Liên tục lịch sử, một đặc tính cơ bản của nền giáo dục miền Nam Việt Nam trước năm 1975


Gs Phạm Cao Dương

Trước khi vào đề:

Bài này khởi sự được viết và được phổ biến năm 2006. Tôi viết vì sự thôi thúc của bạn bè trước tình trạng phải nói là vô cùng tệ hại của nền giáo dục ở trong nước, phản ảnh qua các cơ quan truyền thông ở cả trong nước lẫn hải ngoại, nhất là các đài BBC của Anh hay RFI của Pháp. Hai đài sau này mỗi độ tháng 5 hay tháng 6 dương lịch là tường thuật kể như hàng ngày với cảnh thê thảm khó tưởng tượng của các trường thi sau mỗi buổi thi và tình trạng đắt đỏ cùng nhu cầu đóng góp đến độ vô lý, vượt khỏi sức chịu dựng nổi cho giới phụ huynh khi gửi các con em của mình đến trường.
Mọi người muốn tôi nhắc lại nền giáo dục của nước nhà thời xưa, đặc biệt là thời Việt Nam Cộng Hòa. Năm nay là năm 2016. Thấm thoát đã mười năm. Thời gian trôi qua thật nhanh đến độ khủng khiếp. Những người đã thúc đẩy tôi phần lớn đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng tình trạng thì vẫn thế, cũng giống như trường hợp tôi viết về ước vọng của tôi qua bài “Viễn ảnh của Nước Việt Nam năm 2010”, với cái mốc là năm 1010, năm Lý Công Uẩn lên ngôi mở đầu cho không phải chỉ thời Lý-Trần mà còn cả thiên niên kỷ thứ hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam như tôi viết trước đó. Bây giờ thì những người đã thúc đẩy tôi phần lớn đã ra đi. Tôi quyết định viết lại bài này để chia sẻ với bạn đọc vì mười năm trước tôi còn bỏ sót không nhắc tới một số nhân vật đã góp phần làm đẹp cho nền giáo dục của miền Nam mà không ai biết đến, vì hồi đó các vị này còn sống không muốn được người khác đề cao, cũng như một số chi tiết mà nhất thời tôi không để ý hay không nhớ ra hoặc trình bày chưa đủ rõ.  P.C.D.

Một trong những đặc tính căn bản của sinh hoạt ở Miền Nam thời trước năm 1975 nói chung và văn hóa miền Nam nói riêng là sự liên tục lịch sử. Nói như vậy không có nghĩa là trong thời gian này miền đất mà những người Quốc Gia còn giữ được không phải là không trải qua nhiều xáo trộn. Chiến tranh dưới hình thức này hay hình thức khác luôn luôn tồn tại và có những thời điểm người ta nói tới các chế độ độc tài hay quân phiệt và luôn cả cách mạng. Nhưng ngoại trừ những gì liên hệ tới chế độ, quân sự hay an ninh quốc gia, sinh hoạt của người dân vẫn luôn luôn được tôn trọng. Sự liên tục lịch sử do đó đã có những nguyên do để tồn tại, tồn tại trong sinh hoạt hành chánh, tồn tại trong sinh hoạt tư pháp, trong văn chương và nghệ thuật và tồn tại đương nhiên trong sinh hoạt giáo dục. Trong bài này tôi chỉ nói tới giáo dục và giáo dục công lập. Đây không phải là một bài khảo cứu mà chỉ là một bài nhận định và những nhận định được nêu lên chỉ là căn bản, sơ khởi, đồng thời không đầy đủ. Một sự nghiên cứu kỹ càng, có phương pháp hơn và đầy đủ hơn là một điều cần thiết. Ở đây tôi xin được nêu lên năm đặc tính mà tôi gọi là cơ bản. Năm đặc tính này là:
Thứ nhất: Giáo dục là của những người làm giáo dục.
Thứ hai: Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia, dân tộc và con người, dựa trên những truyền thống cũ.
Thứ ba: Sự liên tục trong phạm vi nhân sự.
Thứ tư: Hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp và chương trình Hoàng Xuân Hãn thời năm 1945 và Phan Huy Quát sau đó.
Thứ năm: Một xã hội tôn trọng sự học và những người có học.

Thứ nhất: Giáo dục là của những người làm giáo dục.
Giáo dục công lập ở Việt Nam đã có từ lâu đời và tùy theo nhận định của các sử gia, tới một mức độ nào đó định chế này đã tồn tại ít ra là trên dưới mười thế kỷ. Mục đích của nó là để đào tạo nhân tài cho các chế độ, nói riêng, và cho đất nước, nói chung. Các vua chúa Việt Nam thời nào cũng vậy, cũng coi trọng việc học. Có điều coi trọng thì coi trọng, các vua Việt Nam, nói riêng và các triều đình Việt Nam, nói chung, chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào sinh hoạt giảng dạy của các trường, hầu hết là các trường tư ở rải rác khắp các làng xã ở trong nước do các thày đồ đảm nhiệm. Sinh hoạt này hoàn toàn do các thày ở các trường tự do đảm trách với sự bảo trợ của các nhà khá giả ở trong làng hay trong vùng. Cao hơn là các trường của các huấn đạo, giáo thụ, đốc học…Tất cả đều là những học quan. Giáo dục do đó là của người dân, do người dân đóng góp và trực tiếp là của những người làm giáo dục. Nói cách khác, cho đến khi người Pháp sang, nó là của giới trí thức đương thời, đúng hơn là của các nhà Nho với tất cả những học thuyết, nhửng nguyên tắc căn bản của giới này. Sang thời Pháp, do nhu cầu bảo vệ, truyền bá và qua sứ mạng truyền bá văn minh và văn hóa (mission civilisatrice) của họ, một sứ mạng người Pháp tự gán cho mình, họ đã lập ra một nền giáo dục mới, nền giáo dục Pháp-Việt, nhưng việc điều hành, việc soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo được huấn luyện chuyên môn hay ít ra là đã lựa chọn nghề dạy học làm sinh hoạt chính của mình, với tinh thần quí trọng kiến thức và yêu mến nghề dạy học dù chỉ là tạm thời về phía người Pháp cũng như về phía người Việt. Chỉ cần mở các sách giáo khoa được soạn thảo, ấn hành và phổ biến trong thời gian này, người ta có thể thấy ngay vai trò của các nhà giáo Việt Nam là như thế nào. Cuối cùng khi người Mỹ đến Việt Nam, giáo dục đã trở thành một ngành học chuyên môn thay vì chỉ là giảng dạy. Qua các chương trình viện trợ và du học, một từng lớp các nhà giáo dục mới đã được đào tạo từ các đại học Mỹ với các bằng cấp chuyên môn về giáo dục, từ cao học tới tiến sĩ, từ giáo dục nói chung đến, tâm lý, hành chánh, cố vấn và khải đạo… đã bắt đầu về nắm giữ những chức vụ quan trọng trong nghề mà người từ bên ngoài không khỏi không ngần ngại khi đụng tới. Đã có thời người người ta đề cập tới nhu cầu huấn luyện phương pháp giảng dạy cho tất cả các giáo chức kể cả giáo chức ở các ngành khác qua một quan niệm rộng rãi hơn là chỉ giảng dạy chuyên môn của mỗi người nhắm tới sự hữu hiệu hơn trong sứ mạng và trách nhiệm của người đứng trên bục giảng, một việc làm khác với việc hành nghề ở bên ngoài học đường.
Đặc tính kể trên đã liên tục được tôn trọng trong suốt thời gian miền Nam tồn tại và luôn cả trước đó, từ thời Chính Phủ Quốc Gia của Cựu Hoàng Bảo Đại. Chức vụ bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng trong việc lựa chọn nhân sự điều hành trong bộ, ngoại trừ các chức vụ có tính cách chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư tức thư ký riêng của bộ trưởng... tất cả các chức vụ chỉ huy khác trong bộ, từ thứ trưởng, tổng thư ký, tổng giám đốc, giám đốc, chánh sở, chủ sự.. cho tới các hiệu trưởng các trường và đương nhiên là các giáo sư, giáo viên đều là những nhà giáo chuyên nghiệp. Lý do rất đơn giản: họ là những người biết việc, rành công việc và có kinh nghiệm, biết rõ nhu cầu của học trò và phụ huynh cũng như xã hội, chưa kể tới sự yêu nghề, yêu trẻ, đã lựa chọn nghề ngay từ đầu và sẽ ở lại với nghề cho đến hết đời. Chính trị đối với họ chỉ là nhất thời, tương lai của cả một dân tộc hay ít ra là của những thế hệ tới mới là quan trọng.
Trong phạm vi lập pháp, rõ hơn là ở quốc hội, các chức vụ đứng đầu các ban hay các tiểu ban liên quan tới giáo dục, dù là thượng viện hay hạ viện đều do các nghị sĩ hay dân biểu gốc nhà giáo phụ trách. 
Trong lớp học, các thày nói chung được tự do giảng dạy. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đã ngưng lại trước ngưỡng cửa của học đường, hẹp hơn nữa là ngưỡng cửa của lớp học, đặc biệt là ở cấp đại học và tới một giới hạn nào đó ở cả bậc trung học, không ai bắt buộc các thày phải thế này, thế khác, ngoại trừ lương tâm và sự hiểu biết của chính mình. Cũng vậy, không ai rình rập hay báo cáo để bắt bỏ tù. Không có gì gọi là của Đảng hiện diện. Sự tôn trọng quyền tự do của người thày này giúp bảo đảm phẩm chất, tư cách, khả năng cá nhân và giá trị của mỗi người thày, không riêng ở bậc đại học mà luôn cả ở bậc trung học. Chính vì thế mà ở miền Nam danh xưng giáo sư dịch từ tiếng Pháp professeur vẫn tiếp tục được dùng để gọi các nhà giáo bậc trung học thay vì giáo viên là danh xưng chỉ dùng để gọi các thày cô ở bậc tiểu học như sau này. Tưởng cũng nên để ý là ở bậc trung học người thày không phải chỉ dựa trên sách giáo khoa có sẵn để dạy mà còn phải tìm hiểu, tra cứu, suy tư thêm bằng những nỗ lực riêng của mình, đặc biệt là ở các môn văn chương và khoa học nhân văn để có thể đem lại cho học trò của mình những gì mới mẻ mà trong sách không có hay đã quá cũ. Chính vì thế mà ngay từ thời Pháp thuộc rồi sau này ở cả hai miền Nam, Bắc. Rất đông những giáo sư các trường trung học đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một nền văn chương và học thuật riêng cho một nước Việt Nam độc lập. Các vị như Nghiêm Toản, Nguyễn Khắc Kham… ở miền Nam, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy… ở miền Bắc, trước đó là Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, sau này là Nguyễn Sỹ Tế, Phạm Thế Ngũ, Vũ Khắc Khoan…là những trường hợp điển hình. Các vị này bắt đầu là những giáo sư trung học nhưng những công trình nghiên cứu của các vị đều là những tác phẩm của các bậc thày. Trong khi đó thì nhiều giáo sư khoa bảng khác tuy bắt đầu bằng những bằng cấp cao và tiếng là dạy đại học nhưng tất cả mọi chuyện đã dừng lại ở những bằng cấp và chức vị mà họ đạt được. 
Các sách giáo khoa cũng do các nhà chuyên môn soạn thảo. Ai cũng có quyền soạn thảo, xuất bản và phổ biến, miễn là phải theo đúng chương trình hiện hành và tuân theo những nguyên tắc kiểm duyệt. Rất ít khi có các sách do bộ quốc gia giáo dục ấn hành. Tất cả là tùy thuộc vào phẩm chất của tác phẩm.
Thứ hai: Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia, dân tộc và con người, dựa trên những truyền thống cũ của người Việt.

Nói tới ba nguyên tắc căn bản, đồng thời cũng là tôn chỉ và mục đích tối hậu của nền giáo dục của miền Nam trước năm 1975, có người tỏ ý không thích. Lý do có lẽ, tôi chỉ đoán như vậy, là vì ba nguyên tắc này phần nào đã được người Cộng Sản nêu lên trong Đề Cương Văn Hóa 1943 của họ. Ba nguyên tắc đó là Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng, sau này là Nhân Bản, Dân Tộc và Khoa Học trong khi trong Đề Cương Văn Hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam thì là Dân Tộc, Đại Chúng và Khoa Học. Ở đây người viết không đi sâu vào khía cạnh này vì dù không thích hay không đồng ý, ba nguyên tắc Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng vẫn đã trở thành căn bản của nền giáo dục của miền Nam. Chúng đã giúp cho nền giáo dục này giữ được những truyền thống cơ bản của dân tộc và phát triển một cách vững vàng từng bước một để theo kịp với đà tiến triển của cả nhân loại mà không chạy theo những gì của thời thượng để trở thành lai căng, mất gốc, đồng thời cũng không bị gán cho là bảo thủ, lỗi thời. Tính cách liên tục lịch sử của nền giáo dục của miền Nam sở dĩ có được, phần nào là dựa trên những nguyên tắc này, đặc biệt là nguyên tắc Dân Tộc. Nó cho phép người ta đề cao và bảo tồn những truyền thống dân tộc trong học đường, dù đó là những truyền thống thuần túy Việt Nam hay những truyền thống của Khổng giáo. Đôi câu đối được khắc trên cổng chính của một trong những trường trung học lớn nhất của miền Nam là trường Petrus Trương Vĩnh Ký sau đây là một trường hợp điển hình:
Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Âu Tây khoa học yếu minh tâm

Trong khi đó thì nguyên tắc khai phóng đã giúp người ta thường xuyên cởi mở, khoáng đạt để sẵn sàng đón nhận những gì mới mẻ từ bên trong cũng như từ bên ngoài từ đó theo kịp đà tiến bộ chung của cả nhân loại. Sinh hoạt giáo dục ở trong vùng Quốc Gia Việt Nam và ở miền Nam Việt Nam trong thời gian tồn tại mỗi ngày mỗi sinh động hơn là nhờ nguyên tắc này thay vì trở thành xơ cứng, ít ra không hấp dẫn với những thế hệ mới của miền Nam nhưng vẫn được mọi người tôn trọng trái hẳn với thực tế đã xảy ra trước năm 1975 ở miền Bắc và trên toàn quốc sau năm này. Lý do là vì khi nói tới nguyên tắc này, người ta nghĩ ngay tới hai chữ dân chủ, từ đó những nhận định quen thuộc là do dân, vì dân và cho dân. Ở đây là của đai chúng, do đại chúng, cho đại chúng và phục vụ đại chúng thay vì là chỉ do một thiểu số cầm quyền, hay giàu có. Một trong những gì mà nền giáo dục của miền Nam đã đem lại cho đại chúng là tính miễn phí, miễn phí từ tiểu học cho đến đại học, ít ra là ở các trường công lập bất kể đất nước còn đang ở trong tình trạng chiến tranh và nghèo nàn. Người ta chỉ cần đậu xong bằng tú tài là có thể ghi danh hay thi vào đại học. Học phí rất thấp, hầu như chỉ vừa đủ cho thủ tục hành chánh giấy tờ. Sinh viên ra trường hầu như không nợ nần gì cả chưa kể tới các trường đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp, sinh viên được cấp học bổng đủ sống để có thể dốc toàn thời gian vào việc học. Các trường tư cũng được tự do coi như để bổ khuyết cho khả năng giới hạn của các trường công do số học sinh mỗi ngày một đông, trường công không đáp ứng được đầy đủ. Trong phạm vi này các tôn giáo đã đóng một trò vô cùng quan trọng. Ngoài các trường trung và tiểu học, tôn giáo nào cũng có trường đại học: Công Giáo có trường Đà Lạt, Phật Giáo có trường Vạn Hạnh, Phật giáo Hoà Hảo có trường Long Xuyên, Cao Đài có trường Tây Ninh, chưa kể tới các Đại Học Minh Đức, Cửu Long…
Image removed by sender. truong petrus ky Image removed by sender. truong petrus ky

Thứ ba: Sự liên tục trong phạm vi nhân sự.
Nhân sự ở đây không ai khác hơn là các nhà giáo, căn bản là các nhà giáo chuyên nghiệp. Tôi muốn nói tới các nhà giáo tốt nghiệp từ các trường sư phạm, những người ngay từ thuở thiếu thời đã chọn nghề dạy học làm lý tưởng cho mình và chỉ sống bằng nghề dạy học, vui với nghề dạy học, hãnh diện với vai trò làm thày, làm cô của mình, và ở với nghề cho đến hết đời, dù đó là sư phạm tiểu học hay sư phạm trung học. Khởi đầu là các vị tốt nghiệp các trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội hay các trường sư phạm dành cho các giáo viên tiểu học. Tất cả các vị này đã phục vụ trong ngành giáo dục ngay từ thời Pháp Thuộc và vẫn còn tiếp tục giảng dạy khi đất nước bị qua phân hoặc vì đã ở sẵn tại các trường trong Nam khi các trường này được mở cửa trở lại sau một thời gian chiến tranh bị tạm đóng cửa. Sau khi đất nước bị chia cắt và qua cuộc di cư của non một triệu người từ miền Bắc vô Nam, hàng ngũ của các vị lại được tăng cường thêm bởi một số đông các đồng nghiệp của họ từ miền Bắc vô cùng với các trường được gọi là Bắc Việt di chuyển. Tất cả đã cùng nhau hướng dẫn và điều hành các học đường miền Nam trong thời kỳ chuyển tiếp từ Pháp thuộc sang độc lập, đồng thời cũng là những giảng viên cơ bản trong các trường huấn luyện giáo chức thuộc thế hệ mới. Từ phong thái đến cách giảng dạy, từ cách vào lớp tới cách viết bảng và xóa bảng, các vị này đã để toát ra một sự chừng mực của những nhà mô phạm nhà nghề. Học đường do đó đã tránh được nạn chánh trị hóa, tránh được nạn cán bộ chánh trị xâm nhập. Nhiều vị vào những lúc tình thế vô cùng tế nhị đã giữ được thế vô tư và độc lập của học đường. Cũng cần phải nói thêm là trong thời gian này nhiều vị xuất thân là cử, tú, kép, mền, luôn cả tiến sĩ của thời Nho học còn thịnh hành, những người tinh thâm Nho học, vẫn còn có mặt ở các học đường, đặc biệt là các đại học Văn Khoa ở Saigon và Huế. Những trường này được coi như là những trung tâm văn hóa ở mức độ cao của miền Nam và được coi là biểu trưng cho văn hóa của dân tộc.
Thứ tư: Hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp và chương trình Hoàng Xuân Hãn thời năm 1945 dù có được sửa đổi. 
Đây là một trong những đặc tính căn bản của nền giáo dục của miền Nam trong suốt thời kỳ nền giáo dục này tồn tại. Những gì người Pháp thiết lập không những không bị hủy bỏ, coi như tàn tích của chế độ thực dân, đế quốc mà còn được thận trọng giữ gìn, song song với việc bảo tồn truyền thống văn hóa cổ truyền và đạo đức của dân tộc. Người Việt ở miền Nam trong tinh thần cởi mở và tự do đã biết phân định những gì là kìm kẹp và những gì là hay đẹp mà một chế độ chính trị đem lại thay vì cứ nhắm mắt đập bỏ để sau này hối tiếc. Các nhà làm giáo dục ở miền Nam đã tỏ ra vô cùng thận trọng trong mọi quyết định. Những gì gọi là cách mạng vội vã, nhất thời dường như không được chấp nhận. Họ chủ trương cải tổ để thích ứng với hoàn cảnh mới và cải tổ từ từ, kể cả khi thế lực và ảnh hưởng của người Mỹ, từ đó áp lực của Mỹ đã trở nên rất mạnh. Hệ thống giáo dục do người Pháp từ tiểu học cho đến đại học đã tồn tại dưới hình thức Việt hóa bắt đầu từ thời chính phủ Trần Trọng Kim với chương trình Hoàng Xuân Hãn, vị bộ trưởng giáo dục đương thời. Nó cho phép người ta, từ thày đến trò dễ dàng chuyển sang một nền giáo dục mới của một quốc gia độc lập không hề có chuyện trục trặc. Ngay từ cuối niên học 1944-1945 người ta đã tổ chức đươc những kỳ thi ở bậc tiểu học bằng tiếng Việt mà không hề có chuyện than phiền, khiếu nại. Điều nên nhớ là chính phủ Trần Trong Kim chỉ tồn tại có vẻn vẹn chưa được bốn tháng trời, đúng hơn chỉ có hơn một trăm ngày với những phương tiện giao thông và liên lạc hết sức nghèo nàn. Sau này khi gửi sinh viên ra ngoại quốc du học, miền Nam đã không gặp phải những khó khăn trong việc đối chiếu bằng cấp và khả năng của các đương sự, không phải chỉ riêng cho những ai muốn sang du học bên Pháp mà luôn cả cho những ai muốn sang các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Nhật... vì đó là một hệ thống giống như các hệ thống khác thuộc thế giới tây phương, một hệ thống gần với hệ thống chung của quốc tế.
Duy trì mối liên tục lich sử cũng cho phép người ta sử dụng được các sách giáo khoa của người Pháp và những sách giáo khoa về lịch sử và văn chương Việt Nam do chính người Việt soạn thảo từ thời trước năm 1945 và sau đó là từ năm 1947 đến năm 1954 ở những vùng đất của người quốc gia. Điển hình là các sách toán học, vật lý và hóa học bằng tiếng Pháp, do các tác giả Pháp soạn và xuất bản ở bên Pháp nhưng đã được không những các thày mà luôn cả các học trò sử dụng làm tài liệu học thêm hay để tự học trong thời gian đã được độc lập này. Trong phạm vi văn chương, những sách của Dương Quảng Hàm, đặc biệt là hai cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển đã được dùng rất lâu dù cho nhiều sách giáo khoa khác đầy đủ hơn đã được soạn thảo. Cũng vậy, trong phạm vi sử học với cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Về nội dung, đặc biệt là trong văn học, người ta cũng thấy nền giáo dục của miền Nam vẫn giữ được tinh thần tự do, cởi mở. Các tác giả được đem dạy hay trích dẫn đã được lựa chọn căn cứ vào giá trị của các công trình những tác giả này, thay vì gốc gác và sự lựa chọn chế độ của họ, bất kể họ ở miền Bắc hay ở miền Nam trong thời gian này. Tô Hoài, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân... là những trường hợp điển hình.
Trong phạm vi thi cử, các kỳ thi được thiết lập từ thời Pháp hay có ở bên Pháp vẫn được duy trì, đặc biệt là hai kỳ thi tú tài. Ở bậc đại học hệ thống tổ chức cũng tương tự. Ảnh hưởng của người Mỹ chỉ được chấp nhận một cách từ từ với nhiều thận trọng, mặc dầu người Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền bạc và nhân sự qua các chương trình viện trợ. Hình thức thi trắc nghiệm áp dụng cho các kỳ thi tú tài chỉ được thực hiện rất trễ về sau này và dư luận đã đón nhận nó với những nhận định khác nhau. Tiếc rằng chỉ vài năm sau miền Nam đã không còn nữa.
Trong phạm vi tổ chức thi cử, người ta có thể thấy không riêng gì quan niệm, cách tổ chức, cách coi thi và chấm thi cũng như cách cho điểm, định kết quả và công bố kết quả hãy còn chịu ảnh hưởng nhiều của người Pháp mà còn luôn cả những thời quân chủ trước đó nữa. Quyền uy của các giám khảo, các chánh phó chủ khảo, các giám thị đã luôn luôn được tôn trọng và nhiều vị chủ khảo đã tỏ ra vô cùng can đảm giữ thế độc lập cho mình hay biết khôn ngoan né tránh cho mình và cho các đồng nghiệp của mình khi phải lãnh nhiệm vụ ở những vùng xa thủ đô Saigon. Về phía chính quyền thì từ trung ương đến địa phương hầu như không hề có sự trực tiếp can thiệp. Báo chí, các cơ quan truyền thông vẫn luôn luôn hiện diện và sẵn sàng phanh phui mọi chuyện. Ngay cả trường hợp các thí sinh là những sĩ quan cao cấp trong quân đội hay trong các lực lượng an ninh. Điển hình nhất là trường hợp của Đại Tướng Cao Văn Viên. Tướng Viên lúc đó là Tổng Tham Mưu Trưởng của Quân Lực việt Nam Cộng Hòa. Ông là một người ham học nên mặc dù vô cùng bận rộn với quân vụ, ông vẫn ghi danh theo học trường Đại Học Văn khoa Saigon, ban Pháp Văn. Trong kỳ thi cuối năm Chứng Chỉ Văn Chương và Văn Minh Pháp, ông đã đậu thi viết nhưng bị đánh rớt phần vấn đáp. Đây là một trong những chứng chỉ tương đối khó, nhiều khi kết quả được công bố: không ai đậu, ngay từ phần thi viết. Tướng Viên đã đậu phần thi viết. Điều này chứng tỏ khả năng viết và sự hiểu biết của ông, ít ra là về môn học được hỏi trong phần này, vì bài làm của thí sinh luôn luôn bị rọc phách trước khi giao cho giám khảo chấm. Trong phần vấn đáp, thày trò trực tiếp đối diện với nhau và vị giám khảo là người Việt, không phải ngưòi Pháp, còn trẻ, ở tuổi quân dịch. Ông đã bị chính vị giám khảo người Việt này đánh hỏng nhưng trong suốt thời gian sau đó mọi việc đều an lành, không có gì đáng tiếc xảy ra cả. Đây là một trong những điểm son rực rỡ cho cả hai phía, Quân Lực việt Nam Cộng Hoà và Trường Đại Học văn Khoa Saigon nói riêng và nền giáo dục của miền Nam nói chung thời trước năm 1975. Tưởng cũng nên nói thêm là cũng trong thời gian này, Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm, Giám Đốc Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng cũng theo học Ban Sử ở trường này. Sang Mỹ, ông ghi tên học ở đại học Mỹ và đậu thêm bằng Cao Học. Cũng vậy, chuyện chuẩn tướng chào chuẩn úy trước. Lý do là vị chuẩn tướng này đã theo học lớp văn hóa buổi tối để dự thi tú tài do sự khuyến khích của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và người chuẩn úy trước khi nhập ngũ là một giáo sư trung học dạy lớp buổi tối. Hai người gặp nhau một buổi sáng khi cùng đưa con đi học. Nhưng cũng chưa hết, trong thời gian này Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị cũng đã được người ta biết tới như một ông “Tướng Văn Hoá”. Cuối cùng và vẫn chưa hết là trường hợp của một vị trung tá cũng thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, trình một tiểu luận cao học ở ban Sử của trường Đại Học Văn Khoa Saigon. Bình thường, khi đã được phép trình, thí sinh được kể như là đã đậu và đậu tối thiểu với hạng bình thứ. Vị trung tá này đã bị đánh rớt. Lý do là ông đã không sửa lại tiểu luận của mình mặc dầu đã được khuyến cáo trước đó và để nguyên những lỗi lầm bị cho là căn bản. Cũng nên biết là trước khi trình vị trung tá này đã đặt tiệc trà ở phòng giáo sư ở ngay lầu dưới để sẽ ăn mừng cùng với bạn bè và gia đình sau khi được chấm đậu. Người ta có thể trách cứ ban giám khảo là quá nghiêm khắc nếu không nói là nghiệt ngã, nhưng vì tiểu luận cao học cũng như luận án tiến sĩ thời này được trình trước công chúng, ai vào nghe cũng được, sau đó ai cũng có thể mở xem được. Người ta có thể đánh giá nhà trường căn cứ vào phần trình bày và phẩm chất của tiểu luận. Có điều vì thí sinh này là một trung tá của Quân Đội VNCH nên nhiều người tỏ ý lo ngại cho các giám khảo. Cũng giống như Đại Tướng Cao Văn Viên, ông có thể không làm gì, nhưng đàn em của ông thì sao? Tướng Viên có thể không làm nhưng thuộc hạ của ông làm sao ông kiểm soát được? Nên nhớ Tướng Viên trước đó là Tư Lệnh Lực Lượng Nhảy Dù. Lính của ông sống nay, chết mai, chuyện gì họ cũng có thể làm được. Nhưng cuối cùng thi mọi chuyện đều đâu vào đó, an lành, không có gì xảy ra cả. Đó là những điểm son của cả nền giáo dục của miền Nam lẫn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà trước khi miền đất được coi là tự do không còn nữa, tôi xin đuợc nhắc lại.
Image removed by sender. bui dinh dam Image removed by sender. cao van vien Image removed by sender. nguyen bao tri
Tướng Bùi Đình Đạm      Tướng Cao Văn Viên      Tướng Nguyễn Bảo Trị
Thứ năm: Một xã hội tôn trọng sự học và những người có học.

Đây là một trong những đặc tính cơ bản của văn hóa Việt Nam mà xã hội miền Nam nói chung và nền giáo dục miền Nam nói riêng thời trước năm 1975 được thừa hưởng và được duy trì. Đặc tính này đã được biểu lộ không riêng qua tinh thần tôn sư trọng đạo mà còn được coi như một giá trị và là một giá trị đứng đầu trong mọi giá trị. Sự học là một giá trị và giáo dục là một giá trị. Sự học hay giáo dục làm nên con người chứ không phải là những yếu tố khác, dù đó là quyền uy và tiền bạc.

Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thày
Người làm công tác giáo dục luôn luôn được tôn trọng và từ đó có được những điều kiện ít ra là về phương diện tinh thần để thực thi sứ mạng của mình mà những người làm chánh trị, những nhà chủ trương cách mạng, kể cả những người cấp tiến nhất cũng phải kiêng nể. Giữa những người cùng làm công tác dạy học cũng vậy, tất cả đã tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng các bậc tôn trưởng, kể cả những người đã khuất. Sự thiết lập những bàn thờ tiên sư ở các trường trung học Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ phải được kể là tiêu biểu cho tinh thần giáo dục của miền Nam.
Được xã hội tôn trọng nhưng ngược lại xã hội cũng trông đợi rất nhiều ở các thày. Điển hình là chuyện “giáo sư mà cũng đi ăn phở”. Câu chuyện này do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Cư kể lại. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Cư là một trong những vị cựu sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội thời Pháp Thuộc, một trong những vị giáo sư nổi tiếng là nghiêm túc còn lại của trường này. Ông dạy ở trường Thành Chung Nam Định sau là Đại Học Sư Phạm Saigon. Một trong những học trò cũ của ông sau này là Ngoại Trưởng của Cộng Hoà Xã hội Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch. Câu chuyện xảy ra khi Giáo Sư Cư xuống chấm thi ở Mỹ Tho khi mới từ Hà Nội di cư vào Nam hồi sau năm 1954 vào một buổi sáng khi các vị giám khảo rủ nhau đi ăn phở trước khi nhập trường và khi người dân quanh vùng nhìn thấy các thày trong tiệm phở. Cũng nên nhớ là hồi đó các giáo sư trung học, nhất là các vị dạy ở cấp tú tài là rất hiếm và kỳ thi tú tài là một biến cố lớn ở trong vùng. Cũng nên để ý là, khác với ở miền Bắc, nơi thày cô thời trước gọi học trò bằng anh hay chị, trong Nam học trò được thày gọi bằng trò và thường tự xưng là trò. Quan niệm chính danh ở đây được thấy rõ, từ đó sự trông đợi tư cách phải có của người thày. Cho tới nay, người ta không rõ danh xưng em trong học đường Việt Nam về sau này đã được sử dụng từ bao giờ. Có thể từ thời có Phong Trào Thanh Niên Thế Dục Thể Thao của Hải Quân Đại Tá Ducoroy thời Thống Chế Pétain ở bên Pháp và Đô Đốc Decoux ở Đông Duơng, nhưng cũng có thể do Chủ Tịch Hồ chí Minh thời năm 1945. Nói như vậy vì trong thư gửi các học sinh hồi đầu niên khóa 1945-1946, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng câu “Các em học sinh, Các em hãy nghe lời tôi…” và tiếp theo bằng ba tiếng “lời của một người anh lớn...” mặc dù lúc đó ông đã 55 tuổi và thư là gửi cho những thiếu niên, những học sinh trung và tiểu học chỉ đáng tuổi cháu nội của ông. Lối xưng hô này đã không được một số thày cô trong Nam chấp nhận. Nhiều người vẫn ưa thích lối xưng hô cổ truyền hơn và ngay ở bậc đại học, nhiều sinh viên, đặc biệt là các nữ sinh viên, đã xưng con với các thày của mình mặc dù thày trò hơn nhau chỉ có vài tuổi. Điều này giải thích tại sao sau năm 1975, các giáo viên từ miền Bắc vô Nam ưa dạy các học sinh gốc miền Nam hơn các học sinh mới từ miền Bắc theo chế độ mới vào.
Tạm thời kết luận

Bài này được viết vào lúc những tin tức về những tệ hại trong nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam chiếm một phần không nhỏ trong sinh hoạt truyền thông quốc tế cũng như quốc nội. Ngoài những tin tức, những bài nhận định còn có những hình ảnh của các kỳ thi đi kèm. Tất cả đã xảy ra hàng ngày và đã chiếm những phần quan trọng trong thời lượng phát thanh hay phát hình hay trên các trang báo, đặc biệt là vào những thời kỳ bãi trường hay khởi đầu của một niên học. Mọi chuyện đã liên tiếp xảy ra từ nhiều năm trước và người xem, người nghe có thể đoán trước và chờ đợi mỗi khi mùa hè và sau đó là mùa thu đến. Nhiều người còn dùng hai chữ “phá sản” để hình dung tương lai của nền giáo dục này và nhiều người tỏ ý nuối tiếc quá khứ mà họ cho là rất đẹp của nền giáo dục ở miền Nam thời trước năm 1975. Trong khi đó ở Hải Ngoại, giới trẻ Việt Nam, những người xuất thân từ các học đường ở miền Nam đã thành công rực rỡ và được các thày cô và các cơ quan truyền thông khen ngợi, nếu không nói là ca tụng. Nhiều người không những vẫn tiếp tục làm nghề cũ, kể cả những ngành mà tiêu chuẩn quốc tế rất chính xác, rõ ràng mà họ học được ở các trường đại học hay cao đẳng ở Việt Nam. Rất nhiều người đã trở thành những chuyên viên cao cấp, những cố vấn, hay những giáo sư đại học bản xứ với những công trình nghiên cứu có giá trị cao và ở mức độ quốc tế. Ở đây, như đã nói trong phần mở đầu, người viết chỉ vắn tắt ghi nhận một số những dữ kiện căn bản. Nhiều công trình nghiên cứu qui mô hơn và kỹ càng hơn còn cần phải được thực hiện bởi nhiều người, trước khi người ta có thể khẳng định những nhận xét này. Tuy nhiên có một điều người ta phải để ý và thận trọng khi nói tới cách mạng và đặc biệt khi làm cách mạng vì cách mạng và hệ quả của nó đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của dân tộc, nhất là khi cách mạng không bắt nguồn từ tư duy của chính dân tộc mình. Người ta có thể xóa bỏ một chế độ chính trị bằng cách mạng, từ đó đoạn tuyệt với quá khứ nhưng người ta không thể theo đà đó mà làm cách mạng trong những phạm vi sinh hoạt khác, xóa bỏ và làm lại tất cả, trong đó có giáo dục. Cách Mạng Mỹ không làm như vậy, Cách Mạng Pháp cũng không làm như vậy…vẫn duy trì những truyền thống cũ. Nhận định này có thể bị coi là bảo thủ, nhưng đó là một sự thật và một sự thật bắt đầu bằng kinh nghiệm. Có điều vì bằng kinh nghiệm nên khi biết được sự thật thì đã quá muộn. Nhiều khi người ta phải từ bỏ cách mạng để trở về với truyền thống của cha ông vì cha ông của chúng ta cũng là người, cũng thông minh, cũng khôn ngoan, sáng suốt, cũng nhạy cảm như chính chúng ta, ngoại trừ các Cụ sống ở thời của các Cụ, mỗi Cụ chỉ sống một thời gian ngắn, còn truyền thống thì có từ lâu đời. Phải có lý do truyền thống mới được theo, được duy trì và từ đó tồn tại.Lịch sử do đó đã luôn luôn liên tục vì không liên tục là đổ vỡ, là mất quân bình và xáo trộn, là thụt lùi hay ít ra là bất khả tiến bộ.
Phạm Cao Dương