SƠ LƯỢC VỀ THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP CỦA CỐ T.T. NGÔ ĐÌNH DIỆM

NGUYỄN PHƯƠNG

Bài viết này là của  Linh mục Sử gia Nguyễn Phương (1921-1993), Giáo sư Sử Học tại Viện Đại Học Huế (1957-1975), tác giả một số công trình nghiên cứu sử học như sau:

Liên lạc giữa Mỹ và Việt Nam (1957), Sự quan trọng của Đông Dương trước mặt quốc tế (1957), Ánh sáng Dân Chủ (1957), Phương Pháp Sử Học (1964), Việt Nam Thời Khai Sinh (1965), 82 Năm Việt Sử (1965, 125 Năm Thế Giới Sử (1965),Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn (1967)...
... The Ancient History of Vietnam (1976, di cảo chưa in), A parade of American Puppets (a story of South Vietnam from 1954 to 1975), 1978, di cảo chưa in, Cổ Sử Việt Nam trong Ngoại kỷ Toàn Thư, 1973, di cảo chưa in, Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, 1973, di cảo chưa in);

Ngài cũng là dịch giả cuốn Nhật ký Chúa Giê-Su (Avec Jésus, au jour le jour, bản thảo chuyển ngữ tác phẩm của Linh mục Aulagnier), Đức Trinh Nữ Maria trong Di bút của Chị Maria Valtorta (La Vierge Marie dans l’oeuvre de Maria Valtorta của Linh Mục Gabriel M. Roschini, O.S.M) và tác phẩm chuyển ngữ trên 5,000 trang (chưa in) về một danh tác thuộc phạm vi Mạc Khải Tư (Révélation Privée) của Chị Maria Valtorta có tên “Người Thần Chuyện Thánh” (dựa trên bản tiếng Anh có tên The Poem of the Man-God, năm tập; bản tiếng Pháp có tên L’ÉVANGILE tel qu’il m’a été révélé, mười tập; bản tiếng Ý có tên IL POEMA DELL’UOMO-DIO, mười tập.) Linh mục sử gia Nguyễn Phương (bút hiệu Trúc Long) đã từng cộng tác với một số báo chí trong nước trước năm 1975 như Tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn), Tạp chí Đại Học (Huế), Tạp san Sử Địa của nhóm sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Ở hải ngoại Linh mục Nguyễn Phương cộng tác với Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, VA với khoảng 150 bài viết, một số bài cho tạp chí ĐấtMẹ của ông Nguyễn Phi Thọ ở Houston. 

Tháng 10-1963, Linh mục Nguyễn Phương đã có cuộc tranh luận (bút chiến) với Văn Tân, Viện trưởng Viện Sử Học Hà Hội về chủ đề “Ai đã thống nhất Việt Nam? Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh, trả lời ông Văn Tân Hà Nội”, bài viết trước xuất hiện trên Tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn và các bài kế trên Tạp chí Đại Học. Văn Tân cho rằng cuộc cách mạng Tây Sơn là cuộc cách mạng nông dân và giành cuộc thống nhất đất nước cho Nguyễn Huệ, trong khi Linh mục Sử gia Nguyễn Phương chủ trương công thống nhất đất nước vào đầu thế kỷ 19 là của Gia Long

Nguyễn Ánh. Sử gia Hoa Kỳ Alexander B. Woodside đã viết về sử gia Nguyễn Phương và nhắc đến cuộc bút chiến hi hữu này trong cuốn Vietnam and the Chinese model (1988) của ông. Tiến Sĩ Liam Kelly, Giáo sư Sử học của Trường Đại Học Hawai’i  ở Manoa cũng đã tham khảo các công trình nghiên cứu sử học của Linh mục Nguyễn Phương trong vấn đề Cổ sử Việt Nam, các chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng, Triệu Quang phục v.v… và là người đã từng đưa cuốn “Việt Nam Thời Khai Sinh” của Linh mục Nguyễn Phương lên mạng lưới điện tử.

Năm 2011, Sử gia Wynn Wilcox, Giáo sư Trường Đại Học Connecticut State,  trong tác phẩm Allegories of the Vietnamese Past (do Trường Đại Học Yale phát hành) đã phân tích về cuộc bút chiến nói trên khá kỹ càng, và mới đây ngày 11 tháng 4-2015, sử gia Wynn Wilcox đã có trình bày một bài tham luận dài có tên “Vietnamese-American Historians in the United States, 1954-present”  trong một cuộc hội thảo sử học gồm các giáo sư đại học Hoa Kỳ, nói về các công trình biên khảo sử học của Linh mục  Sử gia Nguyễn Phương, dựa trên các tư liệu lịch sử của tôi đã phổ biến trước đây. Bài viết của GS Wilcox sẽ được Giáo sư Lê Đình Cai chuyển ngữ và sẽ in trên Tập Kỷ Yếu Viện Đại Học Huế sẽ được phát hành vào tháng 12-2015.

Một số sử gia gạo cội của Hà Nội sau này như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng đã công tâm hơn khi cho rằng Nguyễn Huệ chưa bao giờ thống nhất được đất nước và họ đã ngả về luận thuyết của Linh mục sử gia Nguyễn Phương, và cho rằng đó là công trình của Gia Long Nguyễn

Bài viết về Cố TT. Ngô Đình Diệm sau đây của Trúc Long Nguyễn Phương được đăng tải trên Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong (số 119) của Chủ Nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng ở Virginia khoảng ba thập niên trước đây. Bản tôi có trong tay là thuộc về một tập photocopy do Linh mục Nguyễn Phương để lại cho tôi sau khi mất (1993). Là môn sinh của Linh mục Nguyễn Phương, tôi có bổn phận bảo lưu các tài liệu sử học quý báu của Ngài và thấy có bổn phận phải công bố những tư liệu đó khi cần thiết để giúp cho giới nghiên cứu sử học có tư liệu lịch sử trung thực trong tay và độc giả có dịp thưởng lãm.

Nguyễn Đức Cung

Philadelphia, ngày 19 tháng 10-2015

*********

Tháng 2 năm 1946, Hồ Chí Minh trải qua một cơn khủng hoảng lớn, bị kẹt cả với Lư Hán, cả với d’Argenlieu. Hơn bao giờ hết, ông cần một người quốc gia chân chính, chẳng những để làm bình phong cho ông trước mặt quốc tế, mà còn để có thể hô hào nhân dân trong nước ủng hộ. Nhìn quanh với cặp mắt tinh đời của ông, ông vẫn không tìm được ai hơn cụ Ngô Đình Diệm, kẻ đã bị cán bộ ông bắt giam ở mạn ngược, nhưng lúc đó đang được đem về khám Hà Nội để điều trị bệnh sốt rét. Ở Phủ Chủ Tịch Nhà Nước, khi đối diện Hồ Chí Minh và nghe ông này đề nghị tham chính, cụ Diệm đã không ngần ngại nói:

“- Không thể được, Ông có chính sách cứu nước của ông, và tôi có chính sách của tôi. Ông có cam đoan được rằng ông sẽ bỏ thuyết vô sản chuyên chính không? Khắp nơi, cán bộ ông đang thi hành thuyết đó. Họ giết hết các nhà quốc gia chân chính. Họ giết cả anh em tôi”.

Đến đây Hồ Chí Minh cảm thấy phải chữa mình. Ông nói: “Vậy mà tôi không hay biết gì cả. Nước đang lâm cảnh loạn ly. Xin ông ở lại với tôi để cùng nhau chống Pháp”.

Dường như cả hai người đều hiểu rằng chỉ có vì sợ cụ Diệm mới chấp nhận. Cụ lên tiếng: “Ông biết tôi là ai không?Tôi không phải hạng hèn nhát.” Hồ Chí Minh vội vàng nói đỡ: “Không. Ông không hề hèn nhát.” Cụ Diệm tiếp: “Vậy thì để cho tôi đi”. Và Hồ Chí Minh để cụ Hồ Chí Minh bỗng nhiên tha cụ Diệm thật là một sự kiện đáng lưu ý. Hỏi tại sao một kẻ, trong năm 1925, đã phản bội cụ Phan Bội Châu, một nhà quốc gia cách mạng, kẻ đã giết Tạ Thu Thâu, cũng là cộng sản như ông, chỉ vì sợ họ đối lập với ông lại có thể trả tự do cho cụ Diệm, đang khi cụ ở dưới quyền sinh sát của ông? Tại sao cụ Diệm, một tù nhân lại có thể lên án Cộng sản trước mặt Hồ Chí Minh, một tên trùm Cộng sản, mà ông không trừ cụ đi để ngừa nhiều khó khăn về sau? Phải chăng Hồ Chí Minh kính nể cụ Diệm, vì mong rằng Cụ có thể cứu nước, trong khi chính mình ông đang bị kẹt nhiều đàng?

Thật ra, không sao trả lời được các câu hỏi đó cho dứt khoát. Vả lại, trên đời, hỏi mấy ai hiểu nỗi nhiều hành động của Hồ Chí Minh? Năm 1962, khi Bernard Fall, một nhà báo Mỹ rất thân với Cộng sản, chất vấn về cuộc đời của ông, ông xin hắn để cho ông giữ một tí bí mật về cuộc đời của ông. Biết đâu việc thả cụ Diệm  là một trong các “bí mật” đó? Nhưng có một điều này đã thành một sự kiện lịch sử, là Hồ Chí Minh đã thả cụ Diệm chính khi cụ tuyên bố với ông rằng cụ vốn có một chính sách cứu nước không giống với của ông ta.

Hỏi cụ Diệm là ai mà Hồ Chí Minh phải kính nể như vậy? Để trả lời, có lẽ không gì bằng nhắc lại câu ngạn ngữ mà dân chúng miền Trung quen nói từ sau 1933:

Đày vua không Khả,

Đào mả không Bài,

Hại dân không Diệm.

Lịch sử thất bại của gần một trăm năm đô hộ của Pháp có thể tóm tắt trong ba câu ngắn ngủi đó, và trong ba câu, gia đình họ Ngô đã chiếm mất hai, “không Khả” tức chỉ cụ Ngô Đình Khả, thân sinh cụ Diệm, và cố nhiên “không Diệm”, Diệm chính là Cụ.

Pháp xâm lăng Việt Nam với ba mục đích trong đầu óc: thứ nhất là đàn áp để cai trị. Vâng lệnh chúng thì chớ, chứ ai ngóc đầu lên thì họ giết, và nếu không giết được vì sẽ gây phẫn nộ sâu xa trong quần chúng, thì chúng đày đi. Chúng đã đày vua Hàm Nghi, rồi vua Thành Thái, rồi vua Duy Tân. Mục đích thứ hai là bóc lột thuộc địa để làm giàu mẫu quốc. Chúng đánh thuế muối, thuế rượu, thuế đinh, thuế điền. Bấy nhiêu chưa đủ, chúng còn muốn đào mả nhà vua để lấy các bảo vật được chôn trong các lăng tẩm. Nhưng mục đích quán xuyến hơn cả là đô hộ, nói rằng đất nước Việt Nam không còn thuộc về người Việt Nam, mà chủ quyền của Việt Nam là ở trong tay chúng.

Cụ Ngô Đình Khả đã khẳng khái chống lại mục đích thứ nhất. Thiếu thời Cụ đi tu. Vì thông minh dĩnh ngộ, Cụ được gửi sang Pénang, một đảo thuộc Anh ở Mã Lai, nằm về phía Vịnh Băng gan, theo học Cao học tại đó, nhưng bấy giờ đảng Cần Vương đang hoạt động mạnh và nhiều người trong họ hàng Cụ tử đạo, nên Cụ phải bỏ dở việc tu để trở về giúp gia đình. Tài học và đức độ của Cụ đạt vào tình trạng phải đứng ra gánh vác việc chung. Cụ ra làm quan, đứng đầu triều đình của Thành Thái, và đồng thời là thầy dạy của nhà vua. Khi Pháp manh tâm đày vua Thành Thái, Cụ đứng lên công khai phản đối và bỏ triều đình về hưu. Câu “Đày vua không Khả” còn có nghĩa là đày vua không có thể, vì Khả 可 là có thể. Thực ra Pháp vẫn đày vua Thành Thái, nhưng việc phản đối của cụ Thượng  Khả đã đặt một đà chống Pháp cho các người nghĩa

Kế cụ Ngô Đình Khả là cụ Nguyễn Hữu Bài. Cụ Thượng Bài, với chức Thượng Thư Bộ Lại, một vị quan được Pháp kính nể bậc nhất. Nhưng khi việc mưu đồ bới lăng tẩm để lấy vàng và bảo vật được tiết lộ, Cụ phản đối kịch liệt và cuối cùng Pháp phải thúc thủ. “Đào mả không Bài” còn có nghĩa là đào mả không có giấy phép vì Bài  牌 cũng có nghĩa là giấy phép.

Khi cụ Ngô Đình Diệm lên thay thế cụ Thượng Bài dưới triều Bảo Đại, cụ Diệm chỉ chấp nhận chức vụ đó với điều kiện là Pháp thay đổi chính sách đô hộ. Để cho việc Bảo Đại về chấp chính được xuôi thuận và Pháp khỏi mang tiếng với quốc tế, Pháp đã hứa. Nhưng khi công việc đâu vào đấy rồi, chính sách Pháp lại vẫn sau như trước. Và cụ Diệm đã trả ấn từ quan để cho Pháp biết rằng chế độ đô hộ phải chấm dứt, không chóng thì chầy. “Hại dân không Diệm”.

Trước khi về nhậm chức ở triều đình, cụ Diệm đã làm tuần phủ hai tỉnh Phan Rang và Bình Thuận, một quan tuần phủ trẻ tuổi nhất, vì khi đến trấn nhậm vùng đó, cụ mới có 28 tuổi.

Khi Hội Đồng Cách Mạng của Dương Văn Minh tháng 11, 1963, giết Cụ rồi, họ chỉ công nhận cụ Diệm là Tuần Phủ, không kể gì đến chức Tổng Thống đã đành, mà cũng bỏ qua cả chức Thượng Thư Bộ Lại của Cụ. Chỉ một sự kiện đó đã đủ để đánh giá cả Hội Đồng Cách Mạng nói chung và Dương Văn Minh, kẻ đã ra lệnh giết Cụ, nói riêng.

Thời cụ Diệm trấn nhậm vùng Phan Rang, là một thời bất an, vì bấy giờ Cộng sản bắt đầu bạo hành trên toàn cõi Đông Dương. Nhưng càng gặp khó khăn, cụ Diệm càng tỏ ra tài cán. Thay vì đục nước béo cò, nước càng đục phèn càng quý. Đang khi phòng Nhì Pháp bắt bớ dân chúng vì tình nghi Cộng sản, Cụ lại càng ra tay bênh vực dân lành. Một tác giả Mỹ không mấy tử tế với họ Ngô đã phải nói tóm tắt về Cụ trong thời đó như sau: “Đối với Pháp, Ông là một công chức gương mẫu, đối với người Việt, Ông là nhà cầm quyền trẻ tuổi mà tài cán, hết mực cần cù, làm tròn phận sự mà bàn tay không bị vấy bẩn”.

Một nhân vật như thế, chắc chắn Hồ Chí Minh phải biết và phải kính nể, vì thân phụ của ông cũng từng làm quan trong thời Pháp thuộc và ít ra ông cũng đã biết rằng làm được một ông quan thanh liêm và thương yêu dân không phải dễ.  Nguyễn Sinh Sắc, cha của Nguyễn Sinh Cung (tức Hồ Chí Minh) đã từng làm tri huyện Bình Khê tức Bình Định. Quan huyện đâu có quyền tra tấn ai. Vậy mà cụ huyện Sắc đã tra tấn người ta đến chết, nên bị cách chức. Việc này dân Bình Định còn nhớ rõ, và thường kể lại mỗi khi có dịp nhắc chuyện cũ.

Thoát tay Hồ Chí Minh rồi, cụ Diệm không ngồi yên để nhìn thời thế và chịu đựng cảnh loạn ly. Cụ đã tuyên bố với Hồ Chí Minh rằng Cụ có chính sách Cứu nước riêng của Cụ, nay Cụ tìm cách đem nó ra thực hiện. Bằng cách nào? Không theo Cộng sản tức là chế độ tước đoạt mọi quyền lợi của người dân, cả về mặt vật chất, cả về mặt tinh thần, cụ Diệm, cụ Diệm đặt căn bản hoạt động chính trị của Cụ trên tự do, nhân bản mà Cụ gọi là thuyết Nhân Vị. Để thực hiện một thuyết quán xuyến như thế trong giai đoạn đất nước đang bị thực dân và Cộng sản xâu xé, tất Cụ phải liên minh với thế giới tự do, đồng chí hướng. Vì thế Cụ sang Nhật, rồi từ Nhật, sang Mỹ, rồi từ Mỹ về Âu châu, để kêu gọi sự ủng hộ của người nước ngoài, và để liên kết đồng bào tai mắt đang lưu vong hải ngoại.

Và cuối cùng, thời cơ của nhà Chí sĩ đã đến. Nói rằng thời cơ của nhà Chí sĩ, vì đây không phải là thời cơ của những chính khách xôi thịt. Nếu là cơ hội xôi thịt, thế tất không bao giờ đến phần Cụ, và vạn nhất có đến nữa, Cụ cũng chẳng thèm nào, như quá khứ đã chứng minh.

Nhưng chính là cơ hội hy sinh vì quốc gia dân tộc, cơ hội kề vai gánh vác một trách nhiệm mà tất cả những kẻ từ trước đến nay ngồi chờ, đều thoái thác. Mọi người đều nghĩ rằng: làm Thủ Tướng Việt Nam vào tháng 7, 1954 là tự sát về phương diện chính trị, chỉ trừ cụ Diệm.

Bấy giờ là lúc vận mệnh Việt Nam lung lay không bao giờ bằng. Điện Biên phủ như tiếng sét long trở lở đất, vừa dao động Thế giới Tự do. Thế Hồ Chí Minh lên như sóng cồn, chỉ đợi thời gian để nắm cả Nam Bắc. Phía Bảo Đại thì như một lũ bù nhìn chỉ biết làm tay sai cho Pháp và phá hại dân. Nước càng tan nát, miếng ăn của họ càng béo bở. Nhưng chúng chỉ quen nấp bóng mà ăn, chứ không dám đương đầu. Nhưng đương đầu làm sao đây? Cộng sản như tên khổng lồ đằng đằng sát khí đang hòng vồ tới. Bảo Đại ở Cannes chơi bời thả cửa, nhưng lại đang nắm trọn quyền hành. Hỏi cụ Diệm chấp chánh dựa thế vào đâu?

Nhiều kẻ nhanh miệng trả lời rằng dựa thế Mỹ. Trả lời như vậy rất dễ, nhưng không phải là đúng. Nếu cụ Diệm chỉ biết dựa vào Mỹ, thì cách đó chỉ mấy tháng, vào cuối tháng 4 năm 1955, Cụ đã hết hẳn thế dựa, như vốn có giấy trắng mực đen làm chứng, và rồi, vào đầu tháng 11, 1963, Cụ đã lên phi cơ Mỹ đến những chỗ an toàn nhất cho đời của Cụ, chứ đâu phải bị Dương Văn Minh giết. Nhưng vì điểm tựa của Cụ là khí thiêng linh tú của non sông, là vận mệnh bất khuất của dân tộc, nói cách khác, là Thiên Chúa,  nên khi nghe tiếng gọi làm nhiệm vụ, Cụ đã không từ nan. Cụ dấn thân bất chấp khó khăn, hay chính vì khó khăn.

Thật vậy, sau Điện Biên phủ, khi việc chia cắt đất nước đã hiện hình, và không ai dám đứng ra lãnh đạo Việt Nam Tự Do, Bảo Đại và Pháp buộc lòng phải mời cụ Diệm ra làm Thủ Tướng, ý đồ dùng Cụ như một con cờ thí. Mỹ cũng vậy, vì họ không còn có thể nghĩ đến ai khác.

Từ Paris, Bill Gibson của tòa Đại sứ Mỹ đã đi Cannes gặp Bảo Đại về việc đó và chính quyền

Mỹ cũng can thiệp với Pháp về việc đó. Khi Cụ đáp chân xuống Sài gòn, ngày 24 tháng 6 năm 1954, thật là một cảnh đáng thương hại. Những kẻ biết thời thế đều nói với nhau, giống như lời tiên đoán của Bảo Đại: “ Chỉ được 3 hay 6 tháng là cùng”. Vì cụ Diệm về làm Thủ Tướng mà trơ trọi hai bàn tay không: Quân đội nằm dưới quyền của tướng Nguyễn Văn Hinh, nghĩa là dưới quyền Pháp, và cảnh sát dưới quyền Lê Văn Viễn, hay Bảy Viễn, nghĩa là dưới quyền Bảo Đại, vì Bảy Viễn đã mua Bảo Đại chức Tổng Giám Đốc Cảnh Sát với giá một triệu đô la. Còn dân chúng ở thôn quê thì sao? Thì ở dưới quyền các giáo phái. Vậy mà những vấn đề phải giải quyết cấp tốc lại vô số, và toàn là những vấn đề khổng lồ…

Cụ Diệm chấp chánh ngày mồng 7 tháng 7, thì ngày 20 tháng đó Việt Nam bị chia cắt, lấy vĩ tuyến 17, tức là con sông Bến Hải làm giới hạn giữa Nam Bắc. Theo hiệp định Genève, sự chia cắt này chỉ là một giải pháp tạm thời, đợi đến tháng 7 năm 1956 sẽ có tổng tuyển cử để thống nhất đất nước và định đoạt số phận chính trị của Việt Nam. Không nói đến viễn ảnh cộng sản sẽ thắng trong hai năm nữa, việc cấp bách hơn cả, đó là định cư gần một triệu dân Bắc tỵ nạn Cộng sản. Việc này Cụ đã làm được một cách hết sức thành công, nhờ tiền trợ cấp của người Mỹ. Khu Hố Nai là bằng chứng lâu dài về sự thành công đó.

Nhưng nắm chính quyền, cần phải có quyền. Không ai giao cho đi nữa, thì cũng phải tự tạo lấy mới mong làm được việc gì. Vì nghĩ như thế, cụ Diệm bắt đầu tìm cách nắm lại quân đội. 

Khi Cụ bắt đầu lấy quyền Thủ Tướng bắt tướng Nguyễn Văn Hinh giao trả quân đội, mọi người đều đoán là Cụ sẽ thất bại lớn. Chín người trong số 15 bộ trưởng của Cụ, theo kiểu sợ thuyền chìm nên chuột bỏ chạy, đã đồng loạt từ chức để mong Bảo Đại chiếu cố trong nội các sau. Ngờ đâu, thuyền không chìm, vì Cụ đã khôn kéo dùng các ghế Bộ Trưởng bỏ trống đó để mua chuộc các giáo phái. Đang khi tướng Hinh và Bảy Viễn rộn ràng lo việc đón Bảo Đại về lập nội các mới, bỗng nhiên các giáo phái tuyên bố đứng về phía Cụ. Thế là Bảo Đại hết về. Nội các mới của Hinh-Viễn chết nghẹt khi chưa thành hình và tướng Hinh phải bỏ Sài Gòn sang Pháp.

Hết bước này đến bước khác vì con đường còn dài. Sào huyệt của Bảy Viễn ở Đại thế giới phải không còn nữa, mới có thể yên tâm nghĩ đến xây dựng nào. Nhưng chạm đến Bảy Viễn là chạm đến chỗ nhạy cảm nhất của Bảo Đại, vì tất cả sự xa hoa của vị phế đế là nhờ vào đó.

Hơn nữa, chạm đến Bảo Đại lại cũng là chạm đến Pháp, vì sợi dây mong manh còn lại để nối Pháp với Việt Nam là Bảo Đại. Cho nên cuối tháng 1, 1955, khi Cụ tuyên bố không còn cho Bảy Viễn giấy phép khai thác Đại thế giới, vì giấy phép trước, lúc đó hết hạn, thì thế giới của Pháp và Bảo Đại nhảy lồng lộn lên. Tại Sài gòn, những chính khách tay sai của Pháp hốt hoảng đứng ra bênh Bảy Viễn. Những Nguyễn Tôn Hoàn, những Phan Quang Đán cùng với phe Bảy Viễn ký tối hậu thư đòi cụ Diệm phải lập chính phủ mạnh. Cụ Diệm nghĩ rằng chính phủ Cụ đã mạnh đủ, nên không nao núng. Ngày mồng 8 tháng 3, năm 1955, Quân  Đội Quốc Gia phá tan nhóm Đại Việt Nguyễn Tôn Hòan ở Ba Lòng, và hai chục ngày sau đó, Đại Tá Phạm Văn Trí đột kích và chiếm đóng một cách dễ dàng đại bản doanh của Đoàn Công an Xung phong ở trường Petrus Ký, Chợ Lớn. Thấy thất thế cho phe ta, Pháp nhảy vào với Đoàn quân Viễn chinh của họ, bất chấp mọi luật lệ, lấy lý rằng họ phải bênh vực người Âu châu. Và cụ Diệm cũng không quên cho họ biết rằng Cụ cũng phải bênh vực quyền lợi của dân Cụ. Oái oăm là bấy giờ người đại diện Mỹ ở Sài Gòn, tướng Collins đứng về phía Pháp để cấm cụ Diệm hành quân. Cháy nhà mới ra mặt Collins sang VN, vì đại diện cho Mỹ, nên tự coi mình như ông Trời, nghĩ rằng mọi việc cụ Diệm phải thưa trình với ông. Khi Cụ đặt Hồ Thông Minh làm Bộ Trưởng Quốc Phòng, Collins phản đối, nhưng Cụ cứ việc Cụ làm. Nay đến lúc ông trả thù. Được tư lệnh Pháp là tướng Paul Ély vô cùng o bế, vị tướng Mỹ ngăn trở cuộc hành quân của Quân đội VN, đồng thời trình về Hoa Thịnh Đốn là cụ Diệm bất lực cứng đầu. Trong văn thư gửi về Mỹ, Collins quyết liệt yêu cầu Tổng thống Eisenhower bỏ cụ Diệm và đem Phan Huy Quát lên thế. Chưa đủ, ông tức tốc bay về Mỹ vận động cho công việc chóng thành công. Chính sách “không cho làm rồi đổ tội rằng không chịu làm” của Collins thật là hữu hiệu. Tổng Thống Mỹ nghe theo ông. Và đây một nhân viên cao cấp trong bộ Ngọai giao kể lại giai đọan ly kỳ đó. Bấy giờ là đến gần cuối tháng 4, 1955, Young, nhân viên bộ Ngoại giao nói: “Sáu giờ tối 28, tôi cầm điện văn đến văn phòng Ngoại trưởng Dulles. Ngoại trưởng ký vào. Sau nhiều cuộc bàn cãi lâu dài và sau những vấn đề đau óc do đó mà ra, lần nữa, chúng tôi lại có hy vọng  đạt được một giải pháp – chúng tôi có thể nói được rằng, đã đạt được cả một Đại Hiến chương. Chúng tôi trù liệu cho diễn văn (thay thế cụ Diệm) đến trước khi Collins đáp xuống Sài gòn để cần phải sắp đặt gì thì sắp đặt sẵn, cho guồng máy chạy theo nhịp độ của chính sách mới. Thế rồi, không lâu sau khi Dulles ký vào điện văn, tôi lại nhận được điện thoại của ông ta. Ông ta vừa nhận được điện văn của Lansdale.

Chiến tranh lại tái phát giữa Bình Xuyên và Chính Phủ.”

Khi được tin điện văn đã ký, Pháp và Bảo Đại cùng tầng lớp các chính khách xôi thịt nhảy mừng. Họ cuống quít chuẩn bị lên thay thế cụ Diệm. Có ngờ đâu chiến tranh kết liễu chỉ sau vài giờ, ít ra ở giữa thành phố, và quân đội của Chính phủ đại thắng. Mỹ vội vã hủy diễn văn thay thế cụ Diệm và Collins đến Sài gòn, gượng gạo làm bộ như không có gì xảy ra. Sở dĩ phải nói hơi chi tiết về sự tráo trở của tướng Collins, đó là vì đối với Việt Nam, nhất là đối với cụ Diệm, số các nhà ngoại giao và cầm quyền Mỹ, có tư cách và hành động giống như tướng Collins không phải ít. Họ tỏ ra hách dịch, trịch thượng rồi áp đảo, không phải chỉ khi chính sách Việt Nam khác với chính sách Mỹ mà thôi, mà cả những khi ước muốn cá nhân của họ không được thỏa mãn. Và, có quyền hành lại có tiền, họ làm gì mà chẳng được, khi giúp đỡ, cũng như khi quấy phá. Đàng khác, nếu nước Việt Nam còn là nước Việt Nam thì làm sao chính sách Việt Nam có thể luôn luôn giống chính sách Mỹ được? Huống hồ kẻ lãnh đạo một nước, cho dầu nước đó nhỏ bé đến đâu, vốn không thể nào thỏa mãn được mọi ước muốn cá nhân của các nhà cầm quyền và ngoại giao của một nước ngoài.

Dầu sao, sự thất bại của tướng Collins đã làm cho các nhà cầm quyền và ngoại giao Mỹ cần thận trọng trong một thời gian. Giây liên lạc Việt-Mỹ lại trở nên tốt đẹp. Cụ Diệm cố nhiên lợi dụng cơ hội này để đẩy mạnh chương trình của Cụ. Những kẻ quấy cụ, lục tục rời Sài gòn:

Tướng Lawton Collins ngày 14 tháng5, và tướng Paul Ély, ngày 24 tháng 6. Pháp cũng triệt hồi đoàn quân viễn chinh của họ và hủy bỏ Tòa Cao Ủy Đông Dương. Còn ảnh hưởng của Bảo Đại Sự thực, Bảo Đại cũng không còn ảnh hưởng gì sau vụ Bình Xuyên thất bại. Nhưng trên pháp lý Bảo Đại vẫn còn là Quốc Trưởng, và phải chấm dứt tình trạng pháp lý thất lý này. Từ Pháp, Bảo Đại gửi về một diễn văn cách chức Thủ Tướng của cụ Diệm và ủng hộ Bảy Viễn. Khi Bảy Viễn thất bại, nhiều người đặt vấn đề “nhổ cỏ phải nhổ cho hết rễ”. Cụ vốn trọng đạo quân tử. Nhưng trước tình thế nghiêm trọng “một mất một còn” của đất nước, Cụ không thể làm gì hơn ngoài việc mở một cuộc Trưng Cầu Dân Ý, vì “Ý Dân là Ý Trời”. Dân đã truất phế Bảo Đại theo thể thức, và ngày 26 tháng 10, 1955, Cụ Diệm lên làm Tổng Thống đầu tiên của Cộng Hòa

Đến đây, cụ Diệm đã làm xong việc mà Hồ Chí Minh đề nghị với Cụ hợp tác để cùng làm với ông ta: đó là việc chống Pháp. Nhưng Hồ Chí Minh chống được Pháp rồi, ông lại tiếp tục chống dân chúng Việt Nam. Ông chống các thương gia, các người đối lập, các nhà quốc gia chân chính; ông chống các địa chủ, ông chống cả dân cày và còn quyết liệt chống lại nhân tính nơi mọi người dân, cho đến bao giờ tất cả trở thành dụng cụ sản xuất cho Nhà nước và Đảng mới thôi. Việc này không lạ gì, vì lý thuyết Cộng sản dạy như vậy. Để chận đứng một chính sách vô nhân đạo như vậy có thể lan tràn vào Miền Nam, cụ Diệm đã tuyên bố bãi bỏ Tổng tuyển cử theo hiệp định Giơ Neo đề nghị, lấy lẽ rằng Cụ không hề ký vào Hiệp định đó.

Chương trình cứu nước của cụ Diệm không phải như của Hồ Chí Minh. Cụ chống Pháp không phải để phá dân, mà để giúp dân. Được rảnh tay cả đối với Pháp, cả đối với Mỹ - ít ra trong một thời gian - Cụ làm việc một cách tích cực. Các năm từ 1956 đến 1960, nói được là những năm vàng của thế kỷ ở Việt Nam. Nhân dân an bình, mùa được gạo lớn, đâu đâu cũng nô nức phát triển. Nhiều chính sách to tát được đặt ra, như chương trình Cái Sắn, chính sách Dinh Điền, đập nước Đa Nhim, chương trình phát triển sông Cửu Long, đường hỏa xa Xuyên Việt. Núi non trở thành những vựa gạo, những vựa cà phê. Đó chính là thời ăn ra làm được, thực phẩm có thừa, giao thông tiện lợi.

Nhưng với sự thịnh vượng đang lên, một chính sách quốc gia phải được hình thành, nghĩa là Việt Nam vì Việt Nam trước đã, cũng giống như Mỹ phải vì Mỹ trước đã. Và chính sách này thế tất phải bắt đầu với sự kiện nhà cầm quyền Việt Nam phải có quyền tại Việt Nam. Khi Việt Nam đã trở thành một đơn vị trước mắt quốc tế như vậy, các nhà ngoại giao và các nhà cầm quyền trịch thượng nhìn vào sẽ không bằng lòng. Không phải là một tướng Collins, mà cả một loạt Collins nổi dậy, và chiến dịch nổi dậy này không phải chỉ ăn về một khía cạnh nào, và nằm trong một phạm vi nào, mà là toàn bộ và quốc tế.

Người ta bắt đầu nói xấu cụ Diệm, cũng là bất lực, cũng là cứng đầu. Rồi từ đó suy diễn ra dài và dài lắm. Cụ Diệm sẽ là nhà độc tài, trái với chính nghĩa dân chủ của Mỹ, mà không hợp với dân chủ là không được lòng người Mỹ, mọi người Mỹ. Và không đẹp lòng người Mỹ sẽ là không đẹp lòng hầu hết mọi người. Cụ Diệm xấu trước, gia đình Cụ Diệm xấu sau, nhất là cố vấn Ngô Đình Nhu. Cố vấn Nhu xấu vì ông là cố vấn, cũng như cụ Diệm xấu chính vì cụ Diệm muốn làm cụ Diệm chớ không muốn làm bù nhìn. Trời ơi! Như vậy thì xấu thật rồi! Và bất cứ gì cũng có thể đứng lên chống lại Cụ.

Và Phật giáo nổi lên, bỗng nhiên nổi lên! Chống lại Cụ. Và Cộng sản nổi lên! Cũng bỗng nhiên nổi lên! Chống lại Cụ. Và cũng bỗng nhiên Cụ cần phải có Mỹ giúp đặc biệt mới có thể đứng vững. Nhưng Mỹ giúp phải có điều kiện: Cố vấn Mỹ phải ở khắp nơi, quân đội Mỹ phải vào Việt Nam, Cam Ranh phải được nhường, Cao nguyên phải được nhường. Nói cách khác, Việt Nam không còn chủ quyền nữa.

Nói với ai thì còn có thể chứ nói với cụ Diệm những điều đó thật là hoàn toàn vô ích. Nói
một lần, nói hai lần, nói bằng lời, nói bằng việc, cụ Diệm đã không nghe, vẫn không nghe, vì một lý do giản dị này, là không thể nghe. Đối với Cụ, nguyên tắc không thể đem ra làm đồ đổi chác, và nguyên tắc là nước Việt Nam thuộc về người Việt Nam.

Vì thái độ của Cụ Diệm là như vậy, và thâm tín của Cụ là như vậy, nên sau khi các thứ khác nổi dậy, các tướng lãnh Việt Nam cũng nổi dậy. Tội nghiệp cho các tướng lãnh! Họ bị mua để nổi dậy, họ cảm thấy “đứng dậy không nổi”. Đối với họ, không gì bằng Cụ Diệm, mà giá đem ra mua họ, nhìn lại không đáng gì. Họ hoang mang, họ lo lắng. Nhưng đến khi họ bị đe dọa phải nổi dậy, bấy giờ họ nổi dậy thật, với một kế hoạch có sẵn. Bấy giờ là đầu tháng 11, 1963.

Giữa tiếng súng long trời lở đất dồn vào Dinh Gia Long, xảy ra cuộc đối thoại sau đây, không phải giữa Chủ Tịch Hồ Chí Minh và tù nhân Ngô Đình Diệm, mà giữa Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cabot Lodge, Đại sứ Mỹ:

-Cụ Diệm: Ông có biết chính sách của Hoa Thịnh Đốn ra thế nào trước tình trạng này

-Ô. Lodge: Tôi không thể nói gì được. Bây giờ mới là 4:30 sáng ở Hoa Thịnh Đốn.

-Cụ Diệm: Nhưng ông cũng phải có một ý kiến nào đó về chính sách Mỹ chứ?

-Ô. Lodge: Tôi biết là tôi phải lo cho Cụ được an toàn. Tôi muốn liệu đem Cụ ra khỏi nước. Ý Cụ làm sao?

-Cụ Diệm: Tôi sẽ làm theo như bổn phận và lương tri bảo tôi. Tôi sẽ tìm cách tái lập trật

Đi lại cũng giống như Cabot Lodge nói Mỹ có chính sách của Mỹ, và Cụ Diệm có chính sách của Cụ Diệm, giống như trong cuộc đối thoại với Hồ Chí Minh gần 20 năm trước. Nhưng chung cuộc lần này không giống lần trước. Lần trước Cụ đối thoại với một tên trùm Cộng sản và Cụ được thả tự do thi hành chính sách của Cụ. Nay Cụ nói với người đại diện của một cường quốc lãnh đạo thế giới tự do, và Cụ bị giết cũng chính vì Cụ thi hành chương trình đó.

Giết Cụ Diệm rồi, Hội Đồng Cách Mạng của Dương Văn Minh lúng túng nói quàng nói hoảng như muốn tránh trút trách nhiệm về việc đã xảy ra. Nhưng Bạch thư của Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers) chép rằng: “Về việc đảo chánh lật đổ Ngô Đình Diệm, Mỹ phải lãnh đầy đủ phần trách nhiệm của mình. Bắt đầu từ tháng 8, 1963, bằng nhiều cách chúng ta đã cho phép, đã phê chuẩn, đã thúc dục các cố gắng đảo chánh của các Tướng lãnh Việt Nam và hứa hoàn toàn ủng hộ chính quyền mới”.

Mấy hàng này nhắc lại một cách tóm tắt và nói lên chỗ tối cao độ của công việc Mỹ đã làm tại Việt Nam kể từ cuối 1960. Nó rọi ánh sáng vào lời của một cựu Bộ Trưởng của cụ Diệm kể lại chuyện Cụ với một nhà báo Mỹ:

“Hình như cả thế giới nổi dậy chống chúng tôi. Không phải chỉ báo chí Mỹ, mà ngay cả đến Tiếng Nói Hoa Kỳ là cơ quan chính thức của chính quyền Mỹ cũng không ngớt nhả ra toàn là những lời tố cáo chúng tôi như là những kẻ dở, làm gì cũng là làm bậy hết. Tưởng như đài BBC trong Đệ Nhị Thế Chiến bỗng nhiên nổi dậy tố cáo Mỹ và hô hào lật đổ Roosevelt. Đáng ngạc nhiên là còn nhiều Bộ Trưởng trong Nội Các bám chặt lấy Cụ lâu đến thế! Việc Mỹ dồn dập bắt tôi như thể đã gây nên một xúc động tâm lý mạnh mẽ. Không thể nào mà không bị ảnh hưởng, dầu cho có biết rõ bao nhiêu rằng những lời tố cáo kia là hiển nhiên không đúng sự thật… Chống lại Việt Cộng đã khó khăn rồi… Đến khi một cường quốc dân chủ mạnh nhất thế giới và là quốc gia đáng lẽ làm đồng minh nữa, lại dấn đầu trong cuộc đồng loạt tố cáo xứ sở, tìm tình trạng trở thành bất khả kháng… Tôi hết sức ngạc nhiên tại sao cụ Diệm lại có thể cầm cự được lâu như thế.”

Ngạc nhiên ư? Những ai biết cụ Diệm đều không ngạc nhiên về thái độ của Cụ, vì Cụ là một người bất khuất. Điều nên ngạc nhiên là tại sao một cường quốc bậc nhất như Mỹ lại tỏ ra thất thế như vậy trước một nhà lãnh đạo của nước Việt Nam nhược tiểu. Những phương thế Mỹ dùng lúc bấy giờ để lật đổ Cụ Diệm đều là những phương thế hạ cấp, bá đạo. Và ai cũng biết rằng mạnh mà bá đạo, thì kết quả càng không tốt đẹp. Nó thiết thời cho chính kẻ bá đạo bao nhiêu, thì nó lại làm nổi bật khí phách của người vương giả bấy nhiêu.

Bởi vì người Mỹ, không phải ai cũng nhắm mắt theo chính quyền hoặc dư luận báo chí. Có những người đã đích thân đi tìm sự thật về cụ Diệm, và khi tìm được sự thật, họ cảm thấy không thể không nói lên những gì họ đã thấy, mặc dầu lời họ nói có thể đi ngược hẳn với trào lưu. Một người, cô Higgins, đã viết rằng:

“Tổng Thống Johnson có lần đã gọi Diệm là Winston Churchill của Đông Nam Á. Việc này làm cho các kẻ sùng thượng nhà chính khách lỗi lạc của Anh phật ý, và có lẽ cũng hơi quá.

Nhưng có điều này rõ rệt là Ngô Đình Diệm nổi bật lên như ngọn tháp cao bên cạnh các kẻ kế vị, vừa nông cạn vừa xu thời, sau ông, nên không sao đem hai bên so sánh được. Dầu cố làm lợi gì đi nữa, Diệm đã hiển nhiên tranh đấu theo kiểu Á Đông mong thực hiện công bằng được bao nhiêu hay bấy nhiêu và cải thiện nếp sống cho dân chúng. Những kẻ chỉ trích ông, ít ra đều đã công nhận như thế, và tài liệu cho thấy rằng ông còn làm được nhiều việc trong một thời gian ngắn, hơn bất cứ một nhà lãnh đạo Đông Nam Á đương thời nào”.

Tướng Thomas A. Lane của Mỹ không có luận điệu dè dặt như vừa thấy. Đã không nói thì thôi, chứ đã nói thì ông nói một cách thẳng thắn. Ông không so sánh Cụ Diệm với các nhân vật Đông Nam Á, mà đem so sánh ngay với những kẻ mà người Mỹ quen kể là anh hùng. Coi việc lật đổ Cụ Diệm là một việc Mỹ phản bội, ông nói: “Tấn kịch bi đát sâu xa của cuộc phản bội này được ghi ngay trong phẩm chất của những người trong cuộc. Ngô Đình Diệm và bào đệ là Nhu, là những kẻ, xét theo các điểm căn bản về nhân cách, như thông minh, đạo nghĩa, liêm khiết, và khôn ngoan, vốn vượt quá xa các chính khách của Kennedy, là những kẻ đã làm hại hai ông đó. Chính sách Mỹ chẳng những cho thấy sự nhu nhược về đạo nghĩa và sự bất nhất, mà còn thiếu ý thức về những vấn đề tối ư quan trọng. Đây là thảm kịch của ngàn xưa của đạo hạnh bị cường quyền bạo sát.”

Sau khi nhắc lại lời Cụ Diệm tuyên bố với dân chúng khi Cụ về chấp chánh rằng: “TÔI TIẾN, HÃY THEO TÔI. TÔI LÙI, HÃY GIẾT TÔI. TÔI CHẾT, HÃY TRẢ THÙ CHO TÔI”.

Tướng Lane cho rằng Cụ đã được trả thù rồi, nói: “CÁI CHẾT CỦA CỤ ĐÃ ĐƯỢC TRẢ THÙ BẰNG ĐỊNH LUẬT KHẮT KHE CỦA TẠO HÓA, BỞI SỰ TỬ THƯƠNG CỦA HAI TRĂM NĂM CHỤC NGÀN NGƯỜI MỸ ĐANG TUỔI HOA NIÊN”. Rồi ông thêm: “Ngô Đình Diệm thật là một người trong số các vĩ nhân của thế kỷ hai mươi. Xét về mặt khôn ngoan, đạo đức, và thành công trước những khó khăn dồn dập, tài lãnh đạo và lòng yêu nước của Cụ đã lên đến chỗ tột độ. So sánh mà coi, tài cán của các chính khách Mỹ cả trong ngành hành pháp, cả trong ngành lập pháp, đều tầm thường cả.”

Chúng ta không nên quá chấp trách hạng tầm thường, vì hạng đó là thành phần của đại đa số nhân loại. Nhưng không phải vì thế mà có thể quên những kẻ ngoại thường, những bậc vĩ nhân. Cụ Diệm là một bậc vĩ nhân của thế kỷ hai mươi, nhưng Cụ là cố Tổng Thống của chúng ta. Và chúng ta càng hãnh diện tưởng niệm Cụ… hôm nay.

NGUYỄN PHƯƠNG