Giới thiệu sách
Đức tin kitô giáo.
Hôm qua và hôm nay
Tác giả: Joseph Ratzinger – Biển-đức XVI.
Người dịch: Lm. Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng-Lam
Đầu năm 2006, đức thánh cha Biển-đức XVI phổ biến tông thư „Thiên Chúa là tình yêu“. Một giáo huấn về đức Mến kitô giáo. Cuối năm 2007, ngài cho ra đời giáo huấn thứ hai „Hi vọng cứu rỗi“ nói về đức Cậy. Thế còn đức Tin? Người ta tự hỏi, tới khi nào thì chúng ta có dịp được đọc về giáo huấn đức Tin? Tin, Cậy, Mến là ba nhân đức quyết định và là tư tưởng nền tảng của Kitô giáo. Đã có Mến và Cậy thì không thể thiếu Tin được. Lại nữa, Tin là nhân đức được coi là căn bản và là nét biểu trưng nhất của Kitô giáo.
Nhưng tôi dám thưa ngay với quý độc giả: Sẽ không có tông thư này! Một phần là vì Tin đã được bàn sơ rồi trong tông thư về đức Cậy. Và nhất là vì nó đã được viết và phổ biến rồi, cách đây 41 năm.
Đó là tác phẩm „Đức Tin Kitô Giáo. Hôm Qua và Hôm Nay“ của giáo sư Ratzinger.
Trong tông thư về đức Cậy đức thánh cha Biển-đức XVI cũng đã cho chúng ta thấy chỗ đứng quan trọng của đức Tin, khi ngài xác định, toàn bộ Kinh Thánh xoay quanh một chữ TIN. Trong tác phẩm „Đức Tin Kitô Giáo. Hôm Qua và Hôm Nay“, tác giả đã dành một chương nhập đề (60 trang) để bàn cách thật lí thú về chữ Tin.
Như vậy Tin là gì, tại sao lại phải Tin và đâu là í nghĩa của Tin.
Đức tin kitô giáo
Khởi đầu cuộc đời kitô hữu là lời tuyên xưng “Thưa, con tin” khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Và kitô hữu kết thúc đời mình, cũng như kết thúc mọi lời cầu kinh trong giây phút cuối đời trên giường bệnh, với tiếng “Amen”. Amen trong tiếng do thái cổ cũng cùng một gốc với chữ “Tin”. Amen làm vọng lại ý nghĩa của Tin. Như vậy, cả cuộc đời kitô hữu cuộn tròn trong chữ Tin. Mở mắt chào đời với Tin và nhắm mắt giã từ đời cũng với Tin.
Tin có thể ví như một giòng sông ta tự do bơi lội trong đó. Nhưng giòng sông Tin có êm xuôi không? Thưa hoàn toàn không. Là vì Tin và Không tin là hai đối lực không thua gì nhau, có khi Vô tín còn mạnh hơn Tin. Trong thời đại choáng ngợp khoa học kĩ thuật ngày nay, xem ra Tin đang ở vào thế thủ, và Vô tín đang ăn mừng chiến thắng. Tin không phải là chuyện dễ, bởi bản chất của nó là phó thác vào một cái gì chưa hiện thực, cái mình không thấy, không nghe, không sờ được, nghĩa là chưa kinh nghiệm được. Như vậy, Tin khác với Biết. Biết là kết quả của kinh nghiệm giác quan. Tôi biết một sự việc là vì tôi đã thấy, đã nghe, đã ngửi, đã cảm được – nghĩa là đã kinh nghiệm được sự vật đó. Còn Tin thuộc lãnh vực vượt kinh nghiệm. Đã Biết rồi thì không cần phải Tin nữa. Tôi biết (vì đã thấy!) lãnh đạo Đảng cộng sản việt nam hèn với kẻ ác mà bạc với dân. Nhưng tôi tin tương lai của cái ác đảng đó sẽ không bền lâu. Tôi tin nó trước sau sẽ sụp đổ. Có tin như thế, tôi mới không rơi vào trầm cảm trước những tin tức và hình ảnh chán chường, bực bội và vô vọng ở quê nhà. Có tin như thế, tôi mới dấn thân tranh đấu. Cũng vì tin rằng cuốn sách sẽ làm cho quý vị hiểu biết và gần gũi đức Thánh Cha hơn và nó sẽ mang lại nhiều ơn ích cho cuộc sống đạo của chúng ta, nên linh mục Nguyễn Quốc Lâm và tôi dám liều lĩnh dịch và in ấn nó.
Cuộc sống hàng ngày của con người, như thế, bị bủa vây bởi màng lưới những chuyện tương lai chưa tới, chưa rõ, nhưng nhờ Tin mà họ sống được. Tôi tin vào tương lai con cái tôi, nên tôi chấp nhận vất vả đầu tư cho chúng. Tôi tin vào tương lai làm ăn của tôi, nên mới đặt ra những dự tính đường dài… Nói tóm lại, con người luôn sống trong niềm tin và hi vọng. Hi vọng – hay Tin – là động lực đẩy cuộc sống đi tới. Sống là sống cho tương lai. Hành động cũng là cho tương lai. Chứ không ai sống và hành động cho quá khứ. Mà tương lai lại là điều chưa kinh nghiệm được.
Ngoài ra, Tin cũng khác với Hiểu. Hiểu thuộc tri năng. Nhưng bản chất của Hiểu là hạn hữu. Hiểu tức là biết rằng cái tri thức nhỏ bé của tôi bị bủa trùm bởi điều gì đó lớn hơn, vô hạn, và cái vô hạn không thể lí giải này kitô hữu gọi là Mầu Nhiệm.
Như vậy, tóm lại, Tin không hẳn là chuyện vô lí, mà nó lại là thứ không có không được trong cuộc sống. Tin không phải là cái gì ngược với lí trí, như lắm nhà khoa học vô thần xưa nay xác quyết. Mà trái lại, nó là con thuyền chở ta đi tới.
Tại sao Tin là cần thiết và nó không phản lại lí trí? Và tại sao chúng ta phải Tin? Thưa, là vì giác quan con người chỉ có khả năng hữu hạn; chúng được tạo ra chỉ để nhận thức những thực tại hữu hình có thể cảm giác được mà thôi. Nhưng mặt khác, con người đồng thời cũng biết rằng, thực tại trong vũ trụ và cuộc sống không phải chỉ gồm những thứ hữu hình mà thôi, mà còn những thứ vô hình khác. Những thứ này giác năng ta không thể nhìn thấu được, nhưng chúng nhiều khi lại là nền tảng và chân thực hơn những gì hữu hình. Và muốn thấu đạt chúng, con người chỉ có con đường Tin. Mắt ta không thấy được sóng âm thanh. Tai ta có thể nghe được sóng này, nhưng cũng chỉ nghe được một khoảng tần số rất hạn chế mà thôi. Vậy mà sóng âm thanh lại là yếu tố quyết định trong thời buổi truyền thông với truyền thanh, truyền hình, mạng thông tin internet ngày nay.
Tin, như đầu bài đã nói, là một sắc thái cá biệt của Kitô giáo. Khác với hầu hết các tôn giáo và đạo khác, Kitô giáo trước hết và trên hết là đạo của niềm Tin. Chữ “Đạo” của Á đông có nghĩa trước hết là một con đường để trở nên trọn lành; nó không đồng nghĩa với khái niệm “tôn giáo” của tây phương, vì nó thiếu chiều kích thần linh. Mọi Tôn giáo đều là Đạo, nhưng Đạo không hẳn là Tôn giáo. Đạo Phật, Lão, Khổng không hệ tại nơi niềm Tin, mà chủ yếu nơi một cách sống và hành động để đạt chân lí. Thần đạo của Nhật hay Đế đạo của người Rôma cổ chủ yếu là tuân giữ một số nghi thức phụng tự. Thế giới ấn giáo dẫy đầy thần linh, nhưng các thần linh này đã chiếm mất chỗ của con người cá thể: Đại ngã đã xoá mất tiểu ngã. Do-thái giáo của Cựu Ước có thể nói là tôn giáo chú trọng lề luật hơn là niềm tin. Islam, một sản phẩm của Do-thái và Kitô giáo, tuy là tôn giáo của niềm Tin, nhưng xem ra trong thực tế bị trì nặng bởi lề luật.
Tóm lại, Kitô giáo là đạo của niềm Tin. Vậy thì đâu là í nghĩa của chữ Tin trong đạo này? Theo Kitô giáo, Tin có nghĩa là tin tưởng phó thác vào một thực tại vô hình, vào cái không do con người có thể làm ra, nhưng đồng thời xem đó là cái thực hơn, là cái nền tảng quyết định hơn mang lại cho con người í nghĩa và tự do hành động sáng tạo.
Thực tại vô hình nhưng nền tảng kia là Thiên Chúa. Giữa Đấng tạo dựng đời đời và loài thụ tạo hữu hạn là một khoảng cách vô biên, mà trí năng và giác năng của thụ tạo không thể vươn tới được. Muốn thấu đạt Người, chỉ có con đường Tin mà thôi.
Thực tại đó, trong đức tin của Giáo hội, đã được diễn tả ra qua nội dung kinh Tin Kính. Kinh Tin Kính xuất phát từ đâu? Nó đã biến chuyển như thế nào trong giòng lịch sử? Phải hiểu nội dung từng í phát biểu của lời kinh như thế nào? Thiên Chúa là ai? Chết và sống lại có nghĩa gì? Tội tổ tông, thiên đàng, địa ngục phải được hiểu ra sao? Đức Giêsu có phải là Kitô không? Còn Giáo hội có phải duy nhất, thánh thiện, công giáo không? Những vấn nạn đó, và còn rất nhiều câu hỏi khác, là trọng điểm của cuốn sách. Con người nặng đầu óc lí trí và khoa học ngày nay rất lạc lõng và ngờ vực trước những câu hỏi trên. Thế thì phải trình bày, phải cắt nghĩa cho họ như thế nào? Với tác phẩm này, giáo sư Ratzinger đã rất thành công trong việc tái tạo hứng khởi niềm tin cho rất nhiều người.
Tiêu đích đi tới của Biển-đức XVI
41 năm trước, giáo sư Ratzinger đã dựa trên nội dung kinh Tin Kính và bằng một thứ ngôn ngữ thời đại để tái giới thiệu Kitô giáo cho con người duy lí khoa học hôm nay, đặc biệt cho thế hệ thanh niên 68 đang chao đảo hoang mang về mọi mặt: Giá trị xã hội của cha ông và của tôn giáo truyền thống, đối với họ, đã trở thành lạc hậu, cần phải đạp đổ; phong trào giải thực đang rộn ràng ở Á Phi cũng như sự thắng thế của chủ nghĩa mác-xít lúc đó đang như những con sóng cuốn hút hàng hàng lớp những người trẻ có đầu óc xuống đường đập phá; khuôn mặt đức Giêsu Kitô không còn là biểu tượng lí tưởng nữa, vì phong trào duy sử và duy khoa học đã tước đi hết nét linh thiêng nơi Người. Còn nội tình giáo hội công giáo, lúc đó, một mặt đang phấn chấn trước những làn gió mát canh tân nhận được từ những cánh cửa mở ra của Công đồng, mặt khác những mâu thuẫn đường lối giờ đây càng rõ nét thêm. Trước Công đồng, người ta kêu gào phải đổi mới, không mở ra là chết. Nhưng giờ đây mở ra rồi, người ta lại tranh luận: Con đường đổi mới sẽ dẫn về đâu, đâu là nội dung của đổi mới? Trước, trong và sau Công đồng có hai khuynh hướng. Một bên cho rằng, đổi mới là làm lại. Vì vậy họ coi những quyết nghị công đồng chỉ là những văn bản mở, cho phép có những thí nghiệm về đường hướng để làm sao đưa Giáo hội đi vào thế giới. Một bên khác thì quan niệm đổi mới là tái phối trí, nghĩa là làm sao cho những giá trị truyền thống muôn thủa của Giáo hội diễn tả được bằng ngôn ngữ thời đại, để từ đó Giáo hội có thể trở thành muối men làm nở dậy bột thế giới. Mà ngôn ngữ của thời đại hiện nay đang là thứ ngôn ngữ của lí trí, của khoa học. Tắt lại, có thể nói một phía muốn đưa Giáo hội hội nhập vào trần thế, còn phía kia ngược lại muốn đưa trần thế thấm nhập tinh thần của Giáo hội. Cho tới hôm nay, mâu thuẫn đó vẫn còn gay gắt nơi một số không nhỏ hàng giáo phẩm và các nhà thần học.
Khi Công đồng mở ra, giáo sư Ratzinger, 35 tuổi đời với 10 năm kinh nghiệm dạy học, là cố vấn công đồng của hồng i tổng giám mục giáo phận München-Freising, Đức quốc. Cũng như các nhà thần học trẻ khác thời đó, ngài hân hoan mong đợi biến cố công đồng. Nhưng về quan điểm đổi mới thì ngài rất sớm ngả theo phía tôn thống, bởi ngài cho rằng, bế tắc của Giáo hội chủ yếu xuất phát từ cuộc khủng hoảng đức tin chung gây ra bởi tinh thần thượng tôn lí trí và khoa học của con người thời đại, chứ không hoàn toàn bắt nguồn từ cơ cấu tổ chức hay những truyền thống rườm rà lâu đời đã mất nhựa sống. Con người hôm nay quay lưng lại với Thiên Chúa, là vì họ nghĩ rằng lí trí và khoa học có thể đáp ứng mọi nhu cầu của họ, kể cả nhu cầu tôn giáo.
Từ nhận định đó, ngài tập trung tâm óc vào hai nỗ lực chính nhằm phá vỡ cái nguyên nhân tạo khủng hoảng đức tin trong thế giới phương tây hiện tại:
1.
Chứng minh cho con người hôm nay thấy rằng, lí trí con người cũng chỉ hữu hạn và chân lí khoa học không toàn diện và tuyệt đối. Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, cũng như không thể sống được chỉ bằng lí trí hay khoa học. Không khoa học nào có thể giúp ta hiểu được í nghĩa cuộc đời. Không khoa học nào xác minh được nhu cầu phải yêu thương tha nhân, phải cần bao nhiêu công ích cho cuộc sống chung. Nếu không chấp nhận những quy tắc cầm cân nẩy mực của một Đấng bên trên mình, thì chẳng có lí do gì mà phải thực thi công ích, phải kính trọng tha nhân, phải bảo vệ sự sống, phải tìm hiểu í nghĩa của cuộc đời. Vì thế, cần có chỗ cho Tin trong cuộc sống, cần phải Tin để có thể sống và hành động. “Để mở rộng kiến thức, cần khoa học tự nhiên; nhưng để hành động, phải cần đức tin”, nhà khoa học nổi danh người Đức Max Planck (1858-1947), cha đẻ thuyết Lượng tử đã khẳng định như thế.
Và đức tin không hẳn là điều mâu thuẫn với lí trí và khoa học, mà trái lại nó phần nào cũng có thể hiểu được bằng lí trí. Đức Tin có thể song hành với khoa học, chứ không phải như một số nhà khoa học nghĩ là hễ đâu có sự hiện diện của tôn giáo, ở đó hết khoa học. Trái lại, khoa học phải hiểu rằng, sở dĩ có được nền khoa học hiện đại cũng là nhờ sự xuất hiện của Kitô giáo. Từ nguồn cội, chính Kitô giáo đã tạo ra khoa học.
Cũng vì nhận ra sự bất cập của chân lí khoa học và tầm quan trọng của sự thật toàn diện nên khi nhận sứ vụ giám mục (1977) ngài đã chọn cho mình châm ngôn mục vụ: „Những người thợ của Chân lí“. Với châm ngôn đó, ngài gián tiếp nói cho mọi người hay rằng, còn có một thứ chân lí vượt lên trên, toả trùm cả chân lí khoa học. Đó mới là thứ chân lí đáng cho con người vươn tới và con người phải vươn tới.
2.
Nỗ lực thứ hai là làm sống dậy kho tàng truyền thống cao quý trong Giáo hội bằng cách tái khám phá ra í nghĩa ẩn khuất của chúng và đưa chúng nhập vào giòng thời đại bằng cách diễn tả chúng bằng thứ ngôn ngữ thời đại. Theo ngài, những truyền thống của Giáo hội không hẳn hết sức sống vì tính xưa cổ. Nhưng vấn đề là con người hôm nay không còn nhìn ra được những í nghĩa cốt yếu của truyền thống. Hôm qua hay hôm nay, thì đức tin kitô giáo vẫn là một. Vì thế, mà suốt cuộc đời với kho công trình tri thức đồ sộ của ngài, ta không thấy giáo chủ Biển-đức đi vào những đề tài mới lạ hay thời thượng. Trái lại ngài kiên trì cặm cụi đào bới lên í nghĩa sâu xa và tươi mát của nào là những kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, dấu Thánh giá, nghi thức thánh lễ, các nghi lễ phụng vụ, đức Tin, đức Cậy, đức Mến… và hiện nay là các bài giáo lí hàng tuần vào mỗi ngày thứ tư trước khách hành hương thập phương. Mà lạ, hễ cái „cổ hũ“ nào được ngài đụng đến, thì lại toát lên nét sinh động, tươi mát và cao quý.
«Đức Tin Kitô Giáo. Hôm qua và hôm nay» nguyên là một giảng trình đại học với tựa đề «Nhập Môn Kitô Giáo. Các giảng văn về kinh Tin Kính các Tông đồ». Giảng trình này không lâu sau đó đã được in thành sách. Và nó đã tạo được tiếng vang lạ lùng như chưa từng có. Chỉ trong vòng một năm đã được tái bản tới mười lần. Không những người dân phía Tây, mà cả phía Đông Đức cũng hân hoan đón nhận nó. Không những tín hữu công giáo hân hoan, mà cả tín đồ tin lành cũng trân trọng đón đọc. Tên tuổi Ratzinger từ đó dính liền với tên gọi tác phẩm, và nó vượt biên cương nước Đức để vang danh thế giới. Lần lượt tới nay tác phẩm đã được dịch ra trên dưới 20 thứ tiếng trên thế giới. Giáo chủ Phaolô VI đã để í tới nhà thần học trẻ lỗi lạc này và sau đó đã cất nhắc ngài vào chức vụ giám mục, và chỉ một tháng sau đã đội mũ hồng i cho ngài. Còn giáo chủ Gioan Phaolô II đã uỷ cho ngài vai trò trưởng Bộ giáo lí đức tin.
Cuốn sách là kết quả của mười năm học hỏi, suy tư và giảng dạy, và đã được viết ra ở cái tuổi 40, độ tuổi có thể nói là đỉnh điểm sáng tạo của đời người. Nó đặt nền cho mọi suy tư và con đường đi từ đó về sau của vị mục tử đạo đức, khiêm tốn, can đảm và đầy viễn kiến. Vì thế, để hiểu được nếp nghĩ và đường đi của vị đứng đầu Giáo hội hiện nay, không thể bỏ qua tác phẩm này. Hầu hết các tác phẩm và suy tư về sau đều là những khai triển tiếp từ nền tảng suy tư của tác phẩm này.
Mới đây, một tuần san của các linh mục dòng Tên tại Đức dành cho giới trí thức kitô giáo „Christ in der Gegenwart“, đưa ra một cuộc thăm dò í kiến về việc có nên mở một „Công đồng chung“ mới không. Về việc mở công đồng, hồng i Carlo Maria Martini, nguyên tổng giám mục Milano và cũng là một ứng viên sáng giá của kì bầu giáo chủ vừa qua, phát biểu: Giáo hội ngày nay cứ sau 15, 20 năm nên có một công đồng, và mỗi lần nên hạn chế vào một số vấn đề thôi.
Theo tờ báo trên, Giáo hội hoàn vũ chúng ta đang phải đối diện với những vấn nạn vô cùng âu lo: Người ta lo lắng tự hỏi, Giáo hội đang đi về đâu? Thắc mắc này một phần cũng xuất phát từ những biến cố gần đây về việc giáo chủ Biển-đức giang tay đón nhận nhóm tôn thống li khai „Huynh đoàn Piô“. Trong nhiều lãnh vực khác cũng không kém nguy hiểm: Làm sao giải quyết bước đường đổi mới bị ứ đọng nhiều chục năm nay, làm sao giải quyết nạn thiếu linh mục trầm trọng hiện nay, làm sao giải quyết tình trạng thánh lễ ít người dự, nạn thanh thiếu niên quay lưng lại Giáo hội, làm sao trả lời cho văn hoá và xã hội tân tiến hiện tại câu hỏi về Thiên Chúa?…
Để giải quyết những vấn nạn trên, tờ báo gợi lên một số đề nghị: Phải chăng chúng ta cần dài hơi để nín thở qua sông, cần thêm truyền thống, cần thêm liều lĩnh dám thử nghiệm các lối sống đạo mới, cần thêm tinh thần sẵn sàng đổi mới nơi lãnh đạo Giáo hội, cần thêm í thức sống đạo nơi mỗi cá nhân…?
Có lẽ ta phải cần nhiều thứ. Nhưng thứ cần nhất là phải hiểu ra đâu là nội dung và tư tưởng cốt lõi của đức tin của chúng ta, bởi lẽ dù có đổi mới cách gì đi nữa, mà không nhìn ra căn cước của mình, thì đổi mới cuối cùng cũng không giải quyết được cội nguồn vấn đề.
Và nếu quả như vậy, thì đây đúng là cơ hội để chúng ta cùng nhau đọc, suy gẫm và thảo luận „Đức Tin Kitô Giáo. Hôm qua và Hôm nay“.
Phạm Hồng-Lam