Nguyễn đăng Trúc
Khổ đau, bi thảm, số mệnh là những
thành ngữ diễn đạt những cảm thức uyên nguyên của con người trong hầu hết các
truyền thống văn hóa. Thế nhưng qua khúc quanh kỳ lạ, mà nhiều người tôn vinh là
phép lạ Hy Lạp, biến cố con người tuyên dương mình là thước đo của chính mình,
biến cố khai sinh tư tưởng triết học, chúng lại được xếp vào vùng đất của khả
giác, nghĩa là là vùng đất tách lìa khỏi vùng trời tư tưởng. Phải đợi đến hơn
hai mươi thế kỷ sau, nghĩa là vào thế kỷ 18 và 19 truyền thống văn hóa tây phương,
đặc biệt nơi Hegel và Nietzsche, người ta mới khám phá lại sự hiện diện của khổ
đau và bi thảm như những yếu tố quan trọng trong tư tưởng triết học. Nhưng cũng
như lúc ban đầu Platon đã gặp Socrate và biến Socrate thành nhà thông thái, thành
vị tiên phong của triết học, nay triết học nhìn lại quá khứ và tiếp cận với bi
kịch Hy lạp, nhưng với tiền kiến chân lý là tự thân, đã sớm hội nhập khổ đau cũng
như bi kịch vào thành những hệ thống triết học mới trong lòng truyền thống triết
học.