Khi những mặc cảm khống chế Nội Tâm Và làm băng hoại Cuộc Đời…

Nguyễn Văn Thành
                              Lausanne Thụy Sĩ
Trong những câu chuyện trao đổi hằng ngày, quần chúng bình dân đơn sơ, mộc mạc càng ngày càng có xu thế sử dụng những lối nói chuyên môn xuất xứ từ Phân Tâm Học :
Anh ấy mang đầy « mặc cảm » trong mình. Chị ấy quá « tự tôn ». « Cái tôi » to bự của chú bé nầy đã lấn át mọi người, trong gia đình. Ông ấy quá trưng bày « bộ mặt Siêu Ngã » của mình và làm cớ cho mọi người chống đối, tự vệ. Bà ấy ăn nói có vẽ dịu dàng, lịch sự.  Nhưng thực ra, từ con người của bà ấy toát ra những « sức ép », hoặc « những xung năng », khả dĩ làm tê liệt hoặc bẻ gãy mọi năng lực đóng góp của nhiều người…
Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi không có tham vọng liệt kê và lược khảo mọi cách nói thời trang và mơ hồ nầy. Mục tiêu hạn hẹp của tôi là gây ý thức cho giới trẻ, về sức tàn phá hãi hùng của những MẶC CẢM, đối với đời sống làm người của mỗi người. Một cách đặc biệt, trong môi trường sinh sống cụ thể hằng ngày, theo lối nhận định của Tổ Tiên chúng ta, xuyên qua Ca dao và Huyền sử, mặc cảm Sơn Tinh và Thủy Tinh đã có mặt và tạo nên những vết thương lở lói, trong lòng Quê hương, từ những ngày Đất Nước vừa được phôi thai…Mặc cảm nầy đang khống chế nội tâm của nhiều người, cũng như làm băng hoại những quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa chúng ta.
Nhằm khai sáng những nhận định vừa được nêu ra, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát bốn loại câu hỏi chính yếu sau đây :
 
-   Mặc cảm có nghĩa là gì ?
-   Dựa vào những chuẩn mực nào, chúng ta có thể phát hiện sự có mặt của những mặc cảm ấy? Nói khác đi, mặc cảm được thành hình vào lúc nào và như thế nào ?
-  Trước sức tàn phá của những mặc cảm, chúng ta có những biện pháp đối ứng như thế nào ?
-  Riêng đối với mặc cảm Sơn Tinh và Thủy Tinh, chúng ta có thể rút tỉa những bài học cụ thể nào, để hóa giải bao nhiêu tồn đọng đang làm băng hoại Nước Non và những quan hệ giữa chúng ta, từ đời nầy qua đời nọ ?
 
1.- Mặc cảm là gì ?
 
Khi bàn đến nội tâm của con người, Phân Tâm Học của FREUD  trình bày hai cách tổ chức khác nhau, còn được gọi là hai cấu trúc của bộ máy tâm linh.
Cấu trúc thứ nhất gồm có ba thành phần khác nhau : Thành phần thứ nhất là « Cái Tôi » hay là Bản Ngã. Thành phần thứ hai là Siêu Ngã, còn mang tên là « Cái Trên-Tôi », có phần vụ soi sáng và hướng dẫn Bản Ngã. Đó là một loại « bản đồ tâm lý » cho phép Bản Ngã tìm ra những đường đi và nẻo về, ở giữa lòng cuộc đời. Sau cùng là thành phần Tự Ngã, còn được gọi là « Cái Ấy ». Đó là kho tàng nguyên liệu tự nhiên, bẩm sinh, có sẵn trong hành trang vào đời, từ ngày chúng ta được cưu mang, trong cung dạ của Mẹ. Những nguyên liệu nầy sẽ từ từ được chuyển biến thành vật tư kiến dựng ngôi nhà Bản Ngã, trong suốt tiến trình học làm người, còn mang tên là tiến trình xã hội hóa.
Cấu trúc thứ hai bao gồm hai chế độ sinh hoạt khác nhau : Ý Thức và Vô Thức. Khi sống trong chế độ ý thức, tôi biết tôi là ai, đang làm  gì… Khi ăn, tôi biết tôi đang ăn. Khi làm, tôi biết tôi đang làm. Khi phát biểu, tôi biết rành mạch đâu là sự kiện khách quan, đâu là giả thuyết, đâu là những kết luận phát xuất từ tôi, đâu là những dư luận đồn thổi, không được kiểm chứng... Nói một cách vắn gọn, khi tôi sống trong ánh sáng của ý thức, tất cả những gì xảy ra, trong và ngoài, trước mắt tôi, đều là bài học và kinh nghiệm quí hóa giúp tôi xây dựng bản thân và cuộc đời. Nhờ đó, tôi trở nên một Bản Ngã kiên cường và vững mạnh, có khả năng LÀM CHỦ bản thân và kiến dựng  đời sống.
               Trái lại, khi ở trong chế độ Vô Thức, tôi hoạt động như một bộ máy vô hồn. Nhiều sức ép bắt nguồn từ Tự Ngã, còn mang tên là Xung Năng, tác động trên tôi, thúc đẩy tôi. Thêm vào đó, khi phải đối diện với lối nhìn xoi móc và cay nghiệt của Siêu Ngã, tôi dễ dàng hóa thân thành « một con múa rối », bị lèo lái, điều khiển từ ngoài và từ trên. Thay vì làm một chủ thể có khả năng sáng tạo cuộc đời, tôi chỉ là một « đồ vật », một « đối tượng »,  lênh đênh, phiêu bạt giữa dòng đời. Khi bị kích thích, tôi  phản ứng một cách máy móc, tự động và một chiều. Hẳn thực, không có trước mặt những con đường thứ hai, để cân nhắc, phân biệt, đánh giá…làm sao tôi có thể trở nên con người tự chủ, biết quyết định và chọn lựa một  cách tự do, hài hòa, linh động và sáng tạo.
Nói theo ngôn ngữ của Phân Tâm Học, Bản Ngã của tôi bị chèn ép, kềm kẹp, giữa hai đối lực đang tranh giành quyền lực và ảnh hưởng. Một bên là Siêu Ngã áp đặt cho tôi những cách làm, những nguyên lý hành động. Và bên kia là Xung Năng, với những sức ép khắt khe, những đòi hỏi mãnh liệt, những thèm khát đầy quyến rủ… cơ hồ một dòng thác lũ lôi cuốn và phá hủy tất cả những bờ đê ngăn chận, trên con đường đi tới của mình. Rốt cuộc, sống thường xuyên, ở giữa hai gộng kềm khắc nghiệt như vậy, tôi không biết : Tôi thực sự là ai ? Bản Ngã của tôi đặt trọng tâm ở chỗ nào ? Tôi có những nhu cầu cơ bản nào ? Khả năng và giá trị, mà tôi  cần kiên trì đeo đuổi và ngày ngày thực hiện, gồm có những gì, trên con đường vạn nẻo của cuộc đời ? Rốt cuộc, tôi chỉ « theo đuôi kẻ khác », nghĩa là thừa hành, tuân lệnh, bị động, lệ thuộc, « nhắm mắt đưa chân ». Đến một lúc nào đó, khi không còn chịu đựng được tình trạng « làm đồ vật, công cụ » để kẻ khác sử dụng và sai khiến, lúc bấy giờ tôi bùng nổ, phản loạn, hủy hoại mình như một con thiêu thân. Sau khi hồi tỉnh lại, tôi tố cáo, phê phán, trách móc chính mình, gán cho mình những danh hiệu xấu xa và tệ hại, đang có mặt trong ngôn ngữ thường ngày.
Ngoài ra, trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi với kẻ khác, thậm chí với những người thân tình, bằng hữu… tôi có xu thế « CẢM » và « THẤY » mình là người luôn luôn « thua thiệt, bị lép vế, lạm dụng và lợi dụng ». Không ai thương tôi thực sự. Không ai kính trọng tôi. Không ai hiểu tôi và lắng nghe tiếng kêu trầm thống của tôi. Những tâm tình, xúc động sâu xa và thầm kín, đang sôi sục và rền rĩ trong nội tâm, không một ai trong trời đất nầy có khả năng chia sẻ với tôi. Họ chỉ tố cáo, phê phán, trừng phạt. Nói tóm lại, cô đơn và cô độc là thân phận và số kiếp đọa đày của tôi. Tôi cảm thấy mình là người hoàn toàn xa lạ và bất hạnh, trong mọi môi trường của cuộc sống làm người.
 
Xuyên qua một vài đường nét chính yếu vừa được đề xuất như vậy, tôi đã cố gắng phác họa và mô tả một phần nào, con người đang cưu mang trong nội tâm nhiều mặc cảm.
 
-   Con người ấy chìm đắm trong vô thức, hơn là sống trong ánh sáng của ý thức.
-   Con người ấy cảm thấy mình là nạn nhân của nhiều đối lực bên ngoài và bên trong, hơn là làm chủ bản thân và nắm vững vận mệnh của mình.
-   Con người ấy phản ứng một cách bốc đồng, bột phát và lộn xộn… hơn là sáng tạo và xây dựng , khẳng định chính mình và từng bước đi lên thực hiện mỗi ngày những hoài bảo, mộng mơ  trong cuộc đời.
-   Trong mọi tình huống, khi va chạm với kẻ khác, con người ấy cảm thấy mình bị thua thiệt, bất hạnh và cô đơn.
-   Sau cùng, con người ấy không biết rõ mình là ai : Hiện tại họ có những nhu cầu cơ bản nào ? Họ cần phải chọn lựa ưu tiên nào, trong cuộc đời, để hăng say dấn thân, nhập cuộc, xây dựng bản thân và thăng tiến anh chị em đồng bào ?
 
 Trước khi phân tích, tìm hiểu tâm trạng rất đa phức và phiền toái nầy, chúng ta hãy lắng nghe lời tự thú của LÝ MINH NGUYỆT  đang sống và giam hãm mình trong vòng mê cung của mặc cảm  :
               « Tôi vừa đọc trong sách một đọan văn nói về tính nhút nhát, rụt rè. Tôi thấy đó là một tính xấu, đúng như người ta nói. Tôi sợ hết mọi người. Ở lớp, thấy thầy cũng sợ, bạn cũng sợ. Về nhà, thấy chị em, tôi cũng sợ. Tôi không hiểu sao cả. Đôi lúc, tôi thấy mình sao hèn nhát quá. Hình như tôi không còn là tôi, không dám làm gì, nói gì cả. Mặc dù chẳng ai làm gì, nhưng sao tôi cứ sợ. Tôi lo quá. Cứ như thế nầy, tôi chẳng ăn làm gì được… »
 
 
2.-Những tiêu chuẩn để phát hiện :
 
Những sơ đồ tâm lý,
Những tập  tục xúc động,
Những yếu tố dẩn khởi.
 
Làm sao phát hiện sự có mặt của những Mặc Cảm, trong nội tâm của chính mình, và trong cuộc sống của người khác ?
Như tôi đã nhấn mạnh trên đây,  đối với người đang bị mặc cảm khống chế, tất cả bốn loại sinh hoạt của nội tâm đều bị rối loạn, ối đọng và ô nhiễm :
Thứ nhất, nhận thức bị bóp méo, xuyên tạc, không phản ảnh thực tại khách quan bên ngoài.
   Thứ hai, lối nhìn về mình và về người khác có chiều hướng tiêu cực, phiến diện và một chiều. Khi đã không tìm ra giá trị nội tại của mình, họ không thể nào đặt niềm tin yêu vào kẻ khác, môït cách lâu bền và trung thực.
          Thứ ba, đời sống xúc động di chuyển từ cực đoan nầy đến cực đoan khác : khi thì câm nín, lo sợ, dồn nén, khi thì bùng nổ, bạo động, tràn ngập như nước vỡ bờ. Khi không tiếp xúc và lắng nghe tiếng kêu trầm thống của xúc động, làm sao tôi có khả năng khám phá những nhu cầu cơ bản của mình, trong cuộc sống làm nguời ?
Thứ bốn, trong địa hạt trao đổi giữa người với người, quan hệ nhị nguyên – Tao hơn Mày thua - là tên du kích len lỏi, nằm vùng trong tất cả mọi môi trường sinh hoạt. Đó là nguồn gốc hay là nguyên nhân phát sinh mọi phản ứng xung đột và hận thù, chia rẽ và bạo động, thậm chí giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Cũng vậy, giữa anh chị em đồng bào, trong lòng quê hương và dân tộc, thay vì bổ túc, kiện toàn cho nhau, và chấp nhận nhau… họ tìm cách phân biệt một cách rõ ràng : Ai trắng ai đen ? Ai hơn ai thua ? Ai mạnh ai yếu ? Ai bạn ai thù ? Và khi đã gắn cho ai nhãn hiệu « địch thù », họ sẽ tìm ra mọi cơ hội và lý chứng, để qui định vị trí của người kia trong hàng ngũ  phản loạn, phá hoại,  và chống đối. Hẳn thực, theo cách nhận định của Tâm lý đương đại, lối nhìn là một « lời tiên tri », có khả năng biến thành hiện thực những tin tưởng có mặt trong nội tâm. Khi tôi tin làm sao, thế nào tôi cũng sẽ thấy thực tại y như vậy. Phải chăng cha ông chúng ta đã thường nhắc nhở : « Yêu nên tốt, ghét nên xấu » ?
Nói tóm lại, khi tôi bị mặc cảm khống chế, tôi không còn mở mắt, để nhìn. Không còn mở tai, để lắng nghe. Không còn mở rộng lòng, để học tập, đón nhận và tiếp thu những tin tức mới lạ trong cuộc đời. Cơ hồ một kẻ mê muội và mù quáng, tôi chỉ phản ứng, nghĩa là nhai đi nhai lại những sơ đồ tâm lý thô thiển và giản lược, đã có sẵn trong tâm tư từ bao nhiêu đời. Đó cũng là những tập tục xúc động xa xưa, cỗ đại, đã lỗi thời, lạc hậu, không còn thích ứng với những tình huống của hiện tại. Thế nhưng, chúng nó vẫn còn bám trụ trong những tầng sâu của nội tâm, ngày ngày tiếp tục lèo lái, điều khiển, chỉ đạo toàn diện cuộc đời hôm nay của tôi, trong những lãnh vực nhận thức, tư duy, quan hệ, và giao tiếp.
 
 
2.1.  Những sơ đồ nội tâm
Nhằm trình bày một cách cụ thể thế nào là sơ đồ tâm lý, tôi xin liệt kê một số cơ chế hoạt động, thường xuyên có mặt và được vận dụng, mỗi lần chúng ta nhận thức về thực tại khách quan bên ngoài :
          Thứ nhất là sàng lọc hay là chủ quan hóa, có nghĩa là giữ lại những tin tức thích hợp với chờ đợi của mình, và loại bỏ bao nhiêu sự kiện khách quan khác cùng có mặt.
           Thứ hai là tổng quát hóa quá khích : sự kiện chỉ xảy ra một lần, đã được ghi nhận như một qui luật tất yếu, thường hằng.
           Thứ ba là phỏng đoán : giải thích một cách tùy tiện,  thể theo những tâm trạng và tâm tình hiện tại của mình, thay vì dựa vào những sự kiện khách quan để rút ra những kết luận.
           Thứ bốn là kết luận vội vã : rút tỉa những lời khẳng định, từ vài ba tin tức, trước khi kiểm chứng tính khách quan và đáng tin tưởng của những dữ kiện ấy.
          Thứ năm là cường điệu : thổi phòng, phóng đại ý nghĩa của một vài tin tức, và không đánh giá đúng tầm những kết quả toàn diện của vấn đề. Theo lối nói bình dân, đó là xu thế « có bé, xé ra to ».
Thông thường, mỗi lần nhận thức về một vấn đề, tất cả chúng ta, không trừ sót một ai, đều sử dụng những cơ chế tâm lý trên đây. Tuy nhiên, những ai sống trong ánh sáng của ý thức và làm chủ bản thân mình, luôn luôn sẵn sàng « xét lại » và điều chỉnh cách hành xử của mình, khi phải đối diện với những ý kiến khác biệt của những người hai bên cạnh,  nhất là những ai có lập trường hoàn toàn đối kháng với chúng ta. Có khả năng tư duy linh động, đầy sáng tạo là những người có thể quay trở lui, chấp nhận nhìn lại mình, với ánh sáng của những người khác đang có mặt trong nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Trái lại, khi chúng ta bị mặc cảm khống chế, một trong năm lề lối nhận thức trên đây trở thành con đường độc lộ, một chiều. Chúng ta bám trụ, đóng chốt, giam hãm mình trong một lối nhìn khô cằn, vô hiệu, đang xuyên tạc và bóp méo thực tại. Đó là những sơ đồ tâm lý điều khiển, lèo lái những đường đi nẻo về hằng ngày của chúng ta. Chúng ta biến mình làm con tin, hay là « nạn nhân tự nguyện », thay vì sáng tạo bản thân và cuộc đời. Chúng ta vòng vo, luẩn quẩn, nhai đi nhai lại «  những điều xưa bày nay làm ». Chúng ta ngụp lặn trong khổ đau, héo mòn, tê liệt… nhưng không biết thoát ra ngoài bằng cách nào. Thực ra, ngục tù không phải ở ngoài, bao quanh chúng ta, do kẻ khác áp đặt. Ngục tù đang có mặt ở giữa nội tâm, trong chính lối nhìn của con người mang nặng mặc cảm.
 
 
2.2. Những tập tục xúc động
Thông thường,  mỗi xúc động, bắt nguồn từ lối nhìn và được cảm nghiệm trong nội tâm. Những ai sáng suốt, sống trong ánh sáng của ý thức và có khả năng làm chủ bản thân, sẽ tìm cách bộc lộ, diễn tả mình một cách bình tâm, thể theo một tiến trình bao gồm bốn bước đi lên :
·                           Bước thứ nhất là xác định những điều kiện khách  quan  của môi trường sinh sống hiện tại.
·                           Bước thứ hai là gọi tên xúc động đang xuất hiện.
·                           Bước thứ ba là phát hiện và diễn tả nhu cầu đang ẩn núp ở đằng sau mỗi xúc động.
·                           Bước thứ bốn là tìm cách thỏa mãn hay là yêu cầu kẻ khác giúp mình thỏa mãn những nhu cầu chính đáng ấy. Khi gặp trở ngại, ở nơi nầy, với người nầy, tôi linh động đi tìm những điều kiện thuận lợi, ở nơi khác, với người khác, cho  đến khi nào được toại nguyện.
Thay vì sáng tạo và làm chủ vận mệnh của mình như vậy, những ai đang bị mặc cảm khống chế, sẽ có xu thế trở lui với những tập tục quen thuộc mà họ đã học tập, đắc thủ, trong những giai đoạn xa xưa, từ những tháng ngày thơ ấu, chung quanh 2 hoặc 3 năm cho đến 6 tuổi. Những tập tục xúc động nầy là những thể thức giải quyết vấn đề nhu cầu, có giá trị và hiệu năng cho một đưa bé chưa biết suy luận. Nhưng đối với những người đã bước vào tuổi trưởng thành, những tập tục xúc động nầy đã lỗi thời, lạc hậu, không còn thích hợp với điều kiện sinh sống hiện tại.
Vì lý do sư phạm, trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi chỉ trình bày một cách vắn gọn, mười tập tục xúc động chính yếu. Trong thực tế của cuộc sống làm người, những tập tục nầy giao thoa chằng chịt, kết dệt vào nhau, chồng chéo lên nhau, ảnh hưởng qua lại hai chiều.
           Thứ nhất, tôi cảm thấy bị bỏ rơi một mình, trong lòng cuộc đời. Không ai có mặt với tôi, bên cạnh tôi, thậm chí mẹ tôi. Cho nên, tôi lo ngại, sợ hãi.
            Thứ hai, tôi cảm thấy thiếu tình thương, không ai lắng nghe, lại gần. Tôi có những nhu cầu, tôi đói, tôi khát… Không có ai lưu tâm đến tôi. Cho nên, tôi bức tức, giận hờn, thét gào, buồn khổ, thất vọng. Rốt cuộc, tôi trầm mình trong lãnh đạm, khép kín mình, từ chối tiếp xúc.
           Thứ ba, tôi cảm thấy không có giá trị. Tôi không có tiếng nói. Tôi không có quyền phát biểu ý kiến riêng tư của mình. Cho nên, bề ngoài, tôi câm nín. Nhưng trong đáy sâu tâm hồn, tôi oán hận, phản loạn.
           Thứ bốn, tôi cảm thấy bị hà hiếp, lạm dụng. Cho nên, tôi nghi kỵ mọi người. Tôi không thể tin tưởng vào một ai. Tôi muốn đập phá, hủy hoại tất cả và xách gói ra đi, biệt tăm biệt tích.
Thứ năm, tôi cảm thấy xấu xí, dễ ghét, bị coi thường, khinh thị và bạc đãi. Nói khác đi, tôi cảm thấy mình chỉ là phế liệu, trước con mắt mọi người. Cho nên, tôi xa lánh mọi người. Hay là, theo luật bù trừ, tôi có những hành vi ngang tàng, bướng bĩnh, lập dị. Tôi tỏ thái độ bất cần, trước nhận xét của người khác, trong đó có những người thương tôi, muốn xây dựng, đóng góp cho tôi.
           Thứ sáu, tôi cảm thấy bị loại trừ. Bạn bè không cho phép tôi nhập vào hàng ngũ, cùng chơi đùa với họ. Cho nên, tôi cảm thấy mình cô đơn, lạc lỏng. Tôi chỉ là con vịt giữa bầy gà. Không ai giống như tôi. Cuộc sống thật cô đơn, hãi hùng, buồn chán
          Thứ bảy, tôi cảm thấy bị đe dọa. Giữa đấu trường của cuộc đời đầy hiểm nguy và cạm bẫy, không một ai bênh đỡ tôi. Cho nên, tôi run sợ, lo âu. Tôi cảm thấy bất ổn, trong mọi nơi, với mọi người.
          Thứ tám, tôi cảm thấy vụng về, thất bại. Cha mẹ tôi thường trách mắng : mày đụng vào đâu, là hư hại ở đó. Cho nên, bây giờ, tôi không dám mạo hiểm. Sở dĩ tôi thành tựu được một đôi việc, là do tình cờ may rủi mà thôi.
          Thứ chín, tôi cảm thấy băn khoăn, lo ngại, cầu toàn. Tôi không bao giờ thấy mình thành đạt một cách mỹ mãn, trong bất cứ công việc gì. Kết quả cụ thể không mang lại niềm vui, vì tôi luôn luôn thấy mình « chưa đạt », thất bại, ở dưới trung bình. Khuyết điểm còn có mặt khắp nơi. Khi quét nhà, thế nào tôi cũng tìm thấy rác trong mọi xó xỉn.
            Thứ mười, tôi cảm thấy mình ngoại lệ, xuất chúng. Cho nên, tôi không tuân thủ những qui luật và những giới hạn bình thường, giống như mọi người. Vì quá đề cao và chú trọng những điểm khác biệt trong con người, tôi bỏ quên những đồng điểm, đang nối kết tôi lại với người khác. Khi cho phép mình sống ngoại lệ, khác người, tôi không ý thức rằng : tôi thuộc loại người « phạm pháp, vô kỹ luật », có xu thế thống trị và đàn áp người anh chị em. Những xung năng rừng rú, man dại của tôi không được giáo hóa, để chấp nhận những khuôn khổ tất yếu của cuộc sống làm người.
 
2.3. Yếu tố dẫn khởi
 
Tất cả những sơ đồ tâm lý và những tập tục xúc động, như tôi đã nhấn mạnh trong các phần vừa qua, đã xuất hiện và thành hình, trong cuộc đời của một đứa bé, trước 6 tuổi. Vào giai đoạn tăng trưởng và phát triển nầy, khả năng suy luận chưa có mặt. Tuy dù  đã xuất hiện, ngôn ngữ chưa phải là phương tiện tinh nhụê, thuần thục, cho phép trẻ em bộc lộ nội tâm, diễn tả những xúc động và ý thức về những nhu cầu của mình. Trong lãnh vực nhận thức, trẻ em cũng chưa thể phân biệt một cách rõ ràng, rành mạch, thực tại khách quan bên ngoài và những tâm tình, tâm trạng bên trong nội tâm. Nói theo ngôn ngữ của Phân Tâm học, trẻ em đang còn sống trong chế độ vô thức. Do đó, trẻ em chỉ phản ứng một cách máy móc, tự động, khi cảm nghiệm một cách mơ hồ một nhu cầu thể lý như  đói và khát… khi ghi nhận một kích thích trên làn da, thớ thịt của mình, như nhiệt độ nóng lạnh, ánh sáng chói chang, sự có mặt hay vắng mặt của mẹ.
Những cảm nghiệm bên trong hay là những kích thích bên ngoài, vào giai đoạn nầy, đều là những yếu tố dẫn khởi (Trigger trong tiếng Anh, hay là déclencheur trong tiếng Pháp, không thể lẫn lộn và đồng hóa với Cause có nghĩa là nguyên nhân phát sinh và tạo ra kết quả). Đó chỉ là  những điều kiện, những cơ hội, có phần vụ gợi ý, để trẻ em bộc lộ những phản ứng xúc động của mình. Cứ mỗi lần yếu tố dẫn khởi có mặt, là bấy nhiêu lần trẻ em có phản ứng xúc động. Ngày này qua ngày khác, được lặp đi lặp lại nhiều lần, phản ứng sẽ trở thành một tập tục ổn định, kiên cố. Yếu tố dẫn khởi được so sánh như một nút bấm hay là một loại « công tắc » điện. Công tắc được bấm lên, thì ánh sáng xuất hiện. Con người bị mặc cảm khống chế, cũng có xu thế phản ứng giống y hệt như vậy. Khi có một yếu tốâ dẫn khởi tương tự như trước đây,  tái xuất hiện trong môi trường sinh hoạt hiện tại, hay là trong các quan hệ tiếp xúc, thì người ấy phục hoạt, làm sống lại một cách tự động toàn bộ tập tục xúc động của mình, giống như trong tuổi thời thơ ấu. Cơ hồ, khi « rút một chiếc giây leo», chúng ta « làm chuyển động cả một khu rừng già». Yếu tố dẫn khởi có thể là một nhận xét vẩn vơ, một giọng nói, một liếc nhìn, một tà áo…có khả năng gọi trở về toàn bộ những kinh nghiệm xúc động u tối, ảm đạm, nhức nhối và thương đau, thuộc quá khứ.
 
 
3.- Phương thức  hóa giải
 
Hóa giải, theo lối nhìn của Phân Tâm Học, không có nghĩa là diệt trừ, tiêu hủy hay là làm tan biến. Với tinh thần BẤT NHỊ và bất bạo động, tôi chấp nhận, nhìn nhận và đón nhận tất cả những gì đang có mặt, trong hành trang của bản thân và cuộc đời. Hiện tại, Tự Ngã còn rừng rú, man rợ. Nhưng đó là nguồn nguyên liệu quí hóa. Siêu Ngã đang khắt khe và hạn chế, cơ hồ nhiều con đường « đầy ổ gà », đó đây trên Quê hương. Nhưng chính tôi cố quyết ra tay kiến dựng những con đường mới, nối lại những chiếc cầu gãy đổ.
            Nhìn nhận như vậy không có nghĩa là chịu đựng, buông xuôi, đầu hàng, bất động,  “nhắm mắt đưa chân, để xem Con Tạo xoay vần nơi nao ». Trong lòng cuộc đời, chúng ta là người luyện vàng, có khả năng chuyển biến đồng, chì, săùt thép… và bao nhiêu quặng sản khác thành vàng nguyên chất. Và để có khả năng luyện vàng như vậy, chúng ta phải HỌC. Phải HỎI. Phải tay làm hàm nhai. Phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Phải bắt tay vào làm. Không ngồi đợi, một cách vớ vẩn, quả sung từ trời rơi xuống trong miệng của mình. Phép lạ ở trong lòng cuộc đời. Phép lạ có mặt trong những khó khăn mà chúng ta đang gặp, trên từng bước đi, từ ngày vào đời. Thay vì ngồi ù lì, bất động, phàn nàn, chưởi bới, chúng ta hãy THẤY : Nếu chưa có một ngàn, chúng ta đang có một trăm. Nếu chưa có một trăm, ít nhất chúng ta đang có mười. Nếu mười chưa có, phải chăng chúng ta đang có một ? Thậm chí một cũng thiếu vắng, lúc bấy giờ, chúng ta vẫn còn có thể làm bùn đất, để vun bón một giây khoai, một củ chuối…Đối với một con người cần cù, lam lũ, Phép lạ luôn luôn  có mặt trong bàn tay của mình.
Hởi người Em, mà tôi đã đặt tên là Lý Minh Nguyệt trên đây, có nghĩa là Mặt Trăng Sáng. Em đang sợ, sợ đến độ tê liệt như một đứa bé chung quanh tuổi đời 8-9 tháng. Em đang muốn bám chặt tà áo của mẹ, và không chịu đựng được tình huống xa rời mẹ…cho phép mẹ đi chợ, đi thăm ruộng đồng… Em hãy lắng nghe lời ca dao :
          «   Ra đi, biết đó, biết đây.
          «  Ở nhà với Mẹ, biết ngày nào khôn ? »
Với tuổi đời 69, tôi cũng « khóc nhè » như trẻ thơ, mỗi lần xa quê hương, xa mẹ. Xa anh chị em bạn bè. Xa khóm lau, bụi chuối, xa khu vườn trồng rau của mẹ. Xa bờ ao mà ngày trước, tôi thường ra ngồi câu cá, để đợi mẹ đi chợ trở về. Có người đã chê cười, gắn cho tôi nhiều nhản hiệu như :« ấu trĩ, bệnh hoạn, tâm thần… ». Tôi đã ngã bệnh, thoái hóa, tê liệt, kiệt quệ trong một thời gian. Nhưng, như tôi đã nói trước đây, phép lạ có mặt trong mỗi người, mỗi cuộc sống. Tôi đã vùng chỗi dậy. Và tôi đã nghĩ đến thân phận mong manh, yếu mềm  của những đứa em, giống  như tôi. Cho nên, tôi đã nghiên cứu, học hỏi… Kết quả là tôi đả khám phá được kỹ thuật đồng cảm và ý thức hóa những xúc động, bằng cách  từng bước kinh qua bốn giai đoạn vươn tới.
Hôm nay, sau khi trình bày nỗi lo sợ làn tràn, lây lất… đang khống chế nội tâm của em, em hỏi tôi : cần làm gì, để thoát ra ngoài vòng vây hãm độc hại ấy. Tôi xin cám ơn Em, về lòng tin tưởng và những lời tâm sự ấy. Câu trả lời của tôi : Phép lạ ở trong em. Em hãy « làm phép lạ » cho mình và cho người. Tự khắc, phép lạ sẽ đâm chồi, nảy lộc, kết sinh hoa trái. Em không làm phép lạ, thì không có một ai trên Trời, dưới Đất có thể làm phép lạ, thay thế cho Em.
Làm phép lạ là biến bệnh hoạn, mặc cảm… thành sức sống tràn đầy và vươn lên.
-               Mặc cảm, như bây giờ em đã biết, xảy ra khi Siêu Ngã áp chế cho chúng ta những tư duy độc lộ, ép buộc chúng ta  nhắm mắt đi theo những con đường MỘT CHIỀU.
-               Mặc cảm là tai họa, gông cùm… khi xung năng đảo lộn mọi qui luật và thứ tự tất yếu của cuộc đời.
-               Khi mặc cảm trấn ngự bản thân, chúng ta bơ vơ, lạc lỏng, không biết mình là ai. Nhu cầu cơ bản của tôi là gì ? Nhu cầu của người khác bị tôi khinh thị và đàn áp…
 
Sinh lực và năng động,  trái lại, là hoa trái, mùa màng, khi chúng ta thực thi những động tác cụ thể như sau :
Chủ động trở thành một Siêu Ngã có khả năng soi sáng và hướng dẫn người khác, nhất là trẻ em và giới trẻ, trong môi trường gia đình và xã hội. Thay vì làm Siêu Ngã độc tài và đàn áp những sức sống hồn nhiên, yêu đời. Hay là tạo bầu khí ngột ngạt, đầy tố cáo, phê phán, xung đột và hận thù trong mọi quan hệ trao đổi giữa người với người.
Cho phép trẻ em và giới trẻ phát biểu ý kiến của mình.
Dạy cho trẻ em và giới trẻ diễn tả xúc động và ý nguyện của mình một cách cởi mở, bình tĩnh, lịch sự và an toàn.
Đồng cảm, nghĩa là lắng nghe, tìm hiểu, đón nhận và nhìn nhận những khó khăn, vấn đề và nỗi lòng ấm ức của người đối diện.
Tạo những điều kiện thuận lợi, thuộc mức độ thực tế của mình, để kẻ khác có cơ may thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ.
Khi chúng ta có khả năng CHO như vậy, tự khắc chúng ta sẽ NHẬN lại một quà tặng cao quí : Trở thành NGƯỜI. Khi chúng ta giúp kẻ khác hóa giải những mặc cảm đang khống chế nội tâm và làm băng hoại cuộc đời của họ, mặc cảm không còn là trở ngại. Mặc cảm đã trở nên cho chúng ta một bài học, một kinh nghiệm. Nhờ đó,  chúng ta biết đồng cảm với những người đang khổ đau, trong cuộc đời. Không can trường đi vào vùng bão tố, làm sao chúng ta tìm ra cho mình và cho người khác, con đường đi ra khỏi bão tố ?
 
4.- Vượt qua những mặc cảm ngàn đời « Sơn Tinh và Thủy Tinh »
 
Tinh thần NHỊ NGUYÊN – Tao hơn, Mầy thua – là nguồn gốc cơ bản đã gây ra những tình huống xung đột « nồi da xáo thịt », trong lòng Quê hương, từ đời các Vua Hùng. Thay vì lặp lại những gì có liên hệ đến sơ đồ nội tâm, hay là những tập tục xúc động đã và đang làm băng hoại những quan hệ hài hòa, giữa anh chị em Con Rồng Cháu Lạc, từ đời nầy qua đời khác… tôi thử đặt mình trong vai trò của Vua Hùng thứ mười tám. Tôi hình dung tâm hồn của Mị Nương, được vua cha yêu thuơng, chiều chuộng. Tôi hóa thân thành hai anh em ruột thịt Sơn và Thủy. Từ đó, tôi lắng nghe trong lòng mình những mẫu đối thoại giữa các nhân vật như sau :
 
Mẫu đối thoại giữa Vua Hùng và Mị Nương
 
Lời Vua Hùng : Hỡi nàng công chúa của Ba, ngày mai Ba sẽ có buổi chuyện trò với hai chàng thanh niên tuấn tú có nơi cư ngụ ở Núi Tản Viên Ba Vì và Biển Đông. Theo như tin tức Ba nhận được, cả hai chàng đều có lòng thương con. Họ đến ra mắt, để cầu hôn… Hình như tài năng của người nào cũng bao la như Thái Bình Dương và cao cả như Bầu Trời. Một chàng mang tính tình của người cha. Chàng kia phản ảnh tâm hồn của người mẹ. Vậy, Ba muốn biết ý kiến của con.
 
Lời đáp của Mị Nương : Con sung suớng tạ ơn Ba. Con vừa xúc động, vừa hãnh diện được Ba tham khảo ý kiến, mỗi lần có một vấn đề to hay nhỏ, có quan hệ đến đời con và thuộc về trọng trách của Ba. Ba là Trời, con là đất. Thế mà nhờ Ba, con học được bài học : không Trời, đất sẽ khô cằn. Không đất, Trời sẽ trống không. Vậy, về sự việc có người đến cầu hôn con, xin Ba hãy xem xét vấn đề, từ trái tim và bộ óc của một vị đã sinh thành ra con. Còn con, con sẽ cố gắng tìm hiểu ai là người thực sự thương yêu và tôn trọng con. Sau đó, con sẽ trình lại cho Ba nỗi lòng của con.
 
Mẫu đối thoại giữa Sơn và Thủy
 
Lời của Thủy : Kính thưa Anh, sau bao nhiêu ngày bôn ba xuôi ngược, trên những chân trời gốc biển của Thái Bình Dương, em đã xin phép Ba ghé về đây, thăm Mẹ và thăm Anh, trong một vài ngày. Ba cũng bảo em hãy về bàn với Anh, xin Anh góp ý kiến về việc lập gia đình của em. Ở Biển Đông, nhiều cô gái cũng mặn mà, kiều diễm… như ở quê nhà Lạc Việt nầy. Nhưng Ba và Em lại ước muốn có cây nhà lá vườn, tìm kiếm ai đó có bóng hình, đường nét của Mẹ. Ba còn cụ thể hơn nữa, gợi ý, nhờ Anh đến cầu hôn nàng Mị Nương, người con gái độc nhất của Vua Hùng, cho em. Em mong biết ý kiến của Anh.
 
Lời đáp của Sơn : Anh cám ơn em đã về thăm Mẹ và Anh. Đáp lại câu hỏi của em, Anh cũng thú thật với em : Nàng Mị Nương mà em nói tới, không phải là người xa lạ. Nàng có tới thăm Mẹ một đôi lần. Mẹ cũng tỏ ra yêu quí nàng rất nhiều. Mẹ cũng gợi ý, muốn mời nàng về đây, hôm sớm bên Mẹ và Anh. Nhưng tất cả đang là dự tính, chưa có gì là hiện thực cả. Nghe em trình bày ý kiến của Ba và của em, Anh cũng chạnh lòng, thương Ba và em muốn có cây nhà, lá vườn. Vậy Anh đề nghị : cả hai chúng ta đến gặp mặt nàng, cho em làm quen nàng luôn thể. Chúng ta hãy trực tiếp diễn bày tấm lòng thành thực của chúng ta cho Cha nàng và nàng. Tùy vào nỗi lòng trung thực của nàng, hai anh em chúng mình sẽ cùng nhau trao đổi và quyết định. Anh còn muốn nói thêm cho em biết : Ngoài Mị Nương, Quê hương Lạc Việt có trăm hoa đua nở, trên khắp mọi cánh đồng…Mỗi người trong chúng ta đều được thương yêu và kính trọng. Mỗi người đều có tiếng nói và chỗ đứng thích hợp, theo nhu cầu và nguyện vọng của mình.
 
Câu chuyện đối thoại còn tiếp tục kéo dài…  Tinh thần trao đổi và trung thực đã bắt đầu có mặt giữa những người có thể chất khác nhau, nhưng biết lắng nghe và tôn trọng nhau. Họ đang hội nhập khả năng đồng cảm, trong nội tâm của mình.
Đến đây, tôi xin tự nguyện rút lui… Mỗi độc giả hãy sáng tạo những mẫu đối thoại khác, trong đáy sâu của lòng mình.
 
_______________________________________
 
Sách Tham Khảo
 
1.-  Tara BENNET- Goleman - Emotional Alchemy –Rider, London 2001, 341 tr.
2.-  NGUYỄN VĂN THÀNH  -  Đường vào Nội Tâm với Phân Tâm Học  -  Tủ Sách Tình Người, Lausanne 1997, 250 tr.
3.- NGUYỄN VĂN THÀNH -  Đối Thoại : Quê Hương Tình Người - TN, Lausanne 1999,145 tr.
4.- NGUYỄN VĂN THÀNH  -  Đồng Cảm để Đồng Hành  - TN, Lausanne 2003, 276 tr.
5.-  HOÀNG TRỌNG MIÊN – VN Văn Học Toàn Thư  - Tiếng Đông Phương,  Sài gòn 1973, 665 tr.