Yêu nước kiểu cộng sản qua truyện ngắn Người Tiều Phu




Truyện ngắn Người Tiều Phu
                                                                              Nguyễn Quang

Biển và rừng Cà ná, rừng thoa thỏa dọc theo ven biển nơi đây, biển cách rừng qua con lộ chạy xuyên cả nước, rừng với biển như quyện vào nhau tạo nên một vùng sinh thái có khí hậu nhiệt đới, gió rừng mang theo hơi nước của biển  thuộc duyên hải miền Trung nầy.
Xa xa, những cánh đồng ruộng muối bát ngát với hương vị riêng Cà ná, mà mỗi người Việt Nam khi nghe đến đều nhớ tới hương vị thật mặn của nó.
Sự xuất hiện đột ngột của lão Chu tại vùng biển nầy, không ai nghĩ ông lão đi săn hay sẽ chài lưới, chính ông cũng không biết. Ông đến thăm một người bạn cũ dưới mái trường xưa, song cũng là người được ông cứu mạng nhiều lần lúc đương quyền dưới chế độ miền Nam Tự do…Vì người bạn nầy hoạt động bí mật cho phe bên kia và từng là một nhà tình báo chiến lược.

Khi bếp lửa được thổi lên để chuẩn bị pha trà, những thanh trúc khô nổ lách tách. Họ cười nói với nhau, ông lão cách mạng mở lời trước: -Tôi đã từng ở rừng và nay trở lại với rừng, nhưng bây giờ biết bó củi thật chặt hơn. Ông tiếp: đêm nay chúng ta sẽ đi săn và trở về uống rượu nếp than với thú rừng.
Cả hai uống trà và dùng các món ăn nhẹ, khi chiều xuống họ lên đường. Lão Chu hỏi người bạn già: Bác đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ hành trang chưa… Ông lão trả lời một cách sảng khoái: kẻ đi săn chuyên nghiệp là kẻ không phải mang gì hết… Tôi chỉ có một túi xách để nhốt chúng, và cái ống tiêu để thổi lên thứ ngôn ngữ riêng của mỗi loài thú mà ta muốn đánh chúng vào mẻ lưới của mình... à... một cái đèn pin nữa để phân biệt tối sáng và anh sẽ không lạ ở đây họ hay gọi tôi là ông lão tiều phu… Lão Chu cười: à tôi hiểu, người giỏi thắng không cần phải đánh, chỉ cần bày binh bố trận là đã thắng.
Khi đến mé rừng, ông bắt đầu chỉ chỗ cho lão Chu gỡ những con thú rừng như thỏ, sóc, chuột, chồn… đã bị dính bẫy và người tiều phu nhẹ nhàng, âm thầm đặt tiếp các bẫy khác. Lão Chu để ý các thứ mồi đều có mùi thơm của hương vị bột đặc biệt.
Sau khi đã nhặt nhiều thú rừng bị bẫy, Lão Chu đề nghị: thôi thế là đủ cho chúng ta trở về. Nhưng người tiều phu cười bảo: chúng ta chỉ được hưởng chưa đầy phân nửa của những gì mình đã thu hoạch, nó là thế và đó cũng là niềm vui trong sự chia sẻ với mọi người. Nhưng niềm vui đích thực của chúng ta không phải là các thứ mồi ngon ấy, song là… đã có bao nhiêu những con thú vì nghe nhầm mà sụp bẫy…
Họ lại tiếp tục đi sâu vào rừng, bước chân người tiều phu như đã quá quen trên các lối mòn nầy dù là vào ban đêm. Còn lão Chu sau những năm lao cải ở các trại tập trung, nay cũng trở nên biết chịu đựng với gió sương, nhất là lão đang có một kế họach muốn đề nghị để thoát thân tại vùng biển nầy, nên càng không thấy mệt mỏi khi phải leo dốc nhiều.
Bác tiều phu luôn vui vẻ, trông ông thật thanh thoát, trong nhịp thở như luôn có tiếng hát trên bước chân không mệt mỏi của ông:... Khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải sang cho phẳng… và ông nhớ lại ký ức của một thời: Từ nay ta sẽ lưới người như bắt cá bắt chim.
Cả hai cùng ngồi nghỉ trên một bãi rộng giữa khu rừng, họ uống rượu nếp than cho người ấm lên khi đêm về khuya dưới thời tiết trở lạnh giữa rừng. Người tiều phu lại đứng lên và giăng tiếp những mẻ lưới để đánh bắt chim, lão Chu đặc biệt theo dõi và  làm theo sự chỉ dẫn của người bạn già… Ông chăm chú cẩn thận các góc lưới rồi cắm chúng thật chặt... Và từ tâm hồn như muốn thoát ra thứ tiếng lòng: Ta thổi cho các ngươi nghe và các ngươi sẽ nhảy múa... tiếng sáo của ta là tiếng lòng yêu nước và đặc biệt là âm điệu giành cho loài chim quốc quốc.
Quả thật khi người tiều phu thổi lên thứ âm điệu phỏng theo tự nhiên nầy, đó là tiếng kêu của loài chim quốc quốc gọi nhau, tiếng kêu tập họp kết đoàn, khiến chúng qui tụ lại bên nhau trong mẻ lưới của ông.
Những con quốc lần lượt, một con, vài con và rồi từng đàn bay về bên tiếng gọi đàn, có con tung dính vào lưới trước khi cả đàn bị sập bẫy. Thế rồi những đàn chim càng lúc đổ về nhiều hơn, người tiều phu nói: -Thôi ta dừng. Lão Chu thầm nghĩ: Nó nhiều quá, làm cách nào để kham cho nỗi, đàng khác lại thấy tiếc những con mồi được tha, từ khi ở các trại tập trung trở về, ông thấy cái gì bỏ đi cũng tiếc, ông từng bị giam giữ ở tận các vùng sâu núi cao và vào giữa tiết đông một miếng giẻ rách cũng quí biết bao.
- Thôi ta dừng - Bác tiều phu nói với người bạn, nhưng thật sự là một thái độ với chính mình: Ta nên kiềm chế và phải vượt qua, phải chiến thắng được lòng tham vô đáy của con người nơi chính mình… Ta phải biết dừng lại đúng lúc, chính yếu tố đó đã làm cho ta tồn tại đến hôm nay. Ta đã đi trên mọi nẻo đường với nhiều bạn hữu, nhưng phần lớn đã mãi mãi sớm đi xa vì hầu như không ai muốn dừng lại, hay có muốn dừng lại cũng bị cái không chịu dừng, gọi là bánh xe lịch sử kéo lê đi… Nào ! Kẻ chiến thắng thật sự phải là người tự thắng chính mình.
Người  tiều phu đã cười thích chí trong ý nghĩ của mình và không buồn gỡ hết những con mồi, ông nhặt lên từng con và bỏ vào giỏ, những con càng vùng vẫy lại càng luống sâu vào bẫy của ông, mỗi một con được cầm trong tay như mang lại niềm phấn chấn hơn nữa: có một điều gì đó mà ông muốn nói với chúng, từ miệng người tiều phu thỉnh thoảng lão Chu nghe rất rõ:... vùng vẫy, vùng vẫy... đừng có dại nghe con, chớ có tai mà cái gì cũng nghe, chớ có nghe mà không phân biệt được tiếng nào cũng là tiếng quốc... Yêu nước, yêu nước, đừng có dại nghe con.
Quốc trong tiếng Việt có nghĩa là nước. Ở đây nó mang nghĩa bóng là kêu gọi lòng yêu nước và bao con chim đã chết, sa lưới vì tiếng gọi nầy.

* *

Họ trở về, đêm đã về khuya, cả hai đều đi qua căn chòi công an biên phòng bên bờ biển, và như thường lệ người tiều phu biếu cho họ vài con chim quốc và các loại thú rừng khác để nấu cháo ăn khuya. Đối với các cư dân địa phương, ông là một nhà cách mạng tuổi cao về ẩn dật, nên không ai để ý các hành vi của ông. Họ hoàn toàn tin tưởng vào các việc làm của ông lão là đúng với chủ trương đường lối.
Người tiều phu giới thiệu với các anh công an biên phòng về người bạn cùng đi với ông, họ vẫn tưởng là một nhà cách mạng khác và được mời mọc rất chân tình vào viếng nơi các đồn bót của anh em.
Họ được mời ngồi trên chiếc ghế gỗ giữa nhà, có một bàn nhỏ, trong căn chòi có đủ mùi pha lẫn: mùi cá khô, thuốc lá đang phơi dọc trên vách theo từng lớp từ trên xuống, và bên trên trần nhà đầy cá mực các loại. Phía đầu nằm của mỗi chiếc giường tre cá nhân có đủ thứ quần áo và khăn vắt trên đầu nằm, cuối chân giường là bàn chải đánh răng, chén bát lãnh cơm canh cá… và dưới gầm giường đầy xoong chảo, các loại lương thực khô như khoai lang, khoai mì...
Lão Chu quan sát thật kỹ, dù là ban đêm với chiếc đèn dầu. Ông chỉ nói lời khen: Anh em tinh thần thật cao, dù khó khăn gian khổ vẫn cố gắng vượt qua để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Và sau cuộc nói chuyện về hoàn cảnh gia đình, ông biết họ rất khó khăn thật sự, cái nghèo đang đeo đuổi bọn chúng… mực khô, cá khô, thuốc lá khô kia sẽ được tích lũy dần và gởi về gia đình.
Cả hai chào từ biệt ra về, lão Chu nhìn lại căn chòi một lần nữa với nhiều suy nghĩ: Ta sẽ tẩy rửa chúng bằng lửa... Các anh công an biên phòng rất nồng hậu với họ và mong sớm gặp lại, vì ai cũng sẽ có bữa bồi dưỡng cháo quốc về khuya.
Bác tiều phu cũng phân phát cho những người láng giềng, ai nấy đều khen ông là người thật có tài và đức. Ông vốn rất coi trọng công tác quần chúng, vì với ông: “Đốm lửa có thể đỏ rừng”.
Lão Chu đã nói hết nỗi lòng của mình với người tiều phu và họ hẹn nhau vào một ngày sẽ trở lại. Không biết hai người bạn cố tri đã bàn với nhau những gì, song có tiếng nói rõ trầm nhỏ đầy lạc quan của người tiều phu: - Đó là chuyện nhỏ...
Sau một thời gian ngắn, lão Chu trở lại, với khuôn mặt của con người luôn trầm tư, thích nói nhiều khi có mục đích, đã từng cam chịu nhiều khổ đau, đang bị quản chế, công an du kích địa phương luôn dõi theo từng bước chân, ông có thể bị sát hại, bị giết chết, thậm chí thủ tiêu bất cứ lúc nào.
Đêm hẹn hôm đó, họ cũng đi săn, nhưng về muộn hơn. Các anh công an biên phòng vẫn quen chờ đợi bác tiều phu, song quá khuya nên họ cũng có phần mệt mỏi. Như thường lệ, khi đi ngang qua chòi của công an biên phòng, người tiều phu ném vào cho chúng vài xâu chim quốc và ông gọi lớn thật vui: - Hãy nấu cháo mà ăn, hãy nấu cháo mà ăn rồi đi ngay.
Tối nay cũng vậy, nhưng người bạn già của ông đã ném thêm mẫu tàn thuốc của cả hai ông trước khi rời xa... Đi được một khoảng xa họ nhìn lại, căn chòi đã ngún khói và ngọn lửa bắt đầu bốc lên... gió biển hoà với gió rừng mùa khô đã đưa ngọn lửa bỗng chốc ngùn ngụt như ngọn đuốc lớn tỏa trên vùng biển nầy.
Vào lúc đó, theo đúng giờ hẹn, khách thăm quan vùng kinh tế mới trên một chuyến xe buýt có biểu ngữ và cờ xí chung quanh… đã chạy từ từ trong đêm đến gần bãi đáp... Tất cả lên ghe an toàn vì giờ đây theo sự phán đoán của lão Chu và người tiều phu: do quá nghèo nên chúng sẽ tiếc rẻ mọi thứ mà lo chữa cháy, cứu chòi.
Con tàu xuôi thuyền ra biển khơi, chiếc xe buýt theo dự tính sẽ trở về, nhưng cả tài chính, tài phụ đều có quyết định cuối cùng: ra đi luôn, nên chiếc xe bị bỏ lại nằm ụ trên bờ phó mặc.

* *
    
Biển yên, gió lặng... Con tàu lướt sóng nhanh, các thuyền nhân tin tưởng, hy vọng sẽ đến được bến bờ nơi trời mới, đất mới đầy cảm động... nhưng trời bỗng đổ cơn dông, sấm sét... ở cuối chân trời một màu đỏ sậm đến màu tím lạnh như màu nước biển… rồi tất cả tối tăm.
Đã hai ngày trôi qua, ai cũng mệt lã, họ mất tinh thần, cộng thêm vào say sóng, ói mửa, không còn ai đủ sức để tát nước ra khỏi thuyền mỗi khi có sóng lớn ập vào thuyền và con tàu đến lúc gần như muốn vỡ toang ra từng mảnh.
Các tài công giàu kinh nghiệm trên tàu nầy biết rằng, nếu cứ trôi sẽ đi vào vùng biển đầy nguy hiểm của khu vực. Họ quyết định trở vào bờ theo hướng gió nồm... Cũng bằng với thời gian ra khơi, con tàu đã tiến vào đến gần bờ, thế là hơn một tuần lễ, khi ghe cập vào cách bờ không xa lắm các phao cứu hộ được phân phát và lão Chu quyết định vì sự an toàn tuyệt đối sẽ phi tang con tàu. Con tàu đã bị đập tan ra thành từng mảnh và các thuyền nhân theo từng toán vào bờ... Ai cũng kiệt sức, nhưng sợ bị bắt nên đều cố sức một lần cuối hầu thoát thân an toàn trở về gia đình.
Lão Chu đã lên bờ và thoát khỏi vùng biển nầy một cách an toàn, ông đã bắn tin cho người bạn cũ, người tiều phu dường như đã có linh cảm về những gì sẽ xảy ra… trong cuộc đời làm tình báo của ông, giác quan thứ sáu, nhất là bản năng sinh tồn nơi ông rất mạnh mẽ. Ông đã tiên liệu mọi chuyện vì nguyên lý: tiến khó một mà rút khó mười... Mỗi sự việc xảy ra ông đều nhận ra đâu là yếu tính của vấn đề, ông đã làm được việc trả ơn cho người bạn đã từng cứu ông thoát chết mà ông nghĩ sẽ không bao giờ trả được. Lão Chu đã từng là trưởng cảnh sát của một vùng và khi đó công việc tình báo của người tiều phu bị bại lộ, phải vào tù... Lão Chu vì tình bạn học ngày xưa đã cứu ông bằng cách tổ chức cho nhà cách mạng trốn trại.
Khi được tin, người tiều phu bình tĩnh, với một túi xách nhỏ, ông vẫy tay đón chuyến xe sớm nhất, Ông quyết định đi về miền Sơn cước. Khi mọi người trên xe vẫn còn ngái ngủ,  miệng ông như muốn thốt lên điều gì đó dù thật nhỏ: Hỏng cả rồi... ăn cướp mà đền ơn. Ta có thể điều chỉnh được mọi thứ quanh ta và kiềm chế chính mình, nhưng cái thứ di truyền nầy vẫn vậy - nó là thế ấy.
Rừng và biển đang lùi dần phía sau, song như có ai theo dõi, ông cố nhìn thật kỹ: căn chòi công an biên phòng giờ đây chỉ còn là một đống tro tàn, vài chiếc cột nhà cháy dỡ chừng càng trở nên trơ trụi.
Biển Đông vẫn yên tĩnh, có cơn gió lùa ban mai luồn qua cửa kính làm ông se lạnh, người tiều phu cúi xuống lấy tay cài áo cổ, ông nhìn vào chiếc khuy, rồi nhìn vào lòng mình: phải thật cảnh giác, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và ma quỷ cũng vậy.
     Chuyến xe lao nhanh sau mỗi lần đón khách, rừng khuất dần trong ánh mắt đầy sự luyến tiếc của người tiều phu: Từ đây ta sẽ không còn độc quyền trên khu rừng nầy nữa.    

Nguyễn Quang