Syria: cuộc chiến nghiệt ngã của Mỹ

Lữ Giang

Sau một ngày làm việc cật lực tại Genève, hôm 9.9.2016 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đi tới một thỏa thuận đình chiến kéo dài một tuần và sẽ có hiệu lực từ sáng thứ hai 12.9.2016. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng "chúng tôi hy vọng, sẽ cho phép giảm bớt bạo lực», còn Ngoại Trưởng Nga không dám cam kết kế hoạch mới này sẽ thành công hoàn toàn. Đây là dấu hiệu "phe ta" đang gặp khó khăn tại mặt trận. Nhìn chung, mỗi khi thấy "phe ta" sắp tiêu tùng hay bị dồn vào thế bí, Mỹ thường đề nghị hưu chiến hay "tìm giải pháp hòa bình" dể cứu bồ. Tuy nhiên, sau khi cũng cố lại lực lượng, cuộc chiến lại tiếp tục!
NHÌN LẠI CHIẾN LƯỢC "MỘT TRUNG ĐÔNG MỚI"
Nếu không nắm vững chiến lược "Một Trung Đông Mới" của Hoa Kỳ mà chỉ nhìn các biến cố đã liên tiếp xẩy ra ở đó, rất khó hiểu được tại sao Syria đã lãnh quá nhiều thảm họa trong suốt 5 năm qua và sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ.
Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, ngày 17.8.2006 Tổng Thống Bush tuyên bố rằng “một Trung Đông Mới (New Middle East) sẽ xuất hiện trong đó nền dân chủ sẽ chứng tỏ là một sức mạnh không thể kháng cự lại, sẽ lan rộng và diệt trừ khủng bố và chế độ chuyên chế” (would spread and eradicate terrorism and despotism).
Chiến lược này gồm ba điểm chính: (1) Tiêu diệt tất cả các lãnh tụ Hồi giáo chủ trương tái lập một đế chế Hồi giáo gióng như thời Đế quốc Ottoman. (2) Phần chia 5 nước Hồi Giáo trung tâm thành 14 nước. (3) Bằng chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) đẩy các thế lực trong vùng đứng lên đối đầu với nhau, nhất là giữa khối Sunni và khối Shiite. Mỹ chỉ yểm trợ và bán vũ khí.
Mục tiêu của chiến lược là làm cho khối Hồi giáo bể tan ra từng mãnh và quay lại chống nhau thay vì mưu đồ thống trị thế giới. Có thể nói đây là một chiến lược xem ra có hiệu quả nhưng cũng rất tàn bạo và đang tạo ra những phản ứng khó lường được.
Bằng "Cuộc cách mạng hoa lài" kết hợp với sự can thiệp bằng quân sự, Hoa Kỳ đã thanh toán được Saddam Hussein, Mubarak và Gaddafi, nhưng khi đến Syria thì ngưng lại. Theo Mỹ, Hafez Al-Assad (Assad cha) của Syria có nhiều tội hơn các lãnh tụ khác và phải diệt trừ bằng mọi giá. Ngày 22.7.2006, Tổng Thống Bush tuyên bố rằng Syria và Iran đã yểm trợ cho Hezbollah chống lại Israel và yểm trợ các du kích quân Shiite ở Lebanon. Liên Hiệp Quốc đã đưa ra Nghị quyết số 1701 cấm vận Iran và Syria. Năm 2000 Assad cha qua đời, Bashar al-Assad (Assad con) lên thay. Mỹ vẫn cương quyết xóa sổ chế độ Assad và hình thành một liên bang Syria.
Nhưng ngày 21.8.2013, khi Tổng Thống Obama tuyên bố sẽ tấn công Syria vì “xử dụng võ khí hóa học”, đa số các nhà chính trị và bình luận quốc tế đều cho rằng kịch bản này sẽ thất bại vì nó chỉ lặp lại kịch bản mà Tổng Thống Bush đã xử dụng năm 2003, một kịch bản không còn xài được. Đức, Anh và Ba Lan tuyên bố không tham gia tấn công nếu không có sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An LHQ. Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ phủ quyết nếu vụ này được đưa ra  trước Hội Đồng Bảo An LHQ.
Khi Tổng Thống Obama đang đi vào thế kẹt, hôm 9.9.2013 Ngoại Trưởng Nga đề nghị Syria chấp nhận (1) đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, (2) phá hủy kho vũ khí này và (3) Syria tham gia công ước cấm vũ khí hóa học. Tổng Thống Obama không còn cách nào khác hơn là đồng ý.
MỸ THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT
Không thể can thiệp trực tiếp bằng quân sự như ở Iraq và Libya, Hoa Kỳ phải thay đổi chiến thuật bằng cách xử dụng chiến tranh ủy nhiệm để loại bỏ chế độ Assad và chia cắt Syria. Trước hết, Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các quân nhân thuộc giáo phái Sunni trong quân đội Asssad đào ngũ và thành lập một quân đội mới được gọi là Quân Đội Syria Tự Do (Free Syrian Army - FSA). Số quân Sunni đào ngũ rất đông và được Mỹ trợ cấp, huấn luyện và trang bị để chống quân Assad và được gọi là những nhóm "ĐỐI LẬP ÔN HÒA"  (Moderate Oppositions), mặc dầu nhóm này được trang bị không thua gì quân đội Assad và có khi còn chơi cả võ khí hóa học!
Nhưng đoàn quân Mỹ lập này chẳng làm nên cơm cháo gì và đã bể ra hàng trăm mãnh vì tranh giành quyền lực. Mỹ phải nhờ Do Thái và Anh cho hình thành nhóm Nhà Nước Hồi Giáo (IS) để chiếm đóng vùng giữa Iraq và Syria. Ngày 7.10.2015, John Kiriakou, một cựu sỹ quan chống khủng bố CIA và là một nhà điều tra cao cấp thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã cho biết Quốc hội Mỹ đã trang bị cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) thông qua việc cung cấp vũ khí cho phe "Đối Lập Ôn Hòa” Syria. Ông tuyên bố: “Họ (lực lượng FSA) không có hiệu quả gì cả, giúp đỡ họ chỉ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn mà thôi. Hầu hết vũ khí của Mỹ được chuyển cho họ chỉ thấy rơi vào tay của lực lượng IS. Quốc hội đã chi tiền để trang bị vũ khí cho IS."
Ông Naiman, một chuyên viên Mỹ về Trung Đông nói: "FSA là một nhóm người không hiện hữu. FSA chính họ chẳng làm được gì. Họ không thể." (The FSA is a group of people that doesn’t exist. The FSA does not do anything by itself. It can’t.)
Để bù đắp số quân bị thiếu hụt, theo yêu cầu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar đã phối hợp tuyển mộ, huấn luyện và trang bị cho một tố chức mới được đặt tên Lữ đoàn Ahrar al-Sham gồm tứ 10 đến 15 ngàn quân. Nhóm này và nhóm Jaish al-Fatah chiếm giữ thành phố Ariha, tỉnh Idlib, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phía tây tỉnh Aleppo. Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar đã trang bị cho hai nhóm này đánh chiếm vùng phía Bắc Syria, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Bắt đầu từ ngày 7.9.2015, nhóm buôn người được huy động đến phía Bắc Syria, lùa khoảng 3 triệu người Syria vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chạy qua Châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ định sau cuộc di dân này, sẽ cho Jaish al-Fatah và Ahrar al-Sham chiếm các tỉnh phía Tây biên giới, còn sắc tộc người Turk (Turkmen) tràn qua phía Đông biên giới, biến miền Bắc Syria thành một tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ như thời đế chế Ottoman.
SỰ CAN THIỆP CỦA NGA
Nhận ra kế hoạch chiếm Bắc Syria của Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10.9.2016 Nga đã cho xe tăng đổ bộ và máy bay chiến đấu tiến vào vùng Latakia, một tỉnh ở phía Tây Bắc của Syria, bên bờ Địa Trung Hải, sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Nga cho các chiến đấu cơ ném bom tập trung vào tuyến đường cao tốc Reyhanli -Aleppo, con đường tiếp vận chính giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria của các phiếm quân Jabhat Al-Nusra (Al-Qaeda Syria), Harakat Ahrar Al-Sham, Harakat Nouriddeen Al-Zinki, Quân đội Syria tự do (FSA)... Trong một tháng, không quân Nga đã thực hiện gần 1.400 vụ không kích, phá huỷ hơn 1.600 mục tiêu khủng bố. Với sự yểm trợ của không quân Nga, Quân đội của Assad cũng đã giải tỏa được hầu hết các vùng bị bao vây.
Sau đó, Nga bắt đầu cho oanh tạc con đường ISIS chuyển dầu từ Iraq và từ tỉnh Deir Ezzor ở miền đông Syria đến thành phố Zakho để bán hoặc đổi vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Không ảnh cho thấy, mỗi lần chuyển vận có hơn 11.000 xe đươc huy động. Mỗi ngày ISIS có thể sản xuất khoảng 50.000 thùng dầu. Thấy Nga oanh tạc đoàn xe chuyển dầu của ISIS, Mỹ mới bắt đầu nhảy vào.
Hôm 2.2.2016, với sự hỗ trợ của bộ binh người Iran. Hizbollah và không quân Nga, quân đội Assad đã cắt đứt tuyến đường nối liền tỉnh Aleppo và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, được biết đến với tên gọi hành lang Azaz. Vào đầu tháng 5/2016, quân của Assad đã thông báo cho các loạn quân nói trên: hoặc đầu hàng, hoặc chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ hay là chết. Thấy tình trạng lâm nguy, Mỹ đã đề nghị với Nga ngưng chiến và mở hội nghị giữa Assad và các nhóm "Đối Lập Ôn Hòa" để tìm một giải pháp cho Syria. Tuy nhiên, Mỹ cho nhóm Quân Đội Syria Tự Do tuyên bố chỉ chấp nhận một chế độ không có Assad! Thực tế đây chỉ là kế hoản binh để củng cố lại lực lượng. Nga biết rõ như vậy nhưng vẫn đồng ý.
BIẾN KHỦNG BỐ THÀNH "ÔN HÒA"
Trước sự suy sụp của các nhóm phiếm quân Syria, Mỹ muốn biến tổ chức Jabhat al-Nusra của Al-Qaeda và ISIS thành một nhóm "Đối Lập Ôn Hòa" để chống lại Assad. Hôm 28.7.2016, Abu Muhammad al-Joulani, thủ lãnh của Al-Nusra đã xuất hiện trên các hệ thống truyền hình tuyên bố tổ chức của ông sẽ ly khai và cắt đứt mọi quan hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda của Osama bin Laden.
Việc công bố chính thức sẽ được thực hiện thông qua hãng tin Al-Jazeera trong thời gian tới. Bây giờ al-Nusra đang thay đổi hình thức tổ chức và cách thức hoạt động để có thể được gọi là một tổ chức “đối lập ôn hòa” với tôn chỉ “Thân thiện với phương Tây, chống chính quyền Assad”. Một banner màu trắng mới được thay thế banner màu đen, một thứ banner mà các nhóm khủng bố thường dùng.
Hôm 4.8.2016, Moscow  đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn: Dù tổ chức khủng bố al-Nusra có đổi tên gì, khoác áo gì thì Nga vẫn sẽ tấn công tiêu diệt.
Trong những báo cáo gần đây, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, lực lượng đối lập ở Syria, trong đó có Jabhat al-Nusra, đã nổ súng vào dân thường, giết toàn bộ gia đình hoặc những thành viên gia đình chạy trốn; giết chết các đàn ông và giữ phụ nữ, trẻ em làm con tin.
CUỘC CHIẾN SẼ TIẾP TỤC
Hiện nay, "chiến tranh ủy nhiệm" (proxy war) đang được Hoa Kỳ thực hiện tại Trung Đông và nhiều nơi trên thế giới: Hình thành các tổ chức tại từng khu vực để các tổ chức này đối đầu với nhau, Mỹ chỉ đứng đàng sau yểm trợ và bán vũ khí. Tại Trung Đông, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar đứng đàng sau các lực lược chống Assad. Còn Nga, Iran và Hizbollah ở Lebamon yểm trợ chính quyền Assad.
Chủ trương của Mỹ là triệt hạ chính quyền Assad và hình thành một Liên Bang Syria: Phe Shiite không có Assad sẽ ở phần phía Nam lãnh thổ. Phe Sunni chiếm phần giữa và phe người Kurd lập khu tự trị ở phần phía Bắc. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương chiếm phần đất phía Bắc Syria, tiêu điệt nhóm người Kurd, biến phần đất này thành lãnh thổ phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ và giao cho sắc tộc người Turk ở phía Đông chiếm đóng. Đây là một sự bất đồng làm Mỹ gặp nhiều khó khan.
Nga chủ trương bảo vệ chế độ Assad và các căn cứ quân sự của Nga tại Syria, không cho Mỹ độc quyền ở Trung Đông. Nga, Iran và Hizbollah đang bảo vệ Iraq và Syria, củng cố khối Shiite để chống lại sự bành trướng của khối Sunni và Mỹ.
Với những mục tiêu và các chiến lược khác nhau như đã trình bày trên, cuộc chiến Syria sẽ không thể chấm dứt và có thể trở nên ác liệt hơn. Đình chiến hay hội nghị hòa bình chỉ là kế hoản binh của Mỹ mỗi khi "phe ta" bị thất thế mà thôi.
Ngày 15.9.2016
Lữ Giang