Đại học Việt Nam hiện nay
Lâm Văn Bé*
Montréal, Canada
Đại học lạm phát
Trên thế giới, không một quốc gia nào có số đại học mới thành lập chiếm kỷ lục trong một thời gian rất ngắn như ở Việt Nam (VN).
Năm 1998, VN có 123 trường đại học và cao đẳng, năm 2008, VN có 369 trường, không kể 71 Viện nghiên cứu có đào tạo sinh viên hậu đại học. Chỉ trong 10 năm, VN tăng thêm 317 cơ sở giáo dục và nghiên cứu đại học, chiếm tỷ lệ 257%. Ngoài ra, còn phải kể thêm 120 trường cao đẳng nghề trung cấp (tên gọi «chết người» cao đẳng mà trung cấp) trực thuộc Bộ Thương Binh Xã hội và Lao Động. (nguồn : Bộ Giáo Dục Đào Tạo- Số liệu thống kê Giáo Dục Đại Học 2008- 2009)
Trong số 270 trường mới thành lập, thực sự chỉ có 94 trường tân lập hoàn toàn ( theo Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước Quốc Hội ngày 7/6/2010), số còn lại là trường nâng cấp từ trường thấp hơn (trung cấp, cao đẳng, học viện trở thành đại học), trường đại học tư thục, đại học bán công. Tham nhũng và bè phái, bản chất căn bản của chế độ là nguyên nhân của việc lạm phát đại học. Tham nhũng đã làm băng hoại giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học là thành trì kiến tạo quốc gia, bởi lẽ các phe nhóm đã cấu kết nhau để lợi dụng việc lập trường đại học hầu tìm lợi nhuận, tạo thế lực.
Tổ chức các đại học đặt dưới quyền quản lý chồng chéo của nhiều cơ quan lãnh đạo khác nhau, thí dụ trường Đại học Kinh Tế Thái Nguyên phải chịu sự quản lý của Bộ Giáo Dục và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thái Nguyên, trường Đại học quân sự phải theo lệnh của Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo Dục. Các địa phương tranh nhau mở trường, nhiều chương trình đào tạo giống nhau, các trường tranh chấp nhau, nhiều ngành học không xứng danh đặt trong học trình đại học, hay phát triển một cách đại qui mô ở khắp các địa phương. Có ít nhất 21 đại học quân sự, 4 đại học công an, không kể các học viện có qui chế như trường cao đẳng. Trên 63 tỉnh và thành phố của cả nước chỉ có 3 tỉnh chưa có đại học, tỉnh Bắc Kạn có dân số ít nhất cũng có một trường cao đẳng. Nhiều loại đại học có tên ngộ nghĩnh : đại học Dân lập, đại học Mở, đại học FPT, Viện Đào Tạo Răng-Hàm-Mặt, đại học Phòng cháy chửa cháy, đại học Công an nhân dân…. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh lớn có tổng cộng 15 đại học gọi là đại học Trọng điểm trong đó có 2 đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh và Hànội mà người đứng đầu được gọi là giám đốc, còn người chỉ huy các loại đại học khác được gọi là hiệu trưởng.
Hãy đọc định nghĩa của vài đại học Cộng Sản. Đại học Mở là cơ sở đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ, đào tạo tại các điểm vệ tinh, còn đại học tư thục gọi là đại học dân lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của đảng và nhà nước VN.
Thông thường, thành lập một đại học là một biến cố giáo dục quan trọng, đem lại niềm tự hào cho một quốc gia. Nhưng với VN, mở thêm một đại học là tạo thêm một tập đoàn kinh doanh, mở rộng thêm một vết rạn nứt của ngôi nhà đại học cổ lỗ rêu phong và đến nay ngôi nhà đã đến hồi sụp đổ. Đại học VN hôm nay chỉ còn xếp ngang hàng với Miên và Lào, là một mối nhục lớn cho một quốc gia có 85 triệu dân, đã có một lịch sử giáo dục và văn hóa tốt đẹp trước khi Cộng Sản thống nhứt sự trì trệ từ Bắc vô Nam.
Trên thế giới, không có quốc gia nào lập trường đại học mà chưa có cơ sở và giáo sư cơ hữu như VN. Trước tình trạng nguy kịch của đại học, Quốc Hội đã phải thành lập một Ủy Ban Điều Tra và trong báo cáo hồi tháng 12 năm 2009 cho biết là 20% số trường mới mở chưa xây dựng trường sở, phải thuê mướn cơ sở thiếu tiện nghi và các trang bị cần thiết cho việc học tập và giảng dạy.
Sau đây là một đoạn văn trong báo Tuổi Trẻ online ngày 10 tháng 7 năm 2010 liên quan đến trường đại học dân lập Hồng Bàng :
“Liên tục trong năm, sáu năm, gần như năm nào trường cũng tăng học phí. Chẳng hạn năm 2005, sinh viên ngành điện - điện tử đóng học phí 2.980.000 đồng/năm thì đến năm học 2006-2007 đã tăng lên 4.480.000 đồng/năm, bước sang năm học 2008-2009 học phí lên thành 5.880.000 đồng/năm. Vừa bước sang học kỳ II năm học này, trường đột ngột tăng học phí lên 3.490.000 đồng/học kỳ. Trong công bố mới nhất, học phí ngành thấp nhất của trường đã lên đến 6.980.000 đồng/năm và ngành cao nhất đạt mức gần 14.000.000 đồng/năm.Trường hiện nay có trên mười địa điểm học. Trong đó hầu hết là các địa điểm thuê mướn. Văn phòng các khoa, phòng công tác chính trị sinh viên, văn phòng Đoàn được đặt ở chín địa điểm khác nhau, nằm rải rác khắp các quận khá xa trung tâm TP.HCM. Lần theo một địa chỉ trên bảng hướng dẫn, chúng tôi tìm đến cơ sở số 89 Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận). Đến nơi, chúng tôi ngỡ ngàng khi trước mắt là biển hiệu của Công ty CP Bao bì dược, đi sâu vào hẻm mới thấy bảng tên Trường ĐHDL Hồng Bàng. ”
Trường hợp Đại Học Hồng Bàng là điển hình của chợ trời đại học VN. Trong khi chánh phủ đóng cửa 10 trường hồi cuối năm 2009 vì mở trường đã lâu mà không có cơ sở, chánh phủ lại cho mở thêm những trường mới, và chuyện cạnh tranh mở trường đại học để trục lợi đã nói lên một khía cạnh vô liêm sĩ của chế độ Cộng Sản là không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để tham nhũng và trục lợi, ngay trong lãnh vực đào tạo trí tuệ và đạo đức con người.
Theo một tin tức mới nhất đăng trong VNeconomy ngày 19/4/2010 thì từ con số 369 trường đại học năm 2008, đến đầu năm 2010 đã tăng lên 412 và trong số 412 trường đại học cao đẳng, Bộ Giáo Dục chủ quản 58 trường (14%), các bộ, ngành khác và các doanh nghiệp quản lý 130 trường (31,6%), Ùy Ban Nhân Dân tỉnh,thành phố quản lý 134 trường (32,5%), hai trường Đại học Quốc Gia quản lý 13 trường (3,1%) và 77 trường tư không có cơ quan chủ quản (18,6%).
Đại học VN đã mất quyền tự chủ, đặc tính truyền thống của tổ chức đại học. Đảng Cộng Sản nắm quyền đại học ở mọi cấp : tất cả quyết định về đường lối quản trị, chương trình giảng dạy đều phải có sự chấp thuận của Bí thư đảng ủy, các giáo sư lệ thuộc vào Công đoàn và tất cả sinh hoạt của sinh viên được huy động bởi Ban bí thư Đoàn Thanh niên.
Trong một báo cáo tháng 11/2008 của Trường Lãnh đạo Kennedy thuộc Đại Học Harvard (Harvard Kennedy School, ASH Institute) tựa là Vietnamese Higher education: crisis and response đã viết:
“Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng đại học VN ngày nay là sự thất bại nghiêm trọng trong vấn đề quản lý. Các trường đại học có uy tín từ Boston đến Bắc kinh đều có những yếu tố căn bản mà VN không có.
Trước hết là vấn đề tự trị đại học. Các đại học VN vẫn chịu một sự quản lý tập trung cao độ. Chính phủ trung ương quyết định số sinh viên được tuyển, tiền lương của giáo sư, ngay cả việc thiết lập hội đồng khoa và việc điều hành.
Tham nhũng là phổ quát và ai ai cũng biết là bằng cấp, học hàm, học vị đều có thể mua bán. Hệ thống tổ chức nhân sự không rõ rệt, việc bổ nhiệm thăng thưởng dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật (non-scholastic) như thâm niên, lý lịch gia đình và chính trị, và các liên hệ cá nhân. Các người lãnh đạo thường là các người đã tốt nghiệp từ Liên Sô hay Đông Âu, không nói được tiếng Anh và không có thiện cảm với những người được đào tạo từ các đại học Tây phương.” (Memorandum Higher Education Task Force / Thomas J.Valley & Ben Wilkinson, p.3-4).
Đại học VN lại bị hiện tượng một cổ đôi tròng (phải nói là nhiều tròng). Ngoài chính phủ trung ương gồm nhiều bộ, các đại học địa phương, công cũng như tư, còn phải chịu sự chi phối của chính quyền tỉnh. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh có quyền « bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, cách chức, giáng chức vị trí người đứng đầu trường đại học, cao đẳng ờ địa phương. Có quyền công nhận hay không công nhận hội đồng quản trị, hiệu trưởng các đại học tư trên địa bàn, giám sát chất lượng cơ sở đào tạo đại học đóng trên lãnh thổ…» (Tin mới VN, ngày 21/04/2010).
VN hôm nay trở lại thời kỳ thuộc địa ngu dân thuở xưa bởi lẽ các cơ sở giáo dục cao cấp lại đặt dưới quyền sinh sát của các chủ tịch UBND tỉnh, mà đa số là những cán bộ ít học hay thất học, chỉ vì phe cánh hay trung kiên với đảng được cất nhắc làm lãnh chúa ở các địa phương, thì thử hỏi trong một hoàn cảnh như vậy, đại học VN bảo sao mà không lạc hậu.
Thực ra, các ông bà chủ tịch UBND tỉnh có sự cố vấn của các ông giám đốc sở Văn Hóa Giáo Dục địa phương mà đa số đều có bằng tiến sĩ. VN hôm nay có chánh sách giúp đỡ các đảng viên bằng phương thức «vừa làm vừa học» để có một học vị tương xứng với chức vụ.
Không nơi nào trên thế giới có chế độ vừa làm vừa học phát đạt như ở VN. Trong số 1 719 499 sinh viên đại học và cao đẳng năm 2008, số sinh viên vừa làm vừa học là 509 808 người, chiếm tỷ lê 29,6% ( nguồn : Bộ Giáo Dục đào tạo. Số liệu thống kê 2008-09). Con số trên còn phơi bày một thực trạng yếu kém của bộ máy công quyền bởi lẽ với nửa triệu cán bộ công chức vừa đi học vừa đi làm thì thời giờ đâu để làm việc phục vụ dân chúng và thời giờ đâu để học có cấp bằng. Bằng cấp giả, bằng cấp dỏm do đó đã nở rộ lên cùng lúc với phát triển đại học.
Chuyện lạ mà có thật ở VN. Báo chí VN hồi tháng tư năm nay tường thuật Ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao tỉnh Phú Thọ vừa đậu bằng tiến sĩ do một trường đại học ở Mỹ cấp, dù ông không nói được tiếng Mỹ và chẳng bao giờ đi học. Ông cho biết là ông tốn 17 000 mỹ kim để đi Hawaï 2 tuần để nhận bằng từ đại học South Pacific University là một đại học đã bị tòa án tiểu bang Hawaï đóng cửa từ năm 2003 nhưng vẫn tiếp tục bán văn bằng. Cũng cần biết là số tiền 17 000 mỹ kim là do ngân sách của tỉnh Phú Thọ «hổ trợ».
Chuyện ông tiến sĩ có bằng Mỹ không biết tiếng Mỹ đã phơi bày một bi hài kịch về học vị tiến sĩ ở VN. Nhiều trưởng cơ quan, đảng viên cao cấp đã có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ theo kiểu học cho có lệ tại sở làm để rồi được các đại học VN cấp văn bằng dưới áp lực chính trị, tình cảm hay mua bán. Chuyện ông tiến sĩ giấy lại phơi bày thêm một khía cạnh đạo đức của xã hội VN vì có tờ báo cho là bằng cấp của ông Ân là bằng thật chớ không phải bằng giả bởi không phải do ông ngụy tạo ra, ông có đến Mỹ trình luận án của ông tựa là «Bảo tồn văn hóa phẩm tỉnh Phú Thọ» qua một thông dịch viên, đại học Mỹ đã cấp văn bằng tiến sĩ và chỉ có chánh phủ Mỹ mới có quyền hủy bỏ văn bằng. Như vậy, cùng lắm có thể nói bằng tiến sĩ của ông Ân là tiến sĩ dỏm chớ không phải là tiến sĩ giả. Chuyện tranh cải tương tự cũng xảy ra với trường hợp ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái cũng có bằng tiến sĩ tuy không đi học, không biết tiếng Mỹ, sau 6 tháng nhận trợ cấp của chánh phủ 74 triệu đồng. Ông Ân cũng cho biết có 10 đồng chí của ông nhận được bằng tiến sĩ của đại học ma nầy.
Nhà văn Võ thị Hảo, hiện sống trong nước đã trả lời như sau trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 6/7/2010:
“Xã hội VN hôm nay vô đạo quá. Tôi nghĩ cái căn nguyên của vấn đề là bởi con người đã giả dối quá lâu. Từ khi bắt đầu tiếp xúc với xã hội, từ đứa bé mẫu giáo trở đi đã phải bắt đầu nói dối rồi, từ những bài hát, từ những câu chào…rồi sau đó bắt chước người lớn cách hành xử…Cái quan trọng nhất là những tấm gương, những quản lý xã hội, những người lãnh đạo cho đến những người thầy, cô giáo…, những người ít ra phải sống đàng hoàng, đáng tin cậy, có đạo nghĩa, nhưng ít có người sống như vậy hôm nay…”
Giáo sư Cử nhân dạy sinh viên Cử nhân và đại học hoàn toàn bị chính trị hóa
Từ 1998 đến 2008, nếu số sinh viên đại học tăng lên 13 lần thì số giáo sư chỉ tăng lên 3 lần. Con số chính thức của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về Giáo dục công bố là năm 2008, “trong tổng số 61 190 giảng viên đại học, chỉ có 2 286 có chức danh giáo sư, phó giáo sư (3,8%) , 6 217 tiến sĩ (10%), 22 831 thạc sĩ (37,3%), số còn lại là cử nhân chiếm gần 50%. Về thực tập các ngành chuyên khoa rất ít. Thí dụ tại Trường Đại học Y-Dược Cần Thơ, trong giờ giải phẩu, mỗi sinh viên được thực hành trên một con ếch và 5 sinh viên thực hành trên một con chó. Nay vì thiếu ngân sách, 10 sinh viên mới có 1 con ếch và 30 sinh viên 1 con chó”.
Giáo sư cử nhân dạy sinh viên cử nhân trên phân nửa các đại học, và càng trầm trọng hơn, các trường chuyên nghiệp trung cấp sau khi được nâng cấp thành trường cao đẳng hay đại học, các giáo sư trung cấp cũng nghiểm nhiên thành giáo sư đại học.
Giáo sư không có trình độ, lối giảng dạy theo kiểu thầy đọc trò chép, chương trình giảng dạy không ứng dụng vào đời sống, thi nhập học và thi tốt nghiệp bằng hối lộ và tham nhũng, tất cả các tệ hại nầy đã đưa đến hậu quả tất nhiên là“có những sinh viên tốt nghiệp đại học mà vẫn chưa biết tra cứu một quyển sách chuyên đề hay tra tự điển. Những kiến thức sinh viên nhận được đều lấy từ sách vở và do giáo viên cung cấp. Sinh viên không biết tự tìm tòi, nghiên cứu.” (Giáo duc đại hoc. www.tgvn.com.vn 16/3/2010)
Ngoài việc giáo sư thiếu khả năng, chương trình giảng dạy phải rập theo đường lối của đảng. Từ mẫu giáo đến đại học, giáo dục hoàn toàn bị chính trị hóa mà việc học tập lý thuyết Cộng Sản và tư tưởng Hồ Chí Minh đứng hàng đầu trong các môn học, ngành học.
Đề thi Tú Tài năm 2010 môn Sử Học là một chứng minh rõ rệt cho bản chất lạc hậu của nền giáo dục bởi lẽ trong 3 câu hỏi thì 2 câu liên hệ đến bác và đảng.
Sau đây là đề thi Tú Tài môn Sử học năm 2010 :
KÌ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010
Môn thi: LỊCH SỬ - Giáo dục trung học phổ thông
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7,0 điểm)
Câu 1. (4,0 điểm)
Trình bày hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Nêu vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong hội nghị trên.
Câu 2. (3,0 điểm)
Vì sao Đảng và Chính phủ ta phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp? Tóm tắt cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19 -12 -1946 đến ngày 17 -2 -1947).
II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (3,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b)
Câu 3.a Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)
Trình bày sự thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên hợp quốc
Câu 3.b Theo chương trình Nâng cao (3,0 điểm)
Toàn cầu hóa là gì ? Nêu những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hóa trong nửa sau thế kỉ XX.
Chương trình học giáo điều cộng sản như trên tiếp diễn ở bậc đại học với một mức độ «cao cấp» hơn. Tất cả sinh viên mọi ngành đều phải học từ 20 đến 30 đơn vị học trình về 5 môn chính trị :
- Triết học Mác-Lênin
- Kinh tế chính trị Mác-Lênin
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
- Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mỗi đơn vị học trình gồm 15 tiết (giờ) học lý thuyết, 30-45 giờ thực hành hay thảo luận, 45-60 giờ làm tiểu luận, 45-90 giờ thực tập tại cơ sở. Như vậy, thời gian tối thiểu cho mỗi đơn vị khoảng 130 giờ, và tổng số giờ học chính trị chiếm hơn 2000 giờ không kể 165 giờ học quân sự. Nói chung, chương trình huấn luyện chính trị và quân sự chiếm 25% học trình cử nhân khiến nhiều nhà giáo dục chân chính đã lên tiếng phản đối về vấn đề nầy nhưng một số đảng viên bảo thủ « cho rằng đó là việc giáo dục yêu nước, như một đại biểu đã phát biểu tại Quốc hội vào ngày 7/11/2006» (Truyền Thông, số 22&23, tr. 114).
Báo cáo của Đại học Harvard nói rõ hơn về hậu quả của chuyện dạy chính trị tuyên truyền trong đại học VN :
“… Surveys conducted by government-linked associations have found that as many as 50 percent of Vietnamese university graduates are unable to find jobs in their area of specialization…With up to 25% of undergraduate curricula devoted to required coursework laden with political indoctrination, it is little wonder that Vietnamese students are ill-prepared for either professional life or graduate study abroad…
Có thể lấy thí dụ trường hợp hảng Intel tìm kiếm kỹ sư VN khi hảng thiết lập tại Tp. HCM là điển hình. Với 2000 ứng viên, chỉ có 90 người đạt được tiêu chuẩn (5%) và sau cùng trong số nầy chỉ có 40 người có trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận rằng đây là kết quả tồi tệ nhất trong số các nước mà họ đầu tư. ” (Harvard Kennedy School. Memorandum Higher Education Task Force, November 2008, p.2).
Giáo dục đại học VN tụt hậu, các nhà đầu tư cho rằng việc thiếu các chuyên viên kỹ thuật và quản trị có khả năng là một trở ngại lớn trong công cuộc kỹ nghệ hóa quốc gia. Về phương diện nghiên cứu và sáng tạo, đại học VN vẫn còn ấu trỉ trong công tác giảng dạy thực nghiệm, bởi phương pháp thầy đọc trò chép, thiếu tài liệu nghiên cứu, thiếu phòng thí nghiệm , do đó các văn bằng tiến sĩ do đại học VN sản xuất tử 35 năm nay chủ yếu là các khoa nhân văn, chính trị, điều khiển bởi các giáo sư nay đã già nua, tốt nghiệp từ các đại học Liên Sô và Đông Âu, thiếu tiếp cận và cập nhật hóa kiến thức mới. Vì nhu cầu sỉ số, vì phe nhóm, các tân tiến sĩ đa số không có khả năng sáng tạo, nên VN hoàn toàn vắng bóng trong lãnh vực nghiên cứu và sáng chế. Thực là một mối nhục lớn khi các quốc gia như Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, là các quốc gia sánh vai với VNCH trước 1975, thì nay lại vượt qua VN Cộng Sản quá xa.
Một vài thí dụ được bản báo cáo của Đại Hoc Harvard trích dẫn.
Bảng 1. Bài viết được đăng trong các tạp chí khoa học 2007
Đại Học
|
Quốc gia
|
Số bài viết
|
Seoul National University
|
Hàn Quốc
|
5 060
|
National University of Singapore
|
Singapore
|
3 598
|
Peking University
|
Trung Quốc
|
3 219
|
Fudan University
|
Trung Quốc
|
2 343
|
Mahidol University
|
Thái Lan
|
950
|
Chulalongkorn University
|
Thái Lan
|
822
|
University of Malaya
|
Mã Lai
|
504
|
University of Philippines
|
Phi Luật Tân
|
220
|
Vietnam National University
(Hanoi & HochiMinh City)
|
Vietnam
|
52
|
Vietnam Academy of Science
&Technology
|
Vietnam
|
44
|
Nguồn : Science Citation Index Expanded. Thomas Reuters
Bảng 2. Các quốc gia Á Châu có số đại học xếp hạng hàng đầu trong 200 đại học năm 2010
Quốc gia
|
Số ĐH
|
Tên trường ĐH có hạng cao nhất
|
Nhật Bản
|
56
|
Tokyo U : 5è; Osaka U : 7è
|
Hàn Quốc
|
42
|
Seoul U : 6è ; KAIST : 7è
|
Trung Quốc
|
40
|
Beijing U :12è; Tsinghua U : 16è
|
Đài Loan
|
17
|
Taiwan U : 21è, Cheng Kung U : 31è
|
Án Độ
|
12
|
Institute of Technology Bombay : 34è
|
Hong Kong
|
7
|
Hong Kong U : 1er, HKU of Tech: 2è
|
Indonésia
|
7
|
Gadjah Mada U : 85
|
Thái Lan
|
7
|
Chiang Mai U : 79è
|
Malaysia
|
6
|
Universiti Malaya: 42è
|
Philippines
|
4
|
Atento de Manila U : 58è
|
Singapore
|
2
|
National U of Singapore : 2è
|
Tổng cộng
|
200
|
Hồng Kong và Singapore tuy ít có số đại học trong bảng xếp hạng, nhưng lại có những đại học đứng hàng đầu : 2 đaị học của Hong Kong đứng hạng nhất và nhì, đại học Singapore đứng hạng 3. Nhật bản là quốc gia có nhiều nhất đại học nổi tiếng (56 trường) ở Tokyo, Osaka, Kyoto, Tohuku, Nagoya.
Các bảng thống kê quốc tế trên cho thấy, chỉ với các quốc gia châu Á mà thôi, VN thực sự lạc hậu về việc đào tạo khoa học kỹ thuật. Trong bảng xếp hạng các đại học Á Châu năm 2010, trong số 200 trường hàng đầu, không thấy có trường đại học nào của VN.
Bảng 3. Số bằng sáng chế được cấp năm 2006
Hàn Quốc : 102 633; Trung Quốc : 26 292; Singapore : 995; Thái Lan : 158; Mã Lai : 147; Phi Luật Tân : 76; Việt Nam : 0 (Nguồn : World Intellectual Property Organization , 2008)
Lãnh đạo bất tài và khoác lác
GS Hoàng Tụy, nhà toán học số một của VN, đã góp phần vào việc nghiên cứu thuyết Tối ưu toàn cục (Global optimization), được nhiều đại học quốc tế mời làm giám khảo trong các kỳ thi tiến sĩ về Toán, được huy chương Hồ Chí Minh, trong bài tham luận đăng trên báo Tia Sáng online ngày 5 tháng 10 năm 2009 tựa là Giáo dục : xin cho tôi nói thẳng đã thẳng thắn chỉ trích giới lãnh đạo giáo dục bất tài. Không dám đụng tới nhà giáo dục lớn được đất nước nể trọng, chính phủ quay ra đóng cửa báo Tia Sáng.
Sau đây là những đoạn văn làm chết tờ báo :
“Sự sa sút của giáo dục có nguyên nhân khách quan : do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức của người dân lạc hậu, do phụ huynh cũng là đồng tác giả của nhiều sai lầm yếu kém của giáo dục. Đương nhiên tất cả những nguyên nhân nầy đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới.
Giáo dục đại học cao đẳng có nhiều chuyện ly kỳ : khắp nước, kể cả đại học quốc gia, tràn lan và bát nháo «đào tạo liên kết», môn học một học kỳ chỉ cần 3-4 ngày xong hết cả học lẫn thi, nên ai cũng học được, trường trung cấp cũng đào tạo thạc sĩ là chuyện hi hữu trên thế giới. Chẳng lạ gì trong vài năm đã xuất hiện hàng mấy trăm đại học mới, lại sắp có cả Văn Miếu hiện đại xây dựng trên 25 ha đất cho đủ chỗ vinh danh hết tiến sĩ thời nay. Lạ nhất là đề án tiến sĩ hóa, thạc sĩ hóa 100% cán bộ công chức của thủ đô để «đột phá tư duy lãnh đạo (may mà kế hoạch nầy đã tạm rút lại sau khi bị phản đối kịch liệt).Cái não trạng sính bằng cấp và thói hư học thâm căn cố đế bị lợi dụng triệt để, biến kinh doanh chữ nghĩa thành một nghề phát đạt chưa từng thấy, trường tư được tự do chạy theo lợi nhuận, bất kể chất lượng nào chỉ cần trưng biển đại học quốc tế, tha hồ đặt ra những khoảng thu kỳ dị bóc lột người học…”
Bài nhận định trên là một cáo trạng hùng hồn về sự bất tài của lãnh đạo giáo dục VN.
Vô trách nhiệm, đổ lỗi cho kẻ khác, phô trương, là những bản chất căn bản của sự bất tài và là những bản chất điển hình của giới lãnh đạo Cộng Sản. Ba năm trước đây, khi nhận chức Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Giáo Dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ trích những người tiền nhiệm và hứa hẹn hàng trăm dự án cải tổ. Tốt nghiệp tiến sĩ từ Đông Đức, với những quan niệm giáo điều thời bao cấp, tự cao vì có nhiều quyền lực trong đảng, ông Nhân đã gạt bỏ mọi đề nghị hợp tình hợp lý của các nhà giáo dục cấp tiến. Triều đại của Tổng trưởng Nhân là triều đại của những dự án dang dở, thất bại và những khẩu hiệu phô trương . Xin đan cử vài khẩu hiệu vang dội một thời làm giới giáo dục điên đảo.
- hai không : nói không với tiêu cực trong thi cử, nói không với bịnh chạy theo thành tích.
- ba công khai : công khai điều kiện đào tạo, công khai nguồn lực, công khai tài chính thu chi.
- bốn kiểm tra : kiểm tra ngân sách địa phương chi cho giáo dục, kiểm tra sử dụng nguồn học phí, kiểm tra tiến độ kiên cố hóa trường lớp, kiểm tra xây dựng nhà công cụ cho giáo viên.
- năm quy luật chi phối hệ thống giáo dục...
Trang giấy có hạn, chúng tôi không thế nào kê khai hết những tuyên ngôn, khẩu hiệu sưu tầm được nên phải dừng ở khẩu hiệu năm để nhảy qua khẩu hiệu mới nhất «12 nhóm giải pháp và 60 nhiệm vụ» khi ông Phó Thủ Tướng được mời ra điều trần ở Quốc Hội sau khi bị mất chức Bộ Trưởng Giáo Dục. Những khẩu hiệu mà ông đề ra là những dự án mà ông không thực hiện được và khi bị Quốc Hội chất vấn, ông vắn tắt trả lời là các nhà lãnh đạo chính trị và giáo dục từ 1975 phải chia sẻ trách nhiệm với ông. Tuy vậy, ông vẫn sáng giá và có thể thay ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Đúng như Ông Hoàng Tụy đã ví von mai mỉa : «có người khen Bộ Giáo Dục trơ như đá, vững như đồng» , chế độ Cộng Sản hôm nay mang bản chất của một tổ chức mafia, trong đó quyền lực và quyền lợi cá nhân và bè đảng là cứu cánh, và sau nửa thế kỷ cầm quyền, hồng vẫn hơn chuyên.
Bản chất vô trách nhiệm của chánh phủ đã đẻ ra chánh sách «dạy thêm -học thêm», làm xuống cấp phẩm chất giáo dục và nhân phẩm của nhà giáo. Ai cũng biết là trong các ngành nghề, dạy học là nghề không thể có tham nhũng bởi lẽ không có gì để tham nhũng và thiên chức của nhà giáo, để được học trò tin tưởng và kính trọng, nhà giáo phải có một cung cách để làm gương. Nhưng từ sau 1975, Cộng Sản đã nhuộm đen nhà giáo, và tham nhũng trong giáo dục cũng là chuyện tất nhiên như bao ngành nghề khác.
Chuyện nhà giáo xuống cấp bắt đầu với chuyện cô giáo, thầy giáo phải bán cái bánh cây kẹo cho học trò của mình vào những năm đầu khi đất nước được «thống nhứt» sự nghèo đói. Một số giáo chức, để tránh nhục nhã, kêu gọi học sinh của mình về nhà dạy thêm lén lút để phụ huynh cho chút quà bánh, phụ thêm vào số lương chết đói để cầm hơi. Từ việc dạy lén lút học sinh tiểu học, trung học lúc ban đầu, việc dạy thêm và học thêm đã dần dần trở thành công khai và bành trướng lên cả đại học.Việc cũng dễ hiểu thôi, một giảng viên đại học lảnh lương trung bình tương đương với 150 mỹ kim, chỉ vừa đủ nuôi thân, phải dùng mồ hôi nước mắt để dạy thêm hầu nuôi sống gia đình. Lương ít, dạy nhiều, giáo sư làm sao có thời giờ nghiên cứu, kể cả các bài giảng từ năm nầy sang năm khác vẫn không thay đổi Cái vô trách nhiệm của chánh phủ là dù biết đời sống kinh tế của giáo chức khó khăn mà không có giải pháp để chuyện dạy thêm - học thêm trở thành như một quốc sách, biến tất cả trường học trong nước, từ tiểu học đến đại học thành trường tư thục, mặc nhiên bắt nhân dân phụ giúp lương cho giáo chức.
Khi lương ít thì lậu nhiều, khi thượng bất chính thì hạ tắc loạn, trường học tha hồ mở ra các kỳ thi để «kiểm tra, sát hạch » học sinh. Giáo chức dạy ở trường công một phần, và giành một phần để dạy tư, dạy các bài «tủ», là dịp cho các thầy cô cạnh tranh nhau, bán đề thi, sửa điểm thi, kể cả việc làm bài thi cho học sinh trong các kỳ thi nhập học, tốt nghiệp, làm luận án, thi tuyển học bổng…Chánh sách dạy thêm - học thêm đã làm băng hoại đạo đức hàng ngũ giáo chức, tạo thêm phân cách trí tuệ giữa người giàu và kẻ nghèo, bởi lẽ người nghèo đã quá chật vật đóng học phí cho chính phủ thì tiền đâu đóng học phí để học thêm, lo lót cho giáo sư trong các kỳ thi, và cuối cùng đành phải bỏ học. Đó là thành tích của chế độ ưu việt đỉnh cao trí tuệ.
Khoác lác là một bản chất khác của chế độ Cộng Sản mà dự án đào tạo 23 000 tiến sĩ trong 10 năm (2010-2020), xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, một trường vào top 200 thế giới…là những dự án chứng tỏ sự khoác lác cùng cực của những nhà lãnh đạo giáo dục và ngoài giáo dục Cộng Sản.
Thử bàn qua về dự án 23 000 tiến sĩ trong 10 năm. Theo dự án, chính phủ sẽ đào tạo 23 000 tiến sĩ với kinh phí là 778 triệu mỹ kim, 10 000 đào tạo trong nước, 10 000 đào tạo ở ngoài nước và 3000 với kinh phí hợp tác giữa đại học VN và ngoại quốc. Chỉ cần có một tối thiểu kiến thức đại học thì thấy ngay là dự án bất khả thi.
Trước tiên là thời gian đào tạo. Thông thường thời gian tối thiểu để đào tạo một người có cử nhân đề đỗ tiến sĩ là 4 năm. Nếu chương trình thực sự bắt đầu năm 2010 thì năm 2014 mới có nhóm tiến sĩ đầu tiên, và như vậy trong 6 năm từ 2014 đến 2020, mỗi năm phải có 3800 ứng viên học trình tiến sĩ. Thông thường, tỷ lệ cử nhân đi học tiến sĩ độ 1 - 2%, nghĩa là mỗi năm VN phải cung cấp từ 200 000 đến 380 000 cử nhân để sàng lọc được số ứng viên cần thiết. Muốn như vậy, đại học VN phải phát văn bằng cử nhân giấy để có đủ số ứng viên như trên. Ngoài ra còn phải kể đến trình độ kiến thức và ngoại ngữ của cử nhân VN hôm nay, làm sao có thể tiếp tục bậc hậu đại học ở ngoại quốc được?
Đối với 10 000 tiến sĩ đào tạo trong nước, ai sẽ là giáo sư giảng dạy. Theo thống kê của nhà nước, VN hiện nay có 6217 tiến sĩ trong đó chỉ có 10% tốt nghiệp ở ngoại quốc. Ngoài ra, 70% tiến sĩ VN làm công chức, như vậy chỉ có 30% tức khoảng 2000 tiến sĩ đang làm công việc giảng dạy. (RFA,22/6/2010)
Trình độ kiến thức của các giáo sư tiến sĩ VN cũng đáng nghi ngờ. Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội ngày 7/11/2006, đại biểu Huỳnh thị Hường, tỉnh Quảng Nam đã phát biểu như sau :
“Về vấn đề đào tạo tại chức trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, theo nghiên cứu mới đây cho thấy, có gần 90% tiến sĩ không đủ trình độ áp dụng vào cuộc sống. Một số công trình khoa học chỉ là vòng khép kín từ thư viện đến thư viện và học vị của một số vị, kể cả trong ngành giáo dục chỉ là để giữ ghế. Hiện có nguy cơ đáng báo động là đội ngũ kế cận những giáo sư, tiến sĩ trong ngành giáo dục ở tuổi 70 chưa có người thay…”
Về chuyện giáo sư lão niên, GS Đỗ Trần Cát, Tổng Thư Ký Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước đã phát biểu :
“Đến thời điểm nầy, có khoảng 80% GS Việt Nam có tuổi trên 60, chỉ có khoảng 20% ở độ tuổi dưới 60. So với thế giới, tuổi giáo sư VN là quá già. ” (Truyền Thông 22&23, tr. 102)
Về chi phí, thông thường mỗi năm học ở ngoại quốc, sinh viên cần khoảng 30 000 mỹ kim, như vậy để hoàn tất học trình tiến sĩ, mỗi sinh viên cần độ 120 000 mỹ kim. Với 10 000 tiến sĩ, chi phí sẽ là 1,2 tỷ MK, không kể chi phí cần thiết cho 10 000 tiến sĩ đào tạo trong nước. Dựa trên căn bản nào, dự án ấn định kinh phí 778 triệu MK chưa kể lạm phát.
Trong trạng huống như vậy, dự án đào tạo 23 000 tiến sĩ trong 10 năm là chuyện hoang tưởng nếu không nói là khoác lác.
Dự án tiến sĩ hóa hàng ngủ cán bộ ở thủ đô trước đây đã tạo nên sự chế riểu của người dân nên chính phủ phải tạm ngưng. Dự án 23 000 tiến sĩ và các dự án bước nhảy vọt đại học đang được các nhà lãnh đạo thường xuyên nhắc đến như niềm tự hào của dân tộc. Cho đến bao giờ người dân VN mới thoát được sự khoác lác và lừa dối của người Cộng Sản ?
Kết luận
Khi nghiên cứu về một vấn đề, sự liêm chính đòi hỏi người nghiên cứu phải nhìn vấn đề qua cái tốt và cái xấu, ưu và khuyết điểm. Đọc nhiều tài liệu về giáo dục và đại học VN, người viết chỉ toàn thấy những lời chỉ trích, nếu không phải là những tuyên ngôn, tuyên truyền của chính phủ.
Bài viết không đi sâu vào từng chi tiết của sự việc bởi giới hạn số trang viết, và bởi càng tìm hiểu, càng thấy đau đớn phũ phàng cho một quốc gia có 85 triệu dân, chỉ trong 35 năm, dưới sự cai trị của những người độc tài và bất tài đã đẩy nền giáo dục đến tình trạng lạc hậu và đưa xã hội tiến dần đến chỗ mất đạo đức, nếu không muốn nói là đã mất đạo đức.
Để kết luận, không gì tốt hơn là nhờ lời « nói thẳng » của giáo sư Hoàng Tuỵ, nhà giáo được trong nước và thế giới kính nể về tài năng và tấm lòng đối với nền giáo dục .
“… Không nói chi nhiều, tôi chỉ xin nêu hai việc. Một là cách dạy chính trị cổ lỗ, vô bổ, có tính chất kinh kệ tôn giáo, chứ không phải nhằm phát triển tư duy khoa học, mà lại chiếm nhiều thời gian chỉ để cung cấp cho học sinh một cách nhìn xơ cứng về thế giới, thay vì như lý thuyết đề ra, một vũ khí cải tạo để xây dựng xã hội. Hai là, trong khi cuộc cạnh tranh và hội nhập ở thời đại kinh tế trí thức đòi hỏi nhiều đức tính và năng lực, trước hết là tính trung thực và năng lực sáng tạo, hai cái mà xã hội ta đang thiếu nghiêm trọng, thì, trong nhà trường, gian lận dưới mọi hình thức, và thói lười biếng suy nghĩ, đầu óc bắt chước, sao chép, học vẹt, nô lệ tư duy, lại phát triển mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử giáo dục của ta. Nói một đàng, làm một nẻo, học tách rời với hành, chuộng hình thức, hư danh, chạy theo các loại nhãn mác rởm, không còn thói xấu nào không bị lên án, thế nhưng thực tế thì lại khác, và buồn thay, gương xấu nhan nhản không chỉ ở chốn học đường, mà ngay trong giới cầm cân nẩy mực về giáo dục và khoa học. ”
Và ông kết luận :
“Những đổi mới trong các đề án công tác của ngành giáo dục, giỏi lắm cũng cho ta một nền giáo dục tốt theo chuẩn mực… nửa thế kỷ 20, chứ không thể biến nó thành một nền giáo dục hiện đại ở thế kỷ 21. Cứ xem bản chiến lược giáo dục 2009-2020 thì rõ : ví thử chiến lược nầy được thực hiện đầy đủ, điều khó có thể, thì đến năm 2020, VN cũng chỉ có một nền giáo dục kiều 1950, lạc hậu, còn xa mới hòa nhập được vào nền văn minh thời đại.”
Nhà văn Trần Mạnh Hảo, tác giả tiểu thuyết «Ly Thân» đã can đảm chỉ trích chế độ từ thập niên 80, trong bài tham luận Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước đọc trước Đại hội nhà văn lần thứ VIII vừa được tổ chức tại Đà Lạt ngày 12 tháng 7 năm 2010 đã nhận định:
“….Nền giáo dục Việt Nam hôm nay là một nền giáo dục thiếu trung thực, đúng như ý kiến của ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã công nhận. Đạo đức trong giáo dục Việt Nam hôm nay đồng nghĩa với dối trá: thầy dối trá thầy, trò dối trá trò, quản lý giáo dục báo cáo láo cốt lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại họa của nền giáo dục. Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa… là sách đạo văn. Cán bộ có chức quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ… lấy bằng thật nhưng học giả. Nạn dùng tiền mua bằng cấp, mua học hàm học vị đang diễn ra công khai trong cái chợ trời giáo dục Việt Nam. Việc Hà Nội vừa qua đưa chỉ tiêu “xóa mù tiến sĩ” cho cán bộ công nhân viên nhà nước đã nói lên học vị tiến sĩ chẳng còn giá trị gì cả. Có lẽ trong vài năm tới, sau việc Bộ Giáo dục ra chỉ tiêu đào tạo thêm 23.000 tiến sĩ, sẽ dẫn tới chiến dịch xóa mù tiến sĩ trên phạm vi toàn dân. Nhiều ông cán bộ cấp cao có học vị tiến sĩ nhưng chưa có bằng tốt nghiệp đại học, thậm chí có vị chưa có bằng tốt nghiệp cấp 2 vẫn lấy được học vị tiến sĩ. Việc chính trị hóa môn văn, môn lịch sử, môn triết học, chính trị hóa nền giáo dục đã tạo cơ sở cho sự dối trá làm bá chủ đất nước. Giáo dục như thế sao có thể đào tạo ra những công dân chân chính?”
Và ông kết luận: “Chính trị hóa giáo dục chỉ đẻ ra những chiến binh đánh bom tự sát, chứ không đẻ ra những công dân xây dựng tương lai.”
Ông Aziz Nesin, văn hào Thổ Nhĩ Kỳ, đoạt nhiều giải thưởng văn chương quốc tế, cũng gởi bài tham luận đến đại hội với lời lẽ nhạo báng thật là nhục nhã cho đất nước :
“…Các bạn đã rút ngắn được đáng kể con đường dẫn đến kho tàng tri thức loài người. Nước Mỹ luôn tự hào là một trong những cường quốc trên thế giới, có những trường đại học hàng đầu như Havard, MIT… nhưng họ vẫn phải mất từ 7 đến 10 năm mới đào tạo xong một tiến sĩ. Tiến sĩ của Việt Nam không cần biết tiếng Anh, bảo vệ thành công luận án trong vòng sáu tháng. Nếu chỉ số hạnh phúc của Liên Hiệp quốc lấy tiêu chí hài hước làm trọng thì Việt Nam sẽ đứng trong “top ten” các dân tộc hạnh phúc trên thế giới.
Chỉ có ở đất nước của các bạn, “thế giới ngày mai” mới đeo cặp đu dây qua sông tới lớp. “Vì lợi ích mười năm trồng cây”, các bé gái tuổi vị thành niên thành món quà của thầy hiệu trưởng gửi tới cho bạn bè trên tỉnh. “Tiên học lễ”, nữ sinh lột quần áo nhau quay phim đưa lên youtube. Cô giáo túm vào chỗ kín của học sinh nam. Trò hư phải thay nhau liếm ghế. “Hậu học văn”, quay cóp được nâng lên thành nghệ thuật. Thầy ra bài, thầy thu tiền, thầy cho đáp án trước ngày thi. Trò thuê người học thay, thuê người viết luận văn, bằng giả bày như rau dưa ngoài chợ.
Chỉ có ở đất nước của các bạn, cảnh sát gọi người vi phạm giao thông vào góc đường làm luật. Cò kè cưa đôi. Người anh hùng bỗng chốc trở thành tội phạm vì mấy chục triệu quỹ đen. Kẻ tham nhũng tiền tỷ tỷ được xem xét vì có thân nhân tốt. Chưa tranh tụng trước tòa đã biết bao nhiêu năm nằm khám. Tử tù sinh con trong phòng biệt giam. Chỉ có ở đất nước của các bạn, bê tông mới được đúc bằng cốt tre. Cầu vượt đang xây dầm đã lao xuống đất. Hầm đường bộ thành sông trong thành phố. Đường chưa bàn giao đã sụt, lún, chân chim. Chỉ có ở đất nước các bạn, mới có thủ tướng chân tình “ba năm qua tôi chẳng kỷ luật ai. Các nghị sĩ hồn nhiên đồng thuận.
“Chỉ có ở đất nước các bạn, người viết bằng mọi giá chen chân vào Hội Nhà văn. Một phần ba số hội viên muốn được làm lãnh đạo. Đại hội không bàn chuyện văn chương, chỉ lo bầu bán. Ai cần Hội Nhà văn? Hội Nhà văn cần ai?”
Và ông mỉa mai kết luận:
“Vẫn biết Đại Hội mới bắt đầu, nhưng chắc chắn sẽ thành công rực rỡ. Chúc các bạn có một Ban chấp hành mới, hoạt động không cần tiền thuế của dân. Chúc các bạn có nhiều tác phẩm đoạt giải Nobel, tất cả nhà văn sống được bằng ngòi bút. ”
(Lê Thị Thanh Chung dịch, phổ biến trên net ngày 8/8/2010)
Mỗi ngày, đọc tin trong nước và ngoài nước, người VN ưu tư với thời cuộc không khỏi bi phẩn trước sự xuống cấp trầm trọng về giáo dục và đạo đức xã hội của Việt Nam. Làm sao mà đất nước khá lên được khi người lãnh đạo quốc gia, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ học đi làm du kích từ lúc 12 tuổi (nhưng trong lý lịch khai là có Cử Nhân Luật), sau làm bí thư huyện kiêm trưởng ban công an huyện Hà Tiên (1980-1986) đặc trách chỉ huy buôn lậu ở cửa biển Hà Tiên để làm kinh tài cho đảng và cho mình, được cha đỡ đầu Lê Đức Anh đưa lên làm Thứ Trưởng Bộ Công An rồi Thống đốc ngân hàng và khi nhậm chức thủ tướng đã hùng dũng tuyên bố :«Tôi kiên quyết chống tham nhũng, nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay». Vừa dốt vừa láo khoét, Dũng và đồng bọn hiện nay là những tay tham nhũng nhất nước.
Làm sao mà dân VN có thể tin được người Cộng Sản khi ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố không biết ngượng : “Mình vừa động viên ông Obama, mình muốn phân hóa cái nội bộ của ổng…” (nói chuyện với « kiều bào» thân Cộng về nước đến vái lạy chủ tịch năm 2009)
Độc tài, ngu dốt, lừa dối và tham nhũng đã làm cho đất nước VN suy đồi mà giáo dục là căn bản của một dân tộc. Đảng Cộng Sản VN phải trả lời trước lịch sử trọng tội nầy.
Lâm Văn Bé
Montréal 09-2010
________________
Thư mục chính yếu
- Nguyễn Đức Tuyên. Một cái nhìn về giáo dục đại học VN. - Montréal : Truyền Thông , no.22&23, 2007.
- Harvard Kennedy School. ASH Institute. Vietnamese higher education: crisis and response/Thomas J. Valley & Ben Wilkinson, November 2008.
- Hoàng Tụy. Giáo dục : Xin cho tôi nói thẳng. (trang mạng của Hoàng Tụy)
- Nghiêm Văn Thạch. Đảng CSVN trong tình trạng hiểm nghèo/Phong trào Dân Chủ Đa Nguyên
- Đại học VN. www.vi.wikepedia.org
- Các trang mạng với chủ đề về giáo dục VN, đại học VN.
_________________________________________________
* Lâm Văn Bé, Cao học Thư Viện Học, Université de Montréal (1978). Từ năm 1980 đến khi về hưu, là thư viện trưởng các thư viện của Thành phố Montréal (Canada). Trước 1975 là giáo chức.