NHÀ NƯỚC CSVN ĐÃ PHÁ HOẠI
SỰ KIỆN PHONG THÁNH
CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NHƯ THẾ NÀO?
Quê Hương
Lời dẫn: Cách nay tròn 30 năm, ngày 19 tháng 6 năm 1988, tại Roma
(Italia), Tòa thánh Vatican tổ chức lễ Phong thánh cho 117
vị tử vì đạo tại Việt Nam. Đây là một nghi thức tôn giáo bình thường
của Giáo hội Công giáo.
Đối với những quốc gia, những dân tộc có các vị thánh được tuyên
phong, họ coi đây là niềm vinh dự và tự hào của dân tộc và đất nước họ. Nhưng
tại Việt Nam dưới ách cai trị của những người cộng sản vô thần, thì họ coi đây
là âm mưu thâm độc, là thủ đoạn chính trị của các thế lực họ cho
là thù địch, nhằm phá hoại công cuộc xây dựng CNXN tại Việt Nam. Và
họ huy động mọi nguồn lực, ra sức tập trung chống phá sự kiện này.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện phong thánh, chúng ta hãy nhìn lại những
diễn biến của sự kiện nói trên.
----------------------------------------------------------
Đạo Công giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ XVI khi các nhà truyền giáo
châu Âu tới giảng đạo.
Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, Việt Nam đã bắt đầu giao
thương buôn bán với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và
với Nhật Bản ở châu Á. Thời gian này, đạo Công giáo cũng mở rộng truyền giáo
đến khắp nơi trên thế giới, trong đó có miền Viễn Đông Á châu.
Tại Việt Nam , các vị Thừa sai châu Âu đã theo các tàu buôn nước ngoài
vào truyền đạo kể từ năm 1533, cho đến nay được gần 500 năm. Theo
dòng lịch sử, Giáo hội Việt Nan cũng đã trải qua nhiều biến cố, nhiều bước
thăng trầm, đã qua nhiều cuộc bách hại. Đỉnh cao của các cuộc bách
hại là từ những năm 1745-1862 dưới sự cai trị phần lớn thời gian của các vua
triều Nguyễn.
Những cuộc bách hại đạo Công giáo của nhà Nguyễn tại Việt Nam với những lý
do hiểu lầm và sự vu khống của những kẻ có những thành kiến với những người
Công giáo.
Minh Mạng (1820-1840) kế thừa Gia Long lên ngôi vua, là người chịu ảnh
hưởng bởi nền giáo dục Nho giáo. Lúc còn là Hoàng tử Đản, ông đã từng than
phiền vốn rất dị ứng với Công giáo. Sau khi lên ngôi,
ông tỏ ra không thiện cảm với Công giáo. Minh Mạng đã ban hành rất
nhiều chỉ dụ cấm đạo. Ông ra lệnh cho các quan tỉnh khuyến cáo dân bỏ đạo.
Những ai bước qua cây Thập tự thì miễn tội, nhà thờ, nhà giảng cho hủy diệt, ai
cố tình không tuân thì bị tội nặng.
Thiệu Trị (1841-1847) cấm đạo không gay gắt bằng Minh Mạng. Phần lớn những
người bị bắt vì đạo đều được ông cho “trảm giam hậu” nghĩa là tội chết nhưng
giam đợi xét xử và cuối cùng cũng thả cho tự do.
Tự Đức (1848-1883) do những áp lực quân sự và ngoại giao thời ấy khiến cho
tình hình Công giáo thời này gặp nhiều khó khăn. Vua ra chỉ dụ bắt tất cả những
Đạo trưởng Tây Dương nộp cho quan, ai bắt được sẽ được thưởng 300 lạng bạc. Năm
1858 Tự Đức ra sắc lệnh “Phân tháp giáo dân” nhằm phân tán, cô lập, kiểm soát
và tiêu diệt giáo dân. Chỉ dụ này là một đòn chính trị, tâm lý đánh vào cân não
và tình cảm của giáo dân và tổ chức của Giáo hội Công giáo; làm phá hủy các
làng và các cơ sở Công giáo. Giáo dân không có cơ hội để dâng lễ, sinh hoạt hội
đoàn. Người Ki-tô hữu bị thích vào má hai chữ Tả đạo và tên địa phương nơi giam
giữ rồi giao cho các làng không có người Công giáo quản thúc(1).
Trải qua hơn 100 năm bị bách hại ấy, đã có nhiều vị giám mục,
linh mục người nước ngoài, cùng rất nhiều linh mục, tu sĩ, và từ
130 ngàn đến 300 ngàn giáo dân người Việt bị chết dưới nhiều hình
thức trong các cuộc bách hại nói trên.
Nếu chỉ nói đến những người chết vì đạo tại Việt Nam đã từng
được nêu rõ danh tính trong hai Thỉnh nguyện thư 14.11.1917 và 21.1.1975 của
Giáo hội Công giáo Việt Nam gởi Toà thánh xin cứu xét
việc Phong Thánh, thì cũng đã có tới 1285 vị . Tòa thánh đã chọn 117
vị trong số 1285 vị được đề cử, có nghĩa Toà thánh chấm chưa được
một phần mười.
Trước hết, cần xác định: đây là các thánh tử đạo tại Việt Nam (chứ không
phải là thánh tử đạo Việt Nam), bởi vì các ngài thuộc ba quốc tịch: Việt Nam
(96 vị, trong đó có 37 linh mục), Tây Ban Nha (11 vị dòng Đaminh: 6 giám mục và
5 linh mục), Pháp (10 vị thuộc Hội Thừa sai Paris – MEP – gồm 2 giám mục và 8
linh mục).
Các đợt phong Chân phước trước đây:
Ngày 27/5/1900, do tông thư (litterae apostolicae) Potissimum virorum, Đức
thánh cha Lêô XIII tuyên phong chân phước cho 77 vị tử đạo tại Trung Hoa và
Việt Nam, trong số này có 64 vị tử đạo tại Việt Nam.
Ngày 15/4/1906, do tông thư Martyrum purpurata sanguine, Đức thánh cha Piô
X phong chân phước cho 8 vị, tất cả thuộc dòng Đaminh tại Việt Nam.
Ngày 11/4/1909, do tông thư Martyrum purpurata sanguine, Đức thánh cha Piô
X phong chân phước cho 20 vị Việt Nam chung với nhiều vị Trung Hoa.
Ngày 29/4/1951, do tông thư Albae iam ad messem Đức thánh cha Pio XII phong
chân phước cho 25 vị. Lần này chỉ có các chân phước thuộc giáo phận Bùi Chu
thuộc dòng Đaminh ở Việt Nam(2).
Tiến trình từ viêc phong Chân phước đến Hiển thánh
Trong số 117 chân phước, vài vị đã được tôn kính đặc biệt (chẳng hạn như ở
Việt Nam: Philipphê Minh, Lê Bảo Tịnh, Vinh sơn Liêm) nhưng không mấy ai nghĩ
đến tiến trình phong thánh. Bên Tây-Ban-Nha, thành phố Bilbao mở chiến dịch cổ
động rất mạnh “xin phép lạ” để phong thánh cho Chân phươc Berrio Ochoa. Nhưng
để chứng minh một “phép lạ” theo giáo luật thủ tục không đơn giản.
Do hoàn cảnh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho một số vị:
Giáo hội Đại Hàn đã có 109 vị tử đạo được phong thánh tại thủ đô Seoul ngày
6/5/1984. Nắm bắt được tình hình thuận lợi, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập
hàng giáo phẩm (1960-1985), Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn xin Đức Thánh Cha đẩy mạnh
việc phong thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam,và đã được Tòa
thánh chấp thuận.
Vậy việc Tòa thánh Vatican tổ chức phong thánh cho 117 Chân
phước chỉ là công đoạn cuối cùng của tiến trình phong thánh đã kéo dai gần một
thế kỷ qua.
Thực ra tất cả 117 vị tử đạo không có người nào bị giết vì dính líu với
thực dân Pháp. Họ chỉ bị giết vì là “tả đạo”, trái với đạo Nho mà triều đình
nhà Nguyễn tôn thờ. Các vị đều có lý lịch rõ ràng về quê quán, chức sắc, ngày
bị giết, hình thức bị giết (xử trảm, xử giảo, hay chết trong tù).
Ngày 22–6–1987, Đức Giáo Hoàng Gioan – Phao lô II chủ trì cuộc họp tại Roma
(Italia) quyết định phong Hiển thánh cho 117 Á thánh chết vì đạo tại Việt Nam
từ 1625 đến 1861, và ấn định ngày 19–6–1988 sẽ tổ chức lễ
phong thánh tại Roma.
Và những cuộc chống phá bắt đầu:
Chính trị hóa nghi thức tôn giáo bình thường.
Ngày 12–10–1987 Ban Tôn giáo Chính phủ của nhà nước Việt Nam gửi công văn
cho Ủy ban Nhân dân và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành trong cả nước, nhận định:
“Quyết định của Vatican là một việc làm có dụng ý chính trị xấu và xuyên
tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, kích động tâm lý cuồng tín “tử vì đạo” trong
một bộ phận giáo dân và giáo sĩ Việt Nam; gây chia rẽ giáo, lương; làm tổn hại
đoàn kết dân tộc của nhân dân ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Đảng và
Nhà nước ta đang ra sức thực hiện đúng đắn chính sách tôn giáo, tăng cường đoàn
kết toàn dân vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng thành công chủ nghĩa xã
hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Người cs với bản chất đa nghi hẹp hòi và hay suy diễn
kiểu “suy bụng ta ra bụng người”, nên họ cứ nghĩ là các
thế lực bên ngoài, lúc nào cũng đang âm mưu đánh phá mình. Viêc phong thánh
chắc phải là đòn hiểm, có dụng ý chính trị xấu, là chia rẽ lương giáo và phá
hoại sự đoàn kết dân tộc?
ĐCSVN muốn lãnh đạo cả Vatican:
Ngày 18–9–1987, thừa lệnh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng(nay là Thủ tướng
Chính phủ), Ban Tôn giáo Chính phủ đã triệu tập các giám mục trong
Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam để “vạch rõ tính nghiêm trọng
của sự kiện phong thánh của Tòa thánh Vatican, nghiêm khắc phê phán việc làm
sai trái này của một số giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, của Vatican,
ép buộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đứng đầu là Đức Hồng y Trịnh Văn Căn phải
rút lại Thỉnh nguyện thư đã đề nghị Tòa thánh Vatican phong thánh”.
Sau đó nhiều cuộc hội thảo được tổ chức khắp nơi trên cả nước
nhằm tuyên truyền và xuyên tạc sự kiện phong thánh này. Nhiều cây bút sắc bén
nhất của chế độ như Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện… đã được huy
động để viết bài chống phá và xuyên tạc sự thật lịch sử việc phong
thánh của Giáo hội Công giáo.
Trần-Bạch-Đằng có bài đăng trên báo Công giáo và Dân tộc, số ra
ngày Chủ nhật 28.2.88 với tựa đề: “Người ngoại đạo lại nói về phong
thánh”. Trong đó có đoạn:
“Chọn ngày 19.6 làm Lễ Phong thánh, đúng như anh Nguyễn-Ngọc-Lan đã từng
viết một cách sáng tạo trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta: Chống nước
để cứu Mỹ. Bây giờ không phải cứu Mỹ mà hà hơi cho những mưu toan
về “sự bảo vệ nền văn minh Kitô giáo” – như Hồng y Spellman long
trọng tuyên bố khi sang Sàigòn…”
Một số cây bút khác cũng cho rằng, việc Tòa thánh Vatican chọn ngày 19/6 để
tổ chức lễ phong thánh là có thâm ý, vì ngày đó là ngày Quân lực VNCH, hay nói
như Trần Bạch Đằng là nhằm Chống nước cứu Mỹ?
Nếu nói chọn ngày 19/6 là “thâm ý” thì tại sao Tòa thánh Vatican không chọn
ngày 30/4, là ngày mà nhân dân miền Nam gọi là Ngày Quốc hận? Hay ngày 02/9, là
ngày Quốc khánh của CHXHCNVN, cũng là ngày Hồ Chí Minh từ trần? Nếu chọn những
ngày này thì mới xứng đáng gọi là “thâm ý”.
Nguyễn Khắc Viện là người chống phá điên cuồng và hung hăng nhất, với thủ
đoạn “ chụp mũ”với bài: “Chết vì đạo, chết cho ai”?
Mở đầu ông cho rằng “Tôi vẫn cảnh giác cao độ với những mưu đồ xuất phát từ
phương Tây mong lợi dụng đạo Ki tô để phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã
hội nước ta.”
Ông ấy không biết hoặc cố tình không biết về lịch sử truyền giáo tại Việt
Nam, và những tư liệu về các cuộc bách hai, mà dám cho rằng không thể biết
chính xác tất cả những người được nêu tên đã chết trong hoàn cảnh nào, họa
chăng tư liệu còn lại cho biết rõ trường hợp một vài người. Ông nhấn mạnh hai
sự kiện:
– Một là chuyện giám mục Adran đưa Hoàng tử Cảnh bái yết vua Pháp Louis 16
năm 1787, với kế hoạch tấn công Đà Nẵng.
– Hai là chuyện người Công Giáo đã giúp Pháp tiêu diệt phong trào Văn Thân
(Văn Thân có khẩu hiệu “bình Tây sát tả”, có nghĩa là dẹp tây, diệt đạo).
Nguyễn Khắc Viện nhận định Lễ Phong Thánh sẽ gây ra: “Rồi nhiều
người trên thế giới, đặc biệt trong giáo dân, đâm ra thương hại cho Giáo hội
Việt Nam đang sống trong cảnh bị áp bức, rồi một số người Việt Nam ngoại đạo,
một số cán bộ sẵn có định kiến lại thốt lên: Đã bảo mà, tin sao được bên đạo,
bao giờ họ cũng hướng về phương Tây. Rõ ràng việc phong thánh này là một đòn
hiểm đối với khối đoàn kết dân tộc của chúng ta.”(3)
Bài viết của Nguyễn Khắc Viện đã gây nên làn sóng phẫn nội trong
cộng đồng Công giáo. Rằng ông Nguyễn Khắc Viện không tin đạo là
quyền của ông ấy. Nhưng ông ấy không có quyền xuyên tạc và xúc phạm đến những
người đã dám đổ máu mình ra để làm chứng cho niềm tin của mình.
Ông Nguyễn Khắc Viện hỏi những người tử vì đạo là
“chết cho ai?” Nếu có người hỏi ông ấy rằng, cha ông, cụ Nguyễn Khắc Niêm, do
không chịu nổi cảnh đối xử hà khắc của những người cai tù cs, cụ đã tìm đến cái
chết. Vậy thì cụ chết cho ai?
Ông Nguyễn Khắc Viện tỏ ra ác cảm với Công giáo. Điều này
đi ngược lại quan điểm của người cha là cụ Nguyễn Khắc
Niêm. Khi người con trai của cụ là GS Nguyễn Khắc Dương tìm đến với niềm tin
tôn giáo, thầy Dương quyết định gia nhập Kitô giáo, nhưng chỉ còn ngại cha mẹ
và gia đình chống đối. Nhưng khi về gia đình trình với cha mẹ ý định
tòng giáo, thì Cụ ông bảo: «Thầy không vui gì lắm về việc con theo đạo.
Nhưng thầy cũng không có ác cảm gì với đạo Công giáo… Nhưng nếu con tìm được
hạnh phúc trong niềm tin Chúa thì thầy cũng mừng cho con»(4).
(Nói thêm về Nguyễn Khắc Viện: Cha ông là cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc
Niêm, là đại thần triều Nguyễn, nguyên Thượng thư Bộ Lễ, Phủ doãn Thừa Thiên,
Tổng đốc Thanh Hóa… Năm 1942, cụ từ quan về quê dạy học. Sau năm 1945, cụ tham
gia Việt Minh, từ Hội đồng nhân dân xã, ủy ban phòng vệ huyện Hương Sơn, Ban
văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban cứu
trợ thương binh Liên khu 4. Trong cuộc Cải cách ruộng đất năm 1954, mà đảng gọi
là cuộc cách mạng “long trời lở đất” do ĐCSVN phát động, cụ bị quy địa chủ,
tịch thu hết tài sản, bị bắt giam. Vì không chịu nổi sự hà khắc của nhà tù cs,
cụ đã tự vẫn).
Ngoài Nguyễn Khắc Viện và Trần Bạch Đằng ra, còn có một nhóm bồi bút lạc
loài khoác áo linh mục, là thành viên của cái gọi là Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo
Yêu Nước, bộ phận cuả Mặt Trận Tổ Quốc, cơ sở ngoại vi cuả ĐCSVN. Căn cứ địa
của nhóm này là tờ báo Công giáo và Dân tộc. Đó là Trương Bá Cần, Huỳnh Công
Minh, Vương Đình Bích và Phan Khắc Từ, mà giới Công giáo gọi là Tứ Nhân Bang,
Lũ Bốn tên (ám chỉ nhóm Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu
Văn Nguyên bên Tàu trong cuộc tranh giành quyền lực sau cái chết của Mao Trạch
Đông năm 1976). Nhóm này hăng say điên cuồng chống phá sự kiện trọng
đại này.
Không cần phải đợi đến dịp phong thánh, tháng 6 năm 1988, nhóm Tứ Nhân Bang
này mới tung đòn tấn công vào Giáo hội Công giáo, mà ngay sau ngày 30/4/1975,
nhóm này đã ra tay đánh phá.
Thành tích ban đầu của nhóm này sau 30/4/1975 là đã hô hào trục xuất Đức
Khâm sứ Tòa thánh Henri Lemaitre và phản đối việc Tòa thánh bổ nhiệm Đức cha
Nguyễn Văn Thuận làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn.
Để làm việc này, họ đã “Nhảy qua tường, đột nhập vào
Tòa Khâm sứ, dùng búa đập phá ổ khóa ngoài cổng, trèo lên mái nhà căng biểu ngữ
và hạ lá cờ Tòa thánh. Bọn chúng hò hét: Đả đảo! Đả đảo! Henri Lemaitre về
nước, cút đi, cút đi. Họ xô đẩy đức Khâm sứ, linh mục phụ tá người Balan và
linh mục Bí thư người Việt từ trong khuôn viên Tòa Khâm sứ ra đường Hai Bà
Trưng, rồi đóng sập cửa lại”.
“Các vị ấy tấn công Tòa Khâm sứ Tòa thánh vào ngày 14/5/1975 – tức là chỉ
hai tuần sau khi cộng sản cướp chính quyền”(5).
Trong vụ phong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam năm 1988, Cái gọi là “Ủy ban
Đoàn kết Công giáo”, cầm đầu nhóm này là “Lũ bốn tên” nói trên, thấy rằng đây
là dịp để họ “lập công dâng đảng”, để tỏ rõ lòng trung thành của họ với đảng,
nên họ đã tổ chức khắp nơi những cuộc hội thảo, họ tuyên truyền và
đả kích việc phong thánh của Giáo hội, đòi Tòa thánh Vatican
phải hủy bỏ việc phong thánh, hoặc loại bỏ các vị tử đạo ngoại quốc
ra khỏi danh sách phong thánh trong đợt này. Họ còn vu khống rằng, việc Tòa
thánh Vatican chọn ngày 19/6 để phong thánh là nhằm tôn vinh ngày
Quân lực VNCH?
Trước sự vu cáo, xuyên tạc và chống phá điên cuồng của những người cs và
nhón người “theo đóm ăn tàn”, hòng phá hoại sự kiện phong thánh này, những
người Công giáo chân chính đã lên tiếng và có nhiều bài viết đập lại luận điệu
vu cáo và xuyên tạc của nhóm bồi bút nói trên. Họ cho rằng chuyện phong thánh
là việc riêng của giáo hội, và việc này hoàn toàn chính đáng và đúng đắn, bởi mục
đích là tôn vinh những giáo dân dám từ chối đạp lên thập giá, chịu chết vì đạo
Chúa.
Các Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Ngô Văn Ân, Thanh Lãng… có những
bài viết, tham luận sắc sảo nhằm bác bỏ những lập luận xuyên tạc và không đúng
sự thật lịch sử.
Linh mục Chân Tín, với bài tham luận đọc tại buổi họp của Mặt
Trần Tổ quốc quận 3 chiều ngày 18.1.1988, tuy không được tờ Công
giáo và Dân tộc đăng tải, nhưng đã gây tiếng vang trong đồng bào
Công giáo, và được rất nhiều báo nước ngoài đăng tải. Vì vậy ông bị ông Đại tá
Nguyễn Văn Tòng, Giám đốc Sở Văn hóa TP. Hồ Chí Minh chất vấn vì sao báo nước
ngoài đăng bài tham luận của ông đọc tại Mặt Trận Tổ Quốc? Linh mục Chân Tín
đáp: “Lẽ ra đó là điều tôi hỏi ông chứ không phải ông hỏi tôi! Bởi vì sau khi
đọc xong, tôi nộp bản tham luận cho các ông”. Ông Giám đốc Nguyễn Văn Tòng đe
dọa sẽ bỏ tù nếu phát hiện LM Chân Tín gửi bài ra nước ngoài.
GS Nguyễn Ngọc Lan phê bình bài viết của Nguyễn Khắc Viện có cái tựa đề
“Chết vì đạo, chết cho ai” là “lớn lối”. Ông Nguyễn Ngọc Lan hỏi, giả sử “học
giả nào đó viết mấy chữ ‘chết vì nước chết cho ai” trên tấm bia liệt
sĩ thì liệu có tờ báo nào vô ý thức, thiếu tự trọng đến mức có thể đăng lên một
cái tựa đề như vậy? Còn nội dung bài viết của Nguyễn Khắc Viện thì
“cũn cỡn mà lại lạc đề, bởi vì 117 vị tử đạo không có ai bị giết bởi phong trào
Văn Thân cả!”
GS Nguyễn Ngọc Lan viết: “Còn việc phong 117 vị nên thánh nên
nghĩ thế nào? Không thể nào biết một cách đích xác tất cả những người được nêu
tên lên đã chết trong hoàn cảnh như thế nào, hoạ chăng tư liệu còn lại cho phép
biết rõ trường hợp một vài người. Nhưng bối cảnh lịch sử thì quá rõ: họ sống và
chết trong khoảng 100 năm, đặc biệt vào giữa thế kỷ 19. Tôi xin lấy hai cái mốc
lịch sử: 1787 và 1887.”
-2 đã chết dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767)
-2 đã chết dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782)
-2 đã chết vì sắc lệnh của Cảnh Thịnh (1787-1802)
-58 đã chết dưới thời Minh Mạng (1820-1840)
-3 đã chết dưới thời Thiệu Trị (1840-1847)
-50 đã chết dưới thời Tự Đức (1847-1883).
Không liên can gì đến quý vị Văn Thân
Những Tử đạo đã được phong Chân Phúc và sắp được phong Thánh đều là nạn
nhân của những cuộc bắt đạo từ thời Tự Đức trở về trước và chính xác hơn, còn
phải nói những vị ‘cuối cùng’ là những vị bị hành hình do bàn tay nghiệt ngã
của Tổng đốc Nam-Định Nguyễn-Minh-Tân, tức Thượng-Hưng, những năm 1858-1862.
Như thế, trong số các nạn nhân của phong trào Văn Thân – Văn Thân nổi loạn ở
Nghệ An năm Tự Đức thứ 27 (1874) hay Văn Thân Cần Vương từ 1885 ‘Bình Tây’
không tới đâu mà ‘Sát Tả’ thật dữ dội trong hai năm 1885-1886 – tuy nhiều hơn
các nạn nhân hai thế kỷ trước cộng lại, chưa một ai được phong Chân Phúc và
không một ai có tên trong số 117 Thánh Tử đạo sắp được tấn phong”. (6).
Sau đó nhà cầm quyên trả thù hèn hạ hai ông này bằng cách đày LM Chân Tín
ra huyện đảo heo hắt và hoang vu Cần Giờ. GS Nguyễn Ngọc Lan bị quản
chế tại gia.
Nhưng những cuộc chống phá và hù họa của ĐCSVN và nhóm theo đóm
ăn tàn ấy làm sao lại có thể ngăn cản được lễ phong thánh của Tòa thánh Vatican
được?
Lễ phong thánh cho các vị tử vì đạo tại Việt Nam vẫn diễn ra tại Roma theo
đúng lịch trình. Mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam tìm mọi cách ngăn cản, không cho
bất cứ vị giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân nào từ Việt Nam đến Roma dự
lễ, nhưng các vị linh mục, tu sĩ và đông đảo đồng bào Việt Nam ở nước ngoài,
cùng với Hàng Giáo phẩm và giáo dân của các nước Tây Ban Nha, Pháp,
philippines…đến tham dự rất đông đảo.
Xin trích dẫn một phần bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phao lô II tại lễ
phóng thánh:
Anh chị em thân mến,
“Chúng ta rao giảng Chúa Giêsu tử nạn Thập Giá” (1 Cr 1,23)
Mượn lời trên đây của Thánh Phaolô, Giáo hội Rôma hôm nay gởi lời chào Giáo
hội Việt Nam, mặc dầu trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái
của cha. Đồng thời cha xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng: cả
Giáo hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quý quốc được trăm phần an lành.
Mối thịnh tình ưu ái dành cho người anh em thân mến, tức là Đức hồng y Giuse
Maria Trịnh Văn Căn, Tổng Giám mục Hà Nội, và tất cả các vị giám mục trong giáo
đoàn Việt Nam, mà giờ này cha ao ước các ngài hiện diện nơi đây. Cùng với hàng
giáo phẩm, cha chào tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ, các thành phần giáo dân
tham gia công cuộc truyền đạo, và toàn thể giáo đoàn Việt Nam: trong giờ phút
này cha linh cảm mình hiệp thông với họ một cách sâu xa đặc biệt.
Tôi chào tất cả các anh em giám mục, cũng như giáo dân của Tây Ban Nha,
Pháp quốc và Philippines, những xứ sở mà trong suốt ba thế kỷ đã góp phần vào
việc truyền giáo tại Việt Nam. Tất cả tuôn về Rôma hôm nay để tưởng niệm những
người anh em trước kia là thừa sai xuất thân từ ba quốc gia này.
Một tư tưởng ưu ái xin gửi tới các linh mục Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng Đức Mẹ
Mân Côi đã thành lập từ bốn thế kỷ, và Hội Thừa Sai Paris đã cống hiến một số
đông đảo giám mục và linh mục, mà hôm nay chúng ta sùng kính như những vị Tử
Đạo vì Đức Tin, vì đã rao giảng lời Chúa.
Một cách đặc biệt cha gửi lời chào tất cả anh chị em Việt Nam, hiện là
thành phần Giáo đoàn thế giới, hôm nay từ bốn phương trời: châu Mỹ, châu Á,
châu Úc và châu Âu tuôn về địa điểm này. Cha biết rằng các con đang ôm nặng ước
nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm nhu
cầu đứng chung quanh các vị Thánh - để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, thương
mến hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa.
Hướng về quê hương này các con hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời
gian phiêu bạt các con cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung
sống niềm hy vọng.
Lên tiếng với các con để hô vang Chúa Kitô tử nạn Thập Giá. Tất cả chúng ta
hôm nay gởi lời cám ơn các con vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử
Đạo của Giáo hội Việt Nam các con đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt
Nam, hay là những vị thừa sai xuất thân từ những nước đã in sâu mầm mống Đức
Tin Chúa Kitô…”.
…………………………………
Nhân kỷ nệm 30 Phong Thánh Tử đạo tại Việt Nam, từ năm 2017,
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có Thư Mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa
nhân biến cố lịch sử này. Bức thư viết:
“Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trải dài trong suốt bề dày lịch sử truyền bá
đức tin. Năm 2018, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm Toà Thánh nâng 117 vị Tử đạo lên
hàng hiển thánh. Đây là một dấu son trong lịch sử và là niềm tự hào của Giáo
Hội Việt Nam. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh
dũng, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để
mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25). Thật vậy, trong lễ phong thánh tại
Rôma, ngày 19-6-1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ: “Hỡi các
Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh
chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của
cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin này
là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với quê hương Việt Nam, vừa
tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô”.
Có thể nói: Sự đụng độ giữa nhà nước cộng sản Việt Nam và Giáo
hội Công Giáo trong vụ Phong Thánh này là sự đụng độ cơ bản trong ý
thức hệ giữa vô thần và hữu thần, trong chiều sâu của lòng người.
Và sự thất bại của chính quyền trong vụ này có một ý nghĩa vượt hẳn tính
thời cuộc.
Trước mặt chúng ta hôm nay các vị Tử Đạo Việt Nam đóng vai trò những người
đi gặt lúa cho Chúa, như đã ghi trong Thánh Vịnh(Tv 126 [125], 5-6):
“Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan
Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt.
Nhưng khi trở về, lòng hân hoan phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa”
Chú thích:
(1): (Đỗ Bang, Chính Sách Của Triều Nguyễn Đối Với Thiên Chúa Giáo, tr. 6).
(3):(https://uyennguyen.net/2016/11/22/tong-van-cong-vu-phong-thanh-117-chan-phuc-tu-dao-viet-nam/amp/).
(5): (Lm Chân Tín -Ủy ban Đoàn kế Công giáo- Tập đoàn của âm mưu và tội
ác).
(6): (Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan)