Không khí bẩn: hình thức ô nhiễm gây chết người nhiều nhất

Joe De Capua

Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy không khí bẩn là hình thức ô nhiễm làm chết người nhiều nhất, là nguyên nhân gây chết yểu hàng thứ tư, và cũng khiến kinh tế thế giới thiệt hại hàng trăm tỉ đôla mỗi năm vì mất mát lao động.
Ngân hàng Thế giới cùng Viện Đánh giá và Đo lường Sức Khỏe vừa công bố một cuộc nghiên cứu nhan đề ‘Cái giá của Ô nhiễm Không khí: Củng cố các lý do kinh tế để hành động.’
Ông Urvashi Narain (uda-vah-SHEE-nah-RYE-an) một nhà kinh tế môi trường kỳ cựu của Ngân hàng Thế giới cho biết:
“Động cơ chính của phúc trình này là nêu lên những thách thức từ ô nhiễm không khí, sâu rộng thế nào và cũng đưa ra các lý do kinh tế rõ ràng để các nước hành động. Các nước không thể làm ngơ trước vấn đề này. Các nước cần phải hành động.”
Cuộc nghiên cứu cho biết “khoảng 90% dân số các nước có lợi tức kém và trung bình đang bị phơi nhiễm trước các mức ô nhiễm không khí nguy hiểm.”
Ông Narain tiếp lời:
“Nói tới ô nhiễm không khí là nói tới các hạt phân tử nhỏ bé chung quanh chúng ta, trong không khí chúng ta hít thở. Có rất nhiều nguồn khác nhau phát sinh ra những hạt có kích thước chỉ bằng 1 phần 30 đường kính sợi tóc. Chúng thực sự rất nhỏ.”
Tổ chức Y tế Thế giới nói hầu hết những hạt cực nhỏ này phát sinh từ dầu đốt trong công nghiệp, các nhà máy điện, xe hơi, xe tải và các lò nấu ăn.
Cuộc nghiên cứu cho biết vào năm 2013 “5 triệu rưỡi người chết vì bệnh tật có liên quan tới ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà.”
Ung thư phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và viêm nhiễm đường hô hấp, tất cả đều liên hệ đến ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng góp phần gây ra những chứng bệnh về tim mạch. Ô nhiễm không khí tác hại nặng nề lên trẻ em vì hệ thống miễn nhiễm và phổi của trẻ em chưa phát triển hoàn toàn.
Ông Narain nói:
“Chúng tôi cũng phát hiện ô nhiễm không khí không chỉ là một nguy cơ cho sức khỏe mà còn làm cho phát triển kinh tế bị trì trệ. Trong phúc trình, chúng tôi khám phá rằng lợi tức lao động toàn cầu mất khoảng 225 tỉ đôla vì tỷ lệ chết yểu do ô nhiễm không khí gây ra.”
Nhà kinh tế môi trường kỳ cựu của Ngân hàng Thế giới nói các nước có lợi tức thấp và trung bình nên giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong kế hoạch phát triển của mình.
Nhưng theo ông Narain, còn có những vấn đề khác nữa:
“Chúng tôi thấy rằng đây là một vấn đề mà các nước nếu có hành động về ô nhiễm không khí ở địa phương, để cứu được nhiều sinh mạng quý báu, thì cũng đồng thời có thể hành động về biến đổi khí hậu nữa.”
Một số nơi chịu ảnh hưởng nặng nề vì ô nhiễm không khí hơn những khu vực khác. Ông Narain cho biết:
“Số tử vong lớn nhất vì ô nhiễm không khí xảy ra tại vùng Nam Á và Đông Á vì họ bị phơi nhiễm cao, và vì họ có dân số đông nhất. Nam Á và Tiểu vùng sa mạc Sahara đều có mức thiệt hại lợi tức lao động lớn nhất vì những vùng này có dân số tương đối trẻ bị ảnh hưởng và dân số trong tuổi lao động. Và khi nhìn vào những phí tổn về an sinh xã hội thì Đông Á Thái Bình Dương và Nam Á là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”
Ngân hàng Thế giới mô tả ô nhiễm không khí như một thách thức đe dọa an sinh căn bản của con người và kiềm chế phát triển kinh tế. Ông Narain nói việc qui định mức ô nhiễm không khí mang lại lợi ích vượt xa những tiêu tốn.
Phúc trình không đưa ra những khuyến nghị giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, để cho các nước tự quyết định, nhưng hối thúc các quốc gia phải hành động nhanh chóng.
Nguon: http://www.voatiengviet.com/a/khong-khi-ban-hinh-thuc-o-nhiem-gay-chet-nguoi-nhieu-nhat/3499469.html