Làm sao ngăn được đà suy thoái về văn hóa?

Phan Hồng Giang

Văn hóa đã bắt đầu suy thoái từ rất lâu

Tôi nhớ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi miền Bắc đang “vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, người dân Tràng An đã than phiền về nạn càn quấy của đám trai trẻ mặc quần ống tuýp, để tóc dài khiến các quý thanh niên “Cờ đỏ” đông nhan nhản ở Bờ Hồ phải thủ sẵn kéo lăm le cắt ống quần, cắt tóc dài để dạy chúng bài học vỡ lòng về… phép ứng xử văn hóa (!)
Tôi nhớ cũng vào những năm đó, nhà văn Nguyễn Khải kể chuyện có lần ông đi xem phim ở rạp Bắc Đô, Hàng Giấy. Khi đèn đã tắt, phim đã bắt đầu chiếu, thấy mấy cậu choai choai ngồi hàng phía trên nói chuyện rào rào, phì phèo thuốc lá, ông bèn khẽ khàng nhắc nhở: “Các cháu tắt thuốc đi nhé!”. Bất ngờ ông nghe thấy giọng nạt nộ: “Này thằng già, liệu mà câm mồm đi!”, và các mẩu thuốc cháy dở tới tấp bay vào người ông. Không một ai lên tiếng bênh vực ông. Ông đành phải câm mồm thật, nếu không muốn bị khủng bố tiếp. Nhà văn ngậm ngùi đúc kết: “Thời nay, cái Thiện đã chịu thua cái Ác!”.
Thời ấy người ta cũng đã từng đâm chém nhau vì va chạm… xe đạp. Các vị cán bộ nhà nước mặc đại cán nghiêm chỉnh cũng đã từng không kiêng dè, to tiếng cãi vã so bì nhau từ lạng chè, bao thuốc đến chiếc vành, chiếc lốp hay chục cái nan hoa mua theo sổ căng-tin cơ quan, chưa nói đến cuộc “đại chiến” vì phiếu mua xe đạp phân phối hay những căn phòng nhà tập thể không khép kín…
Thời ấy đã lan truyền trong dân gian câu khái quát về mối quan hệ người – người còn đúng tới tận giờ: “Nhất thân, nhì thế, tam chế (chế độ), tứ tiêu (tiêu chuẩn), ngũ liều, lục đả (cùng lắm thì dở nắm đấm!)”. Hay câu vè khá thật thà nôm na: “Tiền là tiên là phật / Là sức bật tuổi trẻ / Là sức khỏe tuổi già / Là cái đà tiến thân / Là cán cân công lý / Tiền là hết ý!”.
Vài dòng gọi là “ôn nghèo gợi khổ”, hoài niệm thời bao cấp để cùng nhau từ bỏ ảo tưởng: Khi chia đều sự nghèo túng, chúng ta có thể xây dựng được một nền văn hóa đầy ắp tình người. Và đành phải thừa nhận rằng văn hóa chúng ta thực ra đã có dấu hiệu suy thoái từ rất lâu.

Thực trạng suy thoái văn hóa hiện nay

Không phải tôi không nhìn thấy những “việc tử tế” trong đời sống chúng ta hiện nay: những tấm gương làm việc hiệu quả, bất chấp hiểm nguy để kiềm chế tội phạm, vượt khó khăn cứu chữa bệnh hiểm nghèo, vật vã mang con chữ lên vùng cao, nhường cơm sẻ áo với người bất hạnh… Tôi vẫn tin trước sau gì thì cái tốt, cái đẹp cũng sẽ trở thành nét chủ đạo trong cuộc sống.
Nhưng để sớm đạt tới điều mong muốn đó, chúng ta không thể ru ngủ nhau bằng những lời khen. Hãy đừng vội hài lòng mà cùng hướng sự chú ý đến những mặt tối, dần loại bỏ cái xấu để tự hoàn thiện.
Từ mấy thập niên gần đây, không ai không cảm thấy văn hóa – tôi muốn nói đến văn hóa đạo đức xã hội – đang mỗi năm lại càng thêm lao dốc, chưa hề thấy có điểm dừng. Nhiều người thường nhắc đến những thói xấu dễ nhận thấy ở người Việt như thói ham chuộng hư danh, thói say mê bia rượu, ăn nhậu đánh chén; thói liệt dây thần kinh xấu hổ khi chen lấn xô đẩy nhau, tranh tài lộc, giành nhau miếng ăn; thói quen bắt chước đua đòi, “con gà tức nhau tiếng gáy”… Những nhận xét “bắt bệnh” này đều đúng.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi, xin mạo muội tạm nêu ra 4 biểu hiện, theo tôi là rõ rệt hơn cả của tình trạng suy thoái trên. Đó là: Đồng tiền bất chính; Bạo lực lên ngôi; Giả dối thắng thế; Con người vô cảm.
Đồng tiền bất chính. Đồng tiền không có gì xấu. Bản thân nó là một thành tựu lớn của văn minh nhân loại. Nhưng kiếm tiền bằng cách giẫm đạp lên lợi ích của cộng đồng mới thực sự là đáng chê trách.
“Sống chết mặc bay; tiền thầy bỏ túi”. Lờì nhận xét sỗ sàng này đã trở thành phương châm ứng xử của vô số người trong xã hội. Người nuôi heo sẵn sàng tiêm thuốc mê, bơm nước lã để tăng trọng lượng con vật khi bán để kiếm thêm lợi nhuận, bất chấp tác hại. Người nông dân vốn hiền lành bỗng biết dành riêng cho mình khoảnh vườn chè, vườn rau sạch, còn rau bẩn, chè bẩn thì để bán cho các bạn được gọi là “công nông liên minh”(!). Hàng giả, hàng lậu, hàng nhái mặc sức tung hoành; không hải quan, biên phòng nào bắt giữ hết được. Một cơ quan nhà nước ở Tổng cục Thủy sản thu bộn tiền do ngang nhiên bán khống hàng trăm giấy chứng nhận (với giá 5 triệu đồng/cái) kiểm định vật tư ngư nghiệp đạt chuẩn. Nhà giáo, thầy thuốc vốn là nghề cao quý được trọng vọng ngày xưa, nay cũng không nhiều người tránh được sự cám dỗ của đồng tiền. Muốn học bạ có điểm cao ư? Không học thêm lớp của các thầy cô trong trường thì đừng có mơ. Muốn cấp cứu ư? Nộp đủ tiền chưa mà muốn vào phòng mổ?
Tệ hại nhất về kiếm tiền bất chính không ai khác ngoài đám quan chuyên nghề “cướp ngày” (“Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”). Cơ hội chui vào Đảng, lý lịch man khai, bằng thật học giả, bỏ vốn ra mua chức, có ghế cao rồi dễ dàng hoàn vốn và thu về lãi khủng.
Không khó biết tham nhũng cụ thể là ai. Nhưng hầu như không mấy ai đủ dũng cảm “vào hang bắt cọp”, để đến nỗi vị quan khả kính nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa ra nhận xét để đời: “Tham nhũng vẫn ổn định!”.
Từ năm 1999, Hội nghị TƯ 6 (lần 2, khóa VIII) đã ra Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Gần 15 năm sau, Hội nghị TƯ 4 (khóa XI, năm 2012) lại tiếp tục thông qua Nghị quyết cùng về vấn đề trên, thừa nhận tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống trong Đảng vẫn không thuyên giảm, nếu không nói là còn nghiêm trọng hơn, “đe dọa đến sự tồn vong của chế độ”. “Người ta ăn của dân không từ một thứ gì” (lời nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan). Từ một vài con sâu, tham nhũng đã phát triển thành “cả bầy sâu”! (chữ dùng của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang).
Khi một “bộ phận không nhỏ” các quan “phụ mẫu”, những người được cho là “tinh hoa” dân tộc, là thành viên của “đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân ưu tú nhất” lại đồng thời là kẻ cắp theo nghĩa đen thì quả thật văn hóa đạo đức xã hội đã tụt xuống đáy. Cha ông ta đã dạy: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Tham nhũng là cội nguồn của các bất công, khiến lòng dân không yên. Tham nhũng cũng mở đường cho các suy thoái văn hóa đạo đức ở các tầng lớp khác trong xã hội, trước hết là các thanh niên, khi lớp trẻ mới vào đời thấy các bậc cha chú “đầu têu” hành xử bất chấp đạo đức và pháp luật.
Bạo lực lên ngôi. Có thể là từ trong vô thức, từ tuổi vị thành niên, nhiều người trong chúng ta đã bị ám ảnh bởi các ý tưởng cao siêu, đại loại như: “Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội”; “Đấu tranh giai cấp song hành cùng bạo lực cách mạng”. “Họng súng đẻ ra chính quyền”. “Đấu tranh ôn hòa, bất bạo động là cải lương, là thiếu tinh thần cách mạng triệt để”… Bạo lực tất nhiên khó tránh đổ máu cho cả hai phe. Khi lòng hận thù được nuôi dưỡng, từ “bạo lực cách mạng” đến bạo lực trong đời thường chỉ còn cách vài bước chân… Vô hình trung bạo lực đã được tôn vinh!
Không biết từ bao giờ không ít người Việt Nam chúng ta trở nên hung hãn, gương mặt bặm trợn, lúc nào cũng sẵn sàng nói chuyện bằng dao kiếm. Xe máy va chạm ngoài phố – thay vì ôn tồn xin lỗi nhau rồi đường ai nấy đi, người ta sẵn sàng hùng hổ lao vào giành phần đúng, rồi rút dao, rút kiếm đâm chém nhau. To tiếng khi ăn nhậu, bị coi là “nhìn đểu” – đều có thể đổ máu. Vợ chồng con cái xích mích – ai đó có thể bị tưới xăng đốt. Bảo mẫu túm ngược chân trẻ mười mấy tháng tuổi dúng đầu vào sô nước vì mắc tội… chậm ăn cháo. Cô giáo thẳng tay tát học sinh, bắt học sinh liếm ghế. Nữ sinh xúm vào túm tóc đánh bạn vì những chuyện không đâu…
Đáng lưu tâm nhất là bạo lực không còn hiếm ngay cả với những người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật mà Nội quy treo trong phòng làm việc ghi rõ “phải kính trọng, lễ phép với dân”. Bao nhiêu người dân, kể cả trẻ vị thành niên, đang khỏe mạnh, sau khi bị tạm giam, đã bất ngờ trở về với tổ tiên (nhiều người vì lý do “chán đời thắt cổ tự vẫn” ở tư thế ngồi?), hoặc may mắn hơn, thì chỉ bị tàn tật.
Nhiều người xuống đường tham gia tụ tập ôn hòa với các biểu ngữ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ chủ quyền biển đảo toàn vẹn đã bị các quý anh mặc trang phục “Thanh niên xung phong” (?) lao vào đấm đá không thương tiếc, không kiêng dè đối với cả phụ nữ và trẻ em vì lý do khó tin là họ đã bị “thế lực thù địch” chưa được phát hiện nào đó “kích động gây rối” (?). Đó quả thật là một hình ảnh không thể xấu hơn trước con mắt của bạn bè quốc tế khi đến thăm Thành phố “Vì hòa bình”!
Bạo lực đẻ ra bạo lực. Chẳng còn mấy người ngạc nhiên khi súng đã nổ, đồng chí đã bắn vào đồng chí ngay trong trụ sở của một Văn phòng Tỉnh ủy…
Giả dối thắng thế. Có lẽ đối với không ít người, giả dối là cách đỡ hao tâm tổn trí nhất để đạt được điều mình muốn. Dốt nát, sợ điểm kém ư? Đã có thể quay cóp bài của bạn hay dấu mang vào phòng thi đủ loại phao bé bằng hai ngón tay. Chưa học hành tử tế để đạt bằng cấp cao ư? Thì đã có vô số trường dởm, thầy dởm, người sẵn sàng thi hộ, viết hộ luận án giúp anh dễ dàng có được tấm bằng để rồi bắt đầu cuộc hành trình leo lên chức này chức nọ. Thích được huân chương hay có danh hiệu anh hùng để lòe thiên hạ ư? Có thể bịa ra các chiến tích để đạt được điều này. Muốn địa phương mình có thành tích vượt trội – nào là mức tăng trưởng kinh tế hai con số, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao chót vót, nhiều vùng đạt danh hiệu “Nông thôn mới “, số “Gia đình văn hóa” chiếm quá 90%… từ đó để cái gọi là “tài năng lãnh đạo” của mình được cấp trên thừa nhận, cá nhân mình dễ bề tiếp tục leo cao – cách dễ nhất là chỉ đạo thuộc cấp bịa đặt ra các con số đẹp như ý, sẵn sàng vay nợ đầm đìa để đạt bề ngoài phồn vinh. (Xin mở ngoặc nói thêm: Người ta thường phê phán căn bệnh “chạy theo thành tích”; nhưng thử hỏi: Nếu không bày ra chuyện “Thi đua khen thưởng” với cả bộ máy rình rang từ trên xuống dưới thì còn ai phải “chạy theo thành tích”?).
Trong cuốn “Đagestan của tôi” Rasul Gamzatov đã tưởng tượng ra cuộc đua chinh phục lòng người giữa Giả dối và Sự thật. Và không bất ngờ, Giả dối đã giành phần thắng vì thường hay làm mọi người thấy “dễ chịu thoải mái” dù biết là đang lừa nhau, còn Sự thật chịu thua vì khiến người ta “đau đớn lo âu”! Tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật” những năm đầu Đổi mới có vẻ đã mai một khá nhiều.
Dù thế nào thì người ta vẫn hay nhắc nhau: “Nói thật mất lòng” và nhấn mạnh rằng “thuốc đắng” mới “rã tật”. Một xã hội đề cao Sự thật mới mong được phát triển bền vững. Dối trá trước sau gì cũng dẫn tới đổ bể.
Con người vô cảm. Một người ngã xe bên đường, nằm bất động, nhiều xe đi qua không dừng lại cứu giúp, coi như không thấy. Một chiếc xe khách không may lăn xuống vực, nhiều người lần xuống theo; thay vì cứu chữa người bị nạn thì lại thản nhiên lần mò lấy cắp hành lý, tư trang. Một lái xe taxi đang tâm đẩy nữ hành khách bị vỡ ối xuống vệ đường khi bệnh viện đã ở ngay trước mặt. Một bọn gọi là bảo vệ bệnh viện, để bảo kê cho xe cứu thương của mình, “quyết liệt” ngăn cản xe gia đình thuê đưa đứa bé đang hấp hối thở ôxy trở về nhà. Không hiếm các điều tra viên muốn lập thành tích phá án nhanh đã sẵn sàng dùng nhục hình, bức cung ép người dân lành phải nhận tội, chịu ngồi tù oan hàng chục năm trời, gia đình tan nát. Chỉ cần các điều tra viên, các vị giữ quyền công tố, các thẩm phán cầm cán cân công lý có chút tình thương với bị cáo thì họ sẽ động lòng, thoát khỏi trạng thái vô cảm, và thấy ngay những bất cập trong hồ sơ để rồi hủy án.
Cái vô cảm đáng sợ nhất là vô cảm trước tình cảnh hiểm nghèo của Đất nước. Người ta đua nhau quên hết sự đời, say sưa theo bắt con vật ảo Pokemon. Số đông hình như vẫn “bình chân như vại” không nhìn thấy trước mắt mối nguy lù lù như trái núi: Nợ trong nước, nợ ngoài nước tăng cao, mới nứt mắt chào đời đã mang nợ hàng chục triệu đồng; nợ xấu, nợ công sắp vượt ngưỡng an toàn; thu không đủ chi, bội chi ngân sách năm sau cao hơn năm trước; nhiều dự án lỗ hàng ngàn tỷ đồng đắp chiếu; nhiều dự án hàng ngàn tỷ đồng khác được vẽ ra đang chờ duyệt để xây… tượng đài, xây trung tâm hành chính hoành tráng trong khi trẻ con đi học qua sông phải đu dây hay chui vào túi ni-lông, bệnh nhân phải nằm 2-3 người một giường…Thảm họa môi trường làm cá chết, biển chết, người lao đao. Khi chủ quyền biển đảo trên Biển Đông bị xâm phạm trắng trợn thì tình hình đã rất nghiêm trọng, không thể là bình thường, là “vũ như cẫn” nữa rồi!
Có cảm tưởng rằng, khi trộm cướp đã vào đến trong sân nhà thì hàng xóm gần, hàng xóm xa đua nhau la to giùm, trong khi chủ nhà thì giữ ý, im lặng. Thật là ngược đời!

Điều gì có thể ngăn chặn được đà suy thoái về văn hóa?

Trả lời câu hỏi này, nhiều người nghĩ ngay tới sự cần thiết phải cải cách lĩnh vực giáo dục một cách căn bản, toàn diện – từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Điều này không sai. Nhưng theo thiển ý của tôi, còn có một việc khác cấp bách hơn, có sức tác động sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn nhiều lần, bao trùm lên mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục. Đó là việc cải cách thể chế xã hội; nói khác đi là đổi mới chính trị.
Từ hơn 10 năm trước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị.Tiếc rằng trên thực tế chúng ta chưa làm được bao nhiêu theo hướng này.
Thể chế xã hội là điều tác động mạnh nhất đến văn hóa nói riêng. Một thể chế phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển con người và xã hội một cách bền vững là thể chế trước tiên phải bảo đảm các quyền cơ bản của con người – đó là “quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc” như Tuyên ngôn độc lâp năm 1776 của nước Mỹ đã khẳng định và Hồ Chủ tịch đã nhắc lại tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9/1945.
Cần đặc biệt lưu ý tới quyền tự do dân chủĐây chính là giá trị cốt lõi của một thể chế tốt đẹp nói chung và của văn hóa nói riêng.
Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã long trọng khẳng định các quyền con người và công dân cơ bản: quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, quyền tự do tôn giáo, quyền biểu tình… theo quy định của pháp luật.
Để những quyền cấp thiết trên đây từ trang giấy còn thơm mùi mực in bước được vào cuộc sống, cần rất nhiều điều luật cụ thể mà Quốc hội và Chính phủ còn mắc nợ nhân dân. Nhiều người tâm đắc với phát biểu rành rẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ ngày 1 tháng 8 vừa qua: “Ở nước ta hiện nay, con đường dài nhất là con đường từ lời nói đến việc làm!”.
Chỉ có dân chủ mới tạo điều kiện xác lập được trên thực tế tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Chỉ có dân chủ mới có thể phát huy tính chủ động sáng tạo, tính hướng thiện, tính cộng đồng của người dân thực sự có sở hữu tài sản trên mọi lĩnh vực xã hội, từ đó hình thành nên một thị trường đúng nghĩa, buộc mọi người phải làm ăn tử tế.
Chỉ có dân chủ mới lựa chọn được những người có tài có đức nhất vào bộ máy quản trị xã hội, loại bỏ hoàn toàn những kẻ bất tài, thất đức leo cao vì chạy chức chạy quyền. Chỉ có dân chủ mới có thể đặt quyền lực dưới sự giám sát hiệu quả, nghiêm khắc, khiến không một vị quan nào có thể có điều kiện tham nhũng mà không bị sớm phát giác. Chỉ có dân chủ mới loại bỏ được tham nhũng – giặc nội xâm tàn phá đất nước, tàn phá đạo đức, văn hóa.
Dân chủ là tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người về sự hiểu biết, về niềm tin và quyền lợi. Không áp đặt thô bạo ý kiến của mình với người nghĩ khác mình, lấy đối thoại thay cho đối đầu. “Cầu đồng tồn dị” là phương châm hành xử của mọi người: cố tìm điểm chung, gác lại bất đồng để cùng ghé vai chung sức làm điều hay cho cả cộng đồng. Với tinh thần khoan hòa khoan dung, người ta sẽ loại trừ được bạo lực ra khỏi đời sống. Thói hung hãn tôn sùng nắm đấm sẽ lùi vào dĩ vãng. “Từ đây người biết thương người / Từ đây người biết yêu người…” (Văn Cao). Và đó chính là văn hóa.
Dân chủ gắn liền với Sự thật. “Một nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ; một nửa Sự thật không còn là Sự thật”. Dân chủ có nghĩa là Sự thật tròn vẹn, không thể bị che dấu, dù chỉ một phần. Dân chủ đồng nghĩa với minh bạch và công khai. Dưới ánh sáng của minh bạch và công khai, Giả dối sẽ không còn đất sống.
Dân chủ biến mỗi người dân từ thân phận “thần dân” thụ động trở thành công dân tích cực, không phó mặc việc nước chỉ cho một nhóm người khác lo, mà luôn coi việc nước là việc nhà, không ngoảnh mặt làm ngơ trước các hiểm họa cũng như thời cơ hiện ra trước Đất nước. Con người vô cảm đáng trách sẽ không còn lý do tồn tại.
Dân chủ không phải là không có mặt trái. Nhưng phải thừa nhận rằng “dân chủ là lựa chọn ít xấu nhất” để phát huy sức mạnh tích cực của mọi người dân. Dân chủ quả là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn. “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu / Khó vạn lần, dân liệu cũng xong” (Thanh Tịnh).
Ngăn chặn đà suy thoái về văn hóa, làm nó trở nên tốt đẹp, đáp ứng được vai trò là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững con người và Đất nước quả là một việc “khó vạn lần”.
Con đường đi đến thực thi dân chủ thực sự cũng là một việc “khó vạn lần”, lắm gian nan, nhiều trở ngại do chính hạn chế của dân trí và dân khí, nhất là do các nhóm lợi ich sẽ cảm thấy bị “thiệt thòi” khi quyền lực ngon lành bấy lâu bị kiểm soát từ phía người dân và từ xã hội dân sự.
Dân chủ không thể từ trên trời rơi xuống. Dân chủ không thể là thứ mà ai đó có thể ban phát. Dân chủ phải đồng tâm hiệp lực đấu tranh mới có thể giành lấy được. Và đây là chủ đề của một bàn luận khác./.
P.H.G