LS Ngô Ngọc Trai
Theo báo điện tử Vietnamnet thì khoảng 17h45 ngày 14/10, nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê ngập sâu trong biển nước.
Cũng theo báo Vietnamnet thì tính đến 16h chiều ngày 15/10 có ít nhất 9 tàu hàng, tàu cá ở Quảng Bình bị lật úp, 19 tàu thuyền khác bị mắc kẹt, cuốn trôi ra biển. Đã có 7 người chết, 10 thuyền viên, người dân bị lũ cuốn mất tích và 7 người bị thương ở Quảng Bình.
Tại Hà Tĩnh có 1 người chết, 1 người mất tích. Nghệ An cũng có 1 học sinh bị lũ cuốn. Tại cảng Gianh, Quảng Bình có 30-40 tàu bị sóng đánh trôi dạt khỏi nơi neo đậu, 1 tàu đã bị chìm.
Ngoài ra là không biết bao nhiêu tài sản hoa màu vật nuôi của người dân bị thiệt hại do mưa lũ.
Xác định nguyên nhân
Từ lâu nay mưa lũ là hiện tượng thiên tai bất thường, theo thời gian người dân đã tích lũy kinh nghiệm biết cách ứng phó với mưa lũ giúp giảm bớt hậu quả của thiên tai, như làm nhà ở những nơi cao ráo.
Nhưng vài năm trở lại đây nhiều đập thủy điện được xây dựng đã góp phần làm tăng thêm hậu quả tai hại của mưa lũ. Đập thủy điện xả nước đã phá vỡ quy trình dòng chảy khiến người dân không thể ứng phó, nhiều khu xóm nước ngập đến nóc nhà, gây thiệt hại tổn thất không biết bao nhiêu mà kể.
Có thể hình dung việc đập thủy điện xả nước gây lũ lụt như sau: Nếu không có đập thủy điện thì khi mưa xuống nước sẽ chảy thành dòng theo các lòng trũng khe suối chảy dần ra sông, ra biển.
Nhưng khi có đập thủy điện thì nó ngăn dòng nước lại tạo thành một khối nước lớn ở vịtrí cao, đến khi nước đầy thì đập xả nước tạo thành dòng chảy mạnh. Dòng chảy này cộng với lượng nước mưa đã chảy thành dòng ở phía dưới đập, hợp lại tạo thành lưu lượng nước lớn gây lũ khiến người dân không kịp trở tay vì lũ về nhanh quá.
Như vậy, các đập thủy điện là tác nhân góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng mưa lũ lâu nay. Việc xây dựng các đập đúng ra phải tính toán khoa học về khoảng cách, mức độ, liều lượng như thế nào để không gây thiệt hại cho dân.
Nhưng vì những tính toán sai và vì lòng tham nên các đập thủy điện đã được xây bất chấptính hợp lý dẫn đến hậu quả như đã xảy ra. Thực tế đây không phải là lần đầu tiên và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng các đập thủy điện xả nước gây lũ lớn làm chết người.
Làm sao ngăn chặn?
Doanh nghiệp làm đập thủy điện kiếm tiền, xả lũ dân gánh chịu. Đây là cái mà người ta gọi là loại Chủ nghĩa tư bản rừng rú, phát triển kinh tế bằng những giá đắt, hủy hoại môi sinh, kiếm lợi trên thân xác và tài sản đồng bào.
Sáng 15/10 khi đi kiểm tra lũ ông Lê Ngọc Huấn Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đãbày tỏ sự bức xúc với lãnh đạo nhà máy thuỷ điện Hố Hô trong việc xả lũ bất ngờ khiến ngập lụt trên nhiều xã:
"Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả. Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng lại từ 1-2 tiếng cho nước rút bớt, điều kiện lúc đó có thể dừng xả 1 tiếng nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận".
Cũng trong sáng 15/10 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Đặng Quốc Khánh đã xuống các xã của huyện Hương Khê để kiểm tra. Tại đây, ông Khánh nhấn mạnh việc xả đập Hố Hô khiến nước lên nhanh người dân trở tay không kịp. Theo ông Khánh, việc xả đập phải được phối hợp giữa chính quyền và nhân dân.
"Những hồ nào xả bao nhiêu, xả như thế nào cần phải tuyên truyền kịp thời để cho bà con biết. Chứ lúc tối Hương Khê xả quá nhanh, không thể xả ồ ạt như vậy được. Hộ nào cũng cho rằng lúc tối nước lên nhanh quá. Xả như thế không nhanh sao được", Vietnamnet trích lời quan chức địa phương này nói.
Như vậy là đã rõ, có yếu tố nhân tai trong tai họa này. Đập thủy điện xả nước là tác nhângóp phần làm trầm trọng thêm hậu quả mưa lũ làm chết nhiều người, nhấn chìm tài sản, hàng vạn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tôi cho rằng các đập thủy điện đem lại lợi ích không bõ cho cái thiệt hại gây ra. Mạngngười là vô giá, không thể để mạng dân cứ chết vơi mỗi năm một ít như thế được, khôngthể để cơ nghiệp của dân tích cóp bao năm tiêu tán dần vì lũ. Việc này nếu không xử lý dứt điểm thì với lòng tham và sự thiếu trách nhiệm rồi sẽ lại có lũ khác và người chết khác.
Chính phủ cần tiến hành nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại về bố trí và hoạt động của các đập thủy điện dựa trên các hậu quả đã gây ra, tiến tới chấm dứt phá bỏ ngay những đập thủy điện gây nguy hại.
Trong hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của trận lũ vừa rồi có yếu tố trách nhiệm con người (nhân tai).
Như thế là đủ dấu hiệu của tội phạm do vậy cần khởi tố điều tra để xác định và truy tố ra trước pháp luật những kẻ vì lòng tham hoặc ngu dốt đã gây tai họa cho đồng bào và buộc bồi thường khắc phục hậu quả cho người dân.
BBC