Trước cái chết dường như người Việt Nam đều thích thành triệu phú

Nguyễn Quang
Trước cái chết dường như 

người Việt Nam đều thích thành triệu phú
Ước mơ của con người như niềm hy vọng cuối cùng của mỗi cá nhân, cộng đồng trong chiến tranh, đó là trước cái chết dường như người Việt Nam đều thích thành triệu phú, chương trình xổ số kiến thiết Quốc gia với giọng ca của ‘quái kiệt’ Trần Văn Trạch đã được mọi người dân miền Nam ưa thích, ai nấy đều thuộc bài ca hát xổ số của ông Trần Văn Trạch. Bên cạnh đó nạn số đề cũng phát triển cực mạnh vào thời này, không chỉ với người dân bình thường, kể cả ở những vùng Việt cộng kiểm soát, song các viên chức thuộc chế độ miền Nam phần lớn đều tham gia chơi số đề và thường là chủ cái hay đỡ đầu cho các tổ chức đánh đề.
Tiếng rao bán vé số của trẻ em và người tàn tật về sau do hậu quả của chiến tranh có hình bóng của các thương phế binh trên các chiếc xe lăn bán báo, vé số trên khắp các nẻo đường nhất là tại các bến xe và quán ăn. Truyền hình vào thời này chỉ có đen trắng và việc phát hình cũng chỉ mới bắt đầu ở miền Nam, trong khi tại miền Bắc vào cùng thời điểm này xem như không có gì. Phương tiện truyền thanh tại miền Nam qua radio xem như phổ biến. Tất cả những thứ này như mang lại một chút lạc quan cho mỗi người trong cuộc chiến. Trước thềm nhà mỗi chiều trong các khu tái định cư hay bất nơi đâu vào buổi hoàng hôn đều vang vọng giọng nói của Xuân Kỳ, Xuân Hồng… phát thanh viên và cũng là những nhà đưa tin cùng bình luận của đài BBC Luân Đôn, khúc nhạc thiều của bản đài hầu như cũng trở nên quen thuộc như chỗ đáng tin cậy với mọi người dân đang quan tâm tới cuộc chiến vì nó gắn liền đến sự sống chết của mỗi người.
Cầu đảo xin ơn các oan hồn cũng từ những khát vọng sâu xa của con người trong chiến tranh, những người tổ chức cầu cơ xuất hiện lên khắp nơi như một phong trào. Họ thuật lại rằng: đã gặp một vị tiên, thánh, những oan hồn đã khuất. Mỗi địa phương từ làng, xã tính ra không biết bao nhiêu là những người đã chết trong chiến tranh. Họ nói tiên tri, cũng như cho biết nhiều tin tức thời sự, về tương lai của dân tộc, cả việc phong chức tước cho các oan hồn ‘lãnh đạo’ đất nước hay chí ít đó cũng là hình thức để thần linh sẽ độ trì cho các nhà lãnh đạo biết thương người hơn. Có khi mọi người đang cầu cơ chẳng may bị một quả pháo rơi vào, hay do sự bất cẩn từ một trái lựu đạn nào đó mang vào cuộc chơi, thế là tất cả cùng lăn ra chết hoặc bị thương, những người còn sống đã quen mọi thứ trong chiến tranh, kẻ sống bình lặng chôn cất người chết.
Sự thật không ai còn nhiều nước mắt để khóc. Những người thân, láng giềng lần lượt sống đó rồi cái chết hiện ra trước mắt, những người cao tuổi may mắn không trúng bom mìn hay nghĩa vụ quân dịch, giờ đây phải ‘kham’ giúp những phụ nữ góa chồng quá sớm có thêm con và mọi chuyện không ai ghen tuông đánh nhau vì hầu như đã có trên chiến trường. Nơi đây bây giờ chuyện sinh sản trong chiến tranh như một sự bù đắp lại những gì đã mất và thật sự mất mát quá lớn. Ngay cả những thanh niên mới lớn chưa đến tuổi động viên cũng được khuyến khích lập gia đình phòng khi ra chiến trường còn có người di truyền nòi giống. Nông thôn Việt Nam là vậy, luôn trong quan niệm: cây độc không trái.
Tâm thần của những người thường xuyên cầu cơ, lên đồng thường trở nên lờ đờ, thẩn thờ, u uất, bệnh tật nghiêm trọng dẫn đến các chứng tâm thần từ sự thoái hoá của thân xác.

Bài hát Xổ Số Quốc Gia, mãi còn đâu đây trong ký ức của người miền Nam:


Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà

Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng

Triệu phú đến nơi
Năm muời đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam

Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số... gần... đến.

***

Chiến tranh thần chết đi lại thật buồn

Thái độ hoang mang, xao xuyến thấy rõ khi có tin về làng với những giấy báo tử, những cái bàn thờ nho nhỏ được dựng lên giữa nhà, dù trong sự trông đợi nhưng mãi mãi sẽ xem như không bao giờ có sự hội ngộ. Họ luôn tìm gặp để thăm dò tin tức của nhau, cũng là thái độ của con người nhằm trấn an chính mình do lúc nào cũng lo âu sợ hãi vì trước cổng làng hay các khu tái định cư dường như bao giờ cũng có ông thần chết đang đi lại một cách thật buồn để chờ phát giấy báo tử. Không riêng cho miền Nam hay Bắc nhưng trên khắp cả hai miền.

Sự khủng hoảng trong chiến tranh cũng đưa đến nhiều gia đình vốn thù hằn nhau từ nhiều thời gian trước đó cũng trở nên trái ngược lại, trước cái chết họ nghĩ cũng không còn cái gì để thù hằn, họ trở nên vồn vã như đã quen thân từ “kiếp trước”. Họ gặp nhau trong im lặng thật cảm thông hay có khi nói thật nhiều và không biết cùng nhau nói gì ngoài chết chóc đau thương. Rồi thường là họ cùng khóc về con Húm, con Mận, thằng Cu, thằng Tèo mới ngày nào nay đã có tin chết trận và con nhà nọ nhà kia góa chồng hoặc đã tự tử theo chồng.

Có nhiều người nói cười huyên thuyên như một thái độ phản thân lại chính mình với những tiềm ẩn, uẩn khúc của sự đau thương, người nghe và cả chính họ cũng không biết nội dung là gì, song rất vui vẻ. Thật sự có khi họ biết là hoang tưởng, nhưng vì là con người nên có lúc muốn nghe một vài điều gì đó trước cái chết vẫn hơn không hay biết gì hết.

Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng

Từ ảo giác hoang tưởng đến ảo giác khứu giác, nạn nhân chiến tranh ngửi thấy nhiều mùi khác nhau như mùi hôi thối của xác thú chết, mùi tanh của cá mắm, mùi khói từ nhà bếp, mùi ghẻ lở... Mùi ngửi được thường là mùi khó chịu. Họ lại liên tưởng đến mùi thuốc súng… mùi khói xe tăng, súng lớn nhỏ khạc đạn… Và dường như cái thứ mùi hôi tanh ấy vẫn còn cứ đeo đuổi họ mãi: cái mùi đặc biệt của con người khi vừa sống vừa chết với người mới chết nhiều quá và tinh thần mỗi người không còn thiết sống khi bao người chung quanh lần lượt chết hết rồi sẽ sống với ai. Quả là có một ‘melting pot’ của chiến tranh trong nếp sống nếp nghĩ của người dân trong giai đoạn chiến tranh kéo dài này.

Mùi hôi của xác người do đi thanh tẩy dọn dẹp chiến trường hay họ là những người phụ trách khu tử biệt ở các bệnh viện quân y, dã chiến… lúc nào như quanh họ cũng có mùi xác người. Họ như đang luôn ngửi thấy mùi da thịt tanh tưởi của người chết đang bốc ra thở vào từ mũi họ.

Họ nhìn ra ngoài kia những người nằm xuống dù Cộng sản hay Quốc gia đều là người Việt.

Mỗi lần có sự di dời chỗ định cư đến nơi gọi là an ninh hơn, vị đắng như tiết ra từ khứu giác của các người dân trong các vùng tranh chấp này.

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam


Mỗi khi có thông báo từ loa phóng thanh, mọi người ngóng lên để nghe thật rõ cho dù chắc chắn rằng những điều đó là sự chẳng lành. Cả người dân miền Bắc và Nam, phần lớn từ các gia đình mà với người Việt như một nền tảng truyền thống từ muôn đời, với những tin chiến thắng từ bên này hay bên kia nghĩa là suy cho cùng đã có bao người Việt Nam giết nhau, nếu có một người ngoại quốc nào đó mà hy sinh thì điều đó cũng đồng nghĩa với sự đánh đổi hàng trăm mạng sống của người anh em dân tộc mình.
Bà Lê thị Soi, như nhiều người cùng cảnh ngộ thuộc miền Trung Việt Nam, bà không còn muốn đi tránh đạn nữa, khi vùng này nay phe bên này, mai mốt phe bên kia, nhất là những lúc giao tranh. Một ngày kia bà chết vì tuổi già, chiếc quan tài bằng tre nứa đơn sơ đặt trước nhà bị máy bay ném bom, cái xác cùng áo quan văng ra tung tóe. Dân làng chạy đến vào lúc họ tin là không có đánh nhau và lấp vội người đàn bà xấu số không chết trong chiến tranh nhưng tan xác khi chuẩn bị được nằm yên vĩnh viễn. Các con cái của bà vẫn bình chân như vại, xem mọi việc đang xảy ra như không có gì xảy ra trên đất nước này: chiến tranh nó là như vậy. Với người dân Việt thấy đánh nhau biết là chiến tranh và trở lại với chính mình có chút yên bình đó là hòa bình.

Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số... gần... đến.

1952

Nguyễn Quang


* Trích đoạn từ tác phẩm Chiến Tranh và Hòa Bình Việt Nam.