Nhân chuyện Hà Nội dự tính cho thuê đất 99 năm

Nhân chuyện Hà Nội dự tính cho thuê đất 99 năm:

Chủ Trương Đồng Hóa Người Việt
Cố Hữu của Người Tàu:
Nhắc Lại Chính Sách Tịch Thu Sách Vở
Của Ta của Nhà Minh
    
Phạm Cao Dương
  
                        Trước khi vào đề:  Như tác giả đã viết trong bài trước, nhằm báo động hiểm họa mất   nước một lần nữa, người Tàu ở thời nào cũng vậy dù là Tàu quân chủ, phong kiến, Tàu Quốc hay Tàu        Cộng cũng vẫn là Tàu. 
Với họ nước Tàu vẫn luôn luôn là trên hết, là Thượng Quốc, là Thiên Triều,             và luôn luôn tìm cách xâm lấn, đồng hóa hay ít ra là khống chế các nước xung quanh, đặc biệt là Việt            Nam, coi tất cả là man ri, mọi rợ.  Điều này đã xảy ra lần thứ nhất ngay sau cuộc khởi nghĩa của Hai                 Bà Trưng với chính sách trực trị và với Cột Đồng của Mã Viện, giữa Thế Kỷ Thứ Nhất sau T.C. và lần      thứ hai dưới thời Nhà Minh với Minh Thành Tổ, Trương Phụ, Chu Năng, đầu Thế Kỷ 15, và bây giờ   trong Thời Đại Của Chúng Ta.  Bài tôi gửi tới quý độc giả kỳ này là để nói về chính sách đồng hóa của        Nhà Minh, một chính sách vô cùng thâm độc đã được Nhà Minh tích cực thực thi sáu thế kỷ trước.  Điều       ta cần ghi nhớ là không bao giờ người Tàu có thể chấp nhận một nước Việt Nam độc lập và hùng mạnh ở phía Nam nước họ.  Sự tồn tại của nước Đại Việt thời Lý-Trần với những chiến thắng lẫy lừng của Lý      Thường Kiệt, Tôn Đản thời Nhà Lý, Trần Hưng Đạo và các vua tôi Nhà Trần tiếp theo, vẫn luôn luôn và     mãi mãi là nỗi ám ảnh sâu xa của họ.  Lần này chúng ta có thoát được hay không là nhờ ở khả năng và           quyết tâm của mọi người ở trong nước cũng như ở Hải Ngoại.  Có điều ngày nay khác và khó khăn hơn       ngày xưa rất nhiều.  Thua keo này họ sẽ rút kinh nghiệm để bày keo khác, tinh vi hơn nhiều.  Những bài học chúng ta đã học được trong quá khứ có còn áp dụng được hay không và liệu lần này người Việt có           thoát được thảm họa mới hay không, không phải là chuyện dễ nói.


            Trong Tạp Chí Khởi Hành số 90, tháng 4 năm 2004, ấn hành ở Quận Cam, California, dưới nhan đề “Từ Lĩnh Nam Chích Quái Đến Các Tài Liệu Bị Quân Minh Tịch Thu Đem Về Tàu”, tôi đã viết một bài về việc người Tàu tịch thu sách của ta. Vì bài viết quá ngắn và vì tôi không chỉ rõ các nguồn tài liệu nên sau đó nhiều người thắc mắc.  Trong số những vị này, có người là độc giả thuần túy, có người là sinh viên cũ của tôi từ các trường Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Saigon hồi trước năm 1975 và cũng có người là học giả.  Bác Sĩ Trần Văn Tích là một trong các học giả này.  Trần Bác Sĩ đã bỏ công viết hẳn một bài với nhan đề “Chuyện Người Tàu Lấy Sách Của Ta” đăng trên Khởi Hành số 92, tháng 6 năm 2004 sau đó và gián tiếp đặt câu hỏi với tôi.  Vốn được biết Bác Sĩ từ lâu nhờ đọc các công trình khảo cứu của ông, đồng thời lại có dịp gặp ông dù chỉ thoáng qua khi ông tới thăm Quận Cam nên tôi thấy cần phải viết bài này để được làm quen với ông, đồng thời giải đáp đôi chút những thắc mắc của các độc giả mà tôi đã nhận được.  Gốc gác của bài viết này là như vậy.  Tiếp theo, nhà thơ Vô Ngã tức Giáo Sư Vật Lý Học Phạm Khắc Hàm của Đại Học Khoa Học Saigon thời trước năm 1975, trong bài viết nhan đề  “Đạo Văn, Kiếp Văn và Thơ Việt, Thơ Đường”, cũng đăng trên Khởi Hành, số 94, tháng 8 cùng năm cũng lên tiếng về vấn đề này.  Nhưng năm 2004 khác với năm 2012.  Năm 2004 hiểm họa xâm lăng nước ta của người Tàu chưa lộ rõ và chưa thật sự nguy hiểm như trong năm 2011 và bây giờ là năm 2018.  Cập nhật hóa và phổ biến những gì tôi thấy được cho bạn bè nói riêng và cho tuổi trẻ Việt Nam nói chung là một điều tôi thấy nên làm mặc dầu tôi vẫn muốn kiếm thêm tài liệu để viết nhiều hơn nữa.

Phải nói là chuyện tôi viết bài đăng trên Khởi Hành số 90 kể trên cũng là do tôi đọc Khởi Hành số 89, y hệt Bác Sĩ Trần Văn Tích viết bài đăng trên Khởi Hành số 92 vì ông đọc Khởi Hành số 90.  Có điều sự thắc mắc của tôi về chuyện người Tàu tịch thu hết các sách vở của ta đem đốt hết hay đem về Tàu là có từ lâu. Thắc mắc nhưng đồng thời cũng là một nỗi ấm ức, bực bội, đau đớn, xót xa, tủi nhục, đặc biệt là mỗi khi tôi có việc phải tìm hiểu về hai thời Lý Trần, hai triều đại đã đóng góp rất nhiều cho vinh quang, thịnh vượng của xứ sở, nói chung và đặc sắc riêng cho văn hóa riêng của dân tộc mình, nói chung.  Tôi biết nỗi ấm ức, bực bội, đau đớn, xót xa, tủi nhục của tôi cũng là của chung của cả dân tộc tôi, dù cho là tôi đang làm công chuyện tìm hiểu và nghiên cứu.  Tôi cũng biết tìm hiểu và nghiên cứu là phải có cái đầu lạnh chừng nào hay chừng ấy, càng lạnh càng tốt, nhất là nghiên cứu về quá khứ, nhưng dù muốn hay không tôi vẫn là người Việt Nam.  Có lẽ tôi không theo kịp Trần Quân ở điểm này.  Có điều những gì tôi viết ra chỉ là một gợi ý và gợi ý về những sách vở và tài liệu liên hệ tới nước Đại Việt đương thời do chính người Đại Việt viết, trong đó có học thuật, tư tưởng, phong tục, tập quán, sử ký, địa lý, con người và tất nhiên gồm cả văn chương, thi ca..., những gì có thể giúp cho người thời đó và người sau này tìm hiểu về nước Đại Việt và dân tộc Đại Việt.  Những sách vở, tài liệu này tôi tin là nhiều lắm, nhiều hơn là những gì ta hiện có, cộng thêm với những gì được liệt kê trong danh sách những sách đã mất mà các cụ ta sau này còn nhớ được và viết lại trong sử sách do các cụ viết.[1] Tôi dám tin là như vậy vì đây là cả một kho tàng tổ tiên ta đã tạo dựng được trong suốt bốn trăm năm thịnh trị nhất của lịch sử dân tộc mình.  Tôi cũng dám tin như vậy căn cứ vào bài tựa của Việt Âm Thi Tập, sưu tập thơ của thời Lý-Trần và thời Lê Sơ do Phan Phu Tiên khởi đầu và Chu Xa thực hiện, Lý Tử Tấn đề tựa. Cả ba đều là người đương thời, từ đó những sự hiểu biết của các ông còn rất nóng, chưa đến nỗi bị thời gian làm cho hao mòn.  Phan Phu Tiên đậu Thái Học Sinh năm 1396 đời Vua Trần Thuận Tông, Lý Tử Tấn đậu đồng khoa Thái Học Sinh với Nguyễn Trãi, khoa Canh Thìn (1400) triều Nhà Hồ, còn Chu Xa thì trẻ hơn một chút vì sách được soạn xong năm 1459 dưới triều Vua Lê Nhân Tông, tiếp nối công trình của Phan Phu Tiên hoàn thành năm 1433, niên hiệu Thuận Thiên triều Vua Lê Thái Tổ, nên những gì các ông biết về sách vở, thi ca của hai Triều Lý và Trần phong phú đến mực nào cũng như hành động tịch thu sách của không thể nào tàn bạo hơn của Nhà Minh là như thế nào.  Lý Tử Tấn trong bài tựa của Việt Âm Thi Tập cho biết là sau cơn binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn.  Nguyên văn như sau:

                    “… Như các vua Triều Trần là Thánh Tông, Nhân Tông, Minh Tông, Nghệ Tông, cùng là Chu Tiều Ẩn tiên sinh (Chu An), các ông họ Phạm ở Hiệp Thạch (Phạm Sư    Mạnh), họ Lê ở Lương Giang (Lê Quát), Nguyễn Giới Hiên (Nguyễn Trung Ngạn) và anh        em ông Phạm Kính Khê (Phạm Tông Mại, Phạm Ngộ) đều có tập thơ riêng lưu truyền ở       đời.  Về sau, vì binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn.” [2]

          Điều cần phải để ý là đây mới chỉ là thơ mà thôi.
Sự thịnh trị này đã được chính Minh Thái Tổ ghi nhận khi ông ban cho sứ thần của ta bốn chữ Văn Hiến Chi Bang vào năm 1368 [3] và Trần Nguyên Đán (1325 - 1390), cha vợ của Nguyễn Phi Khanh hay ông ngoại của Nguyễn Trãi đã miêu tả qua câu thơ bất hủ “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì” (trăm họ vui ca mừng thời thịnh trị) [4]. Cái gì đã làm cho Đại Việt là một nước văn hiến? cái gì đã làm cho trăm họ Đại Việt “âu ca lạc thịnh thì?  Cái gì đã làm cho một nước nhỏ bằng bàn tay [5] thắng được quân nhà Tống và luôn cả quân Mông Cổ, điều thượng quốc của người Việt trong nhiều thế kỷ và luôn cả sau này, tôi muốn nói là chính nước khổng lồ Trung Quốc, không làm được?  Đó phải là những câu hỏi mọi người nghiên cứu về thời này phải tìm hiểu để trả lời và có thể cả người nhà Minh, trong đó có Minh Thái Tổ cũng muốn tìm hiểu.  Chính vì vậy, những sách vở do người Đại Việt đương thời biên soạn hay sáng tác chắc chắn là những nguồn hiểu biết vô cùng quan trọng về đất nước và con người Đại Việt mà những ai, kể cả người Tàu đương thời, có nhu cầu tìm hiểu hay chỉ vì vì tò mò muốn tìm hiểu, cũng muốn có được trong tay để đọc và lưu giữ.  Đó là lý do tại sao hai sắc chỉ ban đầu của Minh Thành Tổ đã không được triệt để thi hành.  Nếu quả như vậy thì phần nào những sách vở, tài liệu này vẫn chưa bị mất và vẫn còn nằm đâu đó bên Tàu, dưới hình thức này hay hình thức khác, nếu kiên trì tìm kiếm và có phương pháp tìm kiếm, người ta vẫn có thể thấy lại được.  Tất nhiên là với tất cả sự dè dặt tối thiểu mà một nhà sưu tầm, khảo cứu cần phải có.

          Ý được gợi ra nhưng câu trả lời đầu tiên được ghi nhận gần như là không vì nếu cứ nhất định căn cứ vào tài liệu của thời đó để lại thì làm gì có chuyện người Tàu lấy sách của ta đem về Tàu.  Minh Thành Tổ trong hai đạo sắc dụ của ông có hạ lệnh cho tướng lãnh, quân binh của ông đem về Tàu đâu.  Câu trả lời của tôi là căn cứ vào các sách sử của ta.  Tôi có thể chưa có dịp đọc hết các sách vở, tài liệu có thể chứa những chi tiết về chuyện này, nhưng trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, chính sử của nhà Nguyễn và trước đó, Lê Quý Đôn (1726 - 1784) trong Lê Triều Thông Sử đã viết rất rõ điều này.

          Trước hết, trong Lê Triều Thông Sử, phần “Nghệ Văn Chí”, Lê Quý Đôn có viết: Đến đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng.” [6] Nên để ý ba chữ “theo đường sông” tác giả dùng để nói rõ chi tiết về cách chở về Kim Lăng ở đây chứ không nói chung chung.  Còn trong KĐVSTGCM, phần Chính Biên, quyển XXXIII, sau phần nói về việc vua nhà Minh cho in các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh và Tính Lý Đại Toàn và sai Giám Sinh Đường Nghĩa sang nước ta ban phát cho những người Nho học, có chép thêmCòn các sự tích và sử sách của nước ta từ đời Trần trở về trước đều tịch thu đưa về Kim Lăng.” [7]

Gần ta hơn, Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trong tuyển tập nhan đề Văn Hóa Việt Nam, Tìm Tòi và Suy Gẫm cũng viết:
          “Cướp được nước ta, trong 20 năm trời bên nền đô hộ hà khắc về chính trị, vơ vét             tham tàn về kinh tế, giặc Minh đã thi hành một chính sách hủy diệt độc ác về văn hóa, giặc        Minh đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hóa dân tộc xây dựng suốt hơn 400    năm, chủ yếu dưới thời Lý - Trần.  Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm          lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào       đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim   của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh còn sai     tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về    lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết.  Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách       Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia          chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hóa, tinh    thần của dân tộc ta không phải là ít.  Nếu không, cái gia tài văn hóa, văn học tư tưởng thời Lý Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!” [8]

          Tất nhiên các nhà nghiên cứu thận trọng có thể nói rằng những ghi chú kể trên đều là bởi những người của nhiều thế kỷ sau này viết nên vẫn chưa đủ thuyết phục, và ta vẫn cần phải có thêm bằng chứng.  Thực sự thì ta không biết Lê Quý Đôn rồi sau này các nhà san định bộ KĐVSTGCM đã căn cứ vào đâu để ghi chép như trên.  Có thể các vị này đã căn cứ vào Lê Quý Đôn còn Lê Quý Đôn thì căn cứ vào những gì ông đọc được và nghe được từ những người của thời trước ông.  Chúng ta cần ghi nhớ là Lê Quý Đôn là người chịu khó tìm tòi, học hỏi.  Ông đã đọc rất nhiều và rất rộng và ghi chép rất cẩn thận.  Còn Trần Quốc Vượng thì đã không nêu rõ các nguồn sử liệu ông đã dùng.  Nhưng sử gia này cũng là người làm việc rất tỉ mỉ và có phương pháp nên chắc chắn đã không đưa ra những ghi nhận về sự kiện kể trên một cách hồ đồ vô căn cứ.  Dù sao, một khi nghi vấn đã được đưa ra, ta vẫn cần phải truy tầm vừa bằng tài liệu nếu có và vừa bằng suy luận cặn kẽ chừng nào hay chừng nấy.

          Trước hết ta hãy đọc lại những phần chính liên hệ tới vấn đề sách vở của người Việt trong ba sắc chỉ của Minh Thành Tổ được ghi trong Việt Kiệu Thư, được dịch và in lại trong Thơ Văn Lý Trần, một công trình được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu có uy tín và đáng tin cậy của Việt Nam trong thế kỷ XX trước, để thấy lại phần nào chi tiết liên hệ, nhất là sắc chỉ thứ hai, ban hành vào ngày 16 tháng 6 năm 1407, theo đó thì vị hoàng đế này đã nhiều lần bảo các tướng sĩ của ông ta là phải hủy diệt lập tức những sách vở của người Việt này, nhưng các tướng lãnh của ông đã không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Còn quân lính thì phần đông không biết chữ...thì khi “đài tải” sẽ bị mất mát nhiều [9].
Tại sao lại “đài tải”? Tại sao lại lo mất mát nhiều? Tại sao lại để xem rồi mới đốt?

Đến sắc chỉ thứ ba ban hành ngày 24 tháng 6 năm 1407, Minh Thành Tổ lại ra lệnh cho các tướng lãnh của ông phải cấp tốc thu hồi những văn kiện ông ban hành từ trước: “Nay An-nam đã bình định xong [...] trừ các loại chế dụ ra, còn thì tất cả các đạo sắc viết tay và các ký sự thư thiếp, đã từng phát đi từ trước, cùng với sổ ghi chép mà Thành Quốc Công đã lĩnh hoặc các thứ [sổ sách] trù nghị mọi chuyện, đều phải đem toàn số kiểm kê, đối chiếu, niêm phong cẩn mật, gửi trả lại, không cho lưu lại một chữ. Nếu có một chữ bỏ lại rơi vào tay bọn kia thì rất bất tiện.” [10] thì người ta thấy sự kiện đã quá rõ rệt là lệnh của vua Nhà Minh đã không được triệt để thi hành và các sách vở quân Minh thu được đã không bị đốt bỏ hết. Một số khác trên đường đài tải đã bị mất mát rất nhiều.  Ngoài ra, ngoài ba dụ chỉ hiện được người ta biết tới, chắc chắn còn nhiều văn kiện tối mật khác hoặc đã được niêm phong gửi lại triều đình Kim Lăng, hoặc đã bị hủy bỏ trong thời điểm này. Chúng chứa đựng những gì hiện tại chúng ta chưa biết được và có thể không bao giờ biết được.  Do đó nếu chúng ta chỉ căn cứ vào sắc chỉ thứ nhất (được nói tới trong Thơ Văn Lý-Trần), ban hành ngày 21 tháng 8 năm 1406, cho Chu Năng kể trên, mà bảo rằng không hề có chuyện người Minh đem sách vở của ta về Tàu, tôi e rằng quá máy móc và vội vã.  Chúng ta chỉ có thể biết rõ hơn chừng nào kiếm ra được những tài liệu mật này.  Đây gần như là một việc mò kim đáy biển.  Tuy nhiên còn có những lý do khác khiến ta có thể viện dẫn được.  Thứ nhất là tính tò mò của các tướng sĩ nhà Minh, một tính tự nhiên và phổ quát của con người mà họ không tránh được, đặc biệt ở những người có học khi họ kiếm được những sách nói về những điều họ đã học và cần biết cho nhu cầu xâm lăng và bình định, ở đây tôi muốn nói tới các sách về Tam Giáo đặc biệt là sách của Hồ Quý Ly [11] và của Chu Văn An [12], chưa kể tới hoàn cảnh họ phải sống xa nhà.  Các tướng sĩ trong ban tham mưu của Chu Năng và sau này của Trương Phụ và các nhà hành chánh sau chắc chắn phải thu thập bất cứ tài liệu gì họ thu thập được, phân tích nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ để hiểu rõ kẻ địch của họ và của dân bản địa mà họ phải dẹp yên và cai trị.  Nghiên cứu rồi sau đó đem theo mình và giữ lại làm của riêng là một việc làm tự nhiên của họ; còn triều đình nhà Minh thì ở xa, làm sao có thể hiểu rõ những nhu cầu này và theo dõi chặt chẽ mọi chuyện được.

          Câu hỏi kế tiếp người ta có thể nêu lên là cho đến những ngày hiện tại đã có tác phẩm nào của người Việt sau nhiều thế kỷ luân lạc đã được người ta khám phá ra dưới hình thức này hay hình thức khác chưa?  Câu trả lời là có.  Đó là Việt Sử LượcThiền Uyển Tập Anh.  Hai cuốn sách này xuất hiện từ thời nhà Trần và đã được người sau chép hay viết lại.  Việt Sử Lược đã bị thất truyền rất lâu, mãi đến thời Càn Long nhà Thanh (1736 - 1795) mới được đem in, nói là theo bản của Tuần Phủ Sơn Đông thu nhặt được đem dâng lên vua với người hiệu đính là Tiền Hi Tộ, người Giang Tô, người đã san định bộ Thủ Sơn Các Tùng Thư.  Việt Sử Lược được lưu trữ ở Thủ Sơn Các Tùng Thư và ở Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư của nhà Thanh và đã được nhiều nhà xuất bản Trung Quốc ấn hành.  Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã phiên dịch sang Việt ngữ, giới thiệu và chú giải.[13] Trong bản dịch này Trần Quốc Vượng có nói tới Thiền Uyển Tập Anh khi ông bàn về việc các người họ Lý bị đổi thành họ Trần, nhưng đến Lê Mạnh Thát thì sau khi đối chiếu nội dung của Thiền Uyển Tập Anh với An Nam Chí Nguyên, nhà học giả Phật giáo uyên thâm này đã khẳng định là: “Khi quân Minh đánh chiếm được nước ta vào năm 1407, Thiền Uyển Tập Anh đã bị chúng thu gom và sau này được dùng một phần để viết An nam chí nguyên.” [14]

          Trên đây là những gì tôi ghi tạm để cấp thời chia sẻ với mọi người, đặc biệt là giới trẻ khi hiểm họa mất nước của dân tộc ta trước những mưu toan vừa công khai vừa tiệm tiến và vô cùng thâm độc của người Tàu đang diễn ra ở cả ngoài biển đảo lẫn trên đất liền, ở dọc biên giới với những khu rừng đầu nguồn, trên cao nguyên cũng như dưới đồng bằng dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Cà Mau, đối với đất đai cũng như đối với con nguời Việt Nam.  Tất cả đã trở thành một một mối ưu tư và một đề tài vô cùng nóng hổi cho những ai còn lưu tâm tới tiền đồ của tổ quốc và tương lai của con cháu mình cũng như trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đồng bào và hàng triệu chiến sĩ ở cả hai bên đã hy sinh trong cuộc chiến kéo dài ba mươi năm vừa qua nhân danh bảo vệ đất nước.  Bài viết, do đó, chắc chắn còn nhiều thiếu sót và sơ hở. Tôi sẽ xin bổ túc khi có dịp. Riêng về giá trị văn chương của thi phú của ta thì tôi không dám lạm bàn vì sự hiểu biết và khả năng của tôi về khía cạnh này không đủ.  Nếu tôi có đọc các tác phẩm thuộc loại này thì chỉ là để tìm hiểu về các thời kỳ hay các nhân vật liên hệ tới lịch sử mà thôi.  Còn nếu bạn đọc muốn tìm hiểu thêm, đặc biệt là về giá trị của thơ Việt và của thơ Đường, thơ nào hay hơn, xin tìm đọc hai bài viết của Bác Sĩ Trần Văn Tích và của Giáo Sư Vô Ngã Phạm Khắc Hàm đã nêu trên.  Ở đây tôi chi xin trích dẫn một vài đoạn nói lên quan điểm và luận cứ cần được chú ý của hai vị học giả này: Trước hết là Bác Sĩ Trần Văn Tích.  Bác Sĩ Tích cho rằng không có chuyện người Tàu chở sách của ta về Kim Lăng.  Ở trang 32, ông viết:

                   ... người Việt ngày xưa và người Việt ngày nay- Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, Trần             Trọng Kim chẳng hạn - đều cho là giặc Minh cướp bóc sách vở của ta và mang hết cả về         Kim Lăng.
                        Tôi xem lại chính sử thì không thấy nói Trương Phụ chở sách về Tàu.Toàn Thư     (bản dịch, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, Tập II, trang 252) ghi: “Người           Minh tính sổ đã lấy được: 48 phủ châu, 168 huyện, 3.120.500 hộ, 112 con voi, 20 con           ngựa, 35.750 con trâu, 8.865 cái thuyền;” và ở trang 248: “Quân Minh vào Đông Đô,    cướp bắt con gái và của cải (…) thu lấy tiền đồng ở các xứ cho trạm về Kim lăng.  Tôi             không có sẵn Cương Mục dưới tay để tham khảo thêm.
                        Đối chiếu hai dữ kiện lịch sử, tôi tự hỏi những tên tướng Tàu cầm quân đánh Đại   Việt như Chu Năng, Tương Phụ có dám  kháng lệnh Minh Thành Tổ, một ông vua giết cả            cháu ruột, hay không? Công cuộc “bình định Giao Chỉ” của nhà Minh tiến hành trong hai       năm 1406 – 1407, nghĩa là hoàn toàn dưới triều Minh Thành Tổ.  Như vậy không thể có       chuyện thay đổi chính sách.  Cái án tru du di thập tộc đã giáng xuống đầu đại thần Phương   Hiếu Nhụ, cái tội tru di  tam tộc chẳng lẽ  lại không thể áp dụng cho lũ tướng Chu Năng,   Trương Phụ?
           
                        Mặt khác về giá trị thơ văn mà ta có thể hiểu là lý do của chuyện đạo văn, ông viết:

                        Tôi thấy thơ của ta không thể nào địch được với thơ Đường, phú của ta không thể nào so được với phú đời Hán, còn từ của ta nếu đem sánh với từ đời Tống thì... chao ôi!      Sự thực là thế.  Tôi chẳng thể nào nói và viết ngược lại sự thực.
                        Vậy thì việc gì Tàu phải ăn cắp của ta?  Bảo rằng chúng mang về , giấu kín ở đâu đó hoặc khai thác – tức ăn cắp – xong thì tiêu hủy hết sạch vết tích , cũng vô lý.  Bởi lẽ            trong số những tài liệu chúng ta còn giữ được, có tài liệu nào xuất sắc hơn Đường thi, Hán    phú, Tống từ đâu?  Chẳng lẽ chỉ có những tài liệu mất cắp mới bội phần xuất sắc?

          Nhà thơ Vô Ngã Phạm Khắc Hàm, trong bài viết của ông dẫn trên, cho biết hai vấn đề đạo văn và so sánh thơ Việt với Đường thi là hai vấn đề đã làm cho ông suy nghĩ từ lâu.  Ông viết:

                    Đạo Văn, ăn cắp văn người rồi sửa đổi thành văn của mình, là chuyện đã từng xảy            ra ngay ở đời Đường và bây giờ thì càng phổ biến; riêng người Việt đã bị người Tầu chơi     nhiều cú sính vính trên đủ mọi lãnh vực, nên xét xem họ có phá mình trên lãnh vực văn       chương không , thi cũng là việc hợp lý thôi.
                        Cũng nên nhắc lại bối cảnh của vấn đề để việc suy luận được rõ ràng.
                        Năm 1406, sau khi cho quân sang chiếm nước Việt, Minh Thành Tổ đã ra lệnh cho            Chu Năng (21.8.1406) phải đốt hết sách vở của ta, cả đến sách học vỡ lòng của trẻ con           cũng không chừa.  Thậm chí đến bia đá trước cổng chùa cũng phải phá vỡ, vì trên đó có        ghi tư tưởng Việt.  Như vậy rõ ràng đây là một chiến dịch hủy diệt nền văn hóa Việt, chứ    không phải là chuyện ăn cắp văn thơ Việt để rồi sửa đổi lại rồi bịa ra tên tác giả mới vào.    Như vậy khi Chu Năng còn hoành hành trên đất Việt chuyện đạo văn chắc là không có.     Nhưng ba năm sau, Minh Thành Tổ lại ra chiếu chỉ mới, ra lệnh đem những sách vở Việt       tịch thu được đóng thùng gửi về Kim Lăng bằng đường thủy.  Sau đó, y còn ra tiếp một         chiếu chỉ nữa, đốc thúc việc tịch thâu sách vở Việt. Các chỉ thị này chắc còn được thi hành dài dài cho đến khi quân Tầu bị đánh bại, 20 năm sau.
                        Thắc mắc đầu tiên về việc hủy nền văn học Việt là, sau ba năm đốt sách, liệu có     cuốn nào thoát được tai kiếp để sau đó bị tịch thu, đem về Tầu không?  Chắc chắn là có,    chứng cớ là mấy trăm năm sau, hai cuốn mà ta tưởng đã mất hẳn (Việt Sử LượcThiền      Uyển Tập Anh) đã tái xuất hiện ở bên Tầu.  Ngoài ra, theo sự suy luận bình thường, việc      giấu nột vài cuốn sách lẻ tẻ, nhất là các cuốn thơ, cũng không phải là khó lắm.  Chỉ là nhét     chúng vào ống tre, ống nứa ở đầu hồi nhà, hoặc ở ngoài vườn thì cũng khó mà tìm ra.
                        Tóm lại, sau ba năm đốt sách, số sách thoát được tai kiếp chắc chỉ còn lơ thơ dăm             ba quyển, có lẽ phần lớn là thơ.  Số sách này được đưa về Kim Lăng.  Để làm gì?  Sử sách    không nói, nhưng điều người ta phải nghĩ ngay tới là việc đạo thi....

          Về chuyện thơ Việt, thơ Đường thơ nào hay hơn, ngay trong phần trích dẫn đăng trên đầu bài, dựa trên số thống kê, Giáo Sư Phạm Khắc Hàm viết:

                   Lấy yếu tố nào để nói thơ ta không địch nổi thơ Tầu? Theo yếu tố thống kê, khi Tôn            Thu và Vũ Khánh thực hiện “Đường Thi Tam Bách Thủ” và “Tam Bách Thủ Tục Tuyển”,     để chọn 300 bài, họ đã loại hơn 47.000 bài. Giặc Minh đốt bỏ hay lấy về Tầu bao nhiêu        thơ văn Lý Trần, ta còn lại bao nhiêu?  Nói rằng thơ Việt cũng thua thơ Đường là phản             khoa học.

          Tôi mạn phép không trích thêm vì mục đích chính của bài này không phải là để bàn chuyện thơ văn. 

           Điều tôi muốn nói lên ở đây là nếu người Tàu có làm chuyện hủy diệt hay chép lại hay viết lại sách hay đạo văn của ta khi họ xâm lăng nước ta vào đầu thế kỷ XV là nhằm triệt tiêu khả năng tinh thần, lòng tự tin và hãnh diện của dân tộc ta để phòng ngừa hậu họa, không phải chỉ ở thời điểm họ xâm lăng hay đô hộ mà vĩnh viễn sau này nữa.  Đây là một chính sách vô cùng tàn độc nếu ta dùng tữ ngữ chung của nhiều người khi nói tới hay viết về giai đoạn lich sử này của dân tộc và của đất nước ta.  Một chính sách không phải chỉ phát xuất từ tham vọng Đại Hán mà còn có thể được coi như phản ảnh của một mặc cảm, một sự sợ hãi lo âu trước sự thành công không thể ngờ được của Đại Việt trước sự thất bại của Thiên Triều Trung Quốc, một chính sách và một hành vi nếu được thực hiện vào thời điểm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI hiện tại, quốc gia chủ trương sẽ phải chính thức và long trọng xin lỗi, coi như đã phạm một tội ác đối với nhân loại.  Có điều người ta cần phải ghi nhớ là người Tàu luôn luôn kiêu căng, tự coi nước mình là một nước lớn là duy nhất văn minh, chung quanh họ đều là man di mọi rợ, Việt Nam hay Đại Việt hay gì gì đi chăng nữa cũng chỉ là man, Nam Man, nằm ngoài rìa của Hoa Hạ, cùng với Bắc Địch, Đông Di, Tây Nhung... nằm ngoài rìa của Hoa Hạ thời cổ,  của Trung Hoa thời Dân Quốc, của Trung Quốc thời Cộng Sản hiện tại... Bao nhiêu tài nguyên, của cải quý báu nhất trong thiên hạ là phải  được tập trung hết về tay họ.  Những chiến thắng của người Việt trong các thời Lý Trần, đặc biệt là chiến thắng chống quân Mông Cổ trong khi người Tàu thực hiện không nổi là những gì họ không thể chấp nhận được. Còn nếu vị Hoàng Đế sáng lập nên Triều Đại Nhà Minh là Minh Thái Tổ ban cho sứ Đại Việt bốn chữ Văn Hiến Chi Bang, vô tình ông đã mở đầu khai tử cả một nền văn hóa riêng của Đại Việt mà đao phủ là hậu duệ của ông, Minh Thành Tổ.  Là người sáng lập nên một triều đại mới, Minh Thái Tổ có thể có một cái nhìn rộng rãi bao dung nhưng những người kế vị ông coi đó là một sự xúc phạm đến thiên triều khi chính tình của nhà Minh đã ổn định. Cuối cùng ta cũng không nên quên là kiêu căng nhưng người Tàu vẫn luôn mở cửa để thu góp chất xám từ các xứ chung quanh bằng cách đòi hỏi các xứ này phải cống những người tài giỏi khi các nước này còn độc lập hoặc ruồng bắt những người này khi các nước họ bị xâm lăng hay đô hộ đem về Trung Quốc.  Điều này đã xảy ra trong thời quân Minh xâm lăng nước ta khi vua Minh hạ lệnh cho Trương Phụ và các tướng tá của ông này “tìm tòi dò hỏi những người ẩn dật ở núi rừng, có tài, có đức, thông suốt năm kinh, văn hay, học rộng, thạo việc, am hiểu thư toán, nói năng hoạt bát, hiếu đễ, chăm làm ruộng, tướng mạo khôi ngô, gân sức cứng rắn, cùng những người hiểu biết nghề cầu cúng, làm thuốc, xem bói, đều đưa sang Kim Lăng, sẽ trao cho quan chức, rồi cho về trấn trị các phủ, châu huyện”.[15] Lệnh này phải được hiểu là nhằm thâu góp nhân tài của Đại Việt để phục vụ cho thiên triều ở Trung Quốc hơn là để sau này cho về phục vụ trong ngành hành chánh ở Đại Việt vì nếu cho họ phục vụ ngay tại Đại Việt, cần gì phải đưa họ về Kim Lăng, đường xá vừa xa xôi, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm.  Đưa về phục vụ ở Đại Việt chỉ là miếng mồi không hơn, không kém, giữ họ lại Trung Quốc để khai thác mới là chính.  Một trường hợp điển hình cho chính sách tom góp và thu dụng nhân tài của nhà Minh đương thời là trường hợp của Hồ Nguyên Trừng, con trưởng của Hồ Quý Ly.  Bị bắt đưa về Tàu nhưng Nguyên Trừng đã không bị ghép tội và bị xử cực hình vì ông đã bằng lòng đem tài riêng của mình, tài chế súng thần cơ, và sự hiểu biết của mình về tình hình Đại Việt ra giúp cho nhà Minh hay cung cấp cho nhà Minh những chỉ dẫn cần thiết để diệt nhà Hậu Trần, trái lại, ông đã được trọng dụng, làm quan đến chức á khanh, công bộ tả thị lang và đã được pháo binh Trung Quốc thời đó kính trọng để sau này coi như là thánh tổ của họ.  Nói cách khác, người Tàu luôn luôn có chính sách thu góp mọi thứ ở chung quanh về làm giàu cho xứ họ.  Đối với họ, nước họ phải là nhất, các nước chung quanh không được phép hơn họ.  Do đó cái gì có giá trị họ thu góp hết, trong đó có sự hiểu biết, có sách vở, có các sản phẩm nghệ thuật, có văn chương, thơ phú... Thu góp và để nguyên như vậy hay sửa đổi đi nhưng tất cả đều phải trở thành di sản văn hóa riêng của họ, điều sau này họ tiếp tục làm, người Nhật cũng làm và người Mỹ, người Anh, người Pháp cũng làm; nhưng không thời nào, không người nào có mưu toan thâm độc và tàn bạo như người Tàu dưới thời nhà Minh xâm lăng Đại Việt.  Hậu quả là từ sau thời Minh thuộc, người Việt không bao giờ có được những vinh quang đáng nể đối với người ngoài, đáng hãnh diện cho chính mình như thời trước đó nữa.
          Độc giả cũng nên biết thêm là chủ trương đồng hóa dân tộc Việt Nam của Nhà Minh không phải lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử Việt Nam.  Ngay từ giữa Thế Kỷ Thứ Nhất sau Công Nguyên, thời Nhà Hán, sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện đã thực hiện chủ trương này rồi vì sau đó viên tướng này đã cải tổ toàn bộ guồng máy cai trị ở cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, đã kiểm soát chặt chẽ hơn mọi sinh hoạt của  quần chúng, đặc biệt là giới quý tộc bản xứ khiến họ không còn có vai trò như xưa nữa.  Chưa hết, y còn cho dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của Nhà Hán với lời nguyền độc hại: “Cột đồng gãy, Giao Chỉ sẽ bị diệt vong” (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt) nhưng lời nguyền này đã không xảy ra vì người Việt mỗi khi đi qua lạ lấy đá chất thành gò đống vì sợ cột gãy.  Kết quả là Giao Chỉ vẫn không bị tiêu diệt, vẫn trường tồn còn cột đồng thì biến mất, không còn dấu tích khiến cho chính con cháu những người đã dựng nên chúng cũng không biết chắc chúng nằm ở đâu, ở Khâm Châu bên Tàu, hay phía nam Giao Chỉ Bộ, thuộc huyện Cư Phong.   Hành động vô cùng ác độc này đã được tác giả trình bày trong Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam,Tập I,: Thời Kỳ Lập Quốc, xuất bản ở Hải Ngoại năm 1987. [16]  Tác giả sẽ sao trích lại để gửi tới quý độc giả trong bài kế tiếp.  Một ngàn bốn trăm năm sau đó, họ lại tiếp tục với cuộc xâm lăng và đô hộ của Nhà Minh như đã nói ở trên.  Lần này họ cũng không thành công và đã phải rút về khi bị Bình Định Vương Lê Lợi đánh bại.  Chuyện này đã xảy ra từ hai ngàn năm trước thời đại của chúng ta, và người Tàu vẫn không bỏ cuộc.  Cuối cùng, sang Thế Kỷ 21, lịch sử lại đang tái diễn và tái diễn một cách tinh vi, thâm độc hơn với nhiều phương tiện khoa học và kỹ thuật hơn.  Câu hỏi được đặt ra là liệu người Việt có còn đủ sức để tiếp tục tồn tại nữa hay không?  Tất cả tùy thuộc vào sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, lòng quả cảm, trí thông minh và lòng yêu thương đồng bào, quê hương, đất nước của không ai khác hơn là chính mọi người Việt, dù là người Việt ở trong nước hay người Việt ở bất cứ phương trời nào ở Hải Ngoại.
                                                                   Phạm Cao Dương
                                    



[1] Dựa theo phần “Văn Tịch Chí”, trong Lịch Triều Hiến Chưong Loại Chí của Phan Huy Chú, các nhà san định bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục liệt kê các tác phẩm “mà người Minh tịch thu mất” như sau:
              
Tên sách                      Số quyển/bộ         Tác giả/Soạn thời các vua
                               
Hình Thư                   3 quyển                 Lý Thái Tông
Quốc Triều Thông Lễ           10 quyển               Trần Thái Tông
Hình Luật                       1 quyển                 Trần Thái Tông
Kiến Trung Thường Lễ           10 quyển               Trần Thái Tông
Khóa Hư Tập               1 quyển                 Trần Thái Tông
Ngự Thi                      1 quyển                 Trần Thái Tông
Di Hậu Lục                  2 quyển                 Trần Thánh Tông
Cơ Cừu Lục                 1 quyển                 Trần Thánh Tông
Thi Tập                        1 quyển                 Trần Thánh Tông
Trần Triều Đại Điển          2 quyển                 Trần Dụ Tông
Trùng Hưng Thực Lục     2 quyển         Trần Nhân Tông
Thi Tập                      1 quyển                 Trần Nhân Tông
Thi Tập                      1 quyển                 Trần Minh Tông
Thủy Vân Tùy Bút               2 quyển                 Trần Anh Tông
Bảo Hoà Điện Dư Bút        8 quyển                 Trần Nghệ Tông
Thi Tập                     1 quyển                 Trần Nghệ Tông
Binh Gia Yếu Lược            1 bộ                        Trần Hưng Đạo
Vạn Kiếp Bí Truyền         1 bộ                        Trần Hưng Đạo
Tứ Thư Thuyết Ưóc         1 bộ                        Chu Văn Trinh
Tiều Ẩn Thi               1 tập                       Chu Văn Trinh
Sầm Lâu Tập              1 quyển                 Uy Văn Vương
                                                                                               
 Trần Quốc Tuy (Toại)
Lạc Đạo Tập      1 quyển          Chiêu Minh Vương
                                               Trần Quang Khải
Băng Hồ Ngọc Hác Tập     1 quyển        Trần Nguyên Đán
Giới Hiên Thi Tập         1 quyển                 Nguyễn Trung Ngạn
Hiệp Thạch Tập          1 quyển                 Phạm Sư Mạnh
Cúc Đường Di Thảo     2 quyển      Trần Nguyên Đào
Thảo Nhàn Hiệu Tần         1 quyển           Hồ Tôn Thốc
Việt Nam Thế Chí                  1 bộ             Hồ Tôn Thốc
Việt Sử Cương Mục       1 bộ                        Hồ Tôn Thốc
Đại Việt Sử Ký        30 quyển               Lê Văn Hưu
Nhị Khê Thi Tập        1 quyển                 Nguyễn Phi Khanh
Phi Sa Tập           1 quyển                 Hàn Thuyên
Việt Điện U Linh Tập         1 quyển                 Lý Tế Xuyên

                Tất nhiên đây chỉ là những tác phẩm được tập trung lại thành sách. Chỉ cần đối chiếu với danh sách các tác phẩm được Lê Quý Đôn ghi trong phần “Nghệ Văn Chí” thuộc tác phẩm Đại Việt Thông Sử  người ta thấy còn nhiều sách khác đã bị mai một mà các cụ đã bỏ qua không ghi ra hết, chẳng hạn như Hoàng Tông Ngọc Diệp, 1 quyển, soạn năm thứ 17 đời Lý Thái Tổ (1026); Quốc Triều Thông Chế , 20 quyển,soạn trong thời Trần Thái Tông, Công Văn Cách Thức thời Vua Trần Anh Tông, năm 1299 , Nam Bắc phân Giới Địa Đồ, thời Vua Lý Anh Tông, năm 1147… Còn nhiều tài liệu rời thuộc các sinh hoạt chính trị, hành chánh, giáo dục, văn chưuơng, thi ca… có giá trị khác cũng đã bị tiêu hủy hay bị Quân Minh lấy mất, tiêu hủy hay đem về Tàu. Xin xem thêm: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập Một, bản dịch của Viện Sử Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1998, tr. 765-767;  Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn Toàn tập, Tập III, Đại Việt Thông Sử,bản dịch ncủa Ngô Thế Long. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 103-113;  Lệ ThầnTrần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. Saigon: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971,  tr. 212-213.

[2] Trần Văn Giáp, Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm, Nguồn Tư Liệu Văn Học Sử Học Việt Nam, Tập II. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 26-30; Lại Nguyên Ân, Từ Điển Văn Học Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 1999, tr. 734-35.
[3] Phạm Cao Dương, “Chung quanh hai chữ Văn Hiến trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Đệ Nhất Công Thần Triều Lê: Nguyễn Trãi”, trong Đại Học Văn Khoa Saigon, Tập I. Huntington Beach: Dòng Việt, 1999, tr. 77-80.
[4] Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Văn Học, Thơ Văn Lý-Trần, Tập III. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 196.
[5] Lời phê của Vua Trần Nhân Tông về việc Trần Anh Tông phong thưởng quá nhiều quan tước. Nguyên văn:”Một nước to bằng bàn tay, mà sao lại có triều ban nhiều như thế này!” Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, đã dẫn, tr.589; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, bản dịch của Hoàng Văn Lâu. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1993, tr. 103-104.
[6] Lê Quý Đôn Toàn Tập, Tập III, Đại Việt Thông Sử, “Nghệ Văn Chí” , bản dịch của Ngô Thế Long, đã dẫn, tr. 100-101.
[7] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập Một, đã dẫn.
[8] Trần Quốc Vượng, Văn Hóa Việt Nam, Tìm Tòi và Suy Gẫm. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Dân Tộc, Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật, 2000, tr. 754-755.
[9] Thơ Văn Lý-Trần, đã dẫn, Tập I, 1977, tr. 58.
[10]  -nt-, tr. 58-59.
[11] Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , năm Quang Thái thứ 5 thời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly có dâng lên vua sách Minh Đạo gồm có 14 chương trong đó ông đã đưa ra nhiều nhận định mới và độc đáo. Đại khái “ông cho Chu Công là Tiên Thánh, Không Tử là Tiên Sư, ở Văn Miếu để Chu Công ở chính giữa, nhìn về phương nam, Khổng Tử ở phía bên, nhìn về phương tây, sách Luận Ngữ có bốn chỗ đáng ngờ, cho Hàn Dũ là đạo nho, cho bọn Chu Mậu Thúc, Trình Di, Dương Thi, La Trọng Tố, Lý Diên Bình, Chu Tử, tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ  thạo việc cóp nhặt văn chương người xưa.” Những nhận xét này bị Ngô Sĩ Liên cho là “khinh suất bàn về ngài (Khổng Tử) thì thực là không biết lượng sức mình. Ta không biết lý luận của Quý Ly là như thế nào vì sách này không còn nữa nhưng dù sao nó cũng chứng tỏ lối học của họ Hồ là có suy nghĩ, phê bình chứ không máy móc, thụ động như sau này. Còn Vua Tự Đức thì cho rằng những nhận định này chưa phải đã hoàn toàn sai. Ngoài Minh Đạo, Quý Ly còn làm Quốc Ngữ Thi Nghĩa  và viết bài Tựa để dạy cho các cung nữ.  Sách này cũng có điểm đặc biệt là tác giả phần nhiều đã chép theo ý mình chử không theo tập truyện của Chu Tử. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập II, đã dẫn, tr. 184-185, 190. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển Thứ XI, đã dẫn, tr. 688-689.
[12] 1292-1370. Ngoài vai trò của một sư biểu của Việt Nam, Chu Văn An còn là tác giả  của nhiều tác phẩm có giá trị trong đó có Tứ Thư Thuyết Ước, Tiều Ẩn Thi, Thanh Trì Quang Liệt Chu Thị Di Thư, Quốc Ngữ Thi, Thất Trảm Sớ.
[13] Tác giả khuyết danh đời Trần, Thế kỷ XIV, Việt Sử Lược, bản dịch và chú giải của Trần Quốc Vượng. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Văn Sử Địa, 1960.
[14] Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh. Saigon: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, tr.24.
[15] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, đã dẫn, tr. 755.
[16]  Phạm Cao Dương, Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam, Tập I: Thời Kỳ Lập Quốc.  Fountain Valley, California, 1987.