LẠI BÀN VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CHO VIỆT NAM.
Nguyễn
Quang Duy
Được BBC Việt Ngữ phỏng vấn, giáo sư Nguyễn Khắc Mai,
Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, cho biết giáo dục đang trong tình trạng
khủng hoảng về triết lý, về đường lối, kéo theo khủng hoảng về phương thức và
quản lý tổ chức giáo dục.
Theo giáo sư triết lý giáo dục vẫn dựa vào lý thuyết Mác Lênin là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hiện nay.
Thật đúng chủ thuyết Mác Lênin thiếu tính nhân bản, phản
khoa học và là một chủ thuyết đấu tranh quốc tế đã bị nhân loại đào thải.
Tư tưởng lại là nền tảng chủ đạo để một quốc gia đề ra các
chiến lược trong đó có chiến lược giáo dục, đề ra đường lối, chính sách cho đất
nước đi lên. Thiếu tư tưởng chủ đạo người cầm quyền chỉ biết lẩn quẩn như kiến
bò miệng chén.
Để giải quyết tình trạng hiện nay, giáo sư Mai dựa trên
lời của ông Nguyễn Tấn Dũng là “cần phải đổi mới thể chế”, mà theo ông đảng Cộng
sản cũng đã thấy vấn đề nhưng giới lãnh đạo “không dám đi đến tận cùng”.
Có tư tưởng chủ đạo mới biết đi đến đâu, đi để làm gì,
đi như thế nào, đi bằng phương tiện gì, đi với ai, đi bao lâu sẽ tới, và như thế
mới mong đi được đến tận cùng.
Trong bài phỏng vấn giáo sư Mai đề cập đến hai từ vựng khai
phóng và nhân văn, đáng tiếc ông chưa tổng hợp được các tư tưởng để đưa ra một
tư tưởng chủ đạo cho chiến lược về giáo dục tại Việt Nam.
Triết lý thì nhiều vô kể. Nó có thể khởi nguồn từ chính
một tập thể hay từ ngoài du nhập vào một tập thể và sau thời gian gạn lọc đã hòa
nhập vào tập thể đó. Các tư tưởng không thích hợp sẽ bị đào thải theo thời gian,
như chủ thuyết Mác Lênin đã bị đào thải.
Tư tưởng chủ đạo ở một người, một tổ chức, một quốc gia
là tư tưởng đã trở thành một căn bản triết lý và đạo đức giúp cá thể đó suy nghĩ
độc lập và hành động một cách tự do.
Hoa Kỳ được ví như một lò luyện kim (Melting-pot) hòa trộn
văn hoá và tư tưởng của nhiều sắc dân định cư hình thành sắc thái đa nguyên và đa
dạng. Văn hóa lò luyện kim tạo nên sự giàu có của Hoa Kỳ về cả tinh thần lẫn vật
chất, giúp Hoa Kỳ trở thành cường quốc bậc nhất trên thế giới.
Nhật bản cường quốc đứng thứ hai lại là một quốc gia đồng
nhất về ngôn ngữ và văn hóa. Tinh thần võ sĩ đạo, trung thành, can đảm và danh
dự là tinh thần chủ đạo của người Nhật.
Người Nhật sống và làm việc trong tinh thần kỷ luật và
trách nhiệm cao hơn các dân tộc khác. Nhờ đó sau thế chiến thứ hai họ đã nhanh
chóng phục hồi nắm giữ vai trò cường quốc kinh tế.
Miền Nam Việt Nam được hình thành và phát triển qua nhiều
đợt di dân người Việt và người Minh Hương (Trung Hoa). Bản tính của người di
dân là thích ứng với hoàn cảnh mới, hòa nhập với cuộc sống địa phương, tự mình
vươn lên xây dựng cuộc sống, nhưng cũng gắn bó trong tinh thần cộng đồng dân tộc.
Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi chiến tranh giữa Chúa Nguyễn
và Nhà Tây Sơn đã tạo cho những người miền Nam một tinh thần yêu chuộng độc lập.
Khi Chúa Nguyễn thống nhất đất nước, triều đình Huế phần
vì ở xa, phần khác vì miền Nam là đất đã thuần phục nên triều đình Huế đã không
cai trị chặt chẽ, để người miền Nam được sinh hoạt khá tự do.
Pháp xâm lược, miền Nam trở thành thuộc địa, miền đất trực
thuộc cai trị của người Pháp, nên các giá trị tư tưởng Tây Phương như khai
phóng, công bằng, tự do, dân chủ có nhiều cơ hội để ảnh hưởng đến tư tưởng của giới
trí thức và của người miền Nam.
Đa số người miền Nam ảnh hưởng Phật giáo Nguyên thủy và
Tiểu thừa lấy con người làm gốc, lấy đạo làm người làm tiêu chuẩn cho cuộc sống
hằng ngày.
Tính nhân bản của họ thể hiện một cách rõ ràng trong Sấm
giảng và cách sinh hoạt của tín đồ Hòa Hảo hay trong kinh kệ và cách sống của
tín đồ Cao Đài, hai tôn giáo được hình thành và phát triển tại miền Nam.
Cả hai tôn giáo đều dựa trên tư tưởng Tam giáo đồng
nguyên, thể hiện sắc thái dân tộc, sẵn sàng học hỏi gạn lọc điều hay lẽ phải của
các tôn giáo các tư tưởng lớn. Nho giáo,
Phật giáo, Lão giáo được hòa đồng trong tinh thần dân tộc.
Tín đồ cả hai tôn giáo đều tự mình trực tiếp cầu nguyện Đấng
Tối Cao, Thượng đế, Phật, Thầy. Họ không sát sinh, làm lành lánh dữ, giúp đỡ lẫn
nhau, tu tại gia, thờ cúng ông bà tổ tiên, thực hành tinh thần yêu thương nhân
loại và vạn vật.
Nói chung sắc thái của người miền Nam là tổng hợp ba
tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc.
Nhân bản là lấy con người làm gốc. Khai phóng là bằng khả
năng và trí tuệ hướng đến sự thật, đến điều tốt, điều thiện, đến cái mới cái
hay cái đẹp (Chân, Thiện, Mỹ). Tinh thần dân tộc nhằm duy trì các giá trị dân tộc
như: độc lập, tự chủ, thuần phong mỹ tục, ngôn ngữ, văn hóa…
Nếu đặt nặng tinh thần nhân bản sẽ dễ chấp nhận chế độ
nhân trị thay vì pháp trị. Các chính trị gia có thể lợi dụng khủng hoảng đứng
ra nắm quyền rồi tìm mọi cách để giữ quyền và trở nên độc tài.
Còn đặt nặng tinh thần dân tộc thường dễ bị người cầm
quyền lợi dụng tinh thần dân tộc đưa vào vòng chiến tranh hay sách động chiến
tranh để tiếp tục cầm quyền.
Tinh thần khai phóng giúp ta tìm hiểu, học hỏi, thích
nghi, hòa đồng cùng nhân loại. Cụ thể miền Nam đã chọn một chính thể dân chủ,
pháp trị và hiến định.
Tổng hợp 3 tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc đã
tạo nên sắc thái Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia vừa giành được độc lập, phải đối
đầu với chiến tranh và chỉ trong vòng 20 năm đã xây dựng được nền tảng vững chắc.
Một quốc gia với kinh tế tự do, y tế đại chúng, người
cày có ruộng, báo chí tự do, tôn giáo, văn học, văn nghệ, nghệ thuật phát triển,
và một nền dân chủ hiến định pháp trị với tam quyền phân lập rõ ràng.
Đặc biệt, triết lý giáo dục dựa trên nhân bản, khai
phóng và dân tộc, đã đào tạo được những thế hệ công dân tốt cho miền Nam, cho
Việt Nam và cho nhân loại.
30-4-1975 nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã đi vào lịch sử, nhưng bản
sắc Việt Nam Cộng Hòa: nhân bản, khai phóng và dân tộc, vẫn được bảo tồn và
truyền đạt đến các thế hệ Việt Nam ngày nay.
Tư tưởng chủ đạo, nhân bản, khai phóng và dân tộc đã
thích hợp và thành công ở miền Nam Việt Nam, trong tinh thần tam giáo đồng
nguyên cũng sẽ thích hợp với cả hai miền Nam Bắc.
Một nền giáo dục lấy 3 triết lý nói trên làm chủ đạo sẽ
tạo nên một sắc thái chung cho dân tộc Việt đưa đất nước đi lên và hòa nhập vào
cộng đồng nhân loại.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
26-6-2015
TƯ TƯỞNG CHỦ ĐẠO VÀ SẮC THÁI NỀN CỘNG HÒA TẠI MIỀN NAM.
Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia với kinh tế tự do, y tế
đại chúng, người cày có ruộng, báo chí tự do, tôn giáo, văn học, văn nghệ, nghệ
thuật, giáo dục phát triển và đặc biệt có một nền dân chủ hiến định pháp trị với
tam quyền phân lập rõ ràng.
Hệ tư tưởng nào đã giúp một quốc gia vừa giành được độc
lập, phải đối đầu với chiến tranh và chỉ trong vòng 20 năm đã xây dựng được nền
tảng nói trên?
Triết lý giáo dục tại miền Nam là nhân bản, khai phóng
và dân tộc. Vì giáo dục lại nhằm truyền đạt tư tưởng nên tổng hợp của ba triết
lý chính là tư tưởng chủ đạo và bản sắc Việt Nam Cộng Hòa.
Chủ
đạo hay chỉ đạo
Tư tưởng hay triết lý thì nhiều vô kể. Tư tưởng có thể từ
bên ngoài được du nhập vào một tập thể và sau thời gian gạn lọc trở nên thích hợp
với tập thể đó. Các tư tưởng không thích hợp sẽ bị đào thải theo thời gian như
chủ thuyết Mác Lênin.
Tư tưởng chủ đạo ở một người, một tổ chức, một quốc gia
là tư tưởng đã trở thành một căn bản triết lý và đạo đức giúp cá thể đó suy
nghĩ độc lập và hành động một cách tự do.
Khi đã thấm nhuần tư tưởng chủ đạo thì con người tự ý thức
và tự nhận trách nhiệm và hoàn thành tốt nhất bổn phận của mình trong hoàn cảnh
và khả năng cho phép.
Khác với tư tưởng chỉ đạo hay định hướng thường buộc con
người phải đi theo và thực hiện những điều đã được vạch ra.
Thí dụ đảng Cộng sản lấy tư tưởng Mác Lê làm tư tưởng chỉ
đạo. Khi tư tưởng này phá sản, thể chế cộng sản thiếu tư tưởng chỉ đạo chỉ bấu
víu vào những định hướng do Bộ Chính Trị đưa ra.
Nhân
Bản Nền Tảng Xã Hội Đa Nguyên
Nhân bản là lấy con người làm gốc.
Đã nói đến con người là nói đến suy tư. Nói đến suy tư
là nói đến sự khác biệt giữa người với người. Hai trẻ sinh đôi lớn lên trong những
điều kiện tương tự vẫn mang nhiều khác biệt.
Suy tư lại dẫn đến hành động, hành động ảnh hưởng lẫn
nhau, ảnh hưởng đến xã hội.
Ở mỗi người thì suy tư và hành động mỗi lúc mỗi khác,
lúc đúng lúc sai và ai cũng đều có thể sửa đổi khi có cơ hội được sửa đổi.
Xã hội nhân bản chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân
nhưng không chấp nhận dùng sự khác biệt để đánh giá con người, không chấp nhận
sự kỳ thị hay phân biệt tư tưởng chính trị, giàu nghèo, địa phương, tôn giáo,
chủng tộc.
Con người nhân bản luôn tìm hiểu, chấp nhận và tôn trọng
mọi sự khác biệt để cùng nhau xây dựng một cuộc sống hài hòa trong cộng đồng
dân tộc. Nhân bản là cội nguồn của tinh thần đa nguyên.
Ở xã hội nhân bản không ai có quyền lấy người khác làm
phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức
nào. Mọi người đều có giá trị như nhau, có quyền và có bổn phận như nhau.
Tinh thần nhân bản nhìn nhận giới lãnh đạo quốc gia cũng
dễ mắc phải những sai lầm thậm chí có thể gây ra tội ác. Một thể chế nhân bản
là một thể chế đa đảng đối lập, quyền lực của tầng lớp lãnh đạo bị giảm thiểu
và được pháp luật chặt chẽ kiểm soát.
Nhằm xây dựng một xã hội nhân bản mọi chiến lược, chính
sách, chủ trương, hành động quốc gia đều phải phù hợp với nhân sinh quan về con
người, hướng đến mục đích phục vụ con người, quan tâm tới quyền lợi và hạnh
phúc của con người.
Đồng thời với nền giáo dục nhân bản, các sinh hoạt tôn
giáo, sắc tộc, hướng đạo, văn hóa, nghệ thuật đều được khuyến khích và hỗ trợ một
cách công bình không thiên vị. Các sinh hoạt nói trên góp phần không ít trong
việc thực hiện xã hội nhân bản tại miền Nam.
Mặc dù chưa phải là một thành viên trong Liên Hiệp Quốc,
miền Nam đã nhìn nhận, áp dụng và cổ vũ quyền con người, quyền dân sự được ghi
trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, gia đình của những người ở
phía bên kia vẫn được đối xử một cách công bằng như mọi công dân khác. Họ được
luật pháp bảo vệ, được quyền bầu cử, quyền tham gia chính trị, được làm ăn buôn
bán, con em họ được đến trường như mọi trẻ em khác tại miền Nam.
Từ năm 1962, chương trình Hồi chánh giúp trên 200 ngàn
người ở phía bên kia buông súng quay về tạo dựng cuộc sống mới trong cộng đồng
dân tộc.
Khai
phóng để bắt kịp các nước tân tiến
Khai phóng là bằng khả năng và trí tuệ hướng đến sự thật,
đến điều tốt, điều thiện, đến cái mới cái hay cái đẹp (Chân, Thiện, Mỹ).
Người có tinh thần khai phóng là người có suy nghĩ độc lập,
không theo chủ thuyết hay theo tín điều, không cần sự chỉ đạo của người khác và
không bị dẫn dắt bởi tập thể.
Người có tinh thần khai phóng luôn đi tìm sự thật, trau
dồi khả năng suy luận và tự quyết định cho chính mình. Họ có tinh thần tự do và
có nhiều sáng kiến, dễ dàng thích ứng với mọi môi trường và nhanh chóng đạt được
những mục tiêu mới làm giàu cho cuộc sống, gia đình và nhân quần xã hội.
Người có tinh thần khai phóng không ngừng hướng tới sự
tiến bộ, tôn trọng sự thật, có tinh thần khoa học, mở rộng tiếp nhận những kiến
thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới.
Tinh thần khai phóng sản sinh cho xã hội những công dân
biết sử dụng quyền tự do của họ một cách có trách nhiệm, biết tiếp nhận tinh thần
dân chủ, xây dựng kinh tế, phát triển xã hội, tinh hoa văn hóa nhân loại để góp
phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, giúp cho xã hội tiến bộ tiếp cận
với văn minh thế giới, góp phần phát triển sự cảm thông và hợp tác quốc tế,
tích cực đóng góp vào sự thăng tiến nhân loại.
Tinh thần khai phóng trong thể chế cộng hòa tạo sự bình
đẳng giữa người với người, sự công bằng cho mọi công dân, và mọi người có đồng
đều cơ hội tích cực cạnh tranh trở thành lãnh đạo quốc gia như trở thành Tổng
Thống hay dân biểu nghị sĩ.
Nhờ tinh thần khai phóng, miền Nam đã xây dựng một hiến
pháp và một thể chế dân chủ tam quyền phân lập rõ ràng. Mô hình chính trị là mô
hình lưỡng đảng đối lập tranh quyền. Nền Cộng Hòa tại miền Nam có thể được xem
là một nền dân chủ hiến định pháp trị tiên tiến vào bậc nhất trong khu vực Á
châu thời ấy.
Tinh
thần dân tộc giữ gìn bản sắc Việt Nam
Tinh thần dân tộc đề cao các giá trị dân tộc như: độc lập,
tự chủ, thuần phong mỹ tục hay chuẩn mực xã hội. Tinh thần dân tộc hình thành
và phát triển theo lịch sử xây dựng, bảo vệ đất nước và bảo vệ dân tộc.
Tùy hoàn cảnh tinh thần dân tộc được biểu hiện qua hành
động một cách khác nhau. Thời bình, thúc đẩy chúng ta đóng góp phát triển kinh
tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, nâng cao dân trí. Thời chiến giúp đoàn kết
cùng nhau đánh đuổi ngoại xâm.
Tinh thần nhân bản và tinh thần khai phóng giúp cho
chúng ta cởi mở, cầu tiến, học hỏi điều hay cái đẹp của các dân tộc khác còn
tinh thần dân tộc giúp chúng ta giữ gìn bản sắc của người Việt Nam.
Nền Cộng Hòa tại miền Nam tôn trọng các giá trị đặc thù,
các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình,
nghề nghiệp, sắc tộc, địa phương và đất nước.
Đồng thời bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những
truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc để không bị mất đi hay tan biến trong
những nền văn hóa khác.
Mặt khác bảo đảm sự đoàn kết và trường tồn của dân tộc,
sự phát triển điều hòa và toàn diện của quốc gia.
Tổng
Hợp Ba Tinh Thần
Một xã hội nặng tinh thần nhân bản thường dễ chấp nhận
chế độ nhân trị thay vì pháp trị. Các chính trị gia hay đảng chính trị thường mị
dân hay lợi dụng lúc đất nước khủng hoảng đứng ra nắm quyền hành. Khi nắm được
quyền bản chất bộc lộ họ tìm mọi cách để giữ quyền rồi trở nên độc tài.
Những quốc gia nặng tinh thần dân tộc thường dễ bị người
cầm quyền lợi dụng chủ nghĩa dân tộc đưa vào vòng chiến tranh hay sách động chiến
tranh để tiếp tục cầm quyền.
Chính tinh thần khai phóng giúp dân tộc đó tìm hiểu, học
hỏi, thích nghi và hòa đồng cùng nhân loại. Cụ thể các dân tộc sẽ chọn một
chính thể cộng hòa xây dựng một nền dân chủ, pháp trị và hiến định.
Nói tóm lại cần sự tổng hợp 3 tinh thần nhân bản, khai
phóng và dân tộc.
Kết
30-4-1975 nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã đi vào lịch sử, nhưng bản
sắc Việt Nam Cộng Hòa - nhân bản, khai phóng và dân tộc - vẫn được bảo tồn và
truyền đạt đến các thế hệ Việt Nam ngày nay.
Một người, một nhóm, một dân tộc thiếu tư tưởng chủ đạo
sẽ không biết đang làm gì, sẽ đi về đâu, đi cách nào và làm sao để đạt được mục
tiêu tối thượng.
Tổng hợp triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc là tư
tưởng chủ đạo hướng dẫn những người miền Nam, nhất là những người cộng hòa tiếp
tục con đường tiếp tục đấu tranh cho tự do của người Việt từ Bắc xuống Nam.
Bản sắc Việt Nam Cộng Hòa ngày nay được nhiều người miền
Bắc biết đến đặc biệt là giới trẻ những người đang tìm kiếm một con đường thay
cho con đường cộng sản đang bị nhân loại đào thải.
Tư tưởng chủ đạo nhân bản, khai phóng và dân tộc đã
thích hợp và thành công ở miền Nam Việt Nam, thì cũng sẽ thích hợp với cả hai
miền Nam Bắc khi Việt Nam đã có được tự do.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
5-6-2015