Một xã hội tâm linh mê muội


Trần Văn 
Những ngày đầu tiên của một năm mới âm lịch đã qua, mùa lễ hội đã bắt đầu và theo sau đó lại là đủ cảnh chướng tai, gai mắt, đủ chuyện đáng ngẫm nghĩ. Chẳng riêng mạng xã hội, một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức, bắt đầu nhắc đi, nhắc lại hai chữ “mê muội” với tần suất càng ngày càng cao, nhằm cảnh báo về một vấn nạn xã hội càng ngày càng trầm trọng, tín hiệu của mạt kỳ càng lúc càng rõ ràng (1).

Trước Tết âm lịch, nhiều người bày tỏ sự buồn phiền khi phóng sinh mà như tận diệt cả động vật lẫn môi trường. Cúng kiến càng lúc càng nhố nhăng, người sống đốt cả… đồ lót gửi sang thế giới bên kia cho những thân nhân đã khuất. Rồi để thỏa khát vọng giàu sang, người ta mua – bày cả cà độc dược có thể gây chết người trên bàn thờ gia tiên chỉ vì có nơi gọi loại trái ấy… là “dư” (2).
Dịp đầu năm tại Việt Nam đã trở thành thời điểm nhang khói mù mịt ở các đình, đền, chùa, miễu. Cảnh thiên hạ vây kín một số cơ sở thờ tự, chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để cầu may, cầu phúc, cầu an đã trở thành bình thường. May mắn, ân phúc, an lành vốn trừu tượng, song hàng ngàn vỏ chai được dùng thay bát hương trong quá trình thiên hạ van vái gì đó, khi xin xỏ xong thì ngổn ngang cùng với đủ loại rác lại rất thực (3). Thực tới mức không còn thấy bóng văn hóa, văn minh.
Năm ngoái, thông qua báo giới, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Ban Phật giáo Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhắn với Phật tử: Cúng sao, giải hạn là mê tín, dị đoan (4). Năm nay, nhiều đại tự như chùa Phước Khánh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn tổ chức cho Phật tử ghi danh với giá “cúng sao – giải hạn: 150.000 đồng”, “cầu an: 200.000 đồng” và dịch vụ này vẫn nườm nượp khách (5).
Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã khai hội. Tuy đề cao “kỷ cương, văn minh du lịch” (6) nhưng chen lấn, xô đẩy nên người ta vẫn thi nhau xỉu. Khách vẫn bị gạt khi lên đò. Khắp nơi vẫn ngập rác và người ngồi cáp treo vẫn rải tiền lẻ để mua phước (7)… Cũng đề cao “kỷ cương, văn minh”, Ban Tổ chức lẽ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đổi tre (theo tập tục) thành vầu vì tre nay trở thành hàng hiếm. Lễ xong, “lộc” hoa vầu và “lộc” trầu cau được dồn hết vào bao để phòng ngừa cướp “lộc” (8).
Có thể vì năm nay là năm con… heo. Hệ thống truyền thông chính thức hoan hỉ giới thiệu Lễ hội “Ông Cầu” ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Con heo được chọn – rước về nuôi từ trung tuần tháng Chạp âm lịch, được cho ăn chay một tuần trước Tết và trở thành “Ông Cầu”. Đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch thì được rước quanh lành và người ta xúm vào vuốt ve, nhổ lông lấy… may. Tới tối thì “ông” bị mổ làm mồi (9).
Cứ thế, từ tháng Giêng đến tháng hai, thậm chí tháng ba âm lịch, lễ hội nở rộ khắp nơi, đặc biệt là tại miền Bắc Việt Nam. Lễ hội trở thành mùa cúng vái, xô đẩy, giành, giật tài, lộc, mùa mà máu động vật (heo, trâu,…) kể cả máu người dự lễ cầu phước, cầu an vương vãi khắp nơi. Năm mới khởi đầu như thế nên trong năm, một con cá dị dạng, một cặp rắn cuộn vào nhau,… lập tức trở thành “thần”, thiên hạ đổ đến chiêm bái, khấn vái.
***
Có tương quan nào giữa hiện tượng các viên chức đủ cấp tham gia “phát ấn”, biểu diễn “phóng sinh”, lâm râm khấn khứa, công khai xì sụp vái lạy, với càng ngày càng nhiều ngôi chùa rất to, nhiều bức tượng rất lớn, qui mô không còn ngừng ở mức “đại tự”, “lạc cảnh” mà nở ra thành các khu du lịch tâm linh, hết cơ quan truyền thông này tán tụng tới cơ quan truyền thông kia giới thiệu để chủ đầu tư nhận đất, xây dựng chư đâu vào đâu đã thu hút khách thập phương lũ lượt tới viếng, dâng cúng tiền bạc?
Cuối năm ngoái, Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố Hà Nội hoan hỉ thông báo, ông Nguyễn Văn Trường, chủ Công ty Xây dựng Xuân Trường, vừa đề nghị chi 15.000 tỉ đồng để xây dựng “Tổ hợp Du lịch – Tâm linh chùa Hương”, diện tích 1.000 héc ta, trong đó có 400 héc ta vốn thuộc ba dự án khác đã triển khai (10). Có tương quan nào giữa sự gia tăng mức độ mê muội của đám đông với các khu du lịch tâm linh đã và đang nuốt cả trăm ngàn héc ta rừng, núi, sông, hồ, đảo?
Năm 2006, ông Trường bắt đầu đầu tư vào Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Tự thân Tràng An vốn đã là thắng cảnh vì những con sông uốn quanh các dãy núi đá vôi với rất nhiều hang động, xen kẽ với các cánh rừng... Do từng là một trong những cố đô của Việt Nam, Tràng An còn có nhiều di tích văn hóa. Ông Trường là người xây Bái Đính Tân Tự (chùa Bái Đính) mới với chín cái nhất không… châu Á thì cũng… Đông Nam Á hoặc Việt Nam (11).
Từ dự án Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – chùa Bái Đính, ông Trường đề nghị đầu tư Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao ở Hà Nam. Diện tích khu vực này khoảng 4.000 héc ta, trong đó có hồ Tam Chúc (diện tích 545 héc ta). Công ty Xây dựng Xuân Trường nhận phục dựng đình Tam Chúc, xây mới chùa Tam Chúc, bên cạnh nhà nghỉ, sân golf…
Năm 2015, ông Trường đề nghị Hải Phòng giao đảo Cái Tráp để đầu tư một khu du lịch tâm linh nữa, diện tích 88 héc ta, có tượng Phật Thích Ca cao 150 m, bên cạnh khách sạn 5 sao, sân golf và... casino. Năm 2016, ông Trường được giao 18.940 héc ta, trong đó có thắng cảnh hồ Núi Cốc ở tỉnh Thái Nguyên để dựng một ngôi chùa có “Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới”, bên cạnh khách sạn 5 sao, bến cho du thuyền, sân golf 36 lỗ,… (12).
Điểm đầu tiên cần chú ý là Chùa Bái Đính chưa xong nhưng với chín cái nhất được hệ thống truyền thông quảng bá liên tục, rồi với xá lợi Phật được rước từ Ấn Độ về, hết đại lễ này tới đại lễ khác được tổ chức tại đó… Tràng An trở thành một điểm hành hương và tham quan nổi tiếng, khách du lịch tăng theo mức triệu/năm.
Năm 2014, tờ Nhân Dân có một bài, đặt vấn đề rằng, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – chùa Bái Đính. Theo đó, vốn đầu tư vào Khu Du lịch Tràng An, đặc biệt là hạ tầng, không phải của Công ty Xây dựng Xuân Trường, nhiều hạng mục trong dự án này là công quỹ (đâu cỡ 3.000 tỉ) nhưng tổ chức khai thác thì vẫn do Công ty Xây dựng Xuân Trường đảm nhận. Bởi có sự “đan xen chằng chịt giữa công và tư” nên chưa xác định được tỷ lệ đầu tư/tỷ lệ phân chia lợi nhuận. Tạm thời, Công ty xây dựng Xuân Trường hưởng… 90% doanh thu (13).
Không phải ngẫu nhiên mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương hết sức tâm huyết với việc phát triển các khu du lịch tâm linh. Thời toàn đảng khuyến khích toàn quân, tàn dân phỉ nhổ tâm linh đã qua. Giờ đụng tới tâm linh, ai cũng ngại lạm bàn vì đây là lĩnh vực mà mức độ đồng thuận giữa đảng và dân càng ngày càng cao. Kế hoạch thực hiện “tuyến du lịch tâm linh” từ Hà Nội đến Ninh Bình đã được phê duyệt.
Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – Chùa Bái Đính, điểm cuối của “tuyến du lịch tâm linh” được chọn làm nơi khởi đầu. Ngôi chùa với chín cái nhất dọn dường cho Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao. Điểm cuối sẽ là “Tổ hợp Du lịch – Tâm linh chùa Hương”. Tất cả đều do Công ty Xây dựng Xuân Trường đầu tư. Xét kỹ thì “đầu tư” chỉ gồm các công trình tâm linh gắn với một cái… nhất gì đó. Hạ tầng – tốn kém nhất – sẽ dùng công quỹ. Hoàn tất thì Công ty Xây dựng Xuân Trường tổ chức khai thác.
***
Để cho sòng phẳng, cần phải nói thêm, không phải cứ dính tới “tâm linh” là được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hỗ trợ tận tình. Thực tế cho thấy, muốn được nâng đỡ, “tâm linh” phải gắn với du lịch do một đại gia có máu mặt nào đó đầu tư hoặc do một “cao tăng” được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tin cậy trụ trì, có thể dạy Phật tử những điều đại loại như: Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Theo đạo lý, em phải kính trọng anh. Lý Thường Kiệt đánh Trung Quốc là… hỗn (14)! Tu hành mà “chỉ lạy Phật, không lạy cộng sản” thì đừng mơ xây chùa, ngay cả chỗ trú thân cũng sẽ bị san thành bình địa (15).
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khuyến khích đám đông hướng tới tâm linh là hướng vào khát vọng thăng quan, phát tài để có thể ăn trên, ngồi trước, ăn sung, mặc sướng. Luân thường, đạo lý của người Việt không có chỗ trong định hướng mới về tâm linh nên xô đẩy, chen lấn, tranh giành, cướp, giựt “phúc”, “lộc”, hối lộ thần thánh bằng tiền lẻ, lễ vật,… trở thành tất nhiên và bình thường. Định hướng mới về tâm linh không có chỗ cho tiến bộ cá nhân, tôn trọng nhân vị, xã hội an lành. Đó cũng là lý do “Đạo Dương Văn Minh” – một nhánh của Tin Lành trong cộng đồng H’Mong ở phía Bắc Việt Nam do Dương Văn Minh truyền giảng bị đàn áp thẳng tay.
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giải thích “Đạo Dương Văn Minh” là… “tà đạo” cho dù “tà đạo” này vận động người H’mong ngưng treo xác chết trong nhà rồi bày tiệc ra ăn uống với người chết suốt bảy ngày, sau đó đem xác đi chôn không tẩn liệm. “Tà đạo” khuyến khích người H’mong xây dựng nhà tang lễ, làm quan tài để đặt người chết vào đó. Chuyện thăm viếng chỉ trong 24 tiếng rồi đem chôn (16). Tuy hướng người H’mong tới hành xử văn minh y hệt người Kinh nhưng “Đạo Dương Văn Minh” vẫn bị xác định là “tà đạo” bởi nằm ngoài định hướng về tâm linh. Cộng đồng H’mong văn minh hơn có thể là một nguy cơ cho “ổn định chính trị”, đe dọa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng, nên nhà tang lễ bị giựt sập, những người H’mong nhiệt thành với đạo mới bị tống giam, phạt tù.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương (Cơ quan chuyên trách nghiên cứu, tư vấn cho Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN về lý luận chính trị), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - từng nhấn mạnh, ông không đồng tình với hai từ “tà đạo” đối với những nhóm tôn giáo mới. Trong bối cảnh hiện nay phải tôn trọng niềm tin tôn giáo. Dùng chữ “tà” là một dạng kỳ thị. Nếu được dùng chính thức thì là sự vi phạm các quyền căn bản của con người (18).
Cho dù viên chức các cấp hướng tới, nói về tâm linh nhiều hơn nhưng tâm linh không đơn thuần là tâm linh. Chẳng ở đâu, mê muội giúp trộn chính với tà nhuyễn hơn Việt Nam.
Chú thích
(14) https://www.facebook.com/nqshvietnam/videos/trung-quốc-là-anh-việt-nam-là-em-lý-thường-kiệt-đem-quân-đánh-trung-quốc-là-hỗn/249786542463208/

https://www.voatiengviet.com/a/mot-xa-hoi-tam-linh-me-muoi/4785078.html