Thành lập Chính Quyền độc lập đầu tiên của Việt Nam
Trần Trọng Kim
Ngày 7/4/1945, Huế, Việt Nam
Từ trước tôi không biết vua Bảo Ðại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước Pháp, hình như ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm mùng 7 tháng tư tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất đúng đắn.
Ngài nói:
“Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.”
Tôi tâu rằng:
“Việc lập chính phủ, ngài nên dùng những người đã dự định từ trước, như Ngô Ðình Diệm chẳng hạn, để có tổ chức sẵn sàng. Tôi nay thì phần già yếu bệnh tật, phần thì không có đảng phái và không hoạt động về chính trị, tôi xin ngài cho tôi về nghỉ.”
Ngài nói:
“Trẫm có điện thoại gọi cả Ngô Ðình Diệm về, sao không thấy về.”
Tôi tâu:
“Khi tôi qua Sài gòn, có gặp Ngô Ðình Diệm và ông ấy bảo không thấy người Nhật nói gì cả. Vậy hoặc có sự gì sai lạc chăng. Ngài cho điện lần nữa gọi ông ấy về. Còn tôi thì xin ngài cho ra Bắc.”
Ngài nói:
“Vậy ông hãy ở đây nghỉ ít lâu, xem thế nào rồi hãy ra Bắc.”
Lúc ấy tôi mệt nhọc lắm, và có mấy người như bọn ông Hoàng Xuân Hãn đều bảo tôi trở lại. Tôi chờ đến gần mười ngày. Cách độ ba bốn hôm tôi lại đi hỏi ông tối cao cố vấn Nhật xem có tin gì về ông Diệm chưa. Trước thì cố vấn Nhật nói chưa biết ông Diệm ở đâu, sau nói ông Diệm đau chưa về được. Ðó là lời tối cao cố vấn, chứ tự ông Diệm không có điện riêng xác định lại.
Vua Bảo Ðại thấy tình thế kéo dài mãi cũng sốt ruột, triệu tôi vào bảo tôi chịu khó lập chính phủ mới.
Ngài nói:
“Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.”
Tôi thấy vua Bảo Ðại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng:
“Nếu vì quyền lợi riêng tôi không dám nhận chức gì cả, xong ngài nói vì nghĩa vụ đối với nước, thì dù sao tôi cũng cố hết sức. Vậy xin ngài cho tôi vài ngày để tôi tìm người, hễ có thể được tôi xin tâu lại.”
Tôi ra bàn với ông Hoàng Xuân Hãn để tìm người xứng đáng làm bộ trưởng. Nguyên tắc của tôi định trước là lựa chọn những người có đủ hai điều kiện. Một: phải có đủ học thức và tư tưởng về mặt chính trị, hai: phải có đức hạnh chắc chắn để dân chúng kính phục.
Cách lựa chọn như thế cũng khó, vì từ lâu nay chỉ có những người mềm lưng khéo thù phụng mới được ngôi cao, quyền cả, còn những người ngay chính ẩn nấp ở đâu đâu, ít khi biết được. Người xu danh trục lợi thì rất nhiều, nhưng không phải là người đương nổi những việc trong thời kỳ khó khăn như ngày hôm nay.
Có một điều nên nói cho rõ, là trong khi tôi chọn người lập chính phủ lúc ấy, người Nhật Bản không bao giờ hỏi tôi chọn người này người kia. Tôi được hoàn toàn tự chủ tìm lấy người mà làm việc. Và tôi đã định từ trước rằng nếu người Nhật can thiệp vào việc trong nước thì tôi thôi ngay, không làm nữa.
Ðến ngày cuối cùng tôi chọn được đủ người rồi kê rõ danh sách các bộ trưởng như sau:
Trần Trọng Kim, giáo sư, Nội Các Tổng Trưởng Trần Ðình Nam, y sĩ, Nội Vụ Bộ Trưởng Trần Văn Chương, luật sư, Ngoại Giao Bộ Trưởng Trịnh Ðình Thảo, luật sư, Tư Pháp Bộ Trưởng Hoàng Xuân Hãn, toán học thạc sĩ, Giáo Dục và Mỹ Nghệ Bộ Trưởng Vũ Văn Hiền, luật sư, Tài Chánh Bộ Trưởng Phan Anh, luật sư, Thanh Niên Bộ Trưởng Lưu Văn Lang, kỹ sư, Công Chính Bộ Trưởng Vũ Ngọc Anh, y khoa bác sĩ, Y Tế Bộ Trưởng Hồ Bá Khanh, y khoa bác sĩ, Kinh Tế Bộ Trưởng Nguyễn Hữu Thi, cựu y sĩ, Tiếp Tế Bộ Trưởng.
Chừng mười giờ sáng ngày 17 tháng tư năm 1945, tôi đem danh sách ấy vào trình vua Bảo Ðại. Vào đến nơi, tôi thấy ông Yokohama, tối cao cố vấn Nhật, đã ngồi đó rồi. Ông thấy tôi vào liền hỏi: “Cụ đã lập thành chính phủ rồi à?”. Tôi nói: “Vâng, hôm nay tôi đem danh sách các bộ trưởng vào tâu trình hoàng thượng để ngài chuẩn y”.
Tôi đệ trình vua Bảo Ðại, ngài xem xong phán rằng: “Ðược”. Khi ấy ông Yokohama nói: “Xin cho tôi xem là những ai”. Ông xem rồi, trả lại tôi và nói: “Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn”. Sự thực là thế, chứ không như người ta đã tưởng tượng là người Nhật Bản bắt tôi phải dùng những người của họ đã định trước.
Sau khi lập xong chính phủ, họp hội đồng chính phủ, tôi muốn đặt chức Nội Các Phó Tổng Trưởng để phòng khi tôi nhọc mệt, hay đi đâu vắng có người thay tôi làm việc. Tôi xem các ông bộ trưởng lúc ấy trừ ông Lưu Văn Lang ở Sài gòn không ra nhận chức, có ông Trần Văn Chương, bộ trưởng bộ ngoại giao, là người nhiều tuổi hơn, tôi xin cử ông Chương xung chức ấy.
Cả nội các đều ưng thuận. Việc ấy là tôi định, chứ không phải do người Nhật can thiệp. Tôi nói rõ việc ấy là vì sau này tôi thấy có người nói: Người Nhật bắt tôi phải để ông Chương làm Nội Các Phó Tổng Trưởng. Ðó cũng là một sự tưởng lầm.
Khi tôi đứng ra lập chính phủ, không phải không hiểu tình thế rất khó của nước Việt Nam đối với nước Pháp, và nước Pháp với các nước Ðồng Minh. Sự biến xảy ra ở nước Việt Nam, nguyên là một nước có văn hóa có chế độ phân minh, nhân khi trong nước suy nhược, người Pháp sang lấy võ lực bắt phải chịu cuộc bảo hộ của người Pháp. Dù có hiệp ước của triều đình Việt Nam đã ký với người Pháp, chẳng qua cũng chỉ là một tờ hiệp ước cưỡng bách mà thôi. Và chính người Pháp về sau cũng đã không giữ đúng những điều ký trong hiệp ước ấy. Nay nước Pháp thất bại, để người Nhật chiếm giữ mất cả quyền lợi, vua Bảo Ðại đã đứng lên tuyên bố độc lập thì nghĩa vụ của người Việt Nam là ai nấy đều phải cố sức làm việc giúp nước, rồi sau tình thế thay đổi thế nào sẽ có cuộc điều đình cho đúng công lý và đúng phong trào hiện thời.
Theo lý tưởng ấy, nên ngay từ lúc đầu trong lời tuyên bố của chính phủ, tôi đã nói những công việc quốc dân phải lo để gầy lại nền tự chủ nước nhà mà thôi, chứ không nói về việc chiến tranh của nước Nhật với các nước Ðồng Minh, chủ ý muốn tránh sự người Nhật có thể lôi kéo người mình vào cuộc chiến tranh của họ. Lúc chính phủ chúng tôi mới lập ra, bao nhiêu chính quyền của người Pháp giữ trước và việc cai trị ở các tỉnh đều do viên tối cao cố vấn Nhật tạm thời quyết định. Những văn thư và tờ trình báo, các cơ quan ở tỉnh đều gửi qua bên phòng tối cao cố vấn.
Những dinh thự của các bộ trưởng, thượng thư cũ đều chật hẹp, dột nát, dơ bẩn, không ở và làm việc được. Vậy trước hết, phải lo tìm nhà và các sở làm việc.
Khi còn chính phủ bảo hộ thì có hai chính phủ, mọi việc quan hệ đến chính trị trong nước thì do chính phủ bảo hộ định đoạt. Chính phủ Nam Triều có vua và triều đình, nhưng chỉ đặt ra để thi hành những mệnh lệnh của chính phủ bảo hộ mà thôi, chứ không có quyền hành gì cả. Nay phải hợp nhất cả hai chính phủ này, bắt các quan ở các tỉnh chỉ được trực tiếp với chính phủ Việt Nam mà thôi, và cấm không cho gửi văn thư về sở tối cao cố vấn Nhật nữa.
May lúc đó được viên tối cao cố vấn Nhật là ông Yokohama, một người am hiểu tình thế và nhã nhặn, cho nên mọi việc cũng giải quyết được dễ dàng.
Quan lại ở các tỉnh, phần nhiều là những tham quan ô lại chỉ quen sự thi hành mệnh lệnh của người Pháp, chứ không mấy người có đủ tư cách làm người công chức một nước tự chủ. Muốn thay đổi các quan lại là một chuyện rất khó. Những người làm chính trị nói huyên thuyên thì nhiều, song những người chín chắn biết suy nghĩ và biết cách đối lại với dân chúng cho êm ái thì ít. Việc chính trị là một việc rất phức tạp, cần phải có nhiều lịch duyệt và tài cán mới làm được. Nay muốn thay đổi các quan lại, thì phải từ từ lựa chọn nhân viên cho xứng đáng, chứ đem người mới làm việc lại dở hơn người cũ, thì chỉ làm rối việc chứ không có ích gì. Tuy thế, nhưng chỗ nào có viên tỉnh trưởng bất lực lắm, chúng tôi cố tìm trong những nhân vật mới, xem ai có thể làm được đem ra thay. Hãy làm thử như thế một vài nơi xem hiệu quả thế nào. Nhưng xét ra hiệu quả mong đợi cũng không được mỹ mãn lắm.
Chính sách của chúng tôi lúc bấy giờ, vì tình thế chưa được vững chắc nên phải đi từ từ, không làm điên đảo hết cả, sợ gây ra rối loạn.
Theo Hồi kí "Một cơn gió bụi" của cựu thủ tướng, nhà sử học, nhà giáo Trần Trọng Kim