TỘI ÁC VẪN LÀ TỘI ÁC


Trần Trung Đạo

Nếu ai đó đố bạn có bao nhiêu sách viết về Hitler, nhiều lắm bạn sẽ đoán chừng mười ngàn cuốn là cùng. Sai rất xa. Theo Quora, sử gia Đức Volker Ullrich cho biết có tới 128 ngàn cuốn sách viết về Hitler. Nếu thống kê đó đúng, mỗi năm trong đời sống của Hitler từ lúc lọt lòng cho tới khi tự tử có trung bình 2285 cuốn sách viết về ông ta.


Nhà sách Barnes & Noble trưng bày cả một khu sách mới trực tiếp hay gián tiếp viết về Hitler. Lý do, các nhà văn, nhà sử học gốc Do Thái không muốn nhân loại quên Holocust. Những người cầm bút này mang một trách nhiệm đạo đức là không bao giờ để tội ác của Đức Quốc Xã rơi vào quên lãng. Sách về Hitler nhiều đến mức người đọc có cảm tưởng y vẫn còn đang ẩn náu một nơi nào đó ở Argentina, Brazil hay Chile chứ không phải tự tử trong ngày gần cuối của Thế Chiến Thứ Hai.

Mặc dù con số nạn nhân do chủ nghĩa CS gây ra gấp nhiều lần hơn so với số nạn nhân do Hitler gây ra, trên giá của các nhà sách lớn số sách viết về tội ác CS chỉ lưa thưa vài cuốn. Nếu độc giả muốn tìm sách về Bắc Hàn thời Kim Nhật Thành, Trung Cộng thời Mao, Liên Sô thời Stalin không chỉ phải vào thư viện mà còn phải là thư viện lớn.

Sự trống vắng của sách viết về một chương vô cùng đen tối của lịch sử nhân loại nói lên sự lẻ loi, cô độc đáng thương của nạn nhân CS đã và đang chịu đựng ở khắp nơi trên thế giới.

Như người viết tóm tắt trong bài Sáu Lý Do Giúp Chế Độ CS Tồn Tại, vì chế độ độc tài CS giết nhân dân nước họ nên thế giới ít quan tâm. Nhìn lại lịch sử của láng giềng Campuchia, nếu CSVN không vì lý do riêng để tấn công Campuchia, không ai có thể tiên đoán dân tộc này còn có mặt trên trái đất hay đã bị diệt vong trong bàn tay Pol Pot.

Giống như các thức ăn khác, sách là món ăn tinh thần và chỉ được in nếu có độc giả. Đối với phần lớn độc giả Mỹ, Chiến Tranh Lạnh đã tàn và chủ nghĩa CS chỉ còn là bóng mờ trong quá khứ. Tranh chấp của các cường quốc ngày nay là tranh chấp kinh tế và do đó các liên minh hay chống đối đều phát xuất từ các lý do kinh tế chứ không phải vì ý thức hệ như trước năm 1991.

Bắc Hàn là địa ngục trần gian và vẫn đang là địa ngục trần gian.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế ước lượng khoảng 200 ngàn người Bắc Hàn đang bị giam trong những trại tập trung biệt lập tận các vùng rừng núi với điều kiện vô cùng tồi tệ. Chẳng hạn trại tù Yodok vào mùa đông lạnh -20 độ C và -30 độc C nhưng tù nhân không được cấp mền. Các hình phạt xử bắn được thực hiện công khai trước mặt các tù nhân khác như một cách răn đe. Cũng theo Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, bốn mươi phần trăm tù nhân chết vì thiếu dinh dưỡng.

Một bằng chứng về đàn áp dã man. Vì không chịu đựng nổi sự hành hạ của chế độ Kim, năm 1987, tù nhân tại Trại Tập Trung Số 12 nổi loạn. Kết quả, 5,000 người trong tổng số 15 ngàn tù nhân của trại bị giết. Tội ác của gia đình họ Kim đối với nhân dân Bắc Hàn không thể viết hết trong vài bản tường trình, vài cuốn sách mà phải viết trong nhiều năm và hàng ngàn cuốn sách.

Đồ tể Kim Jong-un “buông dao”?

Không phải. Tập Cận Bình cần một thời kỳ ổn định để hoàn thành kế hoạch đưa Trung Cộng vào hàng cường quốc số một thế giới vào dịp đánh dấu 100 năm nhà nước CSTQ ra đời.

Trong thời đại mới những hù dọa bằng võ khi nguyên tử không còn tác dụng. Với sự khuyến khích của Trung Cộng, Kim Jong-un thay đổi chính sách đối với Nam Hàn và tỏ ra hòa hoãn với Mỹ.

Nếu ai đó khen họ Kim qua mặt được họ Tập khi tuyên bố hòa giải với Nam Hàn và đàm phán với TT Trump, người đó không hiểu gì về quan hệ máu xương giữa Trung Cộng và Bắc Hàn từ tháng 1,1949 tới nay.

Tập Cận Bình trong lúc có thể làm việc với Kim Jong-un qua trung gian của bộ ngoại giao hay đại sứ nhưng y muốn chỉ thị trực tiếp cho Kim Jong-un.

Sự kiện Kim Jong-un phải đến Bắc Kinh bốn lần trong một thời gian ngắn cho thấy vai trò chủ động của Tập Cận Bình trong cuộc đàm phán nguyên tử giữa Mỹ và Bắc Hàn.

Vai trò của Tập đối với Bắc Hàn ngày nay tương tự như vai trò của Mao đối với CSVN trước hiệp định Geneva.

Một chương mới trong chính sách đối ngoại của Bắc Hàn có thể sắp mở ra nhưng 25 triệu người dân Bắc Hàn sẽ còn rất lâu mới nhìn thấy được tia sáng của hòa bình và hy vọng.

Các cường quốc chỉ quan tâm đến quyền lợi riêng của họ và trên phía bắc của bán đảo Triều Tiên, tội ác của ba đời họ Kim vẫn còn là tội ác.

Trần Trung Đạo

------------

Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một kẻ đã sát hại những người máu mủ

Chu Vĩnh Hải

Mặc dầu báo chí nhà nước khẳng định rằng, người dân Hà Nội hân hoan chào đón Kim Jong-un, nhưng tôi cũng như nhiều người khác thực sự tin rằng, người dân Hà Nội đổ ra đường chỉ vì hiếu kỳ và tò mò.
Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một kẻ vào năm 2012 khi mới 29 tuổi, chưa một ngày ở trong quân ngũ lại tự phong cho mình cấp bậc nguyên soái.
Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một nhà độc tài khét tiếng bậc nhất thế giới, người sẵn sàng để mặc nhân dân mình đói khát nhằm bảo vệ ngai vàng cha truyền con nối.
Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một kẻ đã sát hại những người máu mủ ruột rà, thân thích của mình để bảo vệ ngai vàng vốn được xây bằng máu và nước mắt của hàng triệu người dân Bắc Triều Tiên vô tội.
Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một kẻ sùng bái vũ khí hạt nhân và tên lửa đến độ báo chí nước ngoài đặt cho ông ta biệt danh là Rocketman- Hỏa Tiễn Nhân dù 70% người dân thiếu đói và suy dinh dưỡng nặng, 40% trẻ em suy dinh dưỡng nặng.
Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào nhà lãnh đạo của một đất nước mà ở đó, bánh kẹo thông thường và sữa cũng khan hiếm như kim cương.
Tôi không tin người dân Hà Nội hân hoan đón chào một nhà độc tài đã bảo vệ vương quyền của mình bằng cách biệt lập đất nước với thế giới.
Tôi không tin người dân Hà nội hân hoan đón chào nhà lãnh đạo của một đất nước mà ở đó tất cả thường dân đều không được tiếp cận với sản phẩm văn minh nhất của nhân loại là Internet, điện thoại di động là một mặt hàng xa xỉ.
Tôi tin rằng, người dân Hà Nội đổ ra đường để mong được một lần có kỷ niệm với một nhà độc tài dị hợm bậc nhất hành tinh. Hãy nhớ rằng, ngắm nhìn quái thú từ một khoảng cách an toàn bao giờ cũng là khát vọng mạnh mẽ của con người.
Người dân Hà Nội khao khát được chứng kiến Kim Jong-un một thì báo chí thế giới khao khát Kim Jong-un gấp hàng ngàn lần. Thông tin về kẻ dị hơm Kim Jong-un và đất nước bí ẩn Bắc Triều Tiên luôn có sức thu hút mạnh mẽ với báo chí quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc gặp Trump- Kim ở Hà Nội thu hút 3000 nhà báo quốc tế, một con số cao gấp nhiều lần so với cuộc gặp D,Trump và Tập Cận Bình vào tháng 12-2017 tại Trung Quốc, hoặc Diễn đàn kinh tế Davos.
Fb Chu Vĩnh Hải