GS Nguyễn Thái Hợp, O.P.
Bài đăng ở tập
san Định Hướng
Chiến
tranh từng là một kinh nghiệm đau thương và hoà bình luôn luôn vẫn là một trong
những khát vọng thâm sâu nhất của nhân loại. Trớ trêu thay: Mọi người mong mỏi
hoà bình, nhưng lịch sử nhân loại đã được thêu dệt bởi chiến tranh và bạo lực.
Không phải vô lý khi triết gia Hegel viết: lịch sử nhân loại đúng là một “núi sọ”
hay “một thung lũng đầy xương khô” và “những thời kỳ hạnh phúc chỉ là những
trang giấy trắng”.
Sau
những thảm hoạ của thế chiến thứ I, nhiều người quả quyết rằng không bao giờ
chiến tranh có thể tái diễn. Họ xác tín rằng đây phải là chiến tranh cuối cùng.
Nhưng chỉ ít lâu sau, thế chiến II đã bùng nổ
với một mức độ tàn phá ghê gớm và thảm khốc hơn. Từ đống tro tàn của cuộc
chiến khốc liệt này, Liên Hiệp Quốc ra đời với lời nguyền xây dựng hoà bình:
“Chúng tôi, các Dân tộc thành viên của Liên Hiệp Quốc kiên quyết tránh cho các
dân tộc tương lai thảm hoạ chiến tranh”[1]. Thế nhưng
từ năm 1946 đến nay đầu vẫn rơi và máu vẫn chảy, trong 180 chiến tranh địa phương.
Khát vọng hoà bình và cố gắng của các dân tộc để giải quyết những xung đột bằng
đối thoại vẫn phải lùi bước trước bạo lực và lý lẽ của kẻ mạnh!
Đâu
là quan điểm của Kitô giáo đối với một vấn đề gai góc này? Giữa chiến tranh và
hoà bình, ngừơi Kitô hữu hôm nay phải lựa chọn đứng về phía nào?
1- Quan điểm của Kitô hữu tiên khởi
Trong suốt hai
ngàn năm lịch sử, Giáo hội và các Kitô hữu đã nhiều lần thay đổi quan điểm trước
vấn đề chiến tranh và hoà bình. Nếu được phép giản lược, chúng ta có thể tóm lược
tiến trình phức tạp đó qua ba điểm chính sau đây: (a) Khởi đi từ thái độ ít nhiều
mang tính “bất bạo động” theo tinh thần bát phúc trong bốn thế kỷ đầu, (b) thế
rồi chuyển qua cố gắng xây dựng một lý thuyết về “chiến tranh chính nghĩa” để
giảm thiểu bao nhiêu có thể những cuộc đổ máu vô ích giữa tình trạng hỗn loạn và
(c) cuối cùng chủ trương tích cực xây dựng hoà bình.
Nói
chung, quan điểm và thái độ của Kitô giáo đối với vấn đề hoà bình & chiến
tranh chịu ảnh hưởng bởi nhân chủng học Kitô giáo. Con người được quan niệm như
một hữu thể tự do, tự lập trong việc lấy quyết định luân lý và có trách nhiệm góp
phần kiến tạo trật tự xã hội. Kitô giáo luôn dành cho người tín đồ quyền quyết định
điều gì là tốt hay là xấu cho mình. Dĩ nhiên, đây không phải là một chọn lựa dựa
trên cảm tính hay khoái cảm, mà là một chọn lựa phản tỉnh và ý thức của một lương
tâm trưởng thành biết phân định đâu là điều phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa
trong điều kiện cụ thể của cuộc sống. Quan điểm này tương phản với não trạng
chung của xã hội đương thời, thường lấy ý muốn tập thể làm mực thước của thiện
hảo và thường đồng hoá thái độ, cách ứng xử và phán đoán của cá nhân với tập tục
của xã hội. Đạo đức Kitô giáo, trái lại, bảo vệ sự tự do của lương tâm cá nhân
chống lại sự bá chủ của qui ước xã hội, mà cá nhân này là thành phần. Khi cố gắng
bảo vệ và đào tạo lương tâm, luân lý Kitô giáo cổ võ sự phát triển luân lý và
phẩm giá con người.
Một
nét đặc trưng khác của quan điểm Kitô giáo nằm ở trách nhiệm hướng dẫn cá nhân
biết phân định những góc cạnh khác nhau của cùng một sự thiện. Lương tâm Kitô
giáo không bao giờ mãn nguyện hay nghỉ yên với tình trạng hiện tại. Trái lại, nó
luôn khắc khoải tìm cách hoàn thiện hoá phán đoán của mình và cố gắng tiến bước
không ngừng. Đức Gioan Phaolô II có lý khi viết: đức tin không làm cho lương tâm
say ngủ. Trái lại nó gieo vào lương tâm niềm khắc khoải kiếm tìm những gì thích
hợp hơn với phẩm giá của một hữu thể có lý trí và tự do[2].
Đứng trên phương diện hiện thực lịch sử, có thể nói
cho đến đầu thế kỷ IV, các Kitô hữu chủ trương bất bạo động. Trên thực tế, họ
chỉ là một nhóm nhỏ và thuộc thành phần vô danh tiểu tốt trong đế quốc Roma rọâng
lớn. Họ sống xa các trung tâm quyền lực (kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự).
Trong mốt số giai đoạn, họ còn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và thường xuyên bị
bách hại.
Đối với các Kitô hữu
tiên khởi, hoà bình trên trần thế này chỉ là hình bóng và kết quả của niềm bình
an đích thực nơi Đức Kitô, vị “Thủ lãnh Hoà bình”(Is 9, 5). Nhờ máu đổ ra trên
Thập giá, Ngài đã tiêu diệt hận thù ngay trong thân xác của Ngài(Ep 2, 16) (x.
Cl 1, 20-22). Chính Ngài đã giao hoà loài người với Thiên Chúa, đồng thời thiết
lập Hội thánh như bí tích nối kết nhân loại với Thiên Chúa và giao hoà nhân loại
với nhau. Giáo huấn của Đức Kitô và đặc biệt Bài giảng trên núi trở thành Hiến chương của cuộc sốngï:
“Phúc
cho ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước
Trời là của họ.
Phúc cho ai hiền lành,
vì họ
sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc cho ai sầu khổ,
vì họ
sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc cho ai khát khao nên công chính,
vì họ
sẽ được Thiên Chúa cho mãn nguyện.
Phúc cho ai xót thương người,
vì
họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ
sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước
Trời là của họ” (Mt. 5,3-10).
Giới luật “Chớ giết người” (Mt 5,21), mệnh lệnh không báo oán, trái lại phải tha thứ, yêu thương
và cầu nguyện cho những người ngược đãi (Mt 5, 44-45) đã trở thành kim chỉ nam
của cuộc sống. Dĩ nhiên, người Kitô hữu có thể đòi hỏi những người đã gây tổn
thương cho mình phải có hành động đền bù để sửa lại điều dữ, tuy nhiên giận dữ đến
độ muốn giết đối phương hay ước muốn trả thù là vi phạm đến đức ái.
Chính
vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các Kitô hữu tiên khởi tuyệt đối chống
lại chiến tranh và bạo lực. Một số tín hữu còn tẩy chay cả nghĩa vụ quân sự, vì
trên nguyên tắc không thể chấp nhận việc binh đao. Khi điều kiện lịch sử khắc
nghiệt bắt buộc phải chọn lựa, thay vì làm nguyên nhân của chiến tranh và bạo lực,
rất nhiều thế hệ Kitô hữu đã chấp nhận trở thành nạn nhân. Và rất nhiều thế hệ
Kitô hữu đã can đảm đi ra pháp trường để làm chứng cho niềm tin kiên cường của
mình..
2- Quan niệm về chiến tranh chính nghĩa
Với Hiệp ước
Milanô vào năm 313, hoàn cảnh đã thay đổi từ căn bản. Kitô giáo trở thành quốc
giáo của một đế quốc đang tan rã, với những cuộc chiến thiên thu bất tận. Nhiều
cuộc tranh luận xảy ra giữa lòng Giáo hội để xác định thái độ của Kitô giáo đối
với chiến tranh và vai trò của các Kitô hữu đối với xã hội trần thế. Tư tưởng
chủ đạo của thời đó cho rằng các các Kitô hữu phải tích cực hội nhập vào cơ chế
chính trị, kinh tế, hành chánh và phải cầm vũ khí để bảo vệ đế quốc. Hành động
dấn thân bảo vệ đế quốc này cũng được hiểu như một hành động tự vệ để bảo đảm an ninh, trật tự, văn minh và hoà
bình. Lương tâm của nhiều Kitô hữu phải đối diện với một thách đố mới: Một mặt
phải rao giảng tình thương và công lý chống lại bạo lực và bất công, mặt khác
ra như lại phải nhân danh tình thương sủ dụng chính bạo lực để bảo vệ công lý và
hoà bình(!). Rất nhiều câu trả lời khác nhau đã được đưa ra. Có những người nhất
định không chấp nhận bất cứ giải pháp thoả hiệp nào có nguy cơ làm băng hoại
tính nhất quán của niềm tin Kitô giáo. Họ nhất quyết rời bỏ làng mạc và thành
thị của đế quốc để đi vào hoang địa, ngõ hầu sống trọn vẹn lý tưởng của Tin Mừng.
Có những người
khác lại quan niệm việc dấn thân phục vụ và bảo vệ cơ cấu chính trị, kinh tế và
xã hội hiện hành như một trách nhiệm của đức ái. Theo họ, có hai hình thức vi
phạm công lý: một mặt là làm một hành động bất công, mặt khác là không trợ giúp
các nạn nhân của bất công. Thật vậy, nếu giáo huấn bất bạo động của Bài giảng
trên Núi cấm chúng ta sử dụng võ lực, giới răn yêu thương lại đòi hỏi chúng ta
phải bảo vệ, trong mức độ có thể, những ai đang lâm nguy. Như vậy, phải chăng chiến
tranh tự vệ không những được phép, mà còn cần thiết?
Thánh Âu tinh là
thần học gia tiên khởi đã trình bày một cách hệ thống quan điểm của Kitô giáo về
“chiến tranh & hoà bình”. Ngài viết tác phẩm nổi tiếng “Thành trì của
Thiên Chúa” trong chợ chiều của đế quốc Roma. Đặc biệt để trả lời cho những
thao thức của niềm tin và những thách đố mới của thời đại, giữa lúc thành Roma đang
bị quân “man di” bao vây, thánh nhân soạn thảo “thần học về hoà bình”, một quan
điểm thần học nhuốm màu sắc cánh chung và chiụ ảnh hưởng sâu đậm của thần học về
ân sủng.
Dựa trên quan
niệm xã hội của triết gia Aristote và của phái khắc kỷ, thánh nhân đưa ra một số
yếu tố và điều kiện để kiến tạo một nền hoà bình đích thực. Trước hết, hoà bình
được quan niệm như “tranquillitas ordinis”, nghĩa là sự ổn định về trật
tự hay tình trạng an hoà về xã hội hoặc một tương quan xã hội hài hoà (ordinata
concordia). Hoà bình này đòi hỏi cố gắng kiếm tìm, xây dựng và bảo vệ, ngay
cả với việc dùng biện pháp trừng phạt, ngõ hầu mọi người “tuân phục một cách chân
thành và trật tự đối với luật vĩnh cửu” (lex oeterna).
Theo thánh nhân,
trong phạm vi nhỏ hẹp của gia đình cũng như trên lãnh vực xã hội-chính trị, “hoà
bình là sự nối kết hài hoà quyền lợi của các công dân, vừa được xây dựng trên
những quy tắc đạo đức vừa tôn trọng tha nhân”. Bản chất của nền hoà bình ở trần
thế là công lý và công lý này được định nghĩa như một nhân đức xã hội nhằm trả
lại cho mỗi người những gì thuộc về họ.
Thánh Âu tinh
quan niệm việc đảo lộn trật tự công lý của hòa bình trong cộng đồng chính trị là
một tội chống lại trật tự thần thiêng của tạo dựng. Chính vì vậy, Nhà Nước hợp
pháp có quyền xử dụng bạo lực quân sự như một phương tiện cần thiết để trừng trị
người có tội và để tái lập cũng như duy trì hoà bình.
Cuộc chiến để
trả thù cho những bất công này được gọi là chiến
tranh chính nghĩa (Justa bella
ulciscultur injurias). Thánh nhân đưa ra một số tiêu chuẩn căn bản để
thẩm định giá trị pháp lý và chính nghĩa của cuộc chiến này: lý do chính đáng, ý
định chính đáng, quyền lực tuyên bố chiến tranh chính đáng.
Ở giai đoạn cực thịnh của thời Trung
cổ, thánh Tôma lấy lại quan điểm của thánh Âu tinh, bổ túc thêm bằng quan điểm
của triết học Aristote, cộng thêm những dữ kiện đặc biệt của thời đại. Hoà bình
vừa là một quan niệm tổng quát, vừa là một thực tế phức tạp bao hàm nhiều yếu tố:
xã hội, chính trị, đạo đức, công bằng, nhân ái ... Thánh nhân cũng đưa ra một sự
phân biệt rõ rệt giữa hoà bình hoàn hảo với hoà bình tương đối ở trần thế.
Xã
hội của thánh Tôma là một xã hội loạn lạc và chiến tranh triền miên giữa các lãnh
Chúa. Cái bi đát nhất là không có một pháp quyền nào vừa công minh, vừa đủ sức
mạnh để đưa ra những trừng phạt hợp lý trong tương quan quốc tế, ngõ hầu bảo vệ
và duy trì hoà bình. Để giảm thiểu tới mức tối đa những cuộc chiến tranh vô lý
và để đặt nền tảng xây dựng một nền hoà bình bền vững, thánh Toma đã đưa ra những
nguyên tắc luân lý về “chiến tranh chính đáng”. Nhà cầm quyền chỉ được
phép tuyên chiến để tự vệ và bảo vệ công thiện công ích, khi hội đủ những yếu tố
sau đây:
·
Chính nghĩa: chỉ được phép tuyên chiến khi phải tự
vệ để bảo vệ người dân vô tội, bảo vệ nhân quyền, tổ quốc và những điều kiện cần
thiết cho cuộc sống.
·
Tuyên chiến do cơ quan hữu trách, nghĩa là do nhà cầm
quyền có trách nhiệm về vận mệnh của quốc gia. Tuy nhiên, trong những cuộc chiến
tranh cách mạng chống chính quyền ngoại xâm hoặc để lật đổ bạo quyền, người dân
có quyền nổi dậy.
·
Thiện ý: mục tiêu của cuộc chiến là để tái lập hòa
bình và bảo vệ công thiện công ích. Chính vì vậy, phải tránh những cuộc tàn phá
vô ích, trái lại phải nỗ lực thương thảo và phải coi chiến tranh là giải pháp
cuối cùng.
·
Chắc chắn thành công: Nguyên tắc này khó áp dụng.
Tuy nhiên nó giúp người ta tránh những hành động nông nổi, thiếu khôn ngoan hay
cuồng vọng.
·
Tương xứng: Tiêu chuẩn này đòi hỏi phải cẩn trọng lượng
định những hậu quả tai hại về tinh thần và vật chất do chiến tranh gây nên với
những kết quả tốt đẹp mà cuộc chiến sẽ mang lại.
Quan niệm luân lý này không chủ ý soạn thảo một
binh thư hay một tiểu luận thần học để bênh vực chiến tranh, mà để tái lập trật
tự công bằng của hoà bình và xác định những yếu tố lý thuyết cần thiết ngõ hầu
hướng dẫn nhà cầm quyền trong việc chọn lựa một giải pháp chính trị nhân ái và
có trách nhiệm đối với con người cũng như đối với đất nước. Trong nhiều trường
hợp, việc áp dụng những nguyên tắc về “chiến tranh chính đáng” đã giảm thiểu những
cuộc xung đột giữa các vương quốc, tiểu vương hay thành thị. Thật vậy, theo thánh
Tôma, lý tưởng là bảo vệ và kiến tạo hoà bình. Chiến tranh luôn luôn là hạ sách
và chỉ nên sử dụng khi không còn giải pháp nào hay khi tất cả những giải pháp
thương thảo đã thất bại. Trong trường hợp ngoại lệ, chỉ được phép tuyên chiến
khi hội đủ những lý do chính đã nêu rõ ở trên.
Một số luật gia và thần học gia đã đưa thêm yếu tố
chống lại Thiên Chúa và Giáo hội như lý do chính đáng để tuyên chiến. Đây là một
hình thức biện minh và hợp thức hoá các cuộc “thánh chiến”, cũng như một số
“chiến tranh chiếm thuộc địa” của các nước Tây phương. Dĩ nhiên, có những thần
học gia không chấp nhận lối giải thích mở rộng này. Tuy nhiên, trong thực tại lịch
sử, đây là một quan niệm chung ở thời đó và vẫn tiếp tục tồn tại cho đến đầu thế
kỷ 20. Đức Gioan Phaolô II đã chính thức xin lỗi Thiên Chúa và nhân loại về những
lạm dụng đau thương trong quá khứ nhân danh những “cuộc chiến tranh chính nghĩa”
này.
3)- Quan điểm của Giáo huấn
xã hội Công giáo
Thế
kỷ 20 được coi là thế kỷ bạo tàn nhất trong lịch sử nhân loại. Hai cuộc thế chiến
đã tiêu diệt 50 triệu sinh mạng. Năm 1945, trái bom nguyên tử đầu tiên đã tàn sát
vỏn vẹn trong vài phút hàng trăm ngàn sinh mạng tại Hiroshima. Và sau thế chiến
II, 150 chiến tranh khác đã giết chết hơn 20 triệu người.
Ngay
từ năm 1915, đức Bênêdictô XV đã uỷ lạo các chiến binh và nhắc nhở các vị lãnh đạo
quốc gia đang lâm chiến về trách nhiệm lương tâm của họ. Giữa cảnh hoang tàn đổ
nát của thế chiến I, ngài ban hành thông điệp “Pacem Dei) (Hoà bình của Thiên Chúa) (1920). Trong thế chiến thứ II, qua các sứ
điệp Giáng sinh (từ 1939 đến 1957), đức Piô XII kêu mời các nhà lãnh đạo kiếm
tìm một nền hoà bình trong danh dự, đồng thời nêu lên các nguyên tắc luân lý để
tái thiết một thế giới công bằng và liên đới.
Suốt thời kỳ mệnh
danh là “chiến tranh lạnh”, hiểm hoạ chiến tranh hạt nhân luôn luôn ám ảnh và đe doạ sự sống còn của tất cả nhân loại. Quan
niệm cổ điển về chiến tranh tự vệ chính đáng không còn thích hợp với hoàn cảnh
một chiến nguyên tử. Tháng 10 năm 1962, khi xảy cuộc khủng hoảng về hoả tiễn ở
Cuba, đức Gioan XXIII đã tích cực góp phần cứu vãn thế giới khỏi thảm hoạ thế
chiến III.
Một năm sau, ngài
ban hành thông điệp “Hoà bình trên thế giới” để kêu gọi quyết tâm xây dựng một
nền hoà bình chống lại chiến tranh. Đây là thông điệp đầu tiên không những gởi đến
người Công giáo, mà còn gởi đến “tất cả những người thành tâm thiện chí” trên
thế giới. Thông điệp này gây một ấn tượng đặc biệt trong dư luận: tổng thống
Kennedy và tổng bí thư Khrouchtchev
thích thú đọc thông điệp này.
Giữa lúc các
phe đối lập đang hăm hở chạy đua võ trang và coi việc quân bình võ trang như yếu
tố quyết định để kiến tạo hoà bình, cụ già Gioan XXIII đặt ngược vấn đề và đề
nghị giải trừ vũ khí, bởi vì “nếu một nước vũ trang, thì các nước khác cũng phải
chạy theo để vũ trang như vậy. Và nếu một nước sản xuất vũ khí nguyên tử, các nước
khác cũng phải sản xuất vũ khí nguyên tử có khả năng tàn phá tương tự.
Kết quả, nhân
loại phải sống dưới nỗi lo sợ một trận cuồng phong có thể ập tới bất cứ lúc nào,
với sức tàn phá không thể tưởng tượng được. Bởi vì vũ khí đã có sẵn đó và rất
khó nghĩ rằng chúng ta luôn có những người đủ khả năng để ý thức trách nhiệm về
những tàn phá và khổ đau do chiến tranh gây nên. Cũng không loại trừ giả thuyết
một sự kiện bất ngờ và ngoài sự dự phòng nào đó có thể châm ngòi chiến tranh.
Ngoài ra, cần ý thức rằng, nếu giả như chiến tranh không xảy ra, nhờ chính sức
mạnh phá huỷ ghê gớm của vũ khí, thì cũng có lý để lo sợ rằng chỉ nguyên sự kiện
tiếp tục thử nghiệm nguyên tử với mục đích chiến tranh có thể dẫn đến những hậu
quả thảm khốc cho sự sống trên trái đất này” (Pacem in terris, 39).
Công đồng
Vatican II đào sâu và đẩy mạnh quyết tâm xây dựng hoà bình. Sau khi nhắc lại những
thảm hoạ của hai cuộc đại chiến, Hiến chế “Hội thánh trong thế giới hôm nay” viết:
“Sự phát triển khí giới khoa học làm cho chiến tranh tăng thêm độ ghê tởm và khốc hại khôn lường.
Thật vậy, hành động hiếu chiến đi đôi với việc sử dụng những khí giới này có thể
đưa đến những tàn khá lớn lao và khôn lường, do đó vượt xa giới hạn của việc tự
vệ chính đáng. Hơn nữa, nếu sử dụng tất cả những phương tiện hiện có trong các
kho vũ khí của các cường quốc, sẽ xảy ra một cuộc tương tàn hầu như triệt để. Mỗi
bên sẽ bị đối phương tận diệt. Đó là chưa kể đến những cuộc tàn phá xảy ra
trong thế giới và những hậu quả khốc hại do việc sử dụng những khí giới nói trên”.
Chính trong viễn tượng đó, Công đồng tuyên bố: “Mọi hành động gây chiến
nhằm tiêu diệt bừa bãi cả một thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với dân cư
ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Phải cực lực và không
ngần ngại lên án tội ác đó. (...). Để cho thảm trạng đó không bao giờ xảy ra, các
Giám mục trên toàn thế giới nhất trí tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là các
nhà cầm quyền quốc gia, cũng như nhữnng vị chỉ huy quân sự, hãy cẩn trọng lượng
định trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại” (GS., số
80).
Ngày
4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, đức Phaolô VI đã long
trong nhắc lại sứ mệnh cao cả của Liên Hiệp Quốc. “Quý vị hiện hữu và hành động
để nối kết các Quốc gia, (...) để liên kết nước này với nước khác. Quý vị là nhịp
cầu giữa các dân tộc. Quý vị là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc. Chúng tôi
dám nói rằng, trong một mức độ nào đó, đặc tính của LHQ phản ảnh trong lãnh vực
trần thế điều mà Giáo hội Công giáo của chúng tôi muốn thực hiện trong lãnh vực
tâm linh: duy nhất và phổ quát. Ơn gọi của qúy vị là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các Dân
tộc. Sứ vụ khó khăn, nhưng đó là sứ vụ, sứ vụ cao quý nhất của quý vị”.
Để
biểu lộ quyết tâm của Giáo hội đối với vấn đề công lý và hoà bình, năm 1967, đức
Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hoà bình”. Kể từ năm 1968,
ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế
giới”. Hàng năm cứ vào ngày 1 tháng giêng, ngài công bố một sứ điệp hoà bình và
sứ điệp này được dư luận lắng nghe.
Theo Giáo huấn xã hội Công giáo, công lý
giữ một vai trò quan trọng trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng ở thời đại chúng ta.
Tuy nhiên, dưới viễn quan Kitô giáo, công lý có
tương quan rất chặt chẽ với bác ái. Không thể có yêu thương đích thực nếu
thiếu vắng công lý, nhưng nếu vắng bóng
tình thương, công lý sẽ trở thành lạnh lùng, chai cứng, thiếu sinh khí và thiếu
con tim. Nó chỉ là một công lý chết.
Chính trong ý nghĩa đó mà Thượng Hội đồng các
Giám mục về “công lý trong thế giới hôm nay” đã xác quyết: “Không thể tách rời
công lý và tình yêu Kitô giáo đối với tha nhân. Bởi vì tình yêu bao hàm một đòi
hỏi tuyệt đối về công lý, nghĩa là việc nhìn nhận phẩm giá và những quyền lợi của
tha nhân; đồng thời công lý chỉ đạt tới sự viên mãn nội tại trong tình yêu. Với
xác tín rằng mỗi người đích thực là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và em của Đức
Kitô, người Kitô hữu nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa và yêu sách
tuyệt đối về công lý cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa”.
Với niềm xác tín đó, Giáo hội tận lực tranh đấu
cho công lý, nhưng không bao giờ dừng lại ở công lý. Trái lại Giáo hội luôn mời
gọi con người can đảm đi xa hơn công lý để vươn tới suối nguồn đích thực của nó
là tình yêu thương, lòng nhân ái, từ bi và tha thứ. Giáo chủ Gioan Phaolô II đã
diễn tả một cách sâu sắc mối tương quan sinh tử giữa công lý và tình thương như
sau:
“Lòng thương xót
đích thực theo một nghĩa nào đó, là suối nguồn sâu xa nhất làm phát sinh công lý.
Nếu công lý tự nó là thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan
tới sự phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có
tình yêu (bao gồm cả thứ tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót) mới
có thể trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót thật sự Kitô giáo,
theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa
người với người và do đó cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công lý vì trong
lãnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên
sự bình đẳng do công lý mang lại chỉ giới hạn ở lãnh vực của cải vật chất bên
ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại giúp con người có thể gặp gỡ nhau nơi
giá trị cao cả là chính con người, với phẩm giá riêng của mỗi người”[3].
Trong sứ điệp
“Ngày Hòa bình Thế giới” năm 1998, một lần nữa ngài đề cập đến mối tương quan đặc
biệt này: “Công lý vừa là một nhân đức luân lý vừa là một khái niệm pháp lý. Đôi
khi nó được biểu thị như một người mắt bít kín; thật ra, nhiệm vụ riêng của công
lý là sáng suốt và tỉnh táo để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ,
khuyến kích một sự chia sẻ đồng đều các trách nhiệm và phúc lợi. Công lý phục hồi
chứ không phá hủy, đưa tới hòa giải thay vì phục thù. Xét cho kỹ, ở trong chiều
sâu của nó, công lý bén rể trong tình yêu mà lòng thương xót là một biểu hiện có
ý nghĩa nhất. Vì thế, công lý tách khỏi tình khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng
và độc ác”.
Cũng
chính đức Gioan Phaolô II là một người
không ngừng tranh đấu cho nền hoà bình thế giới. Ngài tổ chức những buổi
“cầu nguyện liên tôn” cho hoà bình tại
Assisi. Cũng chính ngài đã đưa ra sáng kiến “ăn chay vì hoà bình”: năm 1986, ăn chay để kêu gọi giải trừ vũ khí
nguyên tử; 10 tháng giêng năm 1993 và 21 tháng giêng năm 1994, ăn chay cho hoà
bình tại Bosnia; ngày 14 tháng 12 năm 2001, sau biến cố 11-9 và trùng hợp với lễ
Ramadan của Hồi giáo, ăn chay để cầu
nguyện cho hoà bình thế giới.
Sứ
điệp về “Ngày Hòa bình Thế giới” năm 2002 mang một ý nghĩa đặc biệt, sau biến cố
11 tháng 9. Gioan Phaolô II khẳng định: “Không có hoà bình nếu thiếu công lý, cũng
chẳng có công lý nếu vắng bóng thứ tha: đó là điều chúng tôi muốn nhắc nhở tất
cả những ai đang nắm vận mệnh cộng đồng nhân loại, để làm sao trong những quyết
định trọng đại và khó khăn luôn để cho ánh sáng chân lý hướng dẫn, hầu mang lại
lợi ích cho con người”.
4- Cổ võ
hoà bình: Giữa những hồi trống trận!
Việc giải thể Liên bang Xô-viết và kết thúc chiến
tranh lạnh gieo niềm hy vọng về một thế giới hiệp nhất, an hoà và dễ sống hơn
cho mọi người. Nhưng nền hoà bình đích thực mà mọi người mong đợi vẫn chưa trở
lại. Nhân loại đã bước từ thời “chiến
tranh lạnh” sang giai đoạn “hoà bình
nóng”. Súng vẫn nổ và máu vẫn tiếp tục đổ ra qua những cuộc khủng bố và chiến
tranh vì lý do sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, kinh tế...
Nhờ những phương tiện truyền thông xã hội tối tân,
văn hoá và nếp sống Tây phương, đặc biệt của giới bình dân ở Mỹ, đã trở thành
“văn hoá toàn cầu”. Hiện tượng này gây âu lo cho nhiều người ở các nước chậm tiến.
Đặc biệt, nhóm toàn thống (fondamentalisme) và nhóm toàn thủ (intégrisme)
của Hồi giáo kịch liệt chống đối. Mỗi ngày, sự đối lập giữa chủ nghĩa Islam cực
đoan với hiện đại hoá và toàn cầu hoá càng rõ nét. Không những tiến bộ khoa học
kỹ thuật, mà toàn bộ quan niệm về dân chủ, nhân quyền, tự do, bình đẳng ... đều
bị họ lên án. Họ không nhần ngại chủ trương tiến hành thánh chiến (Djihad)
để thiết lập bá quyền của “Nhà Islam” (Dar el-Islam), không phải bằng đấu
tranh tư tưởng, mà bằng võ lực. Chiến tranh, đối với họ, bao gồm cả bạo lực khủng
bố lẫn tàn sát. Hơn mười năm sau, đọc lại câu nói của Ali Benhadji, cựu lãnh tụ
Mặt trận Hồi giáo Cứu rỗi Algérie (FIS), chúng ta vẫn cảm thấy lạnh người: “Lịng tin thật sự là lịng tin thúc đẩy tín đồ đi tới sự hy sinh
(...) Lịng tin, tín ngưỡng khơng được tưới bằng máu thì khơng lớn lên được, khơng
sống được. Các nguyên lí được củng cố nhờ những sự hy sinh, xả thân cảm tử và
tuẫn tiết vì Allah. Niềm tin lan truyền bằng tổng số các cuộc tàn sát và những
xác chết. Người chiến sĩ phải hy sinh thì sá gì : đĩ là người chiến thắng
"[4].
Vụ khủng
bố tập thể ngày 11-9-2001 là một biến cố làm hiển hiện dòng chảy ngầm của lịch
sử. Nó vượt khỏi quy mô của một hành động khủng bố đơn thuần để trở thành một hành
động thách thức, một lời tuyên chiến. Thật vậy, tổ chức Islam cực đoan Al Qaeda
nhân danh Allah toàn năng tuyệt đối và độc nhất tuyên chiến cả với “quân ngoại đạo”
lẫn “bọn phản đạo”. Oái ăm thay, cuộc “chiến
tranh trừng trị” đơn phương hay đơn phương liên kết chống khủng bố do Mỹ chủ
trương cũng vẫn luẩn quẩn trong cái logích và não trạng “thánh chiến” này!ù. Khi Tổng thống G. Bush tuyên bố: “Bắt đầu từ hơm nay, bất kỳ nước nào tiếp tục che chở hoặc giúp đỡ khủng
bố đều bị Hoa Kỳ xem như là một chính thể thù nghịch" (!), phải chăng đường lối của Hoa Kỳ cũng mang tính cường
điệu toàn thống? Phải chăng đã tiên thiên
ngầm lập lại phân biệt nhị nguyên cổ điển: 1) Mỹ là “tốt”, là “thiện”; 2)- chiến
tranh chống khủng bố là cuộc đấu tranh giữa Thiện và Ác; 3)- thành ra, ai không
đi theo ta là chống lại ta?[5]
Trong niềm háo hức phân biệt đen – trắng, thiện – ác
và chính – tà ấy, quan niệm chiến tranh
chính nghĩa cổ điển cũng đang được triệt để khai thác để phết lên một lớp sơn
chính nghĩa trên cuộc chiến chống Saddam. Áp
dụng học thuyết của Augustin, 40 trí thức sáng chói nhất của Mỹ đã ra tuyên ngôn gởi khắp nơi trên thế giới để gián
tiếp biện minh cho cuộc chiến này : " chiến
tranh chính nghĩa chỉ cĩ thể thực hiện do một chính quyền được cơng nhận là
chính đáng, cĩ trách nhiệm duy trì trật tự cơng cộng. Bạo lực suơng, nhắm lợi
mà bất cần nguyên tắc, hoặc do cá nhân gây ra, khơng bao giờ được đạo đức chấp
nhận ". Al Qaida rơi đúng vào định nghĩa đĩ. Nhưng Irak thì sao? Đặc biệt, đâu là vai trò của LHQ trong việc
giải quyết những tranh chấp quốc tế hôm nay?
Đối với Liên Hiệp Quốc, một tổ chức được khai sinh để
ngăn cản chiến tranh và suốt 57 năm qua không chiến tranh nào được coi là chính
đáng nếu không có con dấu của Hội đồng Bảo an, bản tuyên ngôn viết: " Cĩ người cho rằng [...] việc sử dụng vũ lực phải được một cơ
quan quốc tế, như LHQ, chấp nhận. Ðề nghị này chỉ cĩ tính cách giả thuyết.
Trước hết, đây là một điểm mới : về phương diện lịch sử, sự chấp nhận của quốc
tế chẳng bao giờ được các lý thuyết gia của chiến tranh chính nghĩa xem như một
địi hỏi chính đáng. Thứ hai, chẳng cĩ gì chứng tỏ rằng một cơ quan quốc tế như
LHQ là cơ quan cĩ khả năng nhất để quyết định lúc nào, và trong điều kiện nào,
việc dùng vũ lực là chính đáng... Biến LHQ thành hình bĩng mờ nhạt của một Quốc
gia để quy định việc sử dụng vũ lực quốc tế là một dự án tự sát ".
Những
nhận định này xem ra có thể áp dụng vào trường hợp Irak. Và cho cả những cuộc chiến tranh chống khủng bố khác triền miên
bất tận của ngày mai? Có điều chắc chắn là nếu áp dụng quan điểm này thì đương
nhiên người ta đã giải thể không những Hội đồng Bảo an, mà ngay cả Liên Hiệp Quốc
nữa. Nhiều bài diễn văn của tổng thống G. Bush đã đào sâu và xoáy mạnh vào cái
chính nghĩa của một chiến tranh trừng phạt. Từ trước đến nay, tự do vốn là lá cờ và con bài của chính
phủ Mỹ. Bây giờ tổng thống G. Bush kéo thêm công
lý: "Hoa Kỳ phải bảo vệ tự
do và công lý”. “Chúng
ta xây dựng một thế giới công lý”. Nhưng lấy gì đo lường công lý này? Ông Bush chủ trương dùng đạo đức để đo lường công lý, cho nên hai chữ đạo đức không rời khỏi
hàm răng của ông: " Có người cho rằng nói lên ngôn ngữ phải trái là thiếu ngoại giao hoặc thiếu lễ độ. Tôi không đồng ý. Hoàn cảnh khác nhau đòi hỏi
biện pháp khác nhau, nhưng không đòi hỏi đạo đức khác nhau".
Sứ quán Hoa Kỳ cạnh Toà thánh
Vatican đặc biệt mời ông Michael Novak – một người Mỹ gốc Ba Lan, được mệnh
danh là “thần học gia” của phái tự do
kinh tế – để công khai vận động cho “chính nghĩa” của cuộc chiến tranh trừng phạt
này. Ngoài những vận động ngầm tại chính thủ đô của Giáo hội Công giáo, Michael
Novak đã tuyên bố trong một cuộc diễn thuyết do Sứ quán Hoa Kỳ tổ chức rằng
trong hoàn cảnh của một “chiến tranh không tương xứng” (asymmetric) nhằm
sát hại nhiều thường dân vô tội bằng vũ khí sinh học, chiến tranh chống Irak nằm
trong phạm trù của “chiến tranh tự vệ”, bởi vì quân khủng bố đã tấn công Hoa Kỳ
và Tây phương. Do đó, đây là một “chiến tranh chính đáng chông lại một kẻ thù mới,
kẻ thù asymmetric”.
Giới Công giáo phản ứng mạnh mẽ phi
bác ý kiến của ông Novak. Hồng y Walter Kasper, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về
Hiệp nhất Kitô hữu, cực lực loại trừ việc sử dụng phạm trù cổ điển về “chiến
tranh chính đáng cho chiến tranh chống Irak. Dĩ nhiên, tôi không hề bênnh vực ông
Saddam Hussein, và cũng chẳng ai có thể làm điều đó. Nhưng vẫn còn cơ hội để giải
quyết vấn đề”. Hiệp hội các Bề trên thượng cấp của các Dòng tu cũng khẳng định
rằng “đứng trên bình diện luân lý, hành động quân sự chống lại Irak trong lúc này
không thể biện minh được”. Hội đồng Giám mục Hoa kỳ tái khẳng định bản tuyên bố
theo đó trong hoàn cảnh hiện tại cuộc
chiến chống Irak vẫn không hội đủ những điều kiện thiết yếu theo quan điểm Công
giáo để sử dụng vũ lực. Một số Giám mục và thần học gia cũng tán đồng quan điểm
này.
Trên diễn đàn thế giới, vấn đề chiến tranh Irak ngày càng trở nên sôi bỏng
hơn. Lập trường của Hoa kỳ thật dứt khoát và quyết liệt: Cũng như Al
Qaida, Saddam Hussein thách thức đạo đức.
Ông ta vi phạm những quyết định của Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, còn chứa chấp và
thông đồng với bọn khủng bố. Tội ác của y phải trừng trị. Nếu không ai làm, thì
Mỹ sẽ làm, dù là làm một mình và bất chấp quyết định của Hội đồng Bảo an. Với
Saddam, chỉ có chiến tranh mà thôi, làm khác đi là dung dưỡng tội ác. Truất phế
tên bạo tặc, chính là đạo đức. Với đạo đức đó, tổng thống Bush nhất quyết chủ
trương đánh Irak. Nếu Hội đồng Bảo an không ra tay, Mỹ sẽ tự giải quyết, cho dù
phải hành động một mình. Tuy nhiên cho đến nay, Mỹ vẫn chưa dám hành động một
mình, mà vẫn cần tư cách pháp lý của HĐBA. Chính vì vậy, Hoa kỳ công khai gây sức
ép trên Hội đồng Bảo an để sớm có một nghị quyết cho phép trừng phạt Saddam
Hussein bằng vũ lực.
Tổng thống Jacques Chirac cực lực phản đối giải pháp đơn cực của Hoa Kỳ và đề
nghị một trật tự thế giới đa cực, xây dựng trên luật pháp và đạo đức. Đối với
Irak, Pháp đồng ý phải giải gáp, nhưng trước tiên bằng phương pháp hoà bình và
thông qua công tác của các thanh tra vũ khí. Cần ủng hộ các thanh tra quốc tế và
cho họ thêm thời gian. Đức, Nga và Trung quốc ủng hộ lập trường này. Tại phiên
họp của Hội đồng Bảo an ngày 14 tháng 2, quan điểm của Pháp được 11 trên 15 thành
viên ủng hộ.
Trong khi đó, tại hàng trăm thành phố trên thế giới, dân chúng xuống đường
chống chiến tranh Irak. Đặc biệt ở Roma, số người tham dự lên tới khoảng 3 triệu,
Barcelona khoảng 2 triệu, Luân Đôn khoảng 1 triệu. Ngay tai Nữu Ước cũng có hàng
trăm ngàn người tụ họp trước trụ sở LHQ, bất chấp thời tiết băng giá. Bên cạnh
những biểu ngữ kêu gọi hoà bình, có thêm nhiều biểu ngữ và khẩu hiệu chống
chính sách của tổng thống G. Bush. Phong trào bài Mỹ lên cao. Không những mối tương
quan thân hữu giữa Hoa Kỳ và Âu châu có nguy cơ rạn nứt, mà sự hợp nhất của
chính Âu châu cũng bị đe doạ, vì vấn đề Irak.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Bruxelles, các nhà lãnh đạo Âu châu phải cố gắng
lắm mới đạt tới giải pháp thoả hiệp tối thiểu: cần giải giáp Irak bằng con đường
hoà bình, nhưng cũng không loại trừ việc xử dụng vũ lực khi cần thiết.
Lính Mỹ vẫn tiếp tục ồ ạt đổ bộ lên vùng Vịnh. Cùng với Anh và Tây Ban Nha,
Hoa Kỳ lại công bố một bản dự thảo Nghị quyết mới đề nghị cấp tốc phải giải quyết
vấn đề bằng chiến tranh. Càng để lâu càng làm lợi cho con cáo già Saddam
Hussein. Lập tức Pháp, Đức và Nga phổ biến một kế hoạch mới nhằm giải giáp Irak
bằng biện pháp hoà bình. Trung Quốc tuyên bố sẽ ủng hộ kế hoạch này. Các thành
viên khác còn đang lưỡng lự.
Trống trận mỗi lúc một mạnh hơn. Chấn động cả địa cầu. Tưởng chừng như chiến
tranh đang ập tới! Nhưng đức Gioan Phaolô II vẫn hy vọng, kiên trì và kiên cường
tranh đấu cho một giải hoà bình. Ngài không ngần ngại gởi đặc sứ sang Bagdad để
đề nghị một giải pháp hoà bình, đồng thời kêu gọi Irak thi hành nghiêm chỉnh
Nghị quyết 1441 của LHQ. Tổng thống Saddam Hussein trân trọng đóùn nhận sứ điệp
do Hồng y Etchegaray đích thân mang đến và gởi phó thủ tướng sang gặp đức Giáo
chủ.
Có lẽ nhiều người
ta đang trông chờ một kết quả cụ thể hơn. Ít nhất đã ló dạng một dấu hiệu của
hy vọng: Irak bắt đầu phá huỷ hoả tiễn Al Samoud, theo lời đề nghị của LHQ. Các
thanh tra coi đây là một bước tiến tích cực. Pháp đề nghị ủng hộ các thanh tra
và gia tăng thêm thời hạn. Nhưng Hoa Kỳ vẫn cho là một hành động lừa đảo của
Saddam Hussein để câu giờ. Cần phải ra tay ngay và phải lật đổ bằng được Saddam
Hussein, một trong những cựu đồng minh của Hoa Kỳ. Nga doạ sẽ dùng quyền phủ
quyết nếu Mỹ tuyên chiến!
Đối với quan điểm
của Gioan Phaolô II, phát ngôn viên của toà Bạch Ốc tuyên bố rằng “Vatican được
nhìn nhận là một Nước có chủ quyền”. Do đó, “theo lịch sử đức Giáo chủ có một vai trò quan trọng trong
lãnh vực đối thoại quốc tế và có quyền tham dự vào đó”, tuy nhiên tổng thống
Bush “sẽ lấy quyết định dựa trên những gì thích hợp nhất để bảo vệ người Mỹ”.
Bất chấp tất cả,
Vatican vẫn tiếp tục vận dụng tất cả khả năng để duy trì hoà bình. Vỏn vẹn chỉ
trong vòng gần ba tuần lễ cuối tháng hai, đức Gioan Phaolô II đã tiếp Bộ trưởng
ngoại giao Fischer (Đức), phó thủ tướng
Aziz (Irak), tổng thơ ký LHQ Kofi Annan, thủ tướng Tony Blair (Anh), thủ tướng J.M. Aznar (Tây Ban Nha), phó chủ tịch
quốc hội Iran để nhận một mật thơ của tổng thống Khatami và ngày mồng 3 tháng 3
sẽ gởi đặc sứ sang Washington để trao lá thơ riêng của ngài cho tổng thống G.
Bush.
Ngỏ lời với các
tín hữu vào giờ Truyền tin, chủ nhật 23, đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Đừng
bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ để cho tương lai của nhân loại được bảo vệ
bằng khủng bố và bằng lôgích của chiến tranh”. Theo ngài, “nhiệm vụ của tất cả
các tín đồ, bất chấp thuộc tôn giáo nào, là phải thâm tín rằng không bao giờ chúng
ta có hạnh phúc khi nhóm này chống lại nhóm khác”. Đối diện với hiểm họa chiến
tranh có thể tàn phá miền Cận Đông và làm gia tăng những căng thẳng hiện hữu trên
thế giới, ngài tuyên bố chọn ngày mồng 5 tháng 3, tức thứ tư Lễ Tro, làm ngày ăn chay và cầu nguyện cho hoà bình.
Nhật báo
Corriera della Sera, một tờ báo đời và khuynh hữu, trong số ra ngày 24 tháng 2,
ở trang nhất có một hí hoạ: tổng thống Busch, mặc đồ trận và võ trang đầy mình,
đang ngồi kéo tay với cụ già Gioan Phaolô II. Một con chim hòa bình đậu phía
sau, khích lệ: “Cố lên Wojtyla, Thiên Chúa
ở cùng ngài”.
“Còn nước còn tát”, cổ nhân ta thường nói thế.
Người Mỹ châu La tinh cũng có một ngạn ngữ tương tự: “Hy vọng là cái cuối cùng
phải đánh mất” hay “hy vọng chính khi không còn hy vọng” (Roma, ngày 1-3-2003)
[2] Xem Gioan Phaolô II, Discours aux
travailleurs de Civita Vecchia, 19-3-1987, in Osservatore Romano, 20 – 3- 1987.
[3] Gioan
Phaolô II, Thiên Chúa Giàu lòng thương xót, số 14.
[4] Xem B.R. Barber, Djihad versus McWorld, Desclée de Brouwer, Paris,1997.
[5] Điều bất ngờ là ông George Soros, một tài
phiệt người Mỹ lừng danh trên thế giới, cũng gọi tổng thống Bush là đế quốc:
“Tổng thống (Bush) sai lầm khi nói rằng những ai không theo chúng ta là chống
lại chúng ta”. Đó là một quan niệm đế quốc theo đó Hoa Kỳ truyền lệnh và những
người khác nghe theo”.