Nguyễn Quang
Trước khi vấn đề nhân bản vô tính trở nên phổ biến trên bình diện sinh tồn của nhân loại cũng như ngược lại. Hiện nay vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm như liệu pháp bình thường của những cặp vợ chồng vô sinh, nhưng nó không dừng ở đó, khi những người không thích lập gia đình nhưng muốn có con, hay với nhiều lý do khác nhau… họ có mẫu số chung, cùng nhau vào ngân hàng tinh trùng. Trên nền tảng khoa học, từ những định đề thuần túy lý trí, thế giới này đều có thể xảy ra với những gì hữu thể suy tưởng và khả dĩ hành động trong phạm vi con người trên bình diện nhân loại học.
Nhà văn, nhà xã hội học… như trụ cột chống đỡ của xã hội, tiếng nói mở đường để con người cùng đi đường, chúng ta đã chắc điều này: những người cùng dòng máu kết hôn với nhau và hệ lụy của di truyền bẩm sinh, những phát sinh của những chứng bệnh do cùng máu huyết cả về yếu tố tích cực cũng như bi quan. Bây giờ đã đến lúc không còn phải xem lại luật lệ về thụ tinh nhân tạo hay không khi mà có trường hợp tinh trùng của một người đã giúp sinh ra cả trăm đứa trẻ? Nếu lớn lên mà không biết thì làm sao loại trừ khả năng chúng lập gia đình với nhau? Nếu có cùng huyết thống mà lấy nhau và sinh con thì tiềm năng có vấn đề về di truyền cao thấp ra sao? Những vấn đề đạo đức bắt đầu từ đây và hiện các Giáo hội chưa có luật cấm các Tu sĩ cho tinh trùng và nếu như có một Linh mục nào đó đã hiến tinh trùng thì vấn đề con cái từ ống nghiệm của họ? Nhất là có nhiều Tu sĩ đẹp lão, phúc hậu và có sự khả tín hơn về chất lượng của tinh trùng trong sự cảm nghiệm thuần túy thường nghiệm.
Ngay cả cái sướng, sự khoái lạc và đau khổ trên bình diện cá nhân cũng đặt lại, tôi có trách nhiệm với những dục vọng khả giác của tôi, hay đó chỉ còn là một vấn đề thuần túy thuộc nhu cầu sinh lý cá nhân như mọi sự bài tiết khác mà quan niệm Á Đông gọi tóm thâu trong cái tứ khoái.
Tất cả không còn vấn đề tại sao và sẽ về đâu nhưng là vấn đề trách nhiệm của toàn nhân loại, hình ảnh gia đình chỉ còn là một chiều kích và cộng đồng xã hội nay xây dựng trên nền tảng các tế bào xã hội chỉ có người bố, thường là người mẹ. Khi gia đình không còn được định nghĩa gồm cha mẹ, ông bà. Cái tế bào gia đình đó đã đơn tính theo sự sinh sản vô tính. Nghĩa là gia đình được định nghĩa lại không có người cha hay người mẹ.
Sự ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo không còn là chuyện hiếm hoi - rõ ràng cần có trả lời cho những câu hỏi trên.
Do nhu cầu và quyền được biết của con cái nên đã tìm cách giải thích về nguồn gốc của mình, nhiều người đã sinh ra từ ống nghiệm, nay họ cùng lập ra nhiều trang web, trong đó có trang web gọi là Donor Sibling Registry.
Ai muốn biết về cha sinh học hoặc mình có anh chị em cùng cha khác mẹ hay không, có thể tham gia vào trang web.
Kể từ khi mở trang web này, bà Wendy và Ryan đã giúp cho hàng ngàn người sinh ra từ cùng một người cha sinh học tìm đến với nhau, và trong một số trường hợp họ gặp được cả người cha đó nữa.
Một trong những người tìm được em cùng cha sinh học của mình chính là Ryan, bà Wendy kể trong một tiểu luận trên mạng: Không có bút mực nào tả xiết cảm xúc của mọi người. Bà Wendy kể tiếp:
Chưa đến điểm hẹn trong Central Park thì chúng tôi đã nhận ra nhau rồi. Cứ như là đã biết nhau từ lâu.
Tôi bật khóc khi nhìn thấy nét mặt rạng rỡ của Ryan và Anna. Chúng là anh em không thể chối cãi. Chúng có nhiều nét giống nhau lắm. Chúng tôi vô cùng biết ơn cha mẹ của Anna vì đã không giấu con và giúp nó tìm ra Ryan. Hai gia đình hàn huyên không rời nhau suốt hai ngày. Chưa gặp nhau bao giờ nhưng đã cảm thấy là trong gia đình. Cái cảm giác tìm hiểu về gia đình của mình mới lạ làm sao.
Riêng tại Hoa Kỳ, hàng năm có hơn 30.000 trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Website của bà Wendy và Ryan nay có trên 21.000 người đăng ký, cha mẹ, bọn trẻ, và cả những người đã hiến tặng tinh trùng.
Họ sống mọi nơi trên thế giới và có chừng 5.500 người tìm được những liên hệ máu mủ của mình.
Về khía cạnh xã hội học, có hai trường phái ở đây khi nói về nhu cầu, hoặc quyền tìm biết nguồn gốc di truyền. Có cha mẹ không hề cho con cái biết nhưng càng ngày càng có nhiều người hành xử như mẹ của Ryan và mẹ của Anna – họ đi tìm nguồn gốc và nói cho chúng biết sự thật.
Vấn đề không còn là tiếng báo động tại các cuộc điều trần, đó là chúng ta không biết nhiều về những nguy cơ của việc hiến trứng, hiến tinh trùng, và thúc giục nhà chức trách cần phải can thiệp trong sự thoái thác trách nhiệm khi chưa tìm lối ra trên nền tảng của các cấu trúc cho loại xã hội mới này.
Hiện nay đa phần tại các nước không có luật lệ gì rõ ràng trong việc hiến tặng tinh trùng nên các ngân hàng tinh trùng có thể bán tinh trùng của một người cho nhiều phụ nữ.
Điều đó có nghĩa có những người đàn ông đã giúp thụ thai hàng chục, hàng trăm, hằng hà sa số các đứa trẻ mà không biết.
Thống kê của website Donor Sibling Registry cho thấy có 46 đứa trẻ có cùng một cha sinh học và đó chỉ mới là những đứa trẻ có đăng ký mà thôi.
Thường thì người hiến tặng tinh trùng không muốn tiết lộ danh tính. Cha của những đứa bé ra đời bằng tinh trùng của họ chỉ mang một bí số.
Vấn đề cũng thật vô nghĩa khi những người lập luận cho dù người hiến tặng có muốn để lại danh tính và sẵn sàng gặp những đứa con chưa từng biết này thì cũng khó mà có được quan hệ có ý nghĩa giữa hai bên.
Tại một số nước, như ở Anh, nay luật buộc người hiến tặng tinh trùng phải tiết lộ danh tính.
Vấn đề cũng không phải là sự lựa chọn của mỗi người để có tìm gặp cha, mẹ hoặc anh chị em sinh học của mình hay không, nhưng sự việc là thiết lập mối quan hệ mới trong cộng đồng nhân loại khi mọi định nghĩa về gia đình, quan hệ thân tộc đều phải thay đổi trong thời đại: công nghệ phục vụ con người, và ngược lại, con người bị tác động trở lại một cách mạnh mẽ có thể đưa đến sự biến đổi hẳn về chất để đi đến một nền văn minh dựa trên một nền tảng cùng đạo đức phù hợp với tinh thần nhân bản hoàn toàn khác trước nay.
Thật vậy, chúng ta đang ở trên nền tảng của một nền văn minh mới, thế nhưng mọi hành xử trong cách thế giải quyết của con người đều trên nền tảng của cái cũ, đó chính là lý do mới sinh ra mọi sự rối tung lên trong sự chuyển tiếp qua một nền văn minh khác. Một thực tế nhà không cần phải có trụ cột, một nền nông nghiệp không cần đất đai, con không cần phải cái, danh từ cha, mẹ, con cháu, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại… sẽ dần biến mất. Nhưng sẽ vẫn mãi còn đó con người – một hữu thể trong tương quan với và mọi quan hệ được xác định lại trong một trật tự mới.
Nguyễn Quang