừng trên môi miệng các quyền của con người, nhưng bây giờ là lúc cần khiêm tốn thực tập, thi hành mỗi ngày và không bao giờ dứt.’
Nguời tín hữu trong thầm lặng thực hiện các quyền cơ bản của con người: Giáo hội Công giáo tìm ra được nhiều phương cách thực thi đức bác ái của mình. Giáo hội Thiên Chúa giáo không nhân danh nhân quyền với âm hưởng là thoát ly khỏi tôn giáo, nhưng đã can đảm dấn thân phục vụ con người và ưu tiên đồng hành với người yếu thế, thăng tiến cuộc sống của họ trong nhiều lãnh vực: các dòng tu chuyên về giáo dục con em nghèo, săn sóc bệnh nhân, các hội từ thiện, các văn kiện giáo hội bênh vực giới thợ thuyền và tôn vinh giá trị lao động (TĐ Rerum Novarum của GH Lêô XIII)... Nghĩa là có thể âm thầm chịu đựng, ngay cả hy sinh sự sống của mình cho tha nhân như các Sœur chăm sóc bệnh nhận cùi hay căn bệnh SIDA thời đại.
Tuần báo Dấn Thân đã mang thông tin đến mọi gia đình về sự biến đổi từ đức tin đến cuộc sống trong từng khu xứ đạo. Từ trại cùi Núi Sạn đến chuyện giáo dục của các Thầy Dòng Lasan, Giuse, các Sœur Bác Ái Vinh Sơn, chuyện vui các sœur Mến Thánh giá suốt đời phục vụ các Cha xứ…
Ngày nay, nhiều Kitô hữu đã dấn thân ngay vào các tổ chức nhân quyền, hợp tác với những người không cùng quan điểm tôn giáo vượt lên trên những hậu ý lắm lúc thiếu căn cơ. 
Ngay tại Giáo phận của mình, khi còn ở cương vị Giám mục, sự quan tâm của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận không chỉ đến các Dòng Tu, nhưng hầu như toàn diện đến tận các cơ sở của người bất hạnh, đến đồng bào các dân tộc tại địa phương. Đây cũng là một trong những đức tính bao dung của Ngài, không việc gì theo bổn phận mà Ngài không cố gắng đến có thể được nên trọn.
Trên bình diện quốc gia và quốc tế, hằng năm vào các dịp đầu năm, Đức Hồng y đều có tổ chức những buổi lễ long trọng cầu nguyện cho Ngày Hòa Bình Thế giới theo ý Đức Giáo Hoàng.
Cầu nguyện cho những ai nhân danh nhân quyền để chà đạp nhân quyền hãy tỉnh thức: nhiều người mẹ nhân danh quyền của mình để chà đạp quyền sống của con trong bụng mình, nhân danh quyền tự do truyền thông một cách khách quan bất chấp danh dự cá nhân kẻ khác và lợi ích chung .v.v. Như lời trích thuật lời phát biểu của Đức Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt vừa rồi là hoàn toàn « một nửa của sự thật không phải là sự thật ».
Nhân quyền không phải là tôi phải làm thế này vì tôi là con người hay vì thế mà nên làm như thế kia với mệnh lệnh từ cuộc sống, nhưng đó là một dấu chỉ yêu thương có sự dẫn dắt của bài học « vốn nhân loại khôn hơn mỗi người»(5) qua tinh thần hiệp thông với Công đồng.
Cầu nguyện để cùng nhau nhìn lại chính việc xây dựng nền tảng cho Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày được thực thi nhân bản hơn, để không còn dù là một chút tương đối bi quan như đã xảy ra:
Người ta kể rằng một thành viên của một trong ủy ban soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền tại Liên Hiệp quốc có lần như từng phát biểu rằng: ‘Chúng ta đồng ý về các quyền ấy, với điều kiện là đừng ai hỏi tại sao!’. Sự hững hờ về việc đặt nền tảng của nhân quyền khai lộ cho thấy nhược điểm nào đó của những lối biện minh cho sự chính đáng của các quyền ấy.’
Ngày nay không ai có thể phủ nhận Giáo Hội Công Giáo trong mọi mặt là chiến sĩ ở tuyến đầu đấu tranh cho nhân quyền. Biến cố làm rung chuyển giáo hội công giáo, - từ thái độ chống đối đến lập trường cổ võ tới mức độ đã đưa nội dung nhân quyền vào giáo huấn như một yêu sách thực thi Tin Mừng, - biến cố đó là Công Đồng Vaticanô II. Khai mở cho tinh thần đối thoại đạo-đời, GH Gioan XXIII trong thông điệp Pacem in Terris đã nêu lên những chỉ dẫn tích cực.
Thế nhưng những thay đổi đó riêng tại Việt Nam chỉ mới biến đổi khởi đầu ngay trong lòng Giáo hội chỉ mới ở hình thức như bàn thờ quay về cộng đoàn, được thắp nhang lạy Tổ Tiên Ông Bà… Các Linh mục bắt đầu không còn là những ‘ông quan của Thiên triều’ mà dần thay đổi thành Người phục vụ cộng đoàn đúng nghĩa – serviteur des serviteurs de Dieu.
Các nội dung của nhân quyền được đưa vào giáo huấn, vào bản văn minh định lề lối sinh hoạt của giáo hội giữa trần thế; qua Hiến Chế Gaudium et Spes chúng ta có thể nêu lên vài nội dung chính yếu như sau :
‘ (...) Con người ngày càng ý thức hơn phẩm giá cao cả của mình vượt lên trên mọi vật; các quyền lợi và bổn phận của nó có tính cách phổ quát và không thể vi phạm. Vì thế cần phải đem lại cho con người có được tất cả những gì thiết yếu để sống một cuộc sống thật sự xứng đáng là người, như: của ăn, quần áo, nhà ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, được bảo vệ thanh danh, được kính trọng, được thông tin đúng đắn, quyền hành động theo luật ngay chính của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống riêng tư và có được tự do chính đáng, kể cả trong lãnh vực tôn giáo (26, 2).’
‘Mọi hình thức kỳ thị liên quan đến các quyền căn bản của con người, dù dựa trên phái tính, chủng tộc, màu da, điều kiện xã hội, ngôn ngữ hoặc tôn giáo, đều phải vượt qua và bãi bỏ, như là trái với ý định của Thiên Chúa (29, 2). Vì thế Giáo hội, dựa vào Phúc âm đã ủy thác cho mình, tuyên dương các quyền của con người, nhìn nhận và đánh giá cao năng động của thời đại hiện đang cổ võ những quyền ấy khắp nơi...Chúng ta dễ gặp cám dỗ cho rằng các quyền con người chúng ta có thể duy trì trọn vẹn một khi tước bỏ hết lề luật của Chúa’ (41, 3).
Như vậy, nhân quyền là một phận vụ của Giáo hội Công giáo phải chu toàn trong sinh hoạt cộng đồng thế giới.
Về phía tổ chức, một Ủy Ban Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình và sau đã nâng cấp thành một Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, được thành lập để đặc trách việc cổ võ và thực thi nhân quyền, phổ biến giáo huấn xã hội công giáo. Ở cấp bậc quốc gia và đôi khi ở cấp giáo phận, các ủy ban liên hệ cũng được khai sinh và sinh hoạt đồng hành với các tổ chức nhân quyền địa phương.
Ngoài việc thừa nhận thiện ích của nhân quyền, soi sáng ý nghĩa sâu xa và toàn bích của ý niệm nầy trong khuôn khổ mạc khải của Tin Mừng, không những Giáo hội Công giáo đã dấn thân thực thi tích cực mà còn tạo nên một phong thái riêng trong việc thực thi nhân quyền :
‘Hẳn nhiên, ai cũng hiểu rằng không ai cho cái mình không có. Giáo hội Công giáo cổ võ nhân quyền hữu hiệu nhất khi cho thấy tự nơi cuộc sống giáo hội của mình, từ vị Giáo Hoàng đến người tín hữu bình thường nhất, tất cả xem nhau là huynh đệ trong Đức Kitô chứ không phải là kẻ nắm quyền và người bị trị. Mẫu mực đó là mẫu mực hoàn thành thời chung mãn. Giáo hội ngày nay vẫn là giáo hội lữ hành với bao bất cập và nhiều hy vọng vươn lên. Nhưng trên bình diện xã hội, thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc đổi thay nhanh chóng về canh tân nếp sống cho hợp với những tiêu chuẩn nhân quyền lý tưởng nơi các cộng đồng chính trị hay tôn giáo, hơn là cộng đồng công giáo từ sau Công Đồng Vaticanô II’ (2): sứ mạng nói lên Sự Thật, như một dấu chỉ tuyên xưng đức tin.
Phong trào Đạo Nhập Thể với sự chủ xướng của Linh mục Lê Thanh Quế, một học giả Dòng Tên, ra đời theo yêu cầu thay đổi này trong Giáo Hội Công giáo Việt Nam : phổ cập tinh thần Công Đồng Vaticano II vào cuộc sống mỗi người dân Việt theo truyền thống Á Đông của các sắc dân, các dân tộc. Bị Cộng sản kết án mười lăm năm về tội tuyên truyền chống chế độ.
Linh mục Nguyễn Văn Vàng, dòng Chúa Cứu thế, Chủ Tịch Mặt Trận Liên Tôn, thể hiện tinh thần đối thoại từ Công Đồng. Bị Cộng sản kết án hai mươi năm về tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Linh mục Nguyễn Công Đoan, Bề trên Dòng Tên Việt Nam, với bản án mười hai năm, trong tù không ban phát được tri thức như nguyên ủy với vai trò của các Linh mục Dòng Tên, người đã thực hiện đức bác ái một cách nhẫn nại, không một ai bị từ chối nếu đã có tiếng gõ cửa.
Người ta không chỉ diện kiến trên bình diện lý thuyết, các học giả với những lời uyên bác rất hay, nhưng trên bình diện thực tiễn những con người này đã là nhân chứng của đức tin ra làm sao ? Điểm đặc sắc mà ai cũng nhận thấy….dù trong cảnh tù tội đến cùng cực trước cái chết nhưng không vị nào có sự hận thù hay kiếm cách trả thù, như Linh mục Trần Đình Thủ - Người Anh cả của Dòng Đồng Công luôn cầu xin ơn tha thứ vì chúng không biết việc chúng đang làm, Ngài bị chụp mũ tội tuyên truyền xuyên tạc với án hai mươi năm.
‘Như giáo hội đã từng lưu ý về mối liên hệ không thể phân ly giữa mến Chúa và yêu người, việc cổ võ nhân quyền của giáo hội không có nghĩa là tôn vinh tự do, tự chủ cá nhân bất chấp đạo lý (nghĩa là các mối tương thuộc với Thiên Chúa và tha nhân). Trong khung cảnh văn hóa tân thời với tự do được hiểu là làm theo trí năng tự mãn theo lối nói của Fr. Nietzsche : « cái gì có thể làm được đều được phép làm », giáo hội lại thấy mình có lúc cần phải đi ngược trào lưu thế tục để bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền đích thực. Lập trường của  giáo huấn về sự sống, về tương quan chân lý và tự do, về chiều kích đạo lý và giới hạn của sinh học, về phẩm giá đích thực của người phụ nữ, số phận thai nhi, ý nghĩa và giá trị gia đình và tính dục… thường gây phẫn uất trong nhiều giới tự nhận là tiến bộ.’ (3)
Và Giáo hội Công giáo Việt Nam là ai ? Hiện ở đâu ? Từ nhiều thập kỷ qua sau biến cố 1975, những người tha thiết với quê hương và thờ kính Thiên Chúa đều luôn đặt câu hỏi đó. Hầu như chỉ có một vài tiếng kêu trên đồng vắng từ hàng giáo phẩm ! Vậy còn ai có tư cách để cổ võ nhân quyền ?
Xin hãy đừng phụ lòng tin của người tín hữu, chuyện xảy ra tại Nha Trang, khi Cha Nghị, Chánh Xứ Chánh Tòa Nha Trang, Ngài qua đời vì đột quỵ đã cao tuổi, lúc hạ huyệt có một người đàn bà lăn lộn, khóc lóc thảm thiết… Đức Giám mục sở tại thấy vậy và hỏi xem sao Bà thương cha già dữ thế hay cớ làm sao ?
Bà đáp : -Thưa Đức Cha… con có gởi cho Ngài năm cây vàng để cất hộ, nhưng nay Ngài ra đi… con không biết Ngài để nơi nào… Bà lại khóc.
Xin hãy giữ lòng tin của người tín hữu, không có một con chiên nào mà không đặt niềm tin vào chủ chăn. Thật vậy, những gì từ tinh thần Dấn Thân năm xưa, thoát từ Công Đồng như luôn hướng dẫn chúng ta :
 Tâm thức chúng ta phải chăng còn cho rằng những gì của giáo hội là công việc thuộc hàng giáo phẩm, các giáo sĩ tu sĩ mà thôi, nên mãi ngồi chờ các ngài cổ võ và thực thi nhân quyền thay cho mình? Không phải giáo huấn giáo hội đã chỉ dẫn rằng giáo dân phải ở tuyến đầu để dấn thân vào các lãnh vực trần thế hay sao? Nhưng mặt khác, hàng giáo phẩm cần có sự biểu lộ cho tín đồ của mình xác tín rằng việc cổ võ và thực thi nhân quyền, bất cứ ở cương vị hay thân phận nào, đó là sống đạo.
Đó chính là mục tiêu của tuần báo Dấn Thân, cũng là món quà tinh thần trong cây gậy dẫn đường của Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Nó mãi còn để lại trong mỗi người tín hữu Kitô giáo ngày càng sâu đậm hơn trên một đất nước ai cũng nhận ra không có quyền con người nào được tôn trọng.
Chúng ta đang bắt đầu dấn thân trong một cuộc cách mạng thật sự và xác định rõ không phải để tìm quyền lực nhưng để tìm lại quyền sống cho con người. Con người được sống xứng đáng với những giá trị nhân bản mang bộ mặt người và nay mai có thay đổi trong việc hình thành con người qua sinh học, vai trò của  chúng ta vẫn luôn đi tìm giá trị nhân bản xứng đáng với phẩm cách làm người.
Tiếng chuông hiệp thông vang vọng trên các giáo đường khắp mọi miền đất nước trước sự oan khiên của giáo dân Thái Hà, Tam Toà và nay tiếng nói khát vọng về công lý, hòa bình tại Nghệ An, Hà Tĩnh… xin dội lại nơi chính mỗi người để thanh tẩy chính mình trước khi rửa sạch xã hội – refaire l’ homme pour refaire la société.
Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho Hà Nội, Giáo phận Vinh mà cùng nhau đến những nơi có bất công xin cho được công bình. Hãy cầu nguyện trong sự kiên trì và bất bạo động tuyệt đối dù là phải trả lại bằng tiếng chẳng lành cũng thưa không. Vì rõ ràng đường lối của chúng ta là lấy chân tâm thắng bạo tàn, không thể thuê côn đồ mà đánh kẻ hiền lương, càng không lấy Cộng đánh Cộng, lấy Cộng diệt côn đồ, lấy nước này trị vì nước nọ vì thật sự nó chỉ là sự khôn ngoan của thế gian.
Xin hãy hiệp thông với vùng Biển chết bằng lời cầu nguyện đến ngay những điểm đen sở tại để Giáo Hội thật sự nhập thể trong lòng dân tộc, sự vui mừng, hy vọng, khổ đau cùng dân tộc mới có giá trị từ đây chứ không phải là thứ tiếng vọng tình thương, hay tiếng ngáp dài thở ra theo tiềm thức trong cơn say ngủ kéo dài trước sự khổ đau và quyền con người không được tôn trọng trên đất nước Việt Nam này.
Là người tín hữu, chúng con đang chờ tiếng nói từ Gò Thị, nơi máu của các Thánh tử đạo Việt Nam đã đổ ra để xây nên Giáo Hội này, từ lâu lắm rồi chúng con chờ tiếng gọi Tông Tòa Qui Nhơn, nhưng qua  bề dày của thời gian với những gì người tín hữu trông đợi: Hỡi các Thánh tử đạo Việt Nam hãy cầu bầu cho hậu duệ của Quý Ngài đừng sợ hãi! Hãy can đảm lên!
Hãy bước ra khỏi Thành Thánh cùng với dân oan, bất  công đè trên cả một dân tộc mà cầu nguyện, tôi tin là đã có các Vị Giám mục Đà Lạt từng bước ra khỏi Tòa Giám mục để cầu nguyện cho đàn con tha hóa kia sớm trở lại thành người, trước Toà Giám mục Đà Lạt một thời là nơi tập trung của gái gọi nhưng dường như chưa đủ. Tất cả đều còn ngồi trên tòa cao mà vọng lại, như tại Sài Gòn, chắc chắn không có Hồng Y, Giám mục phó, Tổng Đại diện nào rảo bước ngang qua Sứ Quán Hàn quốc mà cầu nguyện cho những người con còn quá trẻ xinh đẹp, người nào nhan sắc cũng trên trung bình với ước mơ kiếm được một ông chồng Đài Loan, Hàn quốc… dù cho không biết rõ đó là già cả, đuôi, què, sứt mẻ ra sao, chỉ mong thoát khỏi Việt Nam, không còn phải sống kiếp người không ra người, quá khốn khổ khi nhà cửa ruộng vườn của cha mẹ chúng bị các cán bộ quan tham Cộng sản cướp trắng…
Hãy bước ra khỏi những cối xay lúa, điều đó từ đây hãy giành cho những con người luôn mang theo mình sự sợ hãi, hãy dấn thân: tôi sống thực, nói lên sự thực và mong cho mọi người có cuộc sống ngay lành, cho dù rất khó ‘Bình an dưới thế cho người thiện tâm.’ Đó chính là phục vụ cho công lý, hòa bình – cho nhân quyền được tôn trọng.
Kính cảm ơn Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã để lại trong chúng con một di sản vô cùng quí giá từ Công Đồng Vaticano II : Dấn Thân cho nhân quyền với Phong trào Công Lý và Hòa Bình !

Chú thích :
  1. Tài liệu tham khảo Giáo hội Công Giáo và Nhân quyền, GS Nguyễn Đăng Trúc.
  2. Xem TĐ Hào Quang Chân Lý của GH Gioan Phaolô II
  3. Trích đoạn từ bài Viết của Gs Nguyễn Đăng Trúc.
  4. Sáng  lễ chiều chầu : chầu Mình Thánh.
  5. Trích từ Bài Học Lịch sử của Ông Bà Will Durant.( The Lesson of History)


***