Ngày quốc tế người tỵ nạn

Ngày quốc tế người tỵ nạn

Linh Tiến Khải

20 tháng 6 vừa qua là “Ngày quốc tế người tỵ nạn”. Ngày này đã do Liên Hiệp Quốc thành lập để ghi nhớ Hiệp định về quy chế người tỵ nạn được Hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua hồi năm 1951.
Với làn sóng chiến tranh gia tăng, đặc biệt trong vùng Trung Đông và tại vài nước bên Phi châu, hàng triệu người đã phải sống thảm cảnh trốn chạy cái chết, đói khát và bất ổn triền miên. Từ Siria cho tới Iraq, từ Mali cho tới Nam Sudan, từ Ciad cho tới Trung Phi cảnh bom đạn tàn phá chết chóc máu lửa hằn sâu trên gương mặt của hàng triệu người, nhất là phụ nữ, trẻ em và người già. Bên cạnh đó là cảnh hằng trăm ngàn người hồi Rohingya bỏ Myanamar chạy trốn sang Bangladesh lánh nạn bách hại và kỳ thị.


Tại Siria cứ mỗi phút lại có một gia đình bị bó buộc phải bỏ gia cư lánh nạn chiến tranh. Và mỗi ngày có tới 9.500 người tỵ nạn. Bên Iraq từ khi có chiến tranh đến nay, nhất là trong những năm  các lực lượng của nhà nước hồi cuồng tín IS tác oai tác quái, hàng chục ngàn người đã chết và hằng trăm ngàn người đã phải bồng bế nhau chạy loạn, trong đó có 150.000 kitô hữu. Các lực lượng hồi cuồng tín này cho họ ba lựa chọn: chết hay là ra đi, muốn ở lại phải theo Hồi giáo, hay đóng thuế tôn giáo.

Theo các thống kê của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp  Quốc hiện nay trên thế giới có 68,5 triệu người tỵ nạn, trong đó có 25,4 triệu tỵ nạn tại các nước ngoài, số còn lại tỵ nạn bên trong lãnh thổ các quốc gia có chiến tranh xung khắc hay nạn đói, hạn hán mất mùa, dịch tễ. Nếu tính tất cả mọi quốc gia trên thế giới cứ mỗi 110 người thì có một người bị bắt buộc sống kiếp tỵ nạn. Trong năm 2017 đã có nhiều trường hợp cưỡng bách hồi hương, chính trị hóa và dùng người tỵ nạn như dê đền tội, hay bỏ tù người tỵ nạn hoặc không cho phép họ làm việc, và nhiều quốc gia đã chống đối cho đến cả việc dùng từ “tỵ nạn”.

Vẫn theo các thống kê có hơn phân nửa tổng số người tỵ nạn trên toàn thế giới là trẻ em. Các em đã phải sống kinh nghiệm kinh hoàng của chiến tranh và nhìn các cảnh tàn sát chết chóc với đôi mắt ngây thơ vô tội của các em. Đa số các em bị chấn thương tâm thần vì cảnh chạy loạn, không nhà ở, không thực phẩm, không nước uống, không nơi nương tựa.

Theo thống kê của tổ chức UNICEF trong các năm 2010 tới 2015 con số các trẻ em tỵ nạn đã gia tăng gấp 5 lần. Có ít nhất 300.000 trẻ em vị thành niên không có người thân đồng hành, và  bị tách rời tại 80 quốc gia trong hai năm 2015-2016 so với 66.000 trong hai năm 2010-2011.  Nhưng đây chỉ là con số phỏng chừng, sự thật  còn nhiều hơn thế nữa.

** Vẫn theo tổ chức UNICEF trẻ em chiếm 28% tổng số các nạn nhân toàn cầu. Kể từ đệ nhị thế chiến tới nay số trẻ em nạn nhân của bạo lực xung khắc chưa bao giờ nhiều đến thế: tất cả khoảng 30 triệu. Tổ chức UNICEF kêu gọi các chính quyền toàn thế giới gia tăng các nỗ lực để bảo đảm quyền lợi, an ninh và hạnh phúc cho các trẻ em, là các thành phần dễ bị thương tổn nhất trong các tình trạng xung khắc, bạo lực và bất ổn chính trị. Ông Manuel Fontaine, giám đốc các “Chương trình cấp bách của UNICEF” tuyên bố: “Trong Ngày quốc tế người tỵ nạn thật là quan trọng nhắc tới các đe dọa và thách đố, mà các trẻ em phải đương đầu mỗi ngày trong các trại chuyển tiếp. Các trẻ em bị mất rễ, tỵ nạn, đang xin tỵ nạn hay tỵ nạn trong ranh giới quốc gia phải đương đầu với các hiểm nguy trầm trọng hạn chế các phục vụ, mà các em đang cần có để có thể lớn lên. Các em cần có hy vọng, cơ may và sự che chở.

Chúng tôi xin các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc  canh tân các dấn thân bảo đảm cho các em các quyền lợi và các tham vọng tự nhiên của con người, được học hành giáo dục, được săn sóc sức khỏe. Hiện nay mới chỉ có phân nửa các trẻ em tỵ nạn có thể theo bậc tiểu học, trong khi chỉ có chưa đầy một phần tư người trẻ theo bậc trung học.

Tổ chức UNICEF đã đề ra 6 điểm hành động nhằm bảo vệ các trẻ em di cư tỵ nạn, trong đó có yêu cầu bao gồm các thực thi vào trong cả hai tổ chức tỵ nạn toàn cầu và tổ chức di cư toàn cầu. Lợi dụng giải túc cầu quốc tế đang diễn ra tại Nga, UNICEF cũng phát động phong trào trợ giúp trẻ em di cư tỵ nạn với khẩu hiệu “Điều kích thích chúng ta, hiệp nhất chúng ta”, theo đó việc yêu thích thể thao có thể thắng vượt các biên giới và yểm trợ các quyền lợi của trẻ em di cư tỵ nạn.

Phong trào cũng tung lên mạng youtube câu chuyện của Santi, một chú bé 8 tuổi người Bolivia di cư sang Tây Ban Nha. Santi gặp khó khăn trong việc tìm bạn, nhưng nhờ yêu thích bóng đá Santi được trẻ em chung quanh chấp nhận. Và cả bọn được cầu thủ túc cầu Ramos thủ quân của đội banh Tây Ban Nha và là đại sứ của tổ chức UNICEF bất thình lình đến thăm. Cùng với video này là phong trào “Thách đố làm bàn dài nhất”, trong đó Ramos mời gọi mỗi người hiệp nhất với sáng kiến này qua sự đam mê đối với túc cầu yểm trợ các trẻ em di cư tỵ nạn bằng cách chia sẻ trên mạng một video trong đó họ la lớn và dài chừng nào có thể tiếng “Goal” “làm bàn!”.

Ông Filippo Grandi, Cao ủy ty nạn Liên Hiệp Quốc, cho biết: chúng ta đang ở một khúc rẽ, nơi sự thành công trong việc điều hành các cuộc di cư tỵ nạn trên bình diện toàn cầu đòi buộc phải có một tiếp cận mới và đầy đủ hơn, để tránh cho các quốc gia và cộng đoàn bị bỏ rơi một mình đối phó với tình hình nghiêm trọng này.

** Để cử hành Ngày quốc tế người tỵ nạn Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã phát động phong trào kéo dài cho tới ngày 19 tháng 9 năm nay nhắm mục đích giúp hiểu biết người tỵ nạn hơn cũng như các giấc mơ và hy vọng của họ là lo lắng cho gia đình, có công ăn việc làm, con cái được đi học, có một mái nhà để sống. Tham gia phong trào này có nhiều nghệ sĩ và nhân vật nổi tiếng xã hội, bằng cách gửi các sứ điệp và hình ảnh với khẩu hiệu “Với người tỵ nạn”. Chiến dịch muốn chứng minh cho các giới lãnh đạo chính trị thấy rằng dân chúng đứng về phía người tỵ nạn, và muốn gửi một sứ điệp cho các chính quyền để họ cộng tác vào nỗ lực cải thiện các điều kiện sống của người di cư tỵ nạn.

Thỉnh nguyện thư sẽ được giới thiệu tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 19 tháng 9 và bao gồm một loạt các yêu cầu: bảo đảm cho mỗi trẻ em tỵ nạn có thể được học hành giáo dục, mỗi gia đình tỵ nạn có một chỗ an ninh để sống, và bảo đảm cho mỗi người tỵ nạn có thể làm việc hay có được các chuyên nghiệp mới để góp phần vào việc xây dựng cộng đoàn tiếp đón họ.

Trong 10 năm qua Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã xin cho hơn 1 triệu người tỵ nạn tái hội nhập tại 30 quốc gia khác nhau. Nhưng số người cần được tái hội nhập còn rất cao so với các cơ may có được trong một nước thứ ba. Bản tường trình “Nhu cầu dự án tái định cư toàn cầu 2017” cho biết dựa trên số đơn gia tăng số người cần tái được định cư năm 2017 là 1,19 triệu, tức gia tăng 72% so với năm 2014. Chương trình tái định cư và hội nhập xã hội tiếp đón và tự nguyện hồi hương là một trong những giải pháp tốt đẹp nhất cho người tỵ nạn. Nhờ chương trình này các người tỵ nạn không thể ở lại trong nước tiếp đón họ, cũng không thể hồi hương, có thể đi tới một nước thứ ba. Trong năm 2017 người Siri, Sudan, Afghanistan và cộng hòa dân chủ Congo là những người cần được tái định cư nhất.

Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp  Quốc cũng đang điều hành một chương trình phát triển vùng miền và quốc gia để nhanh chóng đáp trả lại cách thách đố  do nạn di cư bất hợp pháp, nạn buôn người và chuyên chở người di cư từ Bắc Phi, tạo ra. Đặc biệt sáng kiến này  dựa trên việc củng cố sự cộng tác giữa các tác nhân chính là các chính quyền, các tổ chức phi chính quyền, các tổ chức quốc tế và vùng miền.

Cuộc hội thảo mùa hè do Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tổ chức trong các ngày từ 11 đến 15 tháng 7 tới này sẽ tập trung vào đề tài các vi phạm quyền của người di cư trên bình diện toàn cầu, và đặc biệt là các lạm dụng mà người tỵ nạn phải gánh chịu từ phía các kẻ buôn người.

Cũng có nhiều biến cố được tổ chức nhân Ngày quốc tế người tỵ nạn: chẳng hạn như cuộc triển lãm về đề tài di cư tỵ nạn tại Tòa nhà kính của Liên Hiệp Quốc trong các ngày từ 13 tới 20 tháng 6. Ngoài ra cũng có các cuộc hội luận bàn tròn như cuộc hội luận tại nhiều nơi trong thành phố Firenze trung Italia ngày 20 tháng 6 vừa qua. Tiếp theo đó là một cuộc hòa nhạc cũng được tổ chức tại nhiều nơi trong thành phố. Tại Roma thì có một bữa tiệc chiều trợ giúp người di cư tỵ nạn với khẩu hiệu là “Cây cầu tình thương”. Số tiền thu được sẽ dành cho chương trình “Đường sống Jordan” của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.  Trước đó ngày 14 tháng 6 đã có buổi gặp gỡ về đề tài “Các cuộc bách hại dựa trên chiều hướng tình dục và căn tính giống”.

** Trong thành phố Parma bắc Italia đã có buổi hòa nhạc của nữ nghệ sĩ người Mali Ftoumata Diawara. Tiền thu được dành cho chương trình giáo dục của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Tại Roma có chương trình nhận phẩm vật cứu trợ cho người di cư tỵ nạn. Trong khi lễ hội âm nhạc nhằm gây quỹ giáo dục cho 700.000 trẻ em tỵ nạn do Cao ủy tỵ nạn phát động. Ngoài ra, cũng có một buổi hòa nhạc với sự tham dự của nhiều hiệp hội và nhạc sĩ nhằm huy động chính quyền Roma tổ chức lại việc tiếp đón người di cư tỵ nạn, đặc biệt là của sáng kiến bình dân “Chúng ta hãy tiếp đón nhau” nhằm bảo trợ việc hội nhập người di cư tỵ nạn.
Từ mấy tuần qua làn sóng người di cư qua biển Địa Trung Hải đã gây tranh luận gay gắt giữa tân chính quyền Italia và các nước trong Liên Hiệp Âu châu. Lý do vì bộ trưởng nội vụ Italia ông Matteo Salvini quyết định đóng cửa mọi hải cảng Italia không nhận người di cư tỵ nạn do các tầu không phải của Italia vớt. Ông nhất quyến đòi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu châu phải chia sẻ trách nhiệm, không để cho Italia một mình gánh chịu sức nặng của người di cư tỵ nạn như trong các năm qua. Năm ngoái một mình Italia đã phải nhận 180.000 người di cư. Các quốc gia âu châu chỉ tuyên bố ủng hộ, nhưng không nước nào sẵn sàng nhận người di cư. Lập trường cứng rắn của Italia đã khiến cho Tây Ban Nha nhận 629 người di cư do chiếc tầu Aquarius vớt, và họ đã cặp bến cảng Valencia hôm 17 tháng 6 vừa qua sau 7 ngày lênh đênh trên Địa Trung Hải.

Hiện nay còn có tầu Lifeline của Đức  mang cờ Hòa Lan với 224 người di cư vớt trong biển Libia, không được nước nào nhận, và đang gây ra cảnh tranh cãi giữa Italia, Pháp và Đức. Cuộc họp của Liên Hiệp Âu châu để bàn về làn sóng di cư vào tuần này sẽ cam go và không ai biết có mang lại kết quả cụ thể nào không, hay Italia vẫn phải tiếp tục gánh hết như từ trước đến nay.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng 6 vừa qua ĐTC Phanxicô cũng đã nhắc tới Ngày quốc tế người tỵ nạn, do Liên Hiệp Quốc thành lập nhằm lôi kéo sự chú ý của mọi người đối với các tình trạng sống âu lo và đau khổ của các anh chị em bị bắt buộc phải trốn chạy khỏi quê hương vì các xung khắc và bách hại.

Năm nay ngày này rơi trúng dịp các chính quyền tham khảo nhau để đưa ra một Thỏa Hiệp quốc tế về người tỵ nạn đối với một việc di cư an ninh, trật tự và hợp pháp. Tôi cầu mong các chính quyền liên quan tới các tiến trình này đạt được một sự thỏa thuận với tinh thần trách nhiệm và lòng nhân đạo, nhằm bảo đảm cho sự trợ giúp và che chở những ai bị bắt buộc phải bỏ quê hương ra đi. Nhưng từng người trong chúng ta cũng được mời gọi  gần gũi các anh chị em tỵ nạn, tìm dịp gặp gỡ họ, đánh giá cao phần đóng góp của họ, để họ có thể hội nhập tốt đẹp hơn vào trong các cộng đoàn tiếp đón họ. Trong việc gặp gỡ, tôn trọng và yểm trợ lẫn nhau   này có giải pháp cho biết bao nhiêu vấn đề. Trong cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo trên chuyên bay từ Genève về Roma tối ngày 21 tháng 6 vừa qua ngài cũng kêu gọi các nước Âu châu tiếp đón người di cư tỵ nạn, mỗi nước trong khả thể của mình.

Linh Tiến Khải