SẮC LỆNH
VỀ TÁC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC
PRESBYTERORUM ORDINIS
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
LỜI MỞ
ĐẦU
VỀ TÁC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC
PRESBYTERORUM ORDINIS
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
1. Chức linh mục
trong Giáo Hội vô cùng cao trọng, đó là điều Thánh Công Đồng này đã
nhiều lần nhắc nhở cho mọi người[1].
Trong công cuộc canh tân Giáo Hội, hàng linh mục giữ một vai trò rất
quan trọng và càng ngày càng thêm khó khăn, vì thế, thật hữu ích khi
luận bàn cách rộng rãi và sâu sắc hơn về các linh mục. Những điều
nói đây được áp dụng cho tất cả các linh mục, nhất là cho những vị
hiện đang coi sóc các linh hồn, và tùy nghi ứng hợp cho các linh mục
dòng. Quả thực, do chức thánh và sứ mệnh lãnh nhận từ các Giám
mục, các linh mục được đặc cử để phụng sự Đức Kitô, là Thầy, là Tư
Tế và là Vua, được chia sẻ với Người tác vụ xây dựng Giáo Hội ở
trần gian thành Dân Thiên Chúa, nên Thân Thể Đức Kitô và Đền thờ Chúa Thánh
Thần. Vì vậy, để nâng đỡ các ngài cách hữu hiệu hơn trong tác vụ
và để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho đời sống các ngài giữa những chuyển
biến sâu rộng và mau lẹ trong môi trường mục vụ cũng như trong điều
kiện nhân sinh, Thánh Công Đồng tuyên bố và xác quyết những điều sau
đây.
2. Chúa Giêsu,
“Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trần gian” (Ga 10,36), đã
làm cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào việc xức
dầu mà Người đã nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần[2]:
thật vậy, trong Người, tất cả các tín hữu được đặt vào hàng tư tế
thánh thiện và vương giả, hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng
liêng nhờ Đức Kitô, và tuyên xưng quyền năng của Đấng đã gọi họ từ
chốn tối tăm vào nơi đầy ánh sáng
diệu kỳ[3]. Vì thế,
không có chi thể nào không thông phần vào sứ mệnh của toàn thân, trái
lại mỗi chi thể đều phải tôn vinh Chúa Giêsu trong tâm hồn[4] và phải
làm chứng về Người với tinh thần ngôn sứ[5].
Tuy
nhiên, để liên kết các tín hữu thành một thân thể duy nhất, trong đó
“mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng” (Rm 12,4), chính Chúa đã cắt đặt một
số thừa tác viên, những người nhờ chức thánh được trao quyền tế lễ
và tha tội[6]
trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Đức Kitô chính thức thi hành
tác vụ linh mục cho mọi người. Bởi vậy, Đức Kitô đã sai các Tông Đồ
như chính Người đã được Chúa Cha sai đến[7],
và qua các Tông Đồ, Người đã cho các đấng kế vị là các Giám mục[8]
cũng được thánh hiến và tham dự vào sứ mệnh của Người, sau đó,
thừa tác vụ của các Giám mục lại được trao ban cho các linh mục ở
cấp độ thuộc quyền[9],
để khi đã gia nhập hàng linh mục, các ngài trở thành những cộng sự
viên của hàng Giám mục[10]
cùng nhau chu toàn cách tốt đẹp sứ mệnh Tông đồ đã được Đức Kitô ủy
thác.
Vì
được liên kết với hàng Giám mục, nên tác vụ linh mục cũng tham dự
vào quyền bính mà chính Đức Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa
và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, thánh chức linh mục, tuy lãnh
nhận sau các bí tích khai tâm Kitô giáo, nhưng lại được trao ban qua
một bí tích đặc thù, ghi khắc một ấn tích đặc biệt nơi các linh
mục nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, như thế, các ngài nên
đồng hình đồng dạng với Đức Kitô linh mục, đến nỗi có quyền hành động
với tư cách là hiện thân của Đức Kitô là Đầu[11].
Vì
được tham dự vào chức vụ của các Tông Đồ, nên các linh mục được
Thiên Chúa ban ân sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa
muôn dân, và thi hành thánh vụ rao giảng Tin Mừng để hiến lễ của chư
dân được chấp nhận và thánh hóa trong Chúa Thánh Thần[12].
Thật vậy, việc loan truyền Tin Mừng của các Tông Đồ đã triệu tập và
qui tụ đoàn Dân Thiên Chúa, để khi được Chúa Thánh Thần thánh hóa,
tất cả những ai thuộc về dân này sẽ tự hiến làm “lễ vật sống
động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Nhưng qua thừa tác
vụ của các linh mục, lễ tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn
tất nhờ kết hợp với hy tế của Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất;
trong mầu nhiệm Thánh Thể, lễ tế ấy được hiến dâng cách bí tích và
không đổ máu nhờ tay các linh mục, nhân danh Giáo Hội, cho tới khi
Chúa lại đến[13].
Tác vụ linh mục hướng đến việc tế lễ và được thành toàn trong
chính hiến lễ ấy. Thật vậy, bắt đầu bằng việc rao giảng Tin Mừng,
tác vụ của các ngài đón nhận sức mạnh và năng lực từ Hy Tế của
Chúa Kitô, và hướng đến việc làm cho “toàn thể thành đô đã được cứu
chuộc, nghĩa là công hội và cộng đoàn các thánh, nên như hiến lễ
chung toàn dâng lên Thiên Chúa nhờ vị Thượng Tế, Đấng đã dâng hiến
chính mình trong cuộc Khổ nạn vì chúng ta, để chúng ta trở nên Thân Thể
của Người là Đầu vô cùng cao cả”[14].
Vì
thế, mục đích mà các linh mục theo đuổi trong tác vụ và đời sống
các ngài là phải tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô.
Vinh danh này hệ tại việc mọi người ý thức, tự do và đầy lòng biết
ơn khi đón nhận và biểu dương trong suốt cuộc đời công trình của Thiên
Chúa đã được hoàn tất nơi Đức Kitô. Như thế, khi cầu nguyện, tôn thờ
cũng như khi giảng dạy, khi dâng Hy tế Thánh Thể và cử hành các bí
tích cũng như khi phục vụ mọi người, các linh mục vừa làm cho vinh
quang Thiên Chúa thêm hiển sáng, vừa giúp con người tăng triển trong
đời sống siêu nhiên. Tất cả những điều đó bắt nguồn từ mầu nhiệm
Vượt qua của Đức Kitô và sẽ được hoàn tất khi chính Người lại đến
trong vinh quang, khi Người trao Vương Quyền cho Thiên Chúa Cha[15].
3. Được tuyển chọn
từ loài người và được thiết lập vì loài người trong những việc liên
quan đến Thiên Chúa để dâng hiến lễ vật và hy tế đền tội, các linh
mục sống với người khác như với những người anh em[16].
Thật vậy, chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Người được Chúa Cha sai
đến với loài người, đã ở giữa chúng ta và muốn nên giống chúng ta
là anh em Người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi[17].
Các Thánh Tông Đồ đã sống như Người, và Thánh Phaolô, vị Tiến sĩ dân
ngoại, “người được dành riêng để rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”
(Rm 1,1) chứng thực rằng, ngài đã trở nên tất cả cho mọi người để
giúp mọi người được cứu rỗi[18].
Các linh mục của Giao Ước Mới, do ơn gọi và chức thánh, một cách
nào đó được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, không phải để tách biệt
khỏi đoàn dân ấy hoặc khỏi bất cứ một ai, nhưng để được thánh hiến
dành riêng hoàn toàn cho công việc Chúa trao phó[19].
Các ngài không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không trở nên
chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống
trần thế này, tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại
trở nên xa lạ với cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại[20].
Chính thừa tác vụ đặc biệt của các ngài đòi buộc các ngài không
được sống rập theo đời này[21];
nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài phải sống giữa mọi người trong
thế gian này, phải như những mục tử nhân lành biết các con chiên của
mình, lại phải tìm kiếm và dẫn về những con chiên chưa thuộc đàn
này, để chúng được nghe tiếng Chúa Kitô và sẽ chỉ có một đàn chiên
và một Chủ Chăn[22].
Để được thế, các ngài cần phải có nhiều đức tính vẫn đáng được
xã hội loài người quí trọng như từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì,
yêu chuộng công lý, hòa nhã và những
đức tính khác, như Thánh Phaolô Tông đồ đã khuyên nhủ: “Tất cả những
gì là chân thật, tinh tuyền, công chính, thánh thiện, khả ái, những
gì là danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, là đáng khen, thì
xin anh em hãy tưởng nghĩ đến” (Pl 4,8)[23].
[1]
CĐ VATICAN II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium: AAS 56 (1964),
tr. 97tt.; Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium: AAS 57 (1965),
tr. 5tt.; Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục
Christus Dominus; Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius.
[2]
x. Mt 3,16; Lc 4,18; Cv 4,27; 10,38.
[3]
x. 1 Pr 2,5 và 9.
[4]
x. 1 Pr 3,15.
[5]
x. Kh 19,10; CĐ VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 35: AAS 57 (1965), tr. 40-41.
[6]
CĐ TRENTÔ, Khóa XXIII, ch. 1 và điều 1: DS 957 và 961 (1764 và 1771).
[7]
x. Ga 20,21; CĐ VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 18: AAS 57 (1965), tr.
21-22.
[8]
x. CĐ VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28: AAS 57 (1965), tr. 33-36.
[9]
x. nt.
[10]
x. Potificale Romanum, Kinh
Tiền Tụng lễ phong chức linh mục. Những lời này đã có trong Sacramentarium Veronense: xb. L.C. Mošhlberg,
Roma 1956, tr. 122; trong Missale
Francorum: xb. L.C. Mošhlberg, Roma 1957, tr. 9; cũng thấy trong Liber
Sacramentorum Romanae Ecclesiae: xb. L.C. Mošhlberg, Roma 1960, tr. 25; và
trong Pontificale Romano-Germanicum:
xb. Vogel-Elze, Città del Vaticano 1963, vol. I, tr. 34.
[11]
x. CĐ VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 10: AAS 57 (1965), tr. 14-15.
[12]
x. Rm 15,16: bản Hy lạp.
[13]
x. 1 Cr 11,26.
[14]
T. AUGUSTINÔ, De Civitate
Dei, 10,6: PL 41, 284.
[15]
x. 1 Cr 15,24.
[16]
x. Dt 5,1.
[17]
x. Dt 2,17; 4,15.
[18]
x. 1 Cr 9,19-23: bản Phổ
thông.
[19]
x. Cv 13,2.
[20]
“Những hoàn cảnh ngoại tại mà Giáo Hội đang sống chính là động lực
thúc đẩy việc hoàn thiện đời sống thiêng liêng và luân lý; vì Giáo
Hội không thể ngồi yên và không quan tâm đến những đổi thay của thế
giới loài người đang vây quanh Giáo Hội và đang tác động đến cách
sống và điều kiện sinh hoạt của Giáo Hội bằng nhiều cách. Mọi
người đều biết rằng Giáo Hội không tách biệt nhưng là sống giữa xã
hội loài người, vì thế con cái Giáo Hội không những chịu ảnh hưởng
mà còn thấm nhiễm nền văn hóa, tuân theo luật lệ và phong tục của
xã hội ấy. Mối liên hệ mật thiết với xã hội loài người tạo cho
Giáo Hội một tình trạng luôn luôn có những vấn đề phải giải quyết,
những vấn đề này lại càng thêm trầm trọng trong thời đại hôm nay
(...). Vị Tông đồ dân ngoại đã khuyên nhủ các Kitô hữu: “Anh em đừng
mang chung môt ách với những kẻ không tin. Thật vậy, sự công chính làm
sao có thể thoả hiệp với sự bất chính? Ánh sáng làm sao có thể
hoà nhập với bóng tối?... người tín hữu làm sao lại chung phần được
với người không tin? (2 Cr 6,14-15). Vì thế, những ai lo việc giáo dục
và huấn luyện trong Giáo Hội ngày nay, cần phải nhắc nhở thanh thiếu
niên công giáo nhận biết địa vị cao cả của họ, đồng thời từ đó ý
thức về bổn phận phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế
gian, như lời Đức Kitô đã cầu nguyện cho các Tông Đồ: “Con không xin Cha
đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không
thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,15-16).
Giáo Hội đã nhận lấy lời cầu nguyện đó làm của mình. Tuy nhiên, phân
biệt khỏi thế gian, như thế không có nghĩa là tách biệt khỏi thế
gian, cũng không phải là dửng dưng, sợ hãi hay miệt thị thế gian.
Thật vậy, khi tự phân biệt với nhân loại, Giáo Hội không chống đối,
nhưng đúng hơn, vẫn liên kết với thế gian”. PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964),
tr. 627 và 638.
[21]
x. Rm 12,2.
[22]
x. Ga 10,14-16.
[23]
x. T. PÔLYCARPÔ, Epist. ad Philippenses,
VI, 1: “Các trưởng giáo đoàn phải biết cảm thông, nhân ái với mọi
người, phải dẫn đưa những người lầm lạc trở về, thăm viếng bệnh
nhân, không khinh thường các quả phụ, cô nhi hay người nghèo, nhưng phải
luôn lo thực thi điều thiện trước mặt Thiên Chúa và người ta, phải
kiềm chế cơn nóng giận, đón nhận mọi người, không xét xử bất công,
phải giữ mình khỏi tật tham lam biển lận, không vội tin chuyện xấu
của người khác, cũng không quá nghiêm khắc khi luận xử, vì biết rằng
tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi”.