Phạm Chí Dũng
Luật về Hội: Đảng quyết siết hay để ngỏ cửa vào TPP và nhận viện trợ?
Quả táo tẩm thuốc độc
Dự thảo Luật về Hội năm 2016 đang đứng trước nguy cơ bị cùng số phận
của Hiến pháp năm 2013. Lẽ nào giới quan chức đảng, quốc hội và chính
phủ lại không nhận ra một sự thật quá trần trụi rằng sau khi Hiến pháp
năm 2013 được thông qua mà vẫn giữ nguyên những nội dung cực kỳ bảo thủ
như “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” và “sở hữu đất đai toàn
dân”,...
Không những giảm tín dụng và viện trợ, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ
tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát tiển Á châu (ADB) - 3 chủ nợ lớn
nhất của Việt Nam - còn bắt đầu siết trả nợ đối với chính thể này từ
năm 2014. Đến năm 2015, Việt Nam đã bị bắt buộc phải trả số nợ nước
ngoài lên đến 20 tỷ USD. Còn trong năm 2016, kế hoạch trả nợ là 12 tỷ
USD, tuy nhiên nhiều người cho rằng số nợ thực sự phải trả còn cao hơn.
Những năm 2017 và 2018, nợ nước ngoài phải trả cũng có thể vọt lên 15-20
tỷ USD mỗi năm…
Ba năm sau Hiến pháp 2013, Luật về Hội là một cơ hội để giới lãnh đạo
Việt Nam tránh làm cho tình hình ngân sách trầm trọng thêm. Không phải
vô cớ mà vào tháng 12/2015, Trưởng văn phòng đại diện của WB tại Việt
Nam là bà Victoria Kwa Kwa bất ngờ trao cho thủ tướng khi đó là Nguyễn
Tấn Dũng một bản khuyến nghị 7 điểm, với yêu cầu chưa từng có được đặt
lên hàng đầu: Chính phủ Việt Nam cần sớm ban hành Luật lập Hội.
Trước, trong và sau chuyến công du của Tổng Bí thư Trọng sang
Washington vào tháng 7/2015, tựu trung những vấn đề mà người Mỹ và Liên
minh châu Âu khuyến nghị với Việt Nam vẫn là cần nhanh chóng và triệt để
cải cách pháp luật về nhân quyền. Còn quá nhiều bộ luật phục vụ cho
quyền dân được hiến định từ Hiến pháp năm 1992 như quyền tự do biểu
tình, quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí nhưng đã bị các “đầy tớ”
bỏ quên từ một phần tư thế kỷ qua.
Tuy thế, não trạng giới lãnh đạo Việt Nam là thất thường và thay đổi
đến khó lường. Một trong những bằng chứng về sự thất thường đó là ngay
sau khi Tổng Bí thư Trọng cam kết với Mỹ sẽ thực hiện định chế Công đoàn
độc lập - một trong những điều kiện tiên quyết để được vào TPP - cho
tới nay đã chẳng có lấy một từ “công đoàn độc lập” nào xuất hiện trên
mặt báo nhà nước, nếu không tính đến việc một số nhà hoạt động công đoàn
độc lập ở Việt Nam như Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức còn bị công an
và côn đồ không mặc sắc phục đánh đập tàn bạo.
Dự luật về Hội cũng bởi thế tựa như một loại quả táo tẩm thuốc độc.
Trước chuyến công du Việt Nam vào tháng 5/2016 của Tổng thống Mỹ Barack
Obama, dự luật này có chiều hướng được “mang ra xem lại”, thậm chí còn
có thông tin chính quyền sẽ thừa nhận xã hội dân sự cùng các hội đoàn
độc lập. Tuy nhiên sau chuyến thăm trên, thời tiết nhân quyền đột ngột
chuyển xấu, chính quyền ra tay bắt bớ và đàn áp giới đấu tranh nhân
quyền trong nước. Thậm chí qua cuộc biểu tình của hàng chục ngàn giáo
dân - ngư dân miền Trung để phản kháng Formosa và chính sách bất công
của chính quyền, lịch sử xung đột Cộng sản - Công giáo còn bị giới dư
luận viên của cơ quan tuyên giáo và công an hâm nóng trở lại và cảnh báo
một cách cực kỳ hằn học.
Luật phản động
Đến trung tuần tháng 10/2016, bầu không khí dân chủ mới manh nha ở
Việt Nam bất chợt bị ô nhiễm nặng hơn: bản Dự luật về Hội được tung ra
với nhiều điều khoản không chỉ quá thiên về hoạt động quản lý nhà nước
mà còn để lộ quá rõ ràng ý đồ “siết” đối với xã hội dân sự.
Khá nhiều nội dung “phong phú” đã được một bàn tay bí mật nào đó nhét vào dự thảo mới nhất, trong đó có những quy định “Không
được nhận tài trợ, liên kết với tổ chức nước ngoài”, “Người nước ngoài ở
Việt Nam không được lập hội”, “Lãnh đạo hội phải được nhà nước phê
chuẩn”.
Điều 4 dự thảo này còn quy định mọi hội đoàn phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu”. Điều
này bị xem như là một sợi dây thòng lọng giết chết mọi hoạt động hợp
pháp của tất cả các hội đoàn xã hội dân sự độc lập không nằm trong hệ
thống cũ và nhà nước, trao cho đảng và nhà nước chìa khóa pháp lý do
chính họ tự tạo ra để loại tất cả các hội tư nhân khỏi vòng pháp luật.
Rất đáng chú ý, có một số nội dung quá thiên về nhiệm vụ “siết” đã
không nằm trong bản Dự thảo luật về Hội được đưa ra vào trung tuần tháng
9/2016, nhưng lại được bổ sung vào lần này.
Trong một cuộc tọa đàm về Dự luật về Hội tại Liên hiệp các tổ chức
khoa học kỹ thuật ở Hà Nội, luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải đã phải gọi
dự luật được sửa đổi đến lần thứ 8 này là “luật phản động”.
Nỗi lo lắng của nhiều người hoạt động xã hội dân sự đã không phải là
thiếu cơ sở: cuối cùng thì chính quyền cũng tìm cách nhúng tay vào để
ngăn cản thô bạo hoạt động tự do lập hội của công dân, cho dù tự do lập
hội là một thứ quyền đã được quy định rất rõ trong hiến pháp Việt Nam.
Thậm chí quy định về việc không cho người nước ngoài được lập hội lại
khá giống với quy định tương tự ở Trung Quốc và gần giống với nước Nga
thời Putin.
Gần đây, một số nghiên cứu và phân tích từ xã hội dân sự đã cho thấy
Nghị định số 45 của Chính phủ Việt Nam về quản lý hội đoàn có nhiều vết
tích được cho là lấy từ nguồn gốc những văn bản pháp quy về cùng đối
tượng quản lý ở Trung Quốc.
Vậy bàn tay bí mật nào ở Việt Nam đã cố tình sao chép các quy định
của Trung cộng vào Nghị định 45 trước đây và nhét vào dự thảo mới nhất
của luật về Hội?
Ai?
Tất nhiên nhiều người nghĩ ngay đến Bộ Công an, cơ quan chưa bao giờ
có một chút thiện chí với những quyền căn bản của người dân. Nhiều thông
tin cho biết bộ này, mặc dù không có vai trò chủ trì soạn thảo Dự luật
về Hội như Bộ Nội vụ, nhưng lại là tổng đạo diễn đối với những kịch bản
phân loại các tổ chức xã hội dân sự độc lập vào loại “đối kháng” hay
“đối lập ôn hòa”, cùng những bổ sung vào luật mang màu sắc đặc trưng của
áp chế độc trị.
Cũng có một số người tỏ ý nghi ngờ đối với ông Đinh Thế Huynh, Thường
trực Ban Bí thư, nhân vật là Chủ tịch hội đồng lý luận trung ương và có
mối quan hệ thâm tình với Hội đồng lý luận trung ương của Trung Quốc.
Vào thời gian công bố bản Dự luật về Hội bị luật sư nhân quyền Trần Vũ
Hải coi là “luật phản động”, ông Đinh Thế Huynh lại bất ngờ có một cuộc
viếng thăm Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình.
Ông Đinh Thế Huynh cũng được cho là rất gần gũi với ông Nguyễn Phú
Trọng và đang được ông Trọng coi là “truyền nhân” cho chức vụ tổng bí
thư đảng.
Trước Đại hội XII, ông Đinh Thế Huynh giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo
trung ương. Sau Đại hội XII, chức vụ này được giao cho ông Võ Văn
Thưởng.
‘Thay đổi hay là chết!’
Tuy nhiên một biểu hiện khá lạ lùng là cùng thời điểm công bố bản dự thảo “phản động” luật về Hội, trên Tạp chí Tuyên giáo (thuộc Ban Tuyên giáo trung ương) đã xuất hiện một bản tin có tựa đề “Dự thảo Luật về hội còn những điểm ‘sai lệch’ cần tháo gỡ”.
Bản tin trên có đoạn kết: “Kết luận Hội thảo, ông Thang Văn Phúc,
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học hành chính nhất trí với các ý
kiến đề xuất của các chuyên gia và khẳng định rằng, nếu Dự thảo Luật về
hội lần này được Quốc hội thông qua mà không tiếp tục được chỉnh sửa,
sẽ không đạt được mục tiêu thể chế hóa quyền lập hội của công dân theo
quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật lần này chưa thể hiện đầy
đủ tính pháp lý tối thượng của quyền con người, quyền công dân đã được
Hiến định; thiếu tính kế thừa của Luật gốc. E rằng, nếu được thông qua,
Luật về hội sẽ gặp sự phản ứng của cộng đồng xã hội. Ban Tổ chức Hội
thảo sẽ tổng hợp các ý kiến và có bản kiến nghị chung tới các cơ quan
chức năng trong thời gian sớm nhất, trước khi dẫn đến việc thông qua
Luật này. Trong đó, thể hiện rõ nội dung đề nghị Quốc hội cân nhắc, dành
thêm thời gian để hoàn thiện Dự thảo Luật và có thể để lùi lại việc
thông qua vào kỳ họp sau trong năm 2017”.
Đọc bản tin trên, người ta có cảm giác như Ban Tuyên giáo trung ương thời hậu Đinh Thế Huynh muốn “mở” cho quyền tự do lập hội.
Vào những ngày này, trong xã hội dân sự Việt Nam dấy lên phong trào
đòi hỏi hoãn thông qua luật về Hội, để khi được ra đời chính thức, luật
này không đến nỗi mang tiếng “phản động” trước nhân dân.
Nếu bản tin trên Tạp chí Tuyên giáo là chính xác, sự việc
này phù hợp với những thông tin xuất hiện gần đây cho biết có một bộ
phận trong đảng đang “muốn thay đổi”, cho dù chưa có tín hiệu nào sẽ cải
cách mạnh mẽ.
“Thay đổi hay là chết!” lại là một khẩu hiệu không chính thức mà một
bộ phận trong giới chuyên gia và cả quan chức nhà nước đã phát ngôn một
cách không chính thống từ sau Đại hội XII đến nay.
Sau bản Hiến pháp 2013 không thể bảo thủ hơn, cơ hội hiếm hoi còn lại
để vào TPP, nhận tín dụng và viện trợ không hoàn lại của Việt Nam chỉ
còn trông đợi vào những văn bản luật về Hội, luật Biểu tình và luật Tín
ngưỡng và Tôn giáo. Tương lai sẽ bế tắc đến thế nào nếu các luật này đều
bị đóng khung trong một não trạng chuyên chế đàn áp và ngoại tệ cũng vì
thế sẽ biến mất?
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng