Erich Follath và Holger Stark (Der Spiegel 45/2009).
Phạm Hồng-Lam lược dịch.
Cuối tháng 6.2015 này năm quốc gia trong Hội Đồng Bảo An
LHQ và nước Đức sẽ kí với Iran một hiệp ước, qua đó Iran sẽ phải giới
hạn việc phát triển khả năng nguyên tử và chấp nhận cho quốc tế tới kiểm
soát các nhà máy nguyên tử của mình. Đối lại, Hoa-kì và tây phương sẽ
dỡ bỏ lệnh cấm vận. Như vậy, cuộc đàm phán gay go nhất thế giới từ 10
năm nay sẽ được chấm dứt.
Câu chuyện sau đây, một cách nào đó, cũng có liên hệ với chuyện nguyên tử của Iran.
Giòng sông Euphrat xanh lam lững lờ trôi qua thị trấn Deir al-Sor
(“Tu viện giữa rừng”). Nông dân làm lụng trên những cánh đồng. Chăn lông
lạc đà, đậu và các loại rau thơm được bày bán trên các sạp chợ. Thỉnh
thoảng có những đoàn khảo cổ ghé thị trấn này để kiếm tìm những dấu tích
còn lại của các thành phố cổ; nhiều sắc dân còn để lại dấu vết nơi đây,
như dân Parther, Sassanid, Rôma, Do-thái, Osman và các ông bà bảo hộ
Pháp, mới rút đi từ 1946. Deir al-Sor là lối ra cuối cùng trước khi đi
vào sa mạc mênh mông, không người ở, với những núi đồi đầy vết nứt,
những hang động không lối vào. Vùng đất chết.
Nhưng vào một đêm hai năm trước đây – người ta xầm xì với nhau bên
bàn điếu cày, sau khi nhìn trước nhìn sau không thấy bóng một sĩ quan
quân đội hay công an nào cả, vì ai cũng hiểu rằng, ăn nói không giữ gìn
trên đất nước này có thể mang hoạ vào thân – đã xẩy ra một chuyện động
trời.
Dân Deir al-Sor bảo, họ thấy một tia chớp sáng rực lên nơi sa mạc
phía xa. Người khác cho hay, họ thấy một cột khói khổng lồ nổi lên như
ngón tay trỏ đe doạ bên giòng Euphrat. Đoán già đoán non. Các cụ gìa
ngồi trong quán ăn Dschisr al-kabir gần Cầu Lớn thì lại bảo đó là một
dấu hiệu từ trời gởi xuống.
Chuyện gì đã thật sự xẩy ra trong đêm? Nhiều huyền thoại đã được dân
địa phương thêu dệt. Nhưng thế giới tây phương với các loại máy dò hiện
đại, với những phương tiện truyền thông tân tiến cũng chẳng biết gì hơn.
Sự việc xẩy ra trong đêm mùng 6 tháng 9 năm 2007 nơi sa mạc cách thị
trấn Deir al-Sor 130 cây số là một trong những bí mật gay cấn nhất của
lịch sử hiện đại.
Chiều hôm đó, lúc 14 giờ 55, hãng thông tấn Sana ở Damaskus (Siri)
loan tin: chiến đấu cơ do-thái “đã xâm phạm không phận Siri vào khoảng
lúc một giờ đêm”, chúng tiến vào từ phía biển Địa Trung. “Không quân của
ta đã buộc chúng phải quay trở lại, sau khi chúng thả một vài trái bom
xuống vùng sa mạc, mà chẳng gây ra thiệt hại nhân mạng và vật chất nào”.
Mãi tới hơn nửa ngày sau mà sự kiện vẫn không được thông tấn thông báo
rõ ràng gì thêm. Tới 18 giờ 46, người phát ngôn quân sự của Do-thái cho
hay: “Bản tin của Sana hoàn toàn vô căn cứ”.
Siri và Israel, hai nước nằm trong tình trạng thù địch và chiến tranh
với nhau kể từ ngày lập quốc Do-thái năm 1948 tới nay, đã hãm mình giữ
kín câu chuyện – cho tới nay. Nhưng với thời gian, sự việc cũng được lần
hồi sáng tỏ. Không phải phi đội do-thái đêm đó thả mấy trái bom xuống
vùng đất trống trong sa mạc, nhưng đã san bình địa một tòa nhà lớn bí
mật của Siri.
Phải chăng đó là một lò nguyên tử sắp hoàn thành? Trong toà nhà bí
mật đó có chuyên viên nguyên tử Bắc Hàn, mà cũng có thể có cả chuyên
viên nguyên tử của Iran nữa, làm việc? Khi nào thì Israel biết được sự
hiện diện của toà nhà và tại sao họ lại liều lĩnh thực hiện một cuộc
oanh tạc kín đáo như vậy? Có phải đấy là lời cảnh cáo nhắm tới Iran, hãy
xem đó, nếu không chịu bỏ chương trình nguyên tử thì cũng sẽ mang hậu
quả như thế?
Tuần báo chính trị Spiegel ở Đức trong mấy tháng qua đã cố tìm hiểu
bí mật trong sa mạc đó. Các kí giả đã nói chuyện với những nhà chính trị
và chuyên viên quan trọng nhất như tổng thống Siri là Baschar al-Assad,
chuyên viên tình báo hàng đầu của Do-thái Ronen Bergman, với giám đốc
cơ quan kiểm soát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc Mohamed El-Baradei, với
David Albright, chuyên viên nguyên tử nhiều ảnh hưởng ở Mĩ. Họ cũng đã
tiếp chuyện được với những người trong cuộc, giờ đây những người này
được phép thố lộ một số chi tiết, nhưng xin vẫn giữ kín danh tính. Những
mảnh kiến thức góp nhặt, tuy chưa giải đáp được hết mọi bí ẩn, nhưng
cũng tạm đủ để mô tả nét chính những gì đã xẩy ra.
Tel Aviv, dẫy nhà kín đáo núp dưới những tàng cây khuynh
diệp: tổng hành dinh cơ quan tình báo hải ngoại Mossad của Israel, cuối
2001. Trong khuôn vườn nhỏ có dựng tấm bia cẩm thạch màu xám
tưởng niệm những người đã bỏ mình đang khi thi hành công tác trên đất
địch, tổng số đã 400, nhưng tấm đá vẫn còn nhiều chỗ để khắc thêm tên.
Bên trong dẫy nhà chính, các phân tích gia tình báo do-thái đang cùng
nhau tìm hiểu về con người của vị tân tổng thống Siri.
Tháng bảy năm ngoái, Baschar al-Assad lên ghế tổng thống thay cha vừa
mới mất. Ông này nguyên là một bác sĩ về mắt, 34 tuổi, chưa có kinh
nghiệm chính trị, từng sống nhiều năm ở London. Do-thái xem Baschar
al-Assad là một lãnh tụ non yếu. Nhưng Baschar lại khó chơi, vì tâm tính
dễ thay đổi, không như cha của ông là Hafis al-Assad, người rất thực
dụng và từng được coi là “Sư tử” của vùng trung đông. Ông này, trước khi
chết, đã tính làm một cuộc đổi chác lớn với Do-thái để lấy lại phần đất
Golan đang bị Do-thái chiếm đóng.
Israel nhận định: Assad con đang cố tạo thanh thế và uy tín, bằng
cách giúp ồ ạt vũ khí cho nhóm dân quân Hisbolla ở Libanon. Hisbolla
được Iran hỗ trợ và khuyến khích bạo động chống lại “bọn do-thái cướp
đất”. Assad tiếp đón nhiều đoàn quan khách cấp cao từ Bắc Hàn. Mossad
nắm chắc đấy là những cuộc thảo luận với mục đích tiếp tục vũ trang cho
Siri. Bình-nhưỡng trước đây cũng đã giúp Damaskus chế hoả tiễn tầm trung
và các vũ khí hơi độc như Sarin hoặc mù-tạt. Quân báo do-thái cho biết
hai bên đang nói chuyện về một kế hoạch nguyên tử. Nhưng tình báo hải
ngoại Mossad không tin chuyện này.
Một nhà máy chế bom nguyên tử ngay trước mũi Do-thái? Ai có thể tin được một toan tính liều lĩnh như thế!
Lại nữa: đầu thập niên 90, Assad cha đã lắc đầu khước từ món hàng của
Abdul Kadir Khan, “cha đẻ bom nguyên tử” của Pakistan, khi ông này kín
đáo chào hàng các máy li tâm để biến chế Uran. Ngoài ra Do-thái cũng
thừa hiểu sự tốn kém và tiến trình phức tạp của việc chế bom nguyên tử,
vì trong thập niên 60, họ cũng đã qua mặt thế giới mua Uran cho phòng
thí nghiệm bí mật của họ ở Dimona chế bom nguyên tử. Để cản Sadam
Hussein (Irak) làm theo, vào một đêm tháng 6 năm 1981, Do-thái đã bất
chấp luật quốc tế cho máy bay phản lực F-16 tiến vào không phận Irak và
phá bình địa nhà máy nguyên tử Osirad gần Bagdad.
Do-thái dùng phương pháp châm chích để thử lửa Assad con,. Năm 2003,
họ nhiều lần cho thả bom những đồn bót Siri gần biên giới; tháng 10 năm
đó, máy bay do-thái cố tình bay ngang qua ngay dinh tổng thống Assad:
một hành động cao ngạo, khiến ngay cả nhiều nhân viên Mossad cũng lắc
đầu: không biết rồi anh chàng bị nhục đó sẽ phản ứng ra sao?
Có lẽ công trình ở Euphrat được bắt đầu xây dựng đâu đó trong thời
gian trước sau 2003. Vào đầu năm 2004, tình báo hoa-kì NSA ghi nhận có
độ đặc điện đàm khả nghi giữa Siri và Bắc Hàn, các cuộc điện đàm đặc
biệt xuất phát từ vùng sa mạc al-Kibar tới Bình-nhưỡng. Tin tức này được
chuyển cho cơ quan quân báo chuyên phân tích điện đàm “8200” của
Do-thái và họ đã, nói theo ngôn ngữ tình báo, “cắm cờ” vùng sa mạc
al-Kibar.
Cuối 2006 quân báo do-thái quyết định thỉnh í tình báo Anh về í nghĩa
của công trình ở Euphrat. Nhưng sự thể chưa có gì rõ ràng cả. Gần như
cùng lúc phái đoàn do-thái sang Anh, một công chức cao cấp của chính
quyền Siri cũng sang nước này và ngụ tại một khách sạn trong khu sang
trọng Kensington. Ông này đang bị Mossad theo dõi. Và ông đã hành động
lơ là một cách khó có thể tin được. Ông để lại chiếc vi tính của mình
trong phòng khách sạn. Mossad đã nhân cơ hội cho vào máy một chương
trình đánh cắp dữ kiện.
Trong máy chứa nhiều đồ án xây dựng, nhiều thư từ và hàng trăm bức
hình. Các hình ảnh cho thấy cơ ngơi ở al-Kibar trong từng giai đoạn xây
dựng. Có lẽ nó được bắt đầu xây vào năm 2002 – các hình ảnh không ghi
thời điểm. Lúc đầu, công trình giống như một toà nhà chứa cây nhiều
từng, với nhiều đường ống khả nghi dẫn tới một trạm bơm gần sông
Euphrat. Về sau, nhiều cột bê-tông được dựng lên với nhiều mái che; các
mái che chỉ có một mục đích là đánh lạc hướng hình chụp từ trên không
xuống. Rốt cuộc, toà nhà xem ra giống như một hộp chứa giày, mặt trên có
hơi vung lên một chút. Nhưng bên trong là lò nguyên tử.
Một tấm hình cho thấy có hai người, một người á châu bận quần thể
thao màu xanh đứng bên một ông ả-rập. Mossad nhận diện ra ngay: Chon
Chibu và Ibrahim Uthman. Chon là một trong những chuyên viên nguyên tử
hàng đầu của Bắc Hàn, có thể là kĩ sư trưởng của nhà máy Plutonium ở
Yongbyon; Uthman là chủ tịch Uỷ ban nguyên tử năng của Siri.
Không những quân báo Israel, mà cả cục tình báo hải ngoại Mossad giờ
đây báo động đỏ: Thủ tướng Ehud Olmert được thông báo tin. “Lò sắp sửa
đi vào hoạt động hay chưa? Cần hành động ngay chưa?” ông hỏi. Chưa rõ.
Thủ tướng cần thêm tin chính xác, tốt nhất từ nguồn trực tiếp.
Istanbul (Thổ-nhĩ-kì), căn “nhà an toàn” của Mĩ, nơi chăm sóc và “vắt nước” những người hồi chánh cao cấp, tháng hai 2007.
CIA và Mossad bắt được một chú cá mập hiếm có: Ali Resa Asgari, 63
tuổi. Trong thập niên 80, Asgari là chỉ huy trưởng Đội Phòng vệ Cách
mạng ở Libanon. Giữa thập niên 90 làm thứ trưởng quốc phòng Iran, dưới
thời tổng thống cởi mở Mohammed Chatami. Sau khi diều hâu Mahmud
Ahmaddinedschad được bầu lên tổng thống năm 2005, ông bị thất sủng. Vì
ông thẳng thừng tố cáo một số người chung quanh Ahmadinedschad tham
nhũng, nên mạng sống của ông bị đe doạ.
CIA bảo rằng, cuộc vượt thoát của Asgari do họ tổ chức kéo dài nhiều
tháng và rất công phu. Nhưng Amir Farschad Ebrahimi, cựu tuỳ viên báo
chí của Iran ở Beirut, quen biết Asgari từ nhiều năm và đã tị nạn sang
Berlin năm 2003, cho Spiegel hay, Asgari đã hai lần liên lạc với ông về í
muốn tị nạn trong những tháng cuối năm 2006, lần đầu từ Iran và lần thứ
hai từ Damaskus. Thông qua một tổ chức đưa người, Asgari đã vượt qua
được biên giới thổ-nhĩ kì vào một đêm tối. Chính tại Istanbul, Ebrahimi
đã thông tri cho CIA và “chuyển giao” bạn mình cho Hoa-kì.
Từ đây, các nguồn tin lại ăn khớp nhau trở lại: Asgari nói năng như
thác đổ. Đúng là một mỏ vàng cho CIA và Mossad. Tình báo mĩ và do-thái
mở tròn mắt, khi Asgari cho hay, ngoài lò nguyên tử đã biết ở Natans,
Iran đang xây thêm một lò bí mật. Ngoài ra, Iran đang bỏ tiền để cùng
với Bắc Hàn chung tay dựng một lò nguyên tử tuyệt mật ở Siri, nhưng địa
điểm chính xác ở đâu thì ông không biết.
Sau ít ngày, Asgari được chuyển tới trung tâm quân sự hoa-kì ở Đức,
rồi sang Mĩ. Sau đó, Ebrahim có nhận được tin của Asgari hai lần, một
lần ở Washington, một lần “đâu đó ở Texas”, ông nhờ Ebrahim nhắn với vợ
là ông vẫn bình an. Và rồi biệt tăm tin tức. Chính quyền hoa-kì đã tạo
cho Asgari một hiện hữu mới. Ali Resa Asgari không còn trên đời này nữa.
Trong khi đó, Iran loan tin, Asgari bị Mossad bắt cóc và có thể đã bị
giết.
Tin tức được chuyển đều đặn tới thủ tướng Olmert. Tháng 3.2007,
Olmert mời ba chuyên viên cao cấp của giới chính trị, quân sự và tình
báo tới giúp ông í kiến về chương trình nguyên tử của Siri. Ông bắt họ
thề tuyệt đối giữ bí mật. Ông cần có những kết quả. Ông muốn tìm cách
lôi Hoa-kì về phía mình. Nếu không, chỉ cần Mĩ im lặng đồng í để cho
phản lực cơ của ông bay qua gần căn cứ của Nato ở Thổ.
Tháng 8, tướng Jaakov Admiror, phát ngôn viên của nhóm ba người được
mời, gởi phúc trình cho thủ tướng, trong đó cho hay Mossad còn chần chừ
về các tin tức về al-Kibar, riêng nhóm của ông đồng í hành động, vì theo
họ, al-Kibar là một đe doạ cho quốc gia do-thái. Nhóm này đưa ra bằng
chứng có sự cộng tác giữa Siri và Bắc Hàn, và cả Iran nữa: Mohsen
Fachrisade Mahabadi, đứng đầu chương trình bí mật “111” về võ trang tên
lửa mang đầu đạn nguyên tử của Iran thăm Damaskus năm 2005. Tổng thống
Ahmadinedschad thăm Siri năm 2006, hình như trong chuyến thăm này, ông
đã hứa giúp Siri 1 tỉ mĩ kim để gấp rút hoàn thành chương trình.
Al-Kibar có thể là một “trung tâm thay thế” cho lò nước nặng của Iran
đang xây ở Arak. Nếu việc chế bom theo quy trình ở Arak không thành thì
sẽ dùng quy trình của al-Kibar.
Thủ tướng Olmert chấp nhận một kế hoạch đầy nguy hiểm: Mở chiến dịch
tìm dấu vết trên đất địch. Trong một đêm tối trời và đầy mây tháng
8.2007, hai chiếc trực thăng chở các toán biệt kích băng biên giới Siri,
bay là đà trên mặt đất trực chỉ al-Kibar. Họ mang theo máy dò và cố lấy
cho được những mẫu đất trong vùng để nghiên cứu. Nhưng chiến dịch đã
phải chấm dứt sớm hơn dự tính, vì bị phát giác. Kết qủa các mẫu đất lấy
được chưa cụ thể lắm, nhưng phe hành động quả quyết, chừng đó đã đủ minh
chứng cho sự có mặt của chương trình nguyên tử rồi.
Tướng Amidror nhận ra những dấu hiệu cho thấy việc xây al-Kibar đang
được gấp rút tiến hành. Ông kể, trên chiếc tàu mang tên “Gregorio” khởi
hành từ Bắc Hàn tháng 9.2006, bị chận ở đảo quốc Zyper, có chở theo
những ống kim loại khả nghi cho Siri. Đầu tháng 9.2007, tàu hàng
“al-Ahmad” xuất phát từ Bình-nhưỡng cập bến Tartus ở Siri, theo Mossad
cho biết, có mang theo một kiện hàng Uran.
Thủ tướng Olmert nhất quyết hành động, dù thế giới lúc đó đang ở
trong tình trạng căng thẳng với khủng hoảng ở Irắc và cuộc chiến trên
giải Gaza. Olmert thông báo cho Stephen Hardley, cố vấn an ninh quốc gia
của tống thống Hoa-kì hay về quyết định của mình, rồi ra lệnh cho ban
tham mưu toàn quyền hành động. Chiến dịch “Vườn cây trái” (“Orchard”) mở
màn.
Căn cứ không quân Ramat David, phía nam Haifa, ngày 5 tháng 9 năm 2007.
Phi đội 69 “Raam” (“Sấm”) gồm mười chiếc oanh tạc cơ loại F-15I được
lệnh rời phi đạo lúc 23 giờ (xem hình 1). Một cuộc thao dượt khẩn cấp
bình thường. Tất cả lấy hướng tây, bay ra biển (2) . Sau nửa giờ bay, ba
chiếc được lệnh trở về, bảy chiếc còn lại đổi hướng, hạ thấp cao độ,
tiến vào biên giới Siri. Ở đây, họ dùng tên lửa điều khiển bằng điện tử
dập tắt một đài ra-đa (3), rồi bay tiếp thêm 18 phút nữa tới không phận
al-Kibar (4). Toạ độ nhà máy al-Kibar đã được chấm từ trước trong máy vi
tính của phi cơ. Bom 500 kí đã phá huỷ trong chớp nhoáng toàn bộ công
xưởng. Mọi diễn tiến đều được quay phim để thẩm định…
Vừa khi nhận được tin “mục tiêu đã bị phá huỷ”, thủ tướng Olmert liền
gọi điện cho thủ tướng Thổ-nhĩ kì Recep Tayyip Erdogan để trình bày sự
việc. Ông yêu cầu Erdogan thông báo cho Assad ở Damaskus hay rằng,
Israel không thể chấp nhận một lò nguyên tử mới; rằng ngoài việc phá huỷ
al-Kibar, Israel không dự tính một kế hoạch quân sự nào thêm cả; rằng
Israel không muốn làm to chuyện và vẫn muốn tiếp tục bàn chuyện hoà bình
với Damaskus; rằng nếu Assad không làm lớn chuyện thì Israel cũng sẽ
lặng lẽ cho qua.
Và như thế, câu chuyện xẩy ra trong vùng sa mạc al-Kibar rơi vào im
lặng bí ẩn. Nhưng nó đã không chìm đi trong hư vô, vì rồi đây người này
sẽ dần mang nó ra ánh sáng, người khác thì tìm cách trả thù.
Washington D.C, “Viện nguyên tử” nằm cách Toà bạch ốc khoảng
một cây số; một Viện độc lập, nhưng lại quan trọng hơn nhiều Bộ của
chính quyền Mĩ. Cuối tháng 10.2007. Chủ Viện là David Albright,
58 tuổi, tốt nghiệp ngành vật lí, đã một thời là chuyên viên kiểm tra
vũ khí của Liên hiệp quốc ở Irắc. Albright không những đã biến Viện của
mình thành một cơ quan nghiên cứu và cố vấn lên hàng đầu, mà í kiến của
ông về lãnh vực nghiên cứu nguyên tử cũng trở nên có một không hai ở Mĩ.
Sau khi nghe tin về vụ thả bom ở al-Kibar, suốt bốn tuần lễ Albright
và đồng viện đã nghiên cứu các bức hình do vệ tinh chụp vùng al-Kibar.
Họ lục lọi trên màn ảnh cả một diện tích 25 ngàn cây số vuông – và họ đã
tìm ra được toà nhà bị đánh bom.
Tháng 4.2008, CIA bất ngờ mời Albright tới trao đổi. Họ đưa cho
Albright xem lô hình về công trình al-Kibar mà Mossad đã lấy được từ máy
vi tính của công chức Siri. Albright so sánh từng chặng phát triển của
toà nhà. Ông nắm vững các chi tiết máy móc và xây dựng của lò hạch nhân
Yongbyon, Bắc Hàn. “Không còn nghi ngờ gì nữa, cấu trúc ở Siri đúng là
một lò nguyên tử”, Albright khẳng định.
Tại sao CIA lại hỏi í kiến ông? Albright nghĩ có lẽ là do hậu quả
thất bại của họ trong vụ Irắc, nên giờ đây họ muốn có sự chắc chắn.
Nhưng al-Kibar lấy Uran từ đâu để hoạt động? Phải chăng ngoài Bắc Hàn
ra, cò có sự nhúng tay của Iran? Và toà nhà ở al-Kibar là một công trình
mới xây hay đã có từ lâu và mới được sửa thêm?
Wien, đường Wagramer, nơi đặt văn phòng điều tra nguyên tử của Cơ quan nguyên tử năng quốc tế (IAEA).
150 trong số 192 nước trên thế giới hiện là thành viên của IAEA và hầu
hết trong số thành viên này đều đã kí tên vào hiệp ước chống phát triển
và phổ biến vũ khí nguyên tử. Theo đó, những thành viên nào đã có nguyên
tử rồi thì không được chế thêm, trái lại phải tìm cách giảm bớt; còn
những ai chưa có thì không được chế. Ba nước không kí: Israel, Pakistan,
Ấn-độ, cả ba đều có vũ khí nguyên tử.
Những nước thành viên, chẳng hạn như Siri và Iran, đều có quyền được
LHQ hỗ trợ trong việc sử dụng nguyên tử năng cho mục đích hoà bình. Đối
lại, họ phải để cho IAEA tự do đến điều tra. IAEA có 2200 nhân viên với
ngân khoản gần 300 triệu đô-la mỗi năm. Tổng giám đốc là Mohamed
ElBaradei, 67 tuổi, giải Nobel hoà bình năm 2005, đã thở dài khi nói
chuyện với Spiegel vào tháng 5.2009. Ông phàn nàn, nhiều khi nhìn lại,
ông thấy công việc của mình như công dã tràng. Số là ông luôn gặp phải
sự thiếu thiện chí của một số nước. Trước đây, Libi và hiện nay Bắc Hàn,
Iran là những nước có vấn đề. Giờ như vậy lại thêm Siri. Câu chuyện
al-Kibar như một cú sốc đối với ông.
Ông nói: “Israel đã hành động ngược lại luật pháp quốc tế. Lẽ ra, khi
biết có lò nguyên tử bất hợp pháp, họ phải báo cho chúng tôi”..”Giờ
chuyện đã rồi, làm sao chúng tôi có thể tìm được dấu vết trong đống tro
tàn!”.
Tháng 6.2008, nhóm chuyên viên IAEA tới al-Kibar điều tra. Sau bao
nhiêu khó khăn, cuối cùng IAEA đã được phép tới đó. Siri bảo đó là một
nhà máy vũ khí quy ước, không cần phải khai báo cho ai cả. Họ đã cho dọn
sạch dấu vết và trám xi-măng toàn bộ mặt bằng. Nhóm điều tra đã lấy mẫu
đất và những mảnh ống kim loại còn lại cẩn thận mang về phòng thí
nghiệm ở Wien. Kết qủa cho thấy rõ ràng có sự hiện diện của chất phóng
xạ Uran. Siri bảo, chất xạ đó là do bom do-thái tạo ra. Một lí chứng
được IAEA coi là “ít khả năng xẩy ra”.
Trong phúc trình mới nhất tháng 6.2009, IAEA đòi buộc Siri phải cho
họ kiểm tra thêm hai nhà máy có liên hệ với al-Kibar, vì “các dấu hiệu
và các khả năng chứa nước lạnh của hai nhà máy đó rất giống với lò
nguyên tử”. Nhưng Siri “đã không cung cấp cho chúng tôi những sáng tỏ,
như chúng tôi đòi hỏi”, El Baradei bực dọc nói. Nhưng ông cũng hi vọng
rồi ra Siri sẽ để cho nhân viên của ông tới kiểm tra.
Chúng tôi tìm đến vị tướng vui vẻ Mohamed Sulaiman, 49 tuổi, người
thân tín của tổng thống Assad và có trách nhiệm về mọi “vấn đề an ninh
nhạy cảm” của quốc gia. Nhưng ông không còn có thể tiếp đón chúng tôi.
Tên ông hiện nằm trong danh sách ưu tiên theo dõi của Israel. Cũng như
tên của Imad Mughnija, 46 tuổi, chỉ huy trưởng Hisbolla ở Siri. Israel
coi danh xưng Mughnija đồng nghĩa với khủng bố. Mà còn hơn thế, ông được
xem là kẻ chủ mưu của những vụ khủng bố ở Trung Đông: đánh bom cơ quan
trung ương của Mĩ ở Beirut trong thập niên 80, đánh bom các cơ sở Israel
ở Argentin trong thập niên 90, làm cho hàng trăm dân bị chết. Ông cũng
là “cha đẻ của phương pháp ôm bom tự sát” và là người cắm rễ trong bộ
máy quyền lực của Iran.
Giờ đây, Mossad được tin, Mughnija đang có kế hoạch trả thù al-Kibar –
có thể đó sẽ là những cuộc tấn công vào toà đại sứ do-thái ở Baku,
Kairo hay Amman.
Damaskus, toà nhà của Uỷ ban nguyên tử năng (AECS) của Siri nằm trong khu ngoại giao Kafar Sussa. Khách muốn thăm, chỉ có hai cách: hoặc viết thư về địa chỉ “Hộp thư 6091” hoặc gởi thư điện tử về atomic@aec.org.sy.
Nhưng thư chẳng bao giờ được trả lời. Chẳng ai lạ, là vì người ta ngờ
rằng trong đó đang có kế hoạch về một chương trình nguyên tử bí mật.
Chính trong khu này, đêm 12.02.2008, Mughnija, với biệt danh “cáo
già” để chiếc xe Mitsubishi Pajero mới của mình đậu ở đó, trong lúc ông
tới dự buổi gặp gỡ tại toà đại sứ Iran gần bên. Mughnija là người của
bóng tối, hiếm khi xuất hiện công khai, nhưng lần này ông được tân đại
sứ Iran Ahmed Mussawi mời. Trong số khách mời có hai người bạn của ông
là Chalid Maschaal, chủ tịch đảng Hamas và tướng Sulaiman, mà ông quen
qua nhiều lần gặp gỡ ở Iran hoặc trong tổng hành dinh Hisbolla ở
Libanon.
10 giờ 30 đêm, Mughnija uống li nước cam vắt cuối, rồi hôn lên hai má
chủ nhà theo phong tục quốc gia để từ biệt. Cựu nhân viên CIA Robert
Baer cho hay “Mughnija có lẽ là đối thủ có khả năng nhất mà chúng tôi
phải đối phó”, Baer cũng là người theo dõi Mughnija trong một thời gian
dài. Còn Mughnija, ông cũng biết tên mình đứng đầu sổ trong danh sách
của Mossad. Đầu của ông được FBI treo giá 5 triệu đô-la.
Tiếng nổ phá tan chiếc xe, thân thể Mughnija bị xé nát, ông chết
ngay. Sức công phá có lẽ đã được điều chỉnh để không gây thiệt hại cho
những toà nhà chung quanh. Chỉ có mỗi một Mughnija tử thương mà thôi.
Ai giết Mughnija? Một ngày sau, phát ngôn viên của bộ ngoại giao Mĩ
Sean McCormack cho hay, “thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có người đó”.
Hisbolla gọi Mughnija là “kẻ tử đạo” và quyết trả thù bọn “Cướp đất”.
Họ biết Israel là thủ phạm, nhưng Israel không cải chính mà cũng chẳng
công nhận. Nhưng trong nội bộ Mossad thì kiêu hãnh ra mặt. Tình báo viên
Usi Mahnaimi được phép tiết lộ, tình báo do-thái đã chế bộ phận gối đầu
của chiếc ghế nơi tài xế ngồi và đã đặt vào trong đó một hợp chất chỉ
cần đụng tới là nổ.
Tartus, trung tâm chính của dòng Hiệp sĩ Đền thờ thời trung cổ, bên bờ Địa trung hải thuộc lãnh thổ Siri, năm tháng sau.
Cảng Tartus cách Damaskus 160 cây số hướng tây bắc, nơi đây con tàu bí
mật “Hamed” từ Bắc Hàn đã một lần giao hàng “Xi-măng” khả nghi. Ở đây,
cách bức tường cổ thành chừng 13 cây số về hướng bắc, tướng Sulaiman sở
hữu một nhà nghỉ cuối tuần nằm ven biển. Vào mùa hè, gần như ông về đây
mỗi thứ sáu để đọc tài liệu, nghỉ ngơi và tắm biển. Ngày cuối tuần tháng
tám đầu tiên năm 2008 lần đó có lẽ ông phải đưa về nhiều tài liệu để
đọc, vì sắp tới đây ông sẽ cùng tổng thống Assad bí mật bay sang thăm
Iran.
Luôn luôn Sulaiman di chuyển bằng xe con bọc thép từ Damaskus về
Tartus. Một số vệ sĩ khác đã chờ sẵn ở nhà nghỉ. Họ không bao giờ để ông
một mình, ngay cả khi ông bơi dưới nước. Sau cái chết của Mughnija, vị
công bộc cao nhất đặc trách nguyên tử của quốc gia lại càng phải được
bảo vệ cẩn mật.
Sáng hôm đó biển lặng. Du thuyền qua lại ven bờ, không chút khả nghi.
Cũng có những chiếc thuyền lại qua để chở du khách ra các nhà hàng trên
hòn đảo ngoài khơi. Một du thuyền thanh lịch tiến lại gần bờ, cách
khoảng 50 mét, chưa quá gần để các vệ sĩ phải lo lắng, khi chủ họ chuẩn
bị nhảy xuống tắm.
Không ai nghe tiếng súng, nhưng chắc chắn những viên đạn đến từ phía
dưới nước. Đạn trúng ngực, cổ và đầu, khiến Sulaiman chết tức khắc,
trước con mắt ngơ ngác của các cận vệ. Du thuyền đổi hướng, phóng nhanh
ra vùng biển quốc tế, mất tăm. Damaskus lặng thinh. Mấy ngày sau đài
phát thanh cho hay: “Tướng Sulaiman bị bắn chết, xác ông được tìm thấy ở
Tartus”. Không một chữ về du thuyền lạ, không một chữ về vết thương. Im
lặng của Damaskus khiến người ngoài nghi đó là một vụ thanh toán nội
bộ, vì vị thế của Sulaiman đã quá lớn trong bộ máy chính quyền. Phía
chống Assad thì cho rằng ông này đã giết Sulaiman vì giận vụ thả bom
al-Kibar và vụ ám sát Mughnija nhục nhã. Nhưng những người am hiểu tình
hình đều cho rằng có bàn tay Israel trong vụ ám sát chuyên nghiệp đó.
Những cuộc thả bom và ám sát các tay khủng bố thật tình hay chỉ mới
hồ nghi sẽ giúp cho tình hình trung đông tốt hơn? Phải chăng Israel và
Ả-rập chỉ biết có ngôn ngữ bạo lực, như Israel vẫn khẳng định? Cuộc đánh
bom vi phạm luật quốc tế ở al-Kibar sẽ làm cho Assad “tỉnh trí” hay sẽ
khiến cho quyền lực của ông thêm vững mạnh?
Và tất cả những điều trên có í nghĩa gì đối với quả bom nguyên tử có thể sắp có của Iran?
Chiến dịch “Vườn cây trái” và những hậu quả – một tổng kết.
Giữa tháng 1.2009, trong cuộc trao đổi với Spiegel, tổng thống Assad
khẳng định, al-Kibar là một nhà máy vũ khí quy ước. “Chúng tôi đã có thể
đánh lại, nhưng làm như vậy là chúng tôi rơi vào bẩy của Do-thái”. Còn
dấu vết phóng xạ? “Có lẽ do Israel thả xuống để đánh lạc hướng”. Tổng
thống cho hay, Damaskus không muốn có bom nguyên tử, và Iran hẳn cũng
không muốn chế tạo nó. “Siri chống lại việc chế bom nguyên tử. Chúng tôi
muốn một Trung Đông sạch bóng nguyên tử, kể cả Do-thái”.
Vì tức giận cuộc chiến tranh do Israel tiến hành ở Gaza, Assad đã
ngưng mọi cuộc hoà đàm với Do-thái qua môi giới của Thổ. Nhưng ông cũng
gián tiếp cho hay, sẵn sàng nói chuyện với Hoa-kì và Âu châu.
Mùa thu 2009, tảng băng giữa Siri và phương tây bắt đầu tan, rõ ràng
nhờ những nhượng bộ của Hoa-kì chứ không phải do bom do-thái. Tổng thống
Pháp Sarkozy đã tiếp Assad ở điện Elysée và đã đưa ra một điều kiện
bình thường hoá quan hệ thằng thừng: “Ông hãy chấm dứt hợp tác nguyên tử
với Iran đi!”. Đầu tháng 10, thứ trưởng ngoại giao Siri là Faisal
Makdad được phép bay sang Washington bàn chuyện với đồng nghiệp hoa-kì.
Với đồng í của Mĩ, quốc vương Ả-rập Saudi cũng sang Damaskus tìm cách
lay chuyển Assad.
Sắp tới có thể tổng thống Obama sẽ gởi một tuỳ viên quân sự, và sau
đó có thể cả đại sứ sang Damaskus. Hoa-kì bắn tiếng, rồi đây có thể sẽ
gạt tên Siri ra khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố (trong đó có
Iran, Bắc Hàn và Sudan). Và Assad có thể sẽ nhận được hàng tỉ viện trợ
và trao đổi kĩ thuật tân tiến của quốc tế. Assad thừa hiểu rằng, có như
thế ông mới vực dậy nổi nền kinh tế èo uột của quốc gia ông.
Liên hệ giữa Damaskus và Teheran trong những tuần qua trở nên xấu
hơn. Tình báo tây phương cho biết, nhà cầm quyền Iran buộc Damaskus phải
trả lại vô điều kiện mọi khoản Uran đã nhận được, vì Damaskus không cần
tới nữa.
Tin tức mới nhất – theo Spiegel biết – Assad đang toan tính một màn
chính trị ngoạn mục. Hình như trước phái đoàn Bình-nhưỡng, ông cho hay
sẽ bạch hoá kế hoạch nguyên tử “quốc gia” của mình, nhưng sẽ không thố
lộ sự hợp tác với Bình-nhưỡng và Teheran. Trước đây, Gadafi cũng đã
“xưng tội” chương trình nguyên tử của mình và ông này đã được lợi lớn từ
những trợ giúp quốc tế.
Quả bóng thăm dò của Assad đã gặp phản ứng mạnh. Nghe đâu Bình-nhưỡng
cử một đại diện cao cấp sang và cho hay, nếu trường hợp trên xẩy ra,
Bình-nhưỡng sẽ chấm dứt mọi cộng tác trong lãnh vực vũ khí hoá học với
Damaskus. Phản ứng của Iran còn mạnh hơn. Said Dschalibi, thuộc viên
thân tín của đạo chủ Ali Chameni và là nhân viên cầm đầu các cuộc thảo
luận về vấn đề nguyên tử của Iran, đã mang sang Damaskus một lá thư của
Chameni, trong đó: “không thể chấp nhận, chấm dứt liên minh chiến lược,
các liên lạc bị ảnh hưởng nặng nề”.
Xem ra Assad do dự – nhưng chỉ tạm thời. Tuy nhiên, hình như ông cũng
đang tìm cách liên lạc thẳng với thủ tướng diều hâu do-thái là
Netanjahu – mà vẫn không để cho quan hệ với Iran và Hisbolla hoàn toàn
gián đoạn – để trả giá: Ông sẽ công nhận Israel và sẵn sàng làm môi giới
cho Do-thái và Iran với điều kiện lớn là Do-thái phải trả lại toàn bộ
phần đồi Golan cho Siri.
Chiến dịch “Vườn cây trái” có tạo được ấn tượng cho Iran và làm cho
nước này hiểu rằng đó là một lời cảnh cáo cuối cùng không? Chả cần phải
đợi đến biến cố al-Kibar, Iran từ trước đã chuyển đa phần máy li tâm chế
biến Uran xuống hoạt động dưới các hầm sâu trong lòng đất, những căn
hầm như ở Natans mà với các loại siêu bom – thứ mà Nhà trắng đang yêu
cầu cung cấp vì “có nhu cầu sử dụng khẩn cấp” – cũng không thể xuyên
thấu.
Hoa-kì – hoặc Do-thái – sẽ phải đánh bom hàng tuần, mà cũng không
chắc phá được hết cả những lò đã được biết lẫn những lò còn bí mật. Mà
có phá được thì cũng chỉ làm cho chương trình nguyên tử của Iran chậm
lại vài tháng mà thôi. Đó là chưa nói đến khả năng trả đũa của Iran.
Tháng 9 vừa rồi, thế giới sửng sốt vì Iran lại bạch hoá thêm một lò bí
mật.
Chiến dịch “Vườn cây trái” chỉ đạt được một mục tiêu duy nhất: phá
huỷ lò phụ của Iran ở al-Kibar, nếu như Iran quả thật đã muốn xây ở đó
một lò phụ cho mình. Thời gian đang có lợi cho Iran. Hiện nay Iran đã có
“Breakout Capacity”, nghĩa là đã có khả năng chế bom lúc nào họ muốn.
Còn Siri? Không có dấu hiệu nào cho thấy Siri muốn và có khả năng thử
lửa một lần nữa. Từ tro tàn al-Kibar họ quả thật đã dựng lên một nhà
máy vũ khí quy ước.